headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

MỘT MÙA XUÂN HẠNH PHÚC

HT Thích Thanh Từ

 

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, cũng là ngày vía đức Phật Di-lặc. Chúng ta là hàng Phật tử xuất gia và tại gia không quên được ngày quan trọng này. Đứng về mặt dân tộc ngày lễ Nguyên Đán là ngày tối quan trọng của dân chúng. Đứng về Phật pháp, ngày vía đức Phật Di-lặc là ngày rất thiết yếu với người xuất gia. Bởi vì bao nhiêu người tu hành chúng ta đều có một nguyện vọng là tương lai phải đạt đến kết quả viên mãn giác ngộ.

Đó là quan niệm chung của toàn thể người xuất gia cũng như hy vọng của người tại gia. Ngày vía đức Phật Di-lặc đúng là ngày mùng một Tết, tức là ngày bước vào năm mới, ngày bắt đầu của năm sắp đến. Có thể nói thời gian tương lai thời gian hy vọng của tất cả chúng ta. Hy vọng chúng ta là hy vọng gì? Hy vọng chúng ta là hy vọng đạt đạo, kết quả viên mãn công phu tu hành của mình. Nên nhớ đến ngày vía đức Phật Di-lặc, tức là nhớ đến cái gì hứa hẹn, ở ngày mai của chúng ta. Ngày mai đối với chúng ta không phải là những ngày nguyện suông, những cầu mong hão huyền, mà chính là chúng ta phải làm thế nào cũng được thọ ký như đức Phật Di-lặc. Ngài sẽ giáng trần thành Phật trong hội Long Hoa. Cho nên, tới ngày đầu năm, ở chùa cũng như hàng Phật tử với nhau thường hay chúc Xuân bằng những lời chúc tụng: Chúc quí thầy quí cô được hưởng một mùa XUÂN DI-LẶC. Chúc hưởng một mùa Xuân Di-lặc là ý nghĩa gì? Hoặc giả, có những thiệp chúc Xuân ở nhà chùa chúc rằng: Chúc cho quí vị được hưởng một mùa “Xuân bất diệt” hoặc chúc cho quí vị hưởng được một mùa “Xuân miên viễn”. Lời chúc tụng đó là để nhắc nhở nhau trong đầu năm. Hôm nay, lời chúc tụng đó được giải thích từng phần để nói chuyện ngày đầu năm, cũng là ngày vía đức Phật Di-lặc.

Trước hết là chúc một mùa XUÂN DI-LẶC. Trong chùa này chúng ta không có thờ tượng Ngài. Trong các chùa xưa chắc rằng hầu hết tăng, ni cũng như Phật tử đều có thấy tượng Ngài. Tượng này có nhiều hình ảnh lắm, nhưng cái hình ảnh chúng ta dễ nhận nhất là cái miệng và gương mặt Ngài. Miệng Ngài cười, gương mặt Ngài vui vẻ. Lúc nào nhìn lên tượng Ngài cũng thấy cười. Có bao giờ thấy tượng Ngài buồn hay không? Đức Di-lặc là vui cười. Như vậy chúc một mùa Xuân Di-lặc là chúc một mùa Xuân vui cười, một mùa Xuân hạnh phúc. Mà hạnh phúc là gì? Là an vui. Mỗi gia đình hay một người nào, trọn ngày, trọn tháng, trọn năm đều được an vui, gọi đó là gia đình hạnh phúc. Bất an và không vui gọi đó là hạnh phúc được không?

Tôi nói mùa Xuân gần tức là mùa Xuân hạnh phúc. Như vậy ta chúc nhau được mùa Xuân hạnh phúc đó là nghĩa gần dễ thấy. Nhưng làm sao được hạnh phúc, tức là chúng ta phải được an vui. Mà làm sao được an? An và vui cái gì? An là tâm không lo không buồn không sợ hãi. Nếu chúng ta muốn được an, thì niệm vui buồn sợ hãi chúng ta phải dẹp qua một bên. Chúng ta không lo buồn sợ hãi thì tự nhiên tâm chúng ta an. Làm sao được vui? Sở dĩ chúng ta không vui là tại sao? Tại chúng ta giận hờn bực tức. Nếu trong gia đình có ai làm mình giận hờn bực tức thì mặt chúng ta vui hay quạu? Cho nên khi nào vui là không có giận, khi nào giận thì không có vui. Chúng ta sở dĩ không được an vui là vì trong lòng chúng ta lo sợ buồn rầu nên không an. Chúng ta bực tức giận hờn nên không vui. Chúng ta muốn được an vui chỉ có cách là không lo buồn tự nhiên tâm an. Không giận hờn bực tức thì tâm chúng ta vui. Muốn hưởng một mùa Xuân Di-lặc với tánh cách cạn gần là một mùa Xuân hạnh phúc thì, chúng ta gạt ra ngoài cái buồn hờn, giận tự nhiên chúng ta hưởng được một mùa Xuân Di-lặc. Nếu không thì, dù ngày nay là ngày mùng một cũng không thấy Xuân chút nào hết. Đã lỡ lo sợ thì làm sao cho hết đây? Bảo suông làm sao hết được. Đang giận hờn bực tức thì làm sao bảo đừng cho được? Đó là cái tu của mình? Nếu nói suông tức là không có tu.

Muốn hết lo rầu sợ hãi, trong nhà Phật có nói nhiều phương pháp. Ở đây chỉ nói phương pháp gần để cho quí vị ứng dụng. Khi mà quí vị lo buồn sợ hãi thì quí vị liền đặt câu hỏi: - Khi lo, lo cho cái gì? Rồi tự trả lời: Cái gì lo? - Cái lăng xăng. Cái đó nhìn lại coi nó là cái gì? Sẽ thấy nó mất tiêu, nó không có nữa. Như vậy cái lo là cái không thật. Lo cho cái gì, lo cho mình, lo cho gia đình mình, lo cho cái gì chung quanh mình. Mình là cái gì? Mình là cái thân tứ đại giả hợp v.v... Mình phân chia mình phân tích xét nét rồi, cái lo nó mất tiêu, vì nó không thật, thì còn cái gì nữa để mà lo. Cái buồn cái sợ hãi cũng vậy. Phần nhiều chúng ta gặp cảnh đâm ra sợ. Cứ tưởng tượng rồi sợ. Không tìm coi cái sợ là cái gì? Tại sao mình sợ?

Thí dụ: Khi gặp con rắn mình run lên. Như vậy mình sợ rắn. Thử hỏi cái gì sợ đó? Khi đặt câu hỏi thì mình hơi tỉnh lại bớt sợ. Vì cái gì mà sợ. Sợ nó cắn mình. Xét cái mình này thật hay không? Xét một hồi rồi quên mất cái mình cũng không thật nữa. Cho nên các Tổ hồi xưa, cảnh hãi hùng trước mặt mà các Ngài không sợ là vì các Ngài biết cái tâm sợ nó không thật và cái chủ đích để mà sợ cũng không thật luôn. Hai cái đều không thật nên các Ngài không sợ.

Đức Phật, khi ngồi dưới cội bồ-đề, có con rồng chín đầu đến, nó đưa cái đầu trước mặt đức Phật phun lửa, phì phì. Giả sử như mình thì sao? Tức là mình kinh hoàng sợ hãi. Khi kinh hoàng sợ hãi, thì tâm đâu bình tĩnh sáng suốt để mà giác ngộ. Sở dĩ đức Phật Ngài điềm nhiên, Ngài không sợ, vì Ngài đã thấy rõ cái sợ là không thật và cái chủ đích của sợ nó cũng không thật luôn. Như vậy ngay cái làm mình sợ cũng không thật. Con rồng hay con rắn cũng là không thật. Cho nên khi chúng ta gặp cảnh kinh hoàng hoảng sợ, dùng trí tuệ phân tích một lát thì hết sợ hết lo. Nếu mình không dùng để quán xét, cứ theo tình cảm lo cho ngày mai. Cái lo sẽ tăng mãi rồi mất ăn, mất ngủ, sanh bệnh hoạn. Rốt cuộc rồi đâu không tới đâu cả.

Như vậy chính vì không dùng trí tuệ quán xét cho nên đau khổ dài dài. Giờ đây nếu gặp cảnh phải lo phải buồn phải sợ, chịu khó xét lại những phương tiện chỉ dạy trong kinh, nào là kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh Bát-nhã. Cứ lấy đó mà ứng dụng. Hỏi một hồi thì nó hết lo hết sợ. Đó là nói đến cái lo rầu sợ hãi để tâm mình an. Muốn tâm mình an phải nhìn lại nó. Nó là cái đang lăng xăng lộn xộn đó. Nó ở đâu? Nó là cái gì? Nhìn nó mãi tự nhiên nó tan hoang không còn nữa. Tức khắc mình thấy an ổn. Còn không nhìn lại nó, nó lồng lộn lên kế mình hoảng hốt, đó là cái gốc mình nuôi dưỡng vọng tưởng. Nếu mình tìm lại nó thì nó mất đi, vọng tưởng hết, lo sợ theo đó đâu còn. Đó là phương pháp thiết yếu. Tôi nghĩ rằng chỉ có người biết ứng dụng thì mới thấy kết quả tốt.

Đến bực tức giận hờn làm sao cho hết? Bực tức giận hờn đố kỵ làm người ta không vui. Bao giờ dấy lên niệm tật đố, giận hờn, thì không sao vui được hết. Hạnh đức Di-lặc là hỷ xả nên Ngài cười hoài. Cái gì tới Ngài cười, Ngài buông hết, không bận trong lòng. Cũng như chúng ta học uống “thuốc xổ”. Cứ mỗi ba tháng xổ luôn thì bụng sẽ sạch trơn. Biết buông xả thì lòng mới không bực bội. Ở đời có ai làm vừa ý mình hết đâu. Một trăm người thì tám chục người làm cho mình không vui rồi. Chừng hai mươi người mình hơi chịu một chút, chớ chưa chắc mình chịu hoàn toàn. Chỉ có một người có lẽ mình chịu hoàn toàn. Đó là ai? Là mình. Có nhiều khi muốn rầy nó nữa chứ. Phải vậy không? Ở thế gian này có lúc nào mình vui hoàn toàn đâu? Nếu mình cứ ôm ấp, người này làm mình bực, người kia làm mình bực, cứ dồn vô chứa cả một kho “sân” kho “lửa”, động đến là nó cháy. Chúng ta để ý, người nào đang bực mình, mà mình hỏi họ một câu, dù là câu không quan trọng, không đụng chạm gì hết, mới mở miệng hỏi là họ muốn cãi với mình rồi. Họ muốn cự với mình, vì lửa sân có sẵn bên trong rồi. Động một cái là muốn nháng lên. Cho nên chúng ta phải biết rõ chủ yếu của bất an, không vui là tại tâm niệm ta chứa chấp cả một kho nào là tật đố, giận hờn, sân hận. Gặp ai cũng cảm thấy hơi tức tối, bực bội. Muốn an vui chúng ta phải ứng dụng bằng hai cách:

            1. Tùy hỷ để bớt tâm tật đố.

Muốn tùy hỷ phải làm sao? Thí dụ: Có những người thân thích mình mến nhất, nghe người đó phát tài mình vui lây. Trái lại có người mình ghét nhất, nghe họ phát tài mình làm sao? Thì bực liền. Tại sao mình bực, chuyện gì họ làm thì họ làm, tại sao mình bực? Đó là người mình không ưa mà họ được hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Đó là ghét, là tật đố. Giả sử người mình ưa đi nữa, người bạn thân của mình, mình làm nghề đó, bạn mình cũng làm nghề đó, mà cấp trên cứ khen bạn mình hoài mình có vui hay không? Dù người đó là bạn thân của mình, mà mình có vui hay không? Hồi nãy người thù của mình được khen chắc là mình không vui rồi. Còn người này là người thân của mình, họ được khen tốt mà mình cũng không vui nữa. Như vậy chỉ có người nào được khen tốt là mình vui? - Chỉ có mình được khen tốt cái gì thì mình vui. Chớ những người chung quanh khi họ ở xa xa được ít ít mình cũng còn vui, chớ họ được nhiều quá đụng tới quyền lợi của mình thì lúc đó mình cũng không còn vui nữa. Nhìn cho thật kỹ thì quí vị thấy khó mà tìm được cái vui. Bởi vì, cái gì mình cũng muốn hơn thiên hạ hết. Cho nên khi thấy có người nào được khen, tán thưởng thì mình buồn rồi. Như vậy lòng buồn hận nó xảy ra luôn luôn. Đó là điều khó tránh được. Gần như hầu hết một trăm phần trăm mang cái bệnh đó. Có người nào cùng bạn đồng học một nghề gì mà người ta khen bạn mình nức nở, còn mình bị chê đè mà mình vui được. Có ai được như vậy không? Khó có quá. Như vậy mà đức Phật dạy muốn được vui thì phải phát tâm tùy hỷ. Tùy hỷ là vui theo người, coi người được như mình được. Người ta phát tài coi như mình phát tài. Người ta được khen coi như mình được khen. Cái vui của họ xem như chính cái vui của mình. Lúc đó mình mới hết cái tâm tức tối bực bội.

Thí dụ, người bạn thân được cấp trên khen, còn mình bị chê. Người đó được thưởng được phát tài. Mình là bạn thân, có được ảnh hưởng không? Người đó được hưởng mười cục kẹo, ít ra mình cũng được một cục chứ, phải vậy không? Tại sao mình không vui? Vì lát nữa mình cũng được một cục kẹo. Tại sao mình giận họ làm chi để họ ghét, lát nữa họ không cho mình cục nào hết. Nghĩ hai cái, cái nào lợi. Cái mình vui với họ là lợi hay là thấy họ được khen thưởng mình giận là lợi. Sở dĩ người ta chê mình là tự mình dở. Còn người ta khen người đó là tại họ hay. Họ hay người ta khen, mình vui dùm họ. Nếu mình nói với họ: Thật huynh hay quá tôi mừng dùm huynh đó. Huynh được khen như tôi được khen. Chắc chắn người đó chia mình ít nhất cũng ba bốn cục. Như vậy người đó sẽ vui không thấy bực bội đố kỵ chi hết. Còn mình thấy người đó được khen mà mình hầm hầm lên. Một lát nữa giả sử có chia nhau, thấy mình tức quá muốn hết chia. Đó là cái nhỏ tí thôi mà quí vị thấy là chuyện thường xảy ra.

Như ở thế gian thì luôn luôn chịu đố kỵ hơn là chịu tùy hỷ. Thấy người ta hơn mình là mình tức không bao giờ chịu chấp nhận, không bao giờ vui, vui với cái vui của người ta. Cho nên trong kinh đức Phật nói: Người nào phát tâm tùy hỷ thì công đức vô lượng vô biên. Người làm việc tốt được bao nhiêu công đức, mình tùy hỷ công đức cũng bằng với họ không thua chút nào hết. Người làm được việc tốt là họ đã có lòng tốt, mình tùy hỷ là phá tâm tật đố thì mình cũng tốt luôn. Hai người công đức cũng như nhau. Cũng như cây đuốc này mồi qua cây đuốc kia.  Hai cây đều sáng mà không cây nào mất ánh sáng hết. Chúng ta tùy hỷ cũng vậy. Ai được cái gì tốt mình phát tâm vui mừng: Huynh được cái đó tốt quá, huynh sung sướng phát tài, tôi mừng tôi sung sướng như tôi phát tài vậy. Như vậy chắc chắn đời mình không nghèo. Ai sung sướng mình cũng mừng như mình được thì, thế nào họ cũng không bỏ mình. Khổ là, người ta được mình lại ghét, cho nên mình kiếm chuyện châm biếm, móc nghéo làm cho họ tức, do đó ai cũng muốn đập mình hết. Vì vậy mình khổ suốt đời. Quí vị thấy cái mầm an vui nó phát từ cái biết tùy hỷ, tức là biết nhìn thấy và nhận cái vui của người làm cái vui của mình. Còn thấy người ta vui mình sanh tâm bực tức thì chắc cả ngày mặt mình nhăn hoài, không thể nào tươi được hết. Vì thiên hạ thiếu gì người được, mà ai được cũng bực tức thì mình sẽ thấy đau khổ cả ngày. Cho nên Phật dạy: Phải phát tâm tùy hỷ, vui theo cái vui của những người chung quanh chúng ta. Người đó dù thân hay sơ, họ được vui mình cũng vui theo hết. Bởi vì chúng ta đã thấy trong kinh đức Phật nói: Chư Bồ-tát thấy một chúng sanh đau khổ, coi như mình đau khổ. Thấy một chúng sanh an vui coi như mình an vui. Chúng ta chưa bằng Bồ-tát ít ra cũng tập cái hạnh đó. Được cái hạnh đó rồi thì chúng ta thấy tự mình mang hạnh phúc đến cho mình. Nếu không tập hạnh đó, ngược lại, mình còn nuôi dưỡng tật đố bực bội sân hận thì mình khổ hoài. Mình tự chuốc khổ mà chuốc khổ đời đời, chớ không phải một ngày một tháng một năm. Yếu tố tu hành nằm trong đó.

Quí vị thấy, lối tu tập đó không tốn công bao nhiêu mà được vui hết cả làng. Còn mình bực thì họ thấy mặt mình họ đã tức rồi, và thầm nghĩ người đó tại sao xấu vậy, thấy người được thì ganh ghét. Đó là tự mình chuốc thêm tai họa có ích lợi gì đâu. Cho nên, là người tu, chúng ta cần gột bỏ hết những cái gây đau khổ để đem lại an lành vui vẻ cho mình. Đó là điều thiết yếu. Phải buông hết, đừng cố chấp thì lòng người mới nhẹ, tức là không sân không hờn và phải tùy hỷ khi thấy cái gì vui. Được như vậy thì chúng ta mới là con người vui cười luôn luôn. Nếu chúng ta không làm như vậy thì tự nhiên chúng ta phải đau khổ hoài. Nói tùy hỷ là chúng ta phá được tâm tật đố.

            2. Làm sao phá được tâm sân hận?

Sân hận là cái tâm bệnh hoạn nhất. Động tới là nổi quạu lên la om sòm, tay chân muốn lay động. Đó là chuốc họa không nhỏ. Đây tôi dẫn một Thiền sư, Thiền sư Đạo Thông đời nhà Tống. Hôm đó tướng công Vu Địch tới hỏi đạo. Vu Công thường tụng kinh Phổ Môn nên ông hỏi rằng: Thế nào là gió đen thổi thuyền trôi vào nước quỉ La-sát? (Như hà thị hắc phong suy kỳ thuyền phưởng phiêu đọa La-sát quỉ quốc?) Thiền sư trả lời: Kẻ khách Vu Địch hỏi việc ấy làm gì? Vu Địch liền đổi sắc. Ngài bèn nói: Cái đó là gió đen thổi thuyền trôi vào nước quỉ La-sát. Vu Địch liền hết nổi nóng. Chỗ đó thật là tối quan trọng. Mình đọc trong kinh nghe Phật nói dài dài, mình không biết cái gì. Giả sử gặp luồng gió đen (mây khói đen) chiếc thuyền bị trôi vào trong nước quỉ La-sát. Lúc đó ở trong thuyền có người niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát thì bọn quỉ không dám lại gần mình. Những người đọc câu chuyện đó thì thấy linh nghiệm vô cùng. Mình nghĩ có tai họa khi nào đi biển đi sông mà gặp gió to sóng lớn thì cứ niệm Quán Thế Âm Bồ-tát tức là qua hết. Quỉ mà không dám ngó đến mình huống nữa là cái gì. Nếu hiểu như vậy thì rất tội nghiệp cho kinh điển Đại thừa.

Hắc phong ở đây Thiền sư chỉ không phải là gió lớn ở bên ngoài. Hắc phong tức là gì? Tức là luồng gió đen tự trong lòng mình dấy lên, nó thổi chiếc thuyền người tới cõi nước quỉ liền. Nghe một lời nói trái tai, nổi giận lên tức là miệng phải nói lời ác, tay chân mình phải làm việc ác thì nó đưa mình tới đâu? Đưa vào cõi La-sát phải ở tù phải khổ. Như vậy hắc phong là từ chỗ đó. Cho nên chúng ta nghe những lời nói ác những lời trái tai, vừa có cơn giận dấy lên thì biết đó là hắc phong thổi. Phải dừng nó lại thì nhất định nó không trôi lăn đến nước quỉ, mà quỉ cũng không dám hại. Nếu lỡ nó thổi trôi đến nước quỉ, thì phải nhớ niệm Quán Thế Âm quỉ không dám ngó đến mình. Vậy thì niệm Quán Thế Âm bằng cách nào? Sở dĩ chúng ta giận vì do mắt thấy tai nghe, mà phần lớn là tai nghe những lời trái nên mới giận. Khi tai nghe những lời trái nổi giận lên đó thì miệng tay muốn làm dữ rồi, mình nhớ niệm Quán Thế Âm Bồ-tát tức là nhĩ căn viên thông, nhớ lại tánh nghe của mình. Bao nhiêu lời trái tai đều tan hết. Cơn giận cũng chìm luôn. Nó đâu còn cái gì đưa đến nước quỉ, La-sát đâu dám ngó tới mình. Chớ mình nghe người ta nói trái tai, chụp đó mà nổi giận tức là hắc phong nó thổi. Nếu nó thổi, đánh đập, chửi bới một hồi thì bị mời vô khám. Như vậy không phải là bị đưa tới nước quỉ La-sát nó hành hạ là gì? Rõ ràng như vậy. Nên biết, mình nhớ niệm Quán Thế Âm, thì tức nhiên quỉ không dám ngó đến mình. Giả sử gió lớn có nổi lên như trong kinh thường nói “Bất phạ sân tâm khởi, duy khủng tự giác trì”. Nghĩa là chẳng sợ cái tâm sân nổi lên, chỉ sợ mình giác chậm thôi. Bây giờ lỡ hắc phong thổi lên nó thổi mình, lúc đó niệm Quán Thế Âm tức là mình giác. Nhìn lại tánh nghe thì đâu còn theo tiếng nữa. Đó là giác. Mình giác thì cái nổi giận hồi nãy liền mất.

Như vậy, trước hết mình ráng đề phòng gió dữ. Lỡ bị gió dữ rồi thì phải nhớ niệm Quán Thế Âm. Đó là ý nghĩa thâm trầm trong kinh. Nhiều khi chúng ta chờ tai nạn xảy ra mới niệm, mà không nhớ niệm hằng ngày như vậy. Chúng ta tu mà muốn hết sân, hết hận, chúng ta phải nhớ như vậy. Chúng ta hằng ngày, hằng đêm biết dừng bao nhiêu cái làm trái tai gai mắt, khi những trận giông đen dấy lên, ta biết đó là gì rồi. Nó thổi chúng ta thì chúng ta liền niệm Quán Thế Âm. Đó là chúng ta tỉnh giác. Tỉnh giác kịp rồi thì tai nạn không đến với chúng ta. Còn không tỉnh giác kịp cứ để vậy mà chịu thì thế nào rồi cũng bị quỉ nó xé thây. Chắc chắn như vậy không nghi. Đường lối rõ ràng như thế. Cho nên muốn được vui, luôn luôn không có buồn bực tức tối thì chúng ta phải nhớ dừng lại cơn gió dữ đừng cho nó động. Lỡ động phải giác ngộ cho sớm. Được như vậy thì chắc chắn mình không có tai họa, không bị khổ đau.

Đó là ý nghĩa một mùa Xuân hạnh phúc. Năm nay chúng ta bắt đầu qua năm thứ ba, tôi chúc quí vị một điều gần nhất là hưởng một mùa Xuân hạnh phúc. Như thế mới là ý nghĩa của mùa Xuân Di-lặc cạn thôi.

Đến ý nghĩa mùa Xuân Di-lặc sâu hơn, tức là một mùa Xuân bất diệt, một mùa XUÂN MIÊN VIỄN. Nói đến đức Di-lặc là nói đến đức Phật sẽ thành. Trong kinh Phật thường nói: Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Như vậy đức Phật Thích-ca xác nhận rằng Ngài là Phật đã thành còn tất cả chúng ta là Phật sẽ thành. Sẽ thành là việc tương lai cũng như đức Phật Di-lặc vậy.

Ông Phật sẽ thành là ông Phật nào? Ở đâu? Ông ở chính nơi chúng ta nhưng vì chúng ta bỏ quên ông. Mình có hòn ngọc mà không nhận, cứ lo hỏi ngọc của đức Di-lặc hay đức Địa Tạng cầm trong tay mà không nhớ mình có hòn ngọc. Có mà không chịu nhận là dối gạt thiên hạ. Cho nên chúng ta nên biết rằng tự mình cũng có ông Phật như chư Phật vậy.

Vì mình còn quá lầm mê, không tự tỉnh tự giác được rồi bỏ quên ông Phật của chính mình. Vì vậy phải lăn lộn trong sanh tử. Mà đã lăn lộn trong sanh tử thì đó là khổ đau vì sanh tử là cái mầm của biến chuyển của sanh diệt. Biến chuyển sanh diệt, là vô thường gốc của khổ. Vì vậy đức Phật nói: “Luân hồi là khổ đau.” Còn ở trong luân hồi tức là còn ở trong sanh diệt là đau khổ. Nếu muốn ra khỏi vòng sanh diệt thì phải thoát khỏi luân hồi. Thoát khỏi luân hồi mới là miên viễn, gọi là bất diệt được. Đó mới là cái an vui cứu cánh của con người. Vì chúng ta đang sống trong cảnh vô thường sanh diệt cho nên nó luôn luôn bức bách thúc đẩy ép ngặt chúng ta tới đau khổ. Bây giờ chúng ta thoát khỏi cái vô thường bức bách đó thì tự nhiên chúng ta an vui. Vô thường bức bách đó là sanh tử luân hồi. Ra khỏi vô thường bức bách đó là giải thoát. Cho nên nói mùa Xuân Di-lặc mà được bất diệt miên viễn đó, là chỉ cho mùa Xuân do tự chúng ta thoát khỏi cảnh vô thường bức bách sanh diệt.

Nói một cách khác là thoát khỏi luân hồi sanh tử, sống với cái vô sanh an lạc. Bởi vì vô sanh nên đâu bị cái gì làm cho động, vì vậy là an. Bởi vô sanh nên không có khi buồn khi vui mà hằng tỉnh táo an ổn, gọi đó là cái vui chân thật. Như vậy khi nói tới mùa Xuân Di-lặc tức là nói đến mùa Xuân bất diệt, mùa Xuân của bản tâm thanh tịnh ở mỗi người. Chúng ta không còn bị lôi cuốn trong sanh diệt nữa. Như vậy mới là sống được mùa Xuân miên viễn. Chính cái chỗ này là chỗ khao khát, chỗ ước mơ của người tu chúng ta. Chỗ này chúng ta dùng chữ mùa Xuân, nơi khác trong kinh gọi là Niết-bàn, tức là an lạc tịch tĩnh. Như đã nói mùa Xuân là cái gì ấm áp tươi đẹp an ổn, cho nên mùa Xuân ấy cũng tượng trưng là Niết-bàn tức là hằng sống trong cảnh an lạc vui vẻ luôn luôn. Còn hiện tại mùa Xuân của chúng ta chỉ là một mùa Xuân của ba tháng. Trong đó những ngày qua là mất, mất rồi lâu lâu nó đáo lại một lần. Đó là mùa Xuân của sanh diệt.

Giờ đây làm sao hưởng được một mùa Xuân không còn sanh diệt nữa. Đó là mùa Xuân cứu kính mà người tu mong ước. Được cái Xuân đó mới thật là cái Xuân của chính mình mong muốn. Nãy giờ là nói sự chúc tụng trong mơ ước thôi. Bây giờ làm sao hưởng mùa Xuân bất diệt đó? Muốn hưởng mùa Xuân bất diệt đó chúng ta phải có tâm bất diệt. Có tâm bất diệt thì mới hưởng mùa Xuân bất diệt. Còn mang tâm sanh diệt thì không bao giờ hưởng được mùa Xuân bất diệt. Vì vậy trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: “Chúng ta phải nhìn lại tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.” Ba cái tâm đó: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được”. Tâm chạy theo quá khứ, hiện tại, vị lai đó là tâm gì? - Là tâm sanh diệt. Đức Phật nói tâm đó không thể được vì nó không thật. Chúng ta hằng sống với cái tâm nào? Chúng ta đang sống với tâm quá khứ hiện tại vị lai.  Tại sao tâm quá khứ không thể được? Chúng ta trước giờ nằm ngủ, vừa nằm xuống gác tay lên trán thì làm sao? Nhớ chuyện năm ngoái năm xưa, tháng rồi tháng trước đã làm cái gì? Một hồi con mắt muốn nóng lên nhắm mắt không ngủ được. Nói tại sao tôi mất ngủ. Tại làm sao vậy? Cái gì thuộc về quá khứ chúng ta có ưng cởi bỏ hết hay không?

Tôi thấy có nhiều cuốn nhật ký đầy ăm ắp, bút tích kỷ niệm nữa. Như vậy bỏ hay là không bỏ? Nếu bỏ thì đừng ghi, nếu ghi thì đâu chịu bỏ. Vì sợ ký ức nhớ không hết nên phải ghi thêm ngoài nhật ký để mai mốt có quên lật lại. Như vậy đâu có ưng bỏ cái gì đâu? Cái đó thuộc về quá khứ, mà quá khứ có tìm lại được hay không. Tất cả qua rồi tìm lại đâu có được. Mình cứ nghĩ lui về quá khứ. Càng nghĩ lại càng rối cho mình thôi. Nó đâu có thật mà nghĩ. Thành ra hết một phần ba đời người chúng ta sống về quá khứ. Những cái gì oai hùng của thuở xưa cũ nhớ mãi không thôi.

Còn mấy chú trẻ thì sao? Sống với vị lai. Nghĩ bây giờ mình nhỏ quá, không làm gì đáng kể rồi, nghĩ vị lai sẽ là ông thần ông thánh gì đó đủ thứ. Vì vậy cả ngày ngồi lại nói tôi sẽ như thế này như thế kia. Cũng mất hết phần ba cuộc đời sống về vị lai.

Rồi một phần ba cuộc đời về sống về hiện tại. Hiện tại đây nói tạm mà không hiện tại gì hết. Nghĩa là hiện tại với niệm suy nghĩ tính toán đây là khen mình, đây là chê mình, việc này là phải việc kia là quấy. Cứ lo bao nhiêu đó, suy nghĩ hoài như vậy, hiện tại mà không có hiện tại. Niệm này hết thì niệm kia nó sanh. Cứ như vậy mà liên miên sanh diệt thì hiện tại đâu có. Vì vậy nghĩ đến quá khứ thì quá khứ không thể được. Tâm mình cứ nhớ lui về quá khứ, mà quá khứ là chuyện đã qua rồi, nghĩ lui lại cái không có, cái nghĩ đó cũng là không. Cho nên cái quá khứ không thể được. Rồi hiện tại nghĩ cái này tới cái khác, trong một ngày nghĩ không biết bao nhiêu thứ. Như vậy cũng không được luôn. Vì đó là cảnh sanh diệt. Vị lai chưa đến cứ phóng đại cái này cái nọ. Ngồi đó mà tưởng tượng đủ thứ. Cái chưa đến mà tưởng cũng là không tưởng, nên không được luôn. Như vậy quá khứ hiện tại vị lai, ba thời đều không được cả. Vậy mình sống với cái gì? Hiện tại mình đang sống ba thời của tâm như chúng ta đã thấy ba thời đó đều không thể được. Nếu mình sống với ba cái đó là mình sống với cái hão huyền. Vậy mà người tu cho là thực tế. Nhớ chuyện đã qua cho là thực tế. Tưởng tượng cái gì chưa đến gọi là thực tế. Mà cái thực tế nhất lại không thấy. Thấy toàn cái sanh diệt viển vông thôi.

Quí vị thử kiểm lại một ngày xem quí vị sống với quá khứ hiện tại vị lai là bao nhiêu? Quí vị có bỏ tâm của ba thời đó hay không? Nếu cả ngày mà sống với tâm chạy theo ba thời đó thì chúng ta đã mất tâm rồi. Gọi là tâm mà thật sự tâm đã mất. Sống với cái tâm sanh diệt thì tâm đâu có thật. Như vậy sống với tâm không thật mà tưởng là thật rồi un đúc tưởng tượng v.v... có phải là chúng ta đang sống trong cái ảo huyền mà lầm cho mình là thật. Như vậy hằng ngày nói sống cho mình, thật đã mất mình. Thật là đáng thương chúng ta sống với ba cái tâm chết. Còn hiện tại thì theo cái sanh diệt không dừng cũng là cái không có luôn. Ba cái không có đó mà ráp lại thành cái có để sống. Như vậy tuy nói sống dường như không sống gì hết. Vậy mà mình hãnh diện xưng là mình đang sống.

Như vậy phải làm sao? Sống trong quá khứ, trong hiện tại, trong vị lai, trong cái sanh diệt đó thì tâm mình có an hay không? Mình có hưởng được một mùa Xuân miên viễn bất diệt hay không? Vì muốn hưởng một mùa Xuân miên viễn bất diệt thì nơi tâm mình cũng phải bất diệt. Mà muốn bất diệt thì phải bất sanh, tức không chạy theo cái sanh diệt. Không chạy theo sanh diệt thì tâm mình lặng lẽ thanh tịnh. Như vậy mới sống được một mùa Xuân bất diệt. Một Thiền sư Việt Nam diễn tả điều đó qua vài câu thơ nói rõ như ban ngày. Đó là Thiền Lão Thiền sư khi vua Lý Nhân Tông vào núi gặp Ngài, mới hỏi: Hòa thượng bao nhiêu tuổi? Ngài đáp:

                        Đản tri kim nhật nguyệt

                        Thùy thức cựu xuân thu

Nghĩa là: Chỉ có biết ngày nay thôi, còn bao nhiêu năm trước ai đâu nhớ. Như vậy Ngài đâu có sống với tâm quá khứ, Ngài chỉ biết có ngày nay. Sống với ngày nay đó là sống với tâm lặng lẽ của hiện nay. Vua Lý Nhân Tông hỏi tiếp: Hòa thượng ở đây làm gì? Ngài trả lời:

                        Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

                        Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân 

 Nghĩa là: Thấy trúc biếc thấy hoa vàng đều là cảnh chân thật, đều là mùa Xuân hết. Thấy trăng trong thấy mây bạc, cũng đều hiện cái chân thể hoàn toàn. Như vậy cái gì hiện ra trước mắt Ngài đều là một mùa Xuân miên viễn. Sống như vậy mới thật là sống. Còn mình bây giờ sống mà không thật sống. Khi nào hiện tại không chạy theo cái suy tính phân biệt, chỉ sống với tâm thanh tịnh thản nhiên của hiện tại thì mới gọi là sống với ngày nay. Biết ngày nay là biết như vậy. Với tâm thanh thản lặng lẽ, nhìn tất cả cái gì hiện có trước mắt đây đều là một màu chân thật, như như, không có cái gì là sanh diệt hết. Đó mới gọi là mùa Xuân miên viễn, mùa Xuân bất diệt. Mùa Xuân mà nhìn đâu cũng nên thơ hết, chớ không thấy cái lò lửa cái địa ngục, cái than trách như mình bây giờ. Nhìn đâu cũng thấy nên thơ. Thấy hoa cúc, thấy trăng, thấy mây, thấy cái gì cũng là nên thơ. Thấy cái gì cũng đều là Xuân rạng rỡ, không thấy cái gì là đen tối xấu xa hết. Muốn sống với cái đó thì trước hết tâm mình phải Xuân miên viễn thì ngoại cảnh mới theo đó mà Xuân. Chớ tâm mình là cái tâm sanh diệt đau khổ, ngoài muốn có Xuân thì cũng gượng gạo Xuân mà thôi. Đem cái hoa mai hoa cúc chưng rồi cũng héo, cũng phải vứt đi. Nó không còn Xuân hoài. Chỉ có cái tâm thanh tịnh nhẹ nhàng thư thới đó, nhìn cái gì cũng là Xuân hết. Cho nên các Thiền sư nhìn đâu cũng thấy một mùa Xuân tràn trề, không cần đi tìm kiếm, không cần chờ đến tháng giêng mới có một mùa Xuân. Đó là mùa Xuân Miên Viễn.

Như vậy chúng ta tu hành cốt làm sao hưởng được một Xuân như thế. Đó là một mùa Xuân cứu kính. Ráng hưởng mùa Xuân thú vị nhất, đẹp đẽ nhất mà người xưa đã hưởng. Đức Di-lặc đã hưởng mùa Xuân đó rồi, cho nên Ngài cười hoài. Mặt chúng ta nhăn năm, bảy nếp nhăn là vì chúng ta chưa hưởng được mùa Xuân đó. Cho nên trán chúng ta thì nhăn, mặt thì méo, mắt thì đỏ. Đó là cái đau khổ hiện ra ở mặt chúng ta. Chính vì chúng ta không hưởng được mùa Xuân như vậy.

Để kết thúc mùa Xuân miên viễn hôm nay, tôi dẫn thêm Thiền sư Thiên Tùng. Ngày đầu năm Ngài làm thơ tặng chúng lấy tên là: Tuế Triêu (là ngày đầu năm).

                        Kim tiêu tận đạo thiêm nhất tuế

                        Ngô đạo như kim giảm nhất niên

                        Tăng giảm khứ lai vô định số

                        Duy năng tiêu tận thế gian duyên

                        Tất tu thức đắc duyên trung chủ

                        Bách thiên vạn kiếp thường như nhiên

                        Vô tăng vô giảm như hà đạo

                        Nhất cú hà tu dụng khẩu truyền

            Tạm dịch:

                        Sáng nay đều bảo thêm một tuổi

                        Tôi nói hôm nay bớt một năm

                        Thêm bớt lại qua số khôn tính

                        Chỉ hay dứt sạch duyên thế gian

                        Cốt là biết được trong duyên chủ

                        Trăm ngàn ức kiếp thường an nhiên

                        Không bớt không thêm làm sao nói

                        Một câu nào thiết dùng miệng truyền

Giải thích của ngài Thiên Tùng quá rõ ràng. Đến ngày mùng một chúng ta đều ùa nhau nói: Chúc thầy cô thêm một tuổi thọ, chớ có ai chúc thầy cô mất một tuổi thọ. Phải vậy không? Quả tang là mình mất một năm rồi. Nếu sống sáu mươi tuổi, năm rồi năm mươi ba tuổi năm nay năm mươi bốn tuổi, thì năm nay chúng ta đã bớt đi một tuổi để sống rồi. Sống sáu mươi tuổi, nếu năm mươi ba tuổi thì chúng ta còn được bảy năm. Năm nay năm mươi bốn tuổi, rút lại còn sáu năm thôi. Rút một năm là bớt tại sao lại nói thêm. Thành thử thế gian tưởng theo chiều thêm mà quên nghĩa bớt. Vì vậy mà Ngài nói: Sáng nay đều bảo thêm một tuổi, với Ngài thì Ngài nói: Hôm nay bớt một năm. Quả tang năm nay bớt một năm sống rồi. Rõ ràng như vậy. Nhưng có ai gan dạ thấy như vậy đâu. “Tăng giảm khứ lai vô định số” là thêm bớt qua lại cái số không nhất định. Nói thêm cũng được, nói bớt cũng được. Nói về cái chiều sáu mươi để trừ lại thì thấy mình đã bớt. Nếu thấy chiều năm mươi mấy cộng lại thì thêm một năm. Như vậy vì có cộng có trừ nên có thêm có bớt. Thật ra không biết nói thế nào cho đúng. Vì vậy Ngài nói con số không nhất định. Chỉ có điều này là quan trọng. “Duy năng tiêu tận thế gian duyên” tức là chỉ người tiêu sạch cái duyên thế gian tức tiêu chảy ba tháng, tiêu chảy sạch hết, bụng trống rỗng tức là tiêu sạch, duyên thế gian, nhưng chưa đủ còn phải thêm: “Tất tu thức đắc duyên trung chủ” tức là cần phải biết được ông chủ trong các duyên đó. Biết ông chủ mới là cái tối thiết yếu. Trước hết là phải tiêu sạch hết cái duyên thế gian, rồi kế đó biết được ông chủ, cắt hết các duyên đó. “Bách thiên vạn kiếp thường như nhiên” tức biết được ông chủ rồi thì trăm ngàn muôn kiếp đều như vậy. Chính đó là mùa Xuân bất diệt. Tất cả quá khứ hiện tại vị lai đều không biến chuyển. “Vô tăng vô giảm như hà đạo”. Ông chủ đó trăm ngàn muôn kiếp vẫn như nhiên. Ông không có thêm cũng không có giảm. Không thêm không bớt, bảo tôi nói gì mới được đây? Thế gian có thêm có bớt còn nói được. Còn cái chỗ không thêm không bớt nói cái gì? “Nhất cú hà tu dụng khẩu truyền” thành ra cái câu duy nhất đó đâu cần dùng miệng nói với nhau. Chỉ mọi người nhận được sống được, thấy được thì người đó hưởng một mùa Xuân bất diệt. Chớ còn nói, nói nó không hết, vì vậy tôi không biết chúc tụng quí vị cái gì vào đầu năm này. Vì cái đó không dùng miệng mà nói với nhau được. Chỉ mỗi người nhận và thấy được cái đó thì quí vị hưởng một mùa Xuân như vậy.

Tôi tạm chúc quí vị một mùa Xuân Di-lặc tùy theo cạn sâu của mỗi người. Ráng hưởng cho được đừng để ba tháng Xuân mất rồi tới Thu tới Đông, lại trông Xuân đến nữa, cực lắm. Phải luôn luôn hưởng cái Xuân Di-lặc. Lúc nào cũng là Xuân hết. Gặp nhau chúng ta cười hoài. Dù sống trong cảnh nào cũng cười hoài như vậy là hạnh phúc ngay ở trần gian.

[ Quay lại ]