headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 09/09/2024 - Ngày 7 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trí tuệ Bậc Giác ngộ

luanhoi3

HT.Thích Thanh Từ

Khi còn là thái tử dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết, Ngài có những thắc mắc trong lòng. Chính vì thế, thái tử không yên tâm sống trong cảnh vương giả, nên quyết chí tu hành. Thắc mắc trước kia của Ngài cũng có thể là thắc mắc của tất cả chúng ta hiện giờ, nhưng mình ít quan tâm tìm cách giải quyết.

Thắc mắc thứ nhất, Ngài nghĩ con người ai cũng bị sanh già bệnh chết khổ như nhau, vậy từ đâu chúng ta đến đây? Thắc mắc thứ hai, sau khi chết rồi ta sẽ đi về đâu? Thắc mắc thứ ba, muốn ra khỏi vòng sanh tử đó phải làm sao? Đó là ba vấn đề tối hệ trọng của kiếp con người.

Bởi thắc mắc như vậy nên Ngài không yên tâm sống trong cảnh nhung lụa, vui theo thế gian nên mới quyết tâm đi tu. Khi đã đi tu, ban đầu Ngài tìm đến những vị nổi tiếng thời đó để học đạo. Các vị thầy ấy dạy cho Ngài tu chứng từ Sơ thiền tới Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Ngài thấy cũng chưa giải quyết được vấn đề mình thắc mắc. Thế là tìm thầy khác cao hơn, Ngài tiếp tục đạt các quả vị từ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cho đến Phi phi tưởng xứ. Được bốn tầng định cao tột ấy rồi Ngài thấy cũng chưa giải quyết được ba vấn đề mình hằng ôm ấp trong lòng. Lúc này không còn vị thầy nào đủ sức chỉ giáo cho Ngài nổi nữa.

Ngài từ giã các vị thầy đó, tìm cách tu khác. Hồi xưa ở Ấn Độ nhiều người cho rằng tu khổ hạnh đến chỗ tột cùng sẽ ngộ đạo, nên Ngài cũng tu khổ hạnh hết sáu năm, rốt cuộc không giải quyết được ba vấn đề trên. Cuối cùng Ngài tới cội bồ-đề trải cỏ ngồi kiết-già. Khi ngồi xuống đây, Ngài thệ nguyện rằng: “Ta ngồi dưới cội cây này nếu không thành đạo, thà xương tan thịt nát quyết không rời khỏi cội cây này”. Với ý chí quyết liệt như thế, suốt bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội bồ-đề, tới đêm thứ bốn mươi chín Ngài giác ngộ thành Phật, giải quyết triệt để ba vấn đề trọng đại đã thắc mắc lâu nay.

Ngộ đạo là ngộ cái gì? Trước tiên Ngài chứng được Túc mạng minh. Chữ “túc” là đời trước, “mạng” là sinh mạng, “minh” là sáng suốt. Túc mạng minh là sáng suốt, thấu rõ tột cùng đời trước của mình, giải đáp được câu hỏi thứ nhất “Ta từ đâu đến đây?”. Trong kinh diễn tả Ngài thấy rõ, nhớ rõ từ vô số kiếp về trước của mình, như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài đã từng sanh ở đâu, làm gì… tất cả những chuyện quá khứ của Phật sau này được các thầy Tỳ-kheo kết tập lại thành kinh Bổn sanh. Ngài cũng thấy biết đời trước của các đệ tử sanh ở đâu, làm gì… được kết tập thành kinh Bổn sự. Như vậy cái nhớ của Ngài là trực tiếp nhớ chớ không qua ai kể lại, cũng không phải do suy luận mà ra. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ nhất.

Kế tiếp, Ngài chứng được Thiên nhãn minh. Thiên nhãn minh là con mắt sáng suốt thấy tột cùng những gì rất xa, rất nhỏ, Ngài thấy tường tận hết. Ngài thấy chúng sanh chết đây sanh kia, do nghiệp dẫn đi trong sáu đường, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua, người lại một cách rõ ràng. Phật biết rõ con người chết rồi không phải là hết mà theo nghiệp thọ sanh trong lục đạo luân hồi. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ hai. Thấy tường tận như vậy nên Ngài mới nói thuyết luân hồi.

Đến canh năm, khi sao Mai vừa mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh. “Lậu” là rơi rớt, “tận” là hết. Tức biết tường tận lý do gì khiến chúng sanh có mặt ở đây, muốn không còn tiếp tục thọ sanh ở những đời sau nữa thì phải tu cách nào? Nói rõ hơn, Phật thấy rõ nguyên nhân từ đâu chúng sanh có sanh tử và nguyên nhân để chấm dứt sanh tử, không còn rơi rớt, trầm luân trong tam giới nữa. Thấy tường tận như vậy gọi là chứng Lậu tận minh. Thế là Ngài tuyên bố giác ngộ viên mãn, thành Phật.

Vì thế chúng ta biết Đức Phật nói thuyết luân hồi không phải do suy luận, do tưởng tượng. Khi tâm Ngài an định, trí tuệ sáng ra nên nhớ được tất cả mọi việc trong vô số kiếp về trước. Phật thấy rõ ràng chúng sanh do nghiệp lành, nghiệp dữ dẫn đi thọ sanh chớ không phải ngẫu nhiên. Nghiệp dẫn mình đi trong sáu đường sanh tử luân hồi. Sáu đường đó là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba đường ác; người, a-tu-la và trời là ba đường lành.

Trong sáu đường ấy, loài súc sanh và ngạ quỷ ở lẫn với mình, nhưng ta chỉ thấy được súc sanh, chớ không thấy ngạ quỷ. Còn địa ngục, có người nói đào sâu dưới đất là địa ngục, không phải vậy. Địa là chỗ, ngục là hình phạt đau khổ. Những chúng sanh nào có nghiệp ác sau khi chết cùng sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ, đó gọi là địa ngục. Chớ không có chuyện như người ta tưởng tượng quỷ sứ tới dắt đi, mà là nghiệp dẫn. Nghiệp từ tâm tưởng hiện ra. Ví dụ hồi xưa ta hành hạ ai khổ sở, bây giờ sắp chết sực nhớ lại người đó, thấy họ đánh đập mình, rượt đuổi mình nên ta chạy. Thế là chạy thẳng vào chỗ khổ. Đó là trường hợp đi trong các đường dữ.

Trở lại đường lành, cõi người là đường lành thấp nhất. Như vậy chúng ta hãnh diện mình đang ở trong đường lành, nhưng nếu không khéo tu thì sẽ tuột xuống đường dữ. Được ở trong đường lành mình phải cố gắng tu tập để vươn lên, chớ không nên tự mãn. Vì khi hưởng hết phước lành ta sẽ đọa vào các đường dữ.

Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”. Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi.

Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.

Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở lại cõi người Phật dạy phải thọ Tam quy, giữ Năm giới. Năm điều kiện đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng ta phải nhớ.

Muốn được lên nữa thì tu Thập thiện, tức tu mười điều lành được lên cõi trời. Còn hạng trung là a-tu-la. A-tu-la làm lành nhiều lắm, siêng năng bố thí tu phước nhưng động tới liền sân. Đây là thần chớ không phải trời. Thế nên quý vị trong khi bố thí làm phước, nhớ đừng sân. Vì đó là nhân sanh vào loài a-tu-la. Cho nên ai tu mà hay gây gổ thường bị quở là hiện tượng a-tu-la.

Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết, không tư cách như con người. Đó là ý nghĩa của luân hồi.

Đời hiện tại của chúng ta có hai điều quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng, hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất quan trọng. Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận lợi thì nên chuẩn bị cho mai kia, đừng để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như ý mình cũng cười thôi, vì biết tại hồi xưa mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam chịu không giận ai, không kêu trời trách đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và mai sau được tốt đẹp hơn.
Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai hết. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.

[ Quay lại ]