headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẮC 2: TRIỆU CHÂU CHÍ ĐẠO VÔ NAN

LỜI DẪN: Càn khôn chật, mặt trời trăng sao đồng thời tối, dù cho gậy như mưa rơi, hét tựa sấm sét, cũng chưa đảm đang được việc hướng thượng trong Tông thừa. Giả sử chư Phật ba đời chỉ nên tự biết, lịch đại Tổ sư đồng đề chẳng lên, một Đại tạng kinh thuyên chú chẳng đến, Thiền tăng mắt sáng tự cứu chẳng xong, đến trong ấy làm sao thưa hỏi ? Nói một chữ Phật đã phết bùn dính nước, nói một chữ Thiền đã hổ thẹn đầy mặt. Bậc Thượng sĩ cửu tham chẳng đợi ngôn thuyết, hàng hậu học sơ cơ cần phải nghiên cứu.

CÔNG ÁN: Triệu Châu dạy chúng: Chí đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa, vừa có ngữ ngôn là chọn lựa là minh bạch. Lão tăng không ở trong minh bạch, các người lại tiếc giữ hay chăng ? Có vị Tăng hỏi: Đã chẳng ở trong minh bạch thì tiếc giữ cái gì ? Triệu Châu nói: Ta cũng chẳng biết. Tăng hỏi: Hòa thượng đã chẳng biết, vì sao nói chẳng ở trong minh bạch ? Triệu Châu bảo: Hỏi việc thì được, lễ bái rồi lui.

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Triệu Châu tầm thường cử thoại đầu này, chỉ tại “chỉ hiềm chọn lựa”. Chỗ này trong Tín Tâm Minh của Tam Tổ nói: “Chí đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa, chớ nên yêu ghét, rõ ràng minh bạch.” Vừa có phải quấy là chọn lựa là minh bạch, hiểu thế ấy là lầm qua rồi. Giảo đính giao niêm kham làm việc gì ? Triệu Châu nói là chọn lựa là minh bạch.

Người nay tham thiền hỏi đạo, chẳng ở trong chọn lựa là ngồi trong minh bạch. Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, các ông lại tiếc giữ hay không ? Đã chẳng ở trong minh bạch hãy nói Triệu Châu ở chỗ nào ? Vì sao lại bảo người tiếc giữ ? Ngũ Tổ tiên sư thường nói: “Duỗi tay khỏi ông, ông làm sao hiểu ?” Hãy nói thế nào là chỗ duỗi tay ? Hiểu lấy ý đầu lưỡi câu, chớ nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Câu hỏi của vị Tăng này quả là kỳ đặc, nắm Triệu Châu ở trong không liền tát, “đã chẳng ở trong minh bạch, tiếc giữ cái gì” ? Triệu Châu lại chẳng dùng gậy dùng hét, chỉ nói “ta cũng chẳng biết”. Nếu chẳng phải lão này, bị vị Tăng tát trúng liền quên trước mất sau, nhờ lão có chỗ chuyển thân tự tại, sở dĩ đáp được như thế. Thiền tăng ngày nay có hỏi đến cũng nói “ta chẳng biết, chẳng hiểu”, đây là đồng đường mà khác lối. Vị Tăng này có chỗ kỳ đặc mới biết hỏi: “Hòa thượng đã chẳng biết, tại sao nói chẳng ở trong minh bạch ?” Lại khéo tát một cái nữa. Nếu là kẻ khác thì quên hết đầu đuôi, Triệu Châu là bậc tác gia, chỉ nói với y: “Hỏi việc thì được, lễ bái rồi lui.” Vị Tăng này như trước không làm gì được lão ấy, chỉ đành nuốt hơi ngậm miệng.

Đây là bậc Đại Thủ Tông sư chẳng cho ông luận huyền, luận diệu, luận cơ, luận cảnh, một bề dùng việc bổn phận tiếp người. Vì thế nói đem mắng cho ông tiếp mồm, đem khạc nhổ cho ông tạt nước. Đâu không biết lão này bình sanh chẳng dùng gậy, hét tiếp người, chỉ dùng ngôn ngữ bình thường mà mọi người không làm gì được. Bởi vì lão bình sanh không có nhiều tính toán, cho nên nắm ngang dùng ngược, thuận hạnh nghịch hạnh được đại tự tại. Người nay chẳng hiểu được, chỉ nói Triệu Châu không đáp lời hỏi, chẳng vì người nói, thế là trước mặt lầm qua.

    TỤNG:           Chí đạo vô nan
                        Ngôn đoan ngữ đoan
                        Nhất hữu đa chủng
                        Nhị vô lưỡng ban
                        Thiên tế nhật thượng nguyệt hạ
                        Hạm tiền sơn thâm thủy hàn
                        Độc lâu thức tận hỉ hà lập
                        Khô mộc long ngâm tỏa vị càn.
                        Nan nan
                        Giản trạch minh bạch quân tự khan.

    DỊCH:           Chí đạo không khó
                        Lời đúng câu đúng
                        Một có nhiều thứ
                        Hai không hai ban
                        Bên trời, nhật lên nguyệt xuống      
                        Trước lam, nước lạnh núi sâu
                        Đầu lâu thức hết hỉ nào lập
                        Cây khô trổi nhạc xích (vòng xúc xích) chưa cùng
                        Khó khó
                        Chọn lựa minh bạch anh tự xem.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu biết chỗ rơi của Lão, nên tụng “chí đạo không khó”, theo sau liền nói “lời đúng câu đúng”. Dở một góc ba góc đều theo. Tuyết Đậu nói: “Một có nhiều thứ, hai không hai ban”, giống như ba góc trở lại một góc. Ông hãy nói chỗ nào là chỗ “lời đúng câu đúng” ? Tại sao một lại có nhiều thứ, hai lại không hai ban ? Nếu không có mắt sáng, nhằm chỗ nào dò tìm. Nếu thấu được hai câu này, cổ nhân nói đã thành một mảnh, như xưa thấy núi là núi, thấy nước là nước, dài là dài, ngắn là ngắn, trời là trời, đất là đất. Có khi gọi trời là đất, có khi gọi đất là trời, có khi gọi núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước.

Cứu kính làm sao được chỗ bình ổn ? Gió đến cây động, sóng nổi thuyền cao, xuân sanh hạ trưởng, thu thâu đông tàng. Một thứ tâm an lặng lẽ vắng bặt thì bốn câu tụng này hay tuyệt. Tuyết Đậu có thừa tài, cho nên phân chia, đúc kết, toán ra, chỉ là trên đầu để đầu, nói “chí đạo không khó, lời đúng câu đúng, một có nhiều thứ, hai không hai ban”.

Tuy không nhiều việc, mà bên trời, khi mặt trời mọc thì mặt trăng lặn, trước lam khi núi sâu thì nước lạnh. Đến trong ấy lời cũng đúng, câu cũng đúng, mỗi mỗi đều là đạo, vật vật toàn chân, há chẳng phải chỗ tâm cảnh đều quên, làm thành một mảnh ? Tuyết Đậu phần trước đội ngọn cô phong, phía sau ló đuôi chẳng ít. Nếu người tham được thấu, thấy được triệt, tự nhiên giống như thượng vị đề-hồ. Nếu người tình giải chưa quên liền thấy bảy hoa tám mảnh, quyết định không thể lãnh hội lời nói như thế.

Đến câu “đầu lâu thức hết hỉ nào lập, cây khô trỗi nhạc xích chưa cùng”, đây chỉ là chỗ qua lại thêm sáng tỏ, Tăng hỏi thế này, Triệu Châu đáp thế kia. Triệu Châu nói: Chí đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa, vừa có ngữ ngôn là chọn lựa là minh bạch. Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, các ông lại tiếc giữ hay không ? Có vị Tăng ra hỏi: Đã chẳng ở trong minh bạch lại tiếc giữ cái gì ? Triệu Châu đáp: Ta cũng chẳng biết. Tăng thưa: Hòa thượng đã chẳng biết, tại sao lại nói chẳng ở trong minh bạch ? Triệu Châu bảo: Hỏi việc thì được, lễ bái rồi lui. Đây là Công án của người xưa hỏi đạo. Tuyết Đậu lôi ra quán xuyến tụng ra “chí đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa”. Người nay chẳng hội ý cổ nhân, chỉ quản nuốt lời nhai câu, biết bao giờ liễu ngộ. Nếu là hàng tác gia thông phương mới hay biện được lối nói này.

Đâu không thấy Tăng hỏi Hương Nghiêm: Thế nào là đạo ? Hương Nghiêm đáp: Trong cây khô trỗi nhạc. Tăng hỏi: Thế nào là người trong đạo ? Hương Nghiêm đáp: Tròng con mắt trong đầu lâu. Sau vị Tăng đến hỏi Thạch Sương: Thế nào trong cây khô trỗi nhạc ? Thạch Sương đáp: Vẫn còn kẹt hỉ. Tăng hỏi: Thế nào tròng con mắt trong đầu lâu ? Thạch Sương đáp: Vẫn còn kẹt thức. Vị Tăng này lại đến hỏi Tào Sơn: Thế nào trong cây khô trỗi nhạc ? Tào Sơn đáp: Huyết mạch chẳng dứt. Tăng hỏi: Thế nào là tròng con mắt trong đầu lâu ? Tào Sơn đáp: Khô chẳng hết. Tăng hỏi: Người nào được nghe ? Tào Sơn đáp: Khắp đại địa mọi người đều nghe. Tăng hỏi: Chưa rõ long ngâm là chương cú gì ? Tào Sơn đáp : Chẳng biết là chương cú gì mà người nghe đều mất mạng. Lại có tụng rằng :

TỤNG:      Khô mộc long ngâm chân kiến đạo
               Độc lâu vô thức nhãn sơ minh
               Hỉ thức tận thời tiêu tức tận
               Đương nhân na biện trọc trung thanh.

DỊCH:      Cây khô trỗi nhạc thật thấy đạo
               Đầu lâu không thức nhãn vừa minh
               Hỉ thức hết rồi tin tức hết
               Người đời nào biện trong trong đục.

Tuyết Đậu quả là tay cự phách, một lúc vì ông qua lại tụng ra. Tuy nhiên như thế trọn không có hai thứ.

Rốt sau Tuyết Đậu có chỗ vì người lại nói: “Khó khó.” Chỉ hai chữ khó này cũng cần thấu qua mới được. Tại sao ? Bá Trượng nói: “Tất cả ngữ ngôn, núi sông, quả đất mỗi mỗi đều phải xoay về nơi mình.” Tuyết Đậu tung ra rút lại, cuối cùng phải trở về chính mình. Hãy nói, chỗ nào là chỗ Tuyết Đậu vì người ? “Chọn lựa minh bạch anh tự xem.” Đã là làm sắn bìm, tại sao tụng rồi lại nói “anh tự xem” ? Khéo bày vẽ dạy ông tự xem. Thử nói, ý rơi tại chỗ nào ? Chớ bảo mọi người lý hội chẳng được, giả sử Sơn tăng đến trong ấy cũng chỉ là lý hội chẳng được.

[ Quay lại ]