headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phật học phổ thông: Khóa IV: Tinh Tấn Ba La Mật

tinhtanbalamat- HT Thích Thiện Hoa -

A. Mở Ðề

Ngạn ngữ ta có câu: “Ăn không lo, của kho cũng hết”. Thực vậy, dù tiền rừng bạc biển mà ăn rồi ngồi không, thì cơ nghiệp cũng có ngày tiêu tan. Ðôí với người giàu, lười biếng còn như thế, huống hồ đối với người nghèo túng, thì lười biếng là một chứng bệnh rất nguy hiểm…

Người làm ruộng không siêng năng cày cấy, bón phân tát nước, thức khuya dậy sớm, lo lắng mọi việc, thì đến mùa lúa, chắc chắn sẽ bị thất bại, thiếu trước hụt sau, nợ nần vây kéo, cả năm buồn bả.

Anh thợ máy hay chị thợ may không siêng năng với nghề nghiệp, lười biếng ăn chơi mãn tháng suốt năm, vì tiền bạc không dư nên phải vất vả, đến khi đau ốm lại càng khổ vô cùng.

Người đi buôn bán, không siêng năng thức khuya dậy sớm, mua tảo bán tần, thì phải bị lỗ lã, thâm thủng nhiều ngày, mang công mắc nợ, nên phải sang tiệm thế đồ, gia tài khánh kiệt.

Trong đạo Phật cũng vậy, lười biếng là một cái tội. Người học đạo không tinh tấn thức khuya dậy sớm tham thiền, quán tưởng, niệm Phật tụng kinh, không lo hoằng dương chánh pháp, cứ biếng nhác qua ngày, tiêu pha của đàn na tí chủ; như thế mình đã không tự độ, thì làm sao đột ha được ! Hiện tại không có lợi ích gì cho đạo, sau khi chết phải trả nợ cho đàn na thí chủ. Nói chung lại, người lười biếng dù ở ngoài đời hay trong đạo, dù làm việc gì cũng không thành công.

Muốn tránh những điều tai hại trên, ta phải tu pháp Tinh tấn Ba la mật.

B. Chánh Ðề

I. Ðịnh Nghĩa

“Tinh” là tinh chuyên (ròng rặt) một việc không có xen tạp. “Tấn” là tiến tới mãi mãi không dừng, không gián đoạn hay thối lui.

Hai chữ tinh tấn nói theo nghĩa thông thường là siêng năng chuyên cần; theo Duy thức học, thì tinh tấn là món trong mười một món thiện tâm sở, không phải thuộc về phần tội ác. Bởi vậy, người siêng năng làm những điều sai quấy như siêng năng đào đường khoét vách, cờ bạc rượu chè thì không phải là tinh tấn, mà duy thức học gọi là “phóng dật” (buông lung)

II. Thành Phần Của Tinh Tấn Ba La Mật

a) Tinh tấn ngăn các điều ác đừng sanh. Nghĩa là các điều ác, từ trước đến giờ mình chưa làm đến, thì từ nay về sau cũng phải tinh tấn đừng cho nó phát sinh. Thí dụ như từ hồi nào đến giờ, ta không hề sát sinh hại vật, trộm cướp gian giảo, trêu hao ghẹo nguyệt, nói lời dối trá hung ác và cờ bạc rượu chè v.v…thì từ đây về sau ta cũng phải tinh tấn thêm lên, cố gắng giữ gìn cho đừng sanh khởi.

b) Tinh tấn diệt cho mau các điều ác đã sanh. Nghĩa là các điều ác mà mình đã lỡ làm rồi, thì phải tinh tấn diệt trừ cho mau, thí dụ như ta lỡ tạo những tội ác tham lam trộm cướp, đa mê sắc dục, giận dữ kiêu căng, thì nay ta phải tinh tấn đừng cho nó tăng trưởng thêm nữa, mà trái lại phải diệt trừ cho chóng.

c) Tinh tấn làm cho các điều lành phát sinh. Nghĩa là từ trước đến nay có những điều lành ta chưa thực hiện được, thì nay ta phải tinh tấn để cho nó phát hiện ra trong hành động. Thí dụ, lâu nay ta chưa làm những việc thiện xã hội, bỏ công bỏ của ra giúp người nghèo đói tật nguyền, hay ta chưa quy y thọ giới, ăn chay niệm Phật, học đạo nghe kinh v.v…thì từ ngày hôm nay ta phải tinh tấn làm cho các điều lành này được phát sanh.

d) Tinh tấn làm cho các điều lành tăng trưởng. Nghĩa là các điều lành đã được phát sanh rồi, nay ta phải tinh tấn làm cho nó tăng trưởng hơn nữa, hay ta đã quy y rồi, bây giờ phải tinh tấn phát nguyện trì giới. Nếu ta đã thọ Ngũ Giới rồi, bây giờ phải tinh tấn tu Bát quan trai…Tóm lại, tất cả việc lành từ ngoài đời cho đến trong đạo, mình đã làm thì phải tinh tấn làm sao cho mỗi ngày được phát triển.

IV. Phải Tinh Tấn Như Thế Nào Mới Ðúng Chánh Pháp ?

Tinh tấn, cũng như bố thí và trì giới, đều có hai phương diện:

a) Tinh tấn có chấp tướng. Có người trước mặt mọi người, thì rất tinh tấn, lăng xăng làm việc này việc khác, tỏ ra cần mẫn chăm chỉ để được tiếng khen, nhưng khi không ai nhòm ngó, thì lại rất giãi đãi. Có người vì sợ người trên la rầy, quở phạt mà tinh tấn; nhưng khi được tự do, không ai kiểm soát thì lại buông lung. Có người tinh tấn với một tâm lý háo thắng, quyết hơn người để tự cao tự đại.

Tinh tấn với một dụng tâm không trong sạch, như vì danh, vì lợi, vì sự kiêu căng v.v…đều là tinh tấn chấp tướng, không đúng là tinh tấn Ba la mật.

b) Tinh tấn không chấp tướng. Tinh tấn không chấp tướng tức là tinh tấn một cách chân thành, không vì dục vọng mà chính vì mình nhiều tội lỗi, nên quyết tâm sửa chữa, thấy mình cần giải thoát ra khỏi luân hồi, nên phải gấp rút chuyên cần tu luyện. Người tinh tấn không chấp tướng thì dù ở giữa đám đông người hay ở một mình, dù có người nhắc nhở kiểm soát hay không ,dù đạt được quả vị cao hay thấp v.v…cũng không bao giờ thay đổi ý chí và thái độ quyết tiến của mình, ma mục đích là giải thoát mình và người ra khỏi cảnh khổ sanh tử luân hồi.

IV. Công Ðức Của Tinh Tấn Ba La Mật

Trong tất cả sự nghiệp, vĩ đại ở đời, hay kết quả vẻ vang trong đạo, cái bí quyết duy nhất để thành công là pháp tinh tấn. Tinh tấn như là chất dầu xăng làm cho chiếc xe hơi chạy. Ðộng cơ dù tốt, người lái dù giỏi, con đường dù bằng phẳng, mục đích dù gần, mà không dầu xăng thì chiếc xe vẫn ở nguyên một chỗ.

Cho nên câu nói cuối cùng của đức Phật Thích Ca với các Ðệ tử trước khi nhập diệt là: “Hỡi các người, hãy tinh tấn lên để giải thoát”. Người thọ trì Tam quy, tinh tấn giữ năm giới và làm các điều phước thiện, thì sẽ được sanh lại làm nhân đạo, phúc thọ song toàn. Người tinh tấn tu Thập thiện và tu Tứ thiền, Bát định, thì sẽ sanh về cõi Trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người thấy các khổ cảnh sanh lòng nhàm chán cảnh đời, quyết tâm dứt trừ các phiền não, tinh tấn tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, kết quả sẽ chứng được bốn quả Thanh van. Người quán thấy mười hai nhân duyên là nguồn gốc của nhiều kiếp sanh tử luân hồi, tinh tấn tu hành, quyết đoạn trừ mười hai nhân duyên, sẽ thành quả Duyên giác. Các vị Bồ Tát, xứng theo tự tánh vô tham của mình, tinh tấn tu pháp bố thí ba la mật; xứng theo tự tánh vô sân, tinh tấn tu pháp nhẫn nhục ba la mật; xứng theo tự tánh vô si, tinh tấn tu pháp trì giới ba la mật; xứng theo tự tánh tịch tịnh, tinh tấn tu pháp tu pháp thiền định ba la mật…Tóm lại, các vị Bồ Tát trong khi tu, vì xứng với thể tánh chân tâm của mình mà tu pháp lục độ, không chấp ở nơi ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, không thấy mình có, có người, có năng sở, bỉ thử, thì khi nhân hạnh Bồ Tát được viên mãn, sẽ thành quả Phật.

Xem thế đủ biết công đức của tinh tấn lớn lao biết chừng nào. Tu pháp môn nào cũng vậy, hễ có tinh tấn mới có hiệu quả, không tinh tấn thì hoàn toàn thất bại.

C. Kết Luận

Giá trị và lợi ích của tinh tấn không thể nghĩ bàn, vậy trong khi làm việc đời cũng như việc đạo, chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn đức tinh tấn, như người tài xế chuẩn bị xăng nhớt, trước khi làm những cuộc hành trình xa xôi. Nếu chúng ta không luyện được đức tinh tấn, không chiến thắng được tánh giải đãi, buông lung thì chúng ta hãy cân nhắc rằng, công việc mà chúng ta sắp làm sẽ hoàn toàn thất bại. Công việc tu hành, đi từ bờ mê đến bến ngộ, đường dài muôn trùng vạn dặm, trải qua bão táp mưa sa, nếu không có được đức tinh tấn, như các bùa hộ mệnh và bí quyết tiến thủ, thì chúng ta chỉ quanh quẩn mãi trong biển sanh tử luân hồi.

Một lần nữa, hãy nghe lời đức Bổn sư dạy còn văng vẳng bên tai: “Hỡi các người! Hãy tinh tấn lên để giải thoát”.

 

[ Quay lại ]