headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hòa Thượng CHUYẾT CÔNG

(1590 - 1644)-(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Sư quê ở Tiệm Sơn tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa. Mẹ Sư nằm mộng thấy từ rốn mọc lên một hoa sen, rồi có thai Sư. Sư ở trong thai mẹ đến ba năm mới sanh. Thuở bé, Sư thông minh dĩnh ngộ, học thông cả ngũ kinh tứ thơ. Kế đi xuất gia lão thông tam tạng giáo điển.

Ban đầu Sư đến tham vấn với Trưởng Lão ở Tiệm Sơn. Trưởng Lão hỏi:

- Ngươi tạo sự nghiệp gì ?

Sư thưa:- Giúp vua cứu dân.

Trưởng Lão khen:

- Lành thay ! Đây là chí xung thiên, song chẳng qua còn tham danh lợi. Lão sẽ cố gắng xem.

Sư do luận về công danh được tỉnh ngộ.

Sau Sư đến yết kiến Hòa thượng Tăng Đà Đà ở Nam Sơn. Hòa thượng thấy Sư thông minh mẫn tiệp bèn hứa nhận. Ngài bảo chúng rằng: “Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏûi đầu sào trăm trượng.” Ngài bèn đem yếu chỉ tâm tông dạy cho Sư.

Sau khi Sư đắc pháp vân du khắp nước, giáo hóa mười phương. Học giả đương thời đều quí kính Sư. Danh tiếng của Sư vang khắp tùng lâm.

Sư sang Việt Nam đến kinh thành Thăng Long năm 1633, thầy trò ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Người đến học gồm cả Hoa và Việt. Sau thời gian, Sư dời về chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách kinh thành khoảng ba mươi cây số. Trong thời gian giáo hóa ở đây, Sư được chúa Trịnh Tráng rất quí mến, xem như bậc thầy. Vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu cũng đều rất kính trọng. Thời gian sau, vì chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên Sư sai đệ tử là Minh Hành trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Những kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích.

Sau khi Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc Diệu Viên hiệu Pháp Tánh và công chúa Trịnh Thị Ngọc Duyên Diệu Tuệ xuất gia tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng bắt đầu cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc cũng gọi là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Khi việc trùng tu hoàn tất, Sư được mời về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch.

Ở Việt Nam, Sư giáo hóa được những đệ tử cốt cán như Thiền sư Minh Lương (người Việt), Minh Hành (người Hoa) v.v... xứng đáng hàng tiếp nối ngọn đèn chánh pháp.

Khi sắp tịch, Sư gọi chúng lại nói kệ dạy:

          Tre gầy thông vót nước rơi thơm

          Gió thoảng trăng non mát rờn rờn

          Nguyên Tây ai ở người nào biết?

          Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn.

          Sấu trúc trường tùng trích thúy hương

          Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương

          Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự

         Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương

[Bài kệ này có thấy trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn do Hương Hải Thiền Sư đọc dạy chúng. Hai bên chỉ khác nhau có ba chữ. Ở đây câu một chữ Thúy bên kia chữ Thủy, câu ba Nguyên Tây tự, Hư Thanh tự]

Nói kệ xong, Sư bảo đại chúng:

- Nếu ai động tâm khóc lóc không phải đệ tử của ta.

Sư ngồi yên thị tịch, mùi hương lạ đầy chùa cả tháng mới tan.

Sư tịch ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), thọ 55 tuổi. Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Đệ tử là Thiền sư Minh Hành lập tháp Báo Nghiêm để an trí nhục thân Sư. Trên đỉnh tháp có hình cây bút do Minh Hành dựng.

[ Quay lại ]