headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hòa Thượng  THẠCH LIÊM

(Đời pháp thứ 29, tông Tào Động)

Sư hiệu là Đại Xán, Hán ông, quê ở tỉnh Giang Tây, Trung Hoa, có tài, học vấn uyên bác, các thứ thiên văn địa dư, toán số, cho đến viết, vẽ đều rất tinh xảo, lại sở trường về thơ phú. Cuối đời nhà Minh, nhà Mãn Thanh làm chủ Trung Quốc, Sư không chịu ra làm quan, từ biệt mẹ già, cắt tóc đi tu, rồi vân du khắp nơi. Sư là môn đồ Thiền sư Giác Lãng tông Tào Động ở Trung Hoa.

Hòa thượng Nguyên Thiều được lệnh chúa Nguyễn về Quảng Đông thỉnh các bậc cao tăng, nghe danh tiếng Sư nên đến am Trường Thọ thỉnh Sư. Sư khởi hành sang Việt Nam ngày 15 tháng giêng năm Ất Hợi, niên hiệu Khang Hy thứ ba mươi tư (1695). Đến ngày 28 tháng giêng, Sư đến Thuận Hóa và ngày mùng 1 tháng 2 ra mắt chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn mời Sư ở chùa Thiên Mụ để dạy đệ tử và thường vời vào cung thưa hỏi đạo lý. Ngoài ra những thân hào nhân sĩ trong nước, hoặc trực tiếp hỏi đạo lý, hoặc gián tiếp đưa thơ hỏi đạo và văn chương khá nhiều.

Dưới đây là trích ít lá thơ Sư đáp người hỏi đạo.

Đăng Long Hầu cho người cầm thơ đến hỏi: “Thiền đạo là giống gì ? Giác ngộ là lý làm sao ?” Sư bèn biên thơ phúc đáp.

Bức thư:

Lai thư dạy rằng : “Thiền đạo ta vốn rất ưa chuộng nhưng chưa biết đạo là việc gì ? Thiền là giống gì, ngộ là lý làm sao ? Trước đây nghe nói đến cứu cánh, lòng rất lưu luyến, nhưng mỗi khi nghe nói đến chữ “Phật” trong lòng liền chẳng ưa, không hiểu vì sao ? Xin nhờ Lão Hòa Thượng cao minh, bảo rõ cho biết.”

Lão tăng đọc xong thư, buột miệng than rằng: “Hay lắm thay ! Nếu chẳng phải người có tâm Phật rõ rệt, ắt chẳng hỏi được như thế.” Nhưng chưa biết chữ “Phật” mà cư sĩ chẳng ưa ấy là Phật nào ? Lấy chữ tăng mà nói, vốn có người đáng ngờ đáng ghét, kẻ lão hủ này xin biểu đồng tình với Ngài mà chẳng ưa vậy. Phật là bản tâm đồng có ưa có ghét của chúng ta, tức là tấm lòng “nghe cứu cánh mà lưu luyến” của Ngài nói trong thơ vậy. Há lại tự mình chẳng ưa tự mình hay sao ? Vả lại học đạo vốn cầu vô sự, Ngài chẳng nghe nói: “Cần ở trên chỗ hữu sự đạt đến vô sự” hay sao ? Tham thiền vốn chẳng nương tựa vào một vật nào. Ngài chẳng nghe nói: “Bản lai không có một vật nào” hay  sao ?

Nếu lấy sự vật cầu thiền đạo, tức chẳng phải thiền đạo vậy. Ví phỏng bảo, người sinh ở đời có công danh phú quí, có vợ chồng con cái, được thì mừng, mất thì lo, chết đi sống lại, đều là “sự” cả, sao bảo là vô sự ? Trong đời đất núi cũng là vật, biển cũng là vật, mặt trăng, mặt trời, các vì tinh tú đều là vật, lục phàm tứ thánh cũng đều là vật, một ngàn bảy trăm nguyên tắc công án, cái gì  lại chẳng phải là vật... Người tham thiền phải tiêu qui từng sự từng vật, bảo chẳng nương cứ vào sự vật được sao. Nên biết rằng thiền đạo quí tự mình tham cầu, tự mình giác ngộ, chẳng phải do ở người khác, do ở sự vật vậy.

Chẳng thấy Bàng Công hỏi Mã Đại Sư rằng: “Cái người chẳng làm bạn cùng vạn pháp ấy, là người thế nào ?” Đại Sư nói rằng : “Bao giờ ngươi uống một hơi hết cả nước sông Tây Giang, ta sẽ nói với ngươi.” Lời nói ấy, có phải là câu trả lời chăng ? Hay tỏ ra một cơ vi mầu nhiệm gì khác chăng? Hay chỉ thẳng cái người chẳng cùng vạn pháp làm bạn chăng ? Hay có cái bí mật chẳng truyền, ngụ ở trong ấy chăng ? Thử đem ra suy gẫm từng lẽ, tìm cho đến cứu cánh; chẳng khá xuyên tạc một cách cưỡng ép, đem ý thức riêng mà giải nghĩa quấy quá, lại chẳng nên nhất thiết bỏ qua; nên làm sao trong bận rộn cũng cứu cánh như thế, nhàn hạ cũng cứu cánh như thế, dầu gặp cảnh nghịch bế tắc chẳng thông cũng cứu cánh như thế; mặc kệ chỗ sống gần chín, chỗ chín gần sống, lại chớ bàn đến “con người đi đến cứu cánh và câu chuyện cứu cánh” ấy là một là hai, là có là không, là phàm là thánh, là lý là tình, là đời là phép Phật; dụng tâm đến đó, rồi bỗng nhiên trong trí mở mang rộng rãi, đại giác ngộ và cười xòa lên.

Đến như nói một chữ “ngộ” (biết giác ngộ). Ví dụ: “Như người kia có việc sanh tử tương quan với người khác, hẹn nhau đến một chỗ nào đó, thương lượng, mới có thể ổn thỏa được. Đương lúc mờ mờ sáng, ngủ dậy rửa mặt chải đầu, lấy bít tất mang vào, trong lúc bối rối cấp bách, mang bít tất vào một chân rồi, còn một chiếc nữa chưa thấy; bèn tìm khắp trong tủ trong rương, lục soát hết các gian buồng, dưới giường trên vách, không chỗ nào không tìm, tìm đâu cũng chẳng thấy; tức quá, ngồi lại suy nghĩ. Nghĩ mãi nghĩ hoài, moi óc nghĩ đến chỗ sâu sắc, vẫn nghĩ chẳng ra, bỗng cúi đầu ngó xuống, thấy hai chiếc tất mang vào một chân! Bèn lột ra, mang qua chân khác và vô cùng khoan khoái. Mới biết chiếc tất ngay ở chân mình, biết (ngộ) thì dễ dàng như thế.

Cho nên người ta bảo rằng: “Giày sắt bước mòn tìm chẳng thấy, tìm ra chẳng phí chút công phu.” Tuy căn tánh có kẻ bén người lụt, giác ngộ có kẻ sớm người chầy, nhưng phải cẩn thận. Giữ lòng mình chớ cho sai lệch, chớ mới hơi thấy biết chút đỉnh, đã cho đúng phải mười phần; rồi chạy theo lầm lối sai đường, ba lầm bảy lạc; thà như cư sĩ đến nay chưa hiểu biết chi, còn hơn cái quang cảnh “thừa ba thẹo bốn” vậy. Nếu cầu đến cứu cánh, thì phải cứu cánh cho đến đầu đến đuôi, hầu khỏi lầm đường lạc lối. Ví bằng chẳng xua đuổi ngày thường nghe thấy, nửa phải nửa chẳng, để gia tâm tham cứu một cái chỗ đại định, thì chỉ thành một tấm gương lờ mờ, mà tự mình cho là sáng lắm, có thể thấy được nước ao trong trẻo, không sóng không mòi, trăng sáng giữa trời, không mây không bụi. E trong kinh tạng đức Như Lai của ta không có cái pháp như thế.

 Nếu chẳng trừ bỏ hết cái tập khí trước kia, cho rằng “đã thấy được thông suốt không còn gì chẳng phải”, thì cho người thực đến địa bộ ấy, cũng chỉ như ao nước tù, chẳng có rồng ở, tức còn mơ màng trong sanh tử luân hồi vậy. Cái bệnh tối kỵ của kẻ tham thiền học đạo, ở cả trong chữ “minh” (sáng), nằm che trước mắt rồi, lầm nhận “bệnh” làm “thuốc” vậy. Nếu lấy việc bổn phận làm việc cần kíp, mặc kệ thiền đạo sự lý, lòng lưu luyến,  ưa với chẳng ưa; chỉ chuyển mình một cái thì thiền đạo sự lý, lòng lưu luyến, ưa ghét, tự nhiên trên mắt quét sạch một từng mây, chẳng bị sáng mờ chướng ngại. Chẳng thế thì một chữ “Phật”, ta cũng chẳng ưa nghe. Vân Môn nói được, Cư sĩ nói chẳng được, phải chờ đến khi thấy rõ một chân mang hai chiếc bít tất, lột ra mang lại, tự do thẳng bước tiến lên mới tin lời của Lão Tăng nói chẳng sai vậy. Chẳng thế cũng ví như ngồi ở bên giỏ cơm mà cứ kêu đói bụng vậy. Xin chớ chấp mấy lời đường đột. Thong thả sẽ còn thư sau tiếp theo.

(Trích Hải Ngoại Kỷ Sự trang 207-209 do Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam Viện đại học Huế)

*

*  *

Lại một bức thơ, Sư gởi cho Cư sĩ Nhiếp Chi Hoàng, viết trong cơn mưa lạnh, và bảo các học trò:

Sách vốn chẳng khá chẳng học, đạo càng chẳng khá chẳng sáng; người sáng đạo tuy chẳng tập văn tự nhưng vẫn thường thông thái; nếu chẳng sáng đạo tuy chuyên công học tập văn tự, vẫn hay lý luận cưỡng hợp mà thôi.

Tuy câu nói nghe hay ho, nhưng nghĩa không thấu đáo, điều ấy đã từng xảy ra. Xưa Tử Chiêm học sĩ (Tô Đông Pha) làm văn, hạ bút nên lời, chữ tuôn ra thao thao theo ý nghĩ, như gió bay, như nước chảy, phô diễn một cách tự nhiên. Nhưng đến lúc theo ý riêng thuyết thiền, ông có viết một bài bạt sau bộ Kim Kinh (Kinh Kim Cang), chẳng hiểu rằng kinh ấy, chẳng phải có thể thấy bằng sắc, nghe bằng lời, lại phán đoán rằng: “Chỉ được nửa bộ”, thế là chỗ cưỡng hợp của ông vậy. Đã tự biết rằng: Ngũ tổ Giới tái lai, sao lại quên hẳn bổn phận, trở lại hỏi Tham Liễu [Tống Tăng Đạo Tiềm hiệu Tham Liễu Tử, tu ở chùa Trí Quả ở Hàng Châu. Lúc Tô Thức ở Hàng Châu, chiêm bao thấy cùng Tham Liễu Tử làm thơ] “Thác sắc núi, tiếng khe mới xưng ngộ đạo”? Ấy là chỗ cưỡng hợp của ông vậy. Trong bài “Kim Sơn Thù Tứ Đại Ngũ Uẩn”, ông muốn đem đai ngọc trấn sơn môn,  nhưng luôn luôn dây xỏ mũi bị nắm trong tay người khác, chỉ vì từ trước ông chỉ dùng ý thức thông minh ức đạt nghĩa lý, chưa từng dùng đạo để đánh tan sự chướng ngại của cách ấm, cho nên hoảng hốt chẳng thấy rõ đoan đích vậy.

Thần Tú Đại Sư ở trong Hoàng Mai Hội, làm thủ lãnh tám trăm long tượng, nghe rộng nhớ nhiều, ai chẳng suy tôn Ngài là ngôi thứ nhất. Ngài làm câu kệ rằng: “Thân tợ bồ-đề thụ” (mình tợ cây bồ-đề). Bồ-đề theo tiếng Phạn là chánh tri, cũng gọi là chánh kiến, hư linh không thể chất, chỉ có tính viên minh, hoặc lấy bồ-đề chỉ cho mặt trăng, chớ cùng với “thân” có giống gì đâu, huống chi lìa bỏ chánh tri chánh kiến mà nói bồ-đề, thì bồ-đề há có mắt tai mũi lưỡi, xương máu tay chân, mà ví với thân người được sao. Ấy là Đại Sư nói cưỡng hợp vậy. Lại nói rằng: “Tâm như minh cảnh đài” (lòng như đài gương sáng), chẳng kể sự lý hư thực dưới chữ “minh cảnh” hạ một chữ “đài” làm vận chân, để chữ “cảnh” hư, chữ “đài” thực, rồi câu kế nói: “Thời thời cần phất thức” (buổi buổi siêng lau chùi) ấy là lau chùi cái đài, chớ không phải lau chùi cái gương; tức bảo rằng: “tâm” như mặt gương, thế là đã chẳng phải “tâm” rồi, huống là bảo như cái “đài” của mặt gương, thì với “tâm”, lại có giống nhau chút nào. Tây Thiên hai mươi tám Tổ, Đông Độ sáu Tổ, đều lấy tâm truyền tâm, chẳng phải lấy gương truyền gương hay lấy đài truyền đài bao giờ, ấy là cưỡng hợp vậy. Nay trong bài kệ, hai câu đầu lấy “thân” và “tâm” song khởi, mà câu kết nói “vật sử nhá trần ai” (chớ khiến dính bụi dơ), chỉ kết câu “minh cảnh”, không hề nói đến “bồ-đề”; thế là chỉ luống chuyên công văn tự, mà nghĩa lý không được thấu đáo, tức là phụ hội khiên hợp vậy.

Than ôi, trong một bài kệ, chưa bàn đến chỗ luận đạo phải hay trái, chỉ trong chỗ dùng tự đặt câu đã có đến 3 lỗi. Bởi thế Lô Hành Giả (Tổ Huệ Năng) nói lại rằng: “Bồ-đề bản vô thụ, minh cảnh diệc phi đài” (Bồ-đề vốn không cây, gương sáng chẳng phải đài), dùng bốn chữ “bản vô, diệc phi”, như một tiếng sét vang dội trong đám mây mù, chớp sáng lòe ra tỏ rõ chẳng phải “đài” cũng chẳng phải “cây”, chẳng chờ phân biệt mà ai cũng thấy rõ ra như vậy. Nhưng lại sợ người ta bỏ “đài” bỏ “cây” mà lại nhận cho “bồ-đề” và “minh cảnh” nhất luật đánh tan luôn, khiến người ta không còn chỗ nào bám víu để làm chân đứng; bảo là “bản lai vô nhất vật”, chẳng phải minh cảnh bồ-đề; huống “minh cảnh đài, bồ-đề thụ”, hiện có đến ba bốn vật, thì bảo “bản lai vô nhất vật” sao được.

Ý Lô Tổ muốn vì người tìm chỗ cứu cánh vậy. Toàn hay ở chỗ hỏi tiếp theo hai chữ “hà xứ”, muốn người ta tự hiểu biết “hà xứ nhá trần ai”, mới biết rõ “bản lai vô nhất vật”; bản lai đầy đủ, bản lai thanh tịnh, cần gì phải lau chùi phất thức; nếu cần lau chùi gương tức chẳng sáng; chờ lau chùi mới sáng, tức là nhìn bóng quên đầu. Nếu nói lau chùi minh cảnh mà quên bẵng bồ-đề, rốt cuộc minh cảnh với bồ-đề có quan hệ gì. Chỉ ở một câu hỏi ấy, nhắm ngay chữ “hà xứ”, chích một mũi kim, đoạt cảnh, đoạt người, đoạt pháp, buông bắt khéo léo, sinh sát tỏ tường. “Ta không có một pháp nào cho người chỉ biết bệnh mà thôi”, lời nói ấy há dối người hay sao? Chúng ta quí ở chỗ hỏi đạo cho sáng rõ, rõ đạo rồi quí ở chỗ thể niệm (hòa mình với đạo). Một phép đã thông, tất nhiên mọi phép đều thông vậy.

Chẳng tin, hãy nhìn xem Lô Hành Giả, con người chẳng từng đọc sách bao giờ ấy, hiểu biết văn tự một cách tinh vi như thế nào? Bởi thế, ta bảo người đời muốn cầu thông, không chi bằng rõ đạo. Đã rõ đạo mà còn biết đọc sách, thì há chẳng thông hơn vị Hành giả giã gạo trong bếp ấy mấy bực nữa hay sao. Gần đây, thường thấy những người tham thiền, đạo lại chẳng rõ, sách lại chẳng đọc, gượng muốn bàn thiền bàn đạo, làm kệ làm thơ, khác nào con ruồi nhúng chân vào nước biển, muốn vẫy lên làm móc làm mưa, phỏng có được hay chăng? Huống chi Cư sĩ là một người đọc sách thông thái, thường lấy tay sờ mó lò lửa chùa Trường Thọ, xem nóng hay nguội; chẳng chịu lấy văn tự thông minh tự cam lòng muốn hùa với Tử Chiêm cãi cho vừa ý, chẳng chịu  để cho đầu lưỡi các Hòa thượng già xưa nay áp đảo. Việc ấy hãy tạm ngừng. Hãy hỏi: “Đêm nay trước thềm từng giọt mưa” vì cớ gì chẳng rơi xuống nơi khác?

(Hải Ngoại Kỷ Sự trang 217-220 do Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam Viện đại học Huế)

*

*  *

Sư ở lại Việt Nam hai năm rồi trở lại Trung Quốc. Tông Tào Động do Sư truyền vào Việt Nam, về phái xuất gia không thấy nói đến người thừa kế, về phái tại gia thì thấy ghi chúa Nguyễn Phúc Châu tự nhận là đồ đệ nối dòng tông Tào Động thứ 30 (lời khắc trên chuông tại chùa Linh Mụ).

Về Trung Quốc không biết Sư tịch lúc nào không rõ.

[ Quay lại ]