headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 17/12/2024 - Ngày 17 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Biết Phật pháp có khác

 Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói: Người tu tập cũng cùng một quả vị, nhưng nếu biết Phật pháp thì kết quả có khác.

- Người tu tập sau khi chứng Sơ Thiền, lúc tịch sanh lên cõi “Phạm Thiên”. Trường hợp tu theo ngoại đạo hưởng hết phước, người ấy sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

- Người tu tập sau khi chứng Nhị Thiền, lúc tịch sanh lên cõi trời “Thiểu Quang Thiên”. Trường hợp tu theo ngoại đạo, hưởng hết phước, người ấy sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

- Người tu tập sau khi chứng Tam Thiền, lúc tịch sanh lên cõi “Biến Tịnh Thiên”. Trường hợp tu theo ngoại đạo, khi hưởng hết phước, sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

- Người tu tập sau khi chứng Tứ Thiền, lúc tịch sanh lên cõi “Quảng Quả Thiên” (cũng gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên). Trường hợp tu theo ngoại đạo hưởng hết phước, sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

BÌNH

Bài Kinh trên cho chúng ta thấy tuy tu đồng một nhân mà kết quả có khác. Bởi vì ngoại đạo không hiểu chân thật, chấp nhận tự ngã là tu tập, mong cầu có chỗ thọ sanh. Trái lại người tu Phật quán lý Tứ Đế thấy rõ ba cõi chưa thoát luân hồi, nhưng công phu nửa chừng, thọ mạng đã hết nên sanh cõi Trời. Tuy nhiên gặp duyên nhắc lại liền nhớ tu thêm mà chứng Niết Bàn. Chẳng hạn nghe vị Thiên Tử nói pháp hoặc Bồ Tát hoặc người đồng tu khi trước, hóa sanh lên nhắc nhở. Phật có ví dụ như người biết đánh trống khi đi đâu chợt nghe tiếng trống liền hiểu rõ từng nhịp điệu và thuộc loại gì.

Lại như có hai đứa bé cùng chơi giỡn với nhau thuở nhỏ. Thời gian lớn lên mỗi người mỗi nơi, khi gặp nhau liền nhắc lúc trước đã từng chơi giỡn như vậy như vậy, tức thì liền nhớ biết ngày xưa đã cùng chơi giỡn những trò chơi như thế với nhau.

Cũng vậy, chúng ta đã có tu tập nhân Phật pháp mà chưa viên mãn, thì khi khác nếu gặp duyên nhắc lại liền nhớ không mất (nếu có công phu mạnh). Vì thế chúng ta chớ băn khoăn lỡ tu tập giữa chừng rồi bỏ thân mạng thì không biết sẽ ra sao, có còn nhớ để tu tiếp hay không. Điều cần yếu là chúng ta có công phu thiết thực và thẳng tiến thì dù kiếp này chưa xong, kiếp sau tu tiếp cũng chẳng mất. Chỉ trừ kẻ buông lung ngồi không chờ đợi thì không bảo đảm.

[ Quay lại ]