headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 12/11/2024 - Ngày 12 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GIÁO LÝ TỐI THƯỢNG

Trước tiên chúng tôi có lời thăm hỏi tất cả quí Phật tử. Tôi thật sự rất mừng khi được biết Phật tử Việt Nam sống ở xứ người mà vẫn không quên cội nguồn gốc gác của dân mình, nhất là vẫn còn để tâm đến Phật pháp. Nhiều người cứ nghĩ Phật tử sống tại hải ngoại vật chất sung túc có lẽ sẽ quên tu, nhưng không ngờ ngược lại Phật tử xa xứ còn ham tu hơn lúc ở nhà.

Tuy nhiên nói về sự tu hành, tôi cũng chưa biết quí Phật tử tiến như thế nào, lợi ích nhiều hay ít. Vì vậy hôm nay gặp gỡ lại quí vị, tôi cũng có vài lời nhắc nhở trên bước đường tu hành. Quí Phật tử hiểu tu là làm sao? Ăn chay, đi chùa, lễ Phật, tụng kinh phải tu chưa? Phải mà chưa phải. Có Phật tử bảo tu là sửa tâm. Như tâm mình bị vọng tưởng dẫn dắt làm các việc tham sân si, gây nghiệp không tốt. Bây giờ mình biết tu, sửa tâm lại cho hiền thiện, sống đúng với Phật pháp. Như vậy là tu. Thật ra nói sửa tâm là mới nói có một phần thôi.

Bây giờ tôi bổ túc thêm. Tu là chuyển hóa những gì xấu dở trở thành hay tốt. Nói chuyển hóa xác thật hơn nói sửa, vì tâm ra sao mà sửa. Chiếc xe hư sửa được, cái nhà hư sửa được, còn tâm làm sao sửa. Cho nên chúng ta có thể dùng từ chuyển hóa, nghĩa là chuyển từ xấu thành tốt. Nên nói tới tu là nói tới chuyển hóa. Chuyển hóa từ lời nói, hành động, ý nghĩ của mình. Ngày xưa chưa biết tu ta làm những điều dở, bây giờ biết tu rồi cái gì dở bỏ đi, cái gì hay thì làm. Ngày xưa chưa biết tu khi vui mình nói lời thanh nhã, khi buồn nói lời cọc cằn khó nghe. Bây giờ biết tu rồi hiểu lời nói khiến cho người bực bội không tốt, nên mình chuyển, dù buồn bực cũng gắng kềm lòng, nói lời nhẹ nhàng tao nhã, khiến mọi người mến thương. Ngày xưa chưa biết tu, tâm niệm mình có khi nghĩ tốt, cũng có khi nghĩ xấu về người này người nọ, bây giờ biết tu rồi ta chỉ nên nghĩ tốt cho người, những gì xấu thì bỏ đi, không nghĩ ngợi lung tung.

Như vậy quí Phật tử kiểm lại về thân, ta không làm gì cho người phiền. Về miệng ta không nói gì cho người buồn. Về ý ta không nghĩ xấu cho ai. Người đó có dễ thương không? Rất là dễ thương. Trong gia đình, người con biết tu như vậy thì cha mẹ đâu có buồn giận, em út đâu có ghét. Tất cả mọi gia đình đều biết tu hết thì thế gian biến thành thiên đường ngay. Cho nên việc tu có lợi ích thiết thực cho cuộc sống của chúng ta, chớ không phải nói đi chùa, tụng kinh lạy Phật là tu, như thế chưa đủ. Làm sao mình tu mà bản thân và gia đình có hạnh phúc mới được. Có thế việc tu của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng tốt cho những người chung quanh.

Phật tử Việt Nam xa xứ mà không biết thương yêu đùm bọc nhau, giúp đỡ khuyên nhắc nhau tu hành, mà còn cự cãi này nọ đó là cái nhục của dân tộc. Còn nếu biết tu chúng ta sẽ đem lại tiếng thơm cho dân mình cho xứ sở, khiến mọi người phải kính nể, không dám xem thường. Rõ ràng tu là một điều kiện rất thiết yếu dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu.

Người biết đạo tu theo Phật có hai trách nhiệm phải nhớ. Thứ nhất nhớ mình là người Phật tử phải xứng đáng với danh hiệu con của Phật. Thứ hai nhớ mình là người Phật tử Việt Nam không được làm xấu tổ tiên dân tộc mình. Ta không đem tiếng tốt về cho quê hương xứ sở mà khiến cho người khinh chê, đó là một lỗi rất lớn. Do đó quí Phật tử ở nước ngoài ráng tu sao cho có lợi ích cụ thể trong đời sống của mình và mọi người. Chúng ta phải thể hiện cho người nước ngoài thấy tinh thần dân tộc Việt Nam là biết đùm bọc, thương yêu nhau và biết tôn trọng giá trị của tổ tiên mình.

Hồi xưa ở Trung Hoa có một Thiền sư tên Ô Sào. Ô là con quạ, Sào là cái ổ. Vì Ngài thường ngồi thiền trên chảng ba cây cổ thụ, xung quanh lót cỏ giống như ổ quạ. Ngài tu đắc lực nên người trong nước đều mến phục. Hôm đó nhà thơ Bạch Cư Dị nổi tiếng đời Đường tìm tới hỏi cương yếu của đạo Phật. Ngài ngồi trên ấy đọc bài kệ:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

Dịch:

Chớ làm các điều ác,

Vâng giữ các việc lành,

Tự thanh tịnh ý mình,

Đó lời chư Phật dạy.

Nghe bài kệ ấy, Bạch Cư Dị cười nói:

- Bài kệ này đứa con nít tám tuổi cũng thuộc.

Thiền sư nói:

- Tuy nhiên, con nít tám tuổi cũng thuộc nhưng ông già tám mươi làm chưa xong.

Nghe thế, nhà thơ sực tỉnh lễ tạ Thiền sư.

Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tức là thân miệng của chúng ta không làm không nói những điều ác, luôn luôn làm những điều thiện. Tự tịnh kỳ ý là phải giữ ý trong sạch, thị chư Phật giáo, đây là lời dạy của chư Phật, chớ không riêng đức Thích Ca. Nên biết những điều này là cương yếu của Phật giáo. Song nghe thuộc thì con nít cũng làm được, mà hành thì ông già tám mươi tuổi cũng chưa chắc đã rồi.

Người xưa muốn nhắc chúng ta phải nhớ chuyển hóa thân miệng ý trở thành thiện tốt, đó là gốc của sự tu. Chớ không phải ăn chay, tụng kinh niệm Phật là gốc. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận ăn chay, tụng kinh, niệm Phật nhưng đó là công phu khi ta rảnh rỗi mới thực hiện được. Còn căn bản của sự tu là phải chuyển hóa nơi mình, làm sao cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nếu quí Phật tử ứng dụng trọn vẹn ba điều thân miệng ý đều trong sạch thì chẳng những ngay nơi cuộc sống hiện tại được an vui hạnh phúc, mà lúc nhắm mắt cũng thế. Trong kinh có câu “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là ba nghiệp thường trong sạch, đồng với Phật về cõi Phật.

Như vậy tu có lợi cả hai đời, hiện tại và cả vị lai. Chúng ta tu không có thiệt thòi cho mình mà còn có lợi ích ngày nay và cả mai sau. Thế mà không chịu tu thì uổng biết mấy. Tôi thường nói người tu là người biết lo xa. Thế gian thường nói người khôn thì thấy xa hiểu rộng. Nếu chỉ thấy chuyện trước mắt, không thấy xa hiểu rộng thì không gọi là người khôn. Thế thì có thể nói người tu là kẻ dại được không? Chúng ta tu bản thân được tốt, gia đình hạnh phúc và mai kia cũng được đi con đường lành. Lợi ích quá rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa.

Đến đây tôi muốn nói sơ qua về giáo lý tối thượng trong đạo Phật, để quí Phật tử hiểu rõ mục đích chúng ta tu để làm gì và tu như thế nào mới đúng. Trước tiên tôi kể câu chuyện “Giáo lý Thượng thừa” trong cuốn Góp Nhặt Cát Đá của người Nhật. Chuyện kể về một gã mù đi thăm người bạn thân. Gặp bạn anh nói chuyện say sưa tới khuya mới về. Thấy trời tối, người bạn thân thắp cho anh một cây đèn cầm đi, nhưng anh cười nói: “Với tôi đêm như ngày, ngày như đêm anh thắp đèn làm gì mất công”. Anh bạn giải thích: “Anh không cần đèn nhưng ban đêm trời tối có cây đèn, người khác thấy không đụng anh”. Nghe có lý, anh liền cầm lồng đèn đi. Giữa đường có một người đụng vào anh rất mạnh, giựt mình anh la:

- Anh không thấy tôi sao?

Người kia bảo:

- Thưa bạn tôi không thấy.

- Tôi cầm cây đèn sao anh không thấy?

Người kia nói:

- Thưa bạn, cây đèn của bạn đã tắt từ bao giờ.

Câu chuyện dừng lại ngang đó. Chúng ta thử thử tìm hiểu xem nó muốn nói gì mà có tên là “Giáo lý Thượng thừa”. Để giải thích ý nghĩa câu chuyện trên, tôi xin kể thêm vài câu chuyện nữa, có thể nhân đó quí vị nhận ra ý chỉ của nó.

Câu chuyện tiếp theo xuất phát từ Trung Hoa. Có một vị Thiền sư trước kia rất thông hiểu kinh luật. Khi nghe ở phương Nam các Thiền sư nói “tức tâm tức Phật”, Ngài không bằng lòng vì cho rằng theo kinh dạy người tu phải tinh tấn trong vô số kiếp dẹp bỏ phiền não mới đạt được đạo quả. Nay nói “tức tâm tức Phật” vô lý quá, ông không tin nên muốn đi về phương Nam dẹp hết bọn ma nói “tức tâm tức Phật”.

Ngài bèn quảy một gánh kinh Kim Cang đi về phương Nam tìm các Thiền sư để phá dẹp. Sáng nọ đói bụng, gặp một bà già bán bánh, Ngài kêu bà già dọn cho ít món điểm tâm. Bà già hỏi:

- Thầy đi đâu?

- Tôi tìm các Thiền sư.

- Chi vậy?

- Để phá dẹp vì họ dám nói “tức tâm tức Phật”, trái với đạo lý quá.

Nghe vậy, bà già hỏi:

- Thầy quảy gánh gì đó?

- Kinh Kim Cang sớ sao.

Bà già nói:

- Bây giờ tôi xin hỏi Thầy một câu, Thầy trả lời được thì tôi xin cúng dường bánh điểm tâm, bằng không trả lời được thì xin Thầy quảy gánh đi chỗ khác.

Thiền sư đồng ý. Bà già dẫn trong kinh Kim Cang hỏi:

- Phật dạy: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, chẳng hay Thầy muốn điểm cái tâm nào?

Ngài nghe câu hỏi đó thất kinh, không trả lời được, bèn hỏi lại bà già:

- Gần đây có Thiền sư không?

Nhân đây bà già mới giới thiệu Thiền sư Long Đàm Sùng Tín ở trên núi gần đó. Ngài trả lời không trôi nên quảy gánh kinh đi thẳng. Vừa tới Long Đàm, Ngài để gánh kinh xuống thì thấy ngài Sùng Tín ở trong đi ra, Ngài liền nói: “Ở xa nghe danh Long Đàm, khi tới gần Long không hiện mà Đàm cũng chẳng thấy”. Long là rồng, Đàm là đầm, ý muốn nói đến đây đầm chẳng thấy mà rồng cũng không hiện.

Ngài Long Đàm Sùng Tín trả lời:

- Như vậy thì ông gần Long Đàm rồi.

Chỉ một câu nhẹ xìu thế ấy mà Ngài giật mình xin ở lại học đạo. Một hôm tới phiên Ngài hầu Thiền sư Sùng Tín. Thấy khuya quá, ngài Sùng Tín Ngài bảo:

- Đêm khuya, sao không đi xuống?

Ngài liền vén rèm bước ra ngoài thấy trời tối đen, nên trở vô thưa:

- Bạch Thầy, ngoài kia tối đen.

Ngài Sùng Tín đốt cây đèn đưa, Ngài mới vừa cầm Thiền sư liền thổi tắt. Ngay đó Ngài ngộ đạo, sụp xuống lạy tổ Sùng Tín. Ngài Sùng Tín hỏi:

- Ông thấy đạo lý gì mà đảnh lễ?

Ngài trả lời:

- Từ đây về sau con không còn lầm đầu lưỡi của các Hòa thượng nữa.

Từ đó về sau Ngài nổi danh là một trong các bậc long tượng đương thời. Ngài chính là Thiền sư Đức Sơn.

Qua hai câu chuyện trên chúng ta hiểu thế nào về giáo lý tối thượng? Trở lại câu chuyện đầu, anh bạn thắp cây đèn cho người bạn mù đi khỏi bị người khác đụng, nhưng khi bị đụng anh mù la: “không thấy tôi cầm cây đèn sao? Người kia trả lời: “Thưa bạn, cây đèn của bạn đã tắt từ bao giờ”. Bao nhiêu đó đủ để nói lên ý nghĩa sâu xa rồi. Khi chúng ta không ngộ được bản tâm, không sáng được bản tánh của mình, người khác thương giúp cho chúng ta, như kẻ mù được bạn cho cây đèn sáng mà trong tâm tối mò. Trong tâm đã tối thì dù có phương tiện gì đi nữa, chúng ta cũng không giải quyết được cho mình. Như kẻ mù kia tuy tay cầm đèn, tưởng lúc nào cũng cháy mà không ngờ nó tắt tự bao giờ. Vì mù nên gã không thấy, nếu sáng thì không như vậy.

Cũng thế, chính mình tối dù người khác có thương mình trao đèn cho, ta cũng không dùng được. Người tu cốt phải sáng được tâm mình, chớ người ngoài giúp bao nhiêu mà ta không sáng cũng khó đạt được lợi ích. Đó là ý nghĩa thứ nhất của giáo lý thượng thừa, phải làm sao sáng tâm, cốt ngộ được bản tâm, chớ không thể vin vào phương tiện bên ngoài cho là cứu kính.

Câu chuyện thứ hai, ngài Chu Kim Cang đến với Thiền sư Sùng Tín. Vừa đến cổng nói tới đây Long không thấy mà Đàm cũng không hiện, nghĩa là có ý chê. Nhưng ngài Long Đàm chỉ nói một câu nhẹ thôi, “ông đã gần Long Đàm rồi”, tức là gần ta rồi. Gần chỗ nào? Chúng ta tìm xem cái thâm trầm của nhà thiền ở chỗ nào? Rồng là nói con vật, đầm để nói cảnh. Người thế gian do chấp ngã là mình là người, chấp pháp là cảnh, hai thứ chấp đó là gốc của mê lầm. Một khi thấy hai cái đó không thật thì đã thành Bồ-tát mất rồi. Cho nên nghe vị tăng nói không thấy rồng, không thấy đầm, như vậy đồng nghĩa với không thấy ngã, không thấy pháp chớ gì. Không thấy ngã, không thấy pháp tức đã gần Thiền sư rồi.

Nghe thế, ngài Chu Kim Cang mới giựt mình thì ra Thiền sư không phải là những người nói rỗng. Lời của các Ngài ẩn chứa giá trị thâm trầm của sự tu, chớ không phải lời rỗng, vì vậy Ngài mới xin ở lại làm đệ tử. Trước kia theo trong kinh nói tu ba vô số kiếp mới thành Phật, nhưng nghe các Thiền sư nói “tức tâm tức Phật”, Ngài bực quá, quyết tình phá dẹp. Đó là nhiệt tâm đối với Phật pháp của Ngài. Nhưng khi được Thiền sư Long Đàm chiết phục, Ngài mới hiểu lúc trước mình nghĩ sai, vì vậy bây giờ rất kính phục, mới ngộ lời dạy của chư Tổ.

Đến giai đoạn hai, một hôm Ngài đứng hầu Tổ thâu đêm, Tổ bảo xuống. Ngài bước ra ngoài thấy trời tối đen, nên vào thưa “ngoài kia tối đen”. Đó cũng là tâm trạng của Ngài còn tối đen, muốn cầu xin thầy chỉ dạy cho sáng lên. Tổ Sùng Tín bèn cầm cây đèn trao cho. Ngài vừa cầm lấy, Thiền sư liền thổi tắt. Ngay đó Ngài ngộ đạo. Trong nhà thiền dạy cho chúng ta biết, người thầy không làm cho đệ tử sáng được, mà phải chính mình cố gắng nghiền ngẫm thấu đáo, bỗng dưng phát sáng, chớ không do người khác mà được. Bởi những gì người ta cho không phải là của mình thì ta không thể dùng được. Hiểu thế rồi, chúng ta thấy các Thiền sư nói những câu lạ lùng nhưng rất thấu đáo, rất thâm trầm, chớ không phải lời nói rỗng. Đó là điểm kỳ đặc của nhà thiền.

Ở Việt Nam, Phật tử tụng kinh Pháp Hoa nhiều lắm. Trong kinh Pháp Hoa có phẩm Tùng địa dũng xuất, đức Phật Thích Ca nói rằng: “Chư Bồ-tát hay các vị A-la-hán phải cố duy trì kinh Pháp Hoa này trên thế gian, đừng để hoại diệt”. Có một số Bồ-tát ở tha phương đến nghe thế rồi, đi nhiễu Phật ba vòng, quì xuống chấp tay bạch:

- Bạch Thế Tôn, chúng con xin nguyện bảo hộ những người trì kinh Pháp Hoa ở cõi này.

Đức Phật nói:

- Thôi đi, ta không cần các ngươi.

Đức Thế Tôn vừa dứt lời, bỗng dưng thấy quả đất rúng động, có vô số Bồ-tát từ dưới đất vọt lên, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi quì xuống thưa:

- Chúng con xin bảo hộ những người trì kinh Pháp Hoa ở cõi này.

Khi ấy, đức Phật gật đầu:

- Được! Các ngươi nên bảo hộ những người trì kinh Pháp Hoa.

Như vậy đức Phật có kỳ thị Bồ-tát ở xứ khác không? Các Ngài đến xin bảo hộ người trì kinh Pháp Hoa, Phật không hứa khả. Còn Bồ-tát ở dưới lòng đất vọt lên xin bảo hộ thì Ngài chịu. Nhiều khi chúng ta tụng kinh Pháp Hoa mà thật ra không hiểu gì về kinh Pháp Hoa.

Bồ-tát là hữu tình giác, một chúng hữu tình đã giác ngộ. Trong nhà Phật có chia ra hai thứ trí: hữu sư trí và vô sư trí. Hữu sư trí là trí do học mà được. Còn tâm mình an định phát sinh trí tuệ đó gọi là vô sư trí. Hai trí này hết sức quan trọng đối với người tu. Trong nhà Phật, người mới vào đạo Phật dạy ba tuệ học: Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ. Ba tuệ này do học mà được nên là trí tuệ hữu sư. Lúc đầu chúng ta không biết, phải nhờ thầy hướng dẫn. Sau khi được thầy hướng dẫn rồi, ta bắt đầu tu theo ba môn giải thoát, tức là giới, định, tuệ. Từ giới có đạo đức sanh thiền định. Do định tâm lóng lặng trong sáng nên phát sanh trí tuệ. Trí tuệ đó từ sự tu của mình mà có nên nó là trí vô sư. Đây mới thật là trí tuệ giải thoát.

Trí tuệ hữu sư do thâu lượm từ ngoài được nên không phải thật của mình. Nói theo người thế gian, chúng ta học môn này, môn nọ được bằng cử nhân tiến sĩ v.v... có kiến thức rộng rãi. Nhưng với nhà Phật người tu phải bỏ hết các thứ kiến thức ấy mới phát sinh được trí tuệ vô sư.

Có một Thiền sư Nhật Bản nổi danh nọ được nhiều người đến hỏi đạo. Hôm đó một tiến sĩ tới học thiền. Thiền sư rót nước mời khách, trong khi nhà học giả kia huyên thuyên giới thiệu mình hết học vị tiến sĩ này tới học vị tiến sĩ nọ. Thiền sư cứ bình thản rót nước, mặc dù chung nước đã tràn cả ra ngoài. Học giả nọ vội ra dấu nhắc: “Thưa Thầy, nước đã đầy tràn, xin đừng rót nữa”. Thiền sư nói: “Phải, đầy rồi mà thêm nữa là tràn. Cũng thế cái đầu của Ngài hiện giờ đã đầy rồi, nếu học thêm nữa nó sẽ tràn”. Bởi vì ông ta giới thiệu hai ba bằng tiến sĩ nghĩa là sở đắc quá nhiều rồi, như vậy học thêm thiền nữa là tràn.

Học thiền hay là học đạo giải thoát, không phải cái học do dồn chứa nhiều. Bởi người ta thường tưởng tất cả những thứ họ dồn chứa là kiến thức của mình, thực sự nó là của vay mượn, không phải của mình. Trí vay mượn nên thuộc tướng sinh diệt. Hồi học thì nhớ, bỏ lâu liền quên, muốn nhớ phải ôn tới ôn lui hoài, vì nó không phải thứ thiệt của mình. Đó gọi là trí hữu sư. Trí này không có khả năng bảo vệ tri kiến Phật của kinh Pháp Hoa nói. Bồ-tát từ phương xa đến, dụ cho trí từ bên ngoài lại, nó thuộc về tướng sanh diệt nên không đủ tư cách bảo vệ tri kiến Phật. Còn Bồ-tát từ dưới đất vọt lên dụ từ thân tứ đại này hiện ra tánh giác thực của mình. Đó là trí vô sư, trí này mới đủ khả năng bảo vệ tri kiến Phật.

Trở lại đức Phật Thích Ca, khi Ngài tìm học với các vị tiên nhân, Ngài thấy chưa đúng sở nguyện của mình nên bỏ hết, tự tu khổ hạnh. Cuối cùng, khổ hạnh cũng không có kết quả, Ngài bỏ luôn khổ hạnh, dùng sữa trở lại. Khi sức khỏe phục hồi, Ngài tới cội Bồ-đề thiền định thâm sâu bỗng dưng trí tuệ sáng ra, Ngài giác ngộ thành Phật, đầy đủ tam minh lục thông.

Khi chứng đạo rồi Ngài nhìn trên không trung, thấy vô số hành tinh. Đó là những quả địa cầu hoặc lớn hoặc nhỏ, như quả địa cầu chúng ta hiện đang sinh sống đây. Nên trong kinh có những câu nói Phật thấy hằng hà sa số thế giới, nghĩa là Phật thấy thế giới nhiều như cát ở sông Hằng bên Ấn Độ vậy.

Như vậy trí tuệ của Phật siêu việt tất cả, tới bây giờ khoa học cũng chưa biết hết những hành tinh chung quanh mình nữa, mà Phật đã thấy từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Ngài còn có thể nhìn thấy vô số vi trùng trong một bát nước. Cho nên Phật dạy các thầy Tỳ-kheo hồi xưa khi uống nước phải lấy đãy lọc nước và tụng kệ “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”. Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước có bốn muôn tám ngàn vi trùng v.v…

Qua đó đủ thấy vô sư trí vượt hơn tất cả những kiến thức do kinh nghiệm người trước trao cho người sau. Trí vô sư là vô cùng vô tận có sẵn nơi chính mình, mà chúng ta không biết, không quan tâm khai thác, lại lo tìm cầu những thứ sanh diệt bên ngoài.

Chúng ta thường nghe các vị tôn đức nói kinh Pháp Hoa là cao cả, là tối thượng v.v... vì kinh này chỉ cho chúng ta tri kiến Phật sẵn có đó. Phàm phu ai cũng có đầy đủ, chớ không phải chỉ riêng Phật Bồ-tát mới có. Nên trong kinh Pháp Hoa có đoạn, nếu người nào chỉ chắp tay xá hay niệm Nam-mô Phật, người đó cũng sẽ thành Phật. Bởi có tri kiến Phật sẵn, nên hướng về là thành Phật ngay.

Như vậy chúng ta đã hiểu tại sao tu Phật phải ngồi thiền. Điều này nếu không học, không bao giờ chúng ta hiểu tầm quan trọng của nó. Bởi vì sáu căn ta thường phóng chạy theo sáu trần: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì thế ít khi nào ta thấy được mình, hiểu được mình. Cứ hiểu cái bên ngoài, còn chính mình lại không biết gì. Như quí Phật tử hiện diện ai cũng vỗ ngực xưng “tôi”, nhưng thử hỏi “tôi là cái gì” thì không biết. Đó là điều rất đáng buồn.

Học đạo tức là học Phật, học Phật tức là học mình. Thế thì ta phải tìm cho ra mình là cái gì? Nhà Phật gọi phản quan tự kỷ, phải soi sáng lại chính mình. Biết được mình rồi thì biết tất cả ở ngoài, còn không biết mình thì dù có biết ở ngoài bao nhiêu đi nữa cũng là biết rỗng thôi, chớ chưa thực biết. Vì sao? Vì trong nhà Phật nói con người là chánh báo, muôn vật bên ngoài là y báo. Y báo là chỗ nương tựa, chánh báo mới là chủ. Cũng như chủ nhà quan trọng hơn cái nhà vậy. Nhà xây dựng được, đập phá được, quan trọng nơi người chủ.

Ngồi thiền là cốt nhìn lại, tức soi sáng lại xem mình là cái gì, tìm cho ra con người thật của chính mình, lắng hết tâm tư để thấy được con người thật ấy. Chừng nào cái thật hiện ra chừng đó mới xong việc. Chúng ta cứ phóng ra ngoài nên không biết mình. Bây giờ muốn biết mình phải làm sao? Phải nhìn lại, soi sáng lại. Muốn soi sáng lại phải ngồi im lặng suy gẫm. Ngồi thiền có nghĩa là phản quan, soi chiếu lại chính mình tìm ra con người thật, chớ không phải ngồi chơi, hay ngồi để được khỏe mạnh.

Con người lăn lộn trong sinh hoạt hằng ngày, hao tổn tinh thần, bây giờ ngồi lại cho tinh thần sáng suốt, thì mới thấy biết được mọi thứ chính xác. Đức Phật nhờ ngồi thiền mà được giác ngộ. Sau khi giác ngộ rồi, Ngài mới thấy tất cả những thứ bên ngoài, từ đó dạy cho chúng ta tu. Cho nên ngồi thiền có một ý nghĩa rất quan trọng. Người tu Phật mà không biết thiền định thì khó mong phát sanh trí tuệ. Trí tuệ đã không sanh thì làm sao giác ngộ giải thoát được?

Người tu Phật không bao giờ hài lòng hay thỏa mãn với chút ít công đức hữu vi. Bởi vì tất cả những thứ đó đều là tướng sinh diệt, chưa phải là cái bất sanh bất diệt, chưa phải trí vô sư sẵn có của mình. Cái thấy biết Phật sẵn nơi mình, tự ta phát ra chớ không phải ở đâu đến được. Chúng ta tu cốt khai thác trí tuệ sẵn có đó. Trong kinh Pháp Hoa Phật thường nói chúng ta có hạt minh châu sẵn trong chéo áo nhưng vì say rượu nên quên mất, thành ra có châu mà không dùng được, phải chịu làm kẻ ăn mày lang thang khổ sở. Chỉ chừng nào nhận ra hạt minh châu trong chéo áo, cầm trong tay rồi, sử dụng được hạt minh châu chừng đó mới thành người giàu sang sung sướng.

Chúng sanh khổ gốc tại mê, như có hạt châu mà quên, quên tức là mê. Từ cái mê đó mà chạy đuổi bên ngoài, bỏ đi của báu nhà mình. Giờ được nhắc thì ta phải nhớ lấy hòn ngọc báu ta dùng, chớ được nhắc mà không chịu lấy ra dùng thì có cũng như không, được lợi ích gì. Thiện tri thức là người có bổn phận nhắc cho chúng ta nhớ, chớ không phải làm cho mình. Mỗi người phải tự nhận tự dùng, không ai thế cho ai được cả.

Hình ảnh Bồ-tát Thường Bất Khinh suốt đời đi đâu, gặp ai Ngài cũng bái nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”, đó là nhắc cho chúng ta nhớ mình có tánh Phật sẵn. Xoay trở lại nhận ra tánh giác ấy thì thành Phật tức thì, chớ có gì lạ. Nên biết kinh Pháp Hoa cốt giúp cho chúng ta thấy biết được mình có khả năng thành Phật, có sẵn tri kiến Phật chớ không ai thiếu hết.

Trì kinh Pháp Hoa là sống lại với Tri kiến Phật của mình chớ không phải trì chữ, trì nghĩa. Nhưng đa số Phật tử bây giờ cứ tụng trì trên chữ nghĩa thôi. Tụng kinh tính bộ, vì vậy muốn được nhiều bộ phải ráng gõ mõ tụng cho mau để tính sổ với Phật. Thật đáng buồn cười! Người thâm nhập, hiểu thấu rồi không bao giờ trì tụng kinh như vậy. Bao nhiêu kinh điển Phật dạy cốt khai thác cái thật nơi mỗi con người, làm sao cho chúng ta khơi dậy được trí vô sư của mình. Khai dậy được trí đó mới giác ngộ. Ý nghĩa kinh Phật thâm trầm như vậy, mà chúng ta lại làm lệch lạc quá nhiều, thật là có lỗi với chư Phật, Bồ-tát.

Một điều quan trọng nữa là Phật tử đến với đạo Phật chỉ có lòng tin. Tin Phật, tin quí thầy mà chính mình chưa nhận ra được cái chân thật thì niềm tin ấy không khéo sẽ trở thành mù quáng. Cho nên việc tu là quan trọng hơn cả, càng tu chừng nào thì càng sáng chừng ấy. Chúng ta tu tới lúc nào nhận ra cái chân thật nơi mình thì niềm tin mới kiên cố. Tin như vậy gọi là tự tín, còn chỉ tin ở Phật ở thầy thôi, chưa phải là niềm tin chắc thật.

Làm sao để tin nơi mình có cái chân thật? Tôi tạm mượn các câu chuyện trong nhà thiền để nói về điều này. Có một cư sĩ hỏi Thiền sư Nam Tuyền:

- Bạch Hòa thượng, có người nuôi con ngỗng trong một cái bình. Con ngỗng lớn dần đầy hết cả bình, bây giờ làm sao đem con ngỗng ra mà đừng đập bể cái bình. Xin Hòa thượng đem ra giùm.

Ngài Nam Tuyền bèn gọi:

- Đại phu!

- Dạ.

Thiền sư nói:

- Ra rồi.

Cư sĩ liền lễ tạ. Dễ như trở bàn tay vậy. Đó là câu chuyện thứ nhất.

Câu chuyện thứ hai trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật kể lại chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa. Một buổi sáng anh cầm gương soi mặt, thấy mặt mũi mình đàng hoàng. Xong anh úp gương xuống thấy mặt mũi đâu mất, anh hoảng ôm đầu vừa chạy vừa la: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”.

Trong nhà Phật thường chỉ cho chúng ta cái chân thật ấy nhưng không nói thẳng. Người không có căn khí nhạy bén ít khi nhận ra được. Như câu chuyện con ngỗng nuôi trong bình. Bình là dụ cho thân tứ đại, con ngỗng dụ cho tâm của mình. Hai cái này không tách rời nhau, nên nói con ngỗng lớn bằng cái bình. Cái bình vô tri, con ngỗng có tánh biết, nhưng làm sao đem nó ra? Ngay nơi cái vô tri này, chúng ta nhận ra được cái tri giác, tức tâm thể sáng suốt của mình, nên Thiền sư Nam Tuyền chỉ gọi tên, cư sĩ dạ, Ngài nói ra rồi. Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chúng ta đều có sẵn tri kiến Phật, nhưng ta không bao giờ sống với nó. Khi gọi liền dạ, tức chỉ cần chạm đến liền ứng, đâu từng vắng thiếu bao giờ. Vì vậy phải ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi… mà nhận lấy cái chân thật nằm sẵn nơi cái sanh diệt. Đó là tất cả những gì chư Phật và Tổ sư muốn chỉ bày cho chúng ta.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật chia ra hai thứ: chân tâm và vọng tâm. Vọng tâm là tâm lăng xăng phân biệt chợt có chợt không, còn chân tâm là tâm hằng hữu của chính mình không bao giờ vắng thiếu, đó là cái biết luôn nằm sẵn nơi sáu căn của chúng ta. Nhưng vì mê lầm chúng sanh chỉ nhận những nghĩ suy là tâm, thành ra quên mất tâm chân thật. Thấy biết phân biệt theo tâm suy nghĩ nên sanh khen chê tốt xấu, đủ chuyện thị phi, theo đó mà tạo nghiệp không cùng. Giống như anh chàng Diễn Nhã đạt đa chấp bóng trong gương mà quên cái đầu thật. Vì vậy ôm đầu thật chạy kêu mất đầu. Phật nói chúng sanh quên mình theo vật cũng như vậy.

Chúng ta luôn luôn quên mình, cứ chạy theo cảnh vật bên ngoài, thành ra điêu đứng khổ sở. Cả thế gian đều như vậy, chỉ biết cái bên ngoài mà không nhớ lại mình. Chúng sanh mê lầm thật không thể tưởng tượng nổi. Bởi vậy đức Phật bắt mình ngồi lại, quên cái bên ngoài để nhận ra cái thực của mình, đó là việc làm hết sức quan trọng. Cho nên mục đích của người tu Phật là phải nhận cho ra bản tâm chân thật bất sanh bất diệt của mình, ngoài ra không có việc gì quan trọng hơn nữa. Giáo lý tối thượng của chư Phật cũng không gì hơn một bản tâm ấy. Hiểu như thế chúng ta mới vạch cho mình một phương hướng tu hành đúng đắn.

Giáo lý nhà Phật quá thâm sâu, nên người thường nghe không hiểu cho rằng đạo Phật có màu sắc huyền bí. Thật ra đạo Phật hết sức thực tế. Chúng ta là những kẻ vô lý với bao nhiêu là suy nghĩ tính toán. Nghĩ, tính là tôi, tôi đang nghĩ tôi đang tính, bất thần không nghĩ không tính liền la hoảng “tôi đâu mất rồi”. Không ngờ chính cái không suy nghĩ tính toán mà thường thấy nghe hiểu biết rõ ràng ấy là cái chân thật của mình. Bởi vậy chúng ta cứ theo bóng dáng, bám vào bóng dáng cho là tâm mình, thành ra mất mình.

Ta đang sống với tâm hiện hữu không vắng lúc nào mà lại chạy đi tìm nó trong cái hư giả bên ngoài. Vì thế cả đời lăng xăng lộn xộn, tạo không biết bao nhiêu thứ nghiệp trầm luân trong sanh tử. Phật dạy chỉ cần lặng tâm vọng xuống thì tâm chân thật hiện tiền, không đợi ở đâu tới. Chính khi đang lăng xăng nó cũng hiện hữu, chớ không vắng mặt nhưng vì ta chạy theo cái lăng xăng nên không nhận ra được.

Chỗ này tôi tạm dùng một ví dụ, như tôi đang ngồi trong thất. Lúc có các Phật tử tới đông đảo, tôi biết lúc này đang có khách. Khi quí Phật tử đi về, trước mắt tôi chỉ có khoảng không trống vắng thì tôi sẽ nói lúc này không có khách. Thấy có khách, thấy không khách là chủ nhà thấy. Chủ nhà lúc nào cũng có, chỉ khách mới khi có khi không. Cũng vậy, khi suy nghĩ ta biết mình đang suy nghĩ, khi không suy nghĩ ta cũng biết mình không suy nghĩ. Biết có nghĩ, biết không nghĩ là mình biết chớ ai. Còn suy nghĩ là đối tượng bị biết, thì nó đâu phải là mình. Như vậy nhận khách làm chủ là quên mất ông chủ thật rồi.

Cho nên hiểu đạo mới thấy giá trị của kinh Phật, giá trị của người tu. Nếu không chúng ta cứ tưởng tu là tìm chút ít công đức để dành đời sau hưởng, không nghĩ tới cái cao siêu hơn mà thế gian đang quên mất. Nên Phật nói tất cả chúng sinh đều đáng thương là vậy. Dù người giàu mấy, học giỏi mấy mà không nhận ra được mình cũng đều đáng thương cả.

Mong tất cả Phật tử nhận hiểu mục đích tu Phật của mình. Từ đó thấy được giáo lý nhà Phật là tối thượng, giải quyết vấn đề then chốt của con người là giải thoát sanh tử. Có vậy việc tu của chúng ta mới có ý nghĩa và giá trị thiết thực.

[ Quay lại ]