headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 15/11/2024 - Ngày 15 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tiểu sử Hòa Thượng Sơn Thắng

TIỂU SỬ

Hòa Thượng THÍCH ĐẮC PHÁP

(1938 - 2013)

 I. Trước khi xuất gia

Hòa thượng Thích Đắc Pháp, thế danh Thái Hồng Điệp, sinh năm 1938 tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ của Hòa thượng là Liệt sĩ Thái Văn Hai và thân mẫu là bà Bùi Kim Loan. Hòa thượng mồ côi cha từ năm lên 9 và mồ côi mẹ khi chỉ mới 11 tuổi. Hòa thượng về chùa Sơn Thắng sống với Bà Ngoại là Sa di ni Thích Nữ Diệu Huệ, lúc ấy đang trông coi và hộ trì chùa Sơn Thắng.

Lớn lên, Hòa thượng làm thợ máy tại bến phà Mỹ Thuận. Trong thời gian này, Hòa thượng có duyên được diện kiến bóng dáng chư vị tôn túc trong phong trào Chấn hưng Phật giáo khi ấy đang xuôi ngược hoằng dương Phật pháp giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Năm 19 tuổi (1957), sau một cơn trọng bệnh (lao phổi), Hòa thượng quyết định nghỉ làm việc, lui về chùa Sơn Thắng để điều dưỡng và công quả. Trong thời gian dưỡng bệnh, Hòa thượng có cơ hội đọc được kinh sách, tạp chí Phật học như tờ nguyệt san Từ Quang, Phật Giáo Việt Nam, v.v… do Thầy Như Viết, trụ trì chùa Sơn Thắng đời trước để lại, Hòa thượng đã nhận chân ra được ý nghĩa cao rộng, uyên áo của đời sống xuất gia tu hành cũng như sự vô thường của cuộc đời. Vì thế, Hòa thượng đã quyết định xuất gia, tiếp bước theo chân các vị Tôn túc mà mình đã gặp.

II. Xuất gia – tu học

Năm 1958, Hòa thượng đến Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang quy y làm đệ tử cư sĩ với HT. Thích Thiện Hòa. Cũng trong năm này, Hòa thượng được HT. Thiện Hòa gửi xuống Trà Vinh cho xuất gia làm đệ tử đầu tiên của HT. Thích Thanh Từ tại chùa Phước Hòa và học Sơ đẳng Phật học tại đây.

Năm 1959 Hòa thượng thọ giới Sa di tại Giới đàn chùa Long Sơn tỉnh Trà Vinh.

Năm 1961, mãn khóa Sơ đẳng Phật học, Hòa thượng cùng thầy Ngộ Chơn và thầy Phước Thọ theo HT.

Huệ Hưng về Mỏ Cày (Bến Tre) để học thiền với Thiền sư Đức. Học thiền hơn một năm, cả 3 vị lại tiếp tục theo HT. Huệ Hưng lên chùa Tập Thành (Bà Chiểu, Sài Gòn) định mở thiền viện tại đây.

Năm 1962, trong thời gian tu thiền tại chùa Tập Thành, Hòa thượng thọ giới Tỳ kheo tại Giới đàn chùa Vạn Thọ (Tân Định, Sài Gòn) do Tổ thượng Hải hạ Tràng làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm 1964, Hòa thượng ân sư Thích Thanh Từ cho gọi Hòa thượng về Phật học viện Huệ Nghiêm nhập học khóa I Trung đẳng Phật học cùng 40 vị Tăng sinh khác.

Năm 1967, Hòa thượng tốt nghiệp khóa I Trung đẳng Phật học và được tiếp tục giữ lại Huệ Nghiêm làm Giám học (Giám thị) cho các khóa sau cho đến năm 1970.

Năm 1970, Hòa thượng rời Huệ Nghiêm lên Tu viện Chơn Không tham gia khóa Thiền đầu tiên do Hòa thượng ân sư Thích Thanh Từ sáng lập. Trong khóa tu 3 năm này, Hòa thượng đã nỗ lực hạ thủ công phu, đồng thời phiên dịch một số tác phẩm Thiền tông như Chơn tâm trực thuyết, Tu tâm quyết, Vạn pháp quy tâm lục. Năm 1973, sau khi mãn khóa thiền, Hòa thượng phát nguyện tiếp tục ở lại Chơn Không vừa nhập thất chuyên tu, vừa phụ ân sư lo cho khóa thiền sau.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Hòa thượng về Thường Chiếu một thời gian ngắn. Sau đó được sự chỉ dạy của ân sư, Hòa thượng về Vĩnh Long tiếp quản Chùa Sơn Thắng để nuôi dưỡng Bà Ngoại đã già yếu mù lòa, đồng thời để dọ xem đất đai và tình hình nơi Sơn Thắng có thể mở thiền viện hoằng truyền Thiền Tông được không. 

III. Thời kỳ hoằng hóa

Từ năm 1975 đến 1977, mặc dù tình hình kinh tế và sinh hoạt tôn giáo vô cùng khó khăn, nhưng Hòa thượng vẫn bám trụ, duy trì và phát triển được Chùa Sơn Thắng (sau này là Thiền viện Sơn Thắng).

Năm 1977, Hòa thượng bắt đầu tiếp Tăng độ chúng và làm Phật sự.

Năm 1981, tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hòa thượng được cử làm Phó ban đại diện GHPGVN Thống Nhất đi tham dự Hội nghị và được suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Năm 1983, BTS Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long chính thức được thành lập, Hòa thượng giữ cương vị là Phó Ban thường trực BTS nhiệm kỳ I và sau đó làm Trưởng BTS các nhiệm kỳ II, III, IV, V và VI của Tỉnh hội.

Năm 1990, Hòa thượng cùng các vị Tôn túc PG Vĩnh Long thành lập Trường Cơ bản Phật học Vĩnh Long. Hòa thượng được đề cử làm Hiệu trưởng.

Suốt 30 năm làm Phật sự, với Phạm hạnh thanh tịnh, tinh thần dung hòa, phong phạm rạng rỡ, Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni trẻ, đoàn kết được nhân tâm trong tỉnh, ổn định được Trường Phật học và Giáo hội PG Vĩnh Long. Hòa thượng đã nhiều lần mở Đại Giới đàn, mở Trường Hạ cho Phật giáo tỉnh nhà và làm Hòa thượng Đàn đầu cho nhiều Đại Giới đàn trong và ngoài tỉnh.

Vào một chiều mùa Đông cũng ngày này cách nay 2 năm, ngày mùng 7 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (tức 18-1-2013), Hòa thượng đã xả báo thân huyễn mộng để vào cõi Niết bàn tịch diệt, làm tròn hạnh nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Hòa thượng xứng đáng là bậc Thạch trụ tòng lâm của GHPGVN cũng như là một Cao đồ của Thiền phái Trúc Lâm.

Phụng vị Tân viên tịch, Trúc Lâm Thiền Phái, Sơn Thắng Đường Thượng thượng Đắc hạ Pháp, Thái công Hòa thượng Giác Linh chứng giám

[ Quay lại ]