headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Giới thiệu - Kỷ yếu 40 năm Thiền viện Thường Chiếu

kyyeu40namtcCách đây 15 năm, tập Kỷ yếu đầu tiên của Thường Chiếu ra đời, đánh dấu một chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của thiền viện, dưới sự lãnh đạo tài đức vẹn toàn của Hòa thượng Ân sư, Thường Chiếu dần dần chắc khỏe và tráng kiện với sức sống trẻ của thiền tăng bấy giờ. Hồi ấy Thầy quắc thước mạnh mẽ, đa đoan nhiều Phật sự nhưng thần thái vẫn ung dung cao nhàn, còn tôi và chư tăng thì cứ y theo sự chỉ dạy của ngài, một dạ vâng làm.

THƯỜNG CHIẾU HÔM NAY

-THÍCH NHẬT QUANG-

tinhthaytro

Trước tiên, hướng về Hòa thượng Ân sư, con xin thắp hương đảnh lễ mười phương đấng Điều ngự, nguyện từ lực Tam bảo phù trì cho Thầy luôn an tường, trí tuệ viên mãn, Thầy sống lâu nơi đời, làm ngọn hải đăng cho chúng con và chúng sanh trên bước đường tìm về bến giác. Nương từ lực Thầy, chúng con cùng nhau tiến tu, thừa hành các Phật sự do Thầy giao phó. Công đức có được dâng lên cúng dường Ân sư, nguyện đời đời kết chủng trí tuệ, thành tựu Phật đạo, rộng độ chúng nhân.

Thường Chiếu 40 năm Thầy nuôi dưỡng từng ngày. Chúng con thở từng hơi thở của Thầy, lớn lên theo từng sợi tóc bạc màu năm tháng đi sớm về trưa của Thầy, suốt đời tận tụy vì chúng con. Hôm nay nơi đây trở thành đạo tràng lớn, là trung tâm giáo hóa thiền tông Việt Nam thế kỷ 21 của Ân sư, nhưng tất cả đối với Thầy cũng chỉ là một hạt cát dưới đáy mắt thiền tăng mà thôi.

Song mà, để làm tiêu bảng cho người sau noi theo, đồng thời cũng đánh dấu những chặng đường lịch sử thiền tông nước Việt qua các thời kỳ, chúng con đành quên phận mình kém cỏi, tạm múa bút khua môi vẽ lại những đường nét tinh khôi, mà cả đời Thầy đã dày công tạo dựng, mở ra một chân trời tịnh thanh cho khách hữu duyên đến với thiền tông. Chút nhân duyên nhỏ bé này, hy vọng anh em chúng con nương theo đó nhớ về cội nguồn, nhớ về tâm hạnh cao vời của Ân sư mà nỗ lực tiến tu, ngõ hầu đền đáp phần nào ân đức của Thầy trong muôn một. Việc làm này có điều chi sai sót, hoặc không đúng với tôn ý của Thầy, cúi xin Ân sư rộng lòng tha thứ chứng tri cho chúng con.

***

Cách đây 15 năm, tập Kỷ yếu đầu tiên của Thường Chiếu ra đời, đánh dấu một chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của thiền viện, dưới sự lãnh đạo tài đức vẹn toàn của Hòa thượng Ân sư, Thường Chiếu dần dần chắc khỏe và tráng kiện với sức sống trẻ của thiền tăng bấy giờ. Hồi ấy Thầy quắc thước mạnh mẽ, đa đoan nhiều Phật sự nhưng thần thái vẫn ung dung cao nhàn, còn tôi và chư tăng thì cứ y theo sự chỉ dạy của ngài, một dạ vâng làm.

Nghiệm lại quãng đời tu học của mình, tôi cảm nhận một điều rất rõ ràng: Cứ mỗi lần bị bế tắc hay làm được chút việc gì, tôi lại nhớ đến Thầy. Dường như Hòa thượng Ân sư lúc nào cũng luôn ở trong lòng, soi sáng, che chở, hộ niệm cho tôi trong mọi Phật sự. Trước khi gặp Thầy, tôi là gã cùng tử, nếu không lang thang khắp phố thị kinh kỳ thì cũng dong ruổi ngược xuôi tận cùng về những miền ký ức xa xôi. Thầy đã đến và đưa tôi ra khỏi màn đêm tăm tối, trở về vùng ánh sáng.

Nhân duyên Thầy trò quả là chiếc phao cứu tôi thoát khỏi biển nghiệp thức mênh mang. Tôi ngoan ngoãn vâng theo sự chỉ dạy của Thầy từ những ngày còn là học tăng rất trẻ tại học viện Huệ Nghiêm. Rồi thầy về núi, tôi cũng về núi. Thầy xuống núi, tôi lại xuống núi. Cứ như thế cái vòng nhân duyên lưu chuyển diệu kỳ, bây giờ tôi vẫn được hầu cận Ân sư như thuở nào. Có hôm nhìn lại giật mình, Thầy già tôi cũng già, chỉ cái tâm này là chẳng già bao giờ! Và Thường Chiếu vẫn luôn hiện hữu, trong đó có Thầy có Tăng Ni tứ chúng đồng tu, an ổn vui hòa, như chưa từng vắng thiếu bao giờ.

Tôi nhớ lắm,

Ngày mới xuống Thường Chiếu, mùi nắng khét lẹt những buổi trưa hè, thật là dễ đốt cháy tâm ban đầu của những ai chân không cứng đá không mềm. Anh em có mấy người mà đất cát bạt ngàn, đèn đuốc tối thui. Thuở ấy thiệt tình nắng gió là nhà, trăng sao là bạn, rau khoai đạm bạc qua ngày. Những gì học được trên núi, nào là hạo khí ngất trời, là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa, là chết không sợ v.v… cho đến bây giờ mới thực sự được đem ra áp dụng cho chư tăng. Anh em phải cạp đất mà ăn, mà sống, mà hạnh ngộ với chính mình, để tìm cho được một lối đi thông thống.

Hôm đưa tôi về đây, Hòa thượng nói: Chú có duyên với nơi này – Nhật Quang Thường Chiếu. Câu nói của Thầy vô hình chung đã trở thành giáo lệnh giúp tôi vượt qua chính mình và vượt qua những chặng đường khốn khó ban đầu. Tôi vâng lời Thầy trụ lại đây ngót 40 năm, không dám đi đâu cho dù có những lúc gặp không ít thử thách gian nan. Nguyện một lòng giữ vững tâm niệm tu thiền, cùng anh em kết duyên pháp lữ cho tới ngày thành Phật mới thôi. Thành quả này, tâm niệm này, tất cả đều từ công đức pháp hóa, huấn dục của Hòa thượng Ân sư mà nên.

Hôm nay, anh em có một số đã trưởng thành, biết nghĩ nhớ về cội nguồn, về những bậc Thầy, về Tổ tông của mình, tôi vui mừng tùy hỷ. Kỷ yếu 40 năm Thường Chiếu lần này, lại đánh dấu một đoạn đường nữa của Thường Chiếu. Đạo tràng tuấn nhã, điện đường trang nghiêm, tăng chúng đông đảo, tùng lâm thịnh sự… tất cả đều được hình thành theo công đức, nhân duyên phước báu, tâm lực trí lực của các bậc thầy và toàn thể đại chúng.

Thiền viện phát triển đến đỉnh cao về mặt hình thức, nhưng đó chưa phải là tin vui thật sự. Kiến tạo và phát huy được ngôi chùa tâm linh ở bên trong mỗi chúng ta, đó mới là đạo nghiệp chân chánh của người tu. Làm gì thì làm, anh em luôn nhớ tu là việc chính yếu của mình. Cương lĩnh của thiền phái Trúc Lâm từ xưa đến nay vẫn luôn là “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Ngoài ra, chư huynh đệ có còn khắc ghi lời Tổ Quy Sơn dạy ở trong lòng không, “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức.” Thường Chiếu xưa nay là như thế.

Đã đến lúc huynh đệ có thể thay chúng tôi gánh vác ít nhiều việc trong nhà. Tập quản trò lần lần, nhưng phải quản cho hay nghe. Phật pháp đã được học, bây giờ chỉ cần chúng ta thể hiện. Nên nhớ truyền đăng tục diệm là việc bổn phận trong tông môn. Tự lợi, lợi tha là con đường tất yếu mà một hành giả tu Phật nhất định phải hoàn thành. Tuy nhiên cần cúi đầu kỉnh thuận, khiêm tốn hạ thấp mình để được học hỏi, được đứng lên. Đừng như con ếch ngồi đáy giếng mà dõng dạc tuyên bố mặt trời chỉ bằng một cái tô! Học đạo cần phải khiêm hạ khẩn thiết, hành đạo cần phải bền chí vững lòng, sáng đạo cần phải xả kỷ vô tâm. Đây chính là những điểm then chốt của hành giả trên bước đường tầm đạo giác ngộ giải thoát.

Là người lái đò đưa khách sang sông, Hòa thượng Ân sư đã một thời lèo lái con thuyền Bát-nhã đưa Tăng Ni tứ chúng vượt sông mê hướng về bến giác. Con thuyền vẫn còn nhấp nhô giữa dòng và mái chèo từng khúc từng khúc được chuyển sang tay. Bây giờ đến lượt anh em rồi đó. Hãy căng bườm lên mà đi! Tập nhìn con nước lúc triều dâng, khúc sâu khúc cạn, chỗ xoáy chỗ không mà nhậm vận tùy duyên. Lại phải thường xuyên kiểm tra con thuyền của mình, xem có rò rỉ hư hỏng thì mau chóng chỉnh đốn sửa chữa, đừng để thuyền tâm lủng đáy, giữa dòng chìm ngập trong sóng thức vô minh. Giữ đạo tâm tu hành, giới luật tinh nghiêm, đừng cho gầy yếu. Người xưa nói biết mình biết người, trăm trận trăm thắng, bằng như một phút vong thân, chẳng lượng sức thì ba cõi sáu đường đồng mở ra.
Ngày xưa tôi đã viết mấy vần thơ tự thán, để cảnh tỉnh mình:

                        Lạc bước phong trần chẳng bao lâu,
                        Mà sao gió bụi bạc mái đầu,
                        Buông tay một phút cho thân thế,
                        Chợt đau thương bể hóa cồn dâu.
                        Biết tuồng dâu biển lắm đau thương,
                        Dặn lòng vui đạo giữ phận thường,
                        Thế nhưng một thoáng vương say mộng,
                        A rồi, sóng bủa ngất trùng dương.

Hành giả muốn đi trên con đường Phật đạo, Bồ-tát đạo phải học theo hạnh Phật, hạnh Bồ-tát mà đi. Đừng đi vào ma đạo. Ma đạo chính là tham ái si mê, danh lợi buộc ràng, mộng tưởng đảo điên. Chúng ta hãy tiếp nối, thực hiện cho trọn vẹn cho vững vàng sứ mệnh của người lái đò năm xưa, đưa chúng hữu tình rời bờ mê về bến giác.

Công đức của Hòa thượng Ân sư vô cùng to lớn, tâm hạnh của ngài lại càng to lớn hơn, chúng ta không thể để cho đạo nghiệp của Thầy tổ bị mai một. Dòng thiền nước Việt có còn hay không là ở thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Chư huynh đệ tại đây đều là pháp tử, pháp tôn của Hòa thượng Ân sư, ân pháp hóa của Ngài chúng ta đã nhận lãnh. Thọ ân lớn như thế nên phải nhắc nhở nhau cố gắng tu học cho thật xứng đáng là một hành giả trong tông môn.

Thường Chiếu 40 năm không quá ngắn để huynh đệ chúng ta vẫn cứ chôn chân trong cái kén vị kỷ riêng mình, cũng chẳng quá dài so với số kiếp a-tăng-kỳ cần khổ tu trì của một hành giả nguyện một lòng cầu đạo. Cho nên tất cả hãy cùng nhau dũng tiến, vui tiến, nhìn về phía trước mà tiến. Tiến về con đường giác ngộ giải thoát, tiến về Tổ ấn trùng quang, để muôn đời rạng rỡ dòng thiền non Yên nước Việt.

                        Chấp tay trân trọng,
                        Dâng lên bạn lứa anh em,

Xin ghé mắt xem qua chốc lát!

- 12/2013 -

[ Quay lại ]