headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 18/01/2025 - Ngày 19 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH KIM CANG Giảng giải - Phần 6

phan6ĐOẠN 16

ÂM: NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG

Phục thứ Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, độc tụng thử kinh, nhược vi nhân khinh tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp, ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhân khinh tiện cố, tiên thế tội nghiệp tắc vi tiêu diệt, đương đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ngã niệm quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ư Nhiên Đăng Phật tiền đắc trị bát bách tứ thiên vạn ức na-do-tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự vô không quá giả. Nhược phục hữu nhân ư hậu mạt thế năng thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ư ngã sở cúng dường chư Phật công đức, bách phần bất cập nhất, thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.

Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư hậu mạt thế, hữu thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu nhân văn tâm tắc cuồng loạn hồ nghi bất tín. Tu-bồ-đề! Đương tri thị kinh nghĩa bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.

DỊCH: HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề, ta nhớ thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở trước đức Phật Nhiên Đăng, ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha các đức Phật, ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu lại có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì đọc tụng kinh này, được công đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của ta, trăm phần chẳng bằng một, ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ đều không thể bằng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam thiện nữ ở đời mạt pháp sau này, có người thọ trì đọc tụng kinh này, được công đức, nếu ta nói cho đủ hoặc có người nghe tâm tất cuồng loạn, hồ nghi, không tin. Này Tu-bồ-đề, nên biết kinh nghĩa này không thể nghĩ bàn nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

GIẢNG:

Trước khi giảng qua phần thứ mười sáu, tôi nhắc lại phần trước một chút khi nói về bố thí thân. Tôi dẫn một ví dụ nhỏ để quí vị thử xem mình dám bố thí không. Giả như ban đêm chúng ta ngủ, mộng thấy đi nơi này, nơi kia và cũng có nhà cửa đủ các thứ. Đến một lát sau giật mình tỉnh cơn mộng, đó là mộng số một, thân mộng số một. Đến khuya lại mộng lần nữa, cũng thấy cảnh thân v.v… đó là mộng số hai. Như vậy cọng lại, cả đời mình bao nhiêu lần mộng? Không biết mấy ngàn cái mộng. Trong mấy ngàn mộng đó, đều có thân có cảnh. Giả sử có người đem hết các thân cảnh trong mộng đó đổi lấy thân của một đứa nhỏ chừng năm, ba tuổi, quí vị chịu đổi không? Bao nhiêu thân và cảnh trong mộng đó, dù là cả trăm ngàn thân và cảnh mộng, đem đổi một đứa bé thật độ năm, ba tuổi thì ai chịu đổi? Thân của đứa bé sống dài lắm chỉ là chín mươi năm thôi mà đổi bao nhiêu thân trong mộng mình còn không chịu đổi thay! Trong mỗi giấc mộng đều có thân có cảnh nhưng khi hết mộng thì mất, vậy thân cảnh trong mộng đó thật hay giả? Trong mộng thì ai nói giả được, chỉ khi thức rồi mới biết nó giả. Hiện tại chúng ta cũng giống như thế, bao nhiêu thân cảnh chúng ta đang sống - nghĩa là đang mê - thì đều thấy nó thật cả, nên nếu đổi nó với một thân chân thật thì chúng ta không đồng ý. Nhưng đến chừng giật mình thức giấc, tức là được tỉnh rồi, khi đó mới thấy rằng đổi bao nhiêu thân mộng cho một cái thân thật này cũng không xứng đáng nữa. Song phải đợi tỉnh đã, bây giờ còn mê thì thấy nó quí vô ngần!

Đến phần mười sáu, trước hết đức Phật bảo rằng nếu có người thiện nam thiện nữ hay thọ trì đọc tụng kinh này, nếu người đó bị người ta chê bai thì đó là do tội đời trước, đáng lý họ phải đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng hiện đời này bị chê bai cho nên tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Phật nói rất rõ. Ai trì kinh này thì tội nghiệp đời trước sẽ giảm đi, lý đáng phải bị đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng nhờ trì kinh này nên chỉ bị người chê bai thôi và tương lai sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như thế, nếu có người nói: coi chừng trì kinh này thì đổ nghiệp, quí vị phải trả lời thế nào? Người đó nói theo Phật hay nói theo ai? Phật bảo một đàng mà nói một ngả thì đó là ma nói rồi. Nói đổ nghiệp để ngăn không cho người ta trì kinh, đó là ngăn trở người ta tu hành phải không? Ở đây Phật khuyên chúng ta trì kinh để giảm nghiệp, đáng lẽ phải đọa trong ba đường ác mà bây giờ chỉ bị chê bai một chút thôi thì nhẹ biết chừng nào, vậy là giảm tối thiểu đó. Thế mà có người nói coi chừng tụng kinh Kim Cang thì đổ nghiệp, quí vị xác định cho kỹ xem câu nói đó là ai nói? Câu đó là ma nói. Giả sử người cạo tóc ở chùa mà nói câu đó thì không phải là người tu nữa, vì Phật bảo: Ngoài kinh mà nói là ma nói. Ở đây kinh chỉ rõ ràng mà họ nói khác đi, không có chỗ y cứ thì không phải ma là gì? Như vậy quí vị nên dè dặt đừng nói sai kinh mà mang tội. Thế nên chúng ta phải hiểu rõ lời Phật dạy. Nếu có ai hỏi: “tôi có thể trì kinh Kim Cang được không và trì kinh Kim Cang có đổ nghiệp không”, thì quí vị trả lời ra sao? Chúng ta phải nói: Trì kinh Kim Cang là giảm nghiệp chớ không phải đổ nghiệp và dẫn câu này làm chứng: Nếu có người trì kinh này bị người khinh chê, người này do tội ác đời trước, lẽ ra bị đọa đường ác mà đời này bị người khinh chê nên nghiệp ác đời trước hết và sau sẽ thành Phật.

Tiếp theo đức Phật so sánh công đức trì kinh, trong đoạn trước Ngài so sánh với công đức bố thí nội tài và ngoại tài rồi, đến đây Ngài so sánh với công đức cúng dường Phật. Ngài bảo rằng: Trước đức Phật Nhiên Đăng (đến Phật Nhiên Đăng, Ngài được thọ ký thành Phật), Ngài đã gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha chư Phật, Ngài đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu trong đời mạt pháp này có người trì kinh Kim Cang, thì sánh với công đức Ngài cúng dường bao nhiêu đức Phật đó, công đức của Ngài không bằng một phần công đức của người trì kinh Kim Cang kia, cho đến toán số thí dụ cũng không bì kịp. Như vậy quí vị có tin nổi không? Quí vị có cúng dường được đức Phật nào chưa? Thật ra trong kinh nói: Ra đời mà gặp Phật là quí vô lượng vô biên, huống nữa là cúng dường bao nhiêu đức Phật, vậy mà không bằng người trì kinh Kim Cang là tại sao? Cúng dường đó là chúng ta đem cái gì cúng dường? Của cải bên ngoài và tâm thành kính bên trong của mình phải không? Nhưng tâm thành kính đó là sanh diệt hay là bất sanh diệt? Tâm thành kính cúng dường đó là tâm sanh diệt, của cải cũng là tướng sanh diệt. Trì kinh là không còn thấy ngã thật, nhân thật mà thấy được ngay nơi mình có trí Kim cang, nhận ra được Trí chân thật đó tức là trì kinh Kim Cang. Như vậy bao nhiêu cái sanh diệt kia đâu bì được với cái chân thật. Thế nên Phật bảo công đức cúng dường không bằng một phần công đức trì kinh. Nhưng hiện nay nghe nói cúng dường thì thích mà nói trì kinh thì ngán phải không? Nếu bảo quí vị tổ chức lễ cúng dường Phật, cúng dường chư Tăng được phước vô lượng thì ai cũng chịu, nếu bảo trì kinh Kim Cang thì ai cũng ngán. Chao ôi! Kinh gì nói không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, thọ giả, vậy chớ ai đây? ai kia? Cứ thấy mình thật, người thật nên không kham trì kinh Kim Cang, chớ nếu hiểu rõ ngã, nhân và pháp đều là tướng hư giả không thật thì người trì kinh Kim Cang là công đức vô kể.

Thế nên đức Phật mới bảo rằng: Này Tu-bồ-đề, nếu có người thiện nam thiện nữ nào ở trong đời mạt pháp thọ trì kinh Kim Cang, thì công đức của người đó nếu ta nói cho đủ hoặc có người nghe thì tâm họ sanh cuồng loạn hồ nghi. Vì quá sức tưởng tượng của con người nên họ hoảng hốt, họ hồ nghi, không tin. Ngài bảo thêm: Nên biết nghĩa của kinh này không thể nghĩ bàn cho nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Tại sao nghĩa không thể nghĩ bàn? Vì Kim cang Bát-nhã là Trí chân thật bất sanh bất diệt của chúng ta, là Chân tâm bất sanh bất diệt hay Pháp thân bất sanh bất diệt của mình, cái đó không bị giới hạn trong thời gian và không gian. Bởi không giới hạn trong thời gian, không gian nên thường nói là tuyệt đối, vượt ngoài đối đãi. Còn tất cả pháp thế gian đều nằm trong tương đối, vì tương đối nên là tướng sanh diệt. Quí vị kiểm lại xem trong cuộc sống này có cái gì không phải là tương đối? Như tối và sáng là tương đối, cho nên hiện giờ sáng, một lát nữa tối, rồi đến sáng, sáng tối đuổi nhau sanh diệt. Như vậy sáng tối là tương đối nên là tướng sanh diệt. Nam nữ cũng là tương đối cho nên nam nữ hợp là có sanh, sanh thì có tử, đó là tướng sanh diệt. Trên thế gian này tất cả đều là tương đối, đó là pháp sanh diệt. Pháp sanh diệt bì sao được với pháp không sanh diệt. Thế nên nghĩa của pháp không sanh diệt cao siêu vô tận và quả báo cũng vô tận. Còn nghĩa của pháp sanh diệt là hữu tận thì quả báo cũng hữu tận. Đem cái hữu tận so với cái vô tận thì không bao giờ sánh kịp.

Quí vị hiểu như thế nào? Hiểu qua lời giải chớ chưa hiểu thật sự. Người nào thấy rõ thân này là ảo mộng là huyễn hóa như bọt như bóng, thấy cảnh cũng vậy thì người đó mới thật hiểu, người đó là người trì kinh Kim Cang. Còn nếu hiểu mơ hồ, vẫn thấy mình là thật thì chưa trì nổi kinh Kim Cang. Nếu có, đó là trì bằng chữ, bằng ngôn ngữ chớ chưa phải trì bằng tâm trí quán chiếu. Trái lại nếu thấy rõ hoặc xét rõ thân cảnh là tướng duyên hợp hư giả, đó là trì bằng trí tuệ quán chiếu. Trì bằng chữ nghĩa gọi là Văn tự Bát-nhã, còn dùng trí soi xét quán chiếu đó là Quán chiếu Bát-nhã. Sống được với Trí tuệ bất sanh bất diệt, đó là Thật tướng Bát-nhã, đó mới là bất sanh bất diệt. Quí vị nhớ nên ứng dụng cái thứ hai hơn là cái thứ nhất, vì văn tự chữ nghĩa đọc qua rồi mất, còn quán chiếu mới thấm sâu vào trong, đó là cái để đi đến Thật tướng.

ĐOẠN 17

ÂM:CỨU KÍNH VÔ NGÃ

Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?

Phật cáo Tu-bồ-đề:

- Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, đương sanh như thị tâm, ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ nhi vô hữu nhất chúng sanh thật diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả.

Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật ngôn:

- Như thị, như thị! Tu-bồ-đề, thật vô hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhược hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, Nhiên Đăng Phật tắc bất dữ ngã thọ ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Dĩ thật vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn: Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Hà dĩ cố? Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, ư thị trung, vô thật vô hư, thị cố Như Lai thuyết: Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Tu-bồ-đề! Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp. Tu-bồ-đề! Thí như nhân thân trường đại.

Tu-bồ-đề ngôn:

- Thế Tôn! Như Lai thuyết nhân thân trường đại tắc vi phi đại thân, thị danh đại thân.

- Tu-bồ-đề! Bồ-tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh, tức bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp danh vi Bồ-tát, thị cố Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả.

Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát tác thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.

Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ-tát.

DỊCH: TỘT CÙNG KHÔNG CÓ NGÃ

Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

- Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo:

- Như thế, như thế! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta, nói thế này: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật, không hư. Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất cả pháp. Này Tu-bồ-đề, thí như có người thân cao lớn.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp tên là Bồ-tát. Thế nên Phật nói: tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời thế này: ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.

GIẢNG:

Chúng tôi đã nói với quí vị rằng: Kinh Kim Cang chủ yếu là trả lời hai câu hỏi: Làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục tâm, nhưng câu hỏi đó phải đi đôi với câu trước là người phát tâm cầu thành Phật chớ không phải người thường. Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức phát tâm cầu thành Phật, làm sao trụ tâm, làm sao hàng phục tâm? Câu hỏi đó ở trước Phật trả lời rồi, vậy tại sao ở đây ngài Tu-bồ-đề lại hỏi nữa? Bởi vì hai câu hỏi này là tối hệ trọng trên đường tu hành, nếu chúng ta nghe lướt qua, không chăm chỉ để hết tâm trí vào đó thì khó mà lãnh hội nổi, cho nên Ngài nhắc lại một lần nữa để Phật giải. Do đó tôi gọi là điệp khúc. Đó là vì Ngài muốn chúng ta thấy rõ ý Phật dạy cách hàng phục tâm, cách an trụ tâm.

Đức Phật trả lời: Nếu người thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu thành Phật nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, nhưng độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh nào được diệt độ. Độ là qua, diệt là mất, tức là đưa tất cả chúng sanh qua chỗ tịch diệt qua mất hết. Tôi đã từng nói với quí vị: Mỗi niệm là một chúng sanh, đưa nó đến chỗ vô sanh, đưa nó qua đó rồi nhìn lại không còn chúng sanh nào hết, mà không còn một chúng sanh nào, như vậy lúc đó có còn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả không? Quí vị nhớ chúng ta còn thấy ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là do niệm sanh phải không? Do niệm khởi mới chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu niệm không khởi thì lấy gì chấp? Thế nên nói độ qua hết rồi thì không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Sở dĩ hiện tại ai nói đến tên chúng ta liền nổi giận là vì vừa nghe nói, niệm liền khởi phân biệt nên mới giận, nếu nghe nói mà niệm không khởi thì đâu có giận. Nếu dấy niệm thì chấp ngã cho nên sân, không dấy niệm thì không chấp ngã cho nên không sân. Không chấp ngã thì không chấp nhân do đó tham sân si đâu còn. Như vậy chúng ta thấy rõ độ tất cả niệm đến chỗ vô sanh rồi bốn tướng cũng theo đó hết. Trái lại còn có niệm sanh thì còn bốn tướng. Thế nên muốn hàng phục tâm mình đến chỗ an trụ viên mãn thì phải độ tất cả chúng sanh. Tại sao ở đây đức Phật chỉ trả lời câu hàng phục tâm chớ không nói an trụ tâm? Bởi vì hàng phục rồi là an trụ. Ở đoạn trước Phật dạy an trụ riêng, hàng phục riêng, nhưng ở đây kết thúc lại thì hàng phục là an trụ. Quí vị thử hàng phục tâm mình đi. Nếu mình độ hết tất cả chúng sanh rồi thì có an trụ không? Đó là an trụ rồi, vì vậy không cần nói đến an trụ nữa. Nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh thật diệt độ. Do đó Phật bảo: Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì không phải là Bồ-tát. Người không còn bốn tướng là người gì? Như vậy quí vị lo gì mình không làm Bồ-tát được. Nếu mình đừng dấy niệm, đừng khởi chấp ngã, lúc đó dù mình không tự xưng là Bồ-tát, không mang nhãn hiệu Bồ-tát nhưng vẫn là Bồ-tát. Trái lại dù mang nhãn hiệu Bồ-tát A, Bồ-tát B v.v… mà niệm khởi liền liền thì có phải là Bồ-tát chưa? Như vậy chúng ta thấy rõ Bồ-tát là người tâm không còn chấp, không còn kẹt. Hiểu như thế mới thấy được ý nghĩa của sự tu hành là phải đi đến chỗ độ hết chúng sanh, độ hết chúng sanh rồi là hàng phục, hàng phục rồi liền an trụ. Như thế mới thật là Bồ-tát.

Tiếp theo Phật liền đặt câu hỏi: Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thường thường khi tu, chúng ta thích lựa pháp cao để tu cốt mau thành Phật. Tuy nhiên khi phát tâm cầu thành Phật thì pháp để chúng ta ứng dụng tu là thật hay không thật? Nếu thấy pháp đó thật thì tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả còn hay không? Như muốn qua sông, tôi nhờ chiếc đò đưa qua sông rồi, tôi thấy chiếc đò là thật thì thế nào? Đò thật thì tôi cũng thật, người chèo đò cũng thật. Tất cả đều thật! Thế nên qua sông rồi, thấy đò không còn quan trọng nữa mới bỏ đò được. Như vậy còn có pháp thì còn có ngã, còn có ngã thì còn có pháp, hai cái đó hỗ tương. Đoạn trước Phật phá chấp ngã, ở đây Phật phá thêm chấp pháp. Đây không phải pháp thường, pháp này là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà còn không thấy là thật, thì tất cả pháp thế gian có pháp nào thật đâu! Khi chúng ta đưa ra một ý kiến, đó là pháp, nhưng nếu điều mình nói mà người ta không theo thì sao? Chúng ta giận phải không? Cái đó là phi pháp thì tại sao chúng ta giận? Pháp còn nên xả, hà huống phi pháp, nên nhớ câu đó. Nếu không chấp pháp thì không còn buồn phiền. Trái lại nếu nói việc này là thật là phải mà người ta không chịu nghe thì sao? Bởi chấp nó phải nên biến thành sân si, mà biến thành sân si thì còn phải nữa không? Chúng ta chấp việc phải là chấp pháp phải, chấp pháp phải rồi thì ngã nổi lên, ngã nổi lên tức si mê dấy khởi. Thế nên người tu đến cả pháp cũng không chấp nữa.

Đến đây tôi nói tế nhị hơn, như hiện nay quí Phật tử thường nghe chúng tôi dạy tu thiền, thấy tu thiền hay liền ứng dụng tu. Bất thần, hôm nào có người chỉ mặt nói tu thiền là điên, là ngu si thì quí vị nghĩ sao? Lúc đó nếu chấp pháp của tôi hay thì ngã nổi lên, tức thì muốn đàn áp, muốn gây sự với họ. Như vậy có pháp là có ngã. Đó là chỉ nói pháp tu thiền thôi. Còn đức Phật bảo cả pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không thật. Thật là cao siêu, thâm diệu! Thế gian chúng ta quá nông nổi, những vọng tưởng là ý nghĩ không thật mà còn chấp, nghĩ ra là muốn bắt người khác theo, ai không theo thì giận ngay, thật là phi lý làm sao! Nếu ai gạt bỏ được những cái phi lý đó thì lần lần sẽ bớt khổ, bớt sân si. Đó là chỗ tu. Thế nên phải thuộc lòng câu "pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”. Pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn phải bỏ, huống nữa là cái phi pháp. Hiểu như vậy, quí vị mới sống một cách thoải mái nhẹ nhàng. Chúng ta hiểu, chúng ta ứng dụng tu mặc người đời chê khen. Giải thoát hay không là việc làm của mình, họ khen mình cũng không giải thoát, họ chê mình cũng không trầm luân. Chúng ta biết rõ tu như thế là có ích lợi cho mình thì cứ việc tu. Thí dụ như quí Phật tử hằng ngày, buổi sáng, buổi trưa khi đói bụng thì ăn cơm, xong rồi thấy khỏe, đi làm công tác được; đều đều bữa nào như bữa nấy, mình thấy vui vẻ nhẹ nhàng. Bây giờ bất thần có người bảo ăn cơm là ngu si, là vô ích thì lúc đó chúng ta cứ ăn hay là ngưng không ăn? Vô lý quá, mình không ăn để đói sao? Thế nên những lời nói dù là lời chửi mắng, chê bai, mình nghe làm gì, nổi sân làm chi? Chúng ta biết rõ trăm phần đó là lẽ thật thì ai nói gì cũng mặc, chuyện mình làm mình biết rõ rồi. Người như vậy mới là người thật tin lẽ thật. Có nhiều người đang làm một việc lợi ích thật, nhưng vừa nghe người khác chỉ trích liền hoảng hốt nghi ngờ, đó là chưa có kinh nghiệm, chưa nhận lẽ thật; chớ nếu có kinh nghiệm, nhận lẽ thật rồi thì ai nói gì cũng không thay đổi lập trường. Trong sự tu hành cũng phải như thế. Quí vị thấy câu "pháp còn nên bỏ huống là phi pháp” thật hay vô cùng, chúng ta ứng dụng thì lợi ích biết bao nhiêu. Chúng ta nghĩ phải mà nếu ai nói không phải, chúng ta bảo làm, họ nói không phải không làm, thì chúng ta nghĩ pháp của Phật còn phải xả huống nữa là cái phi pháp này, do đó chúng ta không giận hờn chi cả. Chúng ta có quyền đề nghị nhưng nghe theo hay làm theo là quyền của người, như vậy chúng ta mới không sân hận. Nhất là quí đạo hữu có quyền làm chủ gia đình, hay lấy quyền làm chủ bắt mọi người theo mình, nhiều khi đề nghị sai nhưng tự ái không dám nhận lỗi. Thế nên nếu mình cởi mở, cho mỗi người được tự do, mình đề nghị nhưng khi thấy hợp, thấy hay thì họ làm, khi thấy không hợp, không hay thì thôi, mình cũng cười, không hờn gì cả, như vậy là an ổn nhất trong đời tu của mình.

Đức Phật lại hỏi tiếp: Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không? Ngài Tu-bồ-đề phủ nhận: Bạch Thế Tôn, không. Tại sao Ngài dám phủ nhận? Chúng ta thấy Ngài nói thật là dè dặt: Như chỗ hiểu của con qua lời Phật nói, Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bởi vì Ngài chưa thành Phật, Ngài chưa xả được, nhưng hiện giờ Ngài hiểu qua lời Phật dạy. Người xưa thật kỹ lưỡng, còn chúng ta bây giờ vừa hiểu một chút là nói bướng, xưng là ta nói, ta hiểu. Phật khen: Đúng như vậy, đúng như vậy, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu thấy có pháp để được thì còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Phật giải nghĩa thêm: Này Tu-bồ-đề, nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Nếu ta còn thấy có pháp để được thì Phật Nhiên Đăng không bao giờ thọ ký cho ta thành Phật. Do thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta. Bởi Phật không thấy có pháp được nên Ngài được thành Phật, trái lại nếu thấy có một pháp được là không được thành Phật. Cũng thế, tất cả chúng ta tu mà còn thấy thân này thật, cảnh thật, pháp thật, thì không giác ngộ. Trái lại nếu chúng ta thấy nó giả, tạm có trong một thời gian ngắn chừng vài mươi năm không đáng kể, thì chúng ta trở về sống với cái thật. Đó là chúng ta tỉnh, chúng ta giác, do tỉnh giác tương lai sẽ được Phật thọ ký. Như trong đoạn trước Phật bảo người trì kinh này, do tội đời trước, đáng lẽ bị đọa địa ngục, nhưng chỉ bị mắng chê thôi và sau này sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là đúng lời Phật nói chớ tôi đâu dám ức thuyết. Phật nói rõ ràng như vậy, nghĩa là người nào biết rõ thân này, cảnh này là hư giả, do duyên hợp tạm có một lúc rồi hoại, trong cái tướng hư giả đó có cái chân thật đang bày hiện nơi sáu căn của chúng ta, nếu chúng ta sống được với nó thì tất cả cái hư giả đều vô nghĩa. Nếu không còn chấp thân, chấp cảnh, chấp pháp thì lúc đó sẽ được Như Lai ắt thấy chúng ta, ắt biết chúng ta tương lai sẽ thành Phật không nghi. Như thế làm người giác có khó không? Tôi thấy không khó chút nào, chỉ cần vận dụng trí nhìn cho đúng, thấy cho đúng thôi. Tỉnh rồi thì giác. Vậy tại sao không dùng trí mà cứ dùng tình thương ghét, buồn, giận rồi cả ngày nó cứ dẫn mình chạy loanh quanh không dừng. Thương ai, vắng mặt thì trông, thì tìm; ghét ai, gặp mặt thì tức, thì tránh. Chúng ta sống với cái biết tất cả là giả, mang cái giả chạy tìm cái giả làm chi cho cực. Biết thế rồi cả ngày sống an lành tự tại, lúc nào cũng cười, vì tất cả đều giả thì có gì quan trọng mà giận, mà buồn!

Tuy không quan trọng nhưng vẫn phải làm, đó là chủ trương của Bồ-tát. Như Ngũ minh và Tứ nhiếp pháp là những phương tiện để Bồ-tát giáo hóa chúng sanh. Biết rằng thân giả, cảnh giả nhưng khi mê người ta thấy nó thật. Họ đang đói phải cho họ cơm ăn cho đỡ đói rồi mới giảng đạo lý, lúc tỉnh rồi họ mới nghe. Vì vậy mà Bồ-tát biết thân cảnh như huyễn, nhưng vẫn phải làm giúp người no ấm rồi mới giảng đạo lý cho họ nghe. Quí vị phải hiểu cho rõ, nếu không hiểu thì học Đại thừa trở thành Tiểu thừa tiêu cực. Tại sao? Bởi vì nghe cái gì cũng giả thì chúng ta muốn ngồi không cho rồi, làm chi nữa vô ích. Như vậy trở thành tiêu cực yếm thế. Chỉ có mình biết nó giả chớ mọi người chưa biết, muốn cho người biết, mình phải có nghề nghiệp cho khéo (công xảo minh) để dạy người ta làm, trong khi làm mới nói chuyện đạo lý cho họ nghe, lần lần người ta thấm, đó là hạnh Bồ-tát. Quí vị phải hiểu như vậy mới đúng tinh thần kinh Kim Cang, đừng hiểu khác rồi trở thành tiêu cực yếm thế, trái đạo Đại thừa. Đó là chỗ thực tế của Phật pháp. Tóm lại đức Phật chỉ rõ nếu ở chỗ Phật Nhiên Đăng, Ngài còn thấy có pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho Ngài, bởi Ngài không thấy có pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên mới được Phật Nhiên Đăng thọ ký cho sau này thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

Ngài nói thêm: Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa như của các pháp. Học kinh Kim Cang là quí vị thâm nhập được nghĩa Như Lai. Kinh Kim Cang giải thích nghĩa Như Lai quá rõ. Nếu có người hỏi thế nào là Như Lai, quí vị dùng kinh Kim Cang mà đáp: Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai, hoặc Như Lai giả tức chư pháp như nghĩa. Như Lai là gì? Như Lai là nghĩa như của các pháp. Nghĩa như các pháp là thế nào? Các pháp như đó là Như Lai. Các pháp làm sao như được? Tỉ dụ khi chúng ta đi, lúc đi là như như hay là động? Nếu là động, là biến đổi, là xê dịch thì đâu phải là như, cho đến tất cả sự vật ở cõi này có cái nào như đâu, cái nào cũng đang động, đang xê dịch, tại sao nói Như Lai là nghĩa như của các pháp? Đúng vậy, Như Lai là nghĩa như của các pháp, bởi vì các pháp tự nó không động, mà động là do duyên hợp và do tâm động tịnh của mình, nên phân biệt cảnh động tịnh, như chuyện hai Sa-di nói phướn động với gió động, còn Lục Tổ nói tâm nhân giả động. Nếu tâm không động thì phướn còn động, gió còn động không? Tâm mình như thì cảnh cũng như, cho nên nói Như Lai là nghĩa như của các pháp. Khi nào đối với cảnh, tâm mình như như bất động thì đó là Như Lai chớ không có gì lạ cả. Như thế Phật chỉ hết sức rõ. Ví dụ như nhìn tất cả quí vị tôi thấy rõ hết, nhưng tôi không dấy một niệm phân biệt để thương người này, ghét người kia. Tâm không dấy niệm thương ghét, đó là tâm Phật bình đẳng, đó là như, do tâm như nên cảnh cũng như. Đối với tất cả pháp ở cõi này cũng thế, gió thổi lá cây rung v.v… nhưng tâm mình như thì không dấy niệm phân biệt động tịnh. Phân biệt động tịnh thì các pháp động tịnh; không dấy niệm thì các pháp tự như đó là nghĩa Như Lai. Như vậy chúng ta thấy có cái nhất quán từ trước đến giờ. Phật dạy độ tất cả chúng sanh mà không thấy chúng sanh được diệt độ, đó là Như Lai. Đến chỗ đó, không còn một niệm tức tâm mình như thì đối cảnh cũng như, đó là Như Lai, đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Rõ ràng lời Phật dạy thủy chung nhất quán. Như thế trong kinh đã nói rõ, chúng ta không còn gì nghi ngờ.

Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật không hư. Thật hư là đối đãi, mà chỗ Phật thấy, chỗ Phật ngộ không còn đối đãi. Còn chúng ta thấy có được, có mất là đối đãi, có thật, có hư là đối đãi. Thế nên chỗ Phật thành Phật, chỗ đó không còn đối đãi, đó mới là Phật, còn thấy đối đãi thì chưa phải là Phật. Thấy được tức là đối với mất, thấy hư là đối với thật. Như thế chỗ Phật đạt là chỗ không thật không hư.

Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Câu đó quí vị thấy thật là cao siêu và lý thú làm sao! Chỉ một câu này là một bài giảng rồi. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta nhìn tất cả mọi mặt của các pháp thế gian thì pháp nào cũng là Phật pháp. Đây tôi chỉ cho quí vị thấy, ngay trong cảnh tham sân si nếu mình biết ứng dụng đúng tinh thần đạo đức đó thì tham sân si là Phật pháp. Tại sao? Tỉ dụ bây giờ quí vị phát tâm tu mạnh mẽ, khi đó có người kêu tên mình chửi, mình nổi sân lên thì đó là gì? - Là phiền não, là phi Phật pháp. Còn nếu biết mình đang phát tâm tu mạnh mẽ mà người này chửi mình, có lẽ họ thử mình tức họ là Bồ-tát thử xem mình có kiên tâm chưa, nhân đó mình cảm ơn họ, mình vươn lên, không buồn giận gì hết. Như vậy phải là Phật pháp hay không? Tất cả việc khác cũng vậy, mọi việc đến với mình, mình cũng đều cho là thử thách xem mình có bền vững không, có tu thật không? Những thử thách đó, nếu vượt qua khỏi, là mình tiến lên một bước, như thế người giúp mình tiến là người ân phải không? Việc họ làm là Phật pháp rõ ràng, vì giúp cho mình tiến bộ. Tất cả pháp đều là Phật pháp. Phật pháp có nghĩa là hữu ích cho chúng sanh. Tất cả ở thế gian này quí vị thấy cái nào là vô ích cho mình, cho người hay không? Cho đến vật mà mình chê như mấy đống rác hôi hám, nhưng cũng có những người làm rẫy hốt về làm phân trồng rau, cho đến những thứ của mình bỏ ra, người ta cũng dùng được nữa thì có cái gì là vô ích đâu. Nếu biết dùng thì tất cả đều hữu ích cho chúng sanh, hữu ích tức là Phật pháp. Đó là mình nhìn một cách phổ biến.

Bây giờ đến cái cao hơn, như người ta hay than phiền ở thế gian có nhiều chướng ngại khó tu. Tỉ dụ người nặng về sắc dục thì nói rằng thấy những người đẹp nên chướng ngại khó tu, người nặng về tham của cải thấy những món vật tốt nên chướng ngại khó tu v.v… Tôi hỏi lại: Người đẹp, vật tốt có phải là cái chướng ngại hay không? Hay chướng ngại tại nơi lòng tham của mình? Sự thật người, vật không chướng. Nếu thấy nó làm chướng, làm mình động tâm thì đó là phiền não. Trái lại khi thấy người đẹp chúng ta liền dùng trí Bát-nhã thấy đó là tứ đại duyên hợp hư giả không thật, thấy vật tốt cũng biết đó là tứ đại duyên hợp hư giả không thật. Vừa thấy đó trí Bát-nhã liền hiện, như thế là Phật pháp rồi! Tất cả những cái khác cũng thế thì cái gì không phải là Phật pháp? Cao hơn nữa, là “Chư pháp như nghĩa”. Thấy cái nào cũng như hết thì có cái gì không phải là Phật pháp? Trong kinh nói: Xúc mục là Bồ-đề, tức thấy cái gì cũng là Bồ-đề cả, cái gì cũng là như thì có cái gì không phải là Phật pháp? Quí vị thử kiểm xem thế gian có cái gì là chướng không? Không có chướng thì tại sao mình sợ, sợ là sợ cái gì? Sợ thế gian hay sợ tâm mình? Sợ vọng tưởng điên đảo của mình? Như vậy nếu người nào biết vọng tưởng điên đảo là cái đáng sợ thì hàng ngày cứ trị nó chớ cần gì phải trốn thế gian. Quí vị nghĩ đi đâu trốn thế gian được? Bất cứ nơi nào cũng nằm trong thế gian, vô rừng cũng là thế gian, ở núi cũng là thế gian, ở chợ cũng là thế gian… Chỉ có tâm mình an thì chỗ nào cũng là Phật pháp cả. Vậy tại sao chúng ta không lo trị vọng tưởng mà cứ lo trốn cảnh, trốn người v.v… Vậy thì chúng ta thấy cái nào là trọng tâm, là then chốt để chúng ta làm. Nếu muốn tu thì ngay nơi tâm mình mà tu. Trước hết nhắm thẳng tâm mình, làm sao trị những chú vọng tưởng thành những người lương thiện, chúng không còn điên đảo ngược xuôi nữa, chừng đó chúng ta mới nhẹ nhàng, rồi lần lần nó thuần thục nằm yên như con trâu mà mình ngồi trên lưng nó thổi sáo đi tự tại, thế là thảnh thơi lắm rồi đó. Như vậy mình phải trị mình, phải sợ mình chớ không sợ thế gian, vì tất cả pháp trên thế gian đều là Phật pháp. Nhất thiết pháp vô phi Phật pháp. Vô phi Phật pháp hay giai thị Phật pháp cũng thế, cũng có nghĩa đều là Phật pháp.

Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp.
Phật xác nhận rõ như vậy. Đây tôi dẫn một câu chuyện để nhiều khi quí vị nghe mà không hiểu. Như có một lần, ngài Văn-thù bảo Thiện Tài đồng tử: Ngươi ra ngoài núi tìm những cây cỏ thuốc đem về cho ta. Thiện Tài đồng tử bước ra ngoài thấy cây nào cũng là cây thuốc cả, liền về thưa: Bạch Hòa thượng sao con thấy cây nào cũng là cây thuốc cả. Ngài Văn-thù mới bảo: Thôi ngươi ra ngoài tìm cây nào không phải cây thuốc đem về cho ta. Thiện Tài đồng tử đi ra nhìn thấy cây nào cũng không phải cây thuốc!* Như vậy là tại sao? Đó là để nói rằng nếu chúng ta nhìn đúng, nếu chúng ta có quan niệm đúng đắn thì các pháp đều là Phật pháp. Trái lại nếu chúng ta có quan niệm sai lầm thì tất cả pháp đều là phiền não. Tại sao? Vì khi nói không phải thuốc thì Thiện Tài đồng tử đinh ninh trong tâm trí cái không phải thuốc rồi thấy cây nào cũng không phải thuốc. Chúng ta hiện nay cũng như thế. Vì chúng ta đang sống với vọng tưởng điên đảo nên nhìn cái nào cũng là vọng tưởng điên đảo. Khi chúng ta dùng Trí tuệ Bát-nhã nhìn thì cái nào cũng là Trí tuệ Bát-nhã. Như thế chúng ta thấy rằng tất cả cảnh không phải đẹp, không phải xấu, không phải lợi, không phải hại mà đẹp xấu lợi hại là tại tâm mình phân biệt. Nếu tâm mình không phân biệt thì các pháp có lỗi lầm gì! Như vậy chúng ta thấy cái trọng tâm là do tâm mình chớ đừng nói tìm pháp nào thuận lợi cho mình. Câu "tất cả pháp đều là Phật pháp” rất chí lý. Tuy nhiên khi nói câu này, đức Phật lại e chúng ta bám vào đó, chấp cho là thật nên Phật mới bảo: Này Tu-bồ-đề, nói rằng tất cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất cả pháp. Như vậy khi nói tất cả pháp đều là Phật pháp là nhìn theo khía cạnh nào? Đó là nhìn theo Trí tuệ Bát-nhã, nghĩa là thấy tất cả pháp đều là tướng duyên hợp hư huyễn, thấy pháp nào cũng thế tức là Trí tuệ Bát-nhã rồi. Trái lại nếu thấy tất cả pháp là thật, thì tất cả không phải là Phật pháp. Vì vậy không phải là thật, ấy là Phật pháp, nghĩa là thấy tất cả pháp đều là tướng duyên hợp không thật, nhưng trên giả danh thì tạm gọi là tất cả pháp.

Này Tu-bồ-đề, thí như có người thân cao lớn. Ngài Tu-bồ-đề đang dùng Trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả pháp không phải tất cả pháp nên ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn. Nếu còn thấy thật cao, thật lớn thì chưa phải là lớn mà phải thấy rõ thân cao lớn đó chẳng qua là tướng duyên hợp, bởi tướng duyên hợp nên không thật là cao lớn nhưng trên giả danh thì gọi là cao lớn.

Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: "ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh”, ắt không gọi là Bồ-tát. Đức Phật nhấn mạnh lại chỗ chấp ngã, nếu còn thấy mình diệt độ tất cả chúng sanh thì không phải là Bồ-tát rồi. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, thật không có pháp tên là Bồ-tát. Kể cả danh tự Bồ-tát cũng không thật! Nếu còn chấp Bồ-tát là thật cũng còn kẹt. Thế nên đức Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát nói lời thế này: "ta sẽ trang nghiêm cõi Phật”, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm ấy gọi là trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát. Như vậy quí vị thấy trong đoạn này đức Phật chỉ rõ: Những vị Bồ-tát nếu còn thấy mình là Bồ-tát thì đó không phải là Bồ-tát. Như thế ai dám vỗ ngực xưng Bồ-tát thì người đó phải là Bồ-tát chưa? Vậy mà có người dám xưng Phật mẫu thì sao? Mạo xưng Phật mẫu, chúng ta tin được không? Xưng là Bồ-tát còn không phải Bồ-tát huống nữa là xưng danh hiệu gì. Xưng danh đó là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, người đó không phải là Thánh. Không phải Thánh mà xưng Thánh là mù quáng, mê tín. Vì thế trong nhà Phật thường nói những vị Bồ-tát khi thị hiện giáo hóa chúng sanh, lúc đang làm việc, không ai biết đó là Bồ-tát, đến khi gần tắt thở mới làm một bài thơ để lại, khi chúng ta biết đó là Bồ-tát là các ngài đã đi rồi, chớ không bao giờ đang hiện tại mà xưng mình là Bồ-tát. Như vậy những người xưng mình là Thánh đó đều là tà quái chớ không phải Thánh đâu, kinh đã chỉ rõ ràng. Quí vị phải nhớ kỹ, có khi Bồ-tát ở bên cạnh phá mình tơi bời, nên mình xem không ra gì. Vì vậy chúng ta không dám khi một người nào, giả sử chúng ta mới phát nguyện tu mà có người tướng như yêu quái đến phá, mình đừng vội nghĩ họ là yêu quái mà phải tự bảo: Đây chắc là Bồ-tát thị hiện thử mình. Nghĩ như thế nên mình thầm mang ơn người, thầm kính phục người tự nhiên quí vị tiến, quí vị thành công; trái lại nếu chúng ta nghĩ họ là yêu quái muốn trị họ, muốn phạt họ, làm dữ với họ tự nhiên mình thành yêu quái. Như vậy quí vị mới thấy rõ, khi nghĩ người ta yêu quái, mình biến thành yêu quái, khi nghĩ người ta là Bồ-tát mình là Bồ-tát. Thế nên, ai làm khó ngăn trở sự tu tiến của mình, hoặc là quyến rũ bằng cách này, cách khác, mình đều thấy họ là Bồ-tát. Tỉ dụ người đem đạo lý khuyên dạy mình, nhắc nhở mình từng cái dở, cái xấu để mình sửa, đó là Bồ-tát thuận hạnh; người làm trở ngại ngăn bước tiến của mình để mình vươn lên, đó là Bồ-tát nghịch hạnh. Tất cả đều là Bồ-tát. Như vậy đối với tất cả chúng sanh mình có tâm bình đẳng, ai cũng là người mình quí cả. Tâm Bồ-tát là tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta thấy người này là ơn, người kia là thù thì bất bình, bất bình thì mình đã thành phàm phu mất rồi. Đây là cứu kính chân thật. Chúng ta muốn thành Bồ-tát (nói muốn được cũng là tham vọng), muốn tiến tu thì phải thấy tất cả mọi người đều là Bồ-tát, Bồ-tát thuận hạnh, Bồ-tát nghịch hạnh, như vậy cả ngày không một niệm thù hằn, giận hờn. Nếu mọi người đều có tâm niệm tu như vậy thì có ai phiền não không? Ngày nào chúng ta cũng vui vẻ, ai chúng ta cũng quí cũng kính, giả sử người không phải Bồ-tát thật nhưng chúng ta đối với họ như vậy thì lâu ngày họ cũng thành Bồ-tát, bởi vì lúc đầu họ có niệm xấu, ngăn trở mình nhưng thấy mình vẫn kính, vẫn thương họ, sau cùng họ bị mình cảm hóa. Đó là một điều rất hay, lợi mình, lợi người đầy đủ. Đó là chỗ quan trọng trong sự tu hành. Thế nên chúng ta hiểu Phật pháp cho chí lý thì nhìn lại thấy cuộc đời đáng quí vô cùng, không có chỗ nào đáng chê, vì tất cả pháp đều là Phật pháp. Ai cũng là Bồ-tát thuận hạnh, nghịch hạnh, cõi này toàn là Bồ-tát còn gì mà chán, đợi về Cực Lạc làm bạn bất thối chuyển thì xa quá, lâu quá. Ở ngay đây mình có bạn Bồ-tát rồi, vui biết chừng nào! Sống ở chùa không có chán gì cả, chúng ta thấy cõi đời này như Cực Lạc, toàn thiện hữu tri thức bậc thượng vì toàn là Bồ-tát, và pháp nào cũng là Phật pháp thì đâu còn gì buồn chán. Đợi về Cực Lạc mới nghe chim thuyết pháp, mới nghe nhạc trời thì lâu quá. Nơi đây, nếu biết tất cả pháp đều là Phật pháp thì còn gì không phải Phật pháp mà phải đi kiếm Phật pháp làm chi. Như vậy quí vị thấy nếu chúng ta có tâm địa cứng cỏi và khéo léo thì việc tu hành ở cõi đời này hay vô cùng, chuyển cõi Ta-bà thành Tịnh độ ngay trong cuộc sống này, chuyển tất cả những bạn bè không tốt trở thành tốt, tất cả mọi người đều thành người tốt, dù ai nói sao đi nữa cũng bái bái: Tôi xin lỗi Bồ-tát, tôi lầm!

Nói đến trang nghiêm Phật độ. Tôi ví dụ như lối tu bên Tịnh độ, muốn trang nghiêm tịnh độ thì phải làm sao? Trong kinh thường dạy muốn trang nghiêm tịnh độ thì hàng ngày phải niệm Phật, đến khi tâm mình tịnh rồi thì cõi Phật sẽ thanh tịnh, đó là nhân trang nghiêm tịnh độ. Có những vị Bồ-tát khác trang nghiêm tịnh độ bằng cách hoặc phát nguyện bố thí, hoặc phát nguyện nhẫn nhục, hoặc phát nguyện tinh tấn, mỗi hạnh tu là để trang nghiêm tịnh độ, khi thành Phật thì cõi nước phước đức viên mãn. Như vậy vô tình còn có chỗ để mình được phải không? Việc làm này còn có nghĩ tới chỗ mình được, mà còn nghĩ chỗ mình được thì còn ngã pháp, vì vậy Phật mới bảo rằng: Bồ-tát nếu khởi nghĩ ta sẽ trang nghiêm Phật độ ấy không phải Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật là không phải trang nghiêm, ấy mới gọi là trang nghiêm. Nghĩa là làm tất cả lợi ích chúng sanh mà không thấy có gì thật cả thì không trang nghiêm mà là trang nghiêm cho nên không phải trang nghiêm đó mới gọi là trang nghiêm. Cuối cùng đức Phật giải thích: Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát thông đạt được pháp vô ngã, Như Lai nói đó mới là chân thật Bồ-tát. Thấy được pháp vô ngã mới là chân thật Bồ-tát, còn chưa thấy được thì chưa phải thật Bồ-tát.

ĐOẠN 18

ÂM: NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu tuệ nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa Thế Tôn!

Phật cáo Tu-bồ-đề:

- Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

DỊCH: ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai nói là cát.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế, có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

- Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

GIẢNG:

Trong đoạn này trước hết đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Đức Phật có đủ ngũ nhãn không? Ngũ nhãn là năm con mắt. Con mắt thứ nhất là con mắt gì? - Nhục nhãn, đó là con mắt thịt. Phật hỏi: Như Lai có nhục nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có nhục nhãn. Tôi hỏi quí vị có nhục nhãn không? Quí vị nói thế nào? - Dạ có nhục nhãn. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có thiên nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có thiên nhãn. Tôi hỏi quí vị, quí vị nói thế nào? - Thưa không. Tại sao vậy? Chúng ta chỉ có nhục nhãn. Thiên nhãn là con mắt của chư thiên. Thường thường chư thiên xa thật xa cũng thấy và nhỏ thật nhỏ cũng thấy. Thế nên nói Phật dùng thiên nhãn, nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng. Trong bài kệ quán chú khi uống nước: “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng” nghĩa là Phật nhìn trong một bát nước, có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Như vậy thì thấy cái nhìn của Ngài là cái nhìn bằng thiên nhãn. Hiện nay chúng ta phải nhờ kính hiển vi mới thấy vi trùng, Phật không cần kính hiển vi gì cả. Chính vì được thiên nhãn mà Ngài thấy. Như nhìn những ngôi sao, Phật biết đó là những thế giới nên Ngài nói hằng hà sa số thế giới, không cần có viễn vọng kính hay phi thuyền không gian mới biết có thế giới. Thế nên quí vị thấy những lời Phật nói là do lẽ thật nói ra, muôn đời là thật, không ai chối cãi được, chỉ có điều người ta chưa biết tới nên không hiểu, nếu tìm đến rồi thì từ từ thấy lẽ thật đó.

Phật lại hỏi: Như Lai có tuệ nhãn không? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt của hàng Thanh văn. Hàng Thanh văn tức là chứng quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán thì được tuệ nhãn. Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ thấy thân này là vô ngã, do ngũ uẩn hợp chớ không có thật ngã. Kế đến Phật hỏi: Như Lai có pháp nhãn không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như Lai có pháp nhãn. Pháp nhãn là con mắt của Bồ-tát, thấy tất cả pháp là huyễn hóa. Hàng Thanh văn chỉ thấy thân thôi, còn hàng Bồ-tát do Trí tuệ Bát-nhã thấy ngã pháp đều huyễn hóa. Hiện nay chúng ta đang tu con mắt nào? Nhớ là chúng ta chưa được, nhưng mà đang tu tuệ nhãn và pháp nhãn. Nếu tu thành công liền được những con mắt đó. Cuối cùng Phật hỏi: Như Lai có Phật nhãn chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Như Lai có Phật nhãn. Con mắt của Phật bao trùm hết, thấy không còn lầm nữa, cái thấy được viên mãn, còn những con mắt kia thấy từng khía cạnh, hoặc thiên về ngã hoặc thiên về pháp. Như vậy xác nhận Phật có ngũ nhãn để làm chi? Để nói rằng cái thấy của Phật đã đầy đủ viên mãn, do đó Ngài thấy thế gian như thế nào đó là cái thấy đúng, chớ không phải thấy lầm để chúng ta không còn nghi lời Phật nói. Nhục nhãn thấy không xa, che tấm giấy là không thấy, quá mười mấy cây số là không thấy, như vậy cái thấy đó bị giới hạn, cho nên nhiều khi nói tôi thấy như vậy là đúng, nhưng chưa chắc là đúng, vì cái thấy của chúng ta quá tầm thường. Thế nên nói Phật đầy đủ cả năm con mắt để xác nhận cái thấy của Phật không còn lầm lẫn nữa.

Tiếp theo Phật mới dạy, ví như có con sông Hằng, trong sông Hằng đó có bao nhiêu cát, rồi một hột cát của sông Hằng đó là một sông Hằng thứ hai, như vậy bao nhiêu cát sông Hằng là bấy nhiêu sông Hằng nữa. Vậy số sông Hằng thứ hai đó nhiều ít? Trong số sông Hằng thứ hai đó, mỗi sông Hằng có bao nhiêu cát, mà một hột cát của số sông Hằng thứ hai đó là một thế giới, quí vị tính thử bao nhiêu thế giới. Chỉ số sông Hằng thứ hai là tính không nổi, huống là một hột cát trong số sông Hằng thứ hai là một thế giới. Bao nhiêu thế giới đó, đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề nhiều chăng, ngài Tu-bồ-đề thưa là rất nhiều. Phật bảo, trong bao nhiêu thế giới đó có bao nhiêu chúng sanh và bao nhiêu chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Phật thảy đều biết không lầm lẫn. Như vậy Phật xác nhận cái thấy của Phật để đưa đến ví dụ là tâm của bao nhiêu chúng sanh Ngài đều biết hết. Vì cớ sao? Phật giải thích: Như Lai nói các tâm đó đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Như vậy thì đức Phật biết tâm gì? Đó là chỗ thật hệ trọng. Giả sử tôi nói thế này: Tất cả quí vị trong hội giảng hôm nay tôi đều biết tâm quí vị hết, quí vị tin không? Có vẻ khó tin. Chắc sẽ có người đứng dậy hỏi: “Thầy biết tâm tôi đang nghĩ gì không?” Thế mà tôi quả quyết tôi biết thật, vậy tôi có phải Thánh không? Tôi biết thật, biết chắc chắn không nghi ngờ… Chắc có nhiều người ngạc nhiên lắm. Tôi biết chắc chắn trăm phần trăm không nghi, vì tôi biết tâm quí vị là vọng tưởng, tôi biết tâm quí vị là không thật. Tôi biết đúng như vậy. Quí vị thấy đúng không? Tôi thấy, tôi biết đúng như vậy, cái đó ngàn đời cũng đúng. Như vậy tâm người nào cũng là vọng tưởng, là không thật, còn việc nghĩ gì đó thì nghĩ tôi không cần biết, tôi chỉ cần biết thể của nó là không thật, là vọng tưởng thôi, đó là tôi biết thật phải không? Vì thế đức Phật bảo: Tất cả tâm chúng sanh đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Biết rõ tất cả tâm chúng sanh là hư vọng không thật, biết rõ không nghi ngờ nên Ngài kết luận: Vì cớ sao? Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.

Tâm quá khứ là tâm gì? Tức là tâm tưởng nhớ lại việc quá khứ. Phần nhiều chúng ta hiện nay sống với mấy tâm? Mình sống với ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Những người đầu hơi hoa râm như tôi hoặc là bạc trắng hơn nữa thì sống với tâm nào? Tâm quá khứ, cứ nhớ thuở xưa, lúc đương thời làm những gì, nhớ những gì thuộc quá khứ như vậy là tâm quá khứ. Nhưng những tâm duyên về quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì? Là cái tâm suy tính, đang nghĩ đang tính một điều gì. Tâm suy tính đó có dừng lại ở một chỗ thật không? Đang suy tính mà nhìn lại nó cũng mất, cũng không thật. Đến tâm tưởng tượng vị lai, mai kia thế này, mai kia thế khác, như những người thanh niên nghĩ ngày sau mình sẽ như thế nào đó v.v… Tâm đó có thật không? Vị lai là chưa đến mà hiện giờ tưởng tượng ra thì cũng là cái tưởng tượng bóng dáng thôi. Như vậy ba thời tâm có thật không? Vậy biết rõ ba thời tâm không thật là biết đúng sự thật. Chúng ta cứ muốn biết cái bóng của tâm thôi, nhưng biết ngay thể của tâm mới là biết thật. Cái “nghĩ gì” là bóng dáng không đáng kể, biết bản chất nó không thật mới là biết. Vậy mà chúng ta cứ muốn biết cái bóng dáng chớ không chịu biết cái chân thật. Biết rõ tâm mình hư giả không thật, biết rõ tâm người hư giả không thật, biết rõ cả người là tướng duyên hợp không thật nữa thì cái biết như vậy là khá lắm rồi. Nếu chúng ta hằng biết được như vậy thì chúng ta vượt hơn phàm tình, phàm tình chỉ biết tâm vọng tưởng của người, như đang vọng tưởng một điều gì, vọng tưởng thương người này, vọng tưởng ghét người kia… rồi chấp vào đó để phiền não, như vậy thì biết làm chi; trái lại phải biết tâm của họ là hư giả không thật, phải biết rõ như vậy. Chúng sanh hiện giờ luôn luôn sống với cái hư giả, do sống với cái hư giả nên không bao giờ đạt được lẽ thật vì ba thời tâm đều không thể được. Quí vị có nhớ bà già nói với ngài Chu Kim Cang không? Bà nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, Thầy điểm tâm nào?” Chính điều đó nhắc chúng ta thấy rằng tất cả tâm hướng về ba thời là tâm hư vọng không thật. Đã là hư vọng không thật tại sao chấp, tại sao bám vào đó cho là mình? Có người nào không bám vào đó cho là mình không? Mà bám vào cái không thật cho là mình thì không phải si mê là gì? Thế nên đây thật là một yếu tố để chúng ta tu. Trong đoạn trước Phật phá chấp thân làm ngã, trong đoạn này Phật phá chấp tâm làm ngã. Nếu chúng ta còn thấy tâm duyên theo ba thời là thật thì đó là mê lầm, chấp tâm sanh diệt là mình. Nếu chấp tâm sanh diệt là mình thì đó là động cơ dẫn vào sanh tử luân hồi. Trái lại nếu biết rõ tất cả những tâm duyên quá khứ, hiện tại, vị lai là bóng dáng không thật, biết thật như thế thì tất cả đều buông, mà buông bỏ không chấp thì đâu còn nghĩ phải quấy, hay dở v.v… Thấy nó là hư giả thì nó không dẫn mình đi, như vậy tự nhiên cái hư giả buông đi thì Tâm chân thật hiện tiền, đó mới là trí tuệ như thật. Chúng ta biết nó hư giả là biết bằng Quán chiếu Bát-nhã mà khi quán chiếu thành công thì Thật tướng Bát-nhã hiện tiền. Đó là cái thực tế để tu.

Quí vị thấy hiện giờ chúng ta khổ là tại sao? Vì tất cả chúng ta đều sống theo tâm vô thường sanh diệt quá khứ, hiện tại, vị lai… Đây tôi nói chuyện đời xưa cho quí vị nghe một chút. Quí vị nhớ câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu nhập Thiên thai, câu chuyện vui chớ phải không? Câu chuyện này có một triết lý rất hay. Thử hỏi chúng ta ai mà không muốn được ở cảnh tiên? Việc gì sung sướng thì nói sướng như tiên, vậy có ai nghĩ rằng lên cảnh tiên còn muốn trở lại cõi trần tục này nữa không? Chắc không có ai. Đang ở cõi trần, chúng ta ước mơ được lên cảnh tiên, nếu lên được cảnh tiên thì còn gì sung sướng bằng. Vậy tại sao Lưu Thần Nguyễn Triệu lên cảnh tiên rồi lại khởi lòng trần tục nhớ lại trần gian? Đã được lên cảnh tiên rồi, có tiên hầu hạ, tiệc tùng v.v… tại sao còn mống lòng trần tục muốn về thăm quê hương? Và khi đã từ giã cảnh tiên trở xuống trần rồi thì thế nào? Có an phận ở lại cõi trần tục không? Hay về trần tục lại nhớ cảnh tiên nữa? Như thế là tại sao? Đó là tại tâm vô thường của chúng ta. Chúng ta luôn luôn sống với tâm nhìn lui về quá khứ, ước mơ vị lai mà lãng quên hiện tại, nếu ngay hiện tại thì chấp nhận cái hiện tại sanh diệt mà không thấy cái hiện tại thực tế. Thế nên khi chưa được cảnh tiên thì ước mơ cảnh tiên, khi được cảnh tiên lại nhớ tiếc quá khứ muốn trở về cõi phàm tục, khi trở lại cõi trần thấy chán ngán lại muốn trở lên cảnh tiên, cứ qua lại mãi. Tất cả chúng ta cũng không khác Lưu Thần Nguyễn Triệu. Quí vị thấy có ai đang ở đây mà nói mình vui vẻ, không còn mơ ước gì nữa không? Dầu ở chỗ sung sướng no ấm đến thế mấy đi nữa, ở mãi rồi cũng thấy tầm thường và mơ ước đến chỗ khác, đến chỗ khác rồi lại mơ ước trở lại chỗ cũ. Đó là bệnh ngàn đời của chúng sanh. Tại vì con người chấp nhận ba cái tâm là mình cho nên không bao giờ an vui được, ở chỗ chưa như ý thì đòi chỗ như ý, được chỗ như ý thì nhớ lại chỗ cũ. Vì vậy người ta cứ chuộng đồ cổ, dù đồ cổ tầm thường cũng vẫn chuộng nó, bảo đồ xưa là quí! Đó là tại tâm niệm tiếc nuối quá khứ rất nặng. Thấy tức cười là đi tới đâu đều ghi nhật ký để ngày sau đọc, sợ việc qua rồi thì mất… Cho những hình bóng quá khứ là có giá trị để sau này làm nguồn an vui của mình. Còn trẻ thì cứ mơ ước vị lai, nhưng đến khi vị lai tới rồi cũng chán chường. Như thế, luôn luôn người ta sống trong chán chường buồn khổ nhớ nhung. Tiếc nuối quá khứ là nhớ nhung, mơ ước vị lai thì chán chường với hiện tại, thành ra điên đảo hoài không bao giờ an, có cười là cười gượng thôi vì có an mới vui, mới cười hoài, còn không an thì không bao giờ vui được. Tâm bất an làm sao vui? “Tâm bình thế giới bình”, đó là lẽ thật. Câu chuyện trên ngụ một triết lý của cổ nhân để cho chúng ta thấy tâm con người điên đảo như vậy, không có cái gì làm cho họ bằng lòng, mà không bằng lòng tức là bất an rồi.

Chuyện gần hơn là như lúc tôi ở Thiền Duyệt thất. Thiền Duyệt thất cất tương đối cũng duyên dáng, chung quanh có trồng hoa xác pháo v.v… ở sau là vườn trà, khí trời lành lạnh… Có một chú ở thành phố lên thăm tôi, vừa mới lên, đầu tiên chú khen: Chà! ở đây thật như là cảnh Thiên thai. Tôi cười. Kế tôi hỏi: Chú định lên chơi bao lâu? - Dạ con ở một tháng. Nhưng mới được một tuần, chú thưa với tôi: Thưa Thầy con về. Tôi hỏi: Ủa, sao về mau vậy? - Dạ tại buồn quá! Tôi nhớ lại câu chuyện Lưu Thần Nguyễn Triệu. Thực tế là như vậy, khi chưa đến thì thấy cảnh đó là cảnh tiên, đến rồi, ở một thời gian tự nhiên chán chường. Thế nên con người khi chưa an thì ở đâu cũng không an mà không an thì luôn mong ước, thành ra cứ mong ước mãi hết việc này đến việc kia, lúc nào cũng sống trong ước mơ, chờ đợi.

Trong thế gian này tất cả chúng sanh đều tham sân si như nhau, gặp người này tham sân si, chờ gặp người khác cũng là tham sân si thế thôi. Chỉ tại vì mình tham sân si cho nên gặp ai rồi cũng tham sân si… Thế nên có chờ đợi là chờ đợi còn hay hết tham sân si, điều đó mới đáng mong chờ… Vì thế tôi nói chúng ta tập tâm Bồ-tát nghĩa là khi đang tu tập, thấy ai giúp, ai ngăn trở, chúng ta cũng đều xem là Bồ-tát cả để mang ơn, bái phục mọi người. Quí vị sẽ thấy mình sống trong cảnh Bồ-tát và mình sẽ là người sung sướng nhất, vì thấy chung quanh mình toàn là thiện hữu tri thức bậc thượng. Bồ-tát đâu thể là bậc hạ được. Tôi thấy chúng ta cần có cái nhìn như vậy, sống như vậy mới thấy vui. Cuộc đời chỉ mấy mươi năm… Cho nên có một Thiền sư đi tới đâu ngài cũng nói chuyện ồn náo và cười hoài. Có một vị Thiền khách khác ở chung liêu thấy ngài nói cười ồn quá chịu không được mới lên bạch Hòa thượng. Hòa thượng kêu Ngài lên quở: Sao huynh cười nói ồn náo làm phiền huynh đệ? Ngài trả lời: Bạch Hòa thượng, cuộc đời là mộng mà con muốn sống mộng vui chớ không muốn sống mộng khổ, vì vậy mà con cười… Thế nên người xưa có những câu nói thật lý thú!

[ Quay lại ]