headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

MỘT NGỌN NÚI BA CON ĐƯỜNG

 Hôm nay đến với quí vị, tôi sẽ nói đề tài Một ngọn núi ba con đường. Với đề tài này, chúng tôi hy vọng quí vị sẽ nắm vững, hiểu rõ đường lối tu của đạo Phật.

Thuở xưa có một ngọn núi, trên đó có thờ đức Phật trong một ngôi chùa rất linh thiêng, mầu nhiệm. Ai lên tới đó, vào chùa lễ Phật thì xin gì được nấy. Nhưng đường lên núi rất khó đi, lại có đến ba con đường A, B, C. Người mạnh chân đi con đường A, ai yếu hơn một chút đi con đường B, ai yếu quá thì theo đường C.

Có một đoàn người muốn leo lên núi lễ Phật, họ chia làm ba. Nhóm đi ngỏ A, nhóm đi ngỏ B, nhóm đi ngỏ C. Nhóm đi ngỏ A leo lên núi không cần gậy. Nhóm đi ngỏ B và C mỗi người dùng cây gậy tùy sức mạnh yếu. Cả ba nhóm vừa tới chân núi thấy sỏi đá ở đây có màu sắc long lanh đẹp quá, người nào cũng hốt đầy bao, vác lên vai leo núi.

Thấy họ làm chuyện quái gở, một người thông minh tới bảo: Các anh muốn leo tận chót núi thì đừng đeo mang gì hết. Vì đeo mang nặng nề sẽ không tới đỉnh núi được. Thế nhưng các người kia tiếc những hòn đá đẹp nên cứ mang. Đi một đổi có người nặng quá leo không được, đổ mồ hôi thở hào hển, mệt quá cuối cùng tuột xuống núi. Có người tiến bộ hơn, thấy bao nặng quá, họ xúc đá bỏ ra bớt nhưng còn tiếc nên không dám bỏ hết. Leo một đổi mệt quá, xúc bỏ thêm mớ nữa nhưng không nở bỏ hết, nên lên tới lưng chừng núi không đi nổi. Người thứ ba sáng suốt hơn, ban đầu cũng vác một bao nặng như ai, nhưng khi thấy nặng quá liền nhớ lại lời của người thông minh nhắc. Muốn lên tới đỉnh núi phải bỏ hết bao đá đi, người này can đảm quăng cái bao xuống đất, một mình đi thong dong lên tới đỉnh núi. Tới nơi, vào chùa lễ Phật và tất cả nguyện vọng đều được như ý. Đó là nhóm thứ nhất.

Nhóm thứ hai tuy có gậy, nhưng có những người vì tiếc đá không nở bỏ, nên nửa chừng cũng tuột trở lại. Người bỏ chút chút cũng không tới đỉnh núi. Chỉ người nào can đảm bỏ hết đá mới leo tới đỉnh.

Ba con đường, ba nhóm người đều có những tâm trạng giống hệt nhau. Khi đi thì đông nhưng tới đỉnh núi chỉ được đôi ba người. Ai cũng có nguyện vọng lên tận đỉnh núi lễ Phật và được điều như ý. Thế mà đi không tới nơi, có đáng tiếc không. Lỗi ấy tại ai? Tại tiếc ba thứ sỏi đá.

Bây giờ tôi hợp pháp câu chuyện trên. Ngọn núi là chỉ con đường tu của chúng ta. Từ khi khởi đầu cho đến đỉnh núi là kết thúc. Kết quả việc tu hành là chúng ta đến được chỗ mình ước mơ trông đợi. Đức Phật trong chùa tức là ông Phật của chính chúng ta. Tới đó rồi thì mãn nguyện, muốn gì được nấy. Đó là ý nghĩa ngôi chùa có đức Phật trên đỉnh núi.

Còn ba nhóm người cùng leo núi. Nhóm thứ nhất có sức mạnh, leo núi không cần gậy, nhưng vì tiếc ba cục đá trong bao nên leo nửa chừng trở lùi, người hơn một chút cũng trở lùi, chỉ có người can đảm buông bỏ hết đá thì lên tận đỉnh núi. Những người can đảm đó là những người khôn ngoan, biết nghe lời người thông minh nhắc.

Bao đá sỏi là gì? Đó là phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Phật dạy muốn tu đến nơi đến chốn thì không nên chứa mấy thứ đó. Chúng ta ai không muốn thành Phật, mà bảo bỏ mấy thứ đó lại không chịu bỏ. Tại sao lạ vậy, tham sân si có tốt không? Ai cũng chê cũng ghét nó, nhưng không biết vì sao tiếc, bỏ không được. Chính cái đó ta tự lấp vào nên mình có quyền bỏ đi. Đâu có đấng nào bắt ta phải giữ. Tự mình có quyền bỏ nhưng lại không chịu bỏ, thử hỏi chúng ta thông minh tới bậc nào? Khi nói tu ai cũng hăm hở quyết chí tu thành Phật, nhưng những thứ đáng bỏ lại không chịu bỏ, cứ mang theo hoài. Nếu ráng lắm thì bỏ chút chút thôi, bỏ chút chút làm sao đủ sức leo tới đỉnh núi được.

Qua hình ảnh thí dụ trên, chúng ta thấy sự tu hành của mình lôi thôi quá. Ước nguyện một đường mà thực hành một ngả. Có người nói càng tu càng sanh phiền não. Lỗi tại ai? Tại mình chứa phiền não, nên càng leo cao chừng nào càng nhọc nhằn chừng ấy. Muốn đi đến tận chót núi chúng ta phải xả hết những thứ lôi thôi nặng nề trì trệ đó. Buông hết thì nhất định thong dong lên tới đỉnh núi. Thế thì ngang đây chúng ta có thể làm theo người thông minh buông hết, để lên núi hay tiếc những thứ vô ích, vô nghĩa đó?

Tất cả chúng ta nếu thật tình thông minh, có trí tuệ thì trên đường tu chắc chắn sẽ được mãn nguyện. Nếu đeo mang những thứ vô ích, vô nghĩa không dám bỏ thì e rằng đời này, đời khác không biết chừng nào xong. Có lắm Phật tử nói rằng, nhẫn nhịn quá người ta nói mình ngu. Vì vậy nhịn một phần thôi, chừa lại một phần. Giống như kẻ tiếc sỏi đá bỏ không hết, bỏ ít ít còn một mớ mang theo. Họ không biết còn mang một chút là lên tới chót núi không được.

Chúng ta phải can đảm biết những gì ngăn trở con đường tiến của mình thì phải vất bỏ luôn, không thèm ngó tới nữa. Như vậy mới thong dong tự tại leo tới đỉnh núi. Buông xuống là khỏe hay mang đi là khỏe? Cái rất khỏe mà tại sao không làm? Lạ lùng chưa! Thật lạ lùng, ai cũng biết cái nặng nề trì trệ lôi kéo mình, vứt nó rồi thì thong dong nhẹ nhàng nhưng vẫn không nở vứt. Bởi vậy Phật mới thương chúng sanh si mê quá, những cái không đáng làm, không đáng giữ mà cứ giữ. Vì vậy tu hoài vẫn không có kết quả. Đó là điều hết sức rõ ràng.

Bây giờ Phật tử muốn làm người tỉnh hay người mê? Ai cũng muốn làm người tỉnh. Đã muốn làm người tỉnh mà còn đeo mang sỏi đá leo núi cao thì không phải tỉnh rồi. Dù còn một ký, nửa ký cũng chưa phải tỉnh trọn vẹn. Cho nên người leo núi thông minh vừa khỏe lại vừa đạt được bản nguyện. Nếu mê muội tiếc rẻ những thứ không đáng tiếc thì không bao giờ đạt được bản nguyện, chỉ phí công mà không kết quả gì.

Phật tử chúng ta cũng có lắm người tu ăn chay trường, cũng lạy Phật ngày một hai thời. Như vậy là quá cần mẫn rồi, chỉ còn có một việc là bỏ phiền não thôi. Người leo núi dù nỗ lực bò leo, nhưng tiếc sỏi đá không chịu bỏ thì cũng không lên tới đỉnh. Chúng ta xét kỹ mới thấy sự sai lầm, không can đảm dứt khoát ấy.

Ba con đường đó tuy ở chân núi là ba, nhưng khi tới đỉnh chỉ có một đỉnh núi, một ngôi chùa, một đức Phật thôi. Ba con đường đó tôi tạm ví dụ cho ba tông phái trong đạo Phật: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền tông ví như con đường dành cho trai tráng mạnh, leo núi không cần gậy. Tuy mạnh nhưng ai còn thích vác bao đá thì vẫn không đến được đỉnh núi. Chừng nào họ tỉnh quăng đá xuống, mới đủ sức leo tận đỉnh núi và vô chùa lễ Phật. Nếu những anh hơi yếu cầm gậy chống đi mà còn tiếc bao đá không dám bỏ, đi cao lắm là vài trăm thước tuột xuống, không tiến được. Người buông hết đá mới leo tới đỉnh núi.

Tịnh độ tông ví cho người cầm gậy leo núi. Chúng ta tu niệm Phật, câu niệm Phật là phương tiện giúp mình lắng diệu vọng tưởng. Từ lắng diệu rồi, câu niệm Phật thâm nhập trong lúc đi đứng nằm ngồi, lúc nào ta cũng niệm Phật. Niệm tới nhất tâm bất loạn, Phật mới đến đón. Như vậy câu niệm Phật là cây gậy để ta nương, nhưng tới chỗ cứu kính cây gậy cũng phải để ở ngoài, không mang vào lễ Phật được. Ban đầu mượn một niệm để diệt nhiều niệm, đến khi tới nơi rồi một niệm cũng buông luôn, mới thấy được ông Phật của mình.

Chư Tổ Tịnh độ thường dụ người tu niệm Phật như đạp gai lấy gai mà lể. Khi chúng ta đi đường, đạp phải một cây gai đâm sâu vào da thịt, muốn lấy ra phải mượn cây gai khác để lể. Lấy được cây gai ra rồi, ta để cây gai lể lại chỗ ấy thì vết thương có lành được không? Không được, nên cũng phải bỏ cây gai lể. Đó là ý nghĩa mượn câu niệm Phật làm phương tiện, tới chỗ cứu kính không còn niệm nữa. Cho nên niệm tới vô niệm mới đạt kết quả chân thật, được Phật đón về Cực Lạc.

Mật tông cũng ví cho người cầm gậy, nhưng một loại gậy khác. Muốn tâm yên phải đọc câu thần chú, ví dụ “Án ma ni bát di hồng”. Đọc thần chú để làm gì? Khi đọc câu thần chú thì trong tâm mình nghĩ đây là câu chú linh thiêng, chư thần sẽ hộ vệ. Do nghĩ và tin tưởng như vậy nên trì chú miên mật, tâm không tán loạn. Người ta nói trì chú tiêu nghiệp, ma quỷ không phá. Vì tin tưởng như vậy nên người tu mật tông cố gắng trì chú. Trì tới bao giờ mới có kết quả? Phải đi tới tam mật: thân mật, khẩu mật và ý mật mới có kết quả. Thân ngồi kiết già ngay thẳng, tay bất ấn, đó là thân mật. Khẩu mật là miệng tụng câu chú không có niệm khác xen vào. Ý mật là không có một ý nghĩ nào khác chen vào, chỉ nhớ câu chú. Nhờ câu chú mà thân khẩu ý chuyên nhất, tâm và thân không hai. Tới không hai vẫn chưa được, giống như còn cây gậy. Nên tới được tam mật rồi, cuối cùng cũng buông cả câu chú để tâm hoàn toàn trong sáng thanh tịnh. Đó mới là kết quả viên mãn.

Ba con đường để chỉ cho ba pháp tu, chỗ cuối cùng gặp nhau không khác, đều bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tức là phải bỏ bao đá, bao cát mới leo tới đỉnh. Vậy mà sau này quí thầy thương Phật tử quá, nói niệm Phật mười tiếng Phật cũng độ nữa. Mười tiếng mà tham, sân, si còn đầy dẫy, Phật độ được không? Không. Vì thương mà nói dễ cho Phật tử ham tu, chớ sự thật phải niệm đến nhất tâm bất loạn Phật mới tới rước. Do nói giản dị nên Phật tử dễ sanh chểnh mảng. Tôi sợ quí vị chểnh mảng coi thường nên phải nói thẳng lẽ thật là như vậy.

Tóm lại tu Thiền hay tu Tịnh, tu Mật gì cũng phải tới chỗ cứu kính. Nếu tu Thiền theo Nguyên thủy thì phải qua Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, rồi tới Diệt tận định mới được nhập Niết-bàn. Như vậy từ Phi phi tưởng là định cao nhất mà cũng còn chưa xong. Như tôi nói người biết bỏ đá nhưng chừa một ký cũng lên không tới nơi. Vì vậy chỗ tột cùng không còn một mảy mai niệm tưởng nào mới tới Niết-bàn.

Nếu tu theo Thiền tông, Lục Tổ Huệ Năng dạy phải lấy Vô niệm làm tông. Tới chỗ không còn một niệm, không còn một ý nghĩ nào mới là trọng tâm. Vô niệm và niệm Phật tới chỗ vô niệm cũng như nhau. Cả ba đều gặp nhau ở chỗ cứu kính với điều kiện cả ba đều phải thông minh, đều phải buông xả hết những thứ cồng kềnh nặng nhọc vô ích. Được như vậy mới tới đỉnh gặp Phật.

Chúng ta tu ai cũng mong sao được thành Phật, nhưng dường như còn luyến tiếc một cái gì đó. Nghĩa là thấy vòng luân hồi còn vui, chưa nỡ dứt khoát, còn muốn qua lại năm phen, mười lượt nữa để gặp bà con cho vui, chưa muốn dứt khoát đi một mình. Nên rồi gặp nhau hoài, khổ hoài, rốt cuộc chẳng đi tới đâu.

Chúng ta là kẻ quyết chí tu thì phải thấy tường tận hướng đi, đường lối tu của mình. Thấy rõ rồi, trên đường tu không có gì nghi ngờ hết. Không cần phải đi soi căn soi kiếp gì cả, bỏ phiền não thì nhất định tu thành Phật. Giả sử trước kia mình nhiều nóng giận, bây giờ biết tu chỉ còn phân nửa. Như vậy ai biết mình giảm phân nửa? Mình biết chớ ai biết. Thế thì cần hỏi ai, có ai biết mình bằng mình. Nhưng không hiểu sao Phật tử hay đi hỏi quá, mỗi lần đi hỏi rất tốn tiền. Lẽ thực ở mình mà đi hỏi người khác để tốn công tốn của, có thông minh không?

Chúng ta tu theo Phật là tu theo con đường giác ngộ. Giác ngộ là trí tuệ, mà trí tuệ thì không nghĩ quanh nghĩ quẩn, không thấy lệch lạc thế này thế kia. Khi bước chân vào đạo Phật, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần tỉnh giác. Phật tử bình thường thấy quyết tâm tu, nhưng ra đường có ai chỉ mặt nói chị là người ác, lúc đó làm sao? Cự liền. Người ta nói ở ngoài miệng, chớ đâu biết được trong lòng mình. Mình mới biết mình, tại sao lại cự với họ. Họ nói ta ác ta im lặng thì không cần đính chánh vẫn thấy người kia nói sai. Còn vừa nói ác mình liền cự lại thành ra ác rồi. Chúng ta tu đã sáng suốt nhiều chưa? Còn dở quá, tu lâu mà cũng còn dỡ như thường. Mới thấy chúng ta tu theo đạo giác ngộ mà vẫn còn đang mê.

Giả sử Phật tử nào hơi lười nhác, tu lơ mơ thôi nhưng gặp một người bạn đạo khen chị tu hay quá, vượt hơn tất cả. Lúc đó mình cải chánh hay lặng thinh nhận. Chắc lặng thinh nhận. Rõ ràng chúng ta nhiều bệnh quá, bị chê thì cự, được khen dù không đúng sự thật cũng làm thinh. Tu mà không tiến, không đạt được những gì Phật dạy, lại hiếu danh, ghét lời chê ưa tiếng khen, không thấy được lẽ thực, đâu thể xứng đáng là một Phật tử.

Nhiều Phật tử than hồi chưa biết đạo, nghĩ đi chùa sẽ bớt phiền não, không ngờ càng đi chùa càng nhiều phiền não. Đó là tại sao? Tại ôm cái mê, tiếc cục sỏi, cục đá nên không tiến được. Nếu là người thực tu phải can đảm nhìn lại mình, bỏ hết những gì dở đi, như vậy trên đường tu mới đạt được kết quả tốt. Ngược lại, không chịu thấy điểm dở yếu của mình, cứ tưởng là hay, ai vuốt ve tán dốc thì vui lắm, còn ai nói xấu vài ba câu liền không muốn đi chùa nữa.

Tu mà bị dư luận bên ngoài làm chủ, không thực thấy tư tưởng, hành động của mình tốt hay xấu, đó không phải là thật tu. Người không chịu thấy những điểm yếu đuối dở tệ của mình, dù đi chùa mười năm hai mươi năm, ăn chay trường, lạy Phật nhiều cũng chưa phải là hay. Không chịu đổ bao đá xuống thì cũng là kẻ vác đá nặng nề, thở è ạch như thường.

Chúng ta tu là làm một việc cao thượng quí báu phi thường, chớ không phải chuyện thường. Đã là cao thượng, quí báu mà chúng ta lại đeo mang những thứ mê lầm thì không thể chấp nhận được. Tu theo đạo giác ngộ thì nhất định phải có giác, không giác nhiều cũng giác ít. Phật tử là gì? Phật là giác, tử là con. Phật tử là con của bậc giác ngộ. Đã là con của bậc giác ngộ thì Phật giác ngộ một ngàn lần, ít ra mình cũng được mười, hai mươi lần; chớ không thể không giác chút nào cả.

Ngày xưa đức Phật đi khất thực, có một Bà-la-môn theo sau chửi hoài, mà Phật vẫn ung dung đi. Ông tức quá chạy lên chận đầu Phật hỏi:

- Cù Đàm, ông có điếc không?

Phật nói:

- Không

- Không điếc, tại sao không nghe tôi chửi?

Phật nói:

- Ví như nhà ngươi có đám tiệc. Sau khi đám xong quà bánh còn nhiều, ngươi đem tặng thân hữu mỗi người một gói. Nếu họ không nhận thì quà đó thuộc về ai?”

Bà-la-môn trả lời:

- Tôi tặng mà người ta không nhận thì thuộc về tôi chớ về ai.

Phật nói:

- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thuộc về ai?

Chúng ta bây giờ mới nghe người ta nhốp nhép ngoài kia, trong này nổi giận rồi, làm sao làm con Phật được. Bà-la-môn kêu tên Phật chửi từ đầu đường tới cuối đường, Phật không nhận. Còn chúng ta vừa nghe sầm sì, liền để ý coi có nói tên mình không. Nếu có thì đứng lại ngay, nói cho ra lẽ mới được. Rõ ràng chúng ta kiếm chuyện để dính mắc, chớ không phải buông xả.

Phật buông xả hết, nghe chửi mà không chút bận tâm, khiến cho người chửi tức ngược trở lại. Chúng ta ngày nay chỉ cần nói một câu hơi nhẹ nhẹ cũng nổi giận rồi. Vậy là con Phật chưa? Đức Phật trọn vẹn không có tí gì hờn ghét, mình thì hờn giận đầy bụng. Như vậy thì mình làm sao xứng đáng là con của Phật.

Nếu ngày xưa người ta chửi Phật, Phật đứng lại cự với người đó thì bây giờ chúng ta đâu có lạy Ngài. Sở dĩ mình lạy Phật vì người ta chửi, Ngài không màng, không dính nên ta mới kính lễ. Chúng ta là đệ tử Phật mà ôm đầy bụng thị phi thì đâu có đi đường của Phật, e rằng đó đường ma. Đường Phật sáng suốt không chịu đi, tức là đi đường si mê, đường ma rồi.

Huynh đệ cùng một chùa mà cãi nhau, không sợ người thế gian cười cho. Là con bậc giác ngộ, lẽ ra chúng ta phải tỉnh giác hơn người đời, mới hướng dẫn dạy dổ họ được. Đằng này ta lại cãi nhau, không giữ được ba nghiệp thanh tịnh, thật hổ thẹn không làm đẹp cho Phật, mà làm oen ố Phật. Mang danh hiệu Phật tử thì phải có cả tâm tư, ngôn ngữ, hành động của Phật tử. Chỉ có tên mà không có thực chất thì thật vô nghĩa. Đó là những điều chúng ta phải thấy rõ.

Chúng ta tu phải chân thành, thật thà. Những gì Phật dạy hôm nay làm chưa được, ngày mai ráng làm. Năm này chưa xong, năm tới ráng cho xong. Như vậy bước đường tu hành của mình mới tiến bộ. Nếu cứ để y nguyên thói xấu cũ, chỉ mang danh hiệu Phật tử thôi thì chắc lâu tiến lắm. Cho nên biết tu rồi chúng ta phải cố gắng, phải nỗ lực sao cho xứng đáng là con của Phật. Con có hiếu thì phải nghe lời cha mẹ dạy, thực hành những gì cha mẹ muốn. Như vậy trên đường tu bảo đảm chúng ta sẽ tiến. Nếu để trì trệ trong mê lầm, không tiến được thì uổng công tu hành quá.

Tại sao lên tới đỉnh núi, muốn vô lễ Phật phải buông gậy? Đức Phật đó là Phật ở đâu đến? Là Phật của chính mình. Trong kinh Phật thường dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Chúng sanh có tánh Phật giống như người nông dân có lúa giống. Lúa giống tốt, có đất còn phải làm sao nữa? Gieo giống thì nhất định có lúa ăn, vì hạt giống đã có sẵn. Có giống có đất mà không chịu gieo, chạy sang hàng xóm mượn gạo, mượn lúa thì thật là vô lý. Cũng vậy, chúng ta có tánh Phật rồi mà không xoay lại mình, đi cầu ông này ông kia giúp con tu. Đó là một điều sai lầm lớn.

Phật tánh ấy ra sao? Tôi chỉ nói một cách hết sức giản đơn thế này: Chúng ta sẵn có Phật tánh, nhưng vì những ý niệm lăng xăng, phiền não bủa vây che mờ, khuất lấp đi nên có mà không thấy. Bây giờ phải dẹp phiền não, dẹp ý niệm lăng xăng thì tánh Phật sẽ hiển lộ. Muốn dẹp phiền não như tôi đã nói, phải quăng hết những thứ cát đá nặng nề, cồng kềnh. Quăng nó đi thì phiền não nhẹ, dần dần dứt sạch, tiến tới thảnh thơi tự tại. Trở về với Phật không khó khăn gì, chỉ cần chịu bỏ, chịu dẹp phiền não là được.

Đức Phật nói nhiều câu nghe thật tha thiết: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Ngài nói thẳng cho chúng ta biết mình có Phật, nếu chịu trở về là sẽ thành Phật, không nghi ngờ gì hết. Đó là đức Phật khẳng định cho chúng ta có đầy đủ lòng tin nơi khả năng giác ngộ thành Phật của mình.

Trong kinh, có khi Phật lại nói: “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”. Tại sao? Vì Phật thấy rõ ai cũng có tánh Phật sẵn, đã có sẵn tức đã thành rồi. Chỉ vì chúng sanh không chịu dẹp phiền não che đậy, nên rồi chưa thành. Có mà không thấy nên cũng như không, chớ không phải là không có.

Quí vị muốn thấy ông Phật của mình cũng không khó khăn lắm đâu. Thử ngồi mười lăm phút đừng có một ý niệm nào dấy động, chừng ấy ông Phật của mình hiện ra liền. Vậy thôi, rất dễ. Mười lăm phút thôi, tôi không nói nhiều, nhưng trong thời gian đó đừng dấy động một niệm nào thì ông Phật hiện ra đầy đủ. Như vậy dễ hay khó? Dễ mà làm không được thành ra khó.

Phật đã sẵn nơi mình mà không chịu thấy, cứ thấy chuyện đông tây đâu đâu. Ngồi lại nhớ anh kia mắng mình, chị nọ khinh mình, người này làm ăn giỏi tiền nhiều, người kia làm ăn dở nghèo khó, cứ nhớ như vậy làm sao ông Phật hiện ra được. Cho nên tôi thường nói chúng ta bị cái bệnh trầm trọng là thích làm cảnh sát quốc tế. Đi ngang một đám đang gây gổ gì đó liền muốn vô coi biết chuyện gì. Người ta không mời cũng muốn nhào vô phân xử. Chuyện bên Tây bên Tàu đánh nhau cũng muốn biết. Biết chi vậy? Có phân xử được đâu, mà cũng muốn biết. Biết để chất chứa đầy kho, rồi than tu hoài sao không thành Phật. Thành gì được, ông Phật bị ngộp với trăm ngàn chuyện tào lao đó, làm sao cất đầu lên nổi.

Người tu phải gan dạ loại tất cả ý niệm lăng xăng đang che khuất ông Phật của mình đi, như vậy ông Phật mới hiện được. Chuyện dễ như trở tay mà không chịu làm, chạy lên núi lên non tìm Phật gia hộ, thật là hoang đường. Chỉ cần một ngày ngồi lặng lẽ, không để niệm nào chen vô mà vẫn tỉnh sáng thì Phật hiện tiền.

Chúng ta phải sáng phải tỉnh, thấy được lẽ thật mới đúng là con của Phật. Vì Phật là giác, giác là thấy được chân lý, thấy được lẽ đạo. Còn chúng ta cứ mê hoài mà xưng con Phật thì thật là hổ thẹn. Mong tất cả cố gắng thực hành được những gì Phật dạy, buông bỏ hết mọi phiền não thì lập tức thành Phật. Điều ấy chắc chắn không nghi.

[ Quay lại ]