headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/01/2025 - Ngày 4 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ HOÀI NHƯỢNG

ở Nam Nhạc - (677-744)

Người sau vì kính trọng Sư nên lấy chỗ ở mà gọi hiệu là Nam Nhạc.

Sư họ Ðỗ, quê ở Kim Châu, sanh ngày mùng tám tháng tư đời Ðường niên hiệu Nghi Phụng năm thứ hai (677 T.L.). Ðược muời lăm tuổi, Sư theo Luật sư Hoàng Cảnh ở chùa Ngọc Tuyền đất Kinh Châu xuất gia.

Sau khi thọ giới cụ túc, Sư học tập tạng Luật. Một hôm, Sư tự than: "Phàm người xuất gia phải vì pháp vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được!"

Bạn đồng học là Thản Nhiên biết Sư có chí cao siêu, khuyên Sư cùng đi đến yết kiến Hòa thượng Huệ An ở Tung Sơn. Hòa thượng An chỉ dạy và sau bảo Sư đến Tào Khê tham vấn Lục tổ Huệ Năng.

Sư đến Tào Khê, Tổ hỏi:- Ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi:- Vật gì đến?

Sư thưa:

- Nói in tuồng một vật tức không trúng.

- Lại có thể tu chứng chăng?

- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.

- Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây thiên có lời sấm rằng: "Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện NHẤT MÃ CÂU (con ngựa tơ) đạp chết người trong thiên hạ. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm."

Sư hoát nhiên kế hội. Từ đây, Sư ở hầu hạ Tổ ngót mười lăm năm.

*

Ðời Ðường niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai (713 T.L.), Sư đến Hoành Nhạc (dãy núi liên tục) ở chùa Bát-nhã.

Có vị Sa-môn ở viện Truyền pháp hiệu Ðạo Nhất hằng ngày ngồi thiền. Sư biết đó là pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) bèn đi đến hỏi:

- Ðại đức ngồi thiền để làm gì?

Ðạo Nhất thưa:- Ðể làm Phật.

Sau đó, Sư lấy một cục gạch đêᮠtrên hòn đá ở trước am Ðạo Nhất ngồi mài. Ðạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

Sư đáp:

- Mài để làm gương.

- Mài gạch đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

- Vậy làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? đánh trâu là phải?

Ðạo Nhất lặng thinh, Sư nói tiếp:

- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Ðạo Nhất nghe Sư chỉ dạy như uống đề-hồ, lễ bái hỏi:

- Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội?

Sư bảo:

- Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này.

- Ðạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?

- Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo, Vô tướng tam-muội cũng lại như vậy.

- Có thành hoại chăng?

- Nếu lấy cái thành hoại tụ tán mà thấy đạo là không thể thấy đạo. Nghe ta nói kệ:

            Tâm địa hàm chư chủng

            Ngộ trạch tức giai manh

            Tam-muội hoa vô tướng

            Hà hoại phục hà thành?    

  Dịch:

            Ðất tâm chứa các giống    

            Gặp ướt liền nảy mầm

            Hoa tam-muội không tướng

            Nào hoại lại nào thành?

Ðạo Nhất nhờ khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Sư suốt mười năm, mỗi ngày càng nhận sâu lý đạo.

*

Ðệ tử nhập thất gồm có sáu người. Sư ấn khả rằng:

- Sáu người các ngươi đồng chứng thân ta, mỗi người khế hội một phần:

            Người được chân mày ta, giỏi về oai nghi là Thường Hạo.

            Người được mắt ta, giỏi về ngó liếc là Trí Ðạt.

            Người được tai ta, giỏi về nghe lý là Thản Nhiên.

            Người được mũi ta, giỏi về biết mùi là Thần Chiếu.

            Người được lưỡi ta, giỏi về đàm luận là Nghiêm Tuấn.

            Người được tâm ta, giỏi về xưa nay là Ðạo Nhất.

Sư lại bảo:

- Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không thể trụ. Nếu đạt tâm địa việc làm không ngại, không phải thượng căn dè dặt chớ nói. (Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh, tâm vô sở sanh, pháp vô sở trụ. Nhược đạt tâm địa sở tác vô ngại, phi ngộ thượng căn nghi thận từ tai.)                                     

*

Có vị Ðại đức đến hỏi Sư:

- Như gương đúc tượng, sau khi tượng thành không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?

Sư bảo:

- Như Ðại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện thời ở đâu?

- Tại sao sau khi thành tượng không chiếu soi?

- Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng chẳng được.

*

Sau Ðạo Nhất đi giáo hóa ở Giang Tây, Sư hỏi chúng:

- Ðạo Nhất vì chúng thuyết pháp chăng?

Chúng thưa:

- Ðã vì chúng thuyết pháp.           

- Sao không thấy người đem tin tức về?

Chúng lặng thinh.

Sư bèn sai một vị Tăng đi thăm. Trước khi đi, Sư dặn:

- Ðợi khi y thượng đường (lên thuyết pháp) chỉ hỏi "làm cái gì". Y trả lời, nhớ ghi những lời ấy đem về đây.

Vị Tăng đi thăm làm đúng như lời Sư đã dặn. Khi trở về, vị Tăng thưa:

- Ðạo Nhất nói: "Từ loạn Hồ sau ba mươi năm, chưa từng thiếu tương muối."

Sư nghe xong gật đầu.

*

Ðến ngày mười một tháng tám, đời Ðường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba (744 T.L.) Sư viên tịch tại Hoành Nhạc, thọ sáu mươi bảy tuổi.

Vua sắc ban hiệu là Ðại Huệ Thiền sư, tháp hiệu Thắng Luân.

[ Quay lại ]