headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 27/01/2025 - Ngày 28 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH THẬP THIỆN - GIẢNG VĂN KINH 1

kinhthapthien1HT. Thích Thanh Từ giảng

ÂM:

Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Ta-kiệt-la Long cung, dữ bát thiên đại Tỳ-kheo chúng, tam vạn nhị thiên Bồ-tát ma-ha-tát câu.

DỊCH:

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ đức Phật ở tại cung Rồng Ta-kiệt-la (Sàgara) cùng với tám ngàn chúng đại Tỳ-kheo và ba mươi hai ngàn vị đại Bồ-tát.

 GIẢNG:

Đoạn này nêu lên sáu điều chứng tín của ngài A-nan khi kết tập tạng kinh. Đọc qua các kinh, chúng ta thấy khi xưa, chẳng những Phật thuyết pháp độ loài người ở nhân gian, Phật lại còn thuyết pháp độ chư Thiên ở cõi trời, như trời Đao-lợi, có lúc Phật thuyết pháp độ loài rồng ở Long cung. Kinh Thập Thiện, Phật thuyết ở cung vua Rồng Ta-kiệt-la. Ở những pháp hội này chỉ có những bậc Tỳ-kheo chứng A-la-hán có thần thông, những bậc Bồ-tát mới dự nghe được. Ngài A-nan bấy giờ chưa chứng A-la-hán, chắc chắn là Ngài không có mặt trong hội này. Nhưng khi kết tập tạng kinh sao Ngài nói: Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Ta-kiệt-la Long cung… Điều này có trung thực không?

Căn cứ vào lịch sử thì trước khi nhận làm Thị giả, ngài A-nan có xin Phật những điều nếu Phật thuận thì Ngài mới làm Thị giả. Trong những điều ấy, có điều xin Phật thuật lại những bài pháp Phật đã nói mà Ngài không được nghe. Kinh Thập Thiện tuy Ngài không được dự ở cung Rồng Ta-kiệt-la, nhưng được Phật thuật lại cho Ngài nghe. Thế nên khi kết tập tạng kinh Ngài vẫn thuật lại như những kinh mà Ngài đã trực tiếp dự trong pháp hội Phật nói.

Như thị (như thế này): chỉ pháp thoại mà ngài A-nan nghe Phật nói. Đó là kinh Thập Thiện. - Tín thành tựu.

Ngã văn (tôi nghe): người nghe và thuật lại kinh Thập Thiện. Đó là Tôn giả A-nan. - Văn thành tựu.

Nhất thời (một thuở nọ): là thời điểm nói kinh Thập Thiện. Xưa, thời gian mỗi nơi mỗi khác không thống nhất, nên Tôn giả A-nan chỉ nói tổng quát là “một thuở nọ” chớ không xác định rõ ràng là lúc mấy giờ ngày mấy tháng mấy. - Thời thành tựu.

Phật: vị chủ tọa nói pháp cho hội chúng nghe. - Chủ thành tựu.

Long cung Ta-kiệt-la (cung Rồng Ta-kiệt-la): chỗ Phật nói kinh Thập Thiện. - Xứ thành tựu.

Bát thiên đại Tỳ-kheo chúng, tam vạn nhị thiên Bồ-tát ma-ha-tát câu (tám ngàn chúng đại Tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn vị đại Bồ-tát): là những cử tọa đến nghe pháp. - Chúng thành tựu.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Long vương ngôn:

- Nhất thiết chúng sanh tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị, do thị cố hữu chư thú luân chuyển.

DỊCH:

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Long vương rằng:

- Tất cả chúng sanh do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các cõi.

GIẢNG:

Mở đầu, Phật bảo với vua Rồng rằng: Tất cả chúng sanh do tâm tưởng khác nhau, nên lời nói khác hành động cũng khác. Tức là tạo nghiệp không giống nhau. Do tạo nghiệp không giống nhau nên luân hồi trong các cõi khác nhau. Tôi hỏi quí vị, tâm nghĩ suy của quí vị có giống nhau không? - Không. Bởi mỗi người có tánh tình riêng, nghĩ tưởng riêng nên tạo nghiệp riêng để rồi kẻ sanh chỗ này người sanh chỗ khác; có người chết sanh lên cõi trời, có người chết sanh ra làm người lại, có người chết sanh ra ở chỗ xấu xa hơn nữa. Thế nên ở đây kinh nói: Tất cả mọi hành động đưa đến khổ vui của con người gốc từ tâm mà ra. Lúc bình tĩnh vui vẻ thì tâm khởi nghĩ lành, khiến cho miệng nói lời lành, thân hành động tốt. Lúc bất giác tâm mê mờ nóng nảy thì miệng nói, thân làm đều bất thiện. Vậy gốc của lời nói dữ, hành động ác và lời nói hiền, hành động tốt đều từ tâm mà ra. Tâm làm chủ nghiệp tốt và xấu của thân, miệng và cũng là gốc nỗi khổ niềm vui của con người. Thế nên người tu theo đạo Phật lấy tâm làm gốc để tu. Nếu mọi người tâm nghĩ tưởng giống nhau, tu cùng nhắm một hướng thì khi chết cùng sanh ra một cõi lúc nào cũng gặp nhau, nên nói đời đời làm bạn lữ là vậy. Nhược bằng tâm người này hướng thượng, tâm người kia hướng hạ thì khó mà gặp nhau được. Đó là đứng về mặt nghiệp quả mà nói. Kinh này, mở đầu Phật dạy sáu nẻo luân hồi là trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục do tâm tưởng chúng sanh thiện ác khác nhau mà đến vậy.

ÂM:

Long vương! Nhữ kiến thử hội cập đại hải trung, hình sắc chủng loại các biệt phủ da? Như thị nhất thiết, mị bất do tâm, tạo thiện bất thiện, thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp sở trí.

DỊCH:

Này Long vương! Ngươi có thấy trong hội này và trong biển cả, hình sắc chủng loại mỗi loài khác nhau không? Tất cả như thế đều do tâm, tạo nghiệp thiện hay bất thiện nơi thân, nơi khẩu, nơi ý mà ra.

GIẢNG:

Bấy giờ Phật hỏi Long vương có thấy trong hội chúng của Ngài gồm mấy ngàn vị Tỳ-kheo, mấy chục ngàn vị Bồ-tát và trong biển cả, nào là binh tôm tướng cá, hình sắc và chủng loại của mỗi loài có khác nhau không? Trước Phật đặt câu hỏi cho Long vương chú ý, sau đó Ngài mới giải thích. Tất cả các chủng loại chúng sanh có hình dáng màu sắc khác nhau, đều do tạo nghiệp thiện và bất thiện. Tâm (ý) khởi nghĩ ác thì miệng nói ác thân làm ác, nên mới có những hình dáng màu sắc thô xấu. Tâm (ý) nghĩ thiện, miệng nói thiện, thân làm thiện, nên mới có hình dáng màu sắc tốt đẹp. Vậy những cái sai biệt đó đều do tâm mà ra, chẳng những ngày xưa, mà ngày nay cũng vậy. Quí vị nhìn xem mỗi người trong hội này có khác nhau không? - Mỗi người mỗi vẻ không ai giống ai. Nếu hai người tâm tưởng, ngôn ngữ hành động giống nhau, thì sanh ra hình dáng cũng giống nhau. Ngược lại tâm tưởng ngôn ngữ hành động khác nhau, thì sanh ra hình dáng cũng khác nhau. Trong đây có mấy mươi người, mỗi người có mỗi vẻ mặt, mỗi hình dáng, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Đó là do tâm mỗi người mỗi khác. Phật gọi thân người là “tổng báo” (nghiệp báo chung), tổng báo gồm có quả báo của nghiệp thiện và nghiệp ác lẫn trong đó. Vì vậy có người sanh trong gia đình giàu sang sung sướng mà bị bệnh tật. Lại cũng có người sanh trong cảnh giàu có mà dốt nát. Rồi lại có người sanh ra trong cảnh nghèo khó không đủ tiền ăn học lại thông minh hiếu học… Tóm lại, sở dĩ con người có sự sai biệt như thế là do tâm tưởng của mỗi người sai khác mà ra vậy.

ÂM:

Nhi tâm vô sắc, bất khả kiến thủ, đản thị hư vọng, chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã ngã sở.

DỊCH:

Tâm không hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.

GIẢNG:

Phật nói thính chúng trong pháp hội, chủng loại hình sắc sai biệt gốc từ tâm. Nhưng tâm không hình sắc, không thể thấy không thể nắm bắt được, chỉ do các pháp hư vọng mà khởi hiện. Thế nên tất cả nghiệp tội từ tâm mà ra. Nói những danh từ chuyên môn như thế e khó hiểu, vậy tôi giảng kỹ chỗ này cho quí vị hiểu. Ví dụ quí vị nói: “Tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia.” Tôi xin hỏi: “Tâm quí vị đang suy nghĩ là cái gì? Ngay bây giờ mỗi người tự lóng lặng lại, tìm cái tâm của mình coi nó ra sao và ở đâu? Ai tìm được?” - Thưa tìm không được. Đã tìm không được, mà sao ai cũng nói tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia? Đây là vấn đề quan trọng, chúng ta phải lưu ý. Ở trước nói tâm chủ động tất cả, bây giờ chúng ta tìm thì không biết nó ở đâu và ra sao? Tâm không có chỗ nơi không hình sắc, tại sao chủ động tất cả? Khi muốn tìm nó thì tìm không ra, lúc không tìm thì nó khởi nghĩ hết chuyện này tới chuyện nọ không ngừng, như vậy là sao? Phật nói tâm nhớ tưởng nghĩ suy không thật vì nếu thật thì lúc nào cũng hiện hữu một nơi, chẳng hạn ở trên trán hay ở trên mũi… Nhưng nó không có chỗ nơi, vừa khởi nghĩ, tính toán thì có, mà khi tìm thì không. Nó là cái giả có không thật, do duyên với ngoại cảnh mà tạm có, có mà không thật. Ví dụ quí vị đang ngồi đây, sực nhớ các con ở nhà đang đi học, khi nhớ là do tâm và do có các con nên quí vị mới nhớ. Nếu không có các con thì không có “cái nhớ con”. Nguyên do có ngoại cảnh ảnh hưởng đến nội tâm, tâm cảnh duyên nhau nên vọng tưởng mới khởi. Vì vậy tâm chỉ là vọng tưởng, do các duyên nhóm họp tạm có, không thật. Tuy không thật mà chi phối tất cả. Điều này người tu Phật chúng ta cần phải tư duy cho thật kỹ. Thấu được lý này tu mới tiến, ngược lại thì tu khó tiến. Tại sao? Vì hằng ngày mọi người ai cũng cho rằng mình có tâm, nên thường nói: “tôi nghĩ như thế này, tôi tính như thế kia…” chấp cái nhớ nghĩ suy tính của mình là hay là đúng, nếu có ai nói ngược lại thì giận. Nhìn kỹ thấy cái nhớ nghĩ, suy tính chợt khởi liền mất, rõ ràng không thật, cái không thật làm sao đúng!

Ở trước đã nói Nghiệp dẫn chúng sanh đi trong cảnh lành hay dữ; sanh trong cảnh lành là do đời trước tạo nghiệp thiện, sanh trong cảnh dữ là do đời trước tạo nghiệp ác. Vậy thân tâm con người sanh trong cảnh lành hay cảnh dữ, giáo lý nhà Phật gọi là “Chánh báo”. Nếu tạo nghiệp thiện thì sanh ra thân khỏe mạnh, thông minh tài trí, ở trong cảnh gia đình giàu sang vật chất sung mãn; thân khỏe mạnh thông minh tài trí là chánh báo, cảnh giàu sang vật chất sung mãn là y báo. Y báo lệ thuộc chánh báo, chánh báo tốt thì y báo cũng tốt, chánh báo tốt là do đời trước tạo nghiệp thiện và nghiệp đời trước thì lệ thuộc vào tâm. Như thế là tâm tạo ra nghiệp tốt xấu, nghiệp tốt xấu dẫn thọ thân tốt xấu, thân tốt xấu mới tạo ra cảnh tốt xấu. Vậy tâm nghĩ suy là vọng tưởng không thật, gốc đã không thật thì những ngọn ngành kia có thật không? Phật dạy tất cả pháp đều giả dối, do chúng sanh ở trong cảnh giả, không thấy các pháp là giả, tưởng là thật. Tâm giả mà tưởng lầm là thật, nên thấy nghiệp thật, thân thật, cảnh thật. Nếu thấy tâm giả thì thấy nghiệp giả, thân cũng giả, cảnh cũng giả. Chúng do các pháp nhóm họp tạm có, rốt ráo không có chủ, không có ngã và ngã sở.

Không có chủ là ta không làm chủ được tâm, nó muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn nhớ ai thì nhớ. Chẳng hạn như quí vị định ngồi thiền ba mươi phút để cho tâm an định. Nhưng vừa lên bồ đoàn ngồi độ vài phút, thì nhớ việc này tính chuyện kia liên tục. Muốn dừng không nhớ không tính độ năm mười phút mà không dừng được. Rõ ràng ta không làm chủ được vọng tâm, nó muốn nghĩ gì thì nghĩ, nếu ta làm chủ được, ta ưa nghĩ thì nghĩ, không ưa nghĩ thì dừng. Vì không làm chủ được nên nó chợt khởi chợt mất, không thường còn, nên nói là vô ngã. Ngã đã không thì những cái thuộc về ngã làm sao có thật? Đạo Phật cho tâm nhớ nghĩ suy tính là vọng tâm, luôn duyên theo cảnh vật bên ngoài. Vì vậy mà không có chủ, không có thật ngã và cảnh tùy thuộc bên ngoài cũng không có thật. Vì ngã (ta) và cảnh vật do tâm (vọng tưởng) tạo, mà tâm không thật thì ngã và cảnh vật thuộc của ta cũng không thật.

Nói như vậy quí vị buồn và thắc mắc: Tu mà thấy tâm không thật, thân không thật, cảnh vật không thật, vậy thì còn cái gì mà tu? và Phật dạy tu mười điều lành để làm gì? Sau đây Phật chỉ lẽ thật của con người và cảnh vật.

ÂM:

Tuy các tùy nghiệp sở hiện bất đồng, nhi thật ư trung vô hữu tác giả. Cố nhất thiết pháp giai bất tư nghì, Tự tánh như huyễn.

DỊCH:

Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, mà thật trong ấy không có tác giả. Nên tất cả pháp Tự tánh như huyễn, không thể nghĩ bàn.

GIẢNG:

Đa số người đều cho rằng: Tạo hóa tạo ra con người, mọi sự sướng khổ vui buồn của con người đều do Tạo hóa định đoạt. Lý này Phật giáo không chấp nhận, Phật nói do nghiệp của mình định, không có ai làm chủ, vì vậy nói không có tác giả. Thế nên tất cả pháp Tự tánh không thật như huyễn hóa không thể nghĩ bàn. Mở đầu Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng vọng tâm, nghiệp, thân, cảnh vật đều huyễn hóa không thật. Nhưng chúng ta ai cũng thấy những cái giả đó là thật, nên hết tạo nghiệp này tới nghiệp khác, hết đời này đến kiếp nọ, tạo mãi… Vì vậy luân hồi sanh tử không dừng. Nếu chúng ta thấy rõ vọng tâm giả, nghiệp giả, thân giả, cảnh vật giả, thì chúng ta sẽ nhận ra cái chân thật ngay trong cái giả đó. Chỗ này chúng ta phải học tu vài ba năm mới thấy, bây giờ nói thẳng quí vị hoang mang. Không phải nói vọng tâm giả, nghiệp giả, thân giả, cảnh vật giả, tu tới đó rồi hết trơn không ngơ. Chúng ta nhớ cái nào giả, Phật chỉ cho biết là giả. Ví dụ có người nhà quê ra thành phố, đến chỗ bán đồ nữ trang giả để mua. Khi ấy có người ở thành rành về nữ trang đứng đó, thấy người nhà quê cầm chiếc cà rá giả muốn mua, người ở thành tội nghiệp, bèn nói: “Chị ơi, cái này giả.” Người nhà quê nghe nói giả bèn để xuống lựa cái khác. Người ở thành cũng nói: “Cái này cũng giả nữa, tất cả đồ nữ trang đây đều giả hết.” Nghe nói thế, người nhà quê thất vọng. Tôi xin hỏi quí vị người biết tất cả cái giả thì họ có biết được “cái thật” không? Chắc chắn là họ biết “cái thật”, nhưng vì đang ở chỗ bán đồ giả nên phải nói nó giả. Thấy người nhà quê thất vọng, người ở thành thị nói: “Chị muốn mua đồ thật, hãy theo tôi đến phố A thì sẽ có.” Vậy khi nghe nói tất cả đều là đồ giả, quí vị chớ thất vọng, hãy ráng đến chỗ bán đồ thật sẽ có. Cũng vậy, ở đây Phật nói vọng tâm khởi, rồi tạo nghiệp, thọ thân và tạo nên cảnh vật đều là giả dối không thật. Chúng ta tin lời Phật, không thất vọng, nỗ lực tu biết hết tất cả “cái giả” sẽ nhận ra “cái thật”. Khi nhận ra “cái thật” rồi thì được an vui hạnh phúc. “Cái thật” ở kinh này Phật chưa nói tới, các kinh như Pháp Hoa, Niết-bàn, Phật chỉ rất rõ.

ÂM:

Trí giả tri dĩ, ưng tu thiện nghiệp, dĩ thị sở sanh, uẩn, xứ, giới đẳng, giai tất đoan chánh, kiến giả vô yểm.

DỊCH:

Người trí biết như thế, nên tu nghiệp thiện, nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới… đều được đoan chánh, người nhìn không chán.

GIẢNG:

Ở trước Phật nói với vua Rồng rằng: Người có hình dáng tốt đẹp, kẻ có hình thù xấu xa, đều do nghiệp thiện hay nghiệp ác và nghiệp thiện ác phát xuất từ tâm. Vậy ai muốn có thân tướng tốt đẹp thì phải chừa nghiệp ác, tu nghiệp lành. Nhờ tu nghiệp lành mà thân năm uẩn sanh ra được thù thắng. Do sáu căn thù thắng nên chiêu cảm sáu trần thanh nhã và khởi ra sáu thức cũng thiện tịnh. Nên nói uẩn, xứ, giới đoan chánh mọi người nhìn thấy không chán.

Ví dụ trong ngôi nhà có một số người đang ngủ mê. Khi ngủ mê người nào cũng mộng hết, người thấy mộng lành thì chúm chím cười, người thấy mộng dữ thì khóc ràn rụa. Mình là một trong những người ngủ mê mộng mị, chợt tỉnh giấc thấy những người còn đang ngủ, người mộng lành thì cười, người mộng dữ thì khóc. Lúc đó chúng ta thế nào? Có thương người mộng dữ đang khóc không? Và thấy người mộng lành cười có vui theo không? Tự bản thân chúng ta, nếu biết chốc lát mình sẽ ngủ lại và cũng mộng nữa thì thích mộng lành hay mộng dữ? Tuy là mộng, song chúng ta vẫn thích mộng lành chớ không ai muốn mộng dữ. Cũng vậy, tuy biết thân này và cảnh vật ở đời sau không thật, nếu chưa nhận ra “cái thật” và chưa giải thoát, chúng ta vẫn thích có thân tạm đời sau tốt, dễ tu hơn. Nếu có thân không thật mà xấu như thân ngạ quỉ, súc sanh, quá si mê khổ sở thì khó tu. Thế nên người trí phải biết chọn mộng lành tránh mộng dữ, tức là tạo nghiệp lành không tạo nghiệp ác.

ÂM:

Long vương! Nhữ quán Phật thân, tùng bá thiên ức phước đức sở sanh, chư tướng trang nghiêm, quang minh hiển diệu, tế chư đại chúng, thiết vô lượng ức tự tại Phạm vương, tất bất phục hiện, kỳ hữu chiêm ngưỡng Như Lai thân giả, khởi bất mục huyễn.

DỊCH:

Này Long vương! Ngươi xem thân Phật do trăm ngàn ức phước đức sanh ra các tướng trang nghiêm, hào quang nhiệm mầu sáng chói, che cả đại chúng, dù cho (hào quang) vô lượng ức trời Phạm vương cũng không thể hiện được. Không ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai mà không chóa mắt.

GIẢNG:

 Đức Phật nói với Long vương: Sở dĩ thân Phật có tướng tốt trang nghiêm là do vô lượng phước đức Ngài đã tạo trong vô lượng kiếp. Hào quang của Phật sáng chói che khắp cả đại chúng, dù cho hào quang của muôn ức vị trời Phạm vương chiếu sáng cũng bị hào quang của Phật che lấp, không sánh bằng. Như vậy, ai thấy thân tướng trang nghiêm, hào quang sáng chói của Phật, cũng chiêm ngưỡng nhìn hoài không chán, không chớp mắt.

ÂM:

Nhữ hựu quán thử chư đại Bồ-tát, diệu sắc nghiêm tịnh, nhất thiết giai do tu tập thiện nghiệp phước đức nhi sanh.

DỊCH:

Ngươi hãy xem các vị đại Bồ-tát đây sắc diện nhiệm mầu, trang nghiêm thanh tịnh. Tất cả (tướng tốt ấy) đều do tu nghiệp thiện mà được phước đức như thế.

GIẢNG:

Trước hết Phật nói tướng tốt của thân Phật trang nghiêm, toàn chúng không ai sánh kịp, tướng tốt ấy là do phước đức tạo nên. Kế đó Phật chỉ các vị đại Bồ-tát, mỗi vị đều có tướng tốt trang nghiêm cũng do tu các nghiệp lành mà được. Như vậy, Phật dẫn chứng từ trên lần lần xuống.

ÂM:

Hựu chư thiên long bát bộ chúng đẳng, đại oai thế giả, diệc nhân thiện nghiệp phước đức sở sanh.

DỊCH:

Lại nữa, các hàng trời, rồng, bát bộ v.v… có oai thế mạnh mẽ to lớn cũng do nhân tu nghiệp lành mà được phước báo như thế.

GIẢNG:

Tóm lại, trên là chư Phật, kế đó là các vị Bồ-tát, rồi đến chư Thiên, Long vương… đều do tu nghiệp lành, mà được phước có thân tướng tốt trang nghiêm đầy đủ oai thế lớn.

ÂM:

Kim đại hải trung, sở hữu chúng sanh, hình sắc thô bỉ, hoặc đại hoặc tiểu, giai do Tự tâm chủng chủng tưởng niệm tác thân ngữ ý chư bất thiện nghiệp, thị cố tùy nghiệp, các tự thọ báo.

DỊCH:

Nay các chúng sanh ở trong biển cả, hình sắc thô xấu, lớn, nhỏ, đều do các thứ tưởng niệm của Tự tâm gây ra những nghiệp bất thiện nơi thân, ngữ, ý và tùy theo chỗ tạo nghiệp mà thọ quả báo.

GIẢNG:

Tới đây Phật nói xuống thấp: Những chúng sanh ở trong biển cả như tôm cá có hình tướng xấu xa, con thì quá lớn, con thì quá nhỏ đều do tâm niệm của mỗi loài tạo nghiệp bất thiện nơi thân, miệng, ý và do tạo nghiệp bất thiện sai biệt, nên mỗi loài chịu quả báo xấu cũng khác nhau như thế.

Chúng ta thấy Phật dạy rõ ràng thân tốt đẹp trang nghiêm, thân xấu xa thô bỉ đều do nghiệp mà ra, thân tốt do nghiệp, thân xấu cũng do nghiệp. Nghiệp lành thì thân hình tốt đẹp, nghiệp ác thì thân hình xấu xa. Như vậy, thành Phật do từ nghiệp lành mà được, thành Bồ-tát cũng do nghiệp lành mà được… Cho nên ở trước tôi nói kinh Thập Thiện là gốc, chư Phật, chư Bồ-tát, chư Tỳ-kheo đều do làm lành mà được. Và kinh Thập Thiện cũng là gốc của bát bộ chúng: thiên, long, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già đều do tạo nghiệp thiện được quả báo sanh lên cõi trời. Còn các loài chúng sanh khác như tôm, cá… có thân hình thô xấu cũng do nghiệp ác mà ra. Những nghiệp lành sẽ được giải thích từng nghiệp ở sau.

Đây Phật nêu lên điểm căn bản là người tu hành thấy rõ một bên nghiệp thiện đưa tới quả báo tốt là được an vui sung sướng, một bên nghiệp ác đưa đến quả báo xấu bị khổ đau. Ngài khuyên chúng ta thường xuyên quán xét biết rõ nghiệp của mình để tự sửa, tránh xa nghiệp ác, thường tạo nghiệp lành để tội lỗi dần dần hết, phước đức trí tuệ càng ngày càng tăng trưởng.

ÂM:

Nhữ kim thường ưng như thị tu học, diệc linh chúng sanh liễu đạt nhân quả, tu tập thiện nghiệp. Nhữ đương nhân thử chánh kiến bất động, vật phục đọa tại đoạn thường kiến trung! Ư chư phước điền hoan hỉ kính dưỡng, thị cố nhữ đẳng diệc đắc nhân thiên tôn kính cúng dường.

DỊCH:

Nay ngươi như thế mà tu học và khiến cho chúng sanh thấu rõ nhân quả, tu tập nghiệp lành. Ngươi nên nương nơi chánh kiến bất động, chớ đọa vào trong tà kiến đoạn thường. Đối với các bậc phước điền nên vui vẻ cung kính cúng dường, thì các ngươi cũng được người trời tôn trọng cung kính cúng dường.

GIẢNG:

Đến đây Phật dạy Long vương tu tập. Như trước đã nói: Biết rõ nghiệp báo thiện ác do mình tạo, nếu tạo nghiệp lành thì thân tướng tốt đẹp trang nghiêm, tạo nghiệp ác thì thân hình xấu xa. Khi biết như thế rồi nên tạo nhân lành để được quả tốt, chớ tạo nhân ác mới thì sẽ được an vui. Chúng ta muốn biết nhân đời trước của mình ra sao, thì mỗi người phải tự xét hoàn cảnh, tướng mạo của mình hiện tại, thì sẽ biết đời trước mình đã tạo nhân lành hay dữ. Đức Phật lại bảo Long vương phải dạy chúng sanh hiểu thấu lý nhân quả, để tu tạo nghiệp lành. Đồng thời Phật nhấn mạnh với Long vương là, khi đã hiểu tường tận lý nhân quả thì được chánh kiến không lay động. Chánh kiến không lay động là sao? Giáo lý Phật nói rằng: Người hiểu rõ lý nhân quả thì tin sâu nhân quả, tin sâu lý nhân quả là có chánh kiến, ngược lại thì rơi vào tà kiến đoạn và thường.

Thế nào là chánh kiến, thế nào là tà kiến?

Phật nói hiểu lý nhân quả là chánh kiến. Tức là biết tất cả mọi hành động lành hay dữ của mình, sẽ kết tụ quả báo tốt hay xấu cho mình. Thế nên gọi thân này là tổng báo, tức là quả báo chung của đời trước. Đời trước có khi làm lành có khi làm dữ, nên thân này có khi được an ổn vui vẻ, có lúc bị tai họa khổ đau. Khi đã biết thân tổng báo này chịu ảnh hưởng nghiệp đời quá khứ, thì hiện tại nỗ lực tu hạnh lành, để chuyển những nghiệp xấu trước nhẹ bớt. Thấy biết như thế là chánh kiến.

Hiện tại có một số người mệnh danh tu theo đạo Phật, mà không có chánh kiến, lại ôm ấp tà kiến hoặc thường hoặc đoạn. Có người tu mà nghĩ rằng mình có một linh hồn không đổi thay, trường cửu không mất, thân này chết đi, đời sau có thân khác. Giống như áo này cũ thay áo khác, mình vẫn là mình. Ví dụ ông A chết rồi sanh ra cũng là A. Tin linh hồn mình không bao giờ thay đổi, đời đời vẫn không mất. Tin như vậy đạo Phật gọi là thường kiến. Lại có người cho rằng thân này do tứ đại hợp lại mà thành, sau khi chết tứ đại rã tan, không còn gì hết. Chấp như vậy gọi là đoạn kiến. Cả hai kiến chấp đó Phật không thừa nhận. Người chấp một trong hai điều đó là bệnh. Vì nếu tin linh hồn vẫn còn mãi thì việc làm lành làm ác đối với họ vô nghĩa, làm lành cũng phí công vô ích không kết quả gì, làm ác cũng không có thiệt hại gì, mặc tình muốn làm gì thì làm không sợ tội lỗi. Còn cho rằng chết sẽ hết thì việc làm lành hay làm dữ đối với họ cũng như trò chơi, nên không trọng việc lành không sợ việc ác, rồi mặc tình làm việc tội lỗi. Người tu theo đạo Phật thấy lý nhân quả tường tận, biết làm lành thì được sanh lên ba đường thiện là trời, người, a-tu-la, làm dữ thì đọa xuống ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Như vậy, mọi chúng sanh đi lên hay đi xuống, tùy theo nghiệp thiện hay ác mà đi đến chỗ sướng hay khổ khác nhau. Trong hội này: Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Long vương cho đến binh tôm tướng cá… đều có tướng sai biệt là do nghiệp nhân thiện hay ác mà thành tựu. Hiện tại chúng ta còn phàm phu nghe Phật nói như thế thấy khó hiểu khó tin, nên thắc mắc Phật cũng là người tại sao thân Phật có tướng tốt trang nghiêm, hào quang sáng chói như vậy? Các vị khác cũng mang thân người mà tại sao thân hình thô bỉ xấu xa?

Phật dạy: Thường kiến và đoạn kiến là sai lầm, người tu Phật không nên chấp như thế, mà phải có chánh kiến. Chánh kiến là sao? Có phải chết rồi không mất hẳn, mà cũng không còn một linh hồn bất biến bất diệt không? Đạo Phật chủ trương như vậy khó hiểu quá, không thừa nhận hai bên. Chúng ta phải hiểu như thế nào? Theo Duy thức học thì “thức A-lại-da ở nơi mỗi người hằng chuyển như bộc lưu”. Hằng là thường, mãi mãi; chuyển là đổi thay, xê dịch; bộc lưu là dòng nước chảy. Thức A-lại-da tuy thường còn nhưng biến đổi không dừng, giống như dòng nước chảy. Trong kinh A-hàm có đoạn ghi vua Ba-tư-nặc đến hỏi Phật:

- Như Lai dạy tạo nhân là phải thọ quả, và cũng dạy thân năm uẩn này không có thật ngã. Vậy con người không có thật ngã thì khi tạo nghiệp ai chịu quả báo?

Phật ví dụ: Có một gia đình sanh một đứa con trai và một gia đình sanh một đứa con gái. Hai gia đình ấy bèn đính ước sui gia. Lúc hai đứa bé lên tám tuổi, hai gia đình ấy có những đổi thay trong cuộc sống, nên ở cách xa nhau không có dịp qua lại. Khi hai đứa bé lớn khôn đúng mười tám tuổi, đàng trai tìm đến đàng gái để cưới, nhưng người con gái đã có chồng. Bên nhà trai kiện, xin Vua xử.

Người con trai thưa rằng:

- Cô gái này đã hứa hôn với chúng tôi rồi, nay ông kia cưới cô, coi như đã cướp vợ người.

Người bị kiện trả lời:

- Khi tôi cưới cô gái, lúc cô ấy mười tám tuổi, chớ tôi không cưới cô gái tám tuổi mà nhà ông đã hứa hôn.

Phật hỏi Vua:

- Bị kiện như thế, thì Đại vương xử thế nào?

Vua không đáp được.

Phật giải thích:

- Nếu rời cô gái tám tuổi khi xưa, không có cô gái mười tám tuổi bây giờ. Song nói cô gái tám tuổi khi xưa và cô gái mười tám tuổi bây giờ là một thì không đúng. Vì đứng về mặt thực tế, trước và sau vẫn là con người đó, nhưng có biến chuyển. Nếu không có biến chuyển thì không đúng. Vì cô bé tám tuổi đứng cao chừng tám, chín tấc và nặng chừng vài chục ký, còn cô gái mười tám tuổi cao tới một mét rưỡi hay một mét sáu, nặng khoảng bốn năm mươi ký. Đó là hình vóc quá sai biệt, về tâm tư của đứa bé tám tuổi và cô gái mười tám tuổi cũng đổi thay. Vậy thì làm sao nói đứa bé tám tuổi và cô gái mười tám tuổi là một được? Nhưng cũng không nói là hai được. Tuy có biến chuyển mà vẫn không có người thứ hai thay thế, song nói cố định trước sau là một cũng không được.

Đó là chỗ thật tế nhị. Đạo Phật thuyết minh lý vô ngã, cho rằng thân năm uẩn không có ta thật, tùy theo nghiệp lành hay dữ mà chuyển thành tốt hay xấu. Ví dụ hiện tại, người tật nguyền nghèo khổ biết tu hiền tạo nghiệp lành thì sau sanh ra sẽ được thân tướng lành lặn tốt đẹp khác hơn xưa. Nếu nói mình ngày nay là A, ngày sau là A, điều đó không đúng. Ngày nay là A với cha mẹ này, với hoàn cảnh này, ngày sau sanh ra với tên khác, với cha mẹ khác, với hoàn cảnh khác, không cố định trước sau là một, cũng không phải mất hẳn. Nếu mất hẳn thì thuộc đoạn kiến, còn mãi trước sau như một là thường kiến. Đó là chỗ quí Phật tử phải hiểu cho sâu, kẻo lạc vào thường kiến hoặc đoạn kiến. Phật nói như thế là chỉ lẽ thật, chớ không phải đem luân lý dạy đời. Chúng ta tự xét bản thân mình sẽ thấy, lúc mười tuổi và bây giờ ba bốn mươi tuổi tâm sanh lý có giống nhau không? Lúc mười tuổi thì ngây thơ khờ khạo, bây giờ ba bốn mươi tuổi thì khôn ngoan lịch lãm, đó là tâm tư thay đổi. Còn thể xác cũng vậy, khi trẻ thì khỏe mạnh ăn ngon ngủ dễ, lúc già thì yếu đau ít ăn khó ngủ, khi trẻ khác khi già khác, đổi thay không cố định. Chính bản thân mình ngay cuộc sống hiện tại mà còn đổi thay từ cơ thể đến tâm tư như vậy, thì đời vị lai làm sao mình không thay đổi? Tuy thay đổi mà không mất. Vì vậy Phật nói hiện tại con người đổi thay và vị lai cũng thay đổi. Nếu hiện tại thay đổi, mà nói vị lai không thay đổi là chuyện vô lý.

Hiểu được lý hằng chuyển thì hiểu được sự thay đổi hai chiều, chiều tiến của nghiệp lành và chiều thoái của nghiệp dữ. Phật vạch cho chúng ta thấy rõ hai chiều, rồi mình tự chọn lựa, muốn tiến thì tạo nghiệp lành, muốn thoái thì tạo nghiệp ác. Cũng như nhà nông làm ruộng, gieo giống lúa thì lên cây lúa, gieo giống cỏ thì lên cây cỏ. Gieo giống gì thì lên cây ấy, tuy nhiên sau khi gieo giống còn phải chăm sóc phân nước đúng mức thì cây mới tốt tươi, ngược lại bỏ bê thì cây bị hư hoại. Lý nhân quả của đạo Phật chỉ thẳng động tác (nghiệp) lành hay dữ của thân miệng và ý, để mọi người tự do quyết định lựa chọn cho cuộc sống của mình ở hiện tại và tương lai. Nên nhớ sau khi chết, nếu còn luân hồi là còn với dạng thức khác, chớ không còn như xưa. Nếu như xưa là rơi vào lỗi thường kiến, nếu mất hẳn là rơi vào lỗi đoạn kiến, trái với chủ trương của đạo Phật.

Nhờ hiểu được lý nhân quả, nên đối với những bậc được coi là ruộng phước thì siêng năng vui vẻ cúng dường. Ruộng phước có nhiều thứ: cha mẹ là ruộng phước của người con hiếu thảo, những người tu hành chân chánh là ruộng phước của hàng Phật tử tại gia, những trẻ mồ côi, người nghèo đói, bệnh tật là ruộng phước của người tu hạnh bố thí. Người Phật tử tại gia xây chùa, tạc tượng in kinh, cúng dường tứ sự cho Tăng Ni an ổn tu hành, để duy trì Phật pháp là đã gieo giống tốt vào ruộng phước. Người con hiếu thảo cung kính dưỡng nuôi an ủi… cha mẹ là đã gieo giống tốt vào ruộng phước. Người giàu lòng nhân ái giúp đỡ cung cấp cơm gạo thuốc men… cho trẻ mồ côi, người nghèo đói, bệnh tật, là đã gieo giống tốt vào ruộng phước. Đối với những ruộng phước vừa nêu, Phật dạy chúng ta phải vui vẻ siêng năng cúng dường. Nếu hiện tại chúng ta gieo giống vào những phước điền vừa kể, thì vị lai chúng ta cũng được chư thiên vui vẻ cúng dường như vậy. Chúng ta muốn mai sau được cái gì thì ngay bây giờ phải làm cái ấy. Chẳng hạn muốn sau này dạy học, ngay bây giờ phải học cho giỏi, sau mới dạy học được. Hoặc muốn sau này làm thợ mộc, ngay bây giờ phải học cưa, bào, đục, đẽo… thì sau này mới làm thợ mộc được. Không có việc gì, trước không gieo nhân sau lại có quả. Thế nên Phật dạy muốn được phước báo là phải cúng dường. Cúng là cung cấp, dường là nuôi dưỡng, cúng dường là cung cấp nuôi dưỡng cho người được sống. Thông thường nói đến cúng dường là phải thành kính. Song nói thế có người thắc mắc: Đối với cha mẹ, Sa-môn thì thành kính là phải, nhưng đối với kẻ nghèo đói, bệnh tật, trẻ mồ côi là kẻ thấp kém hơn mình, làm sao thành kính? Đối với người nghèo đói, bệnh tật, trẻ mồ côi, chúng ta cung cấp nuôi dưỡng họ, mà không khinh khi xem thường, đó là chúng ta đã thể hiện lòng thành kính rồi. Chữ cúng dường nghĩa rất rộng, không hạn cuộc ở chùa mà bao hàm cả gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế. Đó là những ruộng phước, quí Phật tử muốn tạo phước thì hướng vào đấy mà tạo.

[ Quay lại ]