headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 24/11/2024 - Ngày 24 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

I/ DẪN NHẬP

Lâu nay đã có nhiều vị nghiên cứu về Phật Hoàng – Trần Nhân Tông và đã mở ra nhiều điều lý thú, làm sáng tỏ nhiều điều không ngờ. Tuy nhiên, đào sâu về tư tưởng Thiền của Ngài thì cũng còn hạn chế. Song đã gọi là Phật Hoàng, là Đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm thì tư tưởng Thiền của Ngài là điểm trọng yếu, là mạch sống của Ngài, là chỗ lưu truyền lâu dài về sau, cần được soi sáng rõ ràng. Nhưng điều này đúng thực phải người có thực hành, có sống được, có thể nghiệm trong đó mới cảm sâu, nhận sâu, như phải thực sự ăn thì mới cảm nhận thực tế món ăn đó, biết kỹ mùi vị thực của món ăn hơn là chỉ nghiên cứu qua trung gian. Cho nên, hôm nay chúng tôi với phần chuyên môn của mình, xin được đóng góp một phần về tư tưởng Thiền của Ngài, nhằm góp thêm cho cái nhìn về Ngài được toàn diện hơn.

II/ TINH THẦN PHẢN QUAN TỰ KỶ, ẢNH HƯỞNG TỪ THƯỢNG SĨ TUỆ TRUNG

Khi còn là thái tử, Ngài đã được vua Trần Thánh Tông gửi đến học với Thượng sĩ Tuệ Trung, nên được thấm sâu tư tưởng Thiền của Thượng sĩ. Ngài thuật lại: từng hỏi Thượng sĩ: "Thế nào là tông chỉ của việc bổn phận?" Thượng sĩ đáp:

khác mà được". Ngài tiếp nhận sâu yếu chỉ đó! Cho đến sau này xuất gia tu hành, khai đường thuyết pháp, đều không đi lệch ra ngoài yếu chỉ đó. Bởi đó cũng chính là căn bản giáo lý một đời của Đức Phật, là ý chỉ của Thiền tông. Phật ra đời nói pháp giáo hóa chúng sanh có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng cốt yếu không ngoài đánh thức cho người soi sáng lại chính mình, rõ lẽ thật nơi chính mình đã tự mê. Các Thiền sư ra đời cũng thế, đều nhắm đến đánh thức cho người thức tỉnh trở lại việc lớn nơi chính mình, thôi chạy tìm kiếm bên ngoài. Nhà thiền có câu: "Từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà" là của báu trong nhà phải tự trong đó mà lấy ra dùng, còn từ cửa vào là thuộc về khách, là của người khác.

Có vị tăng hỏi thiền sư Trí Cự hiệu Khương Tuệ ở Tào Sơn, Phủ Châu:

- Người xưa nêu bày người bên kia, học nhơn làm sao thể nhận?

Sư đáp:

- Lùi bước về chính mình, muôn người không mất một.

Nêu bày người bên kia, tức chỉ cho "lẽ thật xưa nay", là chân lý tuyệt đối mà người người đang mê, nhưng mỗi người đang sống trong tương đối thì làm sao đây?

Sư đáp rõ, chỉ cần lui bước về chính mình, đó là yếu chỉ bậc nhất, khéo được như thế thì muôn người không mất một, là quyết định thành tựu kết quả.

Chính thấm nhuần tư tưởng đó, trong buổi giảng tại viện Kỳ Lân ngày mùng 09 tháng giêng năm Mậu Ngọ(1306), Ngài đã nói: "Ngày tháng dễ trôi qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng (thìa)"!

Đó là Ngài muốn đánh thức cho người học phải soi sáng lại việc lớn nơi chính mình, việc mình đang sống hàng ngày mà tự mê. Ăn cháo, ăn cơm mà cứ lo nhớ theo cháo, cơm, ngon dỡ..., quên mất lẽ thật đang hằng hữu, cái gì đang cầm bát, cầm muỗng, cầm thìa đó? Cần soi sáng lại chỗ này, để sáng tỏ việc lớn nơi chính mình, đó là tông chỉ Thiền mà Ngài muốn khai thị.

III/ LẤY TÂM LÀM GỐC

Qua bài Phú Cư Trần Lạc Đạo, đây là bài phú biểu lộ tư tưởng Thiền của Ngài rất rõ, bằng chữ Nôm, là ngôn ngữ bình thường dùng hằng ngày. Trong đó Ngài bảo: "Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác". Được lòng rồi, tức nhận rõ được bản tâm mình, là thành tựu công phu, không còn pháp nào khác nữa. Vì bao nhiêu pháp môn cũng không ngoài làm sáng tỏ bản tâm là chủ yếu nhưng cách dùng có sai biệt tùy người.

Trong bài phú, Ngài cũng có câu:
                "Tịnh độ là lòng trong sạch,
                                chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
                   Di Đà là tánh sáng soi,
                                mựa phải nhọc tìm về Cực lạc."

Đó là Ngài muốn đánh thức người xoay trở lại tự tâm, tự tánh để sáng tỏ tự tâm Tịnh độ, tự tánh Di Đà, cũng là lấy Tâm làm Gốc.

Trong lời vấn đáp ở buổi khai đường tại chùa Sùng Nghiêm, núi Chí Linh, có vị tăng hỏi:

- Đại tôn đức tu hành khổ nhọc, đã trải qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông?

Ngài đáp:

- Cũng được sáu thông.

- Năm thông kia xin gác lại, thế nào là tha tâm thông?

- Đầy cả các cõi nước, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy.

Tức dẫn trong kinh Kim Cang, Phật nói tất cả chúng sanh ở trong hằng sa cõi nước có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết hết, thấy hết, tức đều không phải bản tâm.

Đây là Sơ Tổ Trúc Lâm nhấn mạnh cần sáng tỏ trở lại bản tâm là chính, tha tâm thông không giải thích theo thần thông bên ngoài. Đó là đánh thức cho người sống trở về Gốc, là căn bản của Thiền tông.

IV/ KIẾN SẮC MINH TÂM

Trong bài Phú Cư Trần Lạc Đạo, Ngài có biểu lộ:

                "Chơi nước biếc, ẩn non xanh,
                                nhân gian có nhiều người thích ý.
                  Biết đào hồng, hay liễu lục,
                                thiên hạ năng mấy chủ tri âm."

Thấy đào hồng biết đào hồng, thấy liễu lục biết liễu lục, nhưng thiên hạ có mấy người sáng tỏ được "Tâm thiền" ngay lúc ấy, hay chỉ có nhớ đào hồng, liễu lục thôi ? Đó là ngay trong trần cảnh mà vượt qua trần cảnh, không bị trần cảnh mê hoặc. Tâm thiền của Ngài sáng ngời ngay trong cuộc sống hiện tại, rất thực tế, không xa vời ! Người có chứng nghiệm qua liền tự cảm thông ngay.

Rồi bài thơ Xuân Hiểu, Ngài đã thổ lộ:

                       Thụy khởi khải song phi
                        Bất tri xuân dĩ qui
                        Nhất song bạch hồ điệp
                        Phách phách sấn hoa phi.
                Dịch:
                        Ngủ dậy mở cửa sổ.
                        Ngờ đâu xuân đã về!
                        Một đôi bươm bướm trắng
                        Nhịp cánh nhắm hoa bay.

Ngủ dậy, tỉnh giấc mê, mở cửa sổ nào? là cửa con mắt này đây!

Ngờ đâu xuân đã về! xuân gì? tức là xuân giác ngộ, ánh sáng giác ngộ đã bừng dậy.

Thì, kìa! ngay trước mắt, một đôi bươm bướm trắng nhịp cánh nhẹ nhàng nhắm đến cánh hoa bay tới.

Là gợi nhắc đến con mắt ai kia, là tâm Thiền biểu lộ ra đó! nhưng nếu nhìn theo tâm tình thế gian, đây chỉ là một bài thơ tả cảnh. Cho nên, đọc thơ của Thiền sư, phải đọc bằng con mắt Thiền sư mới cảm thông ý thơ sâu xa trong đó.

V/ DỨT TÂM SUY NGHĨ ĐỐI ĐÃI.
Có vị tăng hỏi Điều Ngự:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Ngài đáp:
               - Chén mạ vàng đựng phân sư tử
                Người đen đúa vác bó hương thơm.
        Âm:
                (Kim tạc lạc trung sư tử thỉ
                Thiết côn lôn thượng chá cô ban).

Pháp thân thanh tịnh là chỉ cho tâm thể vô tướng, lìa mọi thứ đối đãi, là nguồn gốc chân thật của tất cả chúng sanh. Muốn nhận được pháp thân phải lìa niệm phân biệt đối đãi.

Trong câu đáp của Điều Ngự: chén mạ vàng là quí, là sạch; phân sư tử là tiện, là nhơ. Hương thơm là sạch, là tốt; người đen đúa là nhơ, là xấu. Ngài muốn chỉ thẳng tâm thể luôn hiện tiền, dứt bặt niệm phân biệt nhơ sạch, tốt xấu, chính đó là pháp thân thanh tịnh, không phải giải thích dài dòng. Bởi Tâm thiền của Thiền sư là ở trước khi động niệm, trước khi có ngôn ngữ, do đó nó vượt lên trên tâm suy nghĩ, phân biệt đối đãi, là thuộc tâm sanh diệt.

Có vị tăng khác hỏi Ngài:

- Câu có câu không như dây bìm nương theo cây, khi ấy thế nào?

Ngài bèn nói bài kệ, lược dẫn:

                    Câu có câu không
                    Bìm khô cây ngã
                    Mấy kẻ nạp tăng
                    U đầu sứt trán.
                    ***
                    Câu có câu không
                    Tự xưa tự nay
                    Chấp tay quên trăng
                    Đất bằng chết chìm
        Âm:
                    (Hữu cú vô cú
                    Đằng khô thọ đảo.
                    Kỷ cá nạp tăng,
                    Chàng đầu khái não.
                    ***
                    Hữu cú vô cú,
                    Tự cổ tự kim
                    Chấp chỉ vong nguyệt
                    Bình địa lục trầm).

Đây là gốc từ câu chuyện Sơ Sơn đến hỏi Qui Sơn – Đại An:

- Được nghe Thầy nói "Câu có câu không như bìm leo cây", chợt khi cây ngã, bìm khô thế nào?

Đại An cười to ha hả. Sơ Sơn thưa:

- Con từ bốn ngàn dặm mang khăn gói đến đây, sao Hòa Thượng lại đùa như thế?

Đại An bảo:

- Thị giả! Hãy lấy tiền trả tiền giày cỏ cho Thượng tọa này!

Sư lại dặn:

- Về sau có con rồng một mắt sẽ vì ông nói phá.

Sau này, Sơ Sơn đến chỗ Minh Chiêu thuật lại việc trên. Minh Chiêu bảo:

- Qui Sơn đáng gọi là đầu chánh đuôi chánh, chỉ là chẳng gặp tri âm.

Sơ Sơn hỏi:

- Cây ngã bìm khô, câu về đâu?

Minh Chiêu đáp:

- Nụ cười Qui Sơn càng thêm tươi.

Sơ Sơn tỉnh ngộ, nói:

- Té ra trong nụ cười Qui Sơn có đao.

Minh Chiêu vốn chột một mắt, đúng như lời dự ký của Đại An ở trước.

Ông tăng dẫn lại ý đó để hỏi Điều Ngự. Điều Ngự chỉ ra, câu có câu không là lời nói hai bên, giống như dây sắn, dây bìm nương nơi cây mà leo lên cao, tự nó không có chỗ tựa. Chợt khi cây ngã, đổ xuống thì dây bìm hết chỗ tựa, bị héo khô theo, lúc đó mình nương vào đâu để hiểu? Biết bao nhiêu kẻ nạp tăng không vượt qua được cửa đối đãi này, bị u đầu sứt trán vì nó.Vừa rơi vào có không là trái xa tâm Thiền, là rơi bên ngoài cửa Thiền.

VI/ TÂM TRUYỀN TÂM – ĐẠT Ý QUÊN LỜI.

Buổi thượng đường ở chùa Sùng Nghiêm, mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy, v.v... rồi Ngài nói:

- Đức Phật Thích Ca Văn vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt 49 năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?

Thượng đường là sắp nói pháp, nhưng Ngài chặn đầu trước, khiến người vượt qua ngôn ngữ nói năng. Bởi chân lý hiện thực vốn không ở trên ngôn ngữ văn tự chết đó, mà ở ngay trong tâm người. Đóng khung trong ngôn ngữ là thành chân lý chết, thành Thiền chết.

Đây là Ngài muốn đem tâm mình truyền thẳng vào tâm người, khiến người thầm cảm thông nhau trực tiếp vượt qua ngôn ngữ.

Thiền sư Pháp Loa hỏi:

- Nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim đều thuộc thứ nói đùa, một câu không kẹt trong ngôn ngữ, làm sao nói được?

Ngài đáp:

            - Gió đông dìu dịu ngàn hoa nở
               Lách cách vành xe một tiếng vang.

Pháp Loa toan mở miệng nói, Ngài liền bảo:

            - Chim hót máu tuôn vẫn vô dụng
              Non tây như trước phủ non chiều.

Hỏi một câu không kẹt trong ngôn ngữ thì nói thế nào? Ngài trả lời khéo, nhằm đánh thức cái đang thấy, nghe hiện hữu đó, đâu thuộc trong ngôn ngữ luận bàn.

Thiền Sư Pháp Loa định nói tiếp, Ngài liền chặn ngay. Đã nói hết tình rồi, như chim hót đến máu tuôn ra, ông còn chưa nhận, lại muốn nói gì nữa?

Thiền sư Pháp Loa hỏi thêm:

- Khi muôn dặm mây tạnh thì như thế nào?

Ngài đáp:

- Mưa tầm tã.

Hỏi:

- Khi muôn dặm mây che kín thì như thế nào?

Đáp:

- Trăng vằng vặc.

Đây làThiền ngữ, ý vốn ở ngoài lời. Nói mây tạnh không phải hiểu theo mây tạnh; nói mây che kín không thể hiểu theo mây che kín. Trong đây ngầm chỉ mây mê mờ che bầu trời tâm.

Vậy, đã là mây tạnh, tức bầu trời tâm trong sáng không có mây mờ, thì tại sao còn khởi niệm hỏi? Khởi niệm tức tâm động, là mây che, là mưa tầm tã rồi.
Còn muôn dặm mây che kín bầu trời tâm, thì còn cái gì biết hỏi đó? Còn biết hỏi tức tâm đã lộ ra rồi, đâu thể che mất được!

Đó chính là cách tâm truyền tâm của Thiền tông, khiến người học thấu qua ngôn ngữ, đạt ý quên lời, không kẹt trên chữ nghĩa.

Tuy nhiên chỗ này phải người thực tu, thực ngộ mới tự cảm thông nhau, trái lại phân tích trên chữ nghĩa thì khó thấu được, do đó có khi hiểu lầm người xưa thành xuyên tạc.

VII/ TÓM KẾT

Trên đây là tạm gợi ý về tư tưởng Thiền của Phật Hoàng – Trần Nhân Tông, vị Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng Thiền của Ngài rõ ràng là Thiền Tông hay Tổ Sư Thiền – tức Thiền "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật", lấy tâm làm gốc, thành Phật ngay trong tự tâm, nên ngộ tâm là điều thiết yếu.

Người tu Thiền này mà chưa tỏ ngộ được tâm, là còn ở ngoài cửa Tổ. Song tâm đó là tâm gì? Chính là bản tâm xưa nay, là nguồn tâm chân thật trước khi niệm khởi, trước khi chia thành nhị nguyên, không thể lầm lộn với tâm sanh diệt đối đãi. Do đó, muốn thấy được cốt tủy tư tưởng Thiền của Ngài, cần tiến thêm một bước, vượt lên tâm hiểu biết bằng tri thức tích lũy có giới hạn này, hay nương tri thức này mà tiến đến chỗ phi tri thức. Và đó mới chính là ý nghĩa đích thực đúng với tên Phật Hoàng, tên Tổ của một Thiền phái.

Phật Hoàng là vua Phật, bậc vua giác ngộ, vậy vua giác ngộ đó ở đâu? Không thể là ở trong số chữ nghĩa nghiên cứu trên giấy mực, đó là chữ nghĩa chết. Và Tổ của Thiền, thì gì là Tổ? Tổ đó không thể là Tổ của những định nghĩa trong tri thức hiểu biết bằng suy luận, mà phải là trực giác trên bản tâm xưa nay. Đây mới đúng là giá trị bất diệt trong con người thực Phật Hoàng. Thiền phái Trúc Lâm ra đời là ra đời từ trong đó! Còn có người tỏ ngộ được lẽ thật này là Thiền phái còn bền vững lâu dài ở thế gian, chính đó là mạch sống Thiền tông Việt Nam còn chảy mãi không dứt.

[ Quay lại ]