headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ca Chiên Diên


CA CHIÊN DIÊN

LUẬN NGHỊ ĐỆ NHẤT

1- THI TÀI DIỄN GIẢNG VỚI ANH

Tại thôn Di Hầu, nước A-bàn-đề (Avanti) miền Nam Ấn, có một gia đình giàu có dòng Bà-la-môn, được dân chúng toàn thôn kính nể.

Hôm nay, tôi giới thiệu tôn giả Ca-chiên-diên, đã xuất sanh từ gia đình ấy. Phụ thân Tôn giả là quốc sư đương thời. Gia đình có nhiều đất đai rộng lớn, kẻ ăn người ở cả trăm, quyền thế, tài phú, là bậc đại nhơn gia đệ nhất của cả nước.

Tôn giả Ca-chiên-diên vốn tên gọi là Na-la-đà, con thứ hai của quốc sư Ca-chiên-diên. Ca-chiên-diên là họ, về sau Tôn giả nổi tiếng nên mọi người dùng họ để thay tên gọi.

Ca ca của Tôn giả cũng là một người thông minh, anh tuấn, hào sảng, ban đầu theo cha xuất gia làm Bà-la-môn, sau đi tham học khắp các nước, trải qua nhiều nơi, bái phỏng nhiều minh sư, cho nên thông đạt rất nhiều thứ học thuật, học rành nhiều tài nghệ. Sau thời gian du học, một hôm chàng trở về cố hương, triệu tập mọi người lại công khai tuyên thuyết chỗ nhận thức của mình về triết lý Vệ Đà tối cao.

Trong khi ấy, Ca-chiên-diên chưa hề bước ra khỏi cửa, biết anh trở về giảng luận Vệ Đà, chàng cũng ra một thông cáo và lập một giảng đài đối diện với giảng đài của anh, đồng thời diễn thuyết triết học Vệ Đà. Chàng trổ biện tài vô ngại, thuyết minh rõ những chỗ bí yếu, thu hút hết thính chúng của anh quay về mình. Mọi người nghe xong đều phê bình rần rộ: “Em giỏi hơn anh xa”.

Ông anh vốn tánh háo thắng, bị một phen đả kích, sanh lòng tật đố với Ca-chiên-diên. Hai anh em bất hòa, gây gổ ồn ào đến trước phụ thân. Ca ca nộ khí xung thiên, thưa với cha:

- Thưa cha! Xin cha trừng trị em con. Hắn vô phép, vô tắc làm mất mặt con, con đã du học nhiều năm làm sao lại thua hắn? Vậy mà khi con đang diễn giảng hắn cũng đăng đàn đối lập, đoạt hết thính giả của con!

Thiếu niên Ca-chiên-diên điềm nhiên, chậm rãi giải thích:

- Xin cha lượng xét! Học vấn là chuyện công khai, ai cũng có quyền nghiên cứu và diễn giảng. Ca ca đi du học nước ngoài, con ở nhà nghiên cứu, con không có ý tranh hơn với Ca ca. Con chỉ nghĩ rằng: Mấy năm nay nghiên cứu ở nhà, không biết có được thành quả thế nào? Ca ca đi du học về mà chỉ mang một bụng hơn thua, con ở nhà chỉ thật lòng học hỏi. Xin cha đừng bận tâm, chúng con tự giáo dục chúng con mới phải, mong rằng Ca ca cũng đồng ý với con như vậy.

Phụ thân tuy là quốc sư, nghe hai quý tử bàn cãi cũng không biết phân xử ra sao. Rốt cuộc, ông bàn với phu nhân đem gởi Ca-chiên-diên đi phương Nam học đạo với tiên A-tư-đà ở núi Tân Đà, gần thành Ưu-thiền-da-ni. Nếu để chàng ở nhà thì ông anh không thể xuất đầu lộ diện.

2- LỜI CHỈ GIÁO CỦA CỮU PHỤ

Tiên A-tư-đà là cậu ruột của Ca-chiên-diên, trưởng huynh của mẫu thân chàng. Ông là vị tiên nhơn bác học thần thông của Ấn Độ đương thời. Khi đức Thế Tôn đản sanh làm Thái tử, ông đã nhận lời mời của vua Tịnh Phạn, đến nội cung xem tướng Thái tử. Xem tướng xong, ông nói với vua Tịnh Phạn:

- Đại vương! Vị Thái tử hiền minh này tương lai nhất định sẽ xuất gia học đạo, và thành tựu quả Phật. Thật đáng tiếc cho tôi đã già quá rồi, không kịp đợi Ngài thành Phật, tôi đã qua đời. Tuy không thể lãnh thọ giáo lý của Ngài, nhưng tôi sẽ dạy đệ tử tôi theo Ngài học đạo.

Nói xong, ông rơi nước mắt và lui ra.

Từ khi Ca-chiên-diên bị phụ thân gởi đến đây, chàng rất được tiên A-tư-đà yêu mến. Ông đem hết sở học truyền dạy cho đứa cháu thông minh. Ca-chiên-diên cũng không cô phụ lòng hy vọng của cữu phụ, chẳng bao lâu chàng thông đạt cả tứ thiền, ngũ thần thông.

Từ đó, Ca-chiên-diên không còn nhớ nghĩ đến gia đình. Thứ nhất, chàng không muốn bám vào ảnh hưởng của thân phụ, bị thiên hạ cho là con của quốc sư mà cung cung kính kính. Thứ hai, là nghĩ đến ông anh háo thắng của mình, chàng biết không có cách gì ở chung cho nổi. Chàng quyết định sống riêng thế giới của mình. Cha mẹ sai người đến đón chàng trở về nhà, chàng cũng khéo léo từ chối.

A-tư-đà biết Ca-chiên-diên không bị tình thương gia đình ràng buộc, rất vui. Một hôm, ông bảo Ca-chiên-diên:

- Ca-chiên-diên! Như chí nguyện của con bây giờ, mai sau con sẽ là một nhân vật vĩ đại, nhưng con phải gặp minh sư mới được. Chỗ hiểu biết của ta, hiện tại không đủ cho con cầu học. Đức đại thánh Phật-đà đã xuất thế, con hãy đợi sau khi Ngài thành đạo, mau mau theo học với Ngài.

Ca-chiên-diên nghe lời thầy dạy, bán tín bán nghi. Chàng chỉ tin một điều, đó là lời tiên đoán mai sau chàng sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại.

Ngày nọ, A-tư-đà dắt Ca-chiên-diên xuống núi, đến vườn Lộc Dã nước Ba-la-nại, xây cất một ngôi tịnh thất và an trụ luôn ở đó. Tịnh thất hoàn thành, A-tư-đà bảo Ca-chiên-diên mỗi ngày cầu đảo ba lần, cầu cho đức Đại giác Phật-đà mau đến ngày chứng quả. A-tư-đà lại bảo cháu:

- Ca-chiên-diên! Theo ta tính quẻ dự đoán, đức Phật chẳng bao lâu sẽ thành đạo. Sau đó nhất định sẽ đến Lộc Dã Uyển mà quay bánh xe pháp trước nhất. Ta chỉ biết được như thế, còn đức Phật giác ngộ chân lý gì, e rằng ta không có phước để biết điều ấy. Con nên nhớ kỹ điều này, đức Phật thành đạo rồi, con phải mau mau đi tìm Ngài cầu đạo và tu học đó nhé!

Ít lâu sau, A-tư-đà chấm dứt thọ mạng, từ giã cõi đời. Ca-chiên-diên không còn thầy, từ đó phát huy học vấn và tài năng. Cha là quốc sư, cậu ruột là đại tiên A-tư-đà, tuy Ca-chiên-diên không hề nghĩ tới điều này nhưng quần chúng trọng vọng nhàø học giả không để đâu cho hết. Đáng tiếc, Ca-chiên-diên bị chìm trong danh văn lợi dưỡng, quên đi di ngôn của cậu là phải đi cầu đạo với đức Phật.

3- BÀI KỆ THẦN BÍ

Ca-chiên-diên tự cho mình đã đắc đạo, xứng đáng cho người đời cúng dường, đâu cần mong đợi đức Phật xuất thế làm gì. Do đó, vị thầy thân thiết qua đời không lâu, ông chẳng còn cầu đảo để sớm gặp Phật-đà.

Thời gian sau, tại miền đất hoang gần thành Ba-la-nại, người ta đào bới được nhiều di tích của một cổ thành mấy ngàn năm trước. Trong ấy có một tấm bia đá trên mặt khắc một lối chữ mà chẳng ai biết là thứ chữ gì. Dường như đó là một bài kệ, nhưng không ai đọc ra. Thiên hạ đồn rằng: Ai mà đọc được tấm bia đá đó, chắc chắn vị đó là một bậc đại giác mới hiểu được như vậy.

Một hôm, quốc vương Ba-la-nại bảo các đại thần:

- Nước chúng ta được một số bảo vật lưu truyền từ cổ đại, trong đó có tấm bia đá ghi kệ văn, các ngươi phải mau mau tìm hiểu cho ra. Nếu không, các nước lân cận sẽ cười nước chúng ta không có người trí. Nội trong bảy hôm, nếu như không ai hiểu được bài kệ ấy, ta sẽ cách chức các khanh.

Mệnh lệnh của nhà vua tuy thật nghiêm khắc, nhưng các đại thần từ xưa đến giờ chưa từng thấy thứ chữ này, đều lấm lét nhìn nhau chẳng biết phải làm gì. Sau cùng, các quan dâng kiến nghị lên nhà vua, xin treo bảng thông báo cho toàn quốc, ai đọc được bài kệ trên bia cũ sẽ được trọng thưởng mỹ nữ và tài vật châu báu.

Yết thị của nhà vua nêu ra, tin tức bay đến tai Ca-chiên-diên. Thầy lập tức nhớ đến cậu A-tư-đà đã từng dạy cho mình các thứ chữ trên mọi quốc gia, và những thứ chữ của chư Thiên mình cũng được học rất nhiều. Cho nên thầy rất mực tự tin ra gỡ bảng.

Quả thật, Ca-chiên-diên đọc được toàn bộ bài kệ. Thầy nói đó là thứ văn tự của Phạm Thiên, người không có thần thông chẳng thể nào thấu rõ được. Thầy bèn phiên dịch bài kệ ra cho quốc vương nghe, ý tứ như thế này:

                        Ai là vua trong các vị vua?
                        Ai là thánh trong các bậc thánh?
                        Thế nào là người ngu?
                        Thế nào là bậc trí?
                        Làm sao để lìa cấu uế?
                        Làm sao để đạt được Niết-bàn?
                        Ai là kẻ chìm trong biển sanh tử?
                        Ai là người tiêu diêu nơi cõi nước giải thoát?

Lâu nay, mọi người đọc không ra bài kệ thần bí, Ca-chiên-diên đã vén tấm màn bí mật lên, và toàn quốc đều truyền tụng rất nhanh chóng. Tuy ai nấy đều biết đọc suông như thế, nhưng chẳng người nào hiểu được ý chỉ của bài kệ ra sao, ngay cả Ca-chiên-diên cũng không giải đáp được.

Bài văn trên thạch bia ấy, mỗi câu là một nghi vấn trừu tượng, nếu đem các học thuyết đương thời để giải đáp cũng chỉ được phần nào, còn muốn thấu đáo toàn bộ vấn đề thiệt là không có lời đáp. Nhà vua tuy công nhận sức bác học của Ca-chiên-diên, thông hiểu cả văn tự Phạm Thiên, nhưng thầy không giải thích được nghi vấn của bài kệ, đã lưu lại một dấu hỏi lớn. Nhà vua lại ra lệnh treo giải thưởng, yêu cầu học giả trong thiên hạ đến khai thông vấn đề.

Ca-chiên-diên không chịu thua, thầy bèn hứa với nhà vua nội trong bảy ngày nhất định sẽ trở lại giải đáp ý chỉ này.

4- THỈNH GIÁO ĐỨC PHẬT

Ca-chiên-diên đã hứa chắc với nhà vua, trở về khảo cứu triệt để, thiệt là cái ý chỉ của bài kệ chẳng thể dùng trí tưởng mà truy tầm cho được. Phen này chỉ có một bậc đại giác ngộ mới có thể giải đáp được thôi.

Đến lúc không còn biện pháp gì nữa, Ca-chiên-diên phải đi cầu cứu người khác. Ban đầu thầy đến chỗ Phú-lan-na Ca-diếp thỉnh giáo, sau đó lại tìm đến từng người trong nhóm lục sư ngoại đạo học hỏi, mà ý kiến của họ chỉ rất thô thiển, cũng giống như Ca-chiên-diên một thứ, chẳng phải là ý nghĩa đích thực của kệ văn.

Cùng đường hết lối, Ca-chiên-diên mới nghĩ đến Phật-đà. Nghĩ đến Phật, thầy lại càng không muốn đi thỉnh giáo. Thầy nghĩ: “Bài kệ này, văn tự cõi trời, các lão Bà-la-môn trưởng thượng, uy quyền một cõi mà còn không biết, Cù-đàm tuổi còn trẻ làm sao mà biết được?” Sau cùng, nhớ đến lời cậu trước khi tạ thế, đã hai ba phen đinh ninh căn dặn, sau khi Phật thành đạo, nhất định mình phải đi tìm Ngài tu tập. Nhưng Cù-đàm tuổi tác không bao lăm, làm sao thành tựu được công hạnh Phật-đà viên mãn ư? Sau rốt thầy mới đả thông tư tưởng, ngộ đạo không thể căn cứ trên tuổi tác lớn nhỏ mà quyết định, và nhắm hướng Lộc Dã Uyển đi tới.

Từ xưa đến nay, quả thật người có thể giải đáp bài kệ ấy chỉ có Phật. Chẳng kể văn kệ trên tấm bia là thật hay không thật, nhưng nó ám chỉ một ý nghĩa sâu xa. Đức Thế Tôn nhiều năm nỗ lực tu hành, mục đích là để khai thông vấn đề đó. Sự chứng ngộ của Ngài là một giải đáp hết sức sống động cho câu hỏi đã nêu.

Ca-chiên-diên bái kiến đức Phật, mới biết lời nói của cữu phụ không sai. Thầy chưa biết được Trí tuệ của Phật như đại hải, chỉ mới thấy tướng hảo trang nghiêm của Ngài, đã khởi lòng cung kính vô biên.

Ca-chiên-diên chắp tay, tụng qua bài kệ một lượt, cầu mong đức Phật giải đáp cho.

Đức Thế Tôn chẳng cần suy nghĩ, như đại chung vừa chạm nhẹ đã vang tiếng, Ngài dùng kệ đáp lại rằng:

                        Vua trong các vua là vua cõi trời thứ sáu.
                        Thánh trong các thánh là đức Phật đại giác.
                        Bị vô minh nhiễm ô gọi là kẻ ngu
                        Hay diệt hết các phiền não là bậc trí.
                        Tu đạo, trừ tham, sân, si tức là lìa cấu uế.
                        Hoàn thành giới định huệ tức chứng Niết-bàn.
                        Người chấp trước nơi ngã pháp chìm trong biển sanh tử
                        Người chứng được pháp tánh duyên khởi dạo chơi trong cõi giải thoát.

Ca-chiên-diên rất thông minh, nghe Phật đáp xong, mỗi câu mỗi lời đều thâm nhập vào tạng phủ, mối nghi ngờ ám ảnh trong tâm đều được ánh sáng Trí tuệ dẹp tan. Thầy vui mừng lặng đi giây lâu không nói nên lời, sau cùng mới tụng lại bài kệ của Phật và hướng về phía Ngài đảnh lễ. Mối cảm kích của Ca-chiên-diên chẳng lạ gì, vì vừa nghe lời đức Phật thầy liền khai ngộ, theo đó mà thông hiểu chân lý.

Đức Phật rất ưa thích ông thầy Bà-la-môn này, Ngài khen Ca-chiên-diên thiện căn sâu dày, và lại dạy đạo lý cho một phen nữa. Ca-chiên-diên lễ tạ xong, liền đem bài kệ đáp của đức Phật trở về thuật cho nhà vua nghe. Sau đó tuyên bố với các tín đồ của mình rằng từ nay thầy sẽ quy y đức Phật, làm đệ tử bậc đại Thánh.

5- KHUYÊN NIỆM TAM BẢO

Ca-chiên-diên thiên tư thông tuệ, rốt cuộc bị Trí tuệ cao siêu và nhân cách vĩ đại của đức Phật cảm hóa, trở thành một đệ tử được khai ngộ và chứng quả trong Tăng đoàn. Ca-chiên-diên rất vui mừng, chẳng những tự mình từ đây được cứu độ, mà còn làm toại nguyện ngày xưa của cậu mình là A-tư-đà.

Tôn giả Ca-chiên-diên vốn là một nhân vật phi phàm, huống chi hiện nay đã theo Phật xuất gia chứng quả A-la-hán. Tôn giả thông đạt rất nhiều kinh luận ngoại đạo, lại có rất nhiều bằng hữu ngoại đạo, Tôn giả phát nguyện trước nhất sẽ cảm hóa những bạn tu còn ngơ ngẩn trên đường mê nẻo tà, mỗi mỗi đưa về quy y Phật, để lãnh thọ giáo lý của Thế Tôn.

Do đó, Ca-chiên-diên ở trong Tăng đoàn không những nhiệt tâm phục vụ và tu hành, mà đối với bên ngoài lại cũng nhiệt tâm hoằng pháp, tuyên dương giáo lý. Người hay hoằng đạo chẳng phải đạo hoằng người, chân lý của đức Phật, được sức phát động của tôn giả Ca-chiên-diên, đã dễ dàng phổ cập trong xã hội, đi sâu vào lòng người thì cũng là việc hiển nhiên.

Chân lý cứu đời của đức Phật vốn thường hằng xưa nay không biến đổi, dù trải qua ngàn vạn kiếp cũng trường tồn như mới, Ca-chiên-diên càng tuyên dương càng tăng thêm tín tâm. Tôn giả nhận thấy mình là sứ giả của đức Phật thiệt là một vinh hạnh lớn. Lòng tin và sự nhiệt thành của Tôn giả khiến đại danh Ca-chiên-diên như hương thơm bay xa, ai ai cũng biết tên tôn giả.

Một hôm, Phật trở về Ca-tỳ-la hóa đạo. Ca-chiên-diên cũng theo Phật, ngụ tại tinh xá trong thôn Ha-lợi, và tất cả những gia đình trong thôn này dầu lớn, dầu nhỏ đều lưu dấu vết giáo hóa của Tôn giả. Ngày nọ, trưởng giả Bát Thành bị bệnh, Tôn giả bèn đến thăm và đặc biệt thuyết pháp cho ông nghe để giải trừ bệnh khổ.

Ca-chiên-diên bước vào nhà trưởng giả, thấy ông còn nằm bệnh trên giường, bèn đến bên thăm hỏi:

- Này trưởng giả! Nghe tin ông có chút bệnh, tôi vâng lời đức Phật, đến đây an ủi ông. Ông có chạy chữa thầy thuốc gì không?

- Kính tạ ân đức Phật và Tôn giả, bệnh của con không còn hy vọng, bao nhiêu thầy đều nói con mang bệnh bất trị – Trưởng giả Bát Thành rất thương cảm mà nói.

- Ông hãy xưng niệm Tam bảo, để nương nhờ oai đức Tam bảo khiến tâm ông được thanh tịnh, bệnh tình cũng thuyên giảm đi.

- Bạch Tôn giả! Chúng con quy y Tam bảo là mong ủng hộ Tam bảo, tịnh hóa nhân gian. Chúng con đã hiến dâng tất cả tài vật của chính mình, thì không nên trở lại cầu mong nơi Tam bảo.

- Thật ra là như vậy, thế gian vô thường không thể cầu xin Tam bảo cho được thường trụ, thân thể bệnh hoạn không thể cầu Tam bảo cho mạnh luôn. Tín ngưỡng là hy sinh cá nhân nhỏ hẹp để thành tựu đại ngã. Đàn việt có chút ít bệnh khổ, chúng tôi có thể đến thuyết pháp không cần phiền đến Phật, Pháp, Tăng. Nhưng nếu sức người không có cách giải cứu, thành tâm cầu nguyện Tam bảo, thì từ quang phổ chiếu, ông làm như vậy chẳng có lỗi chi.

Bát Thành nghe tôn giả nói, mỗi ngày đều một lòng nhất tâm xưng niệm Tam bảo, căn bệnh bất trị của ông dần dần thuyên giảm.

Điều đó, tuy Phật pháp rộng lớn vô biên, nhưng cũng là do Ca-chiên-diên lưu tâm đến người bệnh, dùng nước cam lồ từ bi của Phật pháp trị liệu cho nỗi khổ của chúng sanh.

6- TUYÊN NÓI PHÁP BÌNH ĐẲNG

Ca-chiên-diên có khi tu học bên đức Phật, có khi một mình đi vân du giáo hóa các nơi. Phương pháp giáo hóa của Ca-chiên-diên và Phú-lâu-na có chỗ bất đồng. Khi Phú-lâu-na thuyết pháp thường là tập hợïp ngàn vạn thính chúng đến nghe, còn tôn giả Ca-chiên-diên thì thích thuyết pháp riêng từng người.

Từng người, từng người một, đối diện mà giảng dạy, đó là lối thuyết pháp thân thiết nhất, khiến chân lý dễ dàng thâm nhập trong tâm người nghe. Quả thật chẳng lầm, không kể là ai ai, chỉ cần nghe Ca-chiên-diên nói vài câu liền có ấn tượng đẹp và niềm tin nơi lời nói của Tôn giả.

Một hôm, Phật trụ tại tinh xá Kỳ Viên, Ca-chiên-diên thì ba y một bát độc hành băng rừng núi, qua những cánh đồng mênh mông, đến nước Ma-thâu-la (Mathura) ở phía Tây, giáo hóa.

Tôn giả đến Ma-thâu-la, trước tiên xem xét dân tình, phong tục địa phương, lề lối sinh hoạt tập quán của nước này xong xuôi mới vào thành bái kiến quốc vương.

Vua Ma-thâu-la một phen thấy Ca-chiên-diên bèn hỏi:

- Tôn giả! Tôi nghe nói Ngài vốn dòng dõi Bà-la-môn, đó là một chủng tộc cao quý nhất, còn Phật-đà dòng Sát-đế-lợi, mà nay Ngài trở lại quy y với ông ta, làm đệ tử ông ta, thiệt là chẳng ép uổng lắm sao?

- Đại vương! Chuyện đó chẳng những không ép uổng gì hết, mà trái lại, tôi cảm thấy rất hân hạnh được làm đệ tử bậc đại thánh Phật-đà.

- Lạ thật! Từ bỏ dòng dõi thanh tịnh sanh từ miệng Phạm Thiên để làm đệ tử một người dòng Sát-đế-lợi, thiệt là chẳng ai hiểu nổi.

Nhà vua này ngoan cố và thủ cựu, chấp vào thành kiến u mê, chấp ngã đầy bụng chẳng thèm nghe lời của Tôn giả chút nào.

Tôn giả chẳng hề giận, ôn hòa giải thích cho nhà vua nghe:

- Này đại vương! Ngày xưa tôi là Bà-la-môn tôi cũng nghĩ như đại vương. Nhưng sau khi nghe Phật-đà giáo thị, tôi mới biết đó là nhận thức sai lầm. Trong xã hội chia ra giai cấp Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xà, Thủ-đà-la các chủng tộc không đồng. Còn trên nghề nghiệp thì có tôn giáo, chánh trị, thương nghiệp, nông công phân loại. Điều ấy không sai, nhưng do đó mà chia cách ra, giải thích về dòng dõi có hơn kém, thiệt là phi pháp. Người trong dòng dõi nào cũng có thiện có ác. Hiện tại trong chủng tộc Bà-la-môn nhiều người làm những điều ác như sát sanh, tà dâm, tà kiến, lại nói rằng là người tôn quý ư? Người tôn quý hay hạ tiện không phải do dòng họ, người tu đạo làm lành, giác ngộ chứng quả, thì chẳng kể thuộc chủng tộc nào đều là bậc tôn quý, là bậc nhất, là thanh tịnh cả.

Dưới lời thuyết giáo ấy, vua Ma-thâu-la chợt giác ngộ, nhà vua tự nói:

- À! Thì ra đó là lỗi của ta. Trong đất nước này, nhà tù chỉ nhốt toàn chủng tộc Thủ-đà-la, còn Bà-la-môn phạm pháp thì không sao cả. Hèn gì, xã hội hỗn loạn, nhân dân ta thán bất bình.

Ca-chiên-diên biết nhà vua thấy được chỗ sai lầm, thật tâm hối lỗi, bèn nói tiếp:

- Đại vương! Đại vương cần tín phụng chánh pháp. Đức Phật đại giác ngộ là bậc tối tôn tối quý trong loài người. Chúng ta quy y Phật làm đệ tử, tìm sự giải thoát tự do cho sinh mệnh, đó thật là hạnh phúc và vinh dự lắm!

Vua Ma-thâu-la được tiếp thọ Phật pháp bình đẳng, bèn yêu cầu Tôn giả giới thiệu để quy y Phật.

Nhà vua ra lệnh đại xá, thả hết những tù nhân dòng Thủ-đà-la, chỉnh đốn lại chánh trị, không còn nể mạnh hiếp yếu, bỏ luôn luật pháp bất công, không phân biệt giai cấp, giữa người và người đều chịu một quốc pháp như nhau. Từ đó toàn cả nước vui mừng, nhân dân lạc nghiệp. Ai nấy đều cảm kích sự giáo hóa của tôn giả Ca-chiên-diên, cảm kích Phật pháp từ bi, bình đẳng.

7- LUẬN VỀ TƯ CÁCH BẬC TRƯỞNG THƯỢNG

Ca-chiên-diên theo đức Phật, tuyên bố chủ trương “Bình đẳng giữa bốn chủng tộc”. Điều ấy khiến nhiều Bà-la-môn không chịu được. Hễ gặp cơ hội họ liền tìm Ca-chiên-diên chất vấn, họ nghĩ rằng “Không triệt hạ Ca-chiên-diên thì các Bà-la-môn từ nay không cất đầu lên nổi”.

Tôn giả Ca-chiên-diên rất giỏi biện luận, không kể người đó là Bà-la-môn quyền uy đến đâu, khi gặp mặt, Tôn giả chỉ dùng vài lời ngắn gọn, không nói dài dòng lôi thôi, đều khiến kẻ vấn nạn phải vui vẻ khâm phục.

Một hôm, Tôn giả ở trong nước Ba-la-nại, cùng với các Tỳ-kheo đồng học thọ thực trong trai đường, tinh xá nằm bên ao Ô-nê. Có một Bà-la-môn, niên kỷ thuộc hàng trưởng thượng, biết Tôn giả đang ở đấy liền đến khiêu chiến. Lão Bà-la-môn chống gậy, làm thinh đứng bên cạnh Ca-chiên-diên, ý ông ta tưởng rằng: Ca-chiên-diên thấy mình đến chắc sẽ đứng dậy nhường chỗ ngồi. Nào dè ngoài ý dự đoán của lão, Ca-chiên-diên chẳng thèm nhìn đến ông, Bà-la-môn đợi hồi lâu bèn nổi giận, lớn tiếng trách:

- Các ngươi là giống gì? Đối với người già cả như ta tại sao không đứng dậy nhường ghế ngồi hử?

Các Tỳ-kheo một phen thất kinh, lắm vị đứng lên định nhường chỗ cho Bà-la-môn ngồi. Chỉ có Ca-chiên-diên chẳng nao núng chút nào, nói với Bà-la-môn nọ:

- Ông là người nào mà đến đây lớn tiếng ầm ĩ? Chúng ta có phép cung kính của chúng ta, nhưng mà ở đây không có ai là trưởng thượng và tiền bối.

Lão đạo sĩ Bà-la-môn nổi giận, quơ gậy chỉ vào cái đầu bạc của mình, nộ khí xung thiên la lên:

- Già cả như lão đây không phải là trưởng thượng hả? Không đáng cho người cung kính hả?

- Ông ấy à? Ông không đáng gọi là già lão, cũng không đáng thọ sự cung kính của chúng tôi! –Ca-chiên-diên nói một cách khi dễ.

- Tại sao ngươi khi người quá vậy?

Lão Bà-la-môn nổi giận lôi đình, lấy gậy chỉ chỏ Ca-chiên-diên. Đối lại, Ca-chiên-diên rất điềm tĩnh, từ tốn nói:

- Tôi thấy cử chỉ và lời nói của ông thô tháo như thế, tôi mới nói ông không đáng gọi là người lớn, không đáng cho người ta kính trọng. Đừng kể là Bà-la-môn, dầu cho tám, chín chục tuổi, tóc bạc răng rụng mà không chân chánh tu đạo, đắm chìm trong trần sắc, không bỏ được phiền não, tham sân tật đố, người đó chỉ đáng gọi là thiếu niên. Như các người tuổi trẻ hai mươi quanh đây, da dẻ còn tươi nhuận, đầu tóc đen nhánh, nhưng họ đã thoát khỏi sự trói buộc của ái dục, không còn tham cầu nơi thế gian, không có chút xíu ý niệm bất bình sân hận. Được như vậy, chúng ta mới gọi người đó là bậc trưởng thượng, là bậc lão túc, đáng được tất cả chúng ta cung kính.

Lão Bà-la-môn nghe nói xong, chẳng biết trả lời lại thế nào, làm thinh đi ra.

8- CÓ ĐẠO ĐỨC KHÔNG PHẢI Ở TUỔI TÁC

Thuyết phục một Bà-la-môn râu bạc, từ đó chẳng được an ổn vô sự gì, danh tiếng Ca-chiên-diên càng to, các giáo đồ Bà-la-môn càng không thể tha thứ Tôn giả.

Lại có một Bà-la-môn khác, rất giỏi biện luận, nghe nói Ca-chiên-diên đối với Bà-la-môn lão niên của họ chẳng những không cung kính mà còn bắt bẻ lại khiến phải ngậm miệng chẳng nói được gì, ông Bà-la-môn này rất tức giận, từ xứ Câu-thi-ni-la ở phía Bắc xa xôi hỏi thăm tìm đến chỗ của Ca-chiên-diên tại thành Ba-la-nại, vừa chạm mặt ông ta đã kêu đích danh Ca-chiên-diên mà hỏi:

- Ca-chiên-diên! Tôi nghe người ta nói, Ca-chiên-diên là gốc Bà-la-môn, nay cải giáo làm Sa-môn, có phải vậy chăng?

- Đúng vậy, ông xem tôi đang đắp ca-sa đây.

- Người phản bội tín ngưỡng của mình, lỗi nhiều ít?

- Từ cái tín ngưỡng tà chấp nọ kia đi theo đạo lý quang minh chánh tín này, không có lỗi gì cả! – Ca-chiên-diên trả lời rất đanh thép.

- Ông chẳng phải là hạng người vô danh tiểu tốt, ông đã từng nghiên cứu tinh thâm pháp điển Mã Nổ của Bà-la-môn chúng ta, ông cải giáo theo Phật, chuyện đó chưa thể bỏ qua, mà còn nghe đồn ông hay giảng thuyết Phật pháp cho các Bà-la-môn để rủ rê họ theo mình, hành động ấy thật là vô lễ.

- Người đã đi qua, chỉ lại cho bạn đồng hành những chỗ lầm lạc của đoạn đường cũ, đó là lời dạy từ bi của đức Phật.

Được kể là hạng người ăn nói, mà gặp phải Ca-chiên-diên, ông Bà-la-môn này cũng chẳng làm gì được. Nhưng ông ta chưa chịu thua, nhớ đến mục đích của mình đến đây, bèn hỏi lại:

- Ca-chiên-diên! Tôi lại hỏi ông điều này. Nghe nói Ca-chiên-diên làm Sa-môn Tỳ-kheo đã không cung kính Bà-la-môn lão túc, không đứng dậy tiếp đón cũng không mời ngồi. Nếu quả như vậy, nếu ông tự cho là Tỳ-kheo, cũng không được vô lễ như vậy.

Ca-chiên-diên thẳng thắn, chậm rãi đáp:

- Câu hỏi của ông, sự thật là thế. Ca-chiên-diên tôi từ khi quy y với bậc Chánh biến tri Phật-đà, quả thật không cung kính phụng sự các lão túc Bà-la-môn, điều đó cũng hợp lý thôi, vì tôi đã chứng thánh quả. Ông đừng đem tuổi tác già trẻ mà đến đây chất vấn, lễ và pháp không thể lộn xộn được.

Bà-la-môn nghe lời biện luận khéo léo của Ca-chiên-diên, rốt cuộc thấy hổ thẹn không nói thêm lời nào. Về sau bỏ tà chấp, yêu cầu tôn giả giới thiệu để làm đệ tử Phật.

Tôn giả thật đáng kính trọng vậy!

9- GIẢI ĐÁP NGUYÊN NHÂN TRANH CÃI

Chân lý nếu không biện biệt thì không sáng tỏ được. Trong Tăng đoàn có một vị như Ca-chiên-diên, khiến bao nhiêu người vấn nạn đều có phần kiêng nể.

Một hôm, Ca-chiên-diên đang ôm bát khất thực trên đường, gặp một đạo sĩ Bà-la-môn đi ngược chiều, ông ta mời Ca-chiên-diên đứng lại và hỏi:

- Tôn giả! Hôm nay gặp Ngài ở đây thật là may mắn. Tôi có một vấn đề muốn thỉnh giáo, mong Ngài lấy tư cách khách quan để giải nghi giùm tôi.

- Chẳng có chi, ông nghi hoặc điều gì?

- Tôn giả! Tôi thấy trên thế gian, Sát-đế-lợi tranh đấu với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh với Bà-la-môn, vì lý do gì mà họ tranh đấu mãi như vậy?

Ca-chiên-diên đáp:

- Vì tham dục mê hoặc.

- Thưa Tôn giả! Vậy chớ Tỳ-kheo các Ngài tranh cãi nhau lại là lý do nào?

- Do ngã kiến và pháp chấp.

Đạo sĩ Bà-la-môn nhắm mắt lại, đưa tay vò đầu dường như cố sức suy nghĩ về lời đáp của Tôn giả. Thái độ của ông ta có phần kỳ quặc khiến dân chúng hai bên đường chú ý. Xưa nay, thầy Tỳ-kheo nói chuyện với đạo sĩ Bà-la-môn ở giữa đường đã là chuyện lạ, huống gì Bà-la-môn này lại có thái độ như thế.

Một vị Tỳ-kheo đắp y vàng, trang nghiêm tề chỉnh đứng đấy, cùng một đạo sĩ Bà-la-môn khổ hạnh râu tóc phủ khắp mình, lại đứng nhắm mắt vò đầu lia lịa, bốn phía quần chúng chú mục vào hai người như sắp sửa xem một vở tuồng vui nhộn.

Đạo sĩ Bà-la-môn suy nghĩ một chặp, mở mắt ra lại hỏi:

- Tôn giả! Ngài đáp rất công bình hợp lý, song tôi nghĩ rằng trên thế gian này có nhân vật nào ly khai được tham dục, ngã kiến và pháp chấp không?

Ca-chiên-diên chẳng chút do dự đáp ngay:

- Có lão sư của tôi là đức Phật, hiện đang thuyết pháp tại thành Xá-vệ. Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài không còn phiền não tham dục, ngã kiến, pháp chấp, là bậc đạo sư của ba cõi, là mô phạm của nhân thiên.

Đạo sĩ Bà-la-môn rất cảm kích đối với lời thuyết pháp của Ca-chiên-diên, ông ta liền yêu cầu Tôn giả giới thiệu cho ông ta quy y Phật, làm một đệ tử cư sĩ.

Quần chúng bên đường mục kích cảnh Tôn giả thuyết phục đạo sĩ đều hoan nghênh. Nhiều người quỳ tại chỗ đảnh lễ Tôn giả như chúc mừng thắng lợi! Tuy vậy, Tôn giả chẳng lộ vẻ tự đắc, Ngài khiêm tốn đáp lễ lại mọi người, và cùng Bà-la-môn (nay đổi thành cư sĩ tục gia) cáo biệt, thản nhiên tiếp tục con đường khất thực của mình.

10- RĂN DẠY BỌN THIẾU NIÊN VÔ LỄ

Ca-chiên-diên xuất thân từ Bà-la-môn và qua lại biện luận với Bà-la-môn rất nhiều. Thảy đều do Tôn giả là một nhân vật cao cấp, có danh vọng và địa vị trong giáo phái Bà-la-môn, một phen cải giáo quy y Phật. Điều ấy làm chấn động cả một tín ngưỡng thần quyền.

Các giáo sĩ Bà-la-môn công kích vấn nạn Ca-chiên-diên rất nhiều, nhưng số Bà-la-môn duy trì tình bằng hữu với Tôn giả, tự giác tín ngưỡng cần để tự do cũng không phải ít.

Một phen nọ, Ca-chiên-diên hành hóa tại cố hương A-bàn-đề (Avanti) thôn Di-hầu. Trong thôn có một Bà-la-môn tên Lỗ-ê-già, ông ta đối với Tôn giả rất cung kính tôn trọng.

Một hôm, đám thiếu niên con em của Bà-la-môn Lỗ-ê-già lên núi chặt củi, bọn chúng đi ngang một hang đá thấy Ca-chiên-diên đang tĩnh tọa bên trong, chúng liền kêu réo nhau ồn ào, đem Tôn giả làm trò đùa với nhau.

- Ê! Lại đây! Mày lại đây coi Sa-môn đầu trọc ở đây nè!

- Nhìn làm quái gì? Lão trọc ấy chẳng có thú vị gì cả!

Đám đệ tử của Lỗ-ê-già nhao nhao mỗi người một câu rần rộ ngoài cửa động, trong bọn này có một tên can gián:

- Úy! Các bạn đừng chế nhạo người ấy, ổng là người thầy mình tôn kính lắm đó.

Tuy vậy, bọn thiếu niên bướng bỉnh vẫn cười đùa, chế nhạo ầm ĩ, thậm chí còn lấy đá chọi vào hang.

Ca-chiên-diên đang tĩnh tọa phải đứng dậy bước ra ngoài, răn dạy bọn chúng một phen:

- Này các chú! Lúc trước các Bà-la-môn tu hành đàng hoàng, cấm tuyệt ngũ dục. Bây giờ thì Bà-la-môn cưới vợ đẻ con, giống như người thế tục. Các chú xem hành vi của các chú chẳng khác bọn trẻ nít hoang đàng vô lễ, bộ thầy các chú dạy như vậy đó hả?

Thái độ của Ca-chiên-diên oai nghi như sư tử làm bọn thiếu niên nép một bên chẳng dám hó hé, nhưng trong bụng rất căm tức. Lúc về nhà, bọn chúng liền mách lại với Lỗ-ê-già, nói Ca-chiên-diên đã mắng chửi Bà-la-môn thế nọ, thế kia.

Lỗ-ê-già nghe xong, nổi giận nói rằng:

- Ta đối với Ca-chiên-diên rất tôn kính mà ông ấy trở lại mắng nhiếc chúng ta, ta phải đi tìm ông ấy hỏi cho ra lẽ!

Lỗ-ê-già sát khí đằng đằng tức tốc chạy đến thạch động của Tôn giả, phen này không làm lớn chuyện không xong. Nhưng khi gặp Ca-chiên-diên nghiêm trang, ôn hòa thuật lại những lời của bọn trẻ và lời nói của mình cho ông ta nghe. Lỗ-ê-già cảm thấy xấu hổ, cúi đầu chẳng nói lời nào.

Ca-chiên-diên thừa cơ hội nói tiếp:

- Này bạn Lỗ-ê-già! Ông nghe tôi nói đây, tín ngưỡng và sự tu tập của chúng ta là cốt giải thoát sanh tử, đạt được sinh mệnh tự do. Trăm ngàn lần không thể đem tín ngưỡng và việc tu biến thành một thứ nghề làm ăn. Hiện nay, trong số các đạo sĩ Bà-la-môn, làm lễ cúng tế cho người đời, dường như là có ý kinh doanh, lìa gia đình để làm Bà-la-môn tu đạo có được mấy người chân chánh? Phần lớn toàn là vì danh văn lợi dưỡng, tự mình làm ra vẻ chí thành mà thật là hư dối. Đã không được cứu độ mà mang chiêu bài tôn giáo để thỏa mãn dục vọng của riêng mình, thiệt là chuyện đáng buồn!

Các Bà-la-môn thời nay đều là ngoài tâm cầu pháp, nếu không cầu phước báo nhân thiên thì cũng đem hiện tượng trong vũ trụ ra mà giải thích tới lui, có mấy người nhận thức được chính mình? Thầy của tôi là đức Phật, là vị cứu tinh cho các nhà tu đạo đang lẩn quẩn trên đường tôn giáo. Ông là hảo hữu của tôi, mong rằng ông sẽ bỏ mọi điều tà chấp, đừng ham làm thầy thiên hạ, đem tâm tình bao la đồng theo đức Phật mà học tập với tôi đi!

Lỗ-ê-già nghe xong, lộ vẻ thẹn mà nói:

- Tôn giả! Ngài nói rất đúng. Giờ đây tôi sẽ nhất nhất làm y theo lời chỉ giáo của Ngài.

Thiệt là tợ như vác cây đại đao muốn đâm người, mà chẳng đâm trúng Ca-chiên-diên, trở lại bị Tôn giả dùng lời lẽ sắc bén bẻ gãy, Lỗ-ê-già chỉ còn cách buông hết các thứ võ trang vọng tà chấp, đầu hàng Ca-chiên-diên – Luận nghị đệ nhất .

11- THUYẾT MINH LÝ VÔ THƯỜNG

Ca-chiên-diên biện tài vô ngại, nghị luận già dặn không ai sánh kịp, trong Tăng đoàn cũng như ngoài xã hội, danh cao vòi vọi không ai không biết.

Đức Phật rất thích các đệ tử lỗi lạc, chỉ cần có chút khả năng cũng được nêu lên tán dương. Ca-chiên-diên là một thánh đệ tử phi thường, đức Phật mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe nói đến tên tôn giả đều rất hài lòng. Cho nên một hôm Ngài đến giáo hóa nước A-bàn-đề, bèn bảo Tôn giả thay Ngài giảng nói đạo lý vô thường cho tứ chúng.

Ca-chiên-diên đảnh lễ đức Phật trước sau mới nói:

“Các vị đại thiện tri thức! Tất cả mọi sự tụ hội đều có lúc ly tán, có sanh ắt có tử, có thành thì có hoại, các pháp hữu vi trên thế gian dù cho sơn hà đại địa, sum la vạn tượng cũng không thoát khỏi pháp tắc vô thường!

Các vị hãy nhìn xem, mùa xuân trăm hoa đua nở, một trận gió thu thổi tới liền biến thành cảnh tượng lá vàng rơi lả tả, vốn là tuổi trẻ mặt đẹp sắc hồng, trải qua năm tháng liền thành da nhăn tóc bạc, già nua lụm cụm.

Làm người nếu quả như không thoát khỏi sự vô thường thì cái sinh mệnh ngắn ngủi này thiệt là cô độc và bi ai lắm. Như giọt sương đọng trên cành, vừa lúc mặt trời lên chiếu rọi muôn ngàn tia sáng, nó đã tan biến theo bóng đêm.

Quyến thuộc, ân ái mà đến lúc già chết cũng không ai thay thế được. Con cháu hiếu thuận, trong lúc ông bà xuôi tay nhắm mắt cũng chỉ biết vây quanh người mà khóc kể, khóc đến mấy cũng không níu được vô thường, cũng không làm ông bà sống lại.

Kim ngân tài bảo cũng chẳng nương cậy được vững bền. Qua một cơn thiên tai, hỏa hoạn liền mất hết giá trị. Danh vọng quyền thế cũng không thật, trên thế gian có vương hầu nào không từng bị lật đổ?

Không rõ lý vô thường sẽ bị màu sắc rối ren của thế gian lừa đảo. Kìa là thiên nhiên núi xanh sông biếc, kìa là loài người sức khỏe tráng kiện, đây xã hội, đèn hồng rượu lục, mấy thứ ấy mới nhìn qua thật thú vị vô cùng, mà cũng thật là cạm bẫy hại người, vì đã chứa sẵn sự vô thường lo sợ.

Suy nghĩ kỹ mà xem, thế gian chỉ có vô thường là trên hết, nơi nơi đều là hư ngụy, giả dối lừa đảo. Chỉ có chân lý nhân quả và nghiệp lực mỗi người tạo tác là không hư ngụy, không dối gạt thôi. Nhân quả và nghiệp lực như bóng theo hình, dù sống dù chết chúng đều theo dính bên ta.

Vì thế, thưa các vị đại thiện tri thức! Người tu chúng ta cần phải có tinh thần khiêu chiến với con ma vô thường. Theo lời chỉ dạy từ bi của Phật-đà, chúng ta cần phải nỗ lực khẩn thiết tu tập, nhận thức được bộ mặt thật của chính mình, phá tan thế gian vô thường, chứng đắc sinh mệnh vĩnh cửu. Chúng ta không cầu sống, mà cũng chẳng bị chết!”

Lời chỉ dạy thống thiết của Tôn giả, nghĩa lý phân minh làm cảm động tất cả tứ chúng trong hội.

Thay Phật thuyết pháp, chỉ có Ca-chiên-diên biện tài nghị luận, mới đầy đủ tư cách ấy, mới được vinh dự ấy.

12- NÓI ĐẠO LÝ PHÁT TÀI CHO KẺ NGHÈO

Sau khi tuyên hóa tại nước A-bàn-đề, Tôn giả trở về nước Xá-vệ để nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Trên đường đi, Tôn giả gặp một phụ nữ tay cầm vò nước, ngồi khóc thảm thiết bên mé sông. Thấy qua cảnh tượng, tự nhiên Tôn giả động tâm và sanh lòng lân mẫn, Ngài e rằng cô này vì một chuyện bất đắc chí nào đó, không giải quyết được mà nhào xuống sông tự vẫn.

Tôn giả đến trước và hỏi:

- Này cô! Chuyện gì khiến cô buồn thảm mà ngồi đây khóc lóc?

Cô kia càng khóc lớn:

- Chẳng việc gì đến ông, nói với ông làm quái gì?

- Này cô! Cứ nói tôi nghe, tôi là đệ tử Phật, tôi có thể giúp cô giải quyết vấn đề được chứ.

- Ông mà làm cái gì. Ông coi, trên đời này không công bằng, giàu nghèo khác nhau trời vực. Tôi là một kẻ nghèo cùng suốt đời khổ sở, tôi bị cái khổ bần cùng mãi, đến nỗi không còn muốn sống nữa.

Cô nói xong, lại lăm le nhảy xuống nước, Ca-chiên-diên vội kéo cô ta lại, từ bi giảng giải:

- Này cô! Đừng buồn thảm như vậy. Trên đời này có biết bao nhiêu người nghèo đâu phải mình cô. Vả lại, nghèo cùng không hẳn là bất hạnh, là khổ sở. Kẻ giàu chưa chắc là khoái lạc. Cô coi mấy người phú hộ lắm của nhiều tiền kia, hằng ngày cứ bị tham dục sân si quấy rối khổ sở. Làm người ở đời chỉ cần sống bình an là quý, bần cùng có gì bi thảm đâu nào?

Cô ta lại vùng vằng la lối:

- Ông là Sa-môn, ông không cần đến tình đời, còn tôi đâu có được. Ông phải biết tôi là đầy tớ cho một nhà phú hộ, cùng đời mạt kiếp làm kẻ tôi đòi, cơm áo không đủ, tự do chẳng có, mà còn gặp chủ nhân hắc ám, tham lam hung dữ chẳng có chút xíu từ tâm. Tụi tui làm công chuyện hễ sai một chút là lãnh đòn, nghe chửi, muốn sống không yên, muốn chết chẳng được, nghĩ đến nỗi cùng cực đó đều do kiếp nghèo mà ra, bảo sao tôi không buồn không khổ?

- Cô à! Tuy nhiên như vậy, cô cũng đừng bi quan. Tôi sẽ chỉ cho cô một cách phát tài và thoát khỏi nghèo khổ.

- Cách gì vậy ông? – Cô ta quẹt nước mắt, hy vọng nhìn Tôn giả.

- Ồ, cách này rất đơn giản. Cô đã bị bần cùng làm khổ, thì cô cứ đem bần cùng bán quách cho người khác đi.

- Bần cùng mà bán cho ai? – Cô nọ lại la lên – Ông lại nói giỡn, bần cùng mà đem bán được thì trên cõi đời này không còn người nghèo. Có ai mà chịu mua cái nghèo bao giờ?

Ca-chiên-diên trả lời:

- Bán cho tôi, tôi chịu mua.

- Bần cùng có thể bán được, mà cũng là ông mua. Nhưng ở đời này ai biết cách bán nó ra sao.

- Hãy bố thí! Tôn giả khai thị tiếp. Cô nên biết sự giàu nghèo ở đời đều có nhân duyên. Người nghèo sở dĩ nghèo hoài là vì đời trước không chịu bố thí và tu phước, người giàu sở dĩ giàu sang sung sướng là vì đời trước họ đã bố thí và tu phước. Vì vậy bố thí, tu phước là cách bán nghèo mua giàu tốt nhất đó.

Người nữ tỳ nghe xong, Trí tuệ khai thông, đến hôm nay cô mới biết cách làm giàu. Nhưng cô lại đau khổ mà hỏi rằng:

- Thưa Tôn giả! Ngài dạy chí phải, con đã biết cách để được phát tài. Nhưng con nghèo quá mức không có chút gì cả, cái vò nước trong tay con cũng là của chủ nhà, họ giữ của còn hơn giữ mạng sống, Ngài bảo con bố thí cái gì bây giờ?

Ca-chiên-diên đưa bình bát cho cô ta, nói:

- Bố thí không cần phải là tiền bạc, thấy người khác bố thí mà mình phát tâm vui vẻ cũng được. Cô hãy múc nước đổ đầy bát cho tôi, đó là cô đã bố thí rồi!
Người nữ tỳ liền hiểu rõ ý nghĩa bố thí, liền làm theo lời dạy. Về sau nhờ công đức cúng nước cho Tôn giả, cô được sanh lên cõi trời Đao Lợi.

Ca-chiên-diên đầy đủ phương tiện thuyết pháp, gọi rằng Luận Nghị Đệ Nhất, thật là danh bất hư truyền.

13. ĐỔI ÁI TÌNH THÀNH TỪ BI

Một hôm, Tôn giả đi giáo hóa tại một nước rất xa xôi tên Ba-la-lê-viên và cư trú trong rừng trúc của một trưởng giả.

Đương lúc đó, vua nước ấy – Văn Đồ Vương gặp một biến cố đau đớn, đó là vị đệ nhất vương phi mà vua rất yêu dấu chẳng may mệnh bạc. Nhà vua buồn khổ muôn phần, bỏ ăn bỏ uống, không ngó ngàng gì đến triều chánh, ngày nào cũng khóc lóc thảm thiết.

Người đã chết, dù là bậc quyền thế tôn quý như vua chúa, cũng không thể bảo sống trở lại được. Vua Văn Đồ thì không thể nào quên tình ân ái cũ, ra lệnh các quan đại thần ướp xác vương phi và quàn trong cung, mỗi ngày nhà vua đều đối diện tử thi mà than thỉ:

- Ôi! Cái miệng xinh kia sao không nói chuyện với trẫm? Đôi tay kia sao không ôm trẫm? Vương phi yêu dấu ôi! Sao không chịu mở mắt nhìn trẫm?

Nỗi bi ai của nhà vua cứ triền miên bất tận như thế, các quan đại thần cũng chẳng có cách gì, họ khuyên can nhà vua xin đừng buồn thảm quá độ, nhà vua chẳng để tai lời nào, lại nói: “Muốn nhà vua hết buồn, cách tốt nhất là làm sao cho vương phi sống lại” nhưng chuyện ấy ai mà làm được.

Trong lúc bối rối, bế tắc, các đại thần chợt nghĩ ra: Tôn giả Ca-chiên-diên hiện đang giáo hóa ở đây, hy vọng nơi oai đức và tài biện luận khéo léo của tôn giả, chắc thuyết phục nhà vua có thể dứt bỏ mối bi ai, lấy lại dũng khí mà chỉnh đốn triều ca.

Các quan dâng kiến nghị lên vua:

- Muôn tâu đại vương! Trong nước ta hiện nay có một đại đệ tử của đức Phật đang du hóa, đó là tôn giả Ca-chiên-diên, một bậc đại thần thông, đại oai đức, Trí tuệ uyên bác không vấn đề gì không hiểu, ngay cả văn tự Phạm Thiên trên tấm bia cổ Ngài cũng biết được! Tôn giả biện tài vô ngại, mỗi khi nói chuyện gương mặt thường nở nụ cười. Xin thỉnh đại vương hãy đến gặp Ngài, chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích.

Vua Văn Đồ nghe tâu, vội hỏi:

- Thần thông của người ấy có thể gọi vương phi ta sống dậy không?

Các đại thần lúng túng, đều chẳng biết trả lời ra sao, trong ấy có một vị đã từng nghe tôn giả thuyết pháp, cung kính đáp:

- Muôn tâu đại vương! Có thể hay không thể làm cho vương phi sống dậy, điều ấy chúng thần không dám trả lời chắc, chuyện ấy chỉ có đến thỉnh giáo tôn giả Ca-chiên-diên mới biết được thôi.

Vua Văn Đồ chuẩn y lời tâu của các quan liền lập tức ban lệnh đi ngay. Nhà vua ngự xe loan, mang theo nhiều lễ vật đến rừng trúc. Gặp mặt Tôn giả vua liền yêu cầu cứu mạng cho vương phi hồi sinh.

Ca-chiên-diên bẻ một nhánh cây gần đấy, nói với nhà vua:

- Này đại vương! Hãy đem nhánh cây này về cung, mà giữ cho nó tươi xanh hoài, đừng khô héo, được không?

- Điều đó không thể được, cây đã lìa cội rễ, làm sao mà sống, mà xanh tươi.

- Vậy thì phu nhân đã hết nghiệp, thọ mạng đã chấm dứt, mà bảo sống trở lại, chuyện ấy làm được sao?

Ca-chiên-diên hỏi trở lại, vua Văn Đồ ngay lúc đó liền giác ngộ lý vô thường, người đã chết không thể sống lại.

Tôn giả biết tâm nhà vua, liền thuyết pháp tiếp theo:

- Này đại vương! Ngài là vua một nước, Ngài cai trị toàn dân, toàn thể dân chúng là người của nhà vua chớ chẳng riêng một mình vương phi là của vua đâu. Đại vương nên đem tấm lòng thương một mình vương phi mở rộng ra thương khắp hết người trong thiên hạ, dùng từ bi thay thế tình yêu riêng tư, thì quốc gia mới hưng thịnh, dân chúng sẽ ủng hộ nhà vua mãi mãi.

Vua Văn Đồ nghe xong, bừng tỉnh cơn mê, dứt hết mọi buồn thương, đảnh lễ cáo biệt tôn giả, trở về cung an táng vương phi, chỉnh đốn triều chánh, thương dân như con. Từ đó cả nước mừng vui, ai nấy đều cảm kích tài khéo thuyết pháp của Tôn giả Ca-chiên-diên.

Ngày nay khói lửa tràn lan trên thế giới, chúng ta mong mỏi tinh thần Nghị luận đệ nhất của Tôn giả Ca-chiên-diên sống lại trong Tăng đoàn Phật giáo để thuyết phục các nhà lãnh tụ hiếu chiến kia.
 

[ Quay lại ]