Tình thương trong đạo Phật
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 16 Tháng tám 2022 09:58
- Viết bởi Super User
Đạo Phật là đạo từ bi, cho nên nói đến đạo Phật cũng là nói đến đạo của tình thương. Nhưng tình thương trong đạo Phật khác với tình thương thế gian.
Trước tiên, tôi nói về cách thương mình của người thế gian. Như muốn thỏa mãn sự vui chơi nên người ta bày ra cờ bạc, nhậu nhẹt… cho đó là vui. Vì thương quý bản thân, muốn thỏa mãn nhu cầu của bản thân nên nó muốn gì liền làm nấy. Đó là thương trong mê.
Có người để thỏa mãn khoái cảm tạm thời, họ dùng á phiện, xì ke, ma túy… cũng vì chiều theo những đòi hỏi của bản thân. Có người vì để thỏa mãn khẩu vị, không biết điều độ ăn uống, bệnh hoạn cũng không kiêng cữ. Thương như thế là thật sự thương mình hay phá hoại mình? Đó là phá hoại chứ không phải thương.
Người mê càng thương mình chừng nào trở lại càng hại mình chừng đó. Chẳng những hại trong hiện tại, mà còn kéo dài mãi về sau. Vì thương sai lạc, không đúng chỗ nên phải chịu khổ đau trong đời này và đời sau. Nếu thương mình trong cái mê đó là tai họa, là nguy hiểm. Còn thương trong cái tỉnh là tình thương tốt đẹp.
Kế đến tôi nói cách thương mình của người tỉnh. Người tỉnh thương mình trước hết phải tránh những hiểm nguy, tội lỗi. Như quý Phật tử thì quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới. Ngũ giới là rào chặn không để chúng ta rơi vào chỗ hiểm nguy, đau khổ. Ngược lại, không giữ ngũ giới là duyên cớ để chúng ta rơi vào chỗ tội lỗi, hiểm nguy.
Là đệ tử Phật, đi chùa, lạy Phật, tụng kinh liên miên, mà chưa giữ tròn năm giới thì thật là xấu hổ. Chúng ta giữ giới cho Phật hay cho mình? Rõ ràng vì thương mình mà chúng ta phải giữ năm giới: không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu mạnh, không hút á phiện, xì ke, ma túy. Đó là người biết thương mình, không để sa đọa trong hố tội lỗi, không để tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Trong năm giới, nếu phạm giới Sát giết người thì ở tù. Phật tử giữ giới Sát, chủ yếu là không giết người và những con vật lớn như trâu, bò, heo. Còn những con vật nhỏ hơn giữ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, không bắt buộc giữ hoàn toàn như hàng Tăng Ni. Nhiều vị hiểu lầm, nghĩ không sát sanh là không được sát hại sinh mạng của tất cả muôn loài, nên người làm ruộng hay đánh cá không dám thọ giới. Hiểu như vậy là chưa thấu triệt.
Phật bắt giữ giới là vì thương chúng sanh. Ngài từ bi chế giới cấm để chúng ta vâng theo, giữ giới thì không chuốc quả khổ. Như vậy giữ năm giới là giữ cho mình, chặn đứng con đường tội lỗi. Đó là cách thương chân chính, quý giá của người tỉnh.
Chúng ta đều biết ba độc là tham, sân và si. Tại sao nói chúng độc? Tham thì trầm lặng khó thấy, nhưng sân rất dễ thấy. Như trong gia đình, vợ chồng nổi sân thì dẫn đến cãi vã, đánh nhau, thậm chí ly dị nữa. Đối với láng giềng, nổi sân cũng gây đủ thứ chuyện lôi thôi. Cho nên sân rất nguy hiểm.
Chúng ta đều biết ba độc là tham, sân và si. Tại sao nói chúng độc? Tham thì trầm lặng khó thấy, nhưng sân rất dễ thấy. Như trong gia đình, vợ chồng nổi sân thì dẫn đến cãi vã, đánh nhau, thậm chí ly dị nữa. Đối với láng giềng, nổi sân cũng gây đủ thứ chuyện lôi thôi. Cho nên sân rất nguy hiểm. Trong kinh kể lại, một hôm Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vô thì các ông có ngủ ngon không?
Các thầy thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không ngon.
Phật hỏi:
- Làm sao các ông ngủ mới ngon?
Các thầy thưa:
- Bạch Thế Tôn, chừng nào chúng con đuổi hết ba con rắn độc ra khỏi thất thì ngủ mới ngon.
Phật kết thúc:
- Ba con rắn độc tuy độc nhưng không độc bằng ba thứ tham, sân, si. Tại sao? Vì rắn độc cắn chỉ chết thân đời này thôi, còn tham sân si hại không những đời này mà còn qua đến nhiều đời khác nữa.
Đây là điều hết sức cụ thể. Người tu phải dẹp bỏ ba con rắn độc tham, sân, si mới có thể tu được. Làm sao để dẹp chúng? Nóng giận là rắn hổ lửa. Nếu nó ở trong nhà mình, chúng ta phải lấy roi nhẫn nhục để đuổi. Nhẫn là an nhẫn, nhịn nhục, dần dần nóng giận sẽ lắng dịu. Như ai nói câu gì trái ý làm mình nổi giận, miệng la tay múa. Tất cả những hành động khiến người ta khổ gốc từ nóng giận mà ra.
Khi vừa nổi nóng chưa kịp mở miệng, chúng ta liền đọc câu thần chú này: “Nói là ngu, nín là khôn”. Cứ đọc tới đọc lui một hồi thì cơn giận hết. Vì sao? Vì khi nổi nóng mình sẽ nói bậy. Nói bậy tức là ngu. Vì vậy ta tự nhắc nói là ngu, còn im lặng là khôn. Cứ tự nhắc như vậy hoài sẽ không nói trong lúc đang nóng. Nhờ thế ta tránh gây khẩu nghiệp, tránh luôn cả thân nghiệp không tốt. Tự nhắc như thế chúng ta yên được một lúc. Nhưng sau đó nhớ lại cũng nổi nóng nữa, nên phải bước qua chặng thứ hai là quán từ bi.
Từ bi là sao? Từ bi là thương mến tất cả như người thân của mình. Nhưng họ chửi thì làm sao ta thương được? Chúng ta phải dùng trí suy xét kỹ, kẻ nói những điều thô lỗ vô lý là người tỉnh hay mê? Đó là người mê. Nếu người mê thì ta phải tỉnh mới khôn ngoan. Người tỉnh thì phải thương kẻ mê, chứ đâu thể giận họ được.
Ví dụ chúng ta vào bệnh viện tâm thần, gặp một người điên chửi mình, lúc đó ta xử trí thế nào, nên giận hay nên thương họ? Họ điên khùng không biết phải quấy, thấy như vậy mình càng thương, chứ đâu nỡ giận. Người điên chửi chúng ta không giận, thì kẻ nói bậy cũng gần giống người điên rồi, ta nên thương họ. Đã thương thì sẽ không còn giận nữa. Đó là quán từ bi.
Như vậy chặng thứ nhất là nhẫn để ngăn chặn sự nóng giận bộc phát, đến chặng thứ hai mới bứng tận gốc sân hận.
Đến tham làm sao trị? Tham dụ như rắn hổ mang. Loại rắn này thường chạy tứ tung, không chịu ở yên một chỗ. Tham có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Chúng ta trị tham như thế nào?
Tham tiền thì lấy thuốc vô thường trị. Tiền của tuy có nhưng sẽ mất bất cứ lúc nào. Phật dạy tiền của thường bị năm nhà lấy: một là bị nước lụt cuốn trôi, hai là bị lửa cháy tiêu, ba là bị trộm cướp, bốn là bị con bất hiếu phá, năm là bị quan quyền không lương thiện chiếm đoạt. Nên đó là của cải không bảo đảm. Muốn được bảo đảm chúng ta phải tu pháp bố thí.
Giả sử một ngàn đồng đủ cho chúng ta sống trong một tháng, nếu mình có ngàn mốt ngàn hai thì giúp đỡ những người thiếu kém hơn mình, đó là bố thí. Vì vậy nói bố thí độ xan tham. Bố thí chẳng những không thiệt thòi mà còn được phước nữa. Phước này không ai rình rập ăn cắp cả. Ngược lại, nếu chúng ta để dành tiền bạc trong tủ thì người ta rình lấy. Như vậy đem của thế gian dễ mất, đổi lấy phước cao thượng hơn là khôn hay dại?
Đến bệnh tham sắc. Đây cũng thuộc loại bệnh trầm trọng. Bệnh này lấy thuốc quán bất tịnh để trị. Quán thân nhớp nhúa bẩn thỉu thì tự nhiên bớt tham sắc. Vì sao chúng ta dính mắc với sắc đẹp? Vì nhìn mọi người qua dáng vẻ bên ngoài, chứ không thấy tột cùng phần bên trong.
Đức Phật thấy rõ con người chỉ là một đãy da hôi thối. Đó là lẽ thật mà chúng ta lại không dám nhận. Sự thật thì từ đầu tới chân, chỗ nào cũng nhớp hết. Nếu thân thật đẹp đẽ, sang trọng, lẽ ra trong ngoài đều phải tốt đẹp, nhưng đằng này vừa có rịn chảy chỗ nào thì ta liền nghe hôi hám nhơ nhớp. Nhờ quán vậy chúng ta không còn đắm mê sắc đẹp.
Kế tiếp, tham danh dùng thuốc quán vô thường để trị. Càng cao danh vọng càng dày gian lao, được chút danh vị đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà có giữ được đâu. Nó sẽ mất vì sự tranh giành của người khác, vì vô thường. Tham ăn dùng thuốc quán vô thường cộng thêm bất tịnh để trị. Món ăn vừa qua khỏi cổ thì hương vị đã đổi khác, nếu trả ra có ai dám ăn lại không? Quán như vậy sẽ không còn tham ăn.
Tham ngủ dùng chiếc roi tinh tấn và quán vô thường để trị. Ngày nay đã qua, mạng người giảm dần, Diêm vương chờ chực sẵn, lôi đi bất cứ lúc nào. Như vậy mà không chịu siêng năng tu tập, vùi mình trong ngủ nghỉ được sao?
Phật thường dạy phải quán vô thường như cứu lửa cháy đầu. Lửa rớt một đốm lên đầu, ta chờ năm mười phút sau mới phủi hay phủi liền? Vừa thấy lửa cháy đầu thì phải phủi liền. Cũng vậy, ngày nay chúng ta khỏe mạnh, ngày mai chắc gì khỏe mạnh. Vì vậy ngày nào khỏe mạnh thì ráng tu ngày ấy, không chần chờ. Đó là chúng ta biết thân này vô thường, không bảo đảm, lúc nào làm được gì thì cố gắng làm, không bỏ qua.
Đến sau cùng là si. Si mê là gốc đau khổ nhất của cuộc đời. Nói theo đúng thứ lớp thì trước là si, rồi tới tham, sân. Sân là ngọn, si là gốc. Tại sao? Si mê là thấy không đúng như thật. Sự vật giả mà cho là thật, xấu mà cho tốt, đó là si mê. Si mê là thấy theo ảo tưởng, trí tuệ là thấy đúng như thật. Người nào sống theo ảo tưởng sai lầm đó là người si mê.
Si mê trong nhà Phật có chia ra cạn sâu. Cạn là không biết phân biệt thiện ác, tội phúc, chánh tà. Phật dạy làm gì được tốt đẹp, sáng suốt, đem lại lợi ích cho mọi người, đó là thiện. Ngược lại làm điều xấu xa, đem lại nguy hiểm cho mọi người, đó là ác. Si mê hơn nữa là chúng ta sẵn có ông Phật của mình, nhưng vì mây phiền não che phủ nên không nhận ra.
Nếu dẹp được mây phiền não thì ông Phật của mình hiện ra, không cần tìm kiếm ở đâu hết. Sống được với ông Phật thật của chính mình, đó mới là người biết tu, biết trở về cái cứu kính chân thật, nguồn an lạc vĩnh cửu. Ngược lại, chạy theo tâm suy nghĩ lăng xăng, chúng ta chỉ chuốc đau khổ mà thôi.
Chúng ta phải luôn tỉnh để tự cứu mình, chứ không ai cứu mình được. Nếu mê thì đi trong trầm luân muôn kiếp, còn tỉnh thì lần lần thoát khỏi phiền não, vượt ra vòng luân hồi sinh tử. Đó là chỗ cao siêu, cứu kính, mà cũng là tình thương trong đạo Phật.
Tóm lại, chúng tôi nêu lên người tỉnh và kẻ mê thương mình khác nhau như thế nào cho quý Phật tử thấy rõ, để chọn cho mình một lối đi. Người mê thương mình nhưng rốt cuộc lại hại mình, càng thương lại càng hại chứ không lợi ích gì. Người tỉnh thương mình từ thấp đến cao, tìm cho được chỗ cứu kính mình là cái gì. Tìm được rồi thì vĩnh viễn an lạc.
Chúng ta phải luôn tỉnh để tự cứu mình, chứ không ai cứu mình được. Nếu mê thì đi trong trầm luân muôn kiếp, còn tỉnh thì lần lần thoát khỏi phiền não, vượt ra vòng luân hồi sinh tử. Đó là chỗ cao siêu, cứu kính, mà cũng là tình thương trong đạo Phật.
-Hòa thượng Thích Thanh Từ-