headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH THẬP THIỆN - GIẢNG ĐỀ KINH

10nghiepthienHT. Thích Thanh Từ giảng

Kinh Thập Thiện nói đủ là “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”.

Kinh là những lời giáo huấn của đức Phật, vừa hợp với chân lý vừa hợp với căn cơ của người nghe. Dù ở trong bối cảnh nào người nghe ứng dụng tu hành đều được lợi ích lớn. Lời giáo huấn của Phật trải qua ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai không dời đổi, không sai lệch, nên được kết tập lại gọi là Kinh.

Thập thiện là mười điều lành. Thế nào là điều lành, thế nào là điều chẳng lành? Ai cũng khuyên ăn hiền ở lành, làm lành làm phải, song bản chất của điều lành như thế nào thì chưa biết rõ. Có nhiều người giải nghĩa: lành là không dữ, dữ thì không phải lành, hoặc lành là hiền, là tốt…

Nói như vậy là giải thích nghĩa trống rỗng, không có lẽ thật. Người đời có chút trình độ học vấn, hay lúng túng về vấn đề thiện ác. Giả sử một nhà giáo dạy học trò, gặp học trò khó dạy nên phải đánh răn phạt nó. Đánh xong cảm thấy lương tâm ray rứt hối hận, tự trách mình là nhà mô phạm đánh đập người ta là đã làm điều dữ rồi! Người học trò bị đánh nhìn thầy giáo với đôi mắt không cảm tình, vì cho thầy giáo là người hung dữ. Vậy, thầy giáo đánh học trò khi nó ngỗ nghịch khó dạy có phải dữ không? Những việc này cần phải giản trạch rõ ràng, kẻo hiểu lầm rồi hành động sai. Ngược lại, có nhiều đứa trẻ ngỗ nghịch thiếu giáo dục, gặp ai nó cũng chửi bới phá phách. Có người biết, không quở trách không đánh phạt, mà còn mở lời ngọt ngào khen ngợi. Người như thế có hiền không? Vậy điều lành điều dữ giá trị ở chỗ nào? Chúng ta cần phải phân định cho rõ ràng, thế nào là điều lành thế nào là điều dữ, để khi làm việc không bị hoang mang do dự.

Phàm làm việc gì, đứng về mặt thời gian, hiện tại, vị lai mình và người đều được lợi ích, thì điều đó là lành. Hoặc hiện tại mình bị thiệt thòi mà người được lợi ích, đó cũng là lành. Hay hiện tại mình bị thiệt thòi mà tương lai được lợi ích, đó cũng là lành. Ngược lại hiện tại mình được lợi lộc mà vị lai bị khốn khổ, điều đó không phải là lành. Hoặc hiện tại mình được lợi mà người bị hại thì điều đó không phải là lành. Ví dụ thầy giáo đánh học trò, hiện tại thì thấy thầy giáo bị thiệt thòi vì đã lao nhọc lại còn mang tiếng không tốt. Nhưng vì lợi ích của học trò, mà phải rầy phạt cho nó học và ngoan để mai sau nó có đủ tài đức, thành người tốt, hữu dụng trong xã hội. Lúc đầu thấy như thầy giáo bị thiệt thòi và học trò cũng bị thiệt thòi. Nhưng về sau thì học trò trở thành người tốt trong xã hội, trò biết ơn thầy đã giúp cho trò trở nên người tài đức. Như vậy cả thầy lẫn trò ở hiện tại bị thiệt thòi mà ở vị lai được lợi ích. Hoặc thấy người nghèo khổ, ta đem tiền của đến giúp họ. Lúc đầu thấy như ta bị thiệt thòi vì phải bỏ tiền bỏ công ra để giúp. Nhưng người được giúp bớt khổ được vui, khi thấy người vui ta cũng vui lây. Vậy hiện tại ta và người được vui, mai sau cũng được vui. Đó cũng là điều thiện. Ngược lại trường hợp đứa học trò ngỗ nghịch lêu lổng không chịu học hành, thầy giáo không rầy không phạt, để nó muốn làm gì thì làm. Hiện tại thấy như ông thầy tốt, vì không có những lời nói và hành động xúc phạm đến học trò. Nhưng đứa học trò hư hỏng, mai sau trở thành những người xấu ác trong xã hội. Thái độ của ông thầy như thế không gọi là lành. Đó là đứng về mặt thời gian mà phân định điều lành hay dữ. Thế nên có nhiều hành động thoáng thấy như dữ, nhưng bản chất lại là lành. Rồi cũng có nhiều hành động thoáng nhìn như lành mà bản chất lại là dữ. Như vậy yếu tố lành hay dữ, phải xét đến hậu quả ở vị lai tốt hay xấu mà đoán định. Chớ cạn cợt nhìn thấy việc làm ở hiện tại mà quyết đoán e không đúng, mà phải xét tận kết quả ở vị lai.

Lại nữa, yếu tố thiện ác còn phải đứng về mặt không gian, điều lợi ích phải đem đến cho nhiều người, mới đoán định được. Nếu một việc làm có hại chỉ một người mà có lợi hàng trăm hàng ngàn người, thì việc làm đó cũng được coi là thiện. Trong kinh nói về tiền thân của Phật có kể câu chuyện: Có một Tôn giả cùng đi thuyền chung với đoàn người buôn. Khi thuyền ra giữa sông lớn, trong thuyền có kẻ bất lương sắp ra tay giết đoàn người buôn để đoạt của. Tôn giả liền giết kẻ bất lương đó để cứu đoàn người buôn. Hành động của Tôn giả tuy ác với người bất lương, nhưng thiện đối với đoàn người buôn. Làm như vậy tuy có tội với một người mà cứu được nhiều người. Thế nên phân định thiện ác phải nhìn rộng rãi như vậy.

Đứng về mặt thời gian hiện tại có lợi, vị lai cũng có lợi, hoặc hiện tại tuy không có lợi mà vị lai thì có lợi. Hoặc giả khi hành động tuy thiệt thòi một hai người mà vị lai lợi ích cả trăm ngàn người, những trường hợp như thế được xem là thiện chớ không phải là ác. Hiểu rõ ràng như vậy mới không lầm, chớ nhiều khi chúng ta cho điều đó là thiện kỳ thật lại là ác. Chẳng hạn như những bà mẹ cưng con, con muốn điều gì là chiều theo điều ấy, không dám rầy nó, rốt sau con thành đứa hư hèn. Thoạt nhìn thấy như bà mẹ đó hiền, song rốt cuộc lại hóa thành dữ, vì làm hư đứa con. Ngày xưa ở Trung Hoa có Khấu Chuẩn, thuở nhỏ ông lêu lổng rong chơi trốn học hoài. Mẹ ông thấy con hư hèn khó dạy, bà buồn lòng. Một hôm bà mẹ cầm trái cân chọi ông, trái cân chạm vào chân làm ông bị thương tích. Nhờ vậy mà ông sợ, không dám trốn học nữa và chăm lo học hành. Sau ông trở thành người tài giỏi, thì mẹ đã mất. Mỗi khi nhìn thấy vết thẹo trên chân là ông nhớ mẹ, ông khóc… Thoáng nhìn qua thấy như mẹ ông Khấu Chuẩn ác, nhưng chính nhờ thái độ cứng rắn của bà, giúp cho Khấu Chuẩn trở thành người tốt. Vì vậy hành động ném quả cân của bà được xem là thiện.

Trong lãnh vực tu hành, vì không phân biệt được thiện ác, nên có nhiều người thiện mà lầm tưởng là ác. Chẳng hạn một vài Phật tử vào chùa thấy thầy Trụ trì phạt mấy chú Điệu quì hương. Mấy chú quì tàn cây hương mất hơn một tiếng đồng hồ, hai đầu gối bị lõm vào đỏ ửng. Phật tử ấy nóng ruột, ngầm trách thầy Trụ trì thiếu từ bi, nhẫn tâm hành phạt người tu chịu đau đớn khổ sở. Như vậy thầy Trụ trì có thiếu từ bi không? - Không. Tại sao? Vì các chú Điệu vào chùa tu, từ cơm ăn, áo mặc, chỗ ở đến thuốc thang đều do thí chủ ủng hộ cúng dường. Nếu các chú lười biếng không chịu học Phật pháp, không tụng kinh ngồi thiền, cứ lêu lổng chơi đùa, thầy Trụ trì không răn phạt, để các chú Điệu hư hỏng làm sao có đủ đức hạnh và trí tuệ hầu đáp ơn thí chủ? Sau khi chết vì chồng chất nợ nần nghiệp tội nên bị đọa. Vì tránh tội cho đệ tử, mà thầy Trụ trì phải răn phạt cho đệ tử sửa đổi. Nếu răn phạt mà không sửa đổi thì phải trục xuất. Hành động của thầy Trụ trì mới thấy như ác, nhưng xét kỹ thì quá từ bi.

Tóm lại, điều thiện là việc làm trong hiện tại, mình cùng người đều được lợi ích và nhiều đời vị lai cũng được an vui. Hoặc hiện đời tuy mình bị thiệt thòi, người cũng có chút ít thiệt thòi, nhưng vị lai mình cùng người đều được lợi ích an vui. Đó là điều thiện. Ngược lại, việc làm hiện tại mình có lợi mà di hại cho người, hoặc hiện tại mình có hại, người có hại, cho đến mai sau mình và người cùng đau khổ. Đó là việc ác.

Nghiệp là tác động của thân khẩu ý lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Và khi thành thói quen nó có sức mạnh dẫn người đi thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ. Thế thường, người đời khi gặp cảnh sướng hay khổ thì nói số phận mình như vậy là phải chịu như vậy. Song, nếu là Phật tử có đổ thừa số phận và chấp nhận số phận như người đời không? - Không. Vì nói như thế thì không thông lý nhân quả nghiệp báo. Lẽ ra Phật tử khi gặp cảnh khổ hay vui thì phải nói: “do nghiệp mình đã tạo, nên mình phải chịu”, chớ không nên nói do số phận. Tại sao như vậy? - Vì nhân quả nghiệp báo rất cụ thể và tế nhị.

Tục truyền lâu đời, chúng ta ai cũng thầm nghĩ rằng: Con người sanh ra là do Thượng đế hay Tạo hóa sắp định sẵn số phận. Hễ sanh ra đời, cuộc sống vui khổ như thế nào là chịu như thế ấy, không thay đổi được. Hoặc có quan niệm: Con người sanh ra là do số mạng đời trước đã định sẵn. Bởi số mạng định sẵn nên phải sao chịu vậy. Thế nên gặp cảnh khổ, nói “tại số tôi khổ”, gặp cảnh sướng thì nói “tại số tôi sướng”. Hoặc quan niệm “đời người sanh ra là do rủi may, rủi thì khổ, may thì vui, được là may, mất là rủi…”, chớ sự sướng khổ của con người không do nhân duyên. Cả ba thuyết trên, quí vị có người nào không mắc kẹt không? Nếu không đổ thừa Tạo hóa thì đổ thừa số mạng, không đổ thừa số mạng thì đổ thừa rủi may. Cả ba thuyết trên Phật giáo không thừa nhận, mà Phật nói: “Con người sanh ra kẻ khổ người sướng là do nghiệp.” Vậy Nghiệp của đạo Phật có khác với Tạo hóa, có khác với số mạng, có khác với rủi may không?

Trong kinh A-hàm (Agama) Phật dạy: “Chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người vui sướng kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.” Những tác động từ nơi tâm gọi là ý nghiệp, nơi miệng gọi là khẩu nghiệp, nơi thân gọi là thân nghiệp. Thân khẩu ý của con người tạo nên nghiệp, vì vậy mà khổ vui là do mình tạo, chớ không do ai khác, cũng không phải Tạo hóa sắp định, cũng không do số mạng hay may rủi gây nên. Thí dụ một chú thanh niên thương một cô thiếu nữ, nhưng cô thương người khác, nên chú thất tình đau khổ. Một hôm chú thức tỉnh, tự trách mình là ngu dại. Từ đó chú buông bỏ tâm luyến ái cô gái ấy, nên hết đau khổ. Như vậy, cái khổ của chú thanh niên đó do ai tạo? Do cô gái, do Tạo hóa, do số mạng, do rủi may, hay do chú? - Do tâm ý chú mê lầm nên chú mới khổ! Vậy khi mình khổ đổ thừa ai? - Không đổ thừa ai cả, mà phải xét lại mình, coi nghiệp mình tạo có lỗi chỗ nào, để chuyển hóa nó. Chú thanh niên lầm tưởng cô gái thương chú, nên chú thương cô. Nhưng sự thật thì cô gái thương người khác, nên chú khổ. Khi chú biết chú lầm, liền chuyển nghiệp ý bằng cách buông bỏ lòng luyến ái cô gái là chú hết khổ.

Lại một ví dụ nữa: Ông A là người tương đối lương thiện, ông có một người bạn không tốt hay trộm cắp của người. Một hôm người bạn ông trộm được một món đồ quí, trị giá độ năm bảy triệu đồng. Khi bị mất đồ chủ nhà báo động tìm kiếm. Bạn ông A tới nhà ông, nói: “Lâu nay ai cũng biết anh lương thiện, anh làm ơn cất giùm tôi món đồ này, sau tôi bán sẽ chia cho anh vài ba triệu.” Ông A dấy khởi lòng tham nhận giữ của phi nghĩa đó. Người bạn ăn trộm bị bắt, bị tra khảo liền khai của quí ấy gởi tại nhà ông A, nên ông A cũng bị bắt lây. Khi bị bắt ông A ở tù đau khổ. Vậy cái khổ của ông A là tại ai? Có phải tại Tạo hóa xếp bày cho ông A ở tù không? Hay tại năm nay ông A rủi ro? Hay tại số mạng của ông A là phải ở tù? Rõ ràng tại ông A không làm chủ được lòng tham, để cho ý ông tạo nghiệp ác khiến cho thân ông làm ác, nên ông phải chịu khổ. Nếu lúc lòng tham dấy khởi ông chuyển được, ông từ chối không nhận cất của phi nghĩa để được chia tiền, thì ông đâu có bị bắt và bị ở tù vì tội chứa đồ gian! Vậy, trước một hoàn cảnh con người có thể bị khổ mà cũng có thể không khổ. Nghĩa là chỉ trong năm mười phút đồng hồ, nếu con người hành động với trí tuệ sáng suốt thì chúng ta chuyển được khổ. Cũng chỉ trong năm mười phút, con người hành động với tham sân thì bị đau khổ. Khổ hay không khổ là do hạnh nghiệp của con người thiện hay ác mà ra vậy. Nếu biết do nghiệp ý của mình tham lam nên bị tù đày, cố gắng chuyển tâm niệm tham lam trở thành thanh bạch thì không khổ. Ngược lại không có trách nhiệm với hành động của mình, cứ đổ thừa cho số mạng, cho rủi may, thì không bao giờ sửa đổi nghiệp chẳng lành của mình, dĩ nhiên là phải khổ. Đó là tôi nói nghiệp ở hiện tại.

Sau đây là nghiệp ở quá khứ kết tụ quả trong đời hiện tại và vị lai. Có người vừa được sanh ra là đã giàu sang sung sướng. Như vậy là do cái gì định? Có phải do số mạng định không? - Cũng không. Chúng ta nên biết nghiệp quả trong đạo Phật nói thông cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Nghiệp không phải chỉ thành tựu quả báo trong một đời. Có nhiều nghiệp tạo trong đời này, quả báo kết tụ cũng trong đời này, như ông A chứa đồ gian ở trên. Lại cũng có những nghiệp tạo ở hiện tại, mai sau mới thọ quả báo. Ví dụ ông Xoài hiện tại có thế lực giàu sang, ông làm khốn khổ ông Mít là người láng giềng. Lúc bấy giờ ông Mít cô thế nên nuốt hận. Vài mươi năm sau ông Mít có thế lực, ông Xoài thì cô thế, nên ông Mít báo thù ông Xoài, khiến ông Xoài điêu đứng khổ sở. Khi bị ông Mít báo thù thì ông Xoài tức tối kêu oan: “Tại sao người ta quá hung ác hại tôi khốn khổ như thế này?” Quí vị thấy ông Xoài có oan không? - Không. Ông đã tạo nghiệp xấu với ông Mít mà ông quên, khi quả báo chẳng lành của nghiệp xấu kết tụ thì ông lại than trách. Đó là do ông không thấy được nghiệp xấu của ông đã tạo.

Lại nữa, nghiệp của đời quá khứ trong kinh A-hàm Phật nói: “Những chúng sanh nào nơi thân khẩu ý tạo nghiệp ác, thì khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ. Ngược lại những chúng sanh nào nơi thân khẩu ý tạo nghiệp lành, thì khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi lành. Và một phen sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi sanh lại, cứ sanh rồi tử, tử rồi sanh không biết bao nhiêu lần.” Nhưng mỗi lần sống chết đó, thọ biết bao nỗi khổ niềm vui, do thân khẩu ý đã tạo nghiệp thiện hay ác ở đời trước. Xin hỏi quí vị lớn tuổi, xét lại chúng ta từ lúc biết đi đứng nói năng, cho đến nay bốn năm mươi tuổi, hoặc sáu bảy mươi tuổi, có ai làm lành hoàn toàn không? Hay có khi làm cho người được lợi ích vui cười, lại cũng có lúc làm cho người buồn phiền đau khổ? Đời này chúng ta vừa làm lành và cũng vừa làm ác. Lấy đó mà xét, đời trước cũng vậy, một trăm điều, chúng ta làm được bảy tám chục điều lành là tối đa, còn lại vài ba chục là điều ác. Vì vậy mà đời này sanh ra tuy cũng được giàu sang sung sướng, nhưng lâu lâu cũng có xảy ra tai nạn đau khổ. Người không thấu hiểu nhân quả thông cả ba đời thì sẽ than trách: “Tại sao tôi ăn ở hiền lành, mà gặp phải những chuyện bất tường khổ đau?” Ở đời có ai lương thiện hoàn toàn đâu? Như chúng ta thấy trong đời hiện tại tuy biết tu làm lành, nhưng thỉnh thoảng bất giác cũng làm cho người buồn khổ. Thế nên thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp khổ, cũng có buồn là do nghiệp thiện và ác mà chúng ta đã tạo xen lẫn ở đời trước đó vậy. Khi gặp khổ đừng đổ thừa cho ai cả, mà phải biết: Trước mình đã tạo nhân rồi nên đời này phải thọ nhận quả. Và cũng có nhiều người tuy họ ác, nhưng đâu phải suốt đời họ làm ác hết, mà thỉnh thoảng họ cũng có làm một hai điều lành. Nên những người nghèo khổ thỉnh thoảng cũng có vài niềm vui. Vậy muốn cho đời sau được an vui hết khổ thì, ngay bây giờ tránh những việc khiến cho người đau khổ và làm những việc giúp cho người hiện tại được lợi ích sau cũng an vui. Đó là tạo nghiệp lành, ngược lại là tạo nghiệp ác.

Như vậy, nghiệp trong đạo Phật khác với số mạng mà người đời đã nghĩ. Số mạng đã định rồi thì bó tay bất lực, không chuyển đổi được, đành chịu vậy. Còn nghiệp thì chuyển đổi được. Vì nghiệp là hành vi tạo tác của con người. Tạo tác xấu ác thì khổ, biết đó là việc ác khổ, liền đổi làm việc lành thì được an vui. Ví dụ ông Xoài tiêu pha phung phí nên mắc nợ, bị chủ nợ vây đòi làm phiền phức. Muốn cho hết nợ, ông Xoài phải siêng năng làm việc, ăn tiêu chừng mực, dành tiền để trả nợ, trả một thời gian là dứt nợ, không ai đến quấy rầy ông, ông được an ổn. Đó là cách chuyển nghiệp thực tế không ai phủ nhận được. Nếu tin theo số mạng cho rằng số tôi nghèo phải mang nợ, dù có cố gắng làm cũng vô ích vì không chuyển đổi được, đành chịu nghèo, nợ nần vây phủ… Chuyển nghiệp bằng hai cách: Cách thứ nhất là đối trước của cải quí đắt tiền, lòng tham dấy khởi, biết đó là ý nghiệp ác, liền buông xả niệm tham, thì nghiệp thân không theo ý để tạo duyên lấy của người, không bị người bắt bớ, bỏ tù, đánh đập. Đó là chuyển nghiệp ý ác ngay khi khởi. Trường hợp thứ hai là đang ở trong cảnh nghèo túng bệnh tật, ráng ăn ở hiền lành, làm điều phước đức, khiến cho nghiệp ác quá khứ mòn dần thì sẽ được an vui. Đó là chuyển nghiệp quá khứ từ từ. Người hiểu được lý nghiệp báo thì có sức mạnh tinh thần, không yếu đuối trốn tránh trách nhiệm mà mình đã tạo. Không làm ác gây đau khổ cho người, luôn nghĩ nói làm thiện, tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh an vui, xây dựng xã hội tốt đẹp.

Tóm lại, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là mười điều lành, Phật dạy cho chúng sanh nên làm để đi đến chỗ an ổn vui vẻ.

[ Quay lại ]