headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TẮC 46: CẢNH THANH TIẾNG MƯA RƠI

LỜI DẪN: Một chùy liền thành siêu phàm vượt Thánh, nửa câu khả dĩ mở trói gỡ niêm, như đi trên tảng băng, chạy trên kiếm bén, ngồi trong khối thanh sắc, đi trên đầu thanh sắc. Diệu dụng dọc ngang gác lại, khoảng sát-na liền đi thế nào, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Tăng thưa: Hòa thượng thì thế nào ? Cảnh Thanh bảo: Toàn chẳng quên mình. Tăng thưa: Toàn chẳng quên mình ý chỉ thế nào ? Cảnh Thanh bảo: Xuất thân vẫn còn dễ, thoát thể nói rất khó.

GIẢI THÍCH: Chỉ trong này khéo tiến lấy, cổ nhân dùng một cơ một cảnh cần tiếp người. Một hôm, Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng chim bột cưu. Thanh bảo: Muốn được chẳng chuốc nghiệp vô gián, chớ chê bai chánh pháp Như Lai. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng rắn bắt nhái kêu. Thanh bảo: Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh. Những câu này với công án ở trước không có hai thứ. Hàng Thiền tăng ở trong đây thấu được thì ở trong thanh sắc chẳng ngại tự do. Nếu thấu chẳng được liền bị thanh sắc lôi. Công án này, các nơi gọi là lời “tôi luyện”. Nếu là “tôi luyện” chỉ thành tâm hạnh, không thấy được chỗ vì người của cổ nhân. Cũng gọi lời này là “thấu thanh sắc”, một sáng đạo nhãn, hai sáng thanh sắc, ba sáng tâm tông, bốn sáng vọng tình, năm sáng triển diễn. Song nếu không chín chắn, sao khỏi thành hang ổ. Cảnh Thanh hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì ? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Lại nói: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Người ta lầm hội, cho là cố ý chuyển người, quả thật không dính dáng. Đâu chẳng biết Cảnh Thanh có thủ đoạn vì người, mật lớn chẳng nệ một cơ một cảnh, rất mực chẳng tiếc lông mày. Cảnh Thanh đâu chẳng biết tiếng mưa rơi, tại sao lại hỏi ? Phải biết cổ nhân dùng sào dò bóng cỏ, cốt nghiệm vị Tăng này. Vị Tăng này khéo xô đẩy liền hỏi: Hòa thượng thì sao ? Liền được Cảnh Thanh vào bùn vào nước, nói với ông “toàn chẳng quên mình”. Vị Tăng kia quên mình theo vật là phải, Cảnh Thanh vì sao cũng quên mình ? Phải biết nghiệm trong câu kia liền có chỗ xuất thân. Vị Tăng này quá lầm lẫn cốt cắt đứt lời này, hỏi: Chỉ cái chẳng quên mình ý chỉ thế nào ? Nếu là tông môn Đức Sơn, Lâm Tế thì gậy hét đã hiện. Cảnh Thanh thông qua một bước, tùy kia tạo sắn bìm, nói với kia “xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó”. Tuy nhiên thế ấy, người xưa nói tương tục cũng rất khó. Cảnh Thanh chỉ một câu làm vị Tăng này sáng việc lớn dưới gót chân. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:       Hư đường vũ trích thanh

                 Tác giả nan thù đối

                 Nhược vị tằng nhập lưu

                 Y tiền hoàn bất hội

                 Hội bất hội

                 Nam sơn Bắc sơn chuyển bàng bái.

DỊCH:       Nhà trống tiếng mưa rơi

                 Tác giả khôn đối đáp

                 Nếu bảo từng nhập lưu

                 Như trước lại chẳng hội

                 Hội chẳng hội

                 Núi Nam núi Bắc mưa xối xả.

GIẢI TỤNG: “Nhà trống tiếng mưa rơi, tác giả khôn đối đáp”, nếu nói tiếng mưa rơi thì quên mình theo vật, chẳng nói tiếng mưa rơi lại làm sao chuyển vật ? Đến trong ấy, dù là tác giả cũng khó đối đáp. Vì thế, cổ nhân nói: “Thấy cùng thầy bằng, kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy, mới kham truyền thọ.” Nam viện nói: “Dưới gậy vô sanh nhẫn, lâm cơ chẳng nhượng thầy.” “Nếu bảo từng nhập lưu, như trước lại chẳng hội”, trong kinh nói: “Ban đầu trong cái nghe nhập lưu vong sở, sở nhập đã lặng, hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh…” Nếu nói là tiếng mưa rơi thì chẳng phải. Nếu nói chẳng phải tiếng mưa rơi cũng chẳng phải. Phần trước bài tụng hai hét cùng ba hét. Tác giả biết cơ biến chính là loại tụng này. Nếu nói là vào thanh sắc cũng chẳng phải. Nếu gọi là thanh sắc, như trước chẳng hiểu ý kia. Ví như lấy tay chỉ mặt trăng, mặt trăng chẳng phải là ngón tay. Hội cùng chẳng hội, núi Bắc núi Nam mưa xối xả vậy.

[ Quay lại ]