headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền Sư ĐỨC MINH

Sư người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, họ Nguyễn, tên Bình An, đạo hiệu là Đức Minh. Cha tên Hương, mẹ là Trần Thị Hoa. Một hôm, mẹ mộng thấy Phật giáng hạ, rồi có mang sinh ra Sư. Năm lên sáu tuổi, cha mẹ mất cả, phải ở nhà bà cô. Cô vốn nhà làm ruộng, bắt Sư chăn trâu. Sư vẫn còn nhỏ, nhưng rất mộ đạo Phật, ở túp nhà tranh bên đường, bày bàn thờ Phật bên tả, thường lấy cơm làm oản cúng.

Việc chăn trâu Sư thường giao cho bọn trẻ khác. Gặp lúc trời đại hạn, ao đầm khô cạn, Sư thương loài tôm cá bị chết khô, liền cùng bọn mục đồng ra các ao đầm vớt lấy, đem thả vào sông Vĩnh Hựu. Bà cô thấy thế giận lắm, trách mắng Sư cay đắng. Sư cố nhẫn nhục ở, đến năm lên chín tuổi liền xuất gia, tu tại chùa Đại Bi trong làng. Người làng đều khen Sư là người có giới hạnh.

Năm 15 tuổi, Sư đi vân du khắp nơi, đến xã Tiên Lữ, huyện An Sơn, lên núi ngắm cảnh rất thích thú. Núi này có chùa một gian hai chái, một vị Trưởng lão tu tại đây. Sư yết kiến Trưởng lão xin theo tu hành. Trưởng lão giảng dạy kinh kệ, Sư học tinh tấn, không bao lâu hiểu thông mọi pháp linh thông. Ở chùa Tiên Lữ mười năm, Sư nổi tiếng “đắc đạo”. Vua Trần nghe tiếng sắc phong là Hòa thượng, cho hiệu là Đức Minh, rồi mời về ở chùa Trường An.

Sau khi tin Trưởng lão tịch, Sư về thờ phụng ba năm. Sư về làng thăm, bà cô giao trả lại những ruộng của cha Sư để lại trước. Sư cố từ chối không nhận, trở về chùa núi Tiên Lữ ở tu. Sư xây dựng lại ngôi chùa mới. Thợ làm hơn trăm người, Sư chỉ để một nồi cơm nhỏ và một ít muối trên bàn, một lát biến thành cỗ chay la liệt, mọi người ăn mãi không hết. Lúc chùa đang xây dựng, Sư đi guốc gỗ qua lại trên cây kèo xem thợ làm, đi lại bình thường như đi trên đất. Thợ thầy trông thấy đều bái phục thần thông của Sư.

Sư tuổi đã 95, một hôm vào ngồi trong am gỗ, gọi chư tăng đến bảo: “Nay ta đã hết trần duyên sẽ tịch. Các ông đóng cửa am lại, sau ba tháng mở ra, nếu thấy mùi thơm thì để thờ, nếu thấy hôi thối thì đem táng ở ngoài đồng.” Nói xong, Sư liền ngồi yên thị tịch. Sau một trăm ngày, chư tăng mở cửa am, nghe mùi hương thơm phức, mọi người liền làm lễ phụng thờ, nhân dân khắp miền chung quanh đều sùng bái. Xã Bối Khê cũng lập đền thờ phụng, hàng năm cứ ngày 12 tháng giêng tại các nơi thờ Sư đều có hội tế lễ, người đến xem hội rất đông. Người đời gọi Sư là Thánh Bối.

Sau vua Trần Hậu Đế [Trần Hậu Đế: Giản Định Vương Trần Ngỗi (1407-1409), Trần Quí Khoáng (1409-1413).] tuổi cao chưa có con trai, lên chùa Tiên Lữ cầu đảo, sinh được Hoàng tử, liền tặng phong Sư là “Đại Thánh Khai Sơn Nghĩa Tồn Bình Đẳng Hành Thiện Đại Bồ-tát”, và xuống chiếu cho địa phương phải phụng thờ nghiêm khẩn [Phỏng theo tập “Quảng Nghiêm Tự Thánh Tổ Di Tích”.]

Đến nay chưa biết Sư tu theo tông phái nào của đạo Phật. Song chúng tôi đọc thấy một đoạn trong “Thỉnh Thánh Tổ Khoa” ở chùa Quảng Nghiêm thế này:

“Nhất tâm phụng thỉnh, thiền lưu diễn phái, Phật Tổ truyền đăng, đương giác hải chi ba lan, diệu mê đồ chi nhật nguyệt. Thần thông nhập thánh, tâm tức Phật, Phật tức tâm; phản chiếu hồi quang, sắc thị không, không thị sắc. Tịch diệt thường tồn chân tánh, lạc phong trần bất động thủy ba thanh. Hộ giáng kiết tường, bảo an nhân vật.

Cung duy, Nam Việt Khai Tiên Lữ Sơn Nghĩa Tồn Bình Đẳng Hành Thiện Bồ-tát.”

Dịch: Một lòng phụng thỉnh, dòng thiền tràn ngập, Phật Tổ trao đèn; dậy sóng mòi nơi biển giác, soi nhật nguyệt nơi đường mê; thần thông nhập thánh, tâm là Phật, Phật là tâm; hồi quang phản chiếu, sắc là không, không là sắc; chân tánh tịch diệt thường còn, ưa phong trần chẳng động sóng nước trong; hộ xuống điềm lành, bảo an nhân vật.

Cúi mong, Nam Việt Khai Tiên Lữ Sơn Nghĩa Tồn Bình Đẳng Hành Thiện Bồ-tát.

[ Quay lại ]