headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 28/12/2024 - Ngày 28 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thiền sư TỲ-NI-ĐA-LƯU-CHI

(VINITARUCI) (? - 594)

(Tổ khai sáng dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi ở Việt Nam)

Sư là người Nam Thiên Trúc (Nam Ấn Độ) dòng Bà-la-môn tên Vinitaruci. Thuở nhỏ đã có chí khác thường, đi khắp miền Tây Trúc (Tây Ấn Độ) để tham khảo Thiền Tông. Nhưng vì cơ duyên chưa gặp, Sư lại sang Đông Nam.

Sư sang Trung Quốc nhằm đời Trần Tuyên Đế niên hiệu Thái Kiến năm thứ sáu (574) vào đến Trường An. Gặp thời Chu Vũ Đế phá diệt Phật pháp, Sư lại phải sang qua đất Nghiệp (Hồ Nam). Lúc ấy, Tổ Tăng Xán đang mang y bát ở ẩn trong núi Tư Không, bỗng nhiên Sư tìm gặp được Tổ. Thấy cử chỉ phi phàm của Tổ, Sư phát tâm kính mộ, đến trước vòng tay ba lần, Tổ vẫn ngồi im nhắm mắt không nói. Sư đứng suy nghĩ giây lát bỗng nhiên tâm có sở đắc. Sư liền sụp xuống lạy ba lạy, Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái. Sư lùi lại ba bước thưa:

- Đệ tử lâu nay không được an, Hòa thượng vì lòng đại từ bi, xin cho con theo hầu hạ Ngài.

Tổ bảo:

- Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu.

Sau khi được tâm ấn nơi Tổ, Sư từ biệt sang Quảng Châu trụ trì tại chùa Chế Chỉ. Thời gian sáu năm ở đây, Sư dịch xong bộ kinh “Tượng Đầu Tinh Xá” chữ Phạn ra chữ Hán.(Phật thuyết Tượng Đầu Tinh Xá Kinh, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng số 466)

Đến niên hiệu Đại Tường năm thứ hai nhà Chu (580), Sư sang Việt Nam trụ trì tại chùa Pháp Vân. (Chùa Pháp Vân cũng gọi là chùa Dâu tên chữ là chùa Diên Ứng ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, hiện nay cách Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông. Chùa này thời Lý gọi là chùa Cổ Châu (làng Cổ Châu, huyện Siêu Loại); đời Trần gọi là chùa Thiền Định hay chùa Siêu Loại; đời Hậu Lê gọi là chùa Diên Ứng.) Nơi đây, Sư dịch xong bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì. (Phật thuyết Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì Kinh, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng số 275.)

Một hôm, Sư gọi đệ tử nhập thất là Pháp Hiền bảo:

- Tâm ấn của chư Phật, không có lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không đi không lại, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn; vốn không có chỗ sanh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi. Bởi thế, chư Phật trong ba đời cũng như thế, nhiều đời Tổ sư cũng do như thế mà được, ta cũng do như thế được, ngươi cũng do như thế được, cho đến hữu tình vô tình cũng do như thế được. Tổ Tăng Xán khi ấn chứng tâm này cho ta, bảo ta mau về phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu. Đã trải qua nhiều nơi, nay đến đây gặp được ngươi quả là phù hợp với lời huyền ký. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến.

Nói xong, Sư chấp tay thị tịch. Pháp Hiền làm lễ hỏa táng, lượm xá-lợi năm sắc, xây tháp cúng dường. Năm ấy nhằm niên hiệu Khai Hoàng thứ mười bốn nhà Tùy (594).

Về sau, vua Lý Thái Tông (1028-1054) có làm bài kệ truy tán phong tặng Sư:

          Mở lối nước Nam đến

          Nghe Ngài giỏi tập thiền.

          Hiện bày các Phật tánh

          Xa hiệp một nguồn tâm.

          Trăng Lăng-già sáng rỡ

          Hoa Bát-nhã ngạt ngào.

          Bao giờ được gặp mặt

          Cùng nhau bàn đạo huyền.

           Sáng tự Nam lai quốc      

          Văn quân cửu tập thiền     

          Ứng khai chư Phật tính      

          Viễn hợp nhất tâm nguyên 

          Hạo hạo Lăng-già nguyệt   

          Phân phân Bát-nhã liên.     

          Hà thời hạnh tương kiến    

          Tương dữ thoại trùng huyền.

[ Quay lại ]