Hạnh Anh Nhi
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 08 Tháng năm 2012 14:25
Chân Hiền Tâm
Ở thất, có lẽ là thời gian tôi thích nhất trong đời.
Đó là những ngày chỉ có mình tôi trong gian nhà nhỏ. Chung quanh trồng toàn cây xanh. Không có mùi của khói bụi thị thành. Không tiếp xúc. Không nói chuyện. Không sách. Không kinh. Không chuông mõ. Không vi tính. Lo toan tính toán đời thường đặt qua một bên. Chỉ có giây phút hiện tại, thực sự cho mình.
Một khoảng thời gian làm biếng thỏa thích...
Không cần ràng buộc trong những nề nếp thường nhật. Không cần ăn vội cho kịp cái mốc nào đó đã bị chặn trên. Không phải về đúng giờ cho kịp một người ăn sáng. Trưa cũng không có cái mốc nấu ăn cho khỏi qua ngọ. Không cần ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Đói thì ăn. Mệt lăn ra ngủ. Mọi thứ tự do ... Một nồi cháo bí đỏ hay cà rốt cải xanh và một hủ tương kho quẹt. Là những thứ có thể để lâu trong mấy ngày liền. Thêm bột ngũ cốc, một nãi chuối xanh phòng khi đói bụng không có thức ăn. Để khỏi gặp ai, dù chỉ là người bán rau với dăm ba câu trao đổi. Đã nói làm biếng... Không nhớ chuyện quá khứ. Không tính việc tương lai. Mình đối diện với chính mình. Chỉ có những gì trong hiện tại. Ngồi đó mà nhìn. Ngồi đó mà chú mục. Ngồi hết nỗi thì đứng lên. Loanh quanh từng bước chậm. Không phải 7 bước của Như Lai mà là rất nhiều bước. Những bước đầu làm tiền đề cho 7 bước về sau. Như Lai chỉ thẳng... “Anh nhi không khởi, không trụ, không đến, không đi, không nói chuyện”.[1] Con nít là thế, là nghề của nó. Cái khổ là mình không phải con nít mà đang tập hạnh con nít. Bật dậy đã mấy mươi năm. Tới lui mòn hết Sài thành. Miệng không như quạt mùa đông. Sinh khởi đã tích thành “tập”. Không phải chỉ một đời này mà vô số đời trước nữa. Không chừng cái thời Như Lai hành đạo đã có mặt mình. Ríu ra ríu rít rộn ràng. Giờ làm con nít không chút dễ dàng… “Như Lai không khởi, là Như Lai không khởi các pháp tướng. Không dừng trụ, là Như Lai không chấp trước tất cả các pháp. Không đến, là thân hành Như Lai không diêu động. Không đi, là Như Lai đã đến đại bát niết bàn. Không nói, là Như Lai dầu vì tất cả chúng sinh diễn nói các pháp mà thật không có chỗ nói. Vì sao? Vì có chỗ nói, gọi là hữu vi. Như Lai Thế Tôn không phải hữu vi, cho nên không nói. Cũng không có ngôn từ, như anh nhi ngôn từ chưa rõ. Tuy có ngôn từ mà thật là không ngôn từ. Như Lai cũng vậy. Ngôn từ chưa rõ chính là lời nói bí mật của Như Lai. Dù đã nói, chúng sinh cũng không hiểu, nên nói là không có ngôn từ …” Con muốn biết cái chỗ bí mật mà Như Lai nói đó. Nó không nằm trong sách vở ngôn từ. Những quyển kinh dày chứa đựng bao nhiêu nghĩa lý, tâm thức nếu chưa trải qua cũng không thể hiểu. Huống là cái chỗ gọi là “lời nói bí mật của Như Lai”. Cái chỗ phải cần tập dần cái hạnh anh nhi không có tới lui, không chỗ chấp trước mới mong thấu tới. Tâm nếu thật tĩnh, không lệ thuộc và cái động của thân, không lệ thuộc vào cái động của cảnh. Thân động cảnh động mà tâm không tĩnh, vì tâm đang bị phong hàn nhiễm bệnh. Muốn tìm lại chút bình yên sau những loạn động đời thường, đành phải tránh cảnh, bó thân. Chuông chiều đổ vọng… Sáu giờ, thiền viện sám hối. Lòng thấy lâng lâng. Nhưng không trút được cái khoảng cảm nhận thời gian lê thê lếch thếch trong lòng. Thời gian Phật nói không thật. Ừ ừ… Bình thường, sáng chưa xong việc đã thấy tối rồi. Giờ thành lê thê với kẻ ăn rỗi ở thì. Nhớ lần làm biếng đầu tiên. Ban ngày trống vắng. Ban đêm sợ hãi vô cớ trong khung thất nhỏ. Nhưng không có gì kinh hãi bằng phải đối diện với sự cô đơn vào khoảng chiều chiều. Cái khoảng 4 giờ cho đến 7 giờ. Cái khoảng buồn đâu trong ruột trong gan quằn quại. Cái buồn khiến mình không dám đối diện chính mình. Thu người tắm rửa suốt mấy tiếng liền, cho qua cái khoảng sợ hãi buồn phiền. Kì cọ chậm rãi kỹ càng, để thấy thời gian qua mau. Thu hẹp trong bốn bức tường nhỏ hẹp cho quên không gian rộng lớn quanh mình. Thời gian không gian chi phối cảm nhận con người quá nhiều hay tại bám víu các pháp quen rồi, giờ chỉ một mình, bỗng thấy chơ vơ? Vậy mà mọi thứ qua đi… Thứ gì cũng do thói quen. Thời gian không đến nổi dài những lần sau đó. Ăn ít, ngủ ít, người thấy nhẹ nhàng. Đi đứng chậm rãi chánh niệm, người thấy thư thả. “Anh nhi không biết khổ vui, ngày đêm, cha mẹ. Vì chúng sinh nên không biết khổ vui, không có cái tưởng ngày đêm. Với các chúng sinh, tâm ấy bình đẳng, nên không có tướng cha mẹ, thân sơ…” Như Lai, tâm vô phân biệt. Có cảm liền ứng. Lợi tha bình đẳng không có thân sơ. Không nghĩ quá khứ, không tính tương lai, chỉ qui về niệm hiện tiền, cũng đâu phân biệt ... Gió bão. Chim con chuyền cành rớt đó bị thương. Cứu vật cũng như cứu người không quản cực nhọc. Nhưng rồi giựt mình sợ hãi khi tưởng đó là chuột con. Tâm bỗng chòng chành. Thân thành lướng vướng chỉ muốn thối lui. Tâm không bình đẳng nên có sợ thương. Có sợ có thương thành có thủ xả. Tập nghiệp trong đời ràng rịt khiến tâm không thể bình đẳng. Mới hay, sinh khởi nhiều đời, phân biệt chấp ngã ăn sâu. Thứ gì thuận lòng mới làm. Thứ gì của mình mới lo. Cha mẹ của mình mình lo. Cha mẹ của người để đó người lo. Không do hai chữ hữu duyên vô duyên mà vì thân sơ không đồng, oán thân tách biệt. Không thấy hình tướng tuy khác mà cùng một thể không hai, chỉ do hữu duyên vô duyên mà sự hiện thành. Thôi thì phá đi! Cái gì cũng do thói quen. Từ từ rồi cũng thay đổi. Phật nói “Thứ gì có tướng đều là hư vọng”.[2] Đâu có thứ gì có gốc mà không thể thay. Mọi thứ đều do thói quen. Chấp ngã, vị tha đều do huân tập. Ngày tập một ít rồi hạnh sẽ thành. Kiếp này chưa thành, những kiếp về sau cũng thành. Hai việc không làm “Anh nhi, không làm việc lớn việc nhỏ. Hữu-tình-giác cũng lại như vậy, không tạo tác việc sinh tử, gọi là không làm. Việc lớn là ngũ nghịch. Hữu tình giác không tạo trọng tội ngũ nghịch”. Không làm việc lớn không làm việc nhỏ, gọi là không tạo tác việc sinh tử. Việc lớn thuộc về trọng tội. Kinh nói nếu làm sẽ đọa địa ngục. Đó là giết cha, giết mẹ, hại A La hán, phá hòa hợp tăng và làm thân Phật ra máu. Luận Khởi Tín nói: “Chỉ người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, bị chướng nghiệp của trọng tội là không thể nhập”, là không thể nhập chân như tam muội. Tu Phật mà không nhập được chân như tam muội thì tu chi nữa? Thành ra phải tránh tối đa. Cái nớ thì chắc không làm. Có phạm chỉ phạm mấy thứ nho nhỏ. Con kiến. Con muỗi. Nhiều khi cũng quên. Ngứa ngáy phát nó một cái, liền qui nhị tì. Năm giới của người tại gia, mẹ đã qui y khi còn rất nhỏ. Nhảy vô tu thiền cũng chẳng quan tâm. Cho đến một ngày, trong cơn bệnh khổ mới ý thức rằng: Thân bệnh không phải dễ tu. Tâm dù có quyết thì việc tu hành cũng bị hạn chế rất nhiều. Phật sự cũng nhiều tắc ngại. Giới sát đứng đầu là vậy. Ông kiến, ông muỗi xem ra cũng phải hạn chế. Mọi giới Phật đã đặt ra đều cần cho chúng hữu tình tự giác, giác tha. Tại gia, xuất gia tu hành đều phải lấy giới làm trọng, mới mong có định, có tuệ. Hàng đại Bồ tát tâm như hư không, nghiệp tội không khác hoa đốm giữa trời, nếu có phạm giới là vì lợi ích chúng sinh, không vì phóng dật buông lung, nghiệp tập trói buộc.[3] “Việc nhỏ là tâm Nhị thừa. Hữu-tình-giác không thối tâm bồ đề mà làm Thanh văn, Bích chi, Phật thừa”. Quên tâm bồ đề mà tu Phật thừa thì chỉ có danh, chất lượng không có. Phát tâm bồ đề mà vẫn thân tướng Nhị thừa là vì ứng duyên chúng sinh mà độ. Ba mươi hai ứng thân Bồ-tát Quán Âm,[4] thân nào lợi ích chúng sinh thì hiện, là do ứng với tính dục chúng sinh mà pháp hiện thành. Nhị Thừa, Đại thừa tu hành đều là phá tập. Phương cách cũng là quán tâm, chánh niệm. Chỉ khác ở chỗ phát tâm bồ đề. Không dừng lại ở hóa thành. Hóa thành là việc giữa đường, là duyên độ sinh. Mới hay cái chính không ở thân tướng Nhị thừa, Phật thừa mà nằm ở việc phát tâm. Cần phải dài lâu kiên cố. Đầu cuối không khác. Nhị thừa, Phật thừa đều được. Miễn là Nhị thừa, Phật thừa mà Phật đã dạy. Phương tiện của Như Lai Như Lai nói pháp, thường chỉ thẳng trước rồi sau mới nói phương tiện. Trên đã chỉ thẳng, giờ tới phương tiện. Tùy cơ mà vào. Không ai là không có phần. “Hạnh anh nhi là, như khi anh nhi kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá vàng dụ rằng: “Đừng khóc, đừng khóc ta cho con vàng”. Anh nhi thấy rồi tưởng là vàng thật nên liền ngừng khóc. Nhưng lá dương vàng thật không phải vàng. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, anh nhi thấy rồi cũng tưởng là thật. Vì tưởng như thế nên nói anh nhi. Như Lai cũng vậy. Nếu thấy chúng sinh muốn tạo ác nghiệp, Như Lai vì họ mà nói cõi trời Đao Lợi thường, lạc, ngã, tịnh, đoan chánh, tự tại… Chúng sinh nghe thấy, tâm liền tin thích mà dừng việc ác, chuyên làm việc thiện. Thật ra, cõi đó vẫn còn sinh tử. Không thật thường, lạc, ngã, tịnh. Chỉ vì chúng sinh mà phương tiện nói thường, lạc, ngã, tịnh”. Phật không chỉ nói Nhị thừa, Phật thừa. Tu nhân tích đức hưởng phúc cõi trời cũng không ra ngoài Phật giáo. Nói trời Đao Lợi là nói cõi trời Dục giới. Chưa cần Tứ thiền, Tứ không như các cõi trời Sắc giới, Vô sắc. Chỉ cần chịu tu Thập thiện, dâm ái chừng mực là liền có phần.[5] Một giấc mộng vàng ngắn ngũi vẫn hơn mộng khổ trầm luân. Như Lai ra đời vì chúng sinh khổ. Đâu không vì chúng sinh mà nói những điều mang lại hạnh phúc thế gian. Con nít dễ thích những thứ bóng bẩy. Vẫn thích hạnh phúc vô thường hơn tu xuất thế liễu thoát sinh tử. Vẫn nói là hạnh, vì là bước đầu trợ giúp chất Phật trong mỗi chúng sinh có cơ hiển phát. Tin lời Phật dạy, tránh ác làm thiện, dù chỉ muốn hưởng dục lạc cõi trời, thì cũng là tin vào lý Nhân duyên Nhân quả, cũng đã thực hành Thập thiện v.v… Nên là một phần của hạnh anh nhi. “Anh nhi là, nếu có chúng sinh chán sinh tử khổ, Như Lai vì họ mà nói Nhị thừa. Song thật không có cái thật Nhị thừa. Vì là Nhị thừa, nên biết cái lỗi sinh tử và thấy cái vui niết bàn. Vì thấy nên biết: Có đoạn, không đoạn. Có chân, không chân. Có tu, không tu. Có đắc, không đắc. Này thiện nam tử! Như anh nhi kia không phải là vàng mà tưởng là vàng. Như Lai cũng vậy. Trong bất tịnh nói tịnh…”. Thánh Nhị thừa chứng nghiệm cõi này vô thường tạm bợ. Không có gì còn hoài. Không có gì đứng yên. Sinh ra, lớn lên rồi chết. Chỉ là sớm hay muộn, lâu hay mau. Vui nào rồi cũng tàn. Mà nghiệp thì giở chân lên liền có. Không còn muốn cái vui tạm bợ ở thế gian. Chỉ muốn đến cõi vĩnh hằng không sinh không diệt. Như Lai nương đó dạy pháp liễu thoát sinh tử. Nói tịnh, nói lạc, nói thường, nói ngã là nói Phần đoạn sinh tử đã qua. Vẫn còn Biến dịch sinh tử âm thầm chuyển đó[6] nên không thật thường, thật lạc, thật tịnh… Nói “thật” phải là “Như Lai đã được đệ nhất nghĩa đế, không có hư vọng”. Nhưng sao Như Lai vẫn gọi là đạo? Vì “Như anh nhi, trâu ngựa gỗ mà tưởng là trâu ngựa thật. Nếu có chúng sinh, với phi đạo mà tưởng chân đạo thì Như Lai cũng nói phi đạo là đạo. Trong cái phi đạo thật không có đạo. Vì chút nhân duyên sinh đạo nên nói phi đạo là đạo”. Chưa hoàn toàn là đạo, gọi là phi đạo.[7] Hóa thành không phải bảo sở, nhưng là nhân duyên đưa đến bảo sở. Tất cả đều theo căn nghiệp chúng sinh mà nói. Duyên khởi cho phép Như Lai lập bày phương tiện mà không dối gian. Như ngón áp út, so với ngón giữa nói ngắn, so với ngón út nói dài. Để nó một mình thì chỉ là nó mà thôi, đâu có ngắn dài. Pháp Nhị thừa, so với chúng sinh nói đạo, so với Phật quả thì nói phi đạo. Bản chất Nhị thừa không thuộc đạo hay phi đạo. Mà cũng là đạo, là phi đạo. Thể không, đủ duyên mà thành sự. Thiền sư Hàm Thị dạy rằng: “Bồ-tát, tuy trụ tướng trí tuệ mà vẫn dùng thiền tịch của Nhị thừa để trừ sạch pháp chấp vi tế”.[8] Cho nên, hạnh Nhị thừa cũng không ngoài hạnh anh nhi. “Như anh nhi kia, người gỗ mà tưởng là người. Như Lai cũng vậy. Biết không phải chúng sinh mà nói tướng chúng sinh, nhưng thật là không có tướng chúng sinh. Nếu Như Lai nói không có chúng sinh, tất cả chúng sinh sẽ rơi vào tà kiến. Cho nên Như Lai nói có chúng sinh”. Tâm Kinh nói: “Tướng không của các pháp không sinh không diệt…” thì biết tướng thực của chúng sinh không thuộc có hay thuộc không. Song Như Lai nói có mà không nói không, là vì “Thà chấp có mà mắc kẹt ở cõi trời người. Chẳng bằng chấp không mà diệt mất nhân quả, lừa dối chánh pháp, lưu hại vô cùng”.[9] Đó là lý do Như Lai nói có mà không nói không. Nói có mà đừng cho là thật có. Vì là duyên khởi. Kinh nói: “Đối với chúng sinh mà tưởng chúng sinh thì không thể phá tướng chúng sinh. Ở nơi chúng sinh mà phá được tướng chúng sinh thì được đại bát niết bàn. Vì được đại bát niết bàn nên liền ngừng khóc. Đó gọi là hạnh anh nhi”. Chúng sinh, luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Do tâm, ý, ý thức họp lại mà sinh, nên nói chúng sinh”. Vì thế, nói phá tướng chúng sinh mà thực là phá đi cái chấp đối với chúng sinh. Phá đi sự nhóm họp của tâm, ý, ý thức trong chính mình. Không phải phá tan các cảnh hiện có. Phá được thì “Chứng được cảnh giới tự tâm hiện lượng. Đạt tất cả phảp không có ngăn ngại. Được thân như huyễn. Viên mãn Phật địa”.[10] Hoàn nguyên. “Anh nhi không khởi, không trụ, không đến, không đi…”. Một mình, thời gian không dài, chưa biết hết được mình thích bao lâu, nếu dài. Một mình, tịnh cảnh không duyên, cũng chưa biết được chấp ngã phân biệt đã mòn tới đâu. Xem ra động tĩnh, chỗ nào cũng phải quán tâm. Ngay đó mà quán. Ngay đó mà dừng. Không tính chuyện chi xa xôi. Tích nhân có ngày thành quả. Học. Hiểu. Hành. Hành để mà hiểu những gì Như Lai đã nói. Đi bước nào hay bước đó. Không nên nản lòng! Có gì không qua thói quen mà nản? Tập ngày một ít sẽ quen. Rùa chậm mà chăm có ngày đến đích. Như Lai đã nói: “Nếu nam nữ nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói năm hạnh nói trên, sẽ biết người ấy nhất định sẽ được năm hạnh…”. Phật nói có đọc có tụng là đã có duyên. Phát thêm nhân nữa thì hạnh sẽ thành. Lâu mau tùy mình, có ai bắt buộc. Phật đản đến rồi. Hình tượng anh nhi đầy khắp các chùa. Nguyện cho anh nhi trong mỗi chúng sinh hiện thành. Mình, người không hành ngũ nghịch, , thiện căn khai phát, thế giới hòa an. [1] Kinh Đại Bát Niết Bàn tập I – Phẩm Anh Nhi Hạnh. Đại Tạng Kinh, quyển 374, bộ 40 quyển. Tất cả những đoạn kinh in nghiêng sau đều trích ra từ phẩm này. [4] Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ - TS Hàm Thị trực Giải. HT Thích Phước Hảo dịch. Tự Điển Phật Học Hán Văn thì phân thành 33 thân.
(- nguồn NSGN/194 -)