headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH THẬP THIỆN - GIẢNG VĂN KINH 11 - SÂN HẬN

kinhthapthien11HT. Thích Thanh Từ giảng

ÂM:

Phục thứ Long vương, nhược ly sân nhuế tức đắc bát chủng hỉ duyệt tâm pháp. Hà đẳng vi bát?

Nhất : Vô tổn não tâm.
Nhị    : Vô sân nhuế tâm.
Tam  : Vô tranh tụng tâm.
Tứ     : Nhu hòa chất trực tâm.
Ngũ   : Đắc Thánh giả từ tâm.
Lục   : Thường tác lợi ích an chúng sanh tâm.
Thất  : Thân tướng đoan nghiêm chúng cộng tôn kính.
Bát    : Dĩ hòa nhẫn cố, tốc sanh Phạm thế.

Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật vô ngại tâm, quán giả vô yểm.

 DỊCH:

Lại nữa Long vương, nếu xa lìa sân hận thì được tám pháp hỉ duyệt nơi tâm. Những gì là tám?

1. Tâm không tổn não.

2. Tâm không sân hận.

3. Tâm không tranh tụng.

4. Tâm nhu hòa ngay thật.

5. Được lòng từ của bậc Thánh.

6. Sẵn lòng làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.

7. Thân tướng đoan nghiêm chúng đều tôn kính.

8. Do hòa nhẫn mau sanh về cõi Phạm thiên.

Đó là tám pháp hỉ duyệt nơi tâm. Nếu ai hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật được tâm vô ngại của Phật, người xem không chán.

GIẢNG:

Phật dạy nếu người nào xa lìa sân hận thì được tám pháp hỉ duyệt nơi tâm:

1. Vô tổn não tâm: Lòng không sân hận thì không khởi niệm làm xúc não tổn hại người. Vì vậy mà mình an người vui.

2. Vô sân nhuế tâm: Không có tâm giận hờn. Ở đời này tâm không còn sân giận thì đời sau cũng không còn chủng tử sân giận, thường được an ổn vui vẻ.

3. Vô tranh tụng tâm: Người không sân hận thì không khởi niệm tranh chấp, không tranh chấp thì đâu có thưa kiện ai.

4. Nhu hòa chất trực tâm: Người không sân giận thì được tâm nhu hòa ngay thẳng. Người có tâm nhu hòa ngay thẳng lúc nào cũng đem nguồn sáng cho mọi người.

5. Đắc Thánh giả từ tâm: Người không sân hận thì thường có tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh như các bậc Thánh.

6. Thường tác lợi ích an chúng sanh tâm: Người không sân hận, thường thương xót làm cho chúng sanh an vui lợi ích.

7. Thân tướng đoan nghiêm, chúng cộng tôn kính: Người không sân hận, tâm thường nhu hòa vui vẻ, nên có hình tướng đoan chánh trang nghiêm. Thế nên được nhiều người tôn kính.

8. Dĩ hòa nhẫn cố, tốc sanh Phạm thế: Người không sân hận, lúc nào cũng hòa nhã an nhẫn nên mau sanh lên cõi trời Phạm thiên.

Đó là tám pháp hỉ duyệt nơi tâm do không sân hận mà thành tựu. Vậy người muốn khỏi tranh tụng, muốn được nhu hòa ngay thẳng, muốn có lòng từ bi như vị Thánh… thì hiện đời phải dứt sân hận. Người còn sân hận thì không được tám pháp hỉ duyệt này. Vậy người nào hay tranh tụng thiếu lòng nhân ái, thân hình thô xấu, quạu quọ, thì biết người đó do nghiệp nhân sân hận đời trước chiêu cảm quả báo như vậy.

[ Quay lại ]