THIỀN SƯ HUỆ CẦN PHẬT GIÁM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 26 Tháng mười hai 2010 11:33
Ở Thái Bình
Sư họ Uông xuất gia thuở nhỏ, học thông kinh điển, mỗi khi đọc đến câu “chỉ đây một sự thật còn hai thì chẳng chân”, liền có tỉnh. Sư đi tham vấn các bậc tôn túc, qua lại chỗ Thiền sư Pháp Diễn mấy phen. Sư bực Pháp Diễn không ấn chứng, nên kết bạn với Viên Ngộ cùng đi. Đến khi Viên Ngộ trở lại chỗ Pháp Diễn mới được triệt ngộ. Bỗng Sư tìm đến, ý còn muốn đi nơi khác, Viên Ngộ khuyên nên ở lại. Viên Ngộ nói: - Tôi cùng huynh mới cách nhau hơn tháng, so lại khi gặp nhau lúc trước thế nào?
Sư đáp: - Chỗ tôi nghi là ở đây.
Sư liền dừng lại đây.
*
Một hôm, Sư nghe Pháp Diễn nhắc việc Tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là gia phong của Hòa thượng? Triệu Châu nói: - Lão tăng lãng tai hỏi to lên đi. Tăng lại hỏi to lên. Triệu Châu nói: - Ông hỏi gia phong của ta, ta lại biết gia phong của ông rồi.” Sư liền hoát nhiên đại ngộ thưa: - Xin Hòa thượng chỉ bày chỗ tột? Pháp Diễn đáp: - Sum la và vạn tượng là sở ấn của một pháp. Sư liền lễ bái. Pháp Diễn cử Sư làm thư ký.
*
Sư cùng Viên Ngộ luận đạo bàn việc Đông Tự hỏi Ngưỡng Sơn hạt minh châu trấn hải, đến chỗ không lý có thể bày. Viên Ngộ gạn lại Sư: - Đã nói nhận được, đến khi đòi hạt châu, lại nói không lời có thể đáp không lý có thể bày là sao? Sư không thể đáp được. Hôm sau, Sư nói với Viên Ngộ: - Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, Ngưỡng Sơn ngay đó trút cả giỏ.
Viên Ngộ thừa nhận đó, lại khuyên Sư: - Lão huynh lại nên thân cận lão Hòa thượng. Một hôm, Sư đến phương trượng chưa kịp nói gì, bị Pháp Diễn mắng chửi thậm tệ rồi lui. Về liêu, Sư đóng cửa nằm ngủ, hận Pháp Diễn vô cùng. Viên Ngộ đã thầm biết đến gõ cửa.
Sư hỏi: - Ai?
Viên Ngộ đáp: - Tôi.
Sư liền mở cửa. Viên Ngộ hỏi: - Huynh đến lão Hòa thượng thế nào?
Sư đáp: - Tôi vốn không đi, bị huynh lừa nhiều lần, tôi bị lão ấy mắng chửi.
Viên Ngộ cười hả! Hả! Nói: - Huynh nhớ được lời ngày trước chăng?
Sư hỏi: - Là lời gì?
Viên Ngộ nói: - Huynh lại nói, Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, mà Ngưỡng Sơn trút cả giỏ.
Sư ngay đây liền tan vỡ. Viên Ngộ bèn hướng dẫn Sư đến phương
trượng. Pháp Diễn vừa thấy Sư đến liền nói: - Huynh Cần đáng mừng đại sự xong rồi.
Năm sau, Pháp Diễn cử Sư làm Đệ nhất tọa.
*
Gặp khi Linh Nguyên về trụ Hoàng Long, thiếu người ở Thái Bình, Linh Nguyên tiến cử Sư với Thái thú Thơ Châu là Tôn Đảnh. Tôn Đảnh thỉnh Sư trụ trì Thái Bình. Khi Sư từ biệt, Pháp Diễn trao pháp y. Sư nhận và đưa lên nói với chúng: - “Phật Thích-ca thuở xưa dùng ca-sa Kim Lan trượng sáu đắp thân Phật Di-lặc ngàn thước, thân Phật chẳng dài ca-sa chẳng ngắn, hiểu chăng? Tức dạng này không dạng khác.” Từ đây pháp đạo truyền rộng.
*
Niên hiệu Chính Hòa năm đầu (1111), chiếu vua mời Sư trụ trì chùa Trí Hải ở Đông Đô. Sau năm năm, Sư xin trở về, lại có chiếu chỉ mời Sư trụ Tương Sơn.
Tăng hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư Tây sang?
Sư đáp: - Ăn giấm biết chua, ăn muối biết mặn.
Tăng hỏi: - Khi tên hết cung gãy thì thế nào?
Sư đáp: - Một trường bối rối.
Tăng hỏi: - Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?
Sư đáp: - Bổ nát cột cái.
Tăng hỏi: - Về quê không đường thì sao?
Sư đáp: - Lộ trình của vua có hạn.
Tăng hỏi: - Trước ba ba sau ba ba là sao?
Sư đáp: - Sáu lần sáu là ba mươi sáu.
Tăng hỏi: - Được nghe Hòa thượng thân thấy Ngũ Tổ Diễn phải chăng?
Sư đáp: - Trâu sắt nhai nát cỏ vàng ròng.
Tăng thưa: - Thế ấy là thân kiến Ngũ Tổ Diễn?
Sư bảo: - Ta cùng ông có oán thù gì?
Tăng hỏi: - Chỉ như Đạt-ma thấy Võ Đế ý chỉ thế nào?
Sư đáp: - Lời Hồ dễ biện tiếng Hán khó rành.
Tăng hỏi: - Vì sao lặng lẽ thầm qua sông?
Sư đáp: - Nhân gió giúp tiện.
Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong chủ?
Sư đáp: - Tiến trước lùi sau buồn chết người.
Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong khách?
Sư đáp: - Lời chân thật thành vọng ngữ.
Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong khách?
Sư đáp: - Phu Tử dạo đi ách tại Trần.
Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong chủ?
Sư đáp: - Trọn ngày đồng đi chẳng bạn bè.
Tăng hỏi: - Chủ khách đã nhờ Thầy chỉ dạy, việc hướng thượng trong tông thừa thế nào?
Sư đáp: - Búa lớn chặt rồi tay bóp xoa.
Tăng hỏi: - Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, phi tâm phi Phật việc thế nào?
Sư đáp: - Hôm qua có Tăng hỏi, Lão tăng chẳng đáp.
Tăng hỏi: - Chưa biết cùng tức tâm tức Phật cách nhau bao nhiêu?
Sư đáp: - Gần thì ngàn muôn dặm, xa thì chẳng cách mảy tơ.
Tăng hỏi: - Bỗng bị học nhân cắt đứt hai đầu, về nhà ngồi yên lại là sao?
Sư hỏi: - Ông ở chỗ nào?
Tăng thưa: - Một thân tự do trong đại thiên sa giới.
Sư bảo: - Chưa đến nhà, nói lại.
Tăng thưa: - Học nhân đến trong đây liền được đông tây chẳng biện, nam bắc chẳng phân.
Sư bảo: - Chưa là phần ngoại.
*
Sư thượng đường: Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch, hoa đào hồng hoa lý bạch, ai bảo chung chung chỉ một sắc, chim yến kêu hoàng oanh hót, ai bảo đồng đồng chỉ một tiếng. Chẳng thấu được then chốt cửa Tổ sư, nhận suông núi sông làm tròng mắt.
Sư thượng đường: Nhật nhật nhật tây chìm, nhật nhật nhật đông lên, nếu muốn học Bồ-đề. Sư ném cây gậy nói: - Chỉ xem khuôn mẫu này.
Tuần giáp năm Thiền sư Pháp Diễn, Sư thượng đường: Năm trước cũng ngày này, lò hồng mảnh tuyết bay, ngày nay cũng năm trước, bọn gái đọc bia đêm. Một câu ở rốt sau, mắt Phật cũng khó thấy, sen trắng trên đảnh núi, trời đỏ nhiễu Tu-di, chim mổ cây san hô, cá kình nuốt trâu nước, Thái Bình gia nghiệp ấy, ngàn xưa noi Dương Kỳ.
Sư thượng đường cầm ngang cây gậy nói: - Trước chiếu sau dụng. Dựng đứng cây gậy nói: - Trước dụng sau chiếu. Xoay tròn cây gậy nói: - Chiếu dụng đồng thời. Đưa lên một cái nói: - Chiếu dụng bất đồng thời. Cả thảy các ông bị một cái miệng cây gậy nuốt hết rồi, chính là các ông không biết. Nếu nhằm trong ấy nói được một câu chuyển thân, khỏi thấy một trường hơi ngạt. Nếu chưa như thế, Lão tăng ngày nay thất lợi.
Sư thượng đường: Quạ vàng gấp thỏ ngọc chóng, sáng trôi gấp gấp mười tháng bảy. Du Tử không cùng chẳng về nhà, dù về chỉ ở trước cửa đứng. Trước cửa đứng, nắm tay lôi gã chẳng chịu vào, muôn dặm xem xem tất cỏ không, hoa rơi đầy đất không người lượm. Không người lượm một lần mưa qua một lần ướt.
Sư thượng đường: Thế Tôn có mật ngữ Ca-diếp chẳng che giấu. Sư bảo: - Ngươi bình thường nói vàng nói đen bình phẩm cổ kim, há chẳng phải mật ngữ. Ngươi bình thường bẻ quanh cúi ngước lấy muỗng cầm đũa chắp tay vái chào, là che giấu chẳng che giấu. Bỗng nhiên đầyđất đi cũng không thể biết. Cần hiểu chăng? Thế Tôn có mật ngữ, đông đến hàn thực trăm lẻ năm. Ca-diếp chẳng che giấu, nước rỉ chẳng thông đã bày tang vật. Thiền tăng lanh lợi nếu hiểu được, một lớp trên tuyết một lớp sương.
*
Sư thượng đường: Việc ngày mười lăm về trước trên gấm thêu hoa, việc ngày mười lăm về sau như biển nổi hòn bọt, chính ngày mười lăm giống hệt chiếc gương một thước soi hình tượng ngàn dặm. Tuy là chân không bặt dấu, ngại gì hải ấn phát quang, mặc tình cột cái nở hoa, nói gì mặt Phật trăm xấu. Cớ sao? Đến nơi trăng đêm sương, dần dà rơi suối trước.
Sư thượng đường nhắc lại Tăng hỏi Triệu Châu: - Thế nào là nghĩa chẳng đổi? Triệu Châu lấy tay làm thế nước chảy. Vị Tăng có tỉnh. Lại vị Tăng hỏi Pháp Nhãn: - “Chẳng thủ nơi tướng như như bất động”, thế nào chẳng thủ nơi tướng thấy được như như bất động? Pháp Nhãn nói: - Trời mọc phương Đông tối lặn Tây. Tăng ấy có tỉnh. Nếu nơi đây thấy được, mới biết nói: “Xoay non ngã núi xưa nay thường lặng, sông rạch đua tràn vốn tự chẳng chảy.” Nếu chưa như thế, chẳng khỏi lại vì buông lời, trời xoay trái, đất xoay mặt, xưa qua nay lại trải bao phen, gà vàng bay thỏ ngọc chạy, vừa mới ra cửa biển, lại rơi sau núi xanh, sông rạch sóng ào ào, Hoài, Tế lượng ầm ầm, thẳng vào sông cái ngày đêm chảy. Sư liền lớn tiếng nói: Chư Thiền đức! Lại thấy như như bất động chăng?
*
Trong thất Sư dùng gỗ làm sáu cái đầu tử mỗi mặt đều khắc chữ công. Tăng vừa vào, Sư liền ném nói: - Hội chăng? Tăng nghĩ hay chẳng nghĩ. Sư liền đánh đuổi ra.
*
Ngày mùng tám tháng chín, Sư thượng đường: Tâm ấn Tổ sư dáng giống máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, dù cho chẳng đi chẳng đứng cũng chưa phải là chỗ hành lý của Thiền tăng. Làm sao phải chỗ hành lý của Thiền tăng? Đợi tháng mười trước sau vì các ông chú phá.
*
Đến ngày mùng tám tháng mười, Sư tắm gội đắp y ngồi ngay thẳng, tay cầm bút viết một số thơ từ biệt bạn cũ, dừng bút Sư tịch.