headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền Sư CHÂN NGUYÊN pháp danh TUỆ ĐĂNG

(1647 - 1726)-(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)

Sư họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang. Năm Đinh Hợi (1647), tháng 9 ngày 11 giờ ngọ, mẹ sinh ra Sư. Lớn lên theo học với cậu là ông Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò.” Sư liền phát nguyện đi tu.

Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú).

Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi:- Ngươi ở đâu đến đây ?

Sư thưa:- Vốn không đi lại.

Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho pháp danh là Tuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu-đà đi du phương để tham vấn Phật pháp . Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Chuyết Chuyết.

Sư hỏi:

- “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào” là sao ?

Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo:

-  Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.

Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệu là Chân Nguyên và bài kệ phó pháp:

          Ngọc quý ẩn trong đá

          Hoa sen mọc từ bùn

          Nên biết chỗ sinh tử

          Ngộ vốn thật Bồ-đề.

          (Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

          Liên hoa xuất ứ nê

          Tu tri sinh tử xứ

          Ngộ thị tức Bồ-đề.)

Chính vì chỗ ngộ này, sau Sư soạn quyển “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” có cả thảy bảy lần nói về “Tứ mục tương cố” (bốn mắt nhìn nhau). Những đoạn như sau:

Đoạn I:

             Tứ mục tương cố nhãn đồng

             Thầy tớ trao lòng, đăng chúc giao huy,

             Bổng đầu cử nhãn ấn tri

             Cơ quan thấu được thực thì tri âm.

Đoạn II:

             Tam thế chư Phật Tổ sư

             Tứ mục tương cố thị cừ thiền cơ.

Đoạn III:

             Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm

             Tứ mục tương cố chẳng tâm thời gì ?

             Tâm nguyên không tịch vô vi

             Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai.

Đoạn IV:

            Bát tự đả khai bằng nay

            Tứ mục tương cố lộ bày viên dung

            Ấy là mật ấn tâm tông

            Tổ đã truyền lòng chớ có hồ nghi.

Đoạn V:

            Tam thế chư Phật Như Lai

            Tứ mục tương cố muôn đời chứng thân.

Đoạn VI:

             Bảo thực cứu cánh cho hay

             Tứ mục tương cố thực rày ấn tâm.

Đoạn VII:

             Hóa Phật thọ ký vô biên

             Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông.

Trong bài “Ngộ Đạo Nhân Duyên” có đoạn Sư viết:

          Một ngọn đèn tâm mắt Phật sinh,

          Truyền nhau “bốn mắt ngó” phân minh.

          Ngọn đèn mãi nối sáng vô tận,

          Trao gởi thiền lâm dạy hữu tình.

          (Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh,

          Tương truyền tứ mục cố phân minh.

          Liên phương tục diệm quang vô tận,

          Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình.)

Sau khi được tâm ấn rồi, Sư thọ giới Tỳ-kheo. Một năm sau, Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích-ca, Di-đà, Di-lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ-tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ-tát. Về sau, Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm Trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.

Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc.

Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dàng áo ca-sa cùng những pháp khí để thừa tự.

Năm 1722, lúc 76 tuổi, Sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng.

Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp, kệ rằng:

          Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,

          Đây là tự tánh mặc phô bày.

          Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,

          Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.

          (Hiển hách phân minh thập nhị thì,

          Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

          Lục căn vận dụng chân thường kiến,

          Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.)

Nói kệ xong, Sư bảo chúng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật.” Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá-lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, tháp hiệu Tịch Quang. Sư là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm.

Tác phẩm của Sư có:

          1/ Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới

          2/ Nghênh Sư Duyệt Định Khoa

          3/ Long Thư Tịnh Độ Văn

          4/ Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt Hậu Tự

          5/ Tịnh Độ Yếu Nghĩa

          6/ Ngộ Đạo Nhân Duyên

          7/ Thiền Tông Bản Hạnh

          8/ Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh

          9/ Thiền Tịch Phú

          10/ Đạt Na Thái Tử Hạnh

          11/ Hồng Mông Hạnh

          12/ Kiến tánh thành Phật.

 Phụ bản: THIỀN TỊCH PHÚ

                Vui thay tu đạo Thích !

                Vui thay tu đạo Thích !

                Lọ phải thành đô,

                Nào nề tuyền thạch.

                Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,

                Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích,

               Đâu cũng dòng phước đức trang nghiêm.

               Đây cũng vốn tu công thiền tịch.

               Trước án tiền, đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não, xa cừ;

                Trên thượng điện, thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san-hô, hổ phách.

                Thần Bát bộ Kim Cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;

                Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.

                Tả A-nan đại sĩ vận sa hoa sặc sỡ vân vi;

                Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.

                Am thờ Tổ, ngói rập gỗ dăm,

                Nhà trú tăng, vách vôi tường gạch.

                Mấy bức kẻ chữ triện mặc rời,

                Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.

                Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm Nam-mô,nhẹ tiếng boong boong.

                Lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khu tang cách cách.

                Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phất phới nhởn nhơ;

                Dù bóng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhu thì thích.

                Sư quân tử cấy trúc ngô đồng,

                Đệ trượng phu trồng thông tùng bách.

                Trăm thức hoa đua nở kề hiên,

                Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.

                Ngào ngạt mùi xạ lan,

                Thơm tho hương trầm bạch.

                              ***

                Sãi chưng nay

                Mộ đạo tu hành

                Xả đường kinh lịch.

                Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,

                Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch.

                Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh;

                Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch.

                Chỉn chuộng một bề đạo đức,

                Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;

                Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.

                Khi dưa giấm chua lòm,

                Bữa canh suông lạt thếch.

                Mũ viền sô nhuộm mực đen sì.

                Quần áo vải nâu sòng cũ rích.

                Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa;

                Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch.

                Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;

                Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.

                Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu cong queo;

                Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch.

                Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;

                Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản dá ken thưa thếch.

                Chơi rừng Nho len lỏi suối khe,

                Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch.

                Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm;

                Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.

                Quả bồ-đề ăn ngọt sớt, muôn kiếp hằng no;

                Hoa Ưu-bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch.

                Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,

               Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch.

                Bè từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;

                Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách.

                Sãi chưng nay

                Khuyên đấng đại thừa,

                Bảo loài tiểu chích.

                May gặp được minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;

                Phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.

                Thích-ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết Sơn, khô khẳng gầy gò;

                Di-lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch.

                Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường,

                Tổ Đạt-ma cửu niên diện bích,

                Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê, mặt ngó đăm đăm;

                Ca-diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ, miệng cười hệch hệch.

                Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa;

                Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch.

                Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước không, sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc  khuâng khuâng;

                Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ, quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích.

[ Quay lại ]