headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Giỗ Tổ lần thứ 41 - THANH TỊNH


TỔ SƯ GIẢNG VỀ -THANH TỊNH-

Lễ giỗ Tổ lần thứ 41

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Cung kính ngưỡng bạch Giác linh Tổ sư,
Cung kính ngưỡng bạch Hòa thượng Ân sư,
Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể đạo tràng Phật tử
,

Hôm nay Lễ Giỗ Tổ lần thứ 41, để tưởng nhớ đến thâm ân giáo dưỡng và công đức huấn dục của Tổ sư, chúng con trích bài giảng về Thanh tịnh của Tổ sư, kính nguyện Giác linh Tổ sư từ bi chứng giám.

***

Định nghĩa:

Thanh là trong. Tịnh là sạch. Thanh tịnh là tánh trong sạch, không vướng cáu bẩn, nhơ nhớp, là tánh trầm lặng, không náo động ồn ào. Thanh tịnh là tánh đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa ô uế tạp nhạp, lăng xăng trong cõi đời ô trược này.

1. Thân thanh tịnh: Thân thể sạch sẽ, không chải chuốt son phấn. Áo quần phải luôn thay giặt, không rách rưới nhưng cũng không xa hoa, lòe loạt kiểu cách. Thức ăn uống giản dị, không rượu chè, trộm cướp, sát hại, dâm ô, hút sách, không cao lương mỹ vị. Chỗ nghỉ ngơi hợp vệ sinh, không giường cao nệm gấm, không trướng rũ màn che.

2. Khẩu thanh tịnh: Lời nói luôn luôn chân thật, không thêm không bớt, không ngọt như mật, không chua như dấm, không suồng sã bỡn cợt, không sừng sộ gầm thét, không hỗn hào độc dữ, không nặng nề sắc bén… Trái lại, lời nói trong trường hợp nào cũng phải trong sạch, ôn tồn, đúng đắn, lợi ích cho mọi người chung quanh.

3. Ý thanh tịnh: Ý là phần quan trọng, chi phối tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động, đời sống của con người. Ý trong sạch thì đời sống dễ trong sạch, ý nhiễm ô thì đời sống bị xấu xa, hoen ố. Ý trong sạch là thế nào? Là không vẩn đục bởi những tánh tham lam giận dữ kiêu căng, si mê nghi ngờ. Mỗi khi ta suy nghĩ, tưởng nhớ một điều gì, mà tư tưởng ta không bị trộn lẫn bởi những tánh xấu nói trên, như thế là ý nghĩ được thanh tịnh. Ý ta không nhiễm mùi dục vọng, ý ta trong sáng như thủy tinh, vắng lặng như mặt nước hồ thu, sáng chói như mặt trời trí tuệ, thơm ngát hương từ bi, như thế là ý thanh tịnh.

4. Hành động thanh tịnh: Làm việc không vì danh lợi riêng mình. Người có hành động thanh tịnh không mưu mô tính toán, không ỷ mạnh hiếp yếu, không ỷ giàu hiếp nghèo, không ỷ thế hiếp cô. Người có hành động thanh tịnh không xu nịnh ai, không sợ hãi ai. Người có hành động thanh tịnh bao giờ cũng thẳng thắn, đường đường chính chính, không bao giờ có một hậu ý đen tối nào trong lúc làm việc.

Công năng của thanh tịnh:

Mặc dù con người có Phật tánh nhưng vẫn mê mờ và trôi lăn trong cảnh giới tối tăm đau khổ, là vì còn đầy dục vọng, nhiễm ô nên tánh Phật bị che lấp. Tánh Phật như nước trong, dục vọng như cáu bẩn làm vẩn đục nước trong. Muốn làm cho nước trong phải cần đến phèn, cũng thế muốn cho tánh Phật không bị nhiễm ô phải cần đến thanh tịnh. Thiếu đức tánh thanh tịnh thì dù cố công trì chí bao nhiêu trong việc tu hành cũng vô ích, như nấu cát mà mong thành cơm. Dù ta có làm bao nhiêu việc bố thí lợi tha mà tâm thiếu thanh tịnh thì những việc làm ấy cũng mất hết ý nghĩa cao quý và hiệu quả của chúng.

Người thanh tịnh sẽ có một đời sống nhẹ nhàng thanh thoát, tâm không bận bịu một ý nghĩ đen tối nào, thân khoan khoái dễ chịu. Người thanh tịnh đi đến đâu như mang theo một vùng ánh sáng, một làn khí trong, như tỏa ra một mùi hương mát dịu. Người thanh tịnh chẳng khác gì một đóa hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người Phật tử phải dưỡng tánh thanh tịnh như thế nào trong đời sống hàng ngày? Tánh chất của thanh tịnh bao gồm tất cả mọi phương diện của đời sống. Cho nên, muốn dưỡng tánh thanh tịnh, chúng ta không thể chú trọng đến phần vật chất mà bỏ phần tinh thần hay ngược lại chú trọng phần tinh thần mà bỏ phần vật chất. Đừng ngụy biện rằng: “Tu là cốt ở tâm, hình thức không đáng kể. Ta thanh tịnh ở trong lòng là đủ rồi”. Nói như thế là không nhận rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh.

Hoàn cảnh thanh tịnh bên ngoài giúp ta dễ thanh tịnh bên trong. Tất nhiên trong cõi đời ô trọc này, khó có cảnh hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng trong phạm vi tương đối, ta có thể tạo ra hay tìm kiếm một hoàn cảnh tạm gọi là thanh tịnh. Ta tập sống vệ sinh, điều độ, thứ tự; tập hành động theo lẽ phải. Ta tìm kinh sách có những tư tưởng trong sáng tiến bộ để đọc, tìm thầy bạn có đạo đức để học hỏi kết giao, tìm những cảnh chùa theo đúng chánh pháp để tới lui tu dưỡng.

Trong khi chúng ta tìm được một hoàn cảnh tạm gọi là thanh tịnh, hành động những việc có tính cách thanh tịnh rồi, chúng ta đừng vội thỏa mãn, yên trí là đã tiến được trên con đường thanh tịnh. Chúng ta cần phải đề phòng những ý nghĩ nhỏ nhiệm sâu kín, đen tối, xấu xa len lén chen vào trong những công việc tốt đẹp của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành nhiễm ô. Sau đây là vài thí dụ thường thấy hàng ngày:

Chẳng hạn khi ta cho kẻ hành khất một vài đồng, vì lòng thành thật thương xót họ. Đó là một việc thiện quý báu. Nhưng nếu bên cạnh động lực chính ấy, ta còn có ý mong cho người chung quanh biết mình là kẻ nhân từ. Như thế là bố thí mà còn bị phiền não tham danh chen vào.

Khi ta giúp đỡ ai một điều gì mà ta mong ước một ngày kia người ấy sẽ giúp đỡ lại ta, như thế là làm việc lợi tha với động lực ích kỷ.

Khi ta đến chùa vì mục đích muốn hiểu đạo và cầu giải thoát, nhưng vì đến chậm hay thiếu chỗ, ta phải đứng lạy sau người, hay ngồi nghe giảng vào hàng ghế cuối hoặc ăn uống không được trọng đãi v.v… ta đâm ra buồn phiền trách móc: “Tôi như thế này mà nhà chùa để tôi đứng sau, ngồi dưới, xem thường, khinh dễ v.v…” Như thế là đến chùa để tìm thanh tịnh mà hóa ra lại đi ôm ấp thêm phiền não ô trược.

Những thí dụ trên cho chúng ta thấy hoàn cảnh thì thanh tịnh, việc làm tốt đẹp mà động cơ thì bất tịnh, nhiễm ô. Vậy trong đời sống hàng ngày, mỗi lúc nghĩ, mỗi lúc nói, mỗi lúc làm, nằm ngồi đi đứng, chúng ta phải luôn luôn tự xét xem mình đã thanh tịnh chưa. Trong trường hợp những nhiễm ô thô thiển dễ trừ, ta hãy mạnh dạn trừ ngay. Trong những trường hợp nhiễm ô sâu xa, vi tế khó trừ, ta hãy tập phép quán “nhị không” để phá trừ ngã chấp và pháp chấp. Làm được như thế là ta đã dưỡng tánh thanh tịnh của Phật mà mỗi chúng ta đều sẵn có.

***

Kính bạch Giác linh Tổ sư,

Giờ đây trước án tiền giác linh của Tổ sư, toàn thể hàng môn hạ pháp tử, pháp tôn chúng con nguyện một lòng vâng theo di huấn của Tổ, xin suốt đời nỗ lực tu học, noi gương Tổ sư và Hòa thượng Ân sư làm tròn sứ mệnh của người con Phật, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngõ hầu đền đáp phần nào công đức sâu dày của Thầy Tổ.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

[ Quay lại ]