headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẮC 35: VĂN-THÙ TRƯỚC SAU BA BA

LỜI DẪN: Định rắn rồng, phân ngọc đá, rành trắng đen, quyết do dự, nếu chẳng phải trên đỉnh môn có mắt, trong tay có thần phù, thường thường đối đầu lầm qua. Chỉ như hiện nay thấy nghe chẳng lầm, thanh sắc thuần chân, hãy nói là đen hay trắng, là cong hay ngay, đến trong đây làm sao biện ?

CÔNG ÁN: Văn-thù hỏi Vô Trước: Vừa rời chỗ nào? Vô Trước đáp: Phương nam. Văn-thù hỏi: Phương Nam Phật pháp trụ trì thế nào ? Vô Trước đáp: Thời mạt pháp, Tỳ-kheo ít giữ giới luật. Văn-thù hỏi: Chúng nhiều ít ? Vô Trước đáp: Hoặc ba trăm hoặc năm trăm. Vô Trước hỏi Văn-thù: Ở đây trụ trì thế nào ? Văn-thù đáp: Phàm Thánh đồng ở, rắn rồng lẫn lộn. Vô Trước hỏi: Chúng nhiều ít ? Văn-thù đáp: Trước ba ba, sau ba ba.

GIẢI THÍCH: Vô Trước dạo Ngũ Đài Sơn, đến giữa đường chỗ hoang vắng, Văn-thù hóa một cái chùa tiếp Sư nghỉ. Văn-thù hỏi: Vừa rời chỗ nào ? Vô Trước đáp: Phương Nam. Văn-thù hỏi: Phương Nam Phật pháp trụ trì thế nào ? Vô Trước đáp: Thời mạt pháp, Tỳ-kheo ít giữ giới luật. Văn-thù hỏi: Chúng nhiều ít ? Vô Trước đáp: Hoặc ba trăm hoặc năm trăm. Vô Trước hỏi Văn-thù: Ở đây trụ trì thế nào ? Văn-thù đáp: Phàm Thánh đồng ở, rắn rồng lẫn lộn. Vô Trước hỏi: Chúng nhiều ít ? Văn-thù đáp: Trước ba ba sau ba ba. Uống trà, Văn-thù đưa cái chung pha lê hỏi: Phương Nam có cái này chăng ? Vô Trước đáp: Không. Văn-thù hỏi: Bình thường lấy cái gì uống trà ? Vô Trước câm họng, bèn từ giã ra đi, Văn-thù sai đồng tử Quân Đề tiễn ra cổng. Vô Trước hỏi Quân Đề: Vừa rồi nói trước ba ba sau ba ba là nhiều hay ít ? Quân Đề gọi: Đại đức! Vô Trước ứng thanh: Dạ! Quân Đề hỏi: Nhiều hay ít ? Vô Trước lại hỏi: Đây là chùa gì ? Quân Đề chỉ mặt sau chùa Kim Cang. Vô Trước xoay đầu nhìn thì chùa hóa và đồng tử đều ẩn chẳng thấy, chỉ là hang trống. Chỗ kia sau này gọi là hang Kim Cang.

Có vị Tăng hỏi Phong Huyệt: Thế nào là chủ trong núi Thanh Lương ? Phong Huyệt đáp: “Một câu chẳng rảnh Vô Trước hỏi, đến nay vẫn làm Tăng đồng quê.” Nếu cần tham được thấu đến chỗ bình bình thật thật, chân đạp đến chỗ đất thật, nhằm dưới lời nói của Sư tiến được, tự nhiên ở trong chảo dầu lò lửa cũng chẳng nghe nóng, ở trên băng lạnh cũng chẳng nghe lạnh. Nếu cần tham được thấu, cao vót hiểm nguy như bảo kiếm Kim Cang Vương, nên nhằm dưới lời Văn-thù tiến được, tự nhiên nước rưới chẳng dính, gió thổi chẳng vào. Địa Tạng Quế Sâm ở Chương Châu hỏi Tăng: Vừa rời chỗ nào ? Tăng thưa: Phương Nam. Địa Tạng hỏi: Trong kia Phật pháp thế nào ? Tăng thưa: Tranh cãi ồn náo. Địa Tạng nói: Đâu như ta ở đây, cấy lúa thổi cơm mà ăn. Hãy nói cùng chỗ đáp của Văn-thù là đồng hay khác ? Có người nói: Chỗ đáp của Sư chẳng phải, chỗ đáp của Văn-thù có rồng có rắn, có phàm có Thánh. Hiểu thế thì có gì giao thiệp. Lại biện rõ trước ba ba sau ba ba chăng ? Mũi tên trước còn nhẹ, mũi sau rất sâu. Hãy nói là nhiều hay ít ? Nếu nhằm trong ấy thấu được thì ngàn câu muôn câu chỉ là một câu. Nếu ngay dưới một câu chặt được đứt, nắm được đứng, chính lúc ấy đến được cảnh giới này.

TỤNG:      Thiên phong bàn khuất sắc như lam

                Thùy vị Văn-thù thị đối đàm

                Kham tiếu Thanh Lương đa thiểu chúng

                Tiền tam tam dữ hậu tam tam.

DỊCH:      Vây quanh ngàn chót sắc dường chàm

                Ai bảo Văn-thù với luận bàn

                Cười ngất Thanh Lương chúng nhiều ít

                Trước ba ba sau lại ba ba. 

GIẢI TỤNG: Hai câu “Vây quanh ngàn chót sắc dường chàm, ai bảo Văn-thù với luận bàn”, có người nói Tuyết Đậu chỉ niêm lại một lần, chưa từng tụng đến. Như Tăng hỏi Pháp Nhãn: Thế nào là một giọt nước nguồn Tào ? Pháp Nhãn đáp: Là một giọt nước nguồn Tào. Lại có vị Tăng hỏi Hòa thượng Giác ở Lang Nha: Vốn sẵn thanh tịnh tại sao chợt sanh sơn hà đại địa ? Giác đáp: Vốn sẵn thanh tịnh tại sao chợt sanh sơn hà đại địa. Đây cũng gọi là niêm lại một lần sao ? Minh Chiêu hiệu Độc Nhãn Long có tụng, ý có cơ che trời che đất, tụng: “Khắp trùm sa giới thắng già-lam, đầy mắt Văn-thù với luận bàn, dưới cú chẳng hay mở Phật nhãn, xoay đầu chỉ thấy đảnh sơn lam.” Câu “Khắp trùm sa giới thắng già-lam”, là chỉ chùa hóa ở hang cỏ, nên nói có cơ quyền thật song hành. Ba câu “đầy mắt Văn-thù với luận bàn, dưới cú chẳng hay mở Phật nhãn, xoay đầu chỉ thấy đảnh sơn lam”, chính khi ấy gọi là cảnh giới Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm được chăng ? Vả lại chẳng phải đạo lý này. Tuyết Đậu chỉ đổi cái dụng của Minh Chiêu, lại có thêm bớt. Như câu “vây quanh ngàn chót sắc dường chàm”, lại chẳng bị trầy tay xể chân, trong câu có quyền có thật, có lý có sự. Đến câu “Ai bảo Văn-thù với luận bàn”, một đêm bàn luận mà không biết Văn-thù. Sau này, Vô Trước ở Ngũ Đài Sơn làm Điển tọa, mỗi khi Văn-thù hiện trên nồi cháo, bị Vô Trước cầm cây dầm quậy cháo đập. Tuy nhiên như thế, vẫn là giặc qua rồi mới trương cung. Chính khi hỏi “phương Nam Phật pháp trụ trì thế nào”, nhằm thẳng xương sống mà đánh vẫn còn gần được đôi chút. Đến câu “Cười ngất Thanh Lương chúng nhiều ít”, trong tiếng cười của Tuyết Đậu có dao, nếu hiểu được cái cười này, liền thấy được “Trước ba ba sau lại ba ba”.

[ Quay lại ]