TẮC 45: TRIỆU CHÂU ÁO VẢI BẢY CÂN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 31 Tháng bẩy 2009 20:30
- Viết bởi nguyen
LỜI DẪN: Cần nói liền nói cả thảy không đối, nên đi liền đi toàn cơ chẳng nhượng, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nhanh như chớp, lẹ như gió, mau như nước chảy, gấp như đi trên đao bén, đưa lên kiềm chùy hướng thượng, chưa khỏi mất cở líu lưỡi. Đưa ra một đường, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Muôn pháp về một, một về chỗ nào ? Triệu Châu đáp: Ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải nặng bảy cân.
GIẢI THÍCH: Nếu nhằm chỗ một kích động liền đi mà hội được, lỗ mũi các vị Hòa thượng già ở mọi nơi, một lúc xỏ xong, không làm gì được ông, tự nhiên nước tụ thành đầm. Nếu do dự thì Lão tăng ở dưới gót chân ông. Chỗ tỉnh yếu của Phật pháp chẳng phải ở nhiều lời, chẳng phải ở nói lắm. Chỉ như vị Tăng này hỏi Triệu Châu “muôn pháp về một, một về chỗ nào”? Triệu Châu lại đáp “ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải nặng bảy cân”, nếu nhằm trên ngữ cú mà biện thì lầm nhận định bàn tinh (một tiêu chuẩn cố định). Nếu chẳng nhằm trên ngữ cú mà biện, tại sao lại nói thế ấy ? Công án này tuy khó thấy mà dễ hội, tuy dễ hội lại khó thấy. Khó thì núi bạc vách sắt, dễ thì liền đó tỉnh tỉnh, không có chỗ cho ông suy nghĩ phải quấy. Thoại này cùng câu Phổ Hóa nói “ngày mai ở trong viện Đại Bi có trai”, lại không có hai thứ. Một hôm, có Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ? Triệu Châu đáp: Cây bá ở trước sân. Tăng thưa: Hòa thượng chớ đem cảnh chỉ người. Triệu Châu bảo: Lão tăng chẳng từng đem cảnh chỉ người. Xem kia thế ấy, nhằm chỗ cực tắc chuyển chẳng được mà chuyển được, tự nhiên che trời che đất. Nếu chuyển chẳng được thì chạm đến thành kẹt. Hãy nói Triệu Châu có Phật pháp thương lượng hay không ? Nếu nói có Phật pháp, Triệu Châu đâu từng nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu. Nếu nói không có chỉ thú Phật pháp, Triệu Châu chẳng từng cô phụ lời hỏi của ông. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi Hòa thượng Mộc Bình: thế nào là đại ý Phật pháp, Mộc Bình đáp: Trái bí đao này lớn như thế. Lại Tăng hỏi Cổ đức: Chỗ núi sâu vực thẳm vắng bặt không người, lại có Phật pháp hay không ? Cổ đức đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là Phật pháp trong núi sâu ? Cổ đức đáp: Cục đá lớn là lớn, nhỏ là nhỏ. Xem loại công án này lời kỳ quái tại chỗ nào ? Tuyết Đậu biết chỗ rơi của kia, nên vạch bày nghĩa lộ vì ông tụng ra:
TỤNG: Biên tịch tằng ai lão cổ chùy
Thất cân sam trọng kỷ nhân tri
Như kim phao trịch Tây Hồ lý
Hạ tải thanh phong phó dữ thùy.
DỊCH: Biên tịch từng đưa lão cổ chùy
Áo vải bảy cân mấy người tri
Như nay ném thẳng Tây Hồ ấy
Hạ tải gió lành gởi cho ai.
GIẢI TỤNG: Trong mười tám lối hỏi, câu hỏi này gọi là biên tịch. Tuyết Đậu nói “biên tịch từng đưa lão cổ chùy”, biên tịch muôn pháp đem về một mối. Vị Tăng này cốt xô đẩy Triệu Châu. Triệu Châu quả là hàng tác gia gặp chỗ chuyển không được, có con đường xuất thân, dám mở miệng to nói “ta ở Thanh Châu dệt một áo vải nặng bảy cân”. Tuyết Đậu nói “Áo vải bảy cân mấy người tri, như nay ném thẳng Tây Hồ ấy”, muôn pháp về một, một cũng chẳng cần. Áo vải bảy cân cũng chẳng cần, đồng thời ném xuống Tây Hồ. Tuyết Đậu ở Thúy Phong Động Đình có Tây Hồ. Câu “Hạ tải gió lành gởi cho ai”, đây là Triệu Châu dạy chúng: Nếu ông hướng Bắc đến vì ông thượng tải, nếu ông hướng Nam đến vì ông hạ tải. Nếu ông từ Tuyết Phong, Vân Cư đến cũng là kẻ gánh bản. Tuyết Đậu nói gió lành như thế kham gởi cho ai. Thượng tải là vì ông nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu, các thứ phương tiện. Nếu là hạ tải thì không có những thứ nghĩa lý huyền diệu. Có người gánh một gánh thiền đến chỗ Triệu Châu, một điểm cũng sử dụng không được, đồng thời vì y nhồi thành khối khiến sạch trơn thong dong, không có một sự kiện nào gọi là ngộ rồi đồng chưa ngộ. Như nay có người trọn làm vô sự để hội. Có người nói: “Không mê không ngộ, chẳng cần lại cầu. Chỉ như khi Phật chưa ra đời, khi Tổ Đạt-ma chưa sang xứ này, chẳng phải chẳng thế ấy, dùng Phật ra đời làm gì, Tổ sư Tây sang làm gì ?” Thảy như thế nào có dính dáng. Cần phải đại triệt đại ngộ rồi, như xưa núi là núi nước là nước, cho đến muôn pháp thảy đều hiện thành, mới làm người vô sự. Long Nha nói: “Học đạo trước cần có ngộ do, lại như từng dự hội đua thuyền, tuy nhiên gác cũ đất nhàn rỗi, một phen gánh vác mới nên thôi.” Chỉ như áo vải bảy cân này của Triệu Châu, xem thấy người xưa nói như vàng như ngọc. Sơn tăng nói thế ấy, các ông nghe thế ấy, thảy đều là thượng tải. Hãy nói thế nào là hạ tải ? Dưới ba cây đòn tay nhà, xem lấy.