headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Đãi Cát Tìm Vàng

Tôi đến chùa Việt Nam lần này là lần thứ hai. Năm 1994 tôi có đến và giảng tại đây, khi ấy ngôi chùa còn đơn sơ lắm. Thấy thế, tôi thầm ước mong chùa Việt Nam tại đây sẽ được khang trang hùng vĩ hơn, chớ không thể đơn sơ như vầy. Sáu năm sau, quả như lòng mong ước của tôi, thầy Trụ trì và toàn thể Phật tử đã chung sức chung lòng, xây dựng ngôi chùa khang trang như hôm nay, thật đáng vui mừng cho người Việt Nam chúng ta.

Hôm nay thầy Trụ trì lại mời về đây giảng giải Phật pháp cho quí Phật tử, tôi hoan hỉ nhận lời. Đề tài tôi giảng hôm nay là Đãi cát tìm vàng, nghe có vẻ thế tục, nhưng nếu quí vị lắng tâm ghi nhận, sẽ thấy tường tận hơn về đạo lý mà chúng ta đang học hỏi, tu hành.

Thường vàng trong mỏ hay trong khoáng không phải vàng ròng, nó lẫn với sỏi đá cát. Muốn lấy được vàng ròng phải khéo lọc, khéo đãi rồi nấu lại mới thành vàng ròng. Như vậy vàng không sẵn có nguyên chất mà tạp lẫn các thứ khác, người muốn tìm vàng phải bỏ công phu, chịu cực chịu khổ đãi lọc nó, sau mới được vàng nguyên chất.

Cũng vậy, tất cả người tu chúng ta từ xuất gia đến tại gia, ai cũng muốn loại bỏ những thứ dở xấu, giữ gìn những thứ quí đẹp. Dở xấu dụ như sỏi đá, quí đẹp dụ như vàng ròng. Giá trị của người tu là cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, cao thượng hơn, vì vậy phải có công phu luyện lọc, chớ không thể bỗng dưng được tốt đẹp.

Phật tử chúng ta có bệnh hơi lười, tu dễ như cúng Phật, cầu Phật thì chịu, chớ phải lọc lựa, xua đuổi những thứ xấu dở thì ngán. Nói đi chùa tập tu nhưng thật sự đi chùa để cầu xin nhiều hơn. Nếu cầu xin thì đâu phải tu. Tu là có công phu, có nỗ lực. Như người đi bòn vàng mà thắp hương cầu nguyện cho vàng hiện lên mặt đất có được không? Chắc không bao giờ có. Muốn có vàng phải khổ công luyện lọc mới được.

Chúng ta đừng tưởng có ít tiền ít quà đến dâng cúng Phật, lạy ba lạy, rồi nói bữa nay tôi tu. Tu như vậy chừng nào mới tiến lên Hiền Thánh? Thậm chí nhiều Phật tử còn có quan niệm rất lôi thôi. Đi chùa này mong cầu không được, liền trách Phật ở đây không linh, tìm đến chỗ linh hơn, cầu xin cho thỏa lòng tham muốn riêng. Đó là người chưa từng biết tu theo đạo Phật.

Chúng ta đến chùa vì đạo hay vì lòng tham? Phật dạy tham là tật xấu, mình mang tật xấu tới với đạo thì sẽ làm hoen ố đến đạo. Quí Phật tử nên hiểu thật chín chắn, chúng ta tới chùa là để tu. Vì vậy phải có công phu, phải nắm vững đường lối để tự gạn lọc mình, tránh bỏ điều dở thực hiện điều hay. Được vậy việc tu mới tiến, chớ cầu xin thì không khi nào tu tiến được. Đó là ý nghĩa tôi muốn nói người khổ công đãi cát tìm vàng ở đây.

Bây giờ, chúng ta gạn lọc những cái dở ngay bản thân mình chớ không ở đâu hết. Nơi bản thân chúng ta có những điểm rất tốt, nhưng cũng có những điểm rất xấu. Quí vị tự kiểm lại có ai tốt hoàn toàn hay có ai xấu hoàn toàn không? Không có, mà tốt xấu lẫn lộn. Tu là làm sao từ một con người xấu trở thành một con người tốt, từ một con người dở trở thành một con người hay. Chẳng lẽ vào chùa tu năm mười năm, không tiến được bước nào hết.

Nhiều Phật tử đi chùa khá lâu, nhưng nói một câu nghe rất đáng buồn "Càng đi chùa càng phiền não". Như vậy tu ở chỗ nào? Tu để hết phiền não, tu để được an lạc, mà càng đi càng phiền não thì đi chùa làm gì? Lỗi này tại chúng ta chưa biết tu. Cho nên khi đã đặt chân vào cổng chùa, chúng ta phải tự biết rằng mình đến đây để tu, để học Phật pháp, để chừa bỏ những thứ xấu dở của mình, chớ không phải tới để cầu xin Phật cho mình mọi thứ.

Nói thẳng về sự tu, chúng ta nên gạn lọc những gì? Người nào không có tham sân si? Tất cả chúng ta ai cũng có tham sân si, nó là thứ xấu. Như vậy tham sân si giống như cát sỏi. Nhưng ngoài tham sân si chúng ta còn có tâm từ bi, đức nhẫn nhục. Từ bi, nhẫn nhục giống như vàng ròng. Các thứ này lẫn lộn với nhau, nên có lúc chúng ta rất tốt, có lúc lại rất xấu.

Trong kinh Phật dạy mạng người sống trong hơi thở, đây là một lẽ thật. Thở ra mà không hít vô là chết. Một hôm đức Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo: "Mạng người sống được bao lâu? " Có thầy nói: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống được ba năm. " Phật nói: "Ông chưa thấy đạo. " Vị khác đứng lên thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống được một năm. " Phật nói: "Ông chưa thấy đạo. " Vị khác thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống được ba tháng. " Phật nói: "Ông cũng chưa thấy đạo. " Vị khác đứng lên thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống được bảy ngày. " Phật nói: "Ông cũng chưa thấy đạo. " Vị khác đứng lên thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống trong bữa ăn. " Phật nói: "Ông cũng chưa thấy đạo. " Cuối cùng một vị đứng lên thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống trong hơi thở. " Phật nói: "Ông đã thấy đạo. "

Thấy đạo là thấy được chân lý, thấy được lẽ thật. Mạng người sống trong hơi thở, vì hơi thở cuối cùng, thở ra không hít vào là chết, chớ không phải đợi ăn hết bữa ăn mới chết, cũng không phải đợi ba ngày, bảy ngày mới chết. Chết là thở ra không hít vào, nên người ta thường dùng từ "trút hơi thở cuối cùng". Hơi thở cuối cùng trút sạch ra không hít trở lại là chấm dứt một đời người. Như vậy thấy rõ mạng người sống trong hơi thở là thấy đúng lẽ thật. Thấy được lẽ thật đó là thấy bằng trí tuệ. Nên nói đọc kinh Phật để mở sáng con mắt trí tuệ, thấy được lẽ thật của kiếp người.

Trong kinh cũng thường nói "Thân người bẩn thỉu, nhơ nhớp". Đa số chúng ta không chịu như vậy, nghe nói mình nhơ nhớp thì buồn bực lắm. Sử kể lại, khi Phật tu sắp giác ngộ viên mãn, ma vương hiện ra hình ảnh mỹ nữ kiều diễm để dụ dỗ Ngài, Phật chỉ nói: "Đi, các ngươi là một đãy da hôi thối, ta không dùng. " Nghe vậy chúng xấu hổ bỏ đi. Đó là đức Phật dùng con mắt trí tuệ thấy đúng lẽ thật nên ma vương không thể dụ dỗ được. Chúng ta ngược lại, thích sống trong tưởng tượng nhiều hơn thực tế. Bởi tưởng tượng nên mới say mê, điên đảo. Do đó đắm nhiễm theo các pháp và bị chúng kéo lôi.

Đạo Phật nói lý nhân duyên. Trong kinh A-hàm Phật dạy, cái này có nên cái kia có, cái này sanh cho nên cái kia sanh v. v… Tóm lại, nhân duyên là không một sự vật nào tự thành, mà do nhiều yếu tố hợp lại. Đó là lý nhân duyên. Hiểu được lý nhân duyên, cũng phải dùng con mắt trí tuệ. Vì vậy người học Phật phải mở sáng con mắt trí tuệ mới được.

Các việc đọc kinh, học đạo trong nhà Phật đều lấy trí tuệ làm đầu. Đức Phật thường nói "Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp". Đuốc đó là đuốc trí tuệ, nếu tự mình chưa có phương tiện thắp, thì phải mồi với chánh pháp của Phật. Nhờ mồi với đuốc Phật mà cây đuốc mình cháy, gọi là thắp đuốc trí tuệ. Chúng ta học Phật ít nhiều gì cũng có đọc kinh, tức là đã mồi với ngọn đuốc của Phật, chắc chắn nguồn trí tuệ nơi mình sẽ sáng. Trí tuệ là chân lý, thấy được chân lý thì không còn lầm lẫn trong cuộc đời mê muội nữa.

Phật tử ai cũng biết tham lam, nóng giận, si mê là tật xấu thì phải chừa bỏ. Còn trí tuệ từ bi quí báu thì nên trân trọng giữ gìn. Tham sân si dụ như cát sỏi, từ bi trí tuệ dụ như vàng. Chúng ta tu phải lọc đãi cát sỏi bỏ, lấy vàng kết tụ lại thành khối, như vậy mới thành công. Chúng ta ai cũng có sẵn tâm từ bi, có sẵn trí tuệ, chỉ cần làm sao phát huy được những của quí ấy thì thành tựu Phật đạo. Đó là điều thiết yếu nhất trên bước đường tu tập.

Tham sân si là tật xấu, nhưng muốn loại nó ra dễ hay khó? Khó. Nó từ nơi mình ra, bây giờ không muốn xài nữa thì bỏ đi. Cũng như trong nhà có bàn ghế hư mục, mình là chủ không muốn xài nữa, đem bỏ ra là dễ quá. Nhưng tại sao tham sân si cũng thuộc của mình, mình bỏ lại khó?

Trong kinh kể lại, một hôm Phật hỏi các thầy Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất các ông có ba con rắn độc chui vào, các ông ngủ có ngon không?

Các thầy Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không được.

Hỏi:

- Tại sao?

- Vì có rắn độc thì không bao giờ ngủ yên.

Phật hỏi:

- Các ông muốn ngủ yên thì phải làm sao?

Các thầy bạch:

- Bạch Thế Tôn, chúng con muốn ngủ yên, phải đuổi ba con rắn độc ấy ra khỏi thất mới được.

Phật nói:

- Ba con rắn độc đó tuy hại người, nhưng nó không nguy hiểm bằng ba thứ tham sân si. Vì sao? Vì rắn độc cắn chết một đời này thôi. Còn tham sân si không những làm chúng ta khổ đời này, mà còn dẫn chúng ta tạo nghiệp khổ không biết bao nhiêu đời kiếp nữa. Như vậy nó hại chúng ta không những một đời mà rất nhiều đời, nên ba con rắn độc ít nguy hiểm hơn tham sân si.

Tham sân si độc như vậy mà giữ lại thì tai họa sẽ thế nào? Cho nên chúng ta tu phải loại trừ nó ra. Tu một năm loại chưa hết, thì hai năm ba năm, nhất định phải loại cho hết. Đó là người biết lọc bỏ cát sỏi để lấy vàng. Nếu chúng ta cứ nuôi nó hoài thì suốt kiếp tu không tới đâu hết. Chẳng những tu không tới đâu mà còn nguy hại đến nhiều đời sau, phải chịu đau đớn gấp trăm ngàn lần đời này.

Vì vậy chúng ta tu phải cố gắng dẹp bỏ tất cả tham sân si. Tu một năm giảm chừng mười phần trăm, hai năm giảm hai chục phần trăm, mười năm thì sạch trơn tham sân si. Tu như vậy là Thánh mất rồi. Đằng này đi chùa nhiều năm phiền não lại càng nhiều vì không dẹp chút nào hết, như vậy đâu gọi là tu.

Mỗi năm qua mạng sống mỗi giảm mà việc tu hành vẫn y nguyên, không tiến bước nào hết thì con đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, chờ đón chúng ta ở phía trước. Muốn trở lại làm người tốt, muốn lên cõi trời, muốn thành Thanh văn, Duyên giác v. v… mà không chịu tu tiến là điều không thể chấp nhận được. Cho nên nói tới người tu chúng ta phải hiểu là người luôn luôn sửa đổi, loại bỏ cái dở hướng đến cái thiện. Năm này bỏ được phân nửa, năm tới phải bỏ hoàn toàn. Nhớ như vậy để cố gắng, đó là tu.

Nhưng gần đây Phật tử thật hời hợt, cứ nghĩ rằm, ba mươi đi chùa sám hối là hết tội. Sau đó tạo tội lại, rồi đến rằm ba mươi đi sám hối nữa. Cứ như vậy sám hối hoài tới già tội càng thêm tội. Chúng ta phải can đảm nói tu là tu. Như quí vị có chiếc xe hư đẩy vô xưởng sửa. Một tháng hai tháng sau, chiếc xe vẫn y nguyên, không sửa gì hết, quí vị có rầy ông chủ xưởng không? Đã sửa thì phải sửa cho tốt hơn, cái gì hư phải bỏ làm lại cái mới. Đem sửa mà xưởng không chịu sửa thì mình chê trách.

Cũng vậy, chúng ta nói tu tức là sửa, mà năm năm, ba năm không sửa gì hết thì sao? Ai chê trách mình đây? Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sen thấy Phật tử đi chùa Ngài vui, vì quí vị đã tin kính Tam Bảo. Nhưng nếu đi năm này, năm nọ, năm kia mà không chịu sửa đổi lỗi lầm gì hết Phật có còn vui không? Chắc không vui. Vì vậy chúng ta nguyện tu theo Phật thì phải làm sao cho chính bản thân mình được tốt đẹp, gia đình được hạnh phúc. Mỗi ngày đến với đạo thì đạo càng sáng sủa hơn, đó mới thật là tu. Chớ tu có chừng, qui y để Phật bảo vệ mình thì không được.

Người biết tu là người có dụng công. Dụng công xét nét những điều xấu dở của mình. Tham là dở, sân là dở, si là dở. Ba thứ đó đáng chê trách, phải bỏ đi. Bỏ bằng cách nào? Đó là một vấn đề. Gặp duyên nó nổi sân đùng đùng lên, hết duyên nó ẩn đâu mất, ta không biết ở đâu nên trở tay không kịp.

Trong kinh Phật dạy, muốn trị bệnh sân phải dùng thuốc nhẫn nhục. Nhẫn nhục trị sân nhuế. Nhưng ta lỡ nổi nóng, la hoặc đánh chửi người ta một hồi rồi làm sao nhẫn, sám hối muộn quá. Cho nên phải nhẫn trước khi tạo các hành động xấu. Nhẫn tức là nhịn, muốn nhịn phải có phương pháp, có kinh nghiệm trong sự tu. Trong ba nghiệp, ý dấy khởi trước rồi tới miệng, tới tay chân. Như vậy lẽ ra phải chận ngay ở ý, nhưng cơn sân lỡ phát rồi, lúc đó ta chận ở đâu? Chận ở miệng, vì sân trong ý chưa làm người ta tức giận, oán hờn mình, mà nói ra mới có chuyện. Nên vừa thấy hơi nóng trong bụng, nên đọc câu thần chú như thế này: "Nói là ngu, nhịn là khôn. Nói là ngu, nhịn là khôn. " Nhắc tới nhắc lui như vậy đôi ba lần thì kềm được lời nói bậy. Bởi khi sân nói bậy, nói bậy tức là ngu. Còn nhịn thì có thì giờ tỉnh táo, tỉnh táo là khôn.

Người tu phải nắm thật vững các gốc bệnh và phương thuốc trị liệu tương ứng. Bệnh nào dùng thuốc nấy để sự tu của mình có kết quả tốt. Kẻ khôn biết chọn đường đi, biết chừa bỏ những điều xấu xa để trở thành hay tốt. Tu không phải là chuyện ở bên ngoài mà ngay nơi bản thân mình, nội tâm mình, từng phút từng giây chúng ta phải loại bỏ những điều xấu, nuôi dưỡng những điều tốt. Tu như vậy mới tiến, mới gọi là thật tu. Loại bỏ ba thứ độc tham sân si, ví như người đãi cát tìm vàng vậy.

Loại bỏ được tham sân si rồi, chúng ta sẽ tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng từ bi, đó là vàng. Đây là chỗ thiết yếu của người tu, chớ không phải lạy Phật nhiều, ăn chay giỏi là tu. Ăn chay lạy Phật là phần phụ, phần chính là loại bỏ tật xấu, trưởng dưỡng các nghiệp lành để tăng tiến công phu tu hành của mình.

Nhiều khi Phật tử ăn chay trường thấy mình oai lắm rồi, chê người ăn sáu ngày hoặc hai ngày tu dở. Chê người ăn chay ít tu dở, nhưng nếu ăn chay trường mà ai động tới mình la om sòm thì dở hay giỏi? Chỉ giỏi tập ăn, chớ chưa phải giỏi tập tu. Hiện nay có nhiều người không tu, họ cũng ăn chay vì sợ bệnh hoạn, như vậy họ hơn Phật tử ăn chay kỳ sao? Vì vậy phải hiểu việc tu là lọc luyện ba độc cho được trong sạch, tốt đẹp để tăng trưởng trí tuệ và từ bi. Đó là bước thứ nhất.

Đến bước thứ hai là chúng ta lọc luyện những thứ tạm bợ hư dối trong nội tâm của mình, để hiển bày cái chân thật. Giai đoạn này hơi khó. Như quí thầy thường dạy Phật tử phải niệm Phật là để dừng hết loạn tưởng, chỉ còn một tâm thanh tịnh thì Phật Di-đà mới đón về Tây phương. Những loạn tưởng đó là cát, còn nhất tâm bất loạn là vàng. Hiểu như vậy mới thấy con đường tu từ cạn tới sâu. Đó là tu Tịnh độ.

Còn tu Thiền thì phải định, tất cả những điên đảo vọng tưởng lặng hết, tâm hoàn toàn thanh tịnh mới gọi là định. Còn một chút lăng xăng vẫn chưa định, chưa định thì việc làm của mình chưa xong. Phật dạy pháp môn có khác nhưng chỗ cứu kính, mục đích không hai.

Trong nhà Thiền dùng câu "Mạt vàng tuy quí nhưng rơi vào mắt cũng thành bệnh". Nó quí nhưng không được bỏ vào mắt. Con mắt dụ cho chúng ta sẵn có tánh Phật sáng suốt thanh tịnh. Nhưng vì mình quên nên các niệm khởi lăng xăng. Bây giờ dùng phương tiện để dẹp bỏ những niệm lăng xăng đó. Phương tiện ví như mạt vàng, nếu các niệm lăng xăng hết rồi, mà ta vẫn giữ phương tiện thì cũng giống như bỏ mạt vàng vào trong con mắt. Con mắt nguyên nó là thanh tịnh, còn một thứ gì trong đó là còn che lấp.

Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy tu là cao siêu, chớ không phải chuyện bình thường. Muốn giải thoát sanh tử phải tu cho sạch nghiệp, tức là dứt hết các thứ vọng tưởng, phiền não. Vì sao? Vì nghiệp dẫn chúng ta đi trong lục đạo luân hồi. Mà nghiệp do thân miệng ý của mình tạo. Người không khéo tu tạo nghiệp ác, bị nó dẫn xuống ba đường ác. Người khéo tu tạo nghiệp lành, nó dẫn lên các đường lành.

Như trên tôi đã nói đãi bỏ tam độc để tăng trưởng từ bi trí tuệ, đó là đi trên đường lành. Song muốn đến chỗ cứu kính thì mọi nghiệp lành dữ đều buông sạch hết. Tới nhất tâm thì không còn niệm lành dữ nữa. Được chánh định cũng vậy, khi đó gọi là giải thoát sanh tử. Vì vậy Tổ Tăng Xán dạy: "Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm. " Nghĩa là tin tâm mình thì không còn hai, chỗ không hai chính là tâm mình vậy.

Trong kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp bất cứ ai, Ngài cũng đều nói: "Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật. " Có khi bị người ta mắng, người ta rầy, người ta chọi đá, Ngài vừa chạy vừa bái nói: "Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật. " Câu nói đó có ý nghĩa gì? Bởi Ngài biết mọi người chúng ta đều có tánh giác sẵn, gọi là Phật tánh. Nhưng vì chúng ta quên, nên cứ ngỡ rằng thành Phật là chuyện siêu thoát, người phàm tục không thể làm nổi. Cho nên nuôi ý chí hạ liệt, không dám tự nhận mình có khả năng thành Phật.

Vì vậy Bồ-tát Thường Bất Khinh phải nói lớn lên rằng "Các ông đều sẽ thành Phật", khẳng định như vậy. Để nhắc tất cả chúng ta có đủ khả năng thành Phật. Tại sao? Vì tánh Phật sẵn có, chỉ mình khéo tu thì tánh Phật hiện bày, không khéo tu thì tánh Phật chìm ẩn.

Mục đích của người Phật tử tu là để thành Phật, chớ không nói tu nửa chừng thôi. Đức Phật Thích-ca cũng từng nói: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. " Vậy tại sao chúng ta khiêm tốn quá, không dám nhận mình là Phật sẽ thành, để cố vươn lên. Chúng ta sẵn có tánh Phật mà quên lửng đi, chạy theo bao nhiêu thứ điên đảo vọng tưởng. Tánh Phật như mặt trăng đêm rằm trên hư không, còn những vọng tưởng nghĩ suy như những cụm mây đen, che bít bùng không thấy được mặt trăng. Mặt trăng tuy không thấy nhưng lúc nào cũng sẵn có trong hư không, chưa từng vắng thiếu. Chúng ta tu là để dẹp những đám mây che đó. Vọng tưởng lắng thì tánh Phật hiện ra, sẵn đó chớ không phải ở đâu đem lại. Nếu từ đâu đến thì khó, còn sẵn vậy mà quên thì có mất bao giờ mà sợ.

Cũng trong kinh Pháp Hoa, có ví dụ anh chàng nhà nghèo đi tới bạn. Bạn đãi rượu, anh uống say lăn ra ngủ. Người bạn lấy một hòn ngọc quí nhét trong túi áo của anh, rồi đi mất vì có việc gấp, không nói chuyện được. Tỉnh rượu anh không biết mình có hòn ngọc quí trong túi, cứ đi ăn xin hoài. Chúng ta cũng vậy, có hòn ngọc quí là tánh giác mà không bao giờ dám nhận. Phật, Bồ-tát phải nhắc tới nhắc lui, mà mình cũng chỉ hài lòng với địa vị phàm phu của mình thôi. Tu cứ mong đời sau sướng hơn, đẹp hơn, giàu hơn đời này. Mơ ước bao nhiêu đó là chấp nhận làm phàm phu suốt kiếp rồi.

Chúng ta tu là từ phàm phu chuyển lên thành Phật, chớ không phải tu để làm phàm phu muôn đời. Chư Phật, Bồ-tát dùng hết phương tiện này đến phương tiện nọ để đánh thức mà chúng ta không thức không tỉnh, đó là lỗi tại mình.

Một hôm ngài Thần Quang chấp tay thưa với Tổ Đạt-ma: "Bạch Hòa thượng, tâm con không an xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm. " Tổ bảo: "Đem tâm ra ta an cho. " Thần Quang xoay tìm, không thấy tâm ở đâu liền thưa: "Con tìm tâm không được. " Tổ bảo: "Ta đã an tâm cho ông rồi. " Ngay đó, ngài Thần Quang liền ngộ đạo.

Ngày xưa tôi cũng chịu khó đọc sách thiền nhiều lần lắm, nhưng đọc rồi phải xếp sách lại vì thấy dường như Tổ nói đùa vậy. Nhưng sự thật những lời ấy thấm thía vô cùng, siêu thoát phi thường. Chỉ vì nó quá vắn tắt, quá thật nên ít ai thấy. Bởi lâu nay chúng ta quen cho cái suy nghĩ phải quấy, hơn thua, xấu tốt là tâm mình, nên ngồi lại nhớ chuyện này chuyện kia, thành ra bất an. Đến khi tìm lại rõ ràng nó không thật nên mất tăm mất dạng. Mất tăm mất dạng là an rồi.

Như vậy tu thiền là nhìn lại tâm bất an đó, xem nó có thật không? Nhìn lại nó mất, đó là an tâm. Cho nên trong nhà thiền thường dùng từ "phản quan tự kỷ", tức là soi sáng lại chính mình. Đó chính là pháp an tâm của Tổ sư. Nói pháp mà thật ra không có phương pháp gì cả.

Tu Tịnh độ dùng câu niệm Phật để an tâm. Còn tu Thiền không dùng câu nào hết, chỉ phản quan lại chính cái bất an đó xem nó ở đâu, ra sao. Khi nhìn nó, nó mất thì tự an. Đơn giản như thế, không có một pháp, nên nhà Thiền thường nói rằng: "Tông ta không có pháp dạy cho người" là vậy. Không có pháp mà rất cụ thể. Một bên dùng câu niệm Phật để đi tới chỗ nhất tâm hay an tâm, một bên phản quan lại những bóng dáng của trần cảnh, nhìn tường tận cội gốc của nó không thật, nó mất tiêu, thì tâm an vậy.

Chúng ta tu phải nắm vững pháp mình tu từ đầu cho tới cuối. Nắm không vững thì người niệm Phật chê người tu thiền, người tu thiền chê người niệm Phật không đúng. Đó là không hiểu chớ thật ra tu pháp nào cũng với mục đích là được an tâm.

Như vậy rõ ràng tu là tiến từ con người phàm tục lên con người lương thiện, từ con người lương thiện lên con người giải thoát sanh tử, không còn bị nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi nữa. Đó là giác ngộ, hiển bày được tánh Phật của mình.

Bây giờ chỉ một phút thôi, quí vị ngồi bình tĩnh không vướng bận một bóng dáng nào trong tâm, rỗng rang không nhớ, không nghĩ gì hết. Lúc đó quí vị có biết không? Biết. Cái biết ấy có thuộc buồn thương giận ghét không? Không. Rõ ràng cái biết không nghĩ suy, không sanh diệt, chân thật hằng có luôn bên mình. Chỉ vì chúng ta mê muội chạy theo vọng động nên không nhận ra nó thôi. Giống như mặt trăng đêm rằm bị mây đen liên tục kéo đến phủ che nên chúng ta không thấy. Khi mây thưa thì ta sẽ thấy ngay. Tu là dẹp bỏ cái biết hư dối sanh diệt, để cái biết chân thật sẵn nơi mình hiện bày, vậy thôi.

Trong nhà Phật dùng từ "tâm" để chỉ cho cái biết chân thật. Tâm có hai thứ tâm chân, tâm vọng. Tâm vọng là tâm nghĩ suy lăng xăng sanh diệt. Tâm chân là buông hết nghĩ suy sanh diệt vẫn biết rõ ràng. Chúng ta tu, nhất là tu thiền, khi nào vọng tưởng thưa hở tự nhiên mình thấy sáng. Những vấn đề xưa nay mình giải quyết không được, lúc đó bỗng dưng giải quyết được một cách dễ dàng. Đó là ánh sáng của Phật tánh hiện ra, nó quí như vậy. Người tu là trở về cho được với tâm chân thật đó, không phải dừng ngang ở chỗ tu cầu phước mà thôi.

Tóm lại, chúng ta tu có hai chặng. Chặng thứ nhất là loại bỏ xấu ác tam độc để được từ bi, trí tuệ. Chặng thứ hai loại bỏ những điên đảo vọng tưởng để tánh Phật hiện ra. Đó là mục đích cuối cùng của Phật dạy. Ý nghĩa đãi cát tìm vàng của tôi cũng chính là đây vậy.

[ Quay lại ]