headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

DƯỠNG TÁNH của TỔ SƯ

 Sự nghiệp quan trọng nhất trong đời của Hòa thượng, là những tác phẩm và dịch phẩm do nhà xuất bản Hương Đạo ấn hành. Để tưởng niệm lại công đức của Tổ sư, chúng ta cùng nhau lắng lòng ôn lại những lời dạy của Ngài qua một trích đoạn trong bài Dưỡng Tánh sau đây:

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nghe hay thường quen miệng nói đến hai chữ “tu dưỡng” chẳng hạn như: “Con nên tu dưỡng tánh tình để thành người có đức hạnh” hay “Nó hư vì không biết tu tâm dưỡng tánh”. Hai tiếng tu dưỡng thường đi đôi với nhau, nên chúng ta thấy mường tượng như chúng nó nghĩa giống nhau. Thật ra, mỗi chữ có một nghĩa khác nhau, có một phạm vi, một tác dụng riêng biệt. Tu là sửa, mà dưỡng là nuôi. Người ta sửa cái xấu, mà nuôi cái tốt. Sửa là trừ mà nuôi là cộng; tu có tánh cách tiêu cực, dưỡng có tánh cách tích cực. Một bên tiêu trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Một bên làm cho hết hư, một bên làm cho thêm nên. Mọi sự vật trong cuộc đời tương đối này đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu ta phải tu, đối với cái tốt ta phải dưỡng. Chẳng hạn khi ta trồng một cây gì, công việc của chúng ta có hai phần lớn: bắt sâu bọ, trừ nước phèn, nước mặn, đó là tu hay sửa. Bón phân tưới nước ngọt cho nó đủ thoáng khí và ánh nắng mặt trời, đó là bổ hay dưỡng. Tu bổ một cái cây cho nó đôm hoa kết trái là thế.

Công việc trồng cây Bồ-đề trong mỗi người chúng ta cũng tương tự như thế, nhưng tất nhiên là phải tốn nhiều công phu tu bổ hơn, vì nó rất khó trồng. Nó không chịu được bóng rợp si mê của rừng vô minh, mà phải có ánh sáng của mặt trời trí tuệ. Nó không chịu được nước phèn nước mặn của ao sân hận, độc ác, mà phải có nước ngọt của suối từ bi, nó không chịu được xú khí của đóng rác phiền não ô trọc, mà phải có không khí trong sạch của bầu trời thanh tịnh. Nó không thể sống trên một miếng đất lồi lõm, nơi cao nơi thấp của triền núi bất bình đẳng, mà chỉ sống giữa đồng bằng bình đẳng. Nhưng ở đây chúng ta phải coi chừng trâu bò của anh chàng trọc phú tham lam, thường thả rong ăn phá. Để ngăn đón những dẫm đạp, ta phải làm một cái hàng rào trì giới hay xây một cái thành tự tại. Ta lại còn phải luôn luôn tìm bắt cho hết những con sâu ích kỷ, giải đãi, tiêu cực, nghi ngờ. Trong công việc này, ta cần nhờ sự giúp sức của những con kiến lợi tha, nhẫn nhục, tích cực, tinh tấn, để diệt trừ trong trứng những con sâu bọ kia.

Thế thì, trong công việc trồng cây Bồ-đề này, mặc dù phức tạp, nhưng có thể chia làm hai loại chính: một loại là bài trừ những ảnh hưởng xấu ở chung quanh gọi là tu, một loại là bồi bổ cho cái mầm quý báu của cây Bồ-đề mỗi ngày mỗi lớn mạnh gọi là dưỡng. Hai loại công việc ấy, người trồng cây Bồ-đề không được xem loại nào trọng loại nào khinh, loại nào cần thiết, loại nào bỏ qua. Tu mà không dưỡng thì kết quả khó thành, dưỡng mà không tu thì kết quả khó toàn vẹn.

Nhưng chúng ta đừng nên thấy công việc trồng cây Bồ-đề này khó khăn, phức tạp mà ngã lòng, thối chí. Không có công việc gì tốt đẹp vĩ đại mà không khó khăn. Không có hoa hường nào mà không có gai. Vì sợ gai mà ta không dám hái hoa hường sao? Cây Bồ-đề một khi nhờ công phu tu dưỡng của ta mà đơm hoa kết trái thì công dụng của nó thật vô cùng lớn lao. Không phải riêng ta mà muôn ngàn người đều được hưởng thụ. Sách có nói “Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương”, nghĩa là một người làm phước muôn người được hưởng, một cây trổ hoa muôn cây đều được thơm lây.

Dưỡng tánh ở đây là dưỡng tánh gì? Tất nhiên không phải là tánh tình tầm thường có tốt có xấu của chúng ta, cũng không phải tánh thiện mà thầy Mạnh Tử thường nói. Tánh đây là tánh Phật. Tánh Phật ở đâu mà dưỡng? Thưa, nó có sẵn trong mỗi người chúng ta. Phật dạy “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Song vì chúng sanh không biết dưỡng tánh Phật của mình, để cho nó bệnh hoạn, gầy mòn, tiều tụy, nên nó không có sức để phát sinh những đức tánh phi thường và đưa chúng ta đến quả vị Phật. Vì không biết dưỡng tánh Phật nên từ vô thủy đến giờ, chúng ta bị trầm luân trong biển khổ sanh tử, vĩnh kiếp làm chúng sanh. Nay nếu chúng ta không sớm lo dưỡng tánh Phật của mình, thì từ đây về sau, chúng ta cũng vẫn còn quanh quẩn mãi trong nẻo tối luân hồi.

Tánh Phật cũng gọi là Bồ-đề, Niết-bàn, Chân tâm… Tánh Phật không có một chút cáu bẩn mà hoàn toàn trong sạch. Tánh Phật không giới hạn mà rộng rãi mênh mông như vũ trụ. Tánh Phật không có nhược điểm mà đầy đủ công năng, diệu dụng.

Sau đây, chúng tôi chỉ trình bày một số ít những đức tánh Phật của các kinh điển thường nói đến thôi.

1. Trí tuệ:

Trí tuệ là tánh sáng suốt xét soi cùng khắp không bị ngăn che, trở ngại. Trí tuệ tiếng Phạn gọi là “Prajna”, tiếng Trung Hoa dịch âm là Bát-nhã hay Đại trí tuệ. Để chỉ rõ cái rộng lớn linh diệu, hiệu quả của trí tuệ, nhiều khi trong kinh còn gọi là Bát-nhã Ba La Mật, nghĩa là trí tuệ sáng suốt cùng tột và chắc chắn sẽ đưa người tu hành đến quả vị Phật.

Nếu vô minh là cái màn đen tối bao trùm vạn vật, làm cho chúng sanh không nhận được sự thật của vũ trụ vạn hữu và do đó làm cho chúng sanh phải đau khổ thì trí tuệ trái lại, là khí giới duy nhất có công dụng phá tan được màn vô minh ấy, làm cho chúng sanh thấy rõ được sự thật vũ trụ vạn hữu và thể nhập vào sự thật ấy, để sống một cuộc sống an vui tốt đẹp.

Nói về trí tuệ, trong kinh Di Giáo, Phật có dạy:

“Người có trí tuệ không tham trước, tự tại, sáng suốt, tránh khỏi hố hầm tội lỗi. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền kiên cố, đưa chúng sanh khỏi biển khổ sông mê, là ngọn đèn sáng soi miền hắc ám, là liều thuốc chữa được muôn ngàn bệnh tật, là chiếc búa sắt đập tan rừng phiền não, là lưỡi dao bén cắt đứt lưới vô minh”.

Khi nói đến trí tuệ nhiều người tưởng lầm theo nghĩa trong đạo Phật cũng như sự thông minh hiểu biết giữa thế gian, nhưng chỉ khác là trí tuệ của Phật rộng rãi, sáng suốt hơn. Thật ra, sự thông minh hiểu biết của thế gian và trí tuệ của Phật có nhiều điểm sai khác. Do sự sai khác đó, giáo lý kinh điển Phật giáo phân biệt hai thứ trí tuệ: trí tuệ thế gian và trí tuệ trong đạo Phật.

Trí tuệ thế gian là cái hiểu biết của thế gian, còn nhiều sai lầm, sơ sót khiến cho người ta cứ trôi lăn mãi trong ba cõi sáu đường. Trí tuệ thế gian có chia làm hai thứ:

1. Có thứ thông minh láu lỉnh, thấy rộng biết nhiều nhưng bất thiện. Nó chỉ biết phụng sự do dục vọng ích kỷ, thỏa mãn bản ngã hẹp hòi, làm tay sai cho cái ác. Cái biết này thật là nguy hiểm hơn cả cái ngu si nữa, vì nó làm cho con người mất hết cả lương tri, ác hơn cầm thú. Cho nên đức Phật bảo rằng cái thông minh này là một nạn lớn trong tám nạn.

2. Có thứ thông minh mẫn tiệp, hiểu biết đâu là thiện nên làm, đâu là ác nên tránh, biết làm những điều lợi ích cho nhân quần xã hội. Tuy thế, cái biết này cũng không giúp cho con người thoát ra khỏi vòng khổ não, luân hồi. Vì thế cho nên gọi là trí tuệ thế gian.

Trí tuệ trong đạo Phật cũng chia làm hai thứ:

1. Hữu lậu trí: Cái trí chưa có năng lực đoạn các phiền não hữu lậu. Nghĩa là trong lúc ở địa vị phàm phu tu nhân, tuy dùng trí tuệ quán sát thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã, nhưng rồi lúc nào cũng thấy là tịnh, là vui, là thường, là thật ngã, còn bị phiền não hữu lậu lấn áp, không thể phá trừ được.

2. Vô lậu trí: Cũng gọi là Bát-nhã trí. Trí này đã phá trừ các phiền não hữu lậu, đạt đến chỗ rốt ráo thanh tịnh, nhưng chỉ khi đạt Thánh quả mới có. Trí này có hai phần: Về phương diện “thể” tức là căn bản trí, cũng gọi là thật trí, vô phân biệt trí, như lý trí, chân trí. Về phương diện “dụng” tức là hậu đắc trí. Sau khi được căn bản trí rồi mới có trí này, cũng gọi là quyền trí, sai biệt trí.

Người ta sống trong đời như đi trong đêm tối, như chèo ghe giữa biển mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Trí tuệ thế gian là ngọn đèn soi sáng khoảng đường ta đi, là địa bàn chỉ phương hướng cho ta đến. Người hơn vạn vật, làm chủ được muôn loài là nhờ trí tuệ, nền văn minh tiến bộ về vật chất của nhân loại ngày nay cũng nhờ trí tuệ. Nhưng dù văn minh đến đâu thì loài người cũng không vượt thoát được cảnh giới Ta bà này, cũng vẫn còn đau khổ, vẫn còn chịu sự chi phối của bệnh tật già yếu, chết chóc, sầu thương. Muốn thoát khỏi cảnh khổ thế gian, phải nhờ trí tuệ của Phật. Trí tuệ của Phật có nhiều công năng, diệu dụng khác với thế gian trí.

Mỗi chúng ta đều có sẵn cái mầm trí tuệ của Phật. Nhưng cái mầm ấy không được vun trồng, săn sóc, thiếu đất, thiếu nước, thiếu không khí nên không nẩy sanh được cây Bồ-đề. Cái chất trí tuệ ấy như ngọc lẫn lộn trong đá, không được mài dũa nên ánh sáng không phát ra.

Muốn có được trí tuệ như Phật, chúng ta phải tu theo các pháp mà Phật đã chỉ dạy. Những pháp này nhiều không xiết kể, nhưng chúng ta nên lựa vài pháp môn thông thường có thể thực hiện được trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trước tiên, chúng ta phải biết nghe, biết thấy (Văn). Không phải chỉ nghe những điều thiết yếu của Phật dạy, thấy những điều thiết yếu trong kinh điển là đủ. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể nghe thấy những điều bổ ích chung quanh. Trong khi nghe, thấy, quan sát, chúng ta cố gắng đừng để cho dục vọng, ích kỷ dính vào cái thấy, cái nghe, cái quan sát của ta. Đừng yêu, đừng ghét, đừng thiên vị cái mà lòng tự kỷ yêu ghét thiên vị. Nói một cách khác là đừng để cho cái ta hẹp hòi bắt buộc ta chỉ mở mắt nhìn cái nó thích, nghe cái nó ưa và nhắm mắt bịt tai, không cho lọt vào mắt ta, tai ta cái nó không ưa, không thích. Đừng sợ sự thật, đừng sợ ánh sáng, nhất là khi sự thật ấy có thể làm mất lòng “cái ta”, khi ánh sáng ấy có thể làm chói mắt “cái ta”. Ở đời biết bao nhiêu người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, vì mắt tai bị cái màn của thói quen, thành kiến, quyền lợi, thất tình, bản ngã che lấp.

Vậy trước khi nghe, khi nhìn, hãy vén cái màn đen tối ấy lên đã. Nghe thấy, quan sát một cách sáng suốt, khách quan cũng chưa đủ để thấy rõ được sự thật nằm bên trong sự vật. Phải dùng trí để suy nghiệm (Tư), xét soi tất cả mọi khía cạnh, chia chẽ sự vật để thấy được cái lõi, cái nguyên lý của nó. Bất luận một lời nói, một cử chỉ, một hành động gì, trước khi làm, ta cũng phải dùng trí tuệ để soi xét cho thấu đáo ngọn ngành. Hãy nên luôn nhớ rằng si mê là gốc của muôn tội lỗi, trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành. Tổ sư có dạy một câu rất thâm thúy “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì” (không sợ tham sân nổi dậy, mà chỉ sợ trí tuệ tự giác chậm chạp, không phát lộ). Nói một cách khác là ta hãy luôn luôn cảnh giác, tỉnh táo, sáng suốt, dùng đuốc trí tuệ soi sáng đời ta.

Biết chân chánh cũng chưa đủ, cần phải thực hành theo cái biết ấy (Tu). Biết mà có thực hành mới có thực nghiệm. Có thực nghiệm, thực chứng mới thật là biết. Thực hành là cái lò để luyện thép trí tuệ, là viên đá để mài ngọc trí tuệ. Không thực hành thì cái biết ấy chỉ là cái biết suông, không đủ sức để đuổi xa tà niệm, phá tan màn vô minh, thân chứng lý vô ngã, thể ngộ pháp vô sanh.

Muốn trau giồi trí tuệ cho có kết quả, người Phật tử phải thực hành theo pháp tam Vô lậu học Giới Định Tuệ.

Giới là ngăn chận, đón giữ tà niệm, vọng tâm, không cho nó phát sanh. Giới là bức thành cao ngăn giặc phiền não, là đạo quân tinh nhuệ dẹp trừ ma vương. Giới là bóng đèn bao bọc ngọn đèn trí tuệ, không cho gió vô minh làm xao động hay thổi tắt.

Định là pháp làm cho thân tâm định tỉnh, là tham thiền nhập định. Định như ngọn đèn không bị gió làm xao động, tập trung được ánh sáng soi chiếu rộng khắp. Định như ly nước được để yên một chỗ, làm cho bao nhiêu cáu bẩn đều lắng xuống đáy ly. Định như mặt nước hồ yên lặng, phẳng lì có thể phản chiếu được rõ ràng bầu trời cây cỏ.

Tuệ là sự soi sáng, sự phát ra ánh sáng với bao nhiêu diệu dụng của nó, làm cho kẻ tu hành thấy biết được rõ ràng thật tướng của nhân sinh, vũ trụ, nguồn gốc của đau khổ, con đường đưa đến giải thoát hoàn toàn.

Làm được như thế gọi là dưỡng tánh trí tuệ của Phật mà mỗi chúng ta đều đã sẵn có ở trạng thái tiềm phục trong ta.

2. Từ bi:
Từ bi là do hai chữ từ và bi ghép chung lại. Theo trong kinh Phật, từ là lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sanh, bi là lòng thương xót, thường dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sanh. Trong tứ vô lượng tâm thì từ bi đứng đầu. Hai chữ từ bi sắp theo văn phạm Trung Hoa thì ý nghĩa không nghịch, nhưng theo tiếng Việt chúng ta thì nên để bi trước từ sau, vì bi là nhân mà từ là quả. Tại sao thế? Vì nếu có lòng thương yêu, muốn ban vui cho chúng sanh, trong khi họ đang bị đau khổ dày vò thì cái vui ấy chỉ là cái vui gắng gượng. Vậy muốn cho họ hưởng sự vui vẻ đầy đủ, trước phải trừ dùm đau khổ cho họ, rồi ban vui. Như thế cái vui mới được hoàn toàn.

Chữ từ bi của đạo Phật không có phạm vi, nó bao la vô tận. Nó lan từ gia đình, xã hội, chủng tộc, nhân loại ra đến toàn thể chúng sanh, cây cỏ. Nó không có thân sơ, thù bạn, xa gần, mạnh yếu, nó lan bằng như nước, chỗ nào thấp thì chảy đến trước, nhận được nhiều, chỗ nào cao thì chảy đến sau, nhận ít, nhưng bao giờ nó cũng đồng đều ở trên mặt. Kẻ nào đau khổ nhiều thì được cứu nhiều, kẻ nào đau khổ ít thì cứu ít, nhưng mục đích bao giờ cũng làm cho mọi người, mọi vật đều thoát khổ và yên vui bằng nhau. Tinh thần từ bi bao giờ cũng bình đẳng, nhưng trong thực hành thì có sai khác tùy trường hợp, tùy nhân duyên.

Từ bi không những bao la, bình đẳng, mà còn sáng suốt vô cùng. Trí tuệ của Phật đã đánh tan cái ngã, cho nên từ bi của Phật không dựa trên cái ngã hẹp hòi. Do đó từ bi rất sáng suốt. Từ bi nhờ trí tuệ soi sáng, nhận thấy được rằng toàn thể là mình, mình là toàn thể. Chúng sanh mặc dù chia ra sáu loại nhưng tựu trung vẫn đồng một bản thể như nhau. Nói một cách tổng quát thì từ bi là tình thương phát xuất từ sự sống, trở lại thương sự sống và quyết tâm dứt trừ đau khổ đã bám víu vào sự sống, trong muôn hình vạn trạng. Sự sống đã bao la, bình đẳng, sáng suốt thì từ bi cũng bao la, bình đẳng, sáng suốt như thế.
Từ bi không phải là một lý thuyết suông, không phải là một lý tưởng tốt đẹp để cho người nhìn ngắm. Nó không phải là một sức mạnh thụ động, mà là cả một sức mạnh hoạt động không ngừng. Từ bi là nguồn gốc của muôn hạnh lành, những hành động tốt đẹp đều do lòng từ bi mà ra cả. Trước hết, vì từ bi nên ta bố thí. Do bố thí mà dứt được lòng tham lam bỏn sẻn. Vì từ bi nên ta trì giới. Do trì giới mà ta không sát sanh hại vật. Vì từ bi nên ta nhẫn nhục, nhờ nhẫn nhục mà ta dập tắt được nóng giận, thù hằn. Vì từ bi nên ta tinh tấn. Do tinh tấn mà ta trừ được lười biếng. Vì từ bi nên ta chuyên tâm định tỉnh. Do định tĩnh mà ta hết bối rối loạn động. Vì từ bi nên ta luyện trí tuệ. Do luyện trí tuệ mà mê lầm tiêu tan.

Nhờ từ bi mà muôn vật đỡ bị sát hại đau đớn, nhờ từ bi mà nhân loại đỡ chiến tranh, nhờ từ bi mà loài người bớt thù oán, nhờ từ bi mà người nghèo bớt đói lạnh, người giàu bớt tham lam, nhờ từ bi mà người ngu được khai ngộ, người độc ác trở lại hiền lành, người sợ hãi trở lại yên tâm. Tóm lại, nhờ từ bi mà cõi ta bà này bớt tiếng than khóc, bể sâu vơi nước mắt, nụ cười nở lại trên môi.

Tánh từ bi đã nằm sẵn trong tâm mỗi chúng ta. Chúng ta không cần phải cầu xin, mua chuộc nó ở một vị chúa tể nào, thần linh nào cả. Hạt giống ấy đã nằm sẵn trong tâm hồn chúng ta, nhưng nó đang bị phủ lấp dưới bao lớp sân hận, tham lam, ích kỷ, nên không thể đâm chồi nẩy mộng, trồi đầu lên được. Vậy công việc đầu tiên của người dưỡng tánh từ bi là phải phanh gỡ lần những lớp chướng ngại, để cho mầm từ bi nẩy lên. Khi nó đã ngoi lên khỏi mặt đất, chúng ta phải tìm mọi nhân duyên, mọi cơ hội thuận tiện cho nó chóng đâm chồi nẩy lá. Công việc không phải chỉ trong năm ba ngày, một tháng, một năm, mà suốt cả đời. Cũng không phải chỉ săn sóc nó trong những cơ hội thuận tiện lớn lao, mà bỏ mặc nó trong những hành vi, cử chỉ nhỏ nhặt tầm thường hàng ngày. Muốn dưỡng tánh từ bi ta phải làm tất cả việc lành, tránh các việc dữ, dù to dù nhỏ, dù trước mặt muôn người hay chỉ một mình ta, dù được khen hay bị chê, dù dễ hay khó.

Cảnh khổ không phải chỉ có trong loài người, mà chung cho cả sinh vật. Cho nên người dưỡng tánh từ bi không phải chỉ cứu giúp loài người đỡ khổ, mà còn biết thương yêu gia súc, xem chúng như những người giúp việc trong nhà, tránh làm đau khổ chúng một cách vô ích. Cho đến cây cỏ, người dưỡng tánh từ bi cũng không nên tàn phá một cách vô ích. Nên nhớ rằng nó cũng có sự sống, và đã có sự sống tất nhiên muốn bảo tồn sự sống. Lòng yêu thương cây cỏ, giúp cho ta nhận thấy được lẽ huyền vi của sự sống, thông cảm với cái chung cùng của muôn vật và trực nhận được cái bản thể của vũ trụ.

Tóm lại, làm được tất cả các việc trên, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, không bao giờ thối chuyển ngã lòng, mở rộng, mở rộng mãi lòng từ bi cho nó bao trùm được cả pháp giới. Như thế là dưỡng tánh từ bi của Phật, mà mỗi chúng ta đều có sẵn ở trạng thái tiềm tàng trong tâm chúng ta.

[ Quay lại ]