headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC - ĐIỀU GIÁC NGỘ 3

Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng

dieugiacngo3CHÁNH VĂN:

Đệ tam giác tri:

Tâm vô yểm túc,
Duy đắc đa cầu,
Tăng trưởng tội ác.
Bồ-tát bất nhĩ,
Thường niệm tri túc,
An bần thủ đạo,
Duy tuệ thị nghiệp.

DỊCH:

Điều thứ ba phải thêm giác biết:
Đắm mê trần mải miết chẳng dừng.
Một bề cầu được vô chừng,
Tội kia thêm lớn có ngừng được đâu.
Những hàng Bồ-tát hiểu sâu,
Nhớ cầu tri túc chẳng lâu chẳng sờn.
Cam nghèo giữ đạo là hơn,
Lầu cao trí tuệ chẳng khờn dựng lên.

GIẢNG:

Đệ tam giác tri:
Tâm vô yểm túc,
Duy đắc đa cầu,
Tăng trưởng tội ác.

Điều giác ngộ thứ ba là lòng người không bao giờ biết đủ, không bao giờ thấy chán, chỉ một bề mong cầu cho được nhiều, được mãi không thôi. Song, càng tham muốn nhiều, thì tội lỗi sẽ càng tăng thêm. Đó là tâm niệm của người thế gian còn nhiều mê mờ. Ngược lại:

Bồ-tát bất nhĩ,
Thường niệm tri túc,
An bần thủ đạo,
Duy tuệ thị nghiệp.

Giờ đây nói về Bồ-tát, các ngài không giống như người thế gian. Các ngài thường biết đủ an vui trong cảnh nghèo, để gìn giữ đạo đức và lúc nào cũng lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chớ không nghĩ gì khác hơn. Tiền của, vật chất, danh lợi… đối với các ngài chỉ là pháp hữu vi không bền không thật, các ngài không lấy đó làm quí làm trọng, mà chỉ một bề lo vun bồi trí tuệtừ bi ngày càng thêm lớn. Bồ-tát cũng là một chúng sanh, nhưng chúng sanh biết tu hành và được giác ngộ, nên gọi là Hữu tình giác. Sau khi đã giác ngộ, các ngài giúp cho mọi người được giác ngộ như mình, nên gọi là giác hữu tình. Lúc nào các ngài cũng thực hiện hạnh tự giác giác tha cho được viên mãn. Các ngài không vì mục đích nào khác ngoài tinh thần giác ngộ mà Phật đã dạy. Như vậy, quí vị đừng lầm tưởng Bồ-tát là bậc có nhiều thần thông phép lạ. Biết đâu trong sanh hoạt hiện tại của chúng ta, có nhiều Bồ-tát mà chúng ta không biết. Vì người nào tự thân không đắm mê ngũ dục, không bị ngũ dục chi phối, lại còn biết tu tỉnh, biết giúp cho người phá mê lầm trong cuộc sống, đoạn trừ khổ đau thì người đó là Bồ-tát. Người Phật tử chân chánh, không bao giờ mong cầu Bồ-tát thị hiện qua hình tướng kỳ lạ, với thần thông phép mầu ban ơn cứu khổ cho chúng sanh. Nếu ai cho Bồ-tát như thế, thì chắc chắn suốt kiếp không thấy được Bồ-tát. Tôi nhắc lại, Bồ-tát là một chúng sanh hữu tình tu được giác ngộ, và tạo phương tiện giúp cho người tu cũng được giác ngộ như các ngài. Nghĩa là lúc nào cũng thấy thế gian vô thường, cõi đời tạm bợ, thân này vốn là khổ, không, vô ngã.

Đức Phật gọi cõi Ta-bà chúng ta hiện đang sống đây là cõi Dục, nên lòng tham con người quá nặng quá sâu. Người nghèo thiếu thốn vật chất, tham cầu cho có để sống đã đành, người giàu có bao nhiêu cũng không thấy đủ. Cổ đức dạy: “Người biết đủ dù nằm dưới đất, co tay làm gối, ăn cơm hẩm cũng vẫn thấy vui. Người không biết đủ dù ở trên cung trời cũng không vừa ý.” Cho nên người biết an phận, ở trong hoàn cảnh nào cũng được an vui.

Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc, tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi xứ.” Nghĩa là:Muốn thoát mọi sự khổ não, cần nênnghiệm xét hai chữ biết đủ, pháp biết đủ là sự giàu có, an ổn của con người.

Pháp sư Ấn Quang cũng dạy:

Cơm rau đỡ dạ đói,
Nhà cỏ che gió sương,
Người đời nếu biết đủ,
Phiền não chẳng còn vương.

Vì người đời tham dục nhiều nên khổ nhiều, khổ cả ba giai đoạn: Khi chưa có thì tham muốn mong cầu cho có là khổ; khi đã có rồi thì sợ mất, nên phải tìm cách bảo vệ gìn giữ cũng khổ; khi bị mất lại càng khổ hơn, buồn rầu mất ăn mất ngủ, có khi không muốn sống nữa. Quí vị thấy người tham muốn nhiều ở trường hợp nào cũng khổ, chỉ có ít muốn biết đủ, dứt tâm tham cầu là hết khổ được vui.

Ví dụ có một nhà bác học uyên thâm, sống đời thanh bạch, xuống tàu đi ngoại quốc, và một nhà phú hộ mang nhiều vàng bạc của báu cũng đi ngoại quốc. Dọc đường tàu bị đắm, cả hai ôm phao nổi và được cứu sống. Khi vào đất liền thì ông phú hộ trắng tay tiền của mất hết, sự nghiệp tiêu tan không còn. Nhà bác học dĩ nhiên vẫn thanh bạch nhưng số kiến thức uyên thâm của ông không mất, coi như sự nghiệp ông còn. Nhà phú hộ dụ cho người thế gian ham làm giàu, tạo xe hơi nhà lầu của cải chứa đầy kho. Khi nhắm mắt xuôi tay, bỏ thân này mang thân khác, hoàn toàn không đem theo được vật gì. Nhà bác học thanh bạch dụ cho người tu, sau khi nhắm mắt xuôi tay, bỏ thân này mang thân khác, tuy còn mê cách ấm, nhưng gặp duyên thì trí tuệ hiển phát, không mất. Tức là đời này tu hành tuy đã giác ngộ, đời sau sanh ra cũng có quên. Song, quên một lúc, khi gặp cơ duyên nhắc lại liền tỉnh nhớ ngay. Đời trước tu nhiều thì nhớ sớm, đời trước tu ít thì nhớ muộn và rồi cũng tiếp tục tu hành. Điều này chúng ta nghiệm xét thấy rõ. Tại sao có những người học hoài mà không hiểu không nhớ, vẫn tối tăm dốt kém? Lại có những người chưa học mà biết, hoặc học một mà biết tới mười? Như vậy có phải là do đời trước họ đã gieo trồng nhân trí tuệ, nên đời này gặp duyên thì khả năng sẵn có đó hiển phát? Nói theo danh từ chuyên môn là chủng tử đã có sẵn, hội đủ duyên thì hiện hành. Tóm lại, người nào đời này biết thiểu dục tri túc, để gìn giữ đạo đức và nuôi lớn trí tuệ, đó là người tỉnh giác. Trí đức ấy qua đời sau không mất, mặc dù có bị mê cách ấm. Vì thế hàng Bồ-tát là người tỉnh giác, biết cái nào có tạm rồi sẽ mất, thì không chú ý, xem thường; biết cái nào hằng hữu không mất, thì lo gìn giữ và phát huy cho thêm lớn. Người thế gianmê lầm, chạy theo cái tạm bợ mà không biết nó tạm bợ, nên cả đời cứ lo phục vụ cái tạm bợ cho sung mãn. Khi quỉ vô thường đến, tất cả đều để lại thế gian, chỉ mang theo cái nghiệp nặng nề với quả báo không tốt về sau. Hiện tại Bồ-tát tuy thiệt thòi nghèo thiếu về vật chất, nhưng phần trí đức lúc nào cũng tăng trưởng lớn mạnh, chẳng những đời này mà những đời kế tiếp cũng thế. Nên nói sự nghiệp của Bồ-tát là trí tuệ.

Nếu người nào suốt đời cứ lo sự nghiệp thế gian cho hưng thịnh, thì sự nghiệp trí tuệ sẽ lu mờ. Ngược lại người chăm lo sự nghiệp trí tuệ thì sự nghiệp thế gian xem như không có. Như vậy, người lo sự nghiệp thế gian và người lo phát triển trí tuệ xuất thế gian, ai là người khôn biết lo xa? Dĩ nhiên đa số người đời đều tán thán người tạo dựng sự nghiệp bằng ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ vật chất tiện nghi, sống đời sung sướng là giỏi là hay. Nhưng đối với người thấy rõ nhân quả tội phước trong đời hiện tại, cũng như những kiếp về sau, lo gìn giữ đạo đức, phát huy trí tuệ, vẫn là người sáng suốt khôn ngoan biết lo xa. Vì tiền của dùng trong lúc sống chỉ là cái tạm bợ, khi nhắm mắt không mang theo được. Người chỉ lo cho có nhiều của cải vật chất là người thiển cận, chưa biết lo xa nên gọi là chúng sanh mê lầm. Còn người không chạy theo ngũ dục thế gian, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp là người biết lo xa, là Bồ-tát giác ngộ. Vậy tất cả quí vị, ai ưng làm chúng sanh, ai ưng làm Bồ-tát? Ai ưng làm Bồ-tát thì phải nỗ lực cố gắng tu hành!

Tóm lại, người nào quá tham cầu ngũ dục, đắm say ngũ dục không biết nhàm chán, thì tội lỗi càng ngày càng lớn, chẳng những hiện đời chịu khổ mà còn khổ mãi về sau.

[ Quay lại ]