headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Đại Ca Diếp



ĐẠI CA DIẾP

ĐẦU ĐÀ ĐỆ NHẤT

1- DƯỚI CÂY SANH VĨ NHÂN

Nếu như hai ngàn năm trăm năm trước, có người giữ gìn nhục thân sống đến hôm nay, thì đó là tôn giả Đại Ca-diếp, Đầu-đà đệ nhất trong hàng đệ tử Phật.

Cách đây không lâu, bác sĩ Bá Khắc Sum người Pháp đã được gặp tôn giả Đại Ca-diếp tại Kê Túc Sơn, Ấn Độ, và đã quy y với Ngài. Cuộc đời của vị thánh đầy tánh cách truyền kỳ ấy, hôm nay đem giới thiệu ra đây, thật là một đoạn cố sự mỹ lệ.

Chúng ta hãy trở lại từ lúc Tôn giả vừa chào đời.

Hai ngàn năm trăm năm trước, tại thôn làng Ma-ha Sa-la-dà cách thủ đô Vương Xá nước Ma-kiệt không xa, có một nhà hào phú trưởng giả dòng Bà-la-môn tên Ni-câu-lư-đà-kiệt-ba, tiếng đồn tài sản của ông có thể sánh với vua Tần-bà-sa-la đương thời.

Tôn giả Đại Ca-diếp đã xuất sanh trong gia đình hào phú ấy.

Nói về lúc đản sanh Tôn giả, có những điềm lành không khác với điềm lành đản sanh Phật-đà là mấy. Ngày mẫu thân Tôn giả lâm bồn, chính là lúc bà đang dạo chơi trong đình viện, bỗng cảm thấy mệt mỏi, bà đến ngồi dưới bóng cây đại thọ Tất-bát-la nghỉ ngơi, lúc ấy chẳng biết thiên y từ đâu bay tới, và Đại Ca-diếp cất tiếng khóc chào đời.

Đại Ca-diếp, cha mẹ đặt tên vốn gọi là Tất-bát-la-da-na, lấy ý sanh dưới gốc cây. Đại Ca-diếp tướng hảo đầy đủ không thua kém ba mươi hai tướng của đức Phật. Gia đình đại phú hào chỉ có một quý tử, sự nuôi dưỡng và thương yêu của cha mẹ thật không thể nói hết. Nội số nhũ mẫu đã hết bốn bà, còn số người hầu hạ chăm sóc chơi đùa lại rất nhiều.

Khi Đại Ca-diếp lên tám tuổi, đã được học các giới điều Bà-la-môn, và theo thầy học tập các thứ, từ pháp tế lễ, thi họa, toán thuật, văn học, ngũ minh, bốn bộ Phệ Đà, cho đến xem thiên văn, đoán âm dương kiết hung, đất động sấm nổ, âm nhạc ca vũ v.v… do sức thông minh của Ca-diếp, không có môn nào không thấu hiểu triệt để.

Duy có một điều rất lạ, ngay từ nhỏ Ca-diếp không giống các trẻ con khác, đối với dục lạc thế gian không ưa, chẳng thích tình âu yếm, chán ghét bất tịnh, thường ưa ở một mình xa đám đông, ngay cả cha mẹ, xa cách cũng không nhớ đến.

2- NGƯỜI VỢ KHÔNG CHUNG GIƯỜNG

Ngày tháng thoi đưa, Ca-diếp đã trở thành một thanh niên anh tuấn, phong lưu. Song thân chàng rất hài lòng, bèn bảo chàng, một ngày gần đây sẽ chọn một tiểu thơ xinh đẹp để cưới cho chàng, Ca-diếp vội vàng từ chối:

- Đó là điều không nên, con chỉ mong muốn duy nhất là được tu đạo, có vợ con rất trở ngại cho việc tu trì lắm.

Đương nhiên là song thân không thể nào đáp ứng yêu cầu đó, khi không còn cách nào để chối từ, chàng bỗng nghĩ ra một biện pháp. Chàng liền mời một nhà điêu khắc đến, lấy vàng đúc thành một pho tượng mỹ nữ sáng rỡ, và chàng đem trình với song thân.

- Cha mẹ nhất định bảo con cưới vợ, xin hãy chọn cô nào giống y tượng vàng này, nếu không con sẽ suốt đời không lấy vợ.

Song thân Ca-diếp thấy con yêu cầu điều này, biết là thật rối rắm khó khăn, sau cùng mới theo lời đề nghị của các thầy Bà-la-môn thường lui tới trong gia đình, quyết định tìm cho ra một cô nương giống tượng vàng ấy. Các thầy Bà-la-môn bèn thiết lập một nhà dù thật lớn đặt pho tượng trong đó, thờ cúng như một vị nữ thần, và đi rảo từ làng này sang làng nọ, từ phố này sang phố kia, đến đâu thiên hạ cũng bu theo xem rất đông đảo. Các thầy mới rao lên:

- Các cô thiếu nữ có cầu mong ước nguyện gì! Hãy đến cúng dường nữ thần! Các cô sẽ được toại nguyện như ý.

Cứ như thế các thầy dạo đi từ thành Vương Xá, qua sông Hằng, lần lần đến thành Tỳ-xá-ly. Ngoại thành này có một thôn trang tên Ca-la-ty-ca, và trong thôn có một gia đình Bà-la-môn cũng nổi danh đại phú. Họ có một cô con gái tên Diệu Hiền, thiên tư quốc sắc, nổi danh mỹ nhân, thường ở trong khuê phòng ít bước chân ra ngoài.

Hôm ấy nhằm ngày hội hoa đăng, nam thanh nữ tú vui chơi dập dìu. Diệu Hiền được bạn bè hẹn hò, đến chiêm bái pho tượng vàng thần nữ. Diệu Hiền nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, khi đến lễ nữ thần đã khiến lu mờ cả tượng vàng. Thầy Bà-la-môn quản lý một phen thấy rồi rất mừng rỡ, bèn theo hỏi thăm gia đình nàng, và đến gặp song thân Diệu Hiền trình bày ý muốn kết thân. Bên song thân nàng cũng nghe danh tiếng Đại Ca-diếp, nên rất hoan hỷ hứa gả con gái.

Thủ tục đính hôn hoàn thành, chọn ngày lành tháng tốt đón dâu. Hãy nhìn Diệu Hiền xem, nàng mặc áo gấm, đeo chuỗi ngọc, thật là tiên nữ cũng không đẹp bằng. Nhưng có điều rất lạ, tân nương tuy có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước, mà gương mặt rất buồn, như nặng mang một tâm sự.

Đờn ca xướng hát, lễ bái trời đất xong, Đại Ca-diếp và Diệu Hiền được đưa vào động phòng. Đôi vợ chồng mới, chẳng có một nụ cười, cũng không ai ngó ai, chỉ ngồi nhắm mắt làm thinh, mỗi người một tâm sự trầm mặc. Đêm động phòng hoa chúc thế này, thật là lạnh lùng nghiêm trang!

Canh một rồi canh hai, canh ba, canh bốn, canh năm đã dứt, trời dần sáng mà cả hai không nói một lời nào. Cho đến lúc lâu, ánh nắng xuyên vào phòng, Ca-diếp mới mở lời:

- Xin hỏi nàng có tâm sự gì chăng?

Diệu Hiền châu mày, ngồi làm thinh.

- Có điều gì nàng cứ nói, chúng ta cùng thương lượng.

Diệu Hiền lại ứa nước mắt, mà cũng chẳng trả lời.

- Thế này là thế nào? Tại sao nàng khóc?

Ca-diếp hỏi tới, có vẻ giận.

Ca-diếp hỏi đôi ba phen, Diệu Hiền không dừng được, mới thở dài đáp nhỏ:

- Chàng phá hoại chí nguyện của tôi. Tôi xưa nay rất ghét ngũ dục, muốn tu phạm hạnh thanh tịnh. Ba má tôi bị mê hoặc bởi sự giàu sang của chàng, khiến nguyện vọng của tôi bị lở dở.

Đại Ca-diếp nghe nói rất mừng. Chàng liền nói cho Diệu Hiền biết, mình cũng rất ghét ái nhiễm, ưa tu hạnh thanh tịnh. Đây thật là khéo hợp ý trời, chúng ta có thể làm theo chí nguyện của mình.

Do đó hai người cùng ước định, trong phòng kê hai cái giường, trên danh nghĩa là phu thê mà không ngủ chung giường.

3- MƯỜI HAI NĂM THỦ ƯỚC

Câu chuyện ngủ riêng giường, lọt đến tai cha mẹ Ca-diếp. Hai ông bà bèn vào phòng xem xét, thấy hai giường kê hai nơi thật chẳng cao hứng tí nào, bèn rầy:

- Hai con là vợ chồng mới cưới mà trong phòng kê riêng hai giường thật chẳng nên. Ta sẽ gọi người đến dẹp bớt một cái.

Ca-diếp chẳng dám cãi lời, nhưng càng giữ vững lời hứa, càng cương quyết lập chí, chàng nói với Diệu Hiền:

- Không lo chuyện ấy. Còn một cái giường thì chúng ta thay phiên nhau ngủ. Đầu hôm đến giữa đêm thì nàng ngủ, tôi đi kinh hành tu niệm trong phòng, đến gần sáng thì nàng thức dậy, tôi ngủ, nàng có thể đi kinh hành hoặc ngồi thiền.

Diệu Hiền rất bằng lòng đề nghị đó, nàng nói thêm:

- Chúng ta cần phải mau mau ra khỏi cái nhà nguy hiểm này, chớ còn trong vòng ngũ dục thì nơi nào cũng có nguy cơ ẩn nấp, mê hoặc người trong chốn đọa lạc.

Ca-diếp an ủi:

- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng phụ mẫu còn hiện tại, tôi là con một không thể bỏ đi. Nàng hãy kiên nhẫn, lý tưởng và chí nguyện của chúng ta sẽ có ngày thực hiện.

Hai người tuy sống trong chốn bụi trần mà tâm vui trong đạo nghiệp thanh tịnh, không hề xúc phạm nhau, an ổn qua thời gian.

Có một đêm, Diệu Hiền ngủ trên giường, Ca-diếp đi kinh hành trong thất, bỗng nhiên có một con rắn độc màu đen bò ngang giường Diệu Hiền. Ca-diếp chú ý nhìn thấy cánh tay Diệu Hiền buông thõng xuống giường cách chỗ rắn độc không xa, chàng lo lắng, rủi như nàng bị rắn mổ nhằm mới làm sao?

Trong lúc mười phần cấp bách, Ca-diếp liền dùng chéo áo quấn quanh cánh tay mình, rồi mới nhè nhẹ đỡ cánh tay Diệu Hiền lên trên giường. Đang ngủ ngon bỗng bị động, Diệu Hiền giựt mình choàng tỉnh, nàng kinh sợ lật đật ngồi dậy, có vẻ vừa giận vừa bực, nàng hỏi Ca-diếp:

- Việc gì xảy ra thế? Có chuyện gì như thế này?

Sau khi nghe Ca-diếp giải thích nàng mới yên lòng, và rất cảm phục chàng. Cả hai giữ mức sống thanh tịnh như vậy trong suốt mười hai năm.

4- XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Hội hợp ắt biệt ly, có sanh ắt có tử, đó là đạo lý nhất định của thế gian. Song thân Đại Ca-diếp lần lượt qua đời.

Sau đó không lâu, ngày nọ Diệu Hiền sai gia nhân ép dầu mè, trong dầu mè có rất nhiều con bọ nhỏ lúc nhúc cựa quậy, nàng nghe gia nhân bàn tán với nhau:

- Ép chết bao nhiêu con vật nhỏ này không biết sau này chịu quả báo đáng sợ thế nào? Nhưng thật ra đó không phải là lỗi của chúng ta mà là mệnh lệnh của nữ chủ.

Diệu Hiền nghe qua những lời ấy cảm thấy ghê sợ, lập tức bảo họ ngừng ép dầu, một mình lui vào phòng đóng cửa lại tịnh tọa tư duy.

Cũng hôm ấy, Đại Ca-diếp đi thăm ruộng. Chàng thấy đôi bò kéo cày nặng nhọc, nông phu làm việc không kể thân. Trong ruộng có những loài côn trùng bị đường cày chặt đứt, lớp chết, lớp bị thương quằn quại thật thảm thương. Chàng nhìn cảnh tượng ấy càng chán ngán cho sự sống trên thế gian. Chàng nghĩ: “Chỉ vì sự ăn mặc của ta mà bao nhiêu người và bao nhiêu thú vật phải chịu đủ thứ khổ sở như thế sao? Không kể là người nào, không kể ăn thức ăn gì, cũng trong khoảng một đấu cơm, không kể ngủ cách nào cũng chỉ trong khoảng cái giường sáu tấc. Còn những thứ cần dùng khác chẳng qua là một sự lãng phí. Chỉ vì những sự lãng phí xa xỉ vô dụng đó, mà làm tổn bao nhiêu người vật, giết hại bao nhiêu sanh linh như thế, thật là một điều quá ư bất công và rất không hợp lý!”

Đại Ca-diếp nghĩ như thế rồi, trở về nhà thấy Diệu Hiền với những sự tình ưu não như vậy, thật chẳng vui chút nào. Sau đó, hai người ngỏ bày tâm sự, cả hai đều cảm thấy nỗi đau khổ của thế gian, nỗi buồn thảm của kiếp người.

Đại Ca-diếp bèn nói với Diệu Hiền:

- Nói gì thì nói, tôi sẽ rời bỏ cái nhà này để đi xa học đạo. Ở nhà thiệt chẳng khác ở trong chốn lao ngục, bao nhiêu thứ ràng buộc, khổ não đủ điều. Ở trong gia đình tạo nghiệp không có hồi kết thúc, tôi sẽ ra đi để tìm cho ra chơn lý của kiếp người. Tu hành trong chốn rừng núi như là lui tới trong chốn hư không, không có chút trở ngại. Tạm thời tôi đi trước tìm thầy hỏi đạo, nàng ở lại nhà đợi khi nào tôi gặp được bậc thầy hiền minh, tôi sẽ trở về dẫn nàng cùng xuất gia. Chúng ta sẽ đem hết tài sản cứu tế cho các người nghèo cùng cơ khổ, và chia cho các gia nhân. Nàng hãy đợi, nhất định tôi sẽ mang tin tốt đẹp trở về.
Diệu Hiền nghe xong, rất kính phục chí nguyện của trượng phu, cùng cảm kích mối quan tâm của chàng. Chuyện xuất gia tu đạo này vốn là nguyện ước từ lâu của hai vợ chồng, vì còn cha mẹ mà phải qua hơn mười năm chờ đợi.

Hôm nay, Đại Ca-diếp đi xuất gia tu hành, trong tâm tình thật hoan hỷ, thật không thể nói hết.

5- LÀM ĐỆ TỬ ĐỨC PHẬT

Lúc ấy Đại Ca-diếp đã ba mươi tuổi. Theo truyền thuyết, ngày chàng rời nhà tìm đạo cũng chính là ngày đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ-đề, trên tòa Kim Cương thấy sao mai mọc và thành Đẳng chánh giác.

Đại Ca-diếp đi tìm thầy khắp nơi, nhưng thầy nào cũng không đáp ứng được nguyện vọng của chàng. Hai năm sau, trong lúc đang tìm đạo tại nước Uyên Già, có người mách với chàng, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bậc Đại giác của thời này. Ngài đang thống lãnh những đạo sĩ nổi danh như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp… cả ngàn đồ đệ tại tinh xá Trúc Lâm. Đại Ca-diếp nghe tin ấy rất vui mừng bèn hỏi thăm đường đến Trúc Lâm.

Tinh xá Trúc Lâm là đạo tràng tối sơ khi đức Thế Tôn tổ chức giáo đoàn, cách cửa Bắc thành Vương Xá không xa. Khi Đại Ca-diếp đến đây, chàng không trực tiếp thưa hỏi đức Phật, chỉ mỗi ngày theo tín chúng trong thành đến nghe pháp. Chàng nghĩ bụng nếu không phải là Phật thì không tôn bái làm thầy. Theo ý chàng, nếu không gặp Phật, không có tôn sư, chàng cũng có thể tu chứng được quả vị Độc giác.

Lời thuyết pháp của Phật, đức huệ của Phật dần dần kích động tâm can Đại Ca-diếp. Một hôm, sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, chàng trở về thành Vương Xá. Gần cổng thành là tháp Đa Tử, cạnh đó có một cây đại thọ cành lá sum sê. Chàng ngạc nhiên thấy đức Phật đang ngồi tịnh tọa dưới gốc cây. Khi chàng ra về, còn thấy Ngài ngồi trên bảo tòa pháp vương ở trong tinh xá, sao bây giờ lại gặp Ngài ở đây? Chàng càng nhìn càng thấy đức Phật tướng mạo oai nghiêm thuần tịnh, như một tòa kim sơn, rốt cuộc không đến lễ bái không xong. Chàng đến đảnh lễ dưới chân Phật, và cảm động thành khẩn nói:

- Bạch Thế Tôn! Ngài là bậc đại sư của con, xin tiếp độ cho con – Đại Ca-diếp được quy y, từ nay Đại Ca-diếp là đệ tử Phật!

Đức Phật biết lúc này lòng tin của Đại Ca-diếp đã chắc chắn, liền bảo:

- Này Đại Ca-diếp! Ông chính thật là đệ tử của ta. Ta chính là lão sư của ông. Trên thế gian này, như người nào chưa chứng quả vị Chánh giác, không dám nhận ông làm đệ tử. Ông hãy theo ta.

Đức Phật từ từ đứng dậy, đi về tinh xá Trúc Lâm. Đại Ca-diếp theo sau chân Ngài, vừa cung kính vừa cảm động, vừa mừng vui đến rơi lệ.

Đức Phật ngoái lại nhìn Đại Ca-diếp sau mới nói:

- Ta nghe nói về ông đã lâu, ta biết thế nào ông cũng đến cầu đạo với ta. Hôm nay là ngày ông được tiếp độ, Phật pháp lưu truyền về sau cần ông rất nhiều, vì chúng sanh và vì chính mình, ông nên thận trọng!

Về đến Trúc Lâm, đức Phật làm lễ thế độ cho Đại Ca-diếp, và nói pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên, với oai đức tướng hảo của Thế Tôn, với từ ân thân thiết của Thế Tôn, có thể nói rằng bầu không khí chứng ngộ đã bao trùm Đại Ca-diếp. Lời dạy của Phật như đám mưa rơi trên thửa ruộng khô khao, tám ngày sau ông khai ngộ.

6- CỨU ĐỘ HIỀN THÊ

Đại Ca-diếp xuất gia một năm sau, là đức Phật thành đạo năm thứ ba. Đức Phật nhận lời thỉnh của phụ vương, cùng các Tỳ-kheo trở về cố thành Ca-tỳ-la, Đại Ca-diếp cũng có mặt trong ấy. Sau đó, Phật trở về tinh xá Kỳ Viên nước Xá-vệ. Trong số những hoàng tộc theo Phật xuất gia, có cả Kiều-đàm-di di mẫu cũng được xuất gia và thành lập giáo đoàn Tỳ-kheo ni.

Do đó, Đại Ca-diếp nhớ đến lời hứa với Diệu Hiền, vì trước đó người nữ không được xuất gia nên Tôn giả không dám xin đức Phật. Bây giờ đã có giáo đoàn Tỳ-kheo ni, chính là lúc thực hiện lời giao kết với Diệu Hiền. Đại Ca-diếp từ khi rời nhà học đạo đã cách ba, bốn năm. Trong ba, bốn năm ấy chẳng biết tình hình của Diệu Hiền thế nào? Tôn giả bèn an tĩnh nhập định quan sát, mới biết Diệu Hiền đang theo làm đệ tử một phái ngoại đạo bên bờ sông Hằng.

Nguyên lai là từ khi Tôn giả đi tìm đạo, Diệu Hiền cũng ở nhà một mình đợi tin tức. Nhưng năm tháng trôi qua vùn vụt, một năm rồi hai năm mà chẳng thấy âm hao của Đại Ca-diếp, nàng mới quyết định tự xuất gia, không đợi nữa. Lập chí rồi, nàng cho gọi người quản gia đến bảo đem hết trang sức, y phục của mình phân chia cho bà con, làng xóm, gia nhân. Nàng đi đến bờ sông Hằng, lễ bái nhóm lõa hình ngoại đạo đang tu tập tại đây làm thầy.

Làm đệ tử nhóm ngoại đạo này, vì dung mạo mỹ lệ mà nàng đã chịu nhiều sự lăng nhục. Đại Ca-diếp biết nàng đang cần sự tiếp độ của mình, đích thị là Tôn giả phải mau mau đem đạo lý chân thực của đức Phật sớm giác ngộ cho nàng. Tôn giả bèn nói chuyện ấy với một vị Tỳ-kheo ni, yêu cầu đi đón Diệu Hiền. Vị Tỳ-kheo ni ấy bằng lòng, chẳng bao lâu đã đưa Diệu Hiền về đến.

Diệu Hiền gia nhập ni viện rồi, cũng vì sắc đẹp ấy làm đề tài cho thiên hạ xầm xì xa gần. Nàng cảm thấy rất tủi hổ, buồn bực đã trót sanh làm thân người nữ kém phước. Từ đó, nàng không đi ra ngoài khất thực, xa lìa đại chúng, không ló mặt nơi đông người.

Đại Ca-diếp biết chuyện sanh tâm lân mẫn. Tôn giả xin phép Phật mỗi ngày chia bớt phân nửa phần thức ăn cho Diệu Hiền. Chuyện ấy lọt vào mắt cô Tỳ-kheo Thâu-la-nan-đà. Cô là một người hay thị phi bàn tán nhất trong chúng. Chẳng biết là vì tật đố hay vì cớ gì, cô nhiều lời phỉ báng. Cô nói:

- Hai người này, nghe nói mười hai năm ở nhà không ngủ chung giường, mà bây giờ mỗi ngày thấy họ thân mật chia sớt thức ăn, tôi đoán thế nào cũng có tình ý gì đây.

Tôn giả Đại Ca-diếp nghe nói, trong tâm vị thánh giả thì rỗng rang không dính mắc, nhưng vì muốn khích lệ Diệu Hiền nỗ lực tu tiến, nên từ đó không giúp cơm nữa.

Thế gian đầy thị phi ác độc. Một vị Thánh thanh tịnh như Đại Ca-diếp, mà còn có người khiêu khích đồn đãi, thiệt là ai nghe cũng bất bình.

Qua sự khích lệ ấy, Diệu Hiền nhận thấy mình phải tu hành nghiêm túc. Bà suốt đêm không ngủ, thành tâm sám hối, và sau cùng được khai ngộ. Sau khi khai ngộ bà nói:

- Đoạn trừ mọi ràng buộc, hoàn thành tịnh hạnh, việc đáng làm ta đã làm xong.

Về sau Phật khen ngợi bà:

- Trong chúng Tỳ-kheo ni, không ai có thể sánh với Tỳ-kheo ni Diệu Hiền về mặt Túc mệnh thông!

Tôn giả Đại Ca-diếp rất hoan hỷ, đối với ân tình của thế gian, Ngài chẳng lưu lại chút mảy may.

7- XÁ LỢI PHẤT PHỎNG VẤN

Từ đó Đại Ca-diếp được người tôn xưng là Thánh giả, thân danh hiển lộ trong Tăng đoàn.

Có lúc, Tôn giả cùng Xá-lợi-phất đồng tu tập tại núi Kỳ-xà-quật. Có nhiều chúng ngoại đạo đến phỏng vấn tôn giả Xá-lợi-phất, bao quanh Ngài đưa ra nhiều vấn đề gạn hỏi. Họ hỏi: Như Lai sau khi Niết-bàn có sanh tử hay không? Hoặc là sau đó có sanh tử? Hoặc là sau đó không có sanh tử? Hoặc là chẳng phải sanh tử? Cũng chẳng phải không sanh tử?

Ngoại đạo dùng lối tứ cú để hỏi về vấn đề sanh tử của đức Phật như thế, tôn giả Xá-lợi-phất trả lời họ, nhưng chỉ có vấn đề này không thể nói là Như Lai ở trong cú nào.

Chúng ngoại đạo không vừa ý với lối đáp của tôn giả, họ gièm chê:

- Người không trả lời được vấn đề này, sao dám tự xưng là bậc Thượng tọa? Nói là Trí tuệ số một mà giống như trẻ con.

Ngoại đạo đàm tiếu rồi bỏ đi, Xá-lợi-phất rời chỗ tu tập của mình, băng qua đám lá rậm của rừng cây, đến thạch động tham vấn tôn giả Đại Ca-diếp.

Xá-lợi-phất đem câu hỏi của ngoại đạo thuật lại cho Đại Ca-diếp nghe và hỏi:

- Tôn giả! Tại sao đức Phật chưa từng giải đáp về vấn đề ấy, đối với câu hỏi của ngoại đạo không thể nói ra sao.

Đại Ca-diếp liền trả lời:

- Đức Như Lai đã hết sạch ái chấp, tâm không còn phiền não, vĩnh viễn giải thoát, sự chứng ngộ của Ngài rộng lớn sâu xa, không thể dùng tứ cú của mê tình để hỏi, cũng không thể dùng ngôn từ để đáp. Chỉ vì vấn đề ấy không nên hỏi nên Ngài không giải đáp.

Xá-lợi-phất nghe câu trả lời, thật là thích thú, cáo từ và trở về động mình tu tập.

Trong hàng đại đệ tử, các vị thường chỉ dạy nhắc nhở nhau, cùng hỏi cùng nghiên cứu, vấn đáp qua lại để bàn soạn sự học, cho nên câu chuyện hỏi đáp của hai vị tôn giả chẳng có gì lạ, nhưng đối với vấn đề khúc mắc như Xá-lợi-phất nêu ra mà có thể tùy tiện giải đáp, mới thấy là sức tu đạo của Đại Ca-diếp cao xa đến mức nào!

8- ĐỘ BÀ LÃO NGHÈO SANH CÕI TRỜI

Một hôm, đức Phật và các đệ tử ở nước Xá-vệ, còn Đại Ca-diếp thì giáo hóa tại thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà. Tôn giả thường ra vào trong thành để bố thí phước điền. Khi tôn giả đi khất thực, thường tránh nhà giàu có mà chỉ chọn những nhà bần cùng. Trong tâm tôn giả nghĩ rằng: Nhà giàu tuy cũng cần nên lân mẫn với họ, nhưng so với người nghèo khổ mỗi ngày phải lo lắng sinh nhai lại đáng thương hơn.

Những người bần khổ không thể hưởng thọ niềm vui ngũ dục đầy đủ, tuy nghe được chánh pháp họ rất thích, nhưng không đủ duyên may để thâu được cái quả báo phước đức của sự bố thí. Cho nên tâm từ của Tôn giả như nước lành rưới khắp những hạng người nghèo cùng đáng thương.

Trong thành Vương Xá, có một lão bà rất nghèo khổ, đã không có bà con thân quyến lại không có nhà cửa gì cả. Sáng sớm, đi lang thang từ ngõ Đông sang ngõ Tây. Chiều tối, thì ngủ vất vưỡng ở bất cứ xó hẻm nào. Trên mình bà đeo những mảnh lá khô chằm víu vào nhau tạm che thân. Một hôm bà mang bệnh trầm trọng, nằm quỵ trên gò đất chờ chết. Lúc ấy gặp gia nhơn của một nhà giàu nọ đem nước cơm đi đổ, bà lão bị đói khát hoành hành vội vơ lấy mảnh ngói bể hứng lớp nước bầy nhầy để uống cho đỡ đói.

Đại Ca-diếp biết bà lão đáng thương bị bệnh nghèo đeo đẳng, Ngài đặc biệt đến thăm. Bà lão từ trước giờ chưa từng được ai hỏi han đến nên khi thấy dáng Tôn giả đứng trước mặt, bà gượng nhổm dậy nhìn kỹ. Té ra là một vị Tỳ-kheo trang nghiêm đang đi khất thực. Không lẽ thầy Tỳ-kheo này lại nghèo cùng hơn ta? Bà mới nói:

- Thân tôi nghèo khổ đói khát, cát đất, gò mả, bụi bờ là nhà, Ngài xem tôi áo mặc không kín thân. Trong cái đất nước này không ai nghèo khổ hơn tôi. Ý da! Chẳng lẽ trên thế gian không có người nhơn từ cúng dường Sa-môn sao? Vì sao Ngài đến hỏi tôi? Xin Ngài chỉ dạy tôi phương pháp cứu tôi khỏi nghèo đói.

Đại Ca-diếp đáp:

- Trên thế gian này, người tôn quý nhất nhân từ nhất không ai bằng đức Phật, hoặc là những ai đã được tắm mát trong giáo lý Phật-đà. Hôm nay, tôi muốn cứu độ bà thoát khỏi sự bần cùng, nên mới đặc biệt đến đây khất thực. Tôi cũng nghĩ đến việc đem tài vật đến giúp bà, nhưng điều đó chỉ giúp bà khỏi khổ nhất thời, mà sau lại tăng thêm bần cùng nữa. Chi bằng bà hãy tùy ý đem bất cứ thứ gì bên mình mà bố thí cho tôi, bà sẽ nhờ công đức đó đời sau được sanh trong nhà giàu có, hoặc được sanh lên trời, hưởng thọ sung sướng lâu dài.

Bà lão nghe Tôn giả từ bi thuyết pháp như vậy, rất cảm động, nhưng tìm hoài không có một chút gì để bố thí. Bà rất đỗi bi thương, buồn khóc thưa rằng:

- Thưa thầy Sa-môn vĩ đại! Lời chỉ dạy quý báu của Ngài con ghi khắc sâu xa trong tâm. Nhưng Ngài cũng biết, con là kẻ bần cùng hạ tiện, con chẳng có một chút vật thực nào để cúng dường Ngài, cũng chẳng có y phục để bố thí nữa.

- Này bà lão! Đã khởi tâm bố thí thì không phải người nghèo, người biết hổ thẹn cũng đã mặc pháp y. Bà đã có hai món bảo bối hiếm có ấy, nên chắc chắn không còn nghèo. Hãy xem những người giàu có đầy tiền của châu báu trên thế gian này, không biết bố thí, không biết hổ thẹn, đó mới thật là người ngu, người bần vậy.

Bà lão nghèo nghe lời chỉ dạy, vui mừng phấn khởi, tâm đầy hỷ lạc, đầy hy vọng về tương lai, bà quên thân mình ô uế bưng chút nước cơm đựng trong mẻ sành đem cúng dường Tôn giả. Tôn giả cũng cung cung kính kính tiếp nhận, và để cho bà khỏi nghi ngờ, Tôn giả liền uống cạn miếng nước cơm. Bà lão thấy thế vui mừng vô hạn.

Chẳng bao lâu, bà lão rời bỏ cõi đời, được sanh lên cõi trời Đao Lợi, do công đức cúng dường nước cơm, bà được trở thành một thiên nữ xinh đẹp. Một hôm, thiên nữ quan sát phước nghiệp đời trước, nhớ đến ân sâu của tôn giả Đại Ca-diếp, bèn bay xuống cõi trần dùng thiên hoa rải cúng dường Tôn giả.

9- QUAN SÁT TÌNH HÌNH TÍN CHÚNG

Một hôm, đức Thế Tôn bảo Đại Ca-diếp đến thành Khoáng Dã để quan sát tình hình giáo đoàn. Ở đấy, sáng sớm Tôn giả đắp y mang bát vào thành, oai nghiêm đi khất thực.

Đi qua một vài con đường, Tôn giả phát hiện một chuyện lạ. Dân chúng thấy Tôn giả đi ngang nhà đều đóng cửa. Tôn giả ra khỏi thành vào trong thôn khất thực cũng gặp một cách đối xử như vậy. Ngài khởi niệm nghi ngờ. Phật pháp ở đây rất hưng thạnh, vì sao dân chúng đối với các Tỳ-kheo không một chút tôn kính như vậy kìa?

Ngài bèn đến nhà một cư sĩ hiểu biết rộng, và hỏi thăm:

- Đức Phật rời khỏi đây không bao lâu, cũng còn các Tỳ-kheo ở lại giáo hóa, vì sao mọi người quên hẳn sự cung kính Tam bảo? Các Tỳ-kheo đi khất thực chẳng ai cúng dường?

Cư sĩ nọ đáp:

- Tôn giả! Từ khi đức Thế Tôn đi rồi, mấy năm trở lại đây các vị Tỳ-kheo trong thành này bày ra nhiều chuyện xây cất, mỗi người đều tự cất phòng ốc cho mình nói rằng đức Phật đã cho phép. Xưa nay, nếu là kiến tạo giảng đường hay tinh xá công cộng để dùng trong việc hoằng pháp hoặc tu học tập thể thì đó là việc bổn phận chúng con phải hộ trì. Nhưng mà bây giờ các Tỳ-kheo đều cất nhà để an nhàn thân mình, các thầy cất cốc, cất am lu bù, đến từng nhà thí chủ kêu gọi cúng dường cửa lớn, cửa nhỏ, cột kèo, ngói gạch, dây mây,… mọi thứ đều kêu gọi quyên tởi tín đồ. Lâu ngày, tín chúng đều cảm thấy việc cung ứng này không có ngày chấm dứt, do đó nhân dân trong thành, ngoài thôn hễ thấy các vị Tỳ-kheo liền lật đật đóng cửa. Ôi! Nói đến việc này, chúng con thật hổ thẹn với đức Phật!

Đại Ca-diếp nghe xong, trong tâm rất khó chịu. Tôn giả lập tức quay trở về thành Vương Xá, đem câu chuyện trên bạch với đức Phật. Đức Thế Tôn bèn đến thành Khoáng Dã triệu tập hết các thầy Tỳ-kheo, giáo giới các thầy không được bắt tín chúng cúng dường quá sự phát tâm của họ. Đức Thế Tôn dạy:

“Các Tỳ-kheo! Chánh pháp của ta lưu truyền lâu dài đều nhờ sức thanh tịnh và cao thượng của Tăng đoàn. Người đến mức vô cầu mới là thanh cao. Các ông không được yêu sách chúng sanh quá nhiều, trái lại các ông phải là người cống hiến cho chúng sanh, các ông đừng để tín chúng chê bai, xa lánh. Nhiệm vụ quan trọng của các ông là hoằng pháp độ sanh, không phải là chuyện lo lắng về chỗ ở, chỗ ăn. Nếu như các ông xây cất giảng đường để thuyết pháp cho tín chúng, hoặc thiết lập tinh xá để tu chung với nhau, không phải xây cất cho riêng mình, điều ấy ta cho phép.

Còn làm nhiều tịnh thất lẻ tẻ, thiểu số người trong đó hưởng thọ của cúng dường, đó là làm phân tán lực lượng Tăng đoàn. Am thất này tranh với am thất kia, ai cũng cho mình là ngon lành, lại càng dễ sanh tâm riêng tư.”

Lời dạy của Phật thật là tiếng chuông cảnh tỉnh trong giáo hội, tôi hy vọng các Tỳ-kheo khi đi hóa duyên các nhà cư sĩ, và các hàng cư sĩ tại gia của thời đại này nhận thức được điều ấy.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo xong, trở về thành Vương Xá. Tôn giả Đại Ca-diếp ở lại gây dựng tín tâm cho dân chúng.

Tôn giả không tính toán cho đời sống riêng mình, cho nơi cư trú của mình, chỉ bận lo mang niềm vui Phật pháp đến cho người, đợi cho tất cả đều tin tưởng hiểu biết chân lý của đức Phật xong, tôn giả liền rời thành Khoáng Dã đi nơi khác.

Lấy cái họa của giáo đoàn làm cái họa của mình, hoàn thành việc đáng làm rồi liền lui gót, không mong cầu cho mình mà chỉ làm việc vì Phật pháp, cái tư cách và chí nguyện cao cả của bậc thánh ấy thật đáng cho chúng ta khâm phục.

10- A-NAN TẶNG BÁT

Tôn giả Đại Ca-diếp chân thành vì pháp, rất được đức Thế Tôn tín nhiệm. Đức Phật đối với Tôn giả thường yêu mến ủng hộ luôn.

Trong giáo đoàn có nhóm Lục Quần Tỳ-kheo như Mãn Túc v.v… chuyên môn kết bè đảng làm việc ác. Do đó, đức Phật đã chế ra một số giới luật.

Có một thời kỳ, Phật đang ở Kỳ Viên tinh xá, Lục Quần Tỳ-kheo cũng ở đây cố tình tích chứa bình bát đủ loại. Bình bát thường thường có hai loại: bát bằng sắt thép và bát sành do địa phương sản xuất. Chất liệu, hình dáng mỗi thứ không giống nhau, cho nên phân biệt thì có: bát thiếc, bát của nước Tô-ma, bát của nước Ô-già, bát màu đen, bát nước Ưu-già, bát màu đỏ đủ loại v.v… Lục Quần Tỳ-kheo thường sưu tầm các thứ bình bát tốt đem về tàng trữ trong phòng, như là một cửa tiệm đồ gốm.

Mấy ông Tỳ-kheo này, từ sáng đến chiều chẳng lo tu hành gì cả, chỉ để hết tinh thần vào việc chứa bát, ngắm bát. Vì theo tinh thần của giáo đoàn, tuyệt đối cấm tích trữ vàng bạc, y phục, gạo thóc, tài sản… cho nên mấy thầy dồn hết hứng thú trong việc thâu chứa đồ cổ.

Và do đó, đức Phật lại cấm chỉ việc chứa bát dư, chế định giới luật nếu ai chứa bát dư phạm Ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Trong lúc Phật sắp ban hành điều luật này, A-nan được cúng một cái bát nước Tô-ma rất quý, A-nan định đem tặng Đại Ca-diếp, nhưng tôn giả Đại Ca-diếp còn bận du hóa nước ngoài, không có mặt ở thành Xá-vệ. Nếu y theo giới luật không được chứa bát dư thì A-nan không thể để lại mà kịp tặng cho Đại Ca-diếp. A-nan chỉ còn cách đem ý ấy lên bạch Phật. Phật hỏi:

- Còn mấy ngày nữa Ca-diếp mới về lại Xá-vệ?

- Bạch Thế Tôn! Khoảng mười ngày trở lại tôn giả mới về đến.

Đức Phật bèn triệu tập đại chúng, giảng dạy pháp Đầu-đà chơn chánh, và khen ngợi Đại Ca-diếp vâng giữ hạnh Đầu-đà không sái phạm mảy may, dạy Lục Quần Tỳ-kheo nên noi theo hạnh của Tôn giả mà tu tập. Và sau cùng, vì sự tình A-nan đã trình bày, đức Thế Tôn đặc biệt sửa đổi giới điều này, cho phép được chứa bát dư trong mười hôm.

Theo dõi sự kiện này, chúng ta có thể biết địa vị của tôn giả Đại Ca-diếp đối với tâm tưởng của đức Phật, và trong giáo đoàn rất cao vậy.

11- ƯA TU KHỔ HẠNH

Đại Ca-diếp một bề ưa thích tu tập khổ hạnh Đầu-đà. Nói về sự tu tập của Tôn giả, từ trẻ cho đến tuổi già, không kể tình hình ra sao, hoặc là mọi người ân cần nói thế nào, Tôn giả không hề từ bỏ khổ hạnh.

Phàm người tu khổ hạnh Đầu-đà phải đủ mười hạnh:

                    1- Cầu chọn nơi vắng vẻ.
                    2- Chỉ sống bằng cách khất thực.
                    3- Thường ở môït chỗ.
                    4- Ngày ăn một bữa.
                    5- Khất thực không chọn lựa.
                    6- Chỉ có ba y, bình bát, toạ cụ.
                    7- Thường ngồi tư duy.
                    8- Thường tịnh tọa chỗ trống.
                    9- Mặc y phấn tảo.
                    10- Thường ở nơi gò mả.

Sinh hoạt của một vị Đầu-đà cần phải đơn giản và thanh tịnh như thế.

Đối với nhân vật như Đại Ca-diếp, không đi hóa độ chúng sanh mà ưa ở riêng một mình, sống quá ư khắc khổ, so sánh với các vị Tỳ-kheo tích cực tiến bộ thật không giống, tâm từ bi làm lợi lạc chúng sanh của Tôn giả đáng kính phục, nhưng nhiệt tình hoằng pháp thì còn thiếu.

Trừ đức Thế Tôn, việc biện luận với ngoại đạo và giáo hóa các Tỳ-kheo đó là việc của nhị vị tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, còn Đại Ca-diếp chỉ chuyên tâm tu đạo. Trong khi đức Thế Tôn và hai vị đại đệ tử còn tại thế, Đại Ca-diếp chỉ thỉnh thoảng thuyết pháp cho hàng tục gia cư sĩ mà thôi. Sau khi Phật diệt độ, thay thế Phật thống lãnh đại chúng, lực lượng ấy đã được hàm dưỡng từ thời độc tu khổ hạnh trước đây. Tôn giả như một cỗ đại hồng chung, thời lặng thinh thì lặng thinh trầm mặc, nhưng khi chạm duyên cũng phát tiếng lớn vang dội.

Ban đầu hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng thường khuyên Đại Ca-diếp nên quên mình để phát tâm Bồ-đề mà ra làm việc hoằng pháp lợi sanh, tuyên dương chân lý. Đại Ca-diếp cũng nhất quyết trả lời:

- Đối với việc hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sanh, tôi không thể làm được. Quên tự ngã không phải là chuyện dễ đâu. Dạy dỗ những bọn người không tín tâm, ác độc như thế, tôi thật chẳng có dũng khí và sức lực. Tôi tự lượng sức mình, chỉ kham sinh hoạt tự tu cho chính mình, bền bỉ trong việc khổ hạnh kham nhẫn, để ủng hộ kẻ hậu lai đối với hạnh đầu đà thiểu dục tri túc, biết tôn trọng và thực hành theo. Nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh lớn lao kia, hoàn toàn trông cậy vào các vị.

Hai tôn giả nghe Đại Ca-diếp nói thế không hề thất vọng, trái lại còn xưng tán:

- Trưởng giả đủ khả năng dựng lập pháp tràng về phương diện ấy, thật cũng rất khó khăn. Phật pháp rất nhiều mặt, mỗi người có thể làm theo lý tưởng của mình, theo chí nguyện của mình. Chúng tôi xin chúc hạ trưởng lão!

Đại Ca-diếp không thích sinh hoạt trong đoàn thể ở tinh xá rừng Trúc hay tinh xá Kỳ Viên, thậm chí Tôn giả không thích hòa vui trong cảnh ấy. Tôn giả chỉ ưa tịnh tọa nơi đồng trống, quán tử thi nơi gò mả, hay vá y dưới gốc cây. Tôn giả nhận thấy đống xương trắng hoặc mùi hôi người chết rất thích hợp trong việc tu quán vô thường, khổ, không, vô ngã.

Đại Ca-diếp không sợ mưa to gió lớn, không nệ ngày nắng đêm sương, thân già khô gầy của Tôn giả luôn luôn ở dưới gốc cây trong rừng, hoặc nơi phần mộ xương trắng đồng hoang, mặc cho ai khuyên can, chẳng hề đình chỉ khổ hạnh.

12- ĐỨC PHẬT CHIA NỬA TÒA

Tôn giả niên lạp càng ngày càng cao, đối với việc khổ hạnh đầu-đà càng lúc càng tinh cần.

Một hôm, đức Phật không thể nhìn thấy Tôn giả tuổi cao tác lớn mà cứ sống dầu dãi nắng mưa, ngày đêm phong sương như vậy, nên muốn khuyên Tôn giả bớt khổ hạnh.

Lúc ấy, bánh xe pháp dừng trụ tại giảng đường Lộc Mẫu, đức Thế Tôn cho gọi Đại Ca-diếp. Tôn giả mặc y bá nạp, râu tóc ra dài, chậm chạp đi đến. Các tân Tỳ-kheo ở đấy không biết Tôn giả, thấy hình dáng lôi thôi của Tôn giả đều tỏ ý khinh rẻ, có người còn định bước tới ngăn cản không cho đến gần Thế Tôn.
Phật biết ý đại chúng, liền từ xa gọi Tôn giả:

- Đại Ca-diếp! Ông đến đó ư! Ta còn chừa phân nửa tòa ở đây, ông hãy mau đến ngồi.

Các Tỳ-kheo trẻ tuổi nghe Phật nói, giật mình, không dè ông Tỳ-kheo già đó là tôn giả Đại Ca-diếp danh chấn tông môn. Tôn giả đảnh lễ Phật xong, lui lại vài bước và bạch:

- Bạch Thế Tôn! Con là đệ tử của Ngài, con thật chẳng dám ngồi tại tòa dành riêng cho Thế Tôn.

Lúc ấy, đức Phật nói cho đại chúng rõ oai lực vô biên của Đại Ca-diếp, lịch trình tu tập của Tôn giả tương đồng với Thế Tôn, đời nay nếu không gặp Phật, Tôn giả cũng có thể giác ngộ, chứng quả vị La-hán Độc giác.

Qua sự việc trên, có thể thấy đức Phật quý trọng Tôn giả đến thế nào, thậm chí đối đãi như khách, biểu lộ địa vị trọng yếu của Tôn giả trong giáo đoàn.

Đức Phật bảo Tôn giả không nên tiếp tục khổ hạnh, hãy bỏ bớt y thô nặng nề, mặc y nhẹ của tín thí cúng dường để tịnh dưỡng tuổi già, không nên mệt nhọc quá độ như thế.

Nhưng dù cho đến đức Phật ủy lạo đến đâu, Tôn giả cũng chẳng thay đổi cách tu. Tôn giả thưa với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hạnh đầu đà đối với con chẳng phải là khổ nhục, trái lại rất an lạc. Con không bị lo lắng ưu phiền về thức ăn, y phục, không màng sự đắc thất trên nhơn gian, con chỉ cảm thấy một sự tự do thanh tịnh thôi.

Đương nhiên có người phê bình lối sống của con nặng về tự lợi, còn như các tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Phú-lâu-na, Ca-chiên-diên thì thay Phật làm nhiệm vụ tuyên dương chân lý, không sợ khó khăn, chẳng tiếc thân mạng, cổ động bánh xe pháp, ủng hộ chúng sanh thấm nhuần pháp vị, đồng được pháp lạc. Về phần con, tuy không đủ nhiệt tình vì người vì pháp, nhưng con không hề quên ân Thế Tôn. Cũng vì muốn báo ân Phật con mới tu học hạnh khổ đầu-đà. Vì chúng sanh cần cứu độ hoàn toàn nương vào sự hoằng pháp của Tăng đoàn. Các Tỳ-kheo bố giáo là bậc thân pháp sư của tín đồ, cũng phải kiện toàn tự thân các vị mới có thể đảm đương công tác cao quý ấy. Còn bổn phận của Tăng đoàn kiện toàn như thế nào? Đương nhiên chỉ có theo sinh hoạt nghiêm túc để bồi dưỡng đức hạnh cho chính mình. Môn khổ hạnh đầu-đà trong Phật pháp cũng là một phương pháp sinh hoạt nghiêm túc, tập quen được lối sống ấy mới có thể khắc khổ, nhẫn nại, kham nhẫn đạm bạc, nhất tâm nhất đức vì pháp vì chúng sanh! Bạch Thế Tôn! Con vì muốn trực tiếp củng cố Tăng đoàn, gián tiếp làm lợi ích chúng sanh, nên luôn luôn nguyện không xả bỏ khổ hạnh. Xin Thế Tôn lượng thứ cho tính cách chấp trước của đệ tử.

Phật nghe xong, rất hoan hỷ. Ngài nhìn Đại Ca-diếp, lại nhìn các Tỳ-kheo, và nói:

- Rất tốt! Tỳ-kheo các ông có nghe lời trưởng lão Đại Ca-diếp vừa nói không? Tương lai chánh pháp của ta bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo phá hoại, mà vì sự hủ bại tan nát của Tăng đoàn! Đại Ca-diếp nói rất đúng. Muốn hoằng dương Phật pháp, để ánh chân lý mãi mãi chiếu sáng thế gian, điều trước tiên là phải củng cố Tăng đoàn. Muốn củng cố Tăng đoàn phải sinh hoạt nghiêm túc. Người như Đại Ca-diếp mới có thể phụ trách chủ trì chánh pháp của ta!

Này Ca-diếp! Ông cứ tiến tu đạo nghiệp, ta không ép ông. Ông cứ tu theo ý nguyện của mình. Khi nào ông muốn gặp ta, cứ tùy thời mà đến.

Đức Phật và Đại Ca-diếp, tuy là hai mà tâm chỉ một, thầy trò thông cảm nhau. Đức Phật đãi Ca-diếp như khách, như bằng hữu, nhưng tôn giả không quên lễ nghĩa, dùng tư cách đồ đệ mà đáp lại, khiến cho mối tương giao sư đệ càng thêm thâm sâu nồng hậu.

Chúng ta nghe nói đến đức Phật hoặc các vị La-hán, đều tưởng tượng rằng các vị ấy lạnh lùng nghiêm nghị như cây khô, đá lạnh, đối với thế gian chẳng lưu chút tình cảm nào. Thật ra không phải thế. Các vị ấy đã biến đổi nhơn tình tạp nhiễm thành một thứ tình cảm tự nhiên cao thượng, gọi đó là từ bi. Hạt giống từ bi nẩy mầm từ cây Trí tuệ, như đá nam châm thu hút chúng sanh, khiến chúng sanh sớm chiều gần gũi tiếp cận được nhân cách cao thượng ấm áp ấy, liền sửa đổi tập khí của mình.

Trong chốn rừng rậm um tùm của miền nhiệt đới, cây Sa-la trổ hoa bát ngát. Những ngày hạ nhiệt đông hàn, những đêm trăng sáng trải ánh vàng trên vòm lá xanh, trong chốn cư trú thanh tịnh, vắng vẻ ấy, Đại Ca-diếp đã tu tập hằng năm, hằng năm qua đều đặn, dầu cho mười năm cũng như một ngày, cái phong tư cao cả của bậc Thánh đệ tử như còn phảng phất đâu đây.

13- NỐI TIẾP Y BÁT CỦA ĐỨC PHẬT

Ngày tháng thoi đưa, nhanh như điện chớp, ứng thân hóa độ thế gian của đức Thế Tôn đã mãn duyên, vào năm tám mươi tuổi, Ngài báo tin sẽ nhập Niết-bàn.

Cùõng năm ấy, trước tiên là Mục-kiền-liên tuẫn nạn, sau đến Xá-lợi-phất hồi hương nhập diệt, hiện tại đức Thế Tôn lại sắp nhập Niết-bàn, trong Tăng đoàn đâu đâu cũng thấy vẻ sầu thảm. Vì sự lưu truyền của chánh pháp và lãnh đạo Tăng đoàn, đức Thế Tôn đã sớm chú ý chọn người tiếp nối. Hiện nay trong Tăng đoàn, tôn giả Đại Ca-diếp già nua, và A-nan tuổi trẻ được coi như là những nhân vật có thể kế thừa Thế Tôn. Nhất là tôn giả Đại Ca-diếp. Ở trên hội Linh Sơn đức Thế Tôn đã ngầm trao “Chánh pháp nhãn tạng. Niêm hoa vi tiếu” là điển tích tối sơ của Thiền tông.

Khi đức Phật nhập diệt ở thành Câu-thi-na, tôn giả Đại Ca-diếp còn đang hướng dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hóa ở nước Đặc-xoa-na-xà phương Bắc. Sau khi nghe tin, tôn giả rất cảm thương, dắt các Tỳ-kheo đi ngày đi đêm về thành Câu-thi-na. Có người nước mắt đầm đìa, có người nằm lăn ra đất khóc than.

Trong chúng Tỳ-kheo có ông Bạt-nan-đà thuộc nhóm Lục Quần Tỳ-kheo, lại rất vui vẻ nói rằng:

- Mấy thầy cần gì phải thương cảm như vậy? Phật-đà Niết-bàn rồi chúng ta mới được tự do. Lão nhân gia ấy còn sống đã bó buộc chúng ta, quản lý chúng ta, Ngài thường rằn ri chúng ta điều này không tốt, điều kia không được làm, cứ lải nhải đến bực mình. Bây giờ, Ngài Niết-bàn rồi, chúng ta càng nhẹ nhỏm, thong thả chứ sao!

Không đợi Đại Ca-diếp quở trách, một thầy Tỳ-kheo bước đến định đánh Bạt-nan-đà. Đại Ca-diếp vội ngăn lại và răn:

- Đức Thế Tôn Niết-bàn, mọi người mất nơi nương tựa nên đều buồn thương, tại sao ông ngu si cho điều đó là việc vui mừng?

Kỳ thiệt Tôn giả phải đập cho ông ta một trận mới được. Tuy là một bậc thánh, nhưng giây phút ấy Tôn giả cũng một phen vọng tưởng, có lúc tợ như con thơ nhớ từ phụ, tưởng đến dung mạo và ngôn từ dạy bảo tha thiết, có khi nhớ đức Phật như nghiêm sư với đệ tử, oai đức khiến người kinh sợ chẳng dám gần, có lúc lại nghĩ đến việc kết tập Pháp bảo, phải nên mời những vị nào tham gia, người nào thuyết kinh, người nào đọc luật, Tôn giả đều suy nghĩ tới nơi. Tôn giả đem tấm lòng của một trưởng lão mà lo lắng cho tiền đồ Phật pháp.

Tóm lại, tâm tư của Tôn giả rất thâm trầm. Lúc ấy kim quan của đức Phật an trí tại chùa Thiên Phủ. Hàng đệ tử vây quanh buồn bã khóc than, và chuẩn bị tưới dầu thơm, sắp củi lửa để làm lễ trà tỳ, nhưng đốt hoài không cháy. Bảy ngày sau, Đại Ca-diếp về đến, từ trong kim quan đức Phật ló hai chân ra, tôn giả trông thấy không cầm được nước mắt, chắp tay đảnh lễ thưa rằng:

- Đức Thế Tôn từ bi! Bậc cứu thế vĩ đại. Xin an tâm, chúng con sẽ đi theo bước chân của Ngài!

Đại Ca-diếp nói xong, đức Phật thâu hai chân vào. Và lúc ấy, giữa những tiếng khóc than kinh động của chúng đệ tử, đức Phật dùng “Tam muội chân hỏa” tự trà tỳ kim thân.

Từ đây trách nhiệm lưu truyền đại pháp, đã do tôn giả Đại Ca-diếp đảm đương.

14- KẾT TẬP TAM TẠNG THÁNH ĐIỂN

Phật diệt độ khoảng chín mươi ngày sau, các Tỳ-kheo mở hội nghị kết tập pháp điển.

Ban đầu, Đại Ca-diếp cũng một phen khổ tâm khi chọn vị trí kết tập. Tinh xá Trúc Lâm thì quá rộng, ở đấy lại không có nhiều các Tỳ-kheo ly dục chứng quả cư trú. Sau cùng Tôn giả chọn một thạch động trong vùng núi phía Đông Nam của thành Vương Xá, tên gọi là động Tất-ba-la-diên.

Trong rừng núi tịch tịnh, hang động rộng rãi, chính là một cảnh thoát trần trong những cảnh ngoài vòng trần ai. Năm trăm vị A-la-hán đều suy cử tôn giả Đại Ca-diếp, A-nan-đà, A-na-luật, Ưu-ba-ly, Phú-lâu-na làm bậc thượng thủ. Song tôn giả Đại Ca-diếp với tư cách chủ tọa đã cử tội A-nan trước đại chúng, quở trách A-nan chưa chứng Thánh quả, mỗi tội bỏ xuống một thẻ, sáu tội sáu thẻ, oai nghiêm như đức Phật, A-nan dù kiêu khí ngất trời nhưng trước mặt Tôn giả cũng chẳng dám phản kháng, chỉ một bề nhận lỗi.

Đại Ca-diếp rất vĩ đại, sau khi Phật diệt độ, trong những hàng thánh đệ tử đông như thế mà đủ sức thống lý đại chúng, không để cho giáo đoàn bị chia năm xẻ bảy. Do đó đủ biết thanh danh và oai quyền của Tôn giả thật vững chắc như bàn thạch.

Khi Phật còn tại thế, hai vị đại đệ tử anh tài như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đã hoạt động trong và ngoài giáo đoàn, là hàng đệ tử thân tín của đức Phật. Còn Đại Ca-diếp thì trầm mặc tu đạo, những hoạt động của Tôn giả đều có giới hạn. Nhưng đến khi đức Phật và hai vị đại đệ tử nhập diệt rồi, mới gọi rằng nước cạn bày đá, đảm nhiệm việc lãnh đạo giáo đoàn. Do đó mới thấy ra sức tu dưỡng cao sâu của Tôn giả, và độ lượng rộng lớn của Ngài.

Tác phong của Tôn giả là bảo thủ. Tôn giả không giống tinh thần tiến bộ và tích cực của Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Phật giáo ngày nay có khuynh hướng thối ẩn, cư trú rừng núi bảo thủ chú trọng khổ hạnh, đã chịu ảnh hưởng của tôn giả Đại Ca-diếp rất nhiều, điều này là sự thực không thể phủ nhận.

Tôn giả Đại Ca-diếp không có thần thông quảng đại, nhưng đối với bất cứ điều khó khăn nào đều có thể kiên nhẫn, an nhiên mà vượt qua. Đem ánh sáng chân lý của đức Phật cao vọi như Thái Sơn chiếu khắp đại địa, lưu truyền đến đời vị lai vô cùng, đầy đủ tư cách ấy thì trong Tăng đoàn đương thời không có ai sánh bằng Tôn giả.

Ngày kết tập thứ hai trở đi, A-nan tụng kinh, Ưu-ba-ly tụng luật, Phú-lâu-na luận nghị. Đó là sự nghiệp thiêng liêng lớn lao của cuộc kết tập tam tạng lần thứ nhất, đã thuận hòa hoàn thành như thế.

Chúng ta được thừa hưởng cam lồ pháp thủy của đức Phật, chúng ta có kho tàng Thánh điển mênh mông như đại hải kia, chúng ta phải cảm tạ tôn giả Đại Ca-diếp!

15- LONG HOA TAM HỘI NGUYỆN TƯƠNG PHÙNG

Hai mươi, ba mươi năm sau lần kết tập ấy, Đại Ca-diếp bỗng nhiên khởi ý nghĩ yếm thế. Ngài nghĩ “Đức Thế Tôn là bậc đại sư của ta, ân sâu như đại hải, đối xử với ta tình như cha mẹ yêu con, ta đã vì đời sau mà lưu truyền đại pháp, có thể tính là báo đáp được ân Phật một phần trong muôn phần. Hiện nay, ta đã già yếu, thân thể lão hủ này còn luyến tiếc gì, tốt hơn ta nên nhập Niết-bàn”.

Lúc ấy Ngài đã hơn một trăm tuổi.

Ngài liền đến nơi A-nan đang du hóa, phó chúc pháp tạng, yêu cầu A-nan tiếp nối sứ mạng, và sau đó bay lên hư không đến tại các nơi có tháp thờ Xá-lợi của Phật, hết thảy tám chỗ, cúng dường lễ bái.

Tôn giả trở về thành Vương Xá, định đến cáo từ vua A-xà-thế, nhưng quân hầu bảo vua còn đang ngủ. Tôn giả bèn rời thành, đến núi Kê Túc phía Tây Nam, cách đó tám dặm. Ngọn núi này có ba đỉnh cao chót vót, hình dáng như chân con gà. Phân nửa núi trở lên là rừng cây rậm rạp, phân nửa núi trở xuống là thảm cỏ trải dài.

Khi Tôn giả đến dưới chân núi, thì ba đỉnh núi từ từ tách ra thành một nơi tọa thiền bên trong rất đẹp. Tôn giả liền lấy cỏ trải tòa mà ngồi và tự nói: “Hôm nay ta sẽ dùng sức thần giữ gìn nhục thân này, dùng y phấn tảo che phủ trên mình, để đến sáu mươi bảy ức năm sau, Bồ-tát Di-lặc giáng sanh thành Phật, ta sẽ đến bái kiến Ngài, giúp Ngài giáo hóa chúng sanh.” Nói xong, ba ngọn núi khép lại như cũ, giấu kín tung tích Tôn giả.

Vua A-xà-thế nghe tin Tôn giả nhập diệt, rất đỗi bi thương! Lập tức đến gặp tôn giả A-nan, yêu cầu cùng vua đi đến núi Kê Túc. Khi hai người vừa đến nơi, ba ngọn núi lại tách ra, cả hai cùng thấy Tôn giả Đại Ca-diếp đoan tọa nhập định trong đó, trên thân phủ đầy hoa Mạn-đà-la. Nhà vua cùng A-nan cúng dường lễ bái rồi lui ra. Núi tự nhiên khép lại. Ngoái lại nhìn rừng núi tịch tịnh, để sáu mươi bảy ức năm sau, tôn giả Đại Ca-diếp đã trường kỳ giữ gìn y bát của đức Phật, ở tại núi này đợi đức Di-lặc Tôn Phật đến thăm, lại trao y bát ấy cho Ngài. Phong độ lưu truyền giáo hóa ấy, cả hai đều khâm phục vạn phần.

Câu chuyện diễm lệ, huyền ảo này có ghi chép nhiều trong kinh điển. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra tư cách vĩ đại của tôn giả, qua ngàn vạn kiếp không lu mờ!

Có người nói: Tinh thần của các bậc vĩ nhân đã hòa cùng tạo hóa, thâm nhập vào chỗ trí áo của trời đất, mà sinh mạng trường tồn với thời gian vô tận. Từ cố sự của tôn giả Đại Ca-diếp, chúng ta có thể thấy sinh mệnh của tôn giả đã vô cùng vô tận, và như thế, giáo pháp của đức Phật nói ra cũng lưu truyền vô cùng vô tận vậy.

Một đời của tôn giả Đại Ca-diếp thật huy hoàng lộng lẫy. Từ lúc sanh ra dưới gốc cây, đến đúc tượng vàng chọn vợ, mười hai năm danh nghĩa phu thê, cho đến khi quy y với Phật bên tháp Đa Tử, xuất thân là con nhà giàu mà kham nhẫn tu tập khổ hạnh, niêm hoa vi tiếu trên hội Linh Sơn, nối tiếp chánh pháp của Phật, nhiếp giữ đại pháp cho đến hơn trăm tuổi, không hề buông lơi một bước, phản đối A-nan tham dự kết tập mà đến khi A-nan khai ngộ chứng quả lại nguyện đem Phật pháp giao phó cho A-nan kế thừa. Đó thật là cuộc đời của một nhân vật vĩ đại, đáng cho chúng ta hộ niệm, học tập.

Tôi viết đến đây, đức tướng và phong tư của Tôn giả dường như hiển hiện trước mắt. Tôi ước nguyện được vinh hạnh tương phùng với Tôn giả trên hội Long Hoa, tôi sẽ hướng về Tôn giả kỉnh lễ.

[ Quay lại ]