headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 18/01/2025 - Ngày 19 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH KIM CANG Giảng giải - Phần 1

phan1HT. Thích Thanh Từ  dịch và giảng giải 

Bản giảng này là y theo bản dịch của ngài Tam Tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, vì bản này được công nhận là văn chương lưu loát và sâu sắc hơn hết. Nếu xem lại bản của ngài Nghĩa Tịnh cũng như của ngài Huyền Trang, chúng ta thấy cả hai bản dịch đều nặng về văn nghĩa.

Ngài La-thập không kẹt trong văn nghĩa, chỉ cốt làm sao cho ta nhận được lời Phật dạy, ý Phật nói, nên văn dịch của Ngài thâm thúy và gẫy gọn dễ hiểu.

Thái tử Chiêu Minh đời Lương, khi đọc Kim Cang, lãnh hội được ý chỉ nên chia quyển kinh làm ba mươi hai phần để cho người đọc dễ nhận hiểu.

ĐỀ KINH: Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật.

Kim Cang là một chất cứng hay phá các thứ khác mà các kim loại khác không phá được nó.

Bát-nhã là âm theo tiếng Phạn.

Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn.

Kinh là chữ Hán.

Đề kinh gồm cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Người Trung Hoa khi dịch kinh, chữ nào dịch được thì dịch, chữ nào không thể dịch hết nghĩa thì để nguyên âm tiếng Phạn.

Bát-nhã nghĩa chánh là trí tuệ.

Ba-la-mật hoặc dịch là “đến bờ kia” hoặc dịch là “cứu kính viên mãn”. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát-nhã ba-la-mật, vì nếu chỉ nói “trí tuệ” e có lầm lẫn. Ở thế gian người khôn ngoan lanh lợi cũng gọi là người có trí tuệ, thế nên từ ngữ “Trí tuệ Bát-nhã” là để giản trạch cho đừng lầm với trí tuệ của người thế gian. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu được lý thật, thấy được Thể chân thật của các pháp, không còn kẹt trong các kiến chấp, trong những cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo. Do thấu được lẽ thật, nên trí tuệ này khi đến chỗ cứu kính chẳng những phá được tất cả tà thuyết ngoại đạo mà còn dẹp hết những mê lầm chấp trước của mọi người. Cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất cả, dụ như kim cương là chất cứng nhất có thể phá tan các kim loại khác mà các thứ khác không phá hoại được nó. Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.

Kinh là những lời giảng dạy của đức Phật góp lại thành bộ. Kinh là Khế kinh tức là khế lý và khế cơ. Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý khế cơ, nghĩa là vừa hợp chân lý, vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai điều kể trên thì chưa gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể hiểu là tùy duyên và bất biến. Kinh Phật nói ngàn đời cũng không sai, đó là bất biến; nhưng vào mỗi thời theo căn cơ mà nói, hoặc thấp hoặc cao, đó là tùy duyên.

ĐOẠN 1

ÂM: PHÁP HỘI NHÂN DO

Như thị ngã văn:

Nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên dữ đại Tỳ-kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu. Nhĩ thời Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá-vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bản xứ. Phạn thực ngật, thu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa.

DỊCH: NGUYÊN DO CỦA PHÁP HỘI

Tôi nghe như vầy:
Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ (Sràvasti) tại rừng Kỳ-đà (Jeta) trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.

GIẢNG:

Đoạn này diễn tả pháp hội Phật nói kinh Kim Cang.

Phần đầu chỉ cho lục chủng chứng tín. Sáu điều này mở đầu kinh nào cũng như thế cả. Đây giống như một lối biên bản của ngài A-nan (Ananda) để cho thấy lời Ngài nói có giá tri thật.

“Như thị ngã văn” là “tôi nghe như vầy”, chỉ cho người nghe và pháp được nghe. “Tôi” chỉ người nghe tức ngài A-nan. “Như vầy” là pháp được nghe tức là đề tài trong buổi thuyết pháp.

“Nhất thời” chỉ thời gian. Vì thuở xưa thời gian mỗi nước mỗi khác cho nên chỉ nói một hôm, chớ không xác định hôm đó là mấy giờ ngày mấy tháng mấy.

Phật là vị chủ tọa trong buổi nói pháp.

Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên là nơi Phật thuyết pháp.

Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên: Trưởng giả Cấp Cô Độc tên thật là Tu-đạt-đa (Sudatta), do ông hay bố thí, cứu giúp những người nghèo khổ cô độc nên được gọi là Cấp Cô Độc. Ông muốn mua vườn của Thái tử Kỳ-đà để cất tinh xá thỉnh Phật đến thuyết pháp. Thái tử bảo ông đem vàng lót đầy vườn thì Thái tử sẽ bán vườn cho ông. Khi ông trải vàng gần xong, Thái tử vui vẻ bảo thôi đừng chở vàng thêm nữa và Thái tử cũng xin cúng tất cả cây cối trong vườn cho đức Phật, do đó nên thành tên rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc.

Chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị là cử tọa. Thời gian, nơi chốn và số cử tọa cho thấy bài kinh này không phải tự ý ngài A-nan nói, mà do Ngài nghe trong hội thuyết pháp gồm cả thảy một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.

Sáu điều trên đây gọi là lục chủng chứng tín, nghĩa là sáu điều làm bằng chứng để cho chúng ta tin kinh này không phải tự ý ngài A-nan nói ra, mà chính là Ngài thuật lại buổi thuyết pháp của đức Phật.

Đến phần thứ hai tả cảnh Phật sắp nói pháp.

Khi ấy là buổi sáng gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực.

Khất thực theo thứ lớp: Nếu hàng Phật tử thỉnh thọ trai thì không cần theo thứ lớp, cứ đi thẳng đến nhà thỉnh mình. Còn khất thực theo thứ lớp, là trong xóm có nhà nghèo, nhà giàu, cứ tuần tự đến nhà thứ nhất, nếu không được cúng dường thì đến nhà thứ hai, thứ ba v.v… không phân biệt giàu nghèo đến khi được cúng dường thì về.

Thọ trai xong, xếp y, dẹp bát, rửa chân rồi, trải tòa ngồi kiết-già. Đoạn này tả lại cuộc sống bình dị của đức Phật, sáng đi khất thực, về ăn xong rửa bát, xếp y, rửa chân, trải tòa ngồi kiết-già, sắp nói chuyện với chúng. Đó là ý thâm sâu muốn chỉ rằng chân lý không ngoài việc bình thường để đánh tan lòng hiếu kỳ, tưởng chân lý là những gì mầu nhiệm ngoài việc bình thường. Thấy được chân lý trong việc bình thường là thấy đạo, nếu trái lại là lạc hướng.

Khi ngài Triệu Châu Tùng Thẩm hỏi ngài Nam Tuyền “thế nào là đạo” thì Nam Tuyền trả lời “bình thường tâm thị đạo”, nghĩa là tâm bình thường là đạo.

Ông Lý Tường đến hỏi ngài Dược Sơn Duy Nghiễm “thế nào là đạo” Ngài bảo “vân tại thanh thiên, thủy tại bình”, nghĩa là mây trên trời xanh, nước trong bình. Việc bình thường này hợp với tinh thần Đại thừa.

ĐOẠN 2

ÂM: THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH


Thời trưởng lão Tu-bồ-đề tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn:

- Hi hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?

Phật ngôn:

- Thiện tai, thiện tai! Tu-bồ-đề, như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát, nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết. Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm.

- Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.

DỊCH: THIỆN HIỆN THƯA HỎI

Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, gối mặt quì xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?

Đức Phật bảo:

Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe.

GIẢNG:

Đây là phần thưa hỏi của ngài Tu-bồ-đề. Tu-bồ-đề là một vị A-la-hán thâm hiểu lý Bát-nhã. Có chỗ dịch là Thiện Hiện, có chỗ dịch Không Sanh, có chỗ dịch Kiết Tường. Nói Tu-bồ-đề là dịch âm tiếng Phạn. Trong Đại Bát-nhã dịch là Thiện Hiện, đây nói Tu-bồ-đề cũng chỉ là một vị. Thiện Hiện là khéo hiện. Ngài Tu-bồ-đề thuộc hàng trưởng lão.

Trước hết là phần nghi thức. Theo lễ nghi Ấn Độ, khi đệ tử muốn thưa hỏi Phật điều gì thì phải bày vai áo bên mặt, quì gối mặt xuống rồi chấp tay cung kính thưa hỏi.

Hộ niệm: hộ là bảo hộ, niệm là nhớ nghĩ.

Phó chúc là trao dặn lại.

Trước hết ngài Tu-bồ-đề tán thán Phật: Đức Thế Tôn là bậc ít có trong thế gian, Ngài thường bảo hộ và nhớ nghĩ các vị Bồ-tát, khéo trao dặn lại các vị Bồ-tát.

Tán thán Phật xong rồi, ngài Tu-bồ-đề bắt đầu thưa hỏi.

Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là phát tâm cầu thành Phật.

Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Giả sử có người thiện nam, thiện nữ muốn phát tâm cầu thành Phật thì phải làm sao để an trụ tâm đó và làm sao hàng phục được tâm đó? "Làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia” là hai câu hỏi then chốt của toàn bộ kinh, hai câu hỏi quan trọng cho sự tu hành. Tất cả chúng ta, ai đã phát tâm tu theo đạo Phật, đều nguyện tiến tới Phật quả, nhưng muốn tiến tới Phật quả phải làm sao? - Tức là phải an trụ tâm và hàng phục tâm, vì nếu còn tâm điên đảo làm sao thành Phật được? Thế nên đó là chỗ chánh yếu của người tu. Phát tâm vô thượng là đặt mục tiêu mình tiến, nhưng an trụ trong đó và hàng phục vọng tưởng không phải là chuyện dễ. Phát tâm cầu thành Phật là buổi đầu, nhưng còn nhiều chướng ngại phải vượt qua.

Phật thừa nhận lời tán thán của ngài Tu-bồ-đề là đúng nên đức Phật bảo rằng: “Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói, Như Lai thường hộ niệm các vị Bồ-tát và khéo phó chúc các vị Bồ-tát.” Bởi vì đức Phật luôn luôn nhớ nghĩ làm sao cho các vị Bồ-tát được tiến lên Phật quả và dặn dò các vị Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh để cùng tiến lên Phật quả. Đó là chủ đích mà đức Phật hằng mong mỏi và hằng giáo hóa.

Tiếp đến Phật dạy: Bây giờ ông phải lắng tâm nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông mà nói. Những người thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu thành Phật thì nên như lời tôi dạy ở sau mà an trụ tâm, nên như lời tôi dạy ở sau mà hàng phục tâm. Đó là lời của Phật hứa sẽ dạy, ngài Tu-bồ-đề thưa: Xin vâng, đức Thế Tôn con nguyện thích được nghe những lời này. Đây là bắt đầu thời thuyết pháp chánh.

Qua đoạn này chúng ta thấy rõ tinh thần người xưa đến học đạo. Trong hội chúng đông đảo, khi đức Phật thọ trai xong, trải tọa cụ ngồi kiết-già rồi, ngài Tu-bồ-đề theo đúng nghi lễ quì gối chấp tay tán thán Phật trước, kế đến mới thưa hỏi những điểm quan trọng. Như vậy đức Phật thuyết pháp là do đệ tử có những thắc mắc nghi ngờ đem ra thưa hỏi, nhân đó đức Phật mới thuyết pháp. Hiện nay chúng ta đi chùa học đạo cũng vậy, khi nào có gì thắc mắc cũng đem ra hỏi, như thế chính mình có lợi và cũng lợi cho những người chung quanh.

Ai muốn hàng phục được tâm mình, an trụ được tâm mình, phải theo dõi lời Phật dạy ở sau.

ĐOẠN 3

ÂM: ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG

Phật cáo Tu-bồ-đề:

- Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập Vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát.

DỊCH: CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA

Phật bảo Tu-bồ-đề:

- Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

GIẢNG:

“Chín loài chúng sanh” chỉ trùm tất cả chúng sanh.

Niết-bàn nghĩa là vô sanh. Niết-bàn có Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn. Những vị chứng quả A-la-hán, được vô sanh nhưng còn thân hình tướng thì gọi là Hữu dư Niết-bàn; được Niết-bàn sau khi xả thân nghĩa là được vô sanh sau khi không còn thân tướng thì gọi là Vô dư Niết-bàn.

Bốn tướng:

Tướng ngã: thấy có mình thật.

Tướng nhân: thấy có người thật.

Tướng chúng sanh: thấy tất cả loài có thật.

Tướng thọ giả: thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian.

Đây là đến phần Phật trả lời hai câu hỏi trước của ngài Tu-bồ-đề. Câu hỏi đầu là an trụ tâm, câu hỏi thứ hai là hàng phục tâm, nhưng khi trả lời đức Phật đổi lại trả lời câu hỏi hàng phục tâm trước và câu hỏi an trụ tâm sau. Trong đoạn này Phật dạy cách hàng phục tâm tức chỉ phương pháp tu hành. Đức Phật dạy: Đối với tất cả loài chúng sanh ta đều đưa họ vào chỗ Niết-bàn không còn hình tướng để họ được diệt độ. Diệt độ như thế không biết bao nhiêu chúng sanh mà thật không có một chúng sanh nào được diệt độ. Đó là hàng phục được tâm, quí vị làm được điều đó không? Phật lại bảo tiếp: Tại sao thế? - Vì nếu Bồ-tát còn một tướng ngã hay tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì không phải là Bồ-tát.

Phật trả lời khó hiểu quá, thấy như lạc đề. Đây là chỗ chánh yếu nhưng vừa mở đầu chúng ta thấy ngỡ ngàng, chúng ta mong Phật trả lời làm sao hàng phục tâm mà đức Phật trả lời như thế này thì làm sao hàng phục tâm được! Tôi không nói loài sanh bằng trứng, những loài sanh chỗ ẩm ướt, những loài sanh do biến hóa, những loài có sắc, không sắc v.v… mà chỉ nói những loài thai sanh và trong loài sanh bằng thai, tôi hạn chế trong loài người thôi. Chừng nào chúng ta độ tất cả loài người vào Vô dư Niết-bàn mà không thấy họ được diệt độ, chừng đó chúng ta mới hàng phục được tâm. Vậy chừng nào chúng ta làm được việc đó? Nếu như không làm được việc đó thì hàng phục tâm không được. Tại sao hỏi hàng phục tâm mà Phật dạy độ chúng sanh ở ngoài? Đó là điều khó, từ xưa đến giờ chính khi chúng tôi học, đến chỗ này chúng tôi cũng lắc đầu, điều Phật dạy rất khó áp dụng trong việc tu hành. Nếu chúng ta hiểu theo lời theo chữ thì sẽ có hai điểm không thể thực hiện được. Điểm thứ nhất là chúng ta thấy Phật chưa thành Phật. Tại sao? Vì khi đức Phật thành Phật, thử hỏi tất cả người - chỉ nói là người thôi - ở Ấn Độ, Phật đã độ được vào Vô dư Niết-bàn hết chưa? Chúng ta thấy rõ rằng lúc đó còn ngoại đạo rất nhiều, Ngài chỉ độ một số mấy ngàn vị thôi chớ đâu phải tất cả, vậy tại sao Ngài được thành Phật? Nếu hàng phục tâm chưa được thì làm sao thành Phật? Điểm thứ hai là Phật dạy chúng ta làm một việc mà không bao giờ chúng ta làm nổi. Thử hỏi tất cả quí vị cũng như chúng tôi, ai đã được Vô dư Niết-bàn? Thế mà chúng ta phải đưa tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết-bàn, chừng đó mình mới hàng phục được tâm. Vậy đến bao giờ chúng ta mới làm được việc đó? Chỗ mình chưa đạt tới mà Phật bảo mình độ người đạt được chỗ đó, làm sao chúng ta làm được? Cũng như chúng ta còn dốt mà bảo dạy tất cả người đậu tiến sĩ hết, chừng đó mới được làm quan thì thật là vô lý. Thế nên nếu học kinh Phật, nhất là kinh Đại thừa, mà hiểu theo chữ, theo lời thì không làm sao giải thích được.

Điểm thứ nhất ta thấy mâu thuẫn với Phật, điểm thứ hai mâu thuẫn với chúng ta, như thế làm sao có thể áp dụng trong việc tu hành? Nhưng đến sau này khi tu thiền và đọc sách thiền rồi, chúng tôi mới giật mình, không ngờ mình không hiểu lời Phật nói. Kinh nói trong chúng ta có đủ cả Thập pháp giới, đó là Tứ thánh và Lục phàm. Quí vị thấy có khi chúng ta phát lòng từ bi giống như Phật, như Bồ-tát, có khi chúng ta xấu xa như con heo, con bò, có khi chúng ta hung dữ như con cọp, con sói. Trong chúng ta có đủ trăm thứ nghĩ, tốt xấu lẫn lộn. Thế nên mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom đóm đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng… dấy niệm là sanh. Tại sao? Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng sanh. Những chúng sanh do niệm vừa dấy lên đó chúng ta liền độ vào Vô dư Niết-bàn. Làm sao độ? Chúng sanh đó dấy lên, ta biết chúng sanh này giả tức nhiên nó lặng xuống chỗ không sanh và khi nó lặng xuống không còn thấy tăm dạng nên gọi là Vô dư Niết-bàn. Như thế chúng ta thấy đức Phật độ hết chúng sanh, Ngài hàng phục được tâm, Ngài thành Phật. Như thế mới có lý, mới đúng sự thật.

Cũng thế nếu những vọng tưởng của chúng ta đang điên cuồng chạy ngược, chạy xuôi theo có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng… theo tất cả hình tướng bên ngoài, bây giờ chúng ta đưa nó vào Vô dư Niết-bàn, vào chỗ lặng lẽ không sanh diệt, tâm chúng ta không còn loạn nữa, đó là chúng ta hàng phục được tâm. Hiểu như vậy chúng ta mới tu được. Như thế chúng ta mới thấy rõ đức Phật thành Phật trong khi tất cả chúng sanh vẫn còn. Ngài hàng phục được tâm của Ngài nên mới được đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như bây giờ chúng ta vừa phát tâm tu thì chúng ta cũng hàng phục như vậy, lần lần tâm an định chúng ta mới tiến bộ được. Nếu cứ lo độ chúng sanh ở ngoài trong khi chính mình chưa độ được mình thì độ được ai?

Hiểu như vậy rồi chúng ta thấy kinh Phật rất cao siêu, lời lẽ diễn tả những hình ảnh mà chúng ta không hiểu là những hình ảnh đó qui về mình rồi chúng ta cứ tưởng là việc bên ngoài. Khi chúng ta tưởng như thế chúng ta sẽ thối chí không biết làm sao thực hành. Thế nên ngày xưa chính tôi đã từng nói rằng: Kinh Đại thừa chắc chỉ để trên gác thờ, không thể áp dụng trong việc tu hành, nhưng nay chúng ta hiểu rõ rồi, mới thấy chính đoạn này trả lời rất sát câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề. Ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục được tâm, Phật dạy: Một niệm dấy lên là một chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh là hàng phục tâm. Đây là Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ. Rõ ràng là Phật trả lời việc hàng phục tâm. Nếu nói độ tất cả chúng sanh thì ta thấy như là người hỏi việc bên trong mà Phật trả lời việc bên ngoài, không dính dáng gì với nhau. Nhưng ở đây, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa độ tất cả chúng sanh, đó là đưa tất cả niệm vào chỗ không còn sanh diệt. Khi nào thực hành quí vị mới thấy rõ. Một niệm dấy lên nghĩ về người, chúng ta liền nói niệm đó giả dối không thật, không theo. Khi biết nó giả, ta không theo thì nó lặng xuống, lặng xuống chỗ không còn thấy tướng mạo, đó là Vô dư Niết-bàn. Không sanh là Niết-bàn, không còn tướng mạo là vô dư. Bao nhiêu niệm đều đưa vào đó nên nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ, nghĩa là đưa tất cả vào đó hết mà không còn thấy có một người nào hay một niệm nào thật. Quí vị thấy thật là khó, khó ngay ở buổi đầu.

Thế nên Phật nói tiếp: Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ-tát. Tại sao vậy? - Bởi vì một niệm dấy lên tức là có chấp ngã trong đó. Quí vị nhớ từ cái chấp ngã của Đại thừa đi lần đến chấp ngã sâu kín vi tế của Thiền tông. Hai cái tương ưng nhau. Chấp ngã của Đại thừa là chấp thân làm ngã và chấp tâm làm ngã. Từ cái chấp thân, tâm làm ngã đến niệm dấy lên chấp niệm đó là mình, đó cũng là chấp ngã. Niệm dấy lên cho là mình nghĩ, đó là chấp ngã. Tại sao? Dấy niệm là suy nghĩ về người, suy nghĩ về cảnh, thử hỏi ai nghĩ, ai nghĩ về người, ai nghĩ về cảnh? Thô thì chấp thân này, tế thì chấp một niệm, vì vậy còn thấy một niệm thật là còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; nếu đưa hết những niệm vào Vô dư Niết-bàn rồi thì đâu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Người làm được như vậy, đức Phật nói: Đó là Bồ-tát độ chúng sanh.

Quí vị thấy mỗi ngày chúng ta ngồi ở tảng đá chơi, hoặc ngồi ở trước hành lang nhà, hoặc ngồi trong vườn, nếu chúng ta cứ lo độ chúng sanh như vậy, nghĩa là mỗi chúng sanh dấy lên chúng ta đưa vào Vô dư Niết-bàn, đó cũng là Bồ-tát độ chúng sanh rồi. Tại sao gọi là Bồ-tát? Vì Bồ-tát là một chúng Hữu tình giác ngộ và đem sở giác của mình giáo hóa kẻ khác, tức là tự giác và giác tha. Niệm dấy lên chúng ta biết nó là hư giả, đó là giác; giác rồi đưa nó vào chỗ vô sanh, đó là độ chúng sanh. Như vậy quí vị thấy giờ nào mà không độ chúng sanh? Chúng ta độ chúng sanh đó thì sẽ đi đến chỗ an trụ Niết-bàn. Tóm lại đức Phật chủ yếu dạy chúng ta đối với tất cả niệm khởi về người về vật v.v… muôn ngàn hình tướng đều cho lặng xuống hết, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm. Tâm chúng ta không còn loạn động nữa, mà hết loạn động tức là chúng ta hàng phục được tâm thuần thục. Như thế câu trả lời rất là xác đáng. Và như vậy mới hết tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Hiện giờ có nhiều người không hiểu, cho thân này là ngã nên bảo: “thôi tôi xả thân, tôi không nghĩ gì đến tôi hết, tôi bố thí tất cả thức ăn, thức mặc, cái gì tôi cũng không kể”, nhưng niệm của họ vẫn còn khởi thì cái xả đó vẫn chưa sạch. Tỉ dụ cứ nghĩ ta là người bố thí, ta là người nhẫn nhục tức là còn ngã chớ gì? Cho nên còn một niệm là còn ngã, cái ngã tế nhị như vậy. Thành ra có nhiều người làm việc coi như xả ngã mà chính là nuôi cái ngã thêm to, đó là cái ngã vọng tưởng ở tâm. Thế nên khi hiểu rồi quí vị mới thấy ở đây đức Phật bảo: Độ tất cả chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh nào được diệt độ. Tại sao? - Vì nếu Bồ-tát còn bốn tướng đó không phải là Bồ-tát. Còn bốn tướng là còn dấy niệm thấy có mình tức có ngã, mà có ngã tức là có nhân, có chúng sanh, có thọ giả… Có dấy niệm mới chấp, mới nghĩ ta phải người quấy, mới thấy ta hay người dở v.v… nếu không dấy niệm thì chấp cái gì? Đó là chỗ cứu kính trong việc tu hành. Hiểu được rồi chúng ta thấy rõ ràng vừa bước vào đoạn thứ nhất là đã biết được phương pháp tu hành.

[ Quay lại ]