headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

MÙA XUÂN-DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THIỀN SƯ

suong20Nói đến ngày Xuân, chúng ta có cảm tưởng như chỉ có Xuân ở thế gian, nhưng thật ra trong nhà Phật cũng dùng chữ Xuân để nói lên những ý nghĩa thâm trầm của Đạo.

Tất cả chúng ta có đủ phước duyên nên chọn được con đường của mình đang đi, một con đường thênh thang, tươi mát và an lạc. Nói như vậy có vẻ như chủ quan, nhưng sự thật nếu tất cả chúng ta đều một lòng hướng thẳng về sự tu hành, đi theo con đường Đức Phật đã dạy, thì mỗi bước đi là một bước an lành, mỗi bước đi là rơi rụng bao nhiêu đau khổ. Thế nên con đường tươi đẹp và mát mẻ chúng ta đang đi là tượng trưng cho mùa xuân.

 Có một thiền khách đến hỏi Thiền sư Chân Không:

- Bạch Hòa thượng, khi sắc thân bại hoại thì thế nào ?

Ngài liền đáp bằng hai câu thơ:

Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở, hoa tàn chỉ là xuân.

Ngài quan niệm tu là một mùa xuân, không phải chỉ mùa xuân trong ba tháng mà mùa xuân muôn đời muôn kiếp.

Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết. Thấy có xuân đến xuân đi vì chúng ta nhìn xuân qua bốn mùa của thời gian. Nhưng ở đây thiền sư không nói xuân của thời gian, mà nói xuân của tất cả người thoát khỏi cái sanh diệt của thời gian. Thường người đời thấy xuân qua ngỡ là xuân hết, song đối với người tu xuất thế thì xuân lúc nào cũng sẵn ở lòng mình, ngày nào tháng nào năm nào cũng là xuân, nhìn đâu cũng tươi đẹp, cũng an vui.

Nhưng trên thực tế, đối với chúng ta thì thế nào? Cũng có những ngày mây sầu ảm đạm, nhiều người lau nước mắt! Tuy vẫn là xuân nhưng vì mây mù bao phủ nên xuân bị khuất đi. Bây giờ chúng ta muốn mùa xuân tươi tắn hiện hữu thì phải vén đám mây mù ấy đi. Buông bỏ những phiền não điên đảo trong tâm tức là vén áng mây mù. Dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu phá, biết những thứ đó không thật thì lưu giữ nó làm gì? Đó chính là tu tập, là việc bổn phận chính của người tu vậy.

Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, mọi hiện tượng trong không gian luôn luôn chuyển mình sanh diệt, song dưới con mắt một thiền sư đạt đạo vẫn thấy có một cái gì hiện hữu thoát ngoài luật sanh diệt của thời gian. Đó chính là chân tâm, là cái chân thật bất sanh bất diệt mà lâu nay chúng ta đã lãng quên.

Hoa nở, hoa tàn chỉ là xuân. Mùa xuân thấy hoa mai nở rồi sau đó hoa tàn, người đời cho rằng xuân tàn. Nhưng thiền sư mượn hoa để trả lời câu hỏi của thiền khách: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”. Hoa nở rồi tàn, sắc thân chúng ta cũng như hoa, sanh ra rồi già chết, không có lâu bền. Nhưng trong cái tạm bợ đó, vẫn có cái mãi mãi an lành tỉnh giác. Thiền sư mượn xuân để nói cái chân thật ấy. Nếu chúng ta khéo biết trở về cái chân thật của mình thì thân này còn hay mất chỉ là tạm bợ, còn cái chân thật lúc nào cũng thanh tịnh, sáng suốt. Trong kinh gọi đó là Pháp thân thanh tịnh, miên viễn không tan hoại.

Tất cả sự vật đều bị thời gian chi phối, có đó rồi hoại đó. Thân chúng ta cũng vậy, theo thời gian mà bại hoại. Nếu chúng ta không biết trở về với thể tánh chân thật của chính mình thì khi sắc thân bại hoại chúng ta đau khổ vô cùng. Chúng ta phải biết con người và muôn vật đều bị cuốn phăng theo dòng thời gian bất tận. Sự sống chết của người và vật đều ứng hợp theo thời tiết. Hoa nở, hoa tàn đều lệ thuộc vào mùa xuân. Nếu chúng ta cứ bám víu vào sắc thân và ngoại cảnh thì dòng luân hồi sanh tử lôi cuốn mình không biết đến đâu là cùng.

Cho nên người tu chúng ta phải gan dạ nhìn thẳng vào lẽ thật của bản thân của ngoại cảnh, thấy chúng là tướng tạm bợ vô thường, là giả hình bởi nhân duyên chung hợp. Người sống được với thể chân thật không sanh không diệt thì ngày nào cũng là xuân, lúc nào cũng là xuân. Thiền sư Chân Không thấy tất cả đều là xuân cho nên ngài sống an lạc. Nếu có ai đến hỏi đạo ngài đều diễn tả cái đẹp, cái an lành của chính lòng mình cho mọi người thấy và cảm thông.

Trọng tâm của người tu là phải làm sao đạt đến chỗ cứu kính Niết-bàn an lạc. Chúng ta tu thì nhất định phải đạt được mục đích cao đẹp ấy. Cho nên Tăng Ni phải cố gắng nỗ lực đi đến đích, tu đến bao giờ thành Phật mới ưng. Không có lý do gì mình đã chọn con đường tốt đẹp, rồi lại lo chuyện bâng quơ không đáng để phí hết thời giờ. Như người đang đi trên con đường dẫn đến một kinh đô tốt đẹp họ hằng mơ ước. Kinh đô ở cuối đường, người ấy lại dừng bước bên đường, lo bắt bướm hái hoa, rồi ngủ nghỉ dưới bóng mát cây cao qua ngày qua tháng, quên cả mục đích mình nhắm tới. Cho đến một ngày vô thường không cho phép đi được nữa, khi ấy có hối tiếc cũng đã muộn.

Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ông vua Phật Việt Nam nói về xuân:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ-đoàn khán trụy hồng.

(Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng).

Lúc còn thiếu niên ở ngôi vị sang cả của một ông hoàng, chưa thấm nhuần mùi đạo lý, mỗi lần Xuân về trăm hoa đua nở trong vườn ngự, làm sao ngài không vui mắt trước những màu sắc lung linh, không bâng khuâng qua những làn hương ngào ngạt. Sắc hương hương sắc quyện cả tâm hồn của ông hoàng trẻ tuổi. Thế rồi bao nhiêu tâm sự đều gởi gắm vào trăm hoa.

Nhưng khi tìm thấy được đạo, cởi bỏ mọi danh vọng tài sắc ở thế gian, cạo tóc mặc áo nhuộm, ngài bước chân vào cửa thiền. Gia công tu tập, ngài đã khám phá được chân lý của vũ trụ, thấy được mặt thật xưa nay của chính mình. Bây giờ ngài không còn bị sắc hương lôi cuốn, tâm hồn lóng trong tự tại, ngồi lặng lẽ trên giường thiền nhìn chúng nở tàn một cách an nhiên. Từ đây hoa nở hoa tàn không còn là một hình ảnh khiến tâm hồn người Tăng sĩ phải vui buồn theo nó.

Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, mọi hiện tượng trong không gian luôn luôn chuyển mình sanh diệt, song dưới con mắt một thiền sư đạt đạo vẫn thấy có một cái gì hiện hữu thoát ngoài luật sanh diệt của thời gian. Đó chính là chân tâm, là cái chân thật bất sanh bất diệt mà lâu nay chúng ta đã lãng quên. Giờ đây, mình phải quả quyết sống lại với nó, không một phút giây nào lơi lỏng. Ấy là chúng ta đặt chân trên con đường giải thoát, cởi bỏ sợi dây sanh tử luân hồi.

Tăng Ni hãy nỗ lực tiến trên con đường mình đã chọn, con đường tu tập để được giác ngộ giải thoát. Làm sao một đời này nếu chúng ta chưa đến tận đích, ít ra cũng đi được nửa phần hoặc hai phần đường. Qua một đêm ngủ chúng ta lại tiếp tục đi nữa, chớ không chần chờ để mất hết thì giờ, phải chịu đau khổ như bao nhiêu người không đủ phước duyên như chúng ta.

Tôi mong sang năm mới này, tất cả Tăng Ni cũng như toàn thể Phật tử, đồng nắm tay nhau tiến mãi, đừng lùi đừng nghỉ, tiến mãi trên con đường rộng lớn tươi đẹp an lành cho đến ngày đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát mới thôi.

[ Quay lại ]