headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC - ĐIỀU GIÁC NGỘ 8

dieugiacngo8Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng

CHÁNH VĂN:

Đệ bát giác tri:

Sanh tử xí nhiên.
Khổ não vô lượng,
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết,
Nguyện đại chúng sanh,
Thọ vô lượng khổ,
Linh chư chúng sanh,
Tất cánh đại lạc.

DỊCH:

Điều thứ tám lại nên giác ngộ:

Tử sanh hoài đau khổ vô cùng.
Phát tâm dõng mãnh đại hùng,
Quyết lòng độ hết đồng chung Niết-bàn.
Thà mình chịu khổ muôn vàn,
Thay cho tất cả an nhàn thảnh thơi.
Mọi người đều được vui tươi,
Đến bờ giác ngộ rạng ngời hào quang.

GIẢNG:

Đệ bát giác tri:
Sanh tử xí nhiên.
Khổ não vô lượng,
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết.

Điều giác ngộ thứ tám, Phật dạy việc sanh tử của chúng sanh quá nhiều, liên tục không dứt, nên sự khổ não không thể nào kể hết được, mỗi lần chết đi sanh lại là chịu nhiều khổ đau. Hiện tại chúng ta đang mang thân này, là đã trải qua vô lượng kiếp bỏ thân rồi mang thân. Như vậy thì sự khổ não không thể tính kể. Quí vị thử xét lại xem, như ở trước đã nói, chỉ một đời này thôi chúng ta cũng đã chịu nhiều đau khổ, huống là trải qua nhiều đời. Khi lọt lòng mẹ mở mắt chào đời cất tiếng khóc vang là một lần khổ, rồi lớn dần, mỗi khi biết lật biết bò, biết ngồi biết đi… là ấm đầu nhuốm bệnh… Khi lớn khôn đi học hay đi làm ăn xa, mỗi lần xa cách là mỗi lần nhớ thương đau khổ. Lại mỗi lần buồn lo, sợ hãi, giận ghét là mỗi lần đau khổ. Lại nữa, mỗi lần yếu đau bệnh hoạn hay chết chóc của người thân hoặc của mình là mỗi lần đau khổ… Một đời người chuyện buồn lo thương ghét giận hờn… xảy ra không biết bao nhiêu lần, không thể tính hết được. Như vậy vô lượng vô số kiếp niềm đau nỗi khổ của chúng sanh làm sao tính đếm được!

Chúng sanhmê muội hiện sống trong đau khổ lại tưởng là vui, cứ đắm mình trong đau khổ. Chết đi sanh lại là khổ mà có ai biết chán biết sợ! Sống trong đau khổ mà nghe nói chết là không ưng. Ai cũng muốn cho mình được sống lâu. Nhưng thử hỏi sống để làm gì? Đa số người đời mong sống lâu để thọ hưởng ngũ dục, chớ không biết nương nhờ mạng sống để tu, để giải quyết cái khổ sanh tử luân hồi. Nhiều người lầm tưởng người tu do chán đời sợ khổ, nên trốn vô chùa để ẩn dương nương Phật, tránh không còn thấy không còn bị khổ nữa. Người tu với tâm niệm như thế thì tu không tiến bộ, không lợi ích. Người tu cần phảitrí tuệ, trước là phản tỉnh phá trừ vô minh phiền não tự tâm, sau đó phát tâm Đại thừa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Phát tâm Đại thừa làm lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng cách nào? Nguyện thay chúng sanh chịu vô lượng khổ. Giả sử có người phạm pháp bị tội, chính quyền đang truy nã tội phạm. Lúc đó có người phát tâm ra nhận tội thế cho kẻ phạm pháp, chính quyền bắt người nhận tội hành hình chớ không bắt người phạm pháp. Đó là trường hợp thay chúng sanh chịu khổ. Tuy nhiên, ở đời có mấy ai tốt bụng như thế. Giả sử bị đổ tội thì lại kêu oan không nhận tội. Như vậy với tâm niệm của chúng sanh, ai cũng muốn cho bản ngã mình được sung sướng, luôn bảo vệ cho bản ngã được an ổn, chớ không ai chịu khổ thế cho ai, ngoại trừ hàng Bồ-tát. Song Bồ-tát thay chúng sanh chịu khổ như thế nào?

Trước tôi giải thích những việc của chúng sanh và sự đau khổ của sanh tử. Sau đó mới nói đến thay chúng sanh chịu khổ của Bồ-tát.

Trong kinh có ghi lại đoạn Phật nói về tương lai: 

“… Qua thời kỳ kiếp giảm, sẽ tới thời kỳ kiếp tăng. Khi tuổi thọ con người tăng lên đến tám mươi bốn ngàn tuổi thì Phật Di-lặc ra đời. Khi Phật Di-lặc ra đời thì có một vị Chuyển Luân Thánh vương cũng ra đời cai trị thiên hạ bằng chánh pháp. Bấy giờ dân chúng được an cư lạc nghiệp sống đời thái bình. Khi nghe Phật nói như vậy, một vị Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con nguyện tu cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời, con sẽ làm vị Chuyển Luân Thánh vương đó, để đem giáo pháp của Phật ra giáo hóa chúng sanh.

 Đức Phật bèn duỗi ngón tay xuống đất, khơi một chút phân trâu (tập tục Ấn Độ thường dùng phân trâu để tráng nền nhà), Ngài đưa ngón tay có dính phân trâu lên, hỏi đại chúng:

- Ngón tay ta có dính chút phân trâu là dơ hay sạch?

- Bạch Thế Tôn, dơ.

- Như vậy đáng bỏ hay đáng giữ?

- Đáng bỏ.

Phật dạy: Một chút phân trâu dính trên đầu móng tay còn chán sợ phải bỏ, huống nữa là nhiều. Cũng thế, mỗi một lần sanh tử là mỗi một lần khổ đau nhơ nhớp. Nhơ nhớp gấp mấy lần chút phân trâu này mà ông không biết chán sợ, lại muốn sanh tử nhiều lần, chờ chừng đó để làm Chuyển Luân Thánh vương có phải là ngu si không?”

Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ một lần sanh tử là chịu vô số khổ não. Vì vậy, mà phải biết đặt vấn đề: Làm sao giải quyết việc sanh tử của mình cho xong, để rồi còn giúp người khác giải quyết sanh tử của họ nữa. Khi đã được nghe kinh sớm giác ngộ, mà cứ quan niệm rằng: “thôi mình an phận, cứ lo làm phước lành, mong cầu đời sau được giàu sang sung sướng, hưởng phước báocõi trời cõi người…” người quan niệm như thế là không có tâm muốn thoát ly khổ sanh tử luân hồi, vì khi hưởng hết phước thì sẽ bị đọa. Thế nên người trí phải tỉnh giác, thấy rõ sanh tử là nỗi khổ lớn cần phải thoát ra, chớ có lầm tưởng sống đây là khỏe mạnh là hạnh phúc, rồi không chịu tu hành cứ đắm chìm mãi trong đó.

Ở đây Phật chỉ cho chúng ta thấy vòng sanh tử liên tục, sự khổ não không thể nào đo lường hết được, để chúng ta phát tâm cần cầu thoát ra khỏi vòng khổ não đó và thay chúng sanh chịu khổ.

Thay chúng sanh chịu khổ, không phải thấy người khuân vác gánh gồng ngoài phố ngoài đồng nặng nhọc, chúng ta đến đó xin gánh giùm cho họ. Nếu thay như thế thì chúng ta chỉ thay được vài người thôi, còn bao nhiêu người khác khổ cực ai thay cho họ? Ít người gánh gồng khuân vác nặng nhọc, chúng ta thế được, còn khổ vì bệnh hoạn phiền não, chết chóc thì làm sao thế được? Tất cả bệnh như tim, gan, phổi, ruột… ai đau người ấy phải chịu. Hoặc buồn rầu, lo sợ, giận tức… ai phiền não thì người đó mang. Hay chết chóc, dù con cũng không thế cho cha được, vợ cũng không thế cho chồng được… Chỉ thay bằng cách đem lời Phật dạy, phá mê đánh thức cho người khổ đau tỉnh giác, hết mê lầm, không tạo nghiệp ác để thọ quả khổ, và không còn đi trong luân hồi sanh tử nữa. Song, đem lời Phật dạy ra nói suông để người nghe suông chưa được, mà tự mình phải chịu cực khổ nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm để học để tu, tìm cầu cho ra lý đạo, rồi đem đạo lý được giác ngộ ra giảng giải cho mọi người nghe, và hướng dẫn cho họ tu hành khiến họ giác ngộ, thoát vòng luân hồi sanh tử. Thay cái khổ cho chúng sanh là thay như thế. Khi xưa, Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhàta) giác ngộ lý vô thường sanh già bệnh chết khổ đau của kiếp người, Ngài liền bỏ cung vàng điện ngọc, đi tu để tìm một lối thoát, trước tự cứu mình sau cứu độ chúng sanh, vì Ngài thấy rõ mình cũng đang chìm đắm trong sanh tử khổ đau cần phải thoát ra trước, rồi mới có thể cứu người thoát ra sau.

Quí Phật tử nghe Phật dạy thân chúng ta không thật, chỉ là tạm bợ vô thường là khổ, không, vô ngã, nên sự còn mất của thân này không còn là vấn đề quan trọng nữa, nhờ vậy mà bớt chấp về thân. Bớt chấp thân thì bớt khổ về thân. Ví dụ, từ trước có người bị tai nạn hay đau bệnh thì khóc sướt mướt kêu than thảm thiết. Sau, biết tu hànhtỉnh giác tuy gặp tai họa, ốm đau hay chết chóc, họ không còn lo sợ buồn khổ khóc lóc nữa. Lại, bớt chấp tâm là bớt khổ về tâm. Chẳng hạn người bị mạ lị chỉ trích, khi chưa biết tu thì tự ái buồn phiền khổ sở, nhưng khi biết tu thì tự xét lại mình xem có vấp phải lỗi lầm ấy không? Nếu xét thấy có lỗi thì sửa chữa, nếu không có lỗi thì bỏ qua, lòng an ổn, lo tiến tu. Sở dĩ lâu nay chúng ta khổ nhiều là do chúng ta mê mờ thấy biết sai lầm, cùng một sự việc xảy ra mà khi mê thì khổ, lúc tỉnh thì an, có khác nhau. Ngay trong cuộc sống này, người giác ngộ biết tu đã làm vơi đi mọi sự khổ đau rồi. Như thế, Phật không cứu khổ cho chúng sanh là gì? Tuy nhiên, nói Phật cứu chúng ta, nhưng kỳ thật mình tự cứu lấy mình. Vì nhờ Phật chỉ dạy pháp tu, chúng ta học hiểu và ứng dụng vào cuộc sống, nên bớt khổ an vui, tức là đã tự cứu lấy mình. Như vậy là mỗi người đều có sẵn Phật của mình, nên ở bất cứ trường hợp nào cũng được an ổn. Như trường hợp một Phật tử người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long, giỏi chữ Hán, thâm hiểu Phật pháp. Trước kia Sư cụ Huệ Quang có tặng cho Phật tử ấy một cuốn kinh Pháp Bảo Đàn, dặn dò hãy đọc cho kỹ để ứng dụng tu hành. Đạo hữu đọc mãi gần thuộc lòng. Một hôm công việc làm ăn bất ổn sao đó, đạo hữu bị bắt nhốt trong khám. Những người cùng bị giam buồn rầu than oán rên xiết, còn đạo hữu thì nhớ lời Phật dạy cố gắng tu hành, cứ ngồi thiền hoài, nhờ lo tu mà không thấy khổ. Chúng ta thấy cùng một hoàn cảnh, người không biết tu thì đau buồn khổ não, người thâm hiểu Phật pháp biết tu hành vẫn được an ổn không khổ đau.

[ Quay lại ]