headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tám quyển sách quý - QUYỂN 5 : NGŨ ĐÌNH TÂM QUÁN - QUÁN SỔ TỨC

toathienHT Thích Thiện Hoa

 LỜI NÓI ĐẦU

Tập Ngũ Đình Tâm Quán này gồm có năm bài giảng trong tập Phật học Phổ Thông khóa thứ VI do Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt biên soạn và đã được sửa chữa lại rất hoàn bị trong kỳ tái bản năm 1962. Nhận thấy những bài giảng này đã được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng công phu, trình bày một cách sáng sủa, rành mạch, rất bổ ích cho những độc giả muốn tìm hiểu giáo lý Phật đà và nhất là cho những tín đồ chân chính muốn thực hiện các pháp tu quán, nên chúng tôi đã trích riêng ra năm bài giảng về "Ngũ Đình Tâm Quán" này để cống hiến quý vị độc giả thân kính. 

 

Ngũ đình tâm quán là năm pháp quán tưởng để dừng vọng tâm. 

Vọng tâm là căn bệnh chính làm cho con người sinh ra phiền não, khổ đau. Nó thúc đẩy người ta chạy theo ngũ dục, nó che mờ lương tri, làm cho cái tâm vốn sáng suốt, trở nên tối tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở. 

Muốn sự nhận định được sáng suốt, muốn cho tâm ta đừng đuổi theo ngũ dục mà bị phiền não khổ đau, ta phải tìm phương pháp chận đứng vọng tâm. Một trong những phương pháp chận dứng vọng tâm là quán tưởng. Quán là dùng trí huệ quán sát, phân tích hay suy nghiệm để tìm ra sự thật. Có năm pháp quán để chận đứng vọng tâm, để đối trị năm chứng bệnh chính của tâm hồn chúng ta là:

 

  1. Quán sổ tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí.

  2. Quán bất tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục.

  3. Quán từ bi, để đối trị lòng sân hận.

  4. Quán nhân duyên, để đối trị lòng si mê.

  5. Quán giới phân biệt, để đối trị chấp ngã.

 

BÀI THỨ NHẤT  - QUÁN SỔ TỨC 

 

Bất luận trong công việc gì, sự định tĩnh của tâm trí là một yếu tố chính yếu để thành công. Nhất là công việc tu hành sự định tĩnh tâm thần lại càng quan trọng hơn nữa. Người tu hành mà tâm trí luôn luôn tán loạn học trước quên sau, học sau quên trước, tư tưởng thiếu tập trung, thì dù có khổ công tu tập, cũng khó được kết quả khả quan, vì thế trong phần nhiều các tôn giáo, người ta thường có những phút "lắng lòng", tập trung tư tưởng vào bên trong để khám phá nội tâm và soi sáng lẽ đạo. Riêng về đạo Phật thì có những phép quán tưởng hay thiền định, chúng ta sẽ tìm hiểu trong các kinh sách nói về thiền định. 

Hôm nay chúng tôi xin đề cập đến một vài phương pháp trong Ngũ đình tâm quán 
mà phép quán đầu tiên là Sổ tức quán. Sở dĩ chúng tôi để bài quán Sổ tức này trước là vì khi đi sâu vào các pháp quán thiền giả trước tiên, phải biết quán là gì? Quán như thế nào, và phải có một tâm trí định tình không tán loạn. Muốn được thế, trước tiên phải tập quán Sổ tức. Khi quán Sổ tức đã thuần phục rồi, thì các thứ quán sau mới dễ có kết quả, nghĩa là mới có thể trừ diệt dần các tâm bệnh: tham, sân, si mạn. 

Quán Sổ tức là đếm hơi thở. Quán là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để hơi thở ra vào của mình, mà mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn.

 

 I.- VÌ SAO PHẢI ĐÌNH CHỈ TÂM TÁN LOẠN

 

Tâm trí chúng ta bị muôn việc ở đời chi phối, khi vui khi buồn, khi lo việc này, khi suy nghĩ chuyện khác, khi mừng khi giận, khi thương khi ghét, không bao giờ được định tĩnh. Dù cho ta có ngồi yên một chỗ, khoanh tay lại, tâm trí chúng ta cũng không dừng nghỉ, mà vẫn sống với đời sống lăng xăng rộn ràng của nó. Bao nhiêu hình ảnh phức tạp như một cuốn phim hiện lên trên màn ảnh của trí óc; và mỗi hình ảnh như thế lại mang theo nó một cảm tưởng vui buồn thương ghét, cho nên khi ta ngồi yên, chỉ là để cho thân xác được yên nghỉ, chứ còn tinh thần thì vẫn hoạt động, có nhiều khi lại hoạt động nhiều hơn cả lúc làm việc. Hầu hết chúng ta đều khổ tâm, bực tức về sự hoạt động lỗi thời ấy của tâm trí chúng ta: Không muốn nhớ nữa mà vẫn cứ nhớ, không muốn thương nữa mà vẫn cứ thương, không muốn giận nữa mà vẫn cứ giận. Làm chủ thể xác đã là khó, mà làm chủ tinh thần lại càng khó hơn. Nhất là trong thế giới máy móc, phức tạp ngày nay, một thế giới đầy màu sắc rộn ràng, âm thanh chát chúa, hình ảnh kỳ dị một thế giới cuồng loạn trong ấy, trí óc không mạnh mẽ vững vàng thì rất dễ bị rối loạn. Vì thế, theo các bản thống kê của các nhà bác học, số người mắc bệnh điên mỗi ngày mỗi nhiều trong thế giới ngày nay. 

Riêng trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng ta cũng nhận thấy có nhiều người học hành chẳng nhớ, gặp việc hay quên, niệm Phật không thành công, tham thiền quán tưởng chẳng kết quả, đều do sự tán loạn của tâm trí mà ra. 

Vậy, muốn học hành mau nhớ, gặp việc không quên, niệm Phật được nhất tâm bất loạn, tham thiền quán tưởng được thành tựu, điều cốt yếu là phải làm sao cho tâm trí được yên định. 

Vì sao tâm trí được yên định, thì dễ đạt được những kết quả như trên? Ta hãy lấy một thí dụ thông thường mà nhiều người đã kinh nghiệm: Khi ta học một bài thuộc lòng hay làm một bài toán vào lúc hoàng hôn hay giữa cảnh náo nhiệt, thì ta thấy vất vả khó khăn vô cùng, vì suốt ngày tâm ta đã mệt mỏi tính toán lăng xăng, phân tán theo trần cảnh. Trái lại, cũng một bài học đó, hay bài toán đó, mà trong buổi khuya thanh vắng, một mình một bóng với ngọn đèn, thì ta lại học bài rất mau thuộc, làm bài rất mau xong, tâm tánh ta hình như thông minh sáng suốt phi thường. Vì sao vậy? Vì buổi khuya mới thức dậy, tâm trí ta yên tịnh, chưa bị trần cảnh chi phối. 

Ta có thể làm một thí dụ thứ hai nữa để vấn đề càng thêm sáng tỏ: Một cây đèn dầu, mặc dù rất lớn ngọn, nhưng khi thắp lên bị gió từ phía đàn áp phải lung lay, leo lét khi mờ khi tỏ, có nhiều khi gần muốn tắt. Một ngọn đèn như thế chỉ làm hao dầu rất nhiều, chứ không thể soi sáng được gì hết. Nhưng khi chúng ta lấy ống khói chụp lại, gió không đánh bạt được nữa, ngọn đèn đứng thẳng và tỏa ánh sáng khắp gần xa, chiếu phá được một vùng bóng tối trong đêm trường. 

Cũng như ngọn đèn bị gió bạt kia, tâm hành giả bị bát phong xuy động, thất tình lục dục chi phối, lục trần bủa vây làm cho tán loạn, không soi sáng được gì cả. Vậy hành giả, muốn cho tâm được minh mẫn thì phải đừng cho nó tán loạn, nghĩa là phải định tâm, định càng thâm thì tâm càng tỏ, như ngọn đèn càng đứng lặng, thì ánh sáng càng tỏa. Phật dạy: "Tâm có định mới phát sinh trí huệ, có trí huệ mới páh trự được vô minh để minh tâm kiến tánh". Sở dĩ, các vị Thánh hiền được biết nhiều quá khứ vị lai và có nhiều điều thần diệu, đều do tâm đã định mà phát minh trí huệ sáng suốt, nên mới được như thế. Nên kinh chép: "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biến", nghĩa là ngăn vọng tâm lại được một chỗ, thì không việc gì chẳng thành tựu. Hành giả muốn cho tâm mình hết tán loạn, được yên định, thì phải tu phép quán Sổ tức, một phép quán rất dễ thật hành và rất kiến hiệu, ai cũng có thể làm được.

 

 II.- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI QUÁN SỔ TỨC

 

Trước khi quán Sổ tức cần phải theo đúng những điều sau đây: 

1-. Thức ăn: 

Phải ăn những thức ăn hợp với cơ thể của mình. Nếu ăn đồ nóng nẩy quá, thì than thể sẽ bị bức rức, tâm sanh loạn động. Trái lại, nếu ăn những vật sanh lãnh, không tiêu hóa được, thì thân thể sẽ nặng nề, lừ đừ dễ sanh buồn ngủ. 

2.- Ðồ mặc: 

Phải ăn mặc cho hợp thời tiết. Khi trời nực, mặc đồ mỏng, khi trời lạnh, mặc đồ ấm. Nếu trái lại thân thể mất sự điều hòa, thì pháp tu khó có hiệu quả. 

3.- Chỗ ở: 

Phải ở chỗ thanh vắng, thì sự tu quán mới mau được thành công. Nếu ở chỗ ồn ào, đối với người mới tu, không khỏi bị loạn động. 

4.- Thời giờ tu: 

Nên lựa những giờ thanh vắng, như 10 giờ đêm, hay 4 giờ khuya. Nếu ở thành thị thì lựa giờ nào gia đình ngủ hết, chug quanh bớt tiếng động. 

5.- Tắm rửa: 

Thân thể phải thường tắm rửa sạch sẽ, để khỏi ngứa ngáy bức rức trong người. 

6.- Cách thức ngồi: 

Phải ngồi kiết già (hai chân tréo xếp lại gọn, thúc vào bắp vế cho sát), hoặc ngồi bán già (chân mặt tréo lên chân trái hay chân trái tréo lên chân mặt, thúc sát vào vế cho gọn gàng). Cách ngồi nầy đầu tiên chưa quen, không sao khỏi bị tê chân (chỉ tê chân khi đang ngồi thôi); qua thời gian hết tê rồi thì đau mỏi cả hai chân. Khi hết đau mỏi, về sau ngồi bao lâu cũng được. 

7.- Lưng: 

Lưng phải ngồi thẳng như vách tường, để cho các khớp xương sống ăn chịu đều nhau, như thế ngồi mới lâu được. Hành giả nên xem tấm vách tường kia, nhờ nó đứng thẳng, các viên gạch ăn chịu đồng đều, nên mới đứng lâu được, nếu hơi nghiêng, cố nhiên nó phải ngã. 

8.- Hai tay: 

Hai cánh tay vòng xuôi xuống, hai Bàn tay để trên hai chân, tay mặc gác lên tay trái, cách thức như Phật ngồi (xem hình đức Trung Tôn ngồi trong mỗi chùa). 

9.- Cổ và đầu: 

Cổ phải thẳng, đầu hơi ngã tới, hai mắt chỉ mở một phần tư (nếu mở mắt lớn thì tâm dễ bị loạn động, còn nhắm lại thì sanh hôn trầm).

 

 

 

VI.- PHƯƠNG PHÁP SỔ TỨC

 

Khi đã ngồi yên ổn đúng với như cách thức đã nói trên, hành giả bắt đầu đếm hơi thở. Trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những trược khí, uất kiết, nặng nề trong người đều tuôn ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí mát mẻ, trong sạch của thiên nhiên. 

Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "Những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hời thở thấm vào bủa khắp thân tâm". 

Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, không dài không ngắn, không mau không chậm, phải thở nhẹ nhàng như hơi rùa thở. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, hoặc bị uất kiết, có khi lại sanh ra giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thư thới khỏe khoắn. 

Từ đây mới bắt đầu đếm hơi thở. Phương pháp đếm hơi thở có bốn cách như sau: 

1.- Ðếm hơi lẻ: 

Nghĩa là thở hơi ra đếm một, thở hơi vô đếm hai, thở hơi ra đếm ba, thở hơi vô đếm bốn, đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ, một giờ hay hai giờ tùy ý. 

2.- Ðếm hơi chẵn: 

Nghĩa là thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười lại, mãi như thế cho đến nghỉ. 

Phương pháp đếm hơi chẳn này rất thông dụng, xưa nay người ta vẫn thường dùng, và đếm hơi thở ra dễ hơn, khỏi bịnh tồn khí (chứa hơi lại trong phổi). 

3.- Ðếm thuận: 

Nghĩa là đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được , những tuần tự từ một đến mười. 

4.- Ðếm nghịch: 

Nghĩa là cũng dùng hai cách đếm trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một. 

Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.

 

VI.- NHỮNG ĐIỀU LẦM LỘN THƯỜNG XẢY RA KHI ĐẾM HƠI THỞ

 

Những điều lầm lộn mà hành giả thường mắc phải trong khi mới bắt đầu tu phép Sổ tức là: 

1.- Tăng: 

Nghĩa là thở ít mà đếm nhiều, đếm nhảy vọt, như ba liền đếm đến năm, hoặc mới năm liền nhảy lên đếm tám... 

2.- Giảm: 

Nghĩa là thở nhiều mà đếm ít, đếm thụt lùi, như đến bốn rồi lại đếm ba, hay bảy rồi lại đếm sáu v.v.. 

3.- Vô ký: 

Nghĩa là không nhớ rõ mình đã đếm đến số mấy rồi. 

Mỗi khi lầm lộn như thế, phải bắt đầu đếm lại. Phải tập cho đến khi nào không còn mắc phải những lầm lộn nói trên, thì tâm trí mới được yên tịnh. 

Quán Sổ tức là một phương pháp đối trị tâm tán loạn rất hiệu nghiệm và rất thông dụng trong các môn phái của Phật giáo, từ Tiểu Thừa cho đến Ðại Thừa, từ các nước Á Châu đến Tây phương. Nhất là trong các giới Phật tử Nhật Bản và Âu châu, pháp quán này rất được thịnh hành. Người tu hành áp dụng pháp quán này thì tâm hết tán loạn niệm Phật mau được "nhất tâm bất loạn" tham thiền quán tưởng mau được thành công. 

Không những kẻ tu hành, người thế gian cũng nên theo pháp quán này, thì thân thể sẽ được khỏe mạnh, tinh thần sẽ được yên tịnh thư thới, trí tuệ lại sáng suốt, học hành mau nhớ, suy tính, phán đoán công việc làm ăn được mau lẹ và thông minh. 

Những trong mọi công việc gì cũng vậy, muốn thành công, tất phải kiên nhẫn bền chí. Phương pháp dù hay đẹp bao nhiêu mà thiếu chuyên tâm trì chí, thì cũng không đưa đến kết quả khả quan nào cả. Chúng ta hãy xem người lái đò chèo ngược nước kia, nếu chèo được năm bảy mái chèo lại buông tay ngồi nghỉ, thì không những chẳng đi tới được bến bờ đã định, mà còn thụt lùi còn rất xa nữa. Cổ nhân cũng dạy: "Giả sử có một thứ giống gì dễ trồng, mà một ngày nắng, mười ngày lạnh, thì giống đó cũng khó sinh". Vậy hành giả đừng nên thấy phép quán này dễ mà khinh lờn, giãi đãi, tu một ngày nghỉ mười ngày, làm như thế tất nhiên không bao giờ được thành công. 

Ngoài sự chuyên cần, hành giả còn phải theo đúng lời chỉ dẫn trên này, áp dụng đúng phương pháp thì mới được kết quả mỹ mãn. 

Là Phật tử, phải thực hành pháp môn Sổ tức này để cho tâm trí hết tán loạn, trí huệ dễ phát sinh, vô minh chấm dứt và trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình. 

Nói một cách thiết thực hơn nữa, nếu muốn tu các pháp quán trong "Ngũ đình tâm quán ", mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài sau, trước tiên phải tập quán cho thuần thục phép Sổ tức này. Nếu quán này chưa thành công, nghĩa là tâm đang còn tán loạn, mà đã vội quán những pháp khác, như "Bất tịnh quán, Từ bi quán" v.v... thì chẳng khác chi xây lầu trên cát, thế nào cũng sẽ bị sụp đổ.


 

[ Quay lại ]