headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 15/11/2024 - Ngày 15 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG TVTL CHÁNH THIỆN

chanhthienbanner

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH THIỆN
Ngày 29-11-2014 (Mùng 8-10 Giáp Ngọ)

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

- Kính bạch Chư Tôn Giáo Phẩm lãnh đạo trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chư Tôn Đức lãnh đạo Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Thuận, các tỉnh bạn, huyện thị địa phương.
- Kính bạch toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni hiện diện.
- Kính thưa Quí vị khách quý lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp và địa phương sở tại cùng các đạo tràng Phật tử trong và ngoài nước.
- Kính liệt Quý vị.

Lời đầu tiên, xin thay mặt Ban Tổ chức, chúng con hướng về 10 phương Tam bảo, với tất cả  lòng thánh kính hướng về Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ cùng Chư Tôn Giáo phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni thành kính đảnh lễ. Ngưỡng nguyện từ lực Tam bảo và Hòa Thượng Tông Sư cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni gia bị cho Phật sự nơi đây được thành tựu viên mãn.

Chúng tôi cũng xin gửi lời chào trân trọng đến Quý quan khách đại diện cơ quan ban nghành các cấp cùng toàn thể Quý Phật tử đã dành ít thời giờ quý báo về đây tham dự buổi lễ.

- Kính thưa Quý liệt vị.

Hôm nay, ngày mùng 8 tháng 10 năm Giáp Ngọ, Ban Quản Trị  Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tổ chức lễ đặt đá chính thức xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận – là ngôi Thiền Viện đầu tiên của hệ phái Trúc Lâm được xây dựng tại miền Trung Nam Bộ.
Ngày hôm nay, còn có thể xem là ngày kết tinh của bao tâm nguyện, lòng khát ngưỡng của đông đảo Phật tử trong và ngoài nước, không chỉ đối với những người hâm mộ tu tập theo Thiền Tông Việt Nam do Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ chủ trương, mà còn là niềm hân hoan vui mừng của những người con Phật trong tỉnh Bình Thuận nói riêng và miền Trung Nam Bộ nói chung. Sự kiện trọng đại ngày hôm nay chính là hoa trái đầu mùa, vượt qua bao chướng duyên ở mảnh đất Chánh Thiện mà hàng môn hạ đệ tử của Hòa Thượng Trúc Lâm cùng Hòa Thượng Thường Chiếu kính dâng lên các Ngài - biểu hiện lòng thành kính đối với Thầy Tổ đã cưu mang và chỉ dạy trong suốt bao năm qua. Giờ đây tâm nguyện của Hòa Thượng về việc xây dựng mới một ngôi Thiền Viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử ở miền Trung Nam Bộ giờ đây đã bắt đầu được hình thành.

-  Kính bạch Chư Tôn Đức.

- Kính thưa liệt Quý vị .

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm cho nên Thiền Tông cũng có mặt ở nước ta từ lâu đời. Đến thời Lý Trần thì Thiền Tông đã bước sang giai đoạn cực thịnh. Trang sử vàng của dòng Thiền nước Việt theo đó ngày càng phát huy rực rỡ.

Ngày nay, trang sử Phật Giáo Việt Nam vẫn còn minh chứng một cách hùng hồn về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Là một dòng Thiền mang đậm chất Việt Nam, là một ông vua Phật – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người con của đất Việt. Một dòng Thiền đã mở ra trang sử huy hoàng cực thịnh cho Phật Giáo Việt Nam. Đồng thời cũng nói lên ý nghĩa Phật Giáo không rời xa dân tộc, tự chủ quật cường cho lịch sử vàng son của dân tộc đời nhà Trần trong thời dựng nước và giữ nước. Một thời đại đã tạo nên chiến công oanh liệt với kỳ tích vang lừng mà cả thế giới xưa và nay đều công nhận. Đó là ba lần đẩy lùi, đánh bại quật ngã ba đợt tiến quân xâm lược của giặc Nguyên Mông phương bắc Thành Cát Tư Hãn – một đế quốc hung bạo thời bấy giờ. Đem lại nền độc lập tự chủ, tự cường cho con dân đất Việt trong suốt mấy trăm năm hòa bình thịnh trị.

Trải qua bao thời đại thăng trầm của đất nước, Phật Giáo Việt Nam nói chung và Thiền học Phật Giáo Việt Nam nói riêng, cũng đã từng chịu ảnh hưởng theo chiều thịnh suy của thời cuộc. Tuy nhiên trong dòng sanh diệt biến thiên của cuộc đời, luôn luôn hàm chứa và ẩn tàng một sức sống mãnh liệt, đầy tính năng động và sáng tạo. Mỗi lần dừng lại là để củng cố tiềm lực bên trong mà người xưa đã từng nói: “Lùi một bước là tiến xa vạn dặm”.

Vì vậy, Hòa Thượng Tông Sư Thượng Thanh Hạ Từ là Tông Chủ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã quyết tâm thực hiện hoài bão ôm ấp từ lâu – khôi phục Thiền Tông Việt Nam, lấy tinh thần Phật Giáo Thiền Tông đời Trần, cốt lõi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là kim chỉ nam. Là bản đồ cho mọi công trình giáo dục Tăng Ni Phật tử, hoằng dương đạo pháp. Sau nhiều năm tháng tìm tòi và phát minh tâm địa, Hòa Thượng đã đúc kết Thiền Tông đời Trần có những nét tiêu biểu đặc sắc như sau:

1 - Người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm này là vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh đã từng lãnh đạo quân dân chiến thắng quân Nguyên Mông. Khi đất nước đã sạch bóng quân thù, Ngài từ bỏ ngôi vị Thái Thượng Hoàng, lên non Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, dung hợp ba dòng thiền thời đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, mà Ngài chính là Sơ Tổ.

2 - Thời nhà Trần, Thiền được đưa vào đời sống, phục vụ đất nước và nhân dân. Nhiều vị Thiền sư đã chọn lối sống cư sĩ, vừa làm việc đời việc đạo – như Tuệ Trung Thượng Sĩ khi đất nước có binh biến, các Ngài cũng tùy duyên mà hành xử.

3 - Tinh thần Thiền Tông đời Trần lấy “Phản quan tự kỷ” làm kim chỉ nam cho sự tu tập. Khi còn là Thái tử, vua Trần Nhân Tông một hôm hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ yếu chỉ của Thiền là gì ? Tuệ Trung nói: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc” tức là soi lại chính mình, đó là phận sự chính, là việc bổn phận, không phải từ bên ngoài mà được. Đó là bổn phận của chính mình mà cũng chính là Tông chỉ của nhà Phật nói chung và Phật Giáo đời Trần nói riêng. Bằng sự kiên định vững vàng và bầu nhiệt huyết muốn khôi phục lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa Thượng Tông Chủ Thiền phái Trúc Lâm đã vượt qua bao trở ngại, chướng duyên để cho hoa Thiền nở rộ trên đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới Châu Âu và Bắc Mỹ,v.v…

Gần đây gia đình Phật tử Mai Văn Bình, Pháp danh Chánh Lạc Tâm thấm nhuần ân giáo dưỡng của Hòa Thượng Tông Sư và Chư Tôn Đức Tăng Ni Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nên đã phát tâm tùy hỷ cúng dường một thửa đất để thành lập ngôi Thiền Viện tại địa phương này, ngõ hầu cho Phật tử hâm mộ tu Thiền theo dòng phái Trúc Lâm Yên Tử có chỗ nương tựa.
Hôm nay duyên lành hội đủ, được sự chấp thuận của các cấp Chính quyền và Giáo Hội, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện chính thức được công nhận và khởi công xây dựng. Từ đây Phật tử vùng này có nơi trở về cùng tu tập theo đường lối Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Tông Sư và Chư Tôn Đức Tăng Ni hàng môn hạ của Ngài. Sự ra đời của Thiện Viện Trúc Lâm Chánh Thiện là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển và hòa hợp của Phật Giáo tỉnh Bình Thuận, trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo Hội. Hy vọng Trúc Lâm Chánh Thiện sẽ là một viên gạch trong ngôi nhà Phật pháp tại nơi đây, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho Giáo Hội và đạo pháp trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh.

Giờ này, trong không khí trang nghiêm với bao tấm lòng đang hân hoan đón mừng, thay mặt Ban Tổ Chức, chúng con xin được long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện.

Nguyện cho 10 phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, Chư Thiên Long Thần Bát Bộ Hộ Giới Già Lam thường ở  khắp 10 phương ngày hôm nay thương tưởng chúng con quang giáng đàn tràng thùy từ gia hộ cho Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện sớm được hoàn thành, thỏa lòng mong mỏi của đồng bào Phật tử gần xa.

Trước khi dứt lời, chúng con xin chân thành tri ân sự hiện diện chứng minh của Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni, chúng tôi xin cảm tạ sự hiện diện của chư liệt vị khách quý và toàn thể Phật tử gần xa. Kính chúc Chư Tôn Đức cùng toàn thể Quý liệt vị thân tâm thường an lạc.

Trân trọng kính chào Chư Tôn Đức và Quý liệt vị.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

[ Quay lại ]