headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 13/10/2024 - Ngày 11 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGÀY XUÂN QUA CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM

 Hôm nay là ngày đầu Xuân năm Canh Ngọ (1990), tất cả Tăng Ni và Phật tử về đây chúc mừng năm mới và yêu cầu chúng tôi nhắc nhở sự tu hành để được tinh tấn hơn trên đường đạo. Nhân ngày đầu năm chúng tôi sẽ nói về: “Ngày Xuân qua các Thiền sư Việt Nam.” Với đề tài này quí vị sẽ thấy rõ tinh thần người xưa dạy bảo chúng ta như thế nào để chúng ta cố gắng tu cho xứng đáng là những Thiền sinh Việt Nam. Các Ngài luôn mong muốn chúng ta mồi ngọn đuốc sáng của các Ngài để soi đường hướng dẫn người sau.

Nói đến ngày Xuân, chúng ta có cảm tưởng như chỉ có Xuân ở thế gian, nhưng thật ra trong nhà Phật cũng dùng chữ Xuân để nói lên những ý nghĩa thâm trầm của Đạo.

Trước tiên chúng tôi nhắc quí vị, tất cả chúng ta có đủ phước duyên nên ngày nay chọn được con đường của mình đang đi, một con đường thênh thang, tươi mát và an lạc. Nói như vậy có vẻ như chúng tôi chủ quan, nhưng sự thật nếu tất cả chúng ta đều một lòng hướng thẳng về sự tu hành, đi theo con đường đức Phật đã dạy, thì mỗi bước đi là một bước an lành, mỗi một bước đi là rơi rụng bao nhiêu đau khổ. Thế nên con đường tươi đẹp và mát mẻ chúng ta đang đi là tượng trưng cho mùa Xuân, nhất là những ngày đầu Xuân.

Nói đến Xuân chúng ta nghĩ đến sự ấm áp tươi vui, nghĩ đến sự ấm no hạnh phúc. Dù cho nghèo mấy đi nữa, ngày đầu Xuân ít ra chúng ta cũng sắm được chút ít bánh mứt, cũng được nghỉ đôi ba ngày Tết đầu năm. Vì vậy nói đến ngày Xuân là nói đến sự ấm no, nói đến sự nhẹ nhàng thanh thản.

Trong đạo, các Thiền sư cũng dùng chữ Xuân để nhắc nhở chúng ta. Nhờ lời khuyên dạy của các Ngài, chúng ta càng tu càng phấn khởi hơn, càng vui thích hơn, nếu không thì tu lâu sẽ cảm thấy ngán và buồn. Tại sao ngán buồn? Vì ăn chay ăn lạt suốt đời, lại thêm thức khuya dậy sớm, bị rầy bị quở. Cho nên ở chùa lâu ngày cảm thấy ngán buồn nếu không tìm được nguồn vui, nguồn vui đó các Thiền sư dùng chữ Xuân để diễn tả. Vậy chúng ta phải cố gắng đi mãi trên con đường tươi đẹp đã chọn dù phải vấp té trầy chân hay gặp những hòn sỏi phiến đá trở ngăn. Nhưng dù những chướng ngại có khó khăn bao nhiêu cũng không thể ngăn cản được bước chân của những tâm hồn khoáng đạt, của những con người nguyện quyết tiến đến chỗ an lạc miên viễn mới thôi. Người tu là người thấy tương lai mình xán lạn tươi vui, chớ không phải càng tu rồi càng tối tăm đau khổ. Chính mỗi bước tu là mỗi bước chúng ta huớng về mục tiêu cao quí nhất, an lạc nhất của đời mình. Vì vậy khi nói đến ngày Xuân chúng ta cảm nhận một niềm vui tràn đầy ở ngày mai.

            Các Thiền sư Việt Nam nhìn ngày Xuân như thế nào?

Đầu tiên là Thiền sư Chân Không ở giữa đời Lý. Có một Thiền khách đến hỏi Ngài: “Bạch Hòa thượng, khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”

 Ngài liền đáp bằng hai câu thơ:

                        Xuân đến, Xuân đi ngỡ Xuân hết,

                        Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân.

Ngài quan niệm tu là một mùa Xuân, không phải chỉ mùa Xuân trong ba tháng mà mùa Xuân muôn đời muôn kiếp.

                        “Xuân đến, Xuân đi ngỡ Xuân hết”

Thấy có Xuân đến Xuân đi vì chúng ta nhìn Xuân qua bốn mùa của thời gian. Nhưng ở đây Thiền sư không nói Xuân của thời gian mà nói Xuân của tất cả người thoát khỏi cái sanh diệt của thời gian. Thường người đời thấy Xuân qua ngỡ là Xuân hết, song đối với người tu xuất thế thì Xuân lúc nào cũng sẵn ở lòng mình, ngày nào tháng nào năm nào cũng là Xuân, nhìn đâu cũng tươi đẹp, nhìn đâu cũng an vui. Nhưng trên thực tế thì thế nào? Cũng có những ngày mây sầu ảm đạm, nhiều người lau nước mắt!

 Tuy vẫn là Xuân nhưng vì mây mưa bao phủ nên Xuân bị khuất đi. Nếu tâm hồn chúng ta an lành tự tại thì ngày nào chẳng phải là Xuân?

                        “Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân”

 Mùa Xuân thấy hoa mai nở, đa số người cho đó là Xuân, rồi độ mười ngày sau hoa tàn thì cảm thấy Xuân tàn. Nhưng ở đây Thiền sư Chân Không mượn hoa để trả lời câu hỏi của Thiền khách: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?” Hoa nở rồi tàn, sắc thân chúng ta cũng như hoa, sanh ra rồi già chết, không có lâu bền. Nhưng trong cái tan hoạïi đó, vẫn có cái mãi mãi an lành tỉnh giác. Thế nên Thiền sư mượn Xuân để tượng trưng cho cái ấy. Nếu biết khéo trở về cái chân thật của mình, thì thân này còn hay mất chỉ là tạm bợ, còn cái chân thật lúc nào cũng thanh tịnh, sáng suốt, trong kinh gọi đó là Pháp thân, Pháp thân thanh tịnh, miên viễn, không tan hoại.

Tất cả sự vật đều bị thời gian chi phối, có đó rồi hoại đó. Thân chúng ta cũng vậy, theo thời gian mà bại hoại. Nếu chúng ta không biết trở về với thể chân thật của chính mình thì khi sắc thân bại hoại chúng ta đau khổ vô ngần. Thế nên sống được với thể chân thật không sanh không diệt thì ngày nào cũng là Xuân, lúc nào cũng là Xuân và miên viễn là Xuân.

Vậy cái nhìn của Thiền sư Chân Không là thấy tất cả đều là Xuân, cho nên Ngài sống an lạc trong mùa Xuân miên viễn đó. Nếu có ai đến hỏi đạo Ngài đều diễn tả cái đẹp, cái an lành của chính lòng mình cho mọi người thấy và cảm thông.

Kế đến là Thiền sư đời Trần, ngài Trúc Lâm Đầu-đà, hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (tức là vua Trần Nhân Tông khi còn tại vị). Sau khi đi tu, đến năm sáu mươi mốt tuổi, Ngài được tin người chị đang đau nặng, Bà muốn gặp Ngài để từ giã lần cuối. Từ núi Yên Tử Ngài liền trở về triều. Thăm chị xong, trên đường về núi, khi đến chùa Làng Hương Cổ Châu, Ngài cảm thấy sức khỏe đã quá yếu, và biết không còn sống bao lâu nữa, Ngài cảm hứng viết một bài kệ trên vách chùa:

                        Thế số nhất tức mặc

                        Thời tình lưỡng hải ngân,

                        Ma cung hồn quản thậm

                        Phật quốc bất thắng Xuân.

   Dịch :

                        Số đời một hơi thở

                        Biển bạc lòng người tham,

                        Cung ma cai quản ngặt

                        Cõi Phật Xuân nào hơn.

Qua bài kệ này ngài Trúc Lâm Đầu-đà muốn nói lên điều gì?

 “Số đời một hơi thở, biển bạc lòng người tham”, khi bản thân sắp tàn Ngài thấy cuộc đời ngắn ngủi như trong hơi thở, thở ra không hít vào là đã qua đời khác. Thế mà lòng người thì mênh mông, mênh mông trong tham vọng. Được cái này muốn cái kia, được điều kia muốn điều khác. Như vừa cất cái nhà xong kế muốn có chiếc xe, vừa có chiếc xe lại muốn có chiếc tàu... muốn mãi không thôi cho đến ngày tắt thở cũng chưa dừng. Thế rồi người ta đuổi theo nhau mà tạo nghiệp, giành nhau về danh về lợi rồi tự mình chuốc khổ.

Hai câu đầu của bài kệ đánh thức mạnh mẽ để chúng ta biết rằng cuộc đời quá ngắn ngủi, không có gì là quan trọng, là đáng kể. Nhưng lòng tham chúng ta quá lớn, nên không theo kịp tuổi thọ của mình. Chúng ta muốn mười điều, mà tuổi thọ cho phép chúng ta làm mới có một hai thì cái chết đã đến rồi! Bất cứ người nào trước khi nhắm mắt đều tỏ ra chưa hài lòng, việc làm đời mình chưa xong. Rất ít người nói mình đã làm xong việc. Nếu là cha thì lo cho con lớn khôn ăn học, rồi có đôi bạn. Lo cho con xong, lại thấy trách nhiệm phải lo cho cháu. Đến khi cháu lớn khôn thì mình đã tám mươi, chín mươi tuổi rồi! Đến cháu cố nó bơ vơ nghèo thiếu mình lại tiếp tục lo nữa, lo mãi cho đến ngày tắt thở cũng chưa xong! Người ở thế gian đều ôm lòng tham lớn lao đó nên luôn luôn sợ chết, chết mà chưa rồi những việc mình muốn làm. Sợ chết mà có tránh khỏi được đâu! Thế nên chúng ta phải ý thức rõ tuổi thọ chúng ta ngắn ngủi, làm việc gì cũng phải vừa với tuổi thọ của mình để cho tròn việc.

            Đến hai câu cuối bài kệ:

                        Cung ma cai quản ngặt

                        Cõi Phật Xuân nào hơn.

Ngài Trúc Lâm so sánh cho chúng ta thấy hai con đường. Nếu chúng ta đuổi theo danh lợi tài sắc, rồi tạo bao nhiêu nghiệp xấu ác thì chúng ta sẽ đi tới cung ma. Cung ma cai quản ngặt, không được bước ra khỏi cổng, còn bị hành hạ tra khảo, đó là cảnh khổ đau đen tối. Còn nếu trong cuộc sống ngắn ngủi này, chúng ta biết tu, biết hướng về đạo, đem hết tâm mình tiến đến chỗ giác ngộ thanh tịnh, đó là chúng ta trở về cõi Phật, tức là trở về mùa Xuân đẹp đẽ không gì bì kịp.

Trong cuộc sống tu hành không có gì kích động mạnh chúng ta bằng cơn vô thường xảy đến. Chúng ta đang sống bình an vui tươi, bất chợt có người huynh đệ nào tắt thở, lúc ấy chúng ta tỉnh ngay, muốn tu gấp, tu bằng hai ba lần những ngày thường. Nhưng tỉnh được bao lâu? Nhiều lắm đến bốn mươi chín ngày, tụng kinh xong chúng ta mê trở lại như cũ. Vì vậy chúng ta cứ lảng vảng trên đường mê, không tỉnh giác, nên chúng ta không làm được những điều lành điều tốt để tạo sự an lạc cho đời này và đời sau. Vì  thế ngài Trúc Lâm Đầu-đà khuyên chúng ta phải nhớ hai con đường, một bên là cung ma đen tối khổ đau bị cai quản ngặt, một bên là cõi Phật an vui tự tại lúc nào cũng là Xuân. Giữa hai con đường đó chúng ta phải chọn đường nào để đi? Chắc rằng tất cả quí vị hiện có mặt ở đây đã chọn đường rồi. Chúng ta đều đang đi trên con đường thênh thang đẹp đẽ, tươi mát và an lạc, con đường Xuân, tức con đường về cõi Phật. Thử hỏi có ai muốn trở chân đi con đường khác hay không? Chúng ta không còn ngu dại gì mà trở chân xây mặt đi qua con đường khác tối tăm, mờ mịt, khổ đau. Chúng ta đã có duyên lành từ đời trước, cho nên bây giờ mới chọn con đường đẹp đẽ này. Mong rằng tất cả đừng có niệm thối Bồ-đề tâm, muốn đứng lại hay xây mặt trở qua con đường khác. Đó là lời nhắc nhở qua bài kệ của ngài Trúc Lâm Đầu-đà. Sau ngài Trúc Lâm là ngài Pháp Loa, sau ngài Pháp Loa là ngài Huyền Quang. Ngài Huyền Quang có bài thơ nói về Xuân gọi là “Xuân Nhật Tức Sự”.

                        Nhị bát giai nhân thích tú trì,

                        Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

                        Khả liên vô hạn thương xuân ý,

                        Tận tại đình châm bất ngữ thì.

            Dịch :

                        Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,

                        Hoa rợp, hoàng oanh lảnh lót kêu.

                        Bao nỗi thương Xuân, thương biết mấy,

                        Là khi không nói, chợt dừng thêu.

                                                                         (Huệ Chi)

Bài thơ này rất đẹp về Xuân, nhưng lại gây cho một số học giả phê bình: Ngài Huyền Quang là một Thiền sư, mà tâm Ngài còn dồi dào tình cảm! Vì sao? Vì Ngài diễn tả một cô gái mười sáu tuổi đang thêu gấm. Ở ngoài kia lại có hoa nở, chim hoàng oanh hót. Thật là thương khi thấy cô gái dừng tay thêu và im lặng không nói một lời! Như vậy có phải là Ngài thương cô gái hay không? Đây là một vấn đề chúng tôi nêu ra để quí vị thấy cái hay của người xưa mà chúng ta không hiểu được. Khi các Thiền sư nói, chúng ta đừng kẹt ở ngữ ngôn hiện tại mà phải thấy cái gì ở ngoài ngữ ngôn đó, thường gọi là “Ý tại ngôn ngoại” tức là thấy cái gì ngoài kia chớ đừng thấy ở đây.

Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện quí vị đã từng nghe nhiều lần, nhưng mỗi lần kể mỗi lần có ý vị riêng của nó. Đó là câu chuyện “Bà già đốt am”, bà già này biết đạo. Có một Thiền khách đến, xin bà giúp đỡ cất cho một cái am và ủng hộ tu hành cho mau đạt kết quả. Bà rất sẵn sàng cất cho thầy một cái am và mỗi ngày cơm cháo đầy đủ, tứ sự cúng dường không thiếu món chi. Thầy tu như vậy được ba năm. Bà già tin rằng sự tu hành của thầy được kết quả rất tốt. Để chiêm nghiệm điều đó, bà bèn sai một đứa cháu gái khoảng mười tám tuổi đem cháo cho thầy dùng, xong rồi bất chợt ôm ngang hông thầy, liền hỏi: “Ngay bây giờ thì thế nào?” Thầy đáp:

                        Khô mộc ỷ hàn nham,

                        Tam Xuân vô noãn khí.

            Tức là:

                        Cây khô tựa núi lạnh,

                        Ba mùa Xuân không chút hơi ấm.

Câu trả lời như vậy thật quá hay, xứng đáng cho chúng ta kính lạy phải không? Ba mùa Xuân rồi không một tí hơi ấm, để nói rằng thầy đã khô lạnh không còn có niệm gì với trần tục nữa. Nghe cô cháu  gái về thuật lại câu chuyện, Bà nói: “ba năm nay nuôi một ông thầy phàm phu”, liền đuổi thầy đi và đốt am. Nếu câu chuyện ngang đây kết thúc sẽ làm chúng ta bàng hoàng, nhưng còn một đoạn kết ở sau.

Sau khi bị đuổi, ông thầy ra đi, nhưng vài năm sau, thầy trở lại tìm bà già. Và cũng như lần trước, thầy nhờ bà giúp cho việc tu hành. Bà cũng hoan hỉ cất lại am và cúng dường cơm cháo đầy đủ cho thầy. Sau một thời gian, bà bảo cô cháu gái thử thầy như lần trước. Đem cháo lên xong, cô liền ôm ngang hông thầy và hỏi: “Ngay bây giờ thì thế nào?” Thầy trả lời: “Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già ấy biết!” Như vậy là sao? Ngay đây ông thầy còn cao thượng như khi xưa không? Mới nghe qua tưởng rằng thầy có tình ý gì nên mới bảo: Tôi và cô biết thôi, đừng cho bà già biết bà ngăn trở. Nhưng không ngờ khi cô gái về thuật lại cho bà nghe, bà nói: “À như vậy mới xứng đáng là người mà ta cúng dường.”

Nghe qua câu chuyện chúng ta thấy bà già hiểu đạo đến mức nào! Điều mà thế gian tưởng là có tình ý xấu xa, trong đạo lại là cao siêu.Vì sao? Nếu nhìn với mắt trần tục thì sẽ phê bình thầy: “Ông thầy chắc hết muốn tu rồi nên mới thốt ra câu nói rất phàm tục. Còn ngày xưa ông tu rất hay, ông khô lạnh hết rồi. Bây giờ ông giấu bà già không cho biết, chỉ để hai người biết thôi.”

Kỳ thật câu chuyện này đưa ra cho chúng ta một kinh nghiệm. Bà già đó trong nhà Thiền gọi là bậc thượng thủ, chớ không phải thường. Vì thế khi nghe thầy nói: tâm ông khô lạnh, không còn một chút hơi ấm, tức là diễn tả tâm ông đã chìm lặng  không còn một tí tình gì đối với mọi người, bà già biết ông đang chìm trong biển độc, nên đuổi đi và đốt am để cảnh giác ông. Tuy ông tu rất hay nhưng ông chìm trong chỗ khô lạnh, nhà Thiền gọi là chìm trong biển vô sanh. Khi bị đuổi đi ông sực thức tỉnh biết chỗ lỗi của mình, biết chỗ kẹt của mình. Ngay đó ông vươn lên và nhảy khỏi. Rồi ông trở về để thử thách lại bà già. Ông yêu cầu được ở và được nuôi như trước. Đến khi người con gái ôm ngang lưng ông lần nữa, ông nói: “Tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết.” Tức là hiện giác hằng giác mà không có niệm quá khứ vị lai. Đó mới là con người chân thật, con người thật sự tiến đến giác ngộ. Thế nên bà già mới khen đó là người xứng đáng để bà cúng dường. “Không cho bà biết” vì bà là người ngoại cuộc không có hiện hữu hiện thời. Nếu đợi mách cho bà biết  là ở một thời gian khác, thành vị lai mất rồi. Còn có niệm quá khứ vị lai là làm mất cái thường giác của mình. Hằng giác hiện giác đó là chỗ mà ông hằng sống. Nếu không biết chỗ sống ấy, với ý phàm tục chúng ta sẽ phê bình ông thầy.

Sau đây là câu chuyện của ngài Viên Ngộ ngộ đạo nơi thầy là Ngũ tổ Pháp Diễn. Một hôm có quan Đề Hình đến thăm Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi: Đề Hình lúc còn trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm không? Có hai câu thơ rất gần trong đây:

                        Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự,

                        Chỉ tại đàng lang nhận đắc thanh.

            Dịch:

                        Vừa kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc,

                        Chỉ cốt anh chàng nhận được thanh.

Hai câu thơ này cô đọng một câu chuyện tình thế gian như sau: Có một nàng tiểu thơ có tình ý với một chàng thanh niên ở gần bên nhà. Một hôm vào chiều tối, chàng thanh niên lân la đến nhà cô thiếu nữ ý muốn tìm phòng của nàng mà chưa biết chỗ nào. Cô thiếu nữ nhìn thấy anh chàng đang núp ngoài rào, cô không biết làm sao để chàng nhìn thấy biết phòng của cô, cô liền kêu: “Tiểu Ngọc đem bình trà lại phòng này cho cô.” Phòng này tức là phòng của cô đang đứng trước cửa. Tức thì anh chàng ngoài kia nhìn thấy biết phòng đó là của cô rồi. Như vậy khi kêu Tiểu Ngọc, thật ra không có việc gì quan trọng nên nói là: nguyên không việc. Tiếng kêu đó cốt để cho ai nghe? “Chỉ cốt anh chàng nhận được thanh.” Tiếng kêu đó không nhắm người thị nữ, mà nhắm vào anh chàng ngoài kia. Tuy kêu ở đây mà ý ở ngoài kia. Khi nghe câu thơ rồi, ngài Viên Ngộ liền ngộ. Đây là ngộ trong tình tự, hay ngộ cái gì? Như vậy chúng ta thấy tinh thần Thiền tông không phải tại lời nói ở đây, mà phải thấy ở bên kia. Đó mới gọi là thấy được lý Thiền.

Sau khi ngộ đạo, ngài Viên Ngộ trình lên thầy bài thơ, mà hai câu cuối lời lẽ rất là phàm tục:

                        Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự,

                        Chỉ hứa giai nhân độc tự tri.

            Dịch nghĩa:

                        Nguời thiếu niên chỉ có một việc phong lưu,

                        Là mong được giai nhân (cô gái đẹp) riêng biết mình thôi.

Hai câu thơ mới nghe rất là tình tứ, nhưng khi được trình lên thì ngài Pháp Diễn nhận đó là thấy đạo. Thế nên ngôn ngữ trong nhà Thiền nếu hiểu theo thế tục thì sai lầm, lệch ý.

Trở lại bài thơ của ngài Huyền Quang, lời dịch rất rõ ràng:

                        Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,

                        Hoa rợp, hoàng oanh lảnh lót kêu.

                        Bao nỗi  thương Xuân, thương biết mấy,

                        Là khi không nói, chợt dừng thêu.

                                                           (Huệ Chi)

Qua bài thơ, chúng ta cứ nghĩ rằng Ngài tỏ vẻ quyến luyến cô gái đang thêu, cô gái thấy dễ thương, thương lắm! Nhưng không ngờ dùng chữ thương lắm, là thương khi nào? Là khi không nói, khi dừng thêu. Chính lúc ấy Ngài thương lắm. Vì sao? Tôi lại dẫn một câu chuyện khác, rồi  sẽ giải thích lý do vì sao.

Một vị Ni đời Lý, Ni Diệu Nhân khi sắp tịch để lại những câu thơ nhắc nhở đồ đệ, có hai câu như sau:

                        Thiền Phật bất cầu

                        Uổng khẩu vô ngôn.

            Dịch :

                        Thiền Phật  chẳng cầu

                        Uổng lời không nói.

Đến chỗ không cầu Thiền, không cầu Phật, tức là đến chỗ viên mãn tột cùng thì không còn lời gì để nói. Đến chỗ đó vừa mở miệng là sai, là lạc về đối đãi rồi. Thế nên ngài Huyền Quang nói thương, thương lắm là thương chỗ không nói, tức là chỗ đã viên mãn tột cùng.

Thêm một Thiền sư khác, cũng đời Lý, Thiền sư Tịnh Giới. Khi cảm hứng về mùa thu, Ngài có làm mấy câu thơ:

                        Thu lai lương khí sảng hung khâm,

                        Bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm.

                        Kham tiếu thiền gia si độn khách,

                        Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.

            Dịch:

                        Thu về mát mẻ thích trong lòng,

                        Tám đấu tài cao hát thong dong.

                        Cửa thiền những thẹn người si độn,

                        Biết lấy câu gì để truyền tâm.

Mùa thu trở về, khí trời mát mẻ, thích thú trong lòng. Những nhà thơ giỏi tám đấu tài cao liền có những câu thơ ca ngợi cái đẹp của trăng thu và khí trời mát mẻ của mùa thu. Nhưng đáng tức cười cho ông khách si độn trong nhà thiền đã có cái gì tràn đầy trong lòng, vui tươi, thích thú, ông muốn đem cái an lạc đó ra để diễn tả và chỉ dạy cho người sau, song không biết làm sao vì mở miệng là sai, mở miệng là mất rồi. Nên nói: Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm: không biết đem lời gì để truyền cho mọi người cái tâm an lành tự tại của chính mình. Như vậy để nói rằng chỗ chân thật bất sanh bất diệt luôn luôn là thanh tịnh là an lạc, chỗ ấy không có lời để diễn tả, thì làm sao mở miệng, làm sao nói? Thế nên ngài Huyền Quang nói là: thương, thương lắm, tức là chỗ không có lời.

Tại sao lại dừng thêu? Trong nhà thiền, khi đến chỗ chân thật cứu kính, thường nói là: ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, tức là bặt đường ngôn ngữ, không có lời để diễn tả và dứt chỗ tâm hành tức là dứt cái tâm đang tìm kiếm, đang đuổi theo sáu trần. Dứt chỗ tâm hành tức là dừng thêu chớ gì? Dừng được tâm đó mới là chỗ thương, thương lắm.

Trong kinh thường giảng nghĩa hai chữ Niết-bàn, Niết-bàn tiếng Phạn là Nirvâna, và tiếng Pali là Nibbàna. Chữ Nib là không. Bana là thêu dệt. Không thêu dệt tức là không tạo nghiệp, không đan kết, không bị lôi cuốn vào vòng luân hồi. Vì thế Niết-bàn cũng gọi là Vô sanh, tức là không còn đan dệt vòng luân hồi nữa. Chỗ cô thiếu nữ không nói, dừng thêu, quả là Niết-bàn, đây là chỗ ngài Huyền Quang thích nhất, nên Ngài diễn tả bằng cảnh Xuân tươi đẹp.

 Đến đây chúng tôi mới nói ý nghĩa của toàn bài thơ. Đầu tiên là cô thiếu nữ yêu kiều đang thêu gấm, cô gái rất đẹp, gấm cô thêu cũng đẹp. Ngoài trời hoa nở rộ, chim hoàng oanh hót lảnh lót, tất cả cái đẹp hợp lại là tượng trưng cho mùa Xuân. Mùa Xuân đẹp với người thế gian trần tục, nhưng đối với người tu thì thế nào? Cô gái đẹp nhưng cứ thêu, thêu mãi, thì đó là cái đẹp của luân hồi sanh tử, chưa đáng cho chúng ta quan tâm. Cần phải có cái đẹp khi không nói và lúc dừng thêu, đó mới thật là cái đẹp của người tu muốn tìm muốn được. Thế nên hai câu chót ngài Huyền Quang nói rằng:

                        Bao nỗi thương Xuân, thương biết mấy,

                       Là khi không nói, chợt dừng thêu.

 Không còn một lời, không còn đan dệt, chính đó là chỗ ước mơ mong mỏi của người tu. Thế mà có nhiều người lại hiểu theo cái đẹp của thế tục: Cô gái đẹp đang thêu gấm, bên ngoài có hoa nở chim hót..., rồi cho ngài Huyền Quang là tình cảm dồi dào. Thật ra Ngài là một nhà thơ lại là một Thiền sư, nên Ngài diễn tả quá khéo léo khiến cho người hiểu lầm. Chúng ta là con cháu trong nhà Thiền phải hiểu cho rõ, thấy cho đúng chỗ này, kẻo phê bình theo quan niệm thế gian sẽ bị thiên hạ chê cười: Ông cha mình quá hay mà con cháu thì  quá dốt.

Vậy trọng tâm của người tu là phải làm sao đạt đến chỗ cứu kính Niết-bàn. Chúng ta quyết định phải đạt được mục đích đó, một mục đích rất đẹp, đẹp vô cùng. Và các Thiền sư Việt Nam qua các bài thơ đã diễn tả sự tu hành toàn là đẹp, đẹp như mùa Xuân!

Để kết thúc lời nhắc nhở hôm nay, chúng tôi nghĩ rằng tất cả người tu chúng ta đều đủ phúc duyên nên mới sớm thức tỉnh chọn được con đường đẹp đẽ an lành. Từ đây về sau chúng ta phải cố gắng nỗ lực đi cho đến đích, đạt cho đến chỗ cuối cùng. Không có lý do gì mình đã chọn được con đường tốt đẹp rồi lại lo chuyện bâng quơ không đáng để phí hết thời giờ. Đến ngày cuối cùng nếu không đạt được mục đích thì rất là đáng tiếc. Cũng như người đang đi trên con đường dẫn đến một Kinh đô quan trọng đẹp đẽ hằng mơ ước, Kinh đô khẳng định ở đầu đường, người ấy lại dừng bước bên đường, lo bắt bướm hái hoa, rồi ngủ nghỉ dưới bóng mát cây cao qua ngày qua tháng, quên cả mục đích mình nhắm tới. Cho đến một ngày nào ngã bệnh không đi được nữa, khi ấy có hối tiếc cũng đã muộn rồi. Cứu kính là phải đến Kinh đô mình đã chọn, đó chính là nơi mình an thân lập mạng. Bắt bướm hái hoa nào có lợi ích gì, chỉ uổng phí thì giờ, lại không đạt được bản nguyện của mình. Và những bậc thức giả sẽ chê cười mình không có ý chí, không có nhận định chân chánh, con đường đã chọn quá hay mà hành động lại quá dở, đó là điều thật đáng trách.

Hôm nay quí vị đến đây chúc mừng năm mới, chúng tôi không có gì hơn là nhắc nhở quí vị nhớ rằng con đường mình đã chọn là con đường rất tốt đẹp, rất an lạc. Chúng ta hãy nỗ lực tiến trên con đường đó, làm sao một đời này nếu chúng ta chưa đến tận đích, ít ra chúng ta cũng đi được nửa phần hoặc hai phần đường. Rồi qua một đêm ngủ chúng ta lại tiếp tục đi nữa, chớ không chần chờ để mất hết thì giờ, rồi phải chịu đau khổ như bao nhiêu người không có đủ phúc duyên như chúng ta.

Chúng tôi mong rằng sang năm mới này, tất cả Tăng Ni cũng như toàn thể Phật tử, đồng nắm tay nhau tiến mãi, đừng lùi đừng nghỉ, tiến mãi trên con đường rộng lớn tươi đẹp an lành cho đến ngày đạt được  mục đích mới thôi .

[ Quay lại ]