Nghiệp báo khó tránh
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 30 Tháng ba 2008 08:08
- Viết bởi nguyen
Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:
Có vị Tỳ Kheo đem lời ác đến mạ nhục Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiều Liên. Phật ba lần can gián nhưng vị Tỳ Kheo này không biết cãi hối.
Thời gian sau, vị Tỳ Kheo ấy thân bị ghẻ lở khắp mình đau nhức rồi chết. Khi chết thần thức đọa vào địa ngục.
Phật dùng Thiên nhãn nhìn thấy bèn họp chúng dạy: “Xét người ở đời búa để trong miệng. Sở dĩ giết người bởi do lời ác” (Phù sĩ xử thế phủ tại khẩu cung, sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn). Thế nên Tỳ Kheo các ngươi phải tự răn dè!
BÌNH:
Bài kinh này Phật nhắc lại quả báo của lời nói ác để răn dạy các thầy Tỳ Kheo.
Lời nói ác độc hại hơn lửa dữ, hơn rắn độc, nó có thể gây khổ đau cho người ta hiện đời cũng như nhiều kiếp. Qua câu chuyện Phật kể trên chúng ta đã thấy rõ.
Giờ thử tìm hiểu nguyên nhân người ta lại nói lời độc ác. Sỏ dĩ buông ra những lời độc ác là do nóng giận mà ra. Vì vậy muốn không khởi lời nói ác, Phật dạy chúng ta phải tu hạnh nhẫn nhục. Nhịn chịu những lời nói trái tai, những hành động nghịch ý, những cử chỉ thiếu lễ độ... của kẻ khác để tâm ta luôn luôn mát mẻ dịu hiền. Phải luôn luôn nhớ câu Phật dạy: “Lời nói ác như búa để trong miệng, sỏ dĩ giết người do lời nói ác” để tự răn mình.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Người ác hại người hiền như ngược gió tung bụi, bụi không đến người mà mình bị lấm. Lại cũng như ngước mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt chẳng đến trời mà rơi xuống mặt mình”.
Xét lại lời Phật nói trên thật là chí lý. Lời nói ác chỉ tự chuốc họa vào thân mình mà thôi. Tục ngữ có câu: “Ngậm máu phun ngưòi miệng mình dơ trước” là vậy.
Một điều lợi ích rất lớn khi người ta biết dằn cơn nóng giận, không để thốt lên lời nói ác. Trong Kinh Pháp Cú có câu: “Nếu bị người ta mắng mà không mắng lại, là tự cứu mình và cứu người”. Tại sao? Vì nếu người ta cãi với mình mà mình làm thinh, thì họ hết cãi (trái lại thì sanh ấu đã). Họ sân với mình mà mình không sân tức là mình đã chinh phục được họ.
Người thế gian không hiểu lý này, cho là ngu si hay yếu đuối. Sự thực đây là việc làm của kẻ có trí tuệ và đầy đủ nghị lực. Phải mạnh lắm mới có thể nhẫn được, nếu yếu ớt nghe một câu trái tai tức nổi giận liền. Vậy muốn thân tâm mát mẻ, lời nói ra có đạo đức hiền từ, chúng ta phải dứt tâm phân biệt hơn thua, phải quấy, khi tâm hơn thua, phải quấy dứt thì lòng yêu ghét không còn, tâm nóng giận cũng theo đó mà hết. Hiện đời ta được an lạc và tương lai cũng tránh được quả báo khổ đau, đó là người hùng trong đạo vậy.