headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẮC 27: VÂN MÔN THÂN BÀY GIÓ THU

LỜI DẪN: Hỏi một đáp mười, nêu một rõ ba, thấy thỏ thả chim ưng, nhân gió thổi lửa, chẳng tiếc lông mày hãy gác lại, như khi vào hang cọp thì thế nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Khi lá rụng cành khô thì thế nào? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu.    

GIẢI THÍCH: Nếu nhằm trong ấy tiến được mới thấy chỗ vì người của Vân Môn. Kia nếu chẳng được thế, vẫn như xưa là kẻ chỉ nai cho là ngựa, mắt mờ tai điếc, người nào đến cảnh giới này ?

 Hãy nói Vân Môn đáp thoại cho người, hay vì người thù xướng ? Nếu nói đáp thoại cho người là nhận lầm trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Nếu nói vì người thù xướng thì nào có dính dáng. Đã chẳng thế ấy, cứu cánh thế nào ? Nếu ông thấy được thấu thì lỗ mũi Thiền tăng chẳng nhọc một cái ấn tay. Kia nếu chẳng được thế, như xưa đi thẳng vào trong hang quỉ. Phàm là người dựng lập tông thừa, phải là toàn thân gánh vác, chẳng tiếc lông mày, nhằm miệng cọp nằm ngang, mặc nó lôi ngang kéo dọc. Nếu chẳng như thế đâu thể vì người được. Ông Tăng này đặt câu hỏi thật là hiểm hóc, nếu lấy việc tầm thường nhìn ông chỉ giống một vị Tăng nhàn rỗi. Nếu căn cứ vào dưới cửa Thiền tăng, trong chỗ mạng mạch mà xem, quả thật có chỗ diệu. Thử nói lá rụng cành khô là cảnh giới của người nào ? Trong mười tám lối hỏi, lối hỏi này là “Biện chủ”, cũng gọi là “Tá sự vấn”. Vân Môn chẳng dời đổi một mảy tơ, chỉ nhằm ông nói “Thân bày gió thu”. Đáp rất hay, cũng chẳng cô phụ câu hỏi của người. Bởi vì chỗ hỏi kia có mắt sáng, chỗ đáp cũng đúng đắn. Người xưa nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi. Nếu là tri âm, nói ra liền biết chỗ rơi. Nếu ông nhằm trong ngữ mạch của Vân Môn mà tìm thì lầm rồi. Chỉ là trong câu của Vân Môn, phần nhiều thích gợi tình giải của người. Nếu dùng tình giải hiểu, chưa khỏi vùi lấp con cháu của ta. Vân Môn thích cỡi ngựa giặc đuổi giặc như thế. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi: Thế nào là chỗ phi tư lương ? Vân Môn đáp: Thức tình khó lường. Vị Tăng này hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào ? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Trong câu quả thật chặt đứt yếu tân, chẳng thông phàm Thánh, phải hiểu Sư cử một rõ ba, cử ba rõ một. Nếu ông trong ba câu đó mà tìm thì nhổ tên sau ót. Trong một câu của Sư phải đủ ba câu: - phú cái càn khôn - tùy ba trục lãng - cát tiệt chúng lưu, tự nhiên thích hợp. Vân Môn trong ba câu, hãy nói dùng câu nào tiếp người, thử biện xem ?

TỤNG:              Vấn ký hữu tông

                        Đáp diệc du đồng

                        Tam cú khả biện

                        Nhất thốc liêu không.

                        Đại dã hề lương tiêu táp táp

                        Trường thiên hề sơ vũ mông mông.

                        Quân bất kiến

                        Thiếu Lâm cửu tọa vị qui khách

                        Tịnh y Hùng Nhĩ nhất tòng tòng.

DỊCH:              Hỏi đã có tông

                        Đáp cũng vẫn đồng

                        Ba câu khá biện

                        Một mũi băng không.

                        Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát

                        Trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.

                        Anh chẳng thấy

                        Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách

                        Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng.

GIẢI TỤNG: Người xưa nói: Nương lời cần hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời nói người xưa không rỗng, nên nói phàm hỏi việc cần biết chút ít tốt xấu, nếu chẳng biết tôn ti đi đến, chẳng biết chạm tịnh, tha hồ nói loạn, có chỗ nào lợi ích. Phàm phát lời nhả hơi phải như cái kềm, cái nhíp, có móc, có khóa, phải là tương tục chẳng dứt mới được. Vị Tăng này chỗ hỏi có tông chỉ, Vân Môn chỗ đáp cũng vậy. Vân Môn bình thường dùng ba câu tiếp người, đây là cực tắc. Tuyết Đậu tụng công án này với công án của Đại Long tương tợ. “Ba câu khá biện”, trong một câu đủ ba câu, nếu biện được thì thoát ngoài ba câu. “Một mũi băng không”, chữ “thốc” là mũi tên bắn đi rất xa, phải chú mắt nhìn nhanh mới thấy. Nếu thấy được rõ ràng có thể dưới một câu khai triển cả đại thiên sa giới. Đến đây đã tụng xong. Tuyết Đậu có dư tài, triển khai tụng ra: “Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát, trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.” Hãy nói là tâm hay cảnh, là huyền hay diệu ? Người xưa nói: Pháp pháp chẳng ẩn tàng, xưa nay thường hiển lộ. Tăng hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào ? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Tuyết Đậu ý chỉ làm một cảnh, như hiện nay trước mắt gió phất phất, chẳng phải gió Đông Nam tức gió Tây Bắc, cần phải hiểu thế ấy mới được. Nếu ông khởi hiểu thiền đạo, liền không dính dáng. “Anh chẳng thấy Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách”, khi Tổ Đạt-ma chưa về Tây thiên, chín năm ngồi xây mặt vào vách lặng yên. Đây là “Lá rụng cành khô” hay “Thân bày gió thu”? Nếu nhằm trong đây sạch cổ kim phàm Thánh, càn khôn đại địa nhồi thành một khối, mới thấy rõ chỗ vì người của Vân Môn, Tuyết Đậu. “Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng”, Hùng Nhĩ tức là Thiếu Lâm tại Tung Sơn ở Tây Kinh. Phía trước núi có ngàn vạn lớp tùng, sau núi cũng có ngàn vạn lớp tùng. Các ông nhằm chỗ nào thấy ? Lại thấy chỗ Tuyết Đậu vì người chăng ? Cũng là rùa linh lê đuôi.

[ Quay lại ]