headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHÂN

 Lâu nay mỗi chúng ta theo đạo Phật nhưng có nhiều điểm nghi ngờ, thấy đạo Phật hình như tiêu cực, đa số chùa chiền đều ở trên núi, cách xa thành thị. Gần đây mới có một số chùa ở thành thị. Chư Tăng, chư Ni chỉ lo tu, ít đến nơi này nơi kia giáo hóa. Hoặc như đức Phật ngày xưa cứ ôm bình bát đi khất thực, ngày nay hình thức ấy vẫn còn.

Qua những hình ảnh ấy, người ta nghĩ đạo Phật bi quan, Tăng Ni không cố gắng, không nỗ lực tạo kinh tế sống cho mình, cứ đi xin hoài. Vì vậy tôi sẽ giải thích câu Phật hóa hữu duyên nhân cho tất cả hiểu. Ðạo Phật chỉ giáo hóa người có duyên thôi. Nghe thế đa số Phật tử nghi ngờ đạo Phật giáo hóa có sự lựa chọn, không công bằng. Nhưng nhìn cho thấu đáo, có thể nói rằng người Việt Nam chúng ta thấm nhuần đạo Phật rất sâu. Hồi xưa khi còn bé, tôi thích đọc Minh Tâm Bửu Giám, trong đó có câu:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,

Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Có duyên dù ở xa ngàn dặm cũng gặp nhau, còn không có duyên dù đối diện trước mặt cũng không thông cảm nhau được. Hai câu đó của sách Nho đời Tống, là do ảnh hưởng Phật nên mới nói thế.

Dân quê nước ta khi thấy hai người thương mến nhau thì nói "hai người đó có duyên nợ với nhau". Như vậy dân tộc mình hiểu đạo Phật quá rồi. Hoặc khi ta giải thích điều gì cho ai mà họ không thèm nghe, ta nói "người đó không có duyên với tôi". Dù muốn dù không chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ai có duyên với mình, mình mới có thể thân mến, ai không có duyên với mình, dù gặp nhau hoài mình cũng không có chút cảm tình. Chúng ta thấy chữ "có duyên" hay "vô duyên" thường dùng trong đời sống hàng ngày của mọi người, thật ra do ảnh hưởng Phật giáo mà có.

Như vậy chữ Duyên trong nhà Phật nói lên toàn bộ mối tương duyên tương quan giữa mình và mọi người từ nhiều đời đến nay. Nếu không có duyên gặp nhau cũng không thân thích. Như hàng tháng chúng tôi về Thường Chiếu giảng, Phật tử từ xa tựu hội về chùa rất đông, trong khi những nhà lân cận tới rất ít. Như vậy là sao? Ðúng là có duyên thì thiên lý ngộ, mà vô duyên thì đối diện bất tương phùng.

Câu "Phật hóa hữu duyên nhân" nói lên lẽ thật chúng ta đang sống chớ không phải tưởng tượng. Trong kinh kể mỗi buổi sáng, trước khi đi giáo hóa, đức Phật dùng thiên nhãn xem hôm nay người nào có duyên với mình, Ngài đi thẳng tới đó giáo hóa. Nơi nào không có duyên Ngài không đi. Rất tiếc Tăng Ni thời nay không có thiên nhãn, nên nhiều khi đi giáo hóa bị thiên hạ rầy. Ðó là vì mình không có duyên mà đi đại, đi càn. Tôi nói vậy để quí vị thấy ý nghĩa của chữ có duyên và vô duyên.

Người học và hiểu đạo Phật rồi, sẽ thấy những điểm rất kỳ đặc. Như đức Phật ôm bình bát vào xóm làng khất thực, thế thường gọi Ngài đi ăn xin, nhưng Phật nói Ngài gieo duyên với chúng sanh. Nếu ai có chút lòng lương thiện, dù chưa biết Phật pháp, thấy Ngài ôm bát tới xin, họ không tiếc một vài bát cơm cúng. Ðó là họ gieo duyên với Phật rồi. Khi thấy Phật, chư Tăng, chư Ni tới trước cửa nhà, gia chủ nào không nỡ làm thinh, đem ít thức ăn cúng dường, đó là gieo duyên. Một lần đức Phật đi khất thực, thấy mấy chú bé đang đùa cát, làm núi chơi bên đường. Gặp Phật, một chú hốt cát vô cái vùa dâng lên cúng dường. Phật nhận rồi bảo Tôn giả A-nan đem về rải nơi tịnh thất của Ngài. Vậy mà sau này, lịch sử nói vua A-dục chính là hậu thân của chú bé cúng cát đức Thế Tôn thuở nọ. Cho nên hai bàn tay của ông nhám như cát. Ông chính là vị vua hiếu chiến được Phật cảm hóa trở thành một Phật tử truyền bá, mở mang đạo Phật rộng nhất từ trước đến giờ. Với hành động lấy cát thô dâng Phật của đứa bé, nhưng tấm lòng chân thật nên về sau có phước được làm Vua, gặp Phật và trở thành vị hộ pháp đắc lực nhất.

Như vậy rõ ràng Phật đi khất thực là gieo duyên với chúng sanh. Nếu cứ ngồi một chỗ, chúng sanh đâu có duyên để đến với Ngài. Nhờ gieo duyên như thế, Ngài độ được vô lượng chúng sanh. Ðó là ý nghĩa gieo duyên của đức Phật. Ngài làm hai việc một lúc: Việc thứ nhất tìm người đã có duyên để độ. Việc thứ hai người chưa có duyên thì tới để gieo duyên. Thử hỏi đức Phật hành đạo như thế có tiêu cực không?

Khi đạo Phật truyền sang các nước Á Ðông, nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, do các bậc vua quan kính trọng đạo Phật nên chư Sư cũng được kính trọng theo. Có nhiều vị làm tới Quốc sư, tức thầy trong nước, thầy của cả vua. Thầy của vua mà ôm bát đi khất thực thì khó coi quá, vì vậy vua cất chùa cúng đất, yêu cầu các ngài ở yên một chỗ lo việc hóa đạo. Có đất, các ngài mượn người làm nương rẫy, lấy đó làm kinh tế tự túc tu sống. Lối sanh hoạt như vậy tiện cho việc tu hành, nhưng không tiện cho việc gieo duyên. Về sau, tuy Tăng Ni không đi khất thực, nhưng đến ngày rằm hay những ngày lễ lớn, Phật tử đến cúng dường Tam Bảo, đó cũng là một hình thức gieo duyên.

Tăng Ni nhận của Phật tử cúng dường là nhận duyên người ta gieo với mình. Cho nên khi thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni rồi, Tăng Ni đắp y có nhiều mảnh nối, tượng trưng cho những thửa ruộng phước mà chúng sanh đã gieo với mình. Như vậy tinh thần gieo duyên của đạo Phật rất rõ ràng. Người nào đã có duyên thì Phật và chư Tăng, chư Ni độ trước. Người nào chưa có duyên thì tìm cách gieo duyên. Ðã có duyên thì dù xa mấy cũng tìm đến, cho nên chùa chiền không cần phải ở giữa thành thị. Tuy ẩn mình trên núi rừng, nhưng Phật tử có duyên vẫn tìm tới như thường. Ðó là tinh thần đặc biệt của đạo Phật.

Ðạo Phật chủ trương người phát tâm tìm đến, chớ không khuyến dụ, không tuyên truyền, không ép buộc. Chư Sư lặng lẽ tu trên núi rừng, ai tìm tới là người có duyên, nên sẵn lòng hóa độ. Vì vậy đạo Phật không có tham vọng làm bá chủ nhân loại. Chúng ta chỉ hướng dẫn, giáo dục người nào có duyên, còn người không có duyên thì họ tự do lựa chọn con đường của mình, cuộc sống của mình. Qua đó đủ thấy đạo Phật rất tôn trọng tự do của mỗi người, có duyên thì đến không duyên thì thôi.

Ðã có tinh thần đó, chúng ta không nên quan niệm phải bắt mọi người theo đạo Phật, ai không theo đạo mình thì buồn giận người ta. Buồn giận như vậy có hợp lý không? Ðó là trái với tinh thần của đạo Phật. Nên khi qui y cho Phật tử, tôi thường nhắc: Phật dạy Phật tử tại gia phải giữ gìn năm giới, nhưng nếu có một hoặc hai giới nào Phật tử chưa thể giữ được thì cho giữ trước ba giới, những giới sau giữ từ từ. Phật dạy chúng ta tu là vì thương nên giáo hóa, chớ không phải Ngài muốn tất cả mọi người đều qui hướng về mình.

Người tu theo đạo Phật cần hiểu rõ điều này, không nên bực bội, buồn phiền khi thấy tín đồ đạo Phật không đông như tín đồ các tôn giáo khác. Tại sao? Vì đó là duyên mà. Không duyên thì thôi chớ có gì đâu phải bực bội. Hiểu như vậy mới thấy đạo Phật hiền hòa vô cùng, không tranh đua, không giành giựt với ai. Ai cần đến thì mình sẵn lòng, không cần thì thôi, không ép buộc, không nài nỉ. Ðó là ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân.

Nếu hiểu tinh thần này, quí thầy cô Trụ trì thấy Phật tử chùa mình ít, Phật tử chùa khác nhiều cũng không buồn, vì biết đó là duyên của mỗi vị khác nhau. Nếu buồn tức vị ấy chưa biết ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân. Những thầy cô trước đã gieo duyên với Phật tử nhiều nên bây giờ Phật tử đông. Những thầy cô trước ít gieo duyên nên bây giờ Phật tử ít, đó là lẽ đương nhiên thôi, có gì phải buồn phiền.

Nhân đây tôi kể lại câu chuyện thời đức Phật còn tại thế. Ngày xưa có một vị Tỳ-kheo, đệ tử ngài Xá-lợi-phất, tu chứng quả A-la-hán. Thầy đi khất thực cả xóm không ai cúng. Nhiều lần liên tục như vậy khiến Thầy phải nhịn đói. Ngài Xá-lợi-phất thấy thương quá, bèn bảo: "Ðể ta khất thực đem về cho." Khi Tôn giả khất thực về, sớt cơm qua bát của Thầy. Vì đói quá, tay Thầy run rẩy làm đổ bát cơm đi, nên cũng không ăn được. Phật nói nguyên nhân đời trước Thầy đã mấy lần ngăn không cho người ta cúng dường chúng Tăng, nên bây giờ bị quả báo như thế. Ðó là vì thầy Tỳ-kheo này không gieo duyên để người cúng dường, nên bây giờ không được cúng dường, dù Thầy đã chứng quả nhưng vẫn đói như thường.

Chúng ta không nên hiểu người ít được Phật tử lui tới là tu dở, đôi khi vị đó tu hay lắm, nhưng tại không có duyên với chúng sanh nên không người lui tới. Còn người có duyên nhiều thì chúng sanh tới đông. Chúng ta tu Phật phải hiểu lý nhân duyên. Quí thầy quí cô nhận của Phật tử cúng dường là gieo duyên. Ví dụ, Phật tử cúng dường tôi mười đồng, tôi nhận. Ðó là Phật tử gieo duyên với tôi. Còn tôi thì thiếu nợ quí vị, nên người ta thường nói hai chữ duyên nợ. Thiếu nợ thì phải trả. Vì thế bây giờ tôi trả nợ quí vị hoài đây. Thiếu nợ nhiều thì trả nhiều, trả không dám nghỉ, không dám mệt. Nếu người thiếu nợ không có phước, không có đạo đức, thì phải trả bằng cách làm tôi tớ cho người. Còn bậc có đạo đức thì trả nợ bằng cách giáo hóa, dạy dỗ người biết tu.

Hiểu vậy rồi chúng ta mới biết thông cảm, Tăng Ni nào được Phật tử tới đông đảo là vì quí vị đó đã gieo duyên với Phật tử nhiều. Chỗ này tôi nói xa hơn một chút. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật kể: Thuở xưa, khi Ngài còn là Bồ-tát thường đi giáo hóa nơi này nơi kia. Những Phật tử được Ngài giáo hóa lần lần tu tiến lên Thanh văn, Duyên giác. Ðến khi Ngài được thành Phật thì những vị kia thành A-la-hán, Bồ-tát dự trong hội Pháp Hoa. Trả nợ như vậy cũng vui, phải không? Thầy tiến trò tiến, trả hoài không chán. Thầy thành Phật thì trò thành Bồ-tát. Ðó là ý nghĩa hữu duyên, chúng ta phải trả chớ không trốn. Trả bằng dìu dắt người có duyên cùng tu tiến như ta.

Trường hợp gieo duyên với những kẻ ác thì sao? Thì cũng gặp lại, nhưng gặp trong đau khổ. Nhiều người đặt câu hỏi với tôi: "Thưa Thầy, cúng dường chư Tăng cũng là bố thí, cho người ăn mày cũng là bố thí. Vậy hai việc bố thí đó khác nhau như thế nào?" Tôi trả lời thế này, nếu do lòng quí kính Tam Bảo và thương xót kẻ nghèo đói, ta cúng dường hay bố thí thì phước không khác. Nhưng với người nghèo, họ không có duyên làm lợi ích lớn cho mình mai kia. Còn với người tu, ta gieo duyên được thì khi gặp lại, sự tu hành của mình có cơ hội tiến lên. Khác nhau ở chỗ đó.

Vì vậy hồi xưa đức Phật tới một vùng gặp mất mùa, khất thực không được cơm. Khi ấy có vị Tỳ-kheo bán lá y của mình, đổi được bát cơm dâng cúng Phật. Phật hỏi:

- Ở nhà, mẹ ngươi có cơm ăn không?

Thầy Tỳ-kheo trả lời:

- Bạch Thế Tôn, mẹ con đâu có cơm ăn.

Phật hỏi:

- Tại sao ngươi không cúng dường mẹ, lại cúng dường cho ta?

Thầy Tỳ-kheo thưa:

- Vì Ngài là Phật, là bậc Thế Tôn của chúng sanh, nên con cúng dường cho Ngài.

Phật bảo:

- Bát cơm này ta không dám nhận, nên đem về cúng dường cho mẹ ngươi.

Thầy Tỳ-kheo có lòng tốt thương kính Phật, nhưng đứng về mặt cúng dường, thì cúng dường chư Phật cũng như cúng dường cha mẹ, phước không thua kém nhau. Ta phát tâm cúng dường chư Phật hay các bậc tôn quí, cho người thân như cha mẹ, phước ấy như nhau. Nhưng khác ở chỗ Phật hoặc các bậc tôn quí giáo hóa mình biết đạo lý tiến tu, còn cha mẹ chỉ nuôi dạy thân mình theo nếp sống bình thường thôi. Ðây là điểm quan trọng.

Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên, thì bạn bè làm ăn giàu có, mình nghèo nhưng lòng vẫn an vui, không đố kỵ. Vì ta biết duyên của bạn tốt, duyên của ta kém, thiếu phước nên nghèo. Cũng thế, người tu thấy chùa nào phát triển tốt đẹp, Phật tử đi đông, thì biết đó là duyên của vị Trụ trì tốt, nhờ thế ta không sanh lòng đố kỵ, đó là mình biết tu. Sống như vậy có phiền ai đâu. Người tu nào chưa nắm vững lý nhân duyên, thấy ai hơn mình thì buồn, từ đó mà sanh phiền não, chùa này không thích chùa kia.

Chúng ta thấy đạo lý rất thâm sâu nhưng cũng hết sức đơn giản, chỉ vì mình không thấy, không hiểu, nên sanh tâm không tốt với nhau. Lẽ ra ai hơn mình, ta vui mừng tán thán: "Thầy thật có duyên với chúng sanh." Ứng xử như vậy, mọi việc sẽ tốt lành biết mấy. Cho nên chúng ta tu là phải hiểu và ứng dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày của mình; trong từng lời nói, hành động, cách cư xử. chớ không phải đọc kinh nhiều là tu nhiều. Ðọc kinh mà không vận dụng được lý kinh thì vẫn bị phiền não trói buộc như thường.

Vị nào chưa có duyên thì phải tạo duyên. Ngày xưa đọc kinh Phật, đôi chỗ tôi hơi buồn. Những lúc đức Phật về vùng được Phật tử quí kính nhiều, Ngài ở Tinh xá, thí chủ gánh cơm, gánh nước đến cúng dường sung mãn, chư Tăng thọ dụng không hết. Ngài bèn bảo đem cho chim quạ ăn. Tôi nghĩ chư Tăng ăn không hết thì trả lại, nhận chi nhiều rồi đem cho chim quạ ăn; như vậy có tội không? Nhưng sau này tôi mới biết Phật dạy nhận là để gieo duyên với người cúng. Nếu Ngài không nhận thì người cúng không gieo duyên được, sau này làm sao độ họ. Thành ra việc làm của Ngài nhìn cạn cợt thấy như phí, nhưng thật sự trên tinh thần gieo duyên, để có cơ hội giáo hóa chúng sanh thì thật là quá bi thiết.

Ngày nay một số Tăng Ni đi làm có chút ít tiền, ai muốn cúng dường, liền từ chối: "Tôi đủ xài, xin không nhận." Mới thấy thì như hay, nhưng sau này sẽ không có duyên để độ người. Chúng ta nên nhớ gốc của đạo Phật là giác ngộ và từ bi, độ mình độ người một cách viên mãn mới được. Cho nên cần phải gieo duyên với chúng sanh. Không thiếu nợ thì không gặp nhau, không gặp nhau thì làm sao giáo hóa. Ðó là hạnh nguyện của người tu Phật.

Riêng tôi đời này nợ quí Phật tử quá nhiều, bởi vì ai cúng tôi cũng nhận hết. Có lẽ đời trước cũng thế, nên bây giờ gặp Phật tử hơi đông. Ðó là nợ khiến chúng ta cùng gặp nhau để hướng dẫn, dìu dắt nhau tu hành. Niềm vui của người tu chính ở chỗ này. Nếu chúng ta trốn, không muốn mượn nợ, không muốn dính dáng với ai hết, thì tu tới đâu? Ðó là ý nghĩa về giáo hóa và gieo duyên của đạo Phật.

Ở thế gian, người đời cũng có duyên nợ mới gặp gỡ, trả hết rồi thôi. Nhưng trong đạo lại khác, duyên chồng thêm duyên, đời này ít đời sau nhiều hơn. Ðời này duyên chưa sâu, đời sau duyên sâu hơn, đó là điểm khác nhau. Trên đường tu, chúng ta muốn theo Phật từ đời này đến kiếp nọ, không bao giờ bị quên, không bao giờ bị lạc, thì phải gieo duyên với Tam Bảo, đời này cho đến đời sau. Gieo bằng cách nào?

Có nhiều cách gieo duyên với Tam Bảo. Ví dụ Phật tử đến chùa, cúng năm mười đồng, nguyện Phật cho con cái này, cho con cái kia, như vậy là đổi chác sòng phẳng, đâu còn duyên nữa. Bây giờ ta cúng năm mười đồng là để gieo duyên với Tam Bảo, thế mới còn duyên, mới lâu dài. Quí Phật tử quen tật vừa cúng là đòi trả liền. Vừa cúng thầy mười đồng, nhờ thầy cầu siêu cho ba con một đêm. Nếu vậy qua đêm đó là xong rồi, đâu còn duyên nữa. Ðó là điểm dở của Phật tử chúng ta.

Một số người tu có khuyết điểm không giải thích cho Phật tử hiểu, cứ mặc nhiên thù lao qua lại như vậy thành quen, lấy đó làm sự sống hàng ngày. Thành ra người ta gọi người tu làm nghề "thầy chùa", nghe thật đau lòng, không còn gì cao thượng hết. Nên hàng xuất gia cũng như cư sĩ tại gia phải giữ tinh thần cao thượng trong nhà Phật một chút. Khi thầy đến tụng kinh, thầy cứ tụng độ trong gia quyến rồi về, Phật tử không thù lao gì cả. Mai kia, quí vị có đủ điều kiện đến cúng dường Tam Bảo năm mười đồng gì cũng được, đó là gieo duyên với Tam Bảo. Thầy vì lòng từ bi đến hóa độ Phật tử, Phật tử vì lòng tôn kính biết ơn nên cúng dường Tam Bảo, như vậy có phải hay không, cao đẹp không?

Quí Phật tử cần hiểu rõ những việc làm của mình. Nếu làm mà không hiểu, đôi khi vô tình quí vị biến việc tốt thành xấu, đồng thời làm cho Tăng Ni trở thành khó xử. Phần Tăng Ni cũng nên mạnh dạn giải thích, hướng dẫn Phật tử đúng với chân tinh thần của nhà Phật, không nên tập cho Phật tử thói quen sai lầm đáng tiếc. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của việc cúng dường. Như vậy thầy tốt trò cũng tốt, ngược lại không khéo thì hỏng hết. Ðó là chỗ sai lầm lâu nay chúng ta mắc kẹt.

Chúng ta gieo duyên với Tam Bảo bằng cách cúng dường, còn điều thiết yếu hơn nữa trong việc gieo duyên là qui y với Tam Bảo. Quí vị chưa thành Phật tử, bây giờ muốn có chủng duyên sâu dày với Tam Bảo, thì nên phát nguyện qui y. Quí vị qui y rồi, nhắc nhở cho thân quyến cùng hiểu đạo lý, cùng qui y. Ðó là gieo duyên cho mình và cho người. Duyên qui y được phước rất lớn.

Ngày xưa, lúc bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề phát tâm đi tu, tìm tới Phật cầu xin xuất gia, Phật từ chối. Bà buồn trở về. Lần thứ hai, bà tới nữa Phật cũng từ chối. Bà đứng ngoài cửa tịnh thất khóc ròng. Ngài A-nan là Thị giả Phật, thấy vậy xót xa mới đến hỏi thăm. Bà kể lại đầu đuôi câu chuyện, khi đó ngài A-nan liền vô xin Phật bằng cách kể ơn của bà:

- Khi Thế Tôn ra đời chỉ mới được bảy ngày Hoàng hậu mất. Chính Di mẫu là người nuôi dưỡng Như Lai từ thuở bé đến giờ. Công đức ấy rất lớn, tại sao Thế Tôn từ chối lời cầu xin xuất gia của Di mẫu?

Phật bảo:

- Công ơn của Phụ vương và Di mẫu, ta đã đền đáp xong.

Ngài A-nan hỏi:

- Thế Tôn đền đáp bằng cách nào?

Phật trả lời:

- Ngay khi trở về thành Ca-tì-la-vệ thăm Phụ vương và Di mẫu, ta đã độ cho hai vị phát tâm qui y Tam Bảo, thọ trì năm giới. Ðó là ta đã đền ơn hai bậc sanh thành nuôi dưỡng ta rồi.

Ðối với Phật, duyên sâu đậm cao cả nhất là giúp cha mẹ thân quyến cho đến tất cả chúng sanh biết qui y Tam Bảo. Nhờ qui y Tam Bảo cho nên hạt giống đó còn mãi không mất. Cũng với ý nghĩa đó, thuở xưa bà Liên Hoa Sắc, một Tỳ-kheo ni tu hành chứng quả A-la-hán. Trên đường đi, gặp mấy cô thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi, bà nói: "Các con nên đi tu, thọ giới Tỳ-kheo." Mấy cô nói: "Thưa bà, con còn ham ăn ham ngủ quá, tu không được." Bà cứ bảo: "Ði tu đi. Không sao đâu." Mấy cô thưa: "Nếu đi tu, chúng con phạm giới, đọa địa ngục thì sao?" Bà nói: "Không sao, đọa địa ngục hết nghiệp rồi lên tu nữa." Sao lạ vậy? Bởi vì nếu không có duyên lành, khi hết tội ở địa ngục, trở lên không gieo duyên với Phật pháp trước, làm sao tu được? Ðã gieo duyên với Phật pháp, nếu lỡ có tội bị đọa duyên đó vẫn còn, khi hết tội ta có thể tiếp tục tu được. Làm tội thì chịu tội, nhưng hết tội rồi vẫn gặp được Phật pháp nếu như ta đã gieo trước.

Chúng ta qui y Tam Bảo, hứa trọn đời giữ giới theo Phật theo Pháp theo Tăng, đó là gieo hạt giống rất sâu đậm. Vì thế đời này đời sau ta không quên, không mất. Nhiều người đặt câu hỏi thế này: "Những vị quan lớn, giàu sang là nhờ phước đời trước đã có tu. Vậy tại sao đời này có khi họ làm ác?" Phật dạy phước đến từ hai cách. Nếu làm phước nhưng không có đạo đức thì phước chỉ đưa tới chỗ thụ hưởng, rồi quên mất. Thí dụ người có chút ít tài sản, thấy kẻ khác khổ thì giúp, do đó được phước. Tuy được phước nhưng không có hạt giống đạo đức. Khi làm quan, ở địa vị cao tức hưởng phước đã làm nhưng không biết gì đạo đức. Hưởng hết phước rồi, họ tạo nghiệp xấu ác, thì sau phải chịu khổ. Còn đối với người làm quan nhưng hiền lành, đó là có hạt giống đạo đức. Nhờ thế đời này hưởng được phước cũ, đồng thời tạo phước mới, cứ thế được thăng tiến mãi, phước không mất hạt giống đạo đức cũng không lui sụt.

Cho nên nói tới qui y Tam Bảo là nói tới gieo hạt giống đời đời không mất, không quên. Ðó là chúng ta gieo nhân để đời đời gặp lại Tam Bảo. Người nào có duyên với Tam Bảo đời này, đời sau được gặp Tam Bảo, liên tục tu hành thì sẽ tiến. Phước chỉ dẫn tới chỗ thụ hưởng, còn đạo đức mới đưa ta tới sự an vui chân thật, lâu dài. Nếu không có gốc đạo đức, phước hưởng rồi sẽ hết, ta lại bị đọa theo các nghiệp ác đã tạo.

Hiện giờ có nhiều người làm phước, nhưng không phải Phật tử. Làm phước thì được phước, dù là Phật tử hay không là Phật tử, song khác nhau ở chỗ có đạo đức hay không thôi. Cho nên người biết tu lúc nào cũng sẵn lòng độ kẻ khác. Như Phật tử xin qui y, quí thầy cho qui y. Như thế có lợi cho quí thầy hay cho Phật tử? Qui y là vì Phật tử muốn gieo hạt giống Tam Bảo để đời sau quí vị có vốn liếng tu hành.

Phật tử giữ giới không sát sanh thì đời sau được sống lâu. Giữ giới không trộm cướp thì đời sau có của không bị hao mất. Giữ giới không tà dâm thì đời sau thân tướng đoan chánh tốt đẹp. Giữ giới không nói dối thì đời sau nói ra điều gì mọi người đều tin tưởng, nghe theo. Giữ giới không uống ruợu, hút á phiện xì ke ma túy thì đời sau thông minh sáng suốt. Cho nên qui y, thọ giới là nhằm bảo vệ cho Phật tử được an toàn đời này và cả đời sau, chớ không phải lợi ích cho thầy cho Phật. Phật và chư Tăng vì thương, muốn độ cho mọi người biết đạo, tiến lên nên mới khuyến khích Phật tử qui y Tam Bảo. Ðó là gieo duyên bằng cách qui y Tam Bảo.

Kế đến gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Như trong những buổi giảng thế này, Phật tử có duyên với quí thầy hết hay cũng có những người chưa có duyên? Cũng có người chưa có duyên. Nhưng nhờ nghe, hiểu, thấy có lý nên phát tâm tu, đó gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Nhờ truyền bá chánh pháp, người nghe thâm nhập nên họ phát tâm tu. Ðây là một trong những cách gieo duyên của nhà Phật. Nhiều người cho rằng các tôn giáo khác làm việc từ thiện rất mạnh, còn đạo Phật không quan tâm đến việc này, cứ giảng kinh hoài, như vậy không thực tế. Chúng ta nghĩ sao về nhận xét này?

Giảng kinh tức nói lý thuyết, có lợi ích hay không lợi ích? Tôi thường ví dụ, như chú đạp xe xích lô, mỗi ngày kiếm được hai ba chục ngàn. Chiều về chú ghé quán nhậu không còn đồng nào. Vì thế vợ con nheo nhóc, khổ sở. Hàng xóm thấy vậy thương, đem chút ít tiền gạo đến giúp. Nếu ngày nào cũng thế, thì hàng xóm có giúp được suốt đời không? Chỉ giúp lúc nào thôi, nên nó mang tính cách tạm thời. Bây giờ nếu người hiểu đạo lý, đến khuyên giải cho chú biết việc làm của chú có hại cho bản thân cho gia đình, chú không nên tiếp tục con đường đó nữa. Nhận hiểu rồi, chú thay đổi không nhậu nhẹt, để tâm lo lắng cho gia đình vợ con. Như vậy giữa người cho tiền mỗi ngày với người khuyên giải cho chú thức tỉnh, ai quí hơn?

Cho nên trong nhà Phật nói bố thí có hai: trước tài thí, sau pháp thí. Song pháp thí quí hơn tài thí. Tại sao? Một câu nói đạo đức người ta nghe, hiểu và nhớ mãi trong lòng, khiến cho cả cuộc đời chuyển đổi xấu trở thành tốt. Trong khi giúp tiền của chỉ xài được vài hôm rồi hết, đó là chưa nói họ ỷ lại vào đồng tiền nhân đạo, nên không thèm phấn đấu tiến lên. Vì vậy nhà Phật chủ trương gieo duyên bằng cách truyền bá chánh pháp. Làm sao cho mỗi người đều có duyên với Phật pháp, để họ phát tâm tu hành tới được chỗ an lành tự tại. Ðó là gieo duyên bằng cách giáo hóa.

Không phải chỉ có Tăng Ni mới có thể gieo duyên bằng cách truyền bá Phật pháp. Phật tử biết tu biết thương người, cũng có thể giúp bạn bè bằng cách rủ họ đi nghe pháp, hoặc tạo điều kiện cho họ có thể tiếp xúc với chánh pháp. Người đó chưa có duyên với Phật pháp, ta khuyên họ đi nghe pháp, nghe rồi họ hiểu, hiểu rồi họ tu. Như vậy chúng ta đã gieo duyên giùm họ.

Kinh Pháp Hoa nói nếu người tới nghe pháp không có chỗ ngồi, ta nhường chỗ đó cũng là phước đức lớn. Vì ta đã gieo duyên Phật pháp cho họ. Cứ giữ hạnh như thế biết đâu đời sau ta được làm Tăng, độ mình độ người, việc giáo hóa rộng lớn hơn. Ngược lại chỉ lo phận mình, không thương, không nhắc ai hết thì sau này ta cũng chỉ có một mình thôi, công hạnh không thể tròn đầy được. Phật tử nên thấy rõ, trên đường tu chúng ta phải bòn mót công đức bằng cách gieo duyên với nhau, để rồi gặt hái những kết quả đạo đức tốt đẹp, chớ không nên có ý đố kỵ nhau.

Hiểu rõ ý nghĩa câu Phật hóa hữu duyên nhân rồi, chúng ta sẽ không còn tranh chấp, không đố kỵ nhau, đạo đức được vun bồi. Chúng tôi mong muốn tất cả Phật tử đến với đạo, đều có tâm hồn rộng mở, thương tưởng, giúp đỡ nhau. Ai làm được gì thì mình hoan hỉ, vui mừng, chớ không sanh tâm đố kỵ. Chúng ta đi chùa bằng cả niềm tin thân yêu với nhau, cùng tu học trong nền đạo đức thuần túy, không để những tâm niệm hẹp hòi, tầm thường làm mất ý nghĩa cao thượng của đạo. Ngược lại, nếu đi chùa nhiều mà phe này nhóm nọ kình chống nhau, đó là chưa biết đi chùa.

Lý Phật hóa hữu duyên nhân thực tế như vậy, tất cả chúng ta đều phải cố gắng nỗ lực tu đúng với tinh thần đạo đức Phật dạy. Như vậy vừa tốt cho đạo, vừa đẹp cho ta. Hiểu thế mới thật là người hiểu đạo, lo cho đạo. Không hiểu thế, vô tình chúng ta ngầm phá hoại đạo lúc nào không hay. Ðó là điều rất quan trọng, tất cả chúng ta cần phải ý thức.

 

[ Quay lại ]