Ta là Gì ? (tiếp theo..)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 19 Tháng mười 2007 09:57
- Viết bởi nguyen
III. TINH THẦN VÔ NGÃ CỦA ĐẠO PHẬT
Hiểu qua điều lầm lẫn chấp ngã trên rồi, chúng ta lại phải thấu triệt tinh thần vô ngã của Phật dạy. Bởi vì, người đi vào đạo Phật đều phải đi qua cửa này. AI CHƯA ĐI QUA CỬA NÀY, đừng vội nói đến giải thoát làm gì cho nhọc miệng, cũng đừng vội vỗ ngực nói to!
1. Thế nào là vô ngã?
Chúng ta thường nghe nói vô ngã, vậy đó là vô cái ngã gì? Có cái ngã để vô hay không? Đây là điều phải xét cho thật thấu đáo. Bởi, có Ta thì mới vô, tức là không nó, phá nó; còn không có gì là Ta thì vô cái gì? Phá cái gì? Phá ngã, thì phải có cái ngã vị phá. Cho nên, chúng ta phải hiểu, đây là nhằm trừ cái ngã tưởng cho người, nghĩa là nó không thật có, mà tưởng là có, vì vậy nói không, để trừ cái “tưởng” đó. Bởi nói là “tưởng” tức nó không thật có, dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật thì sẽ hết chấp, hết lầm. Nên nói trừ mà thật không có gì để trừ. Nếu thật có cái ngã để trừ, thì trừ nó bỏ đi đâu? Không khéo lại sanh thêm cái NGÃ MỚi để trừ cái ngã này, vẫn lẩn quẩn trong vòng ngã tưởng. Kinh Kim Cang đã nói: “Nói ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tức chẳng phải ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đó gọi là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”. Tức là chớ lầm theo tiếng gọi, nghe nói tên “ngã” liền tưởng thật có cái ngã, rồi sanh tâm trừ nó, đó là lọt vào lưới danh từ, ngôn ngữ. ĐEM NGÃ DẸP NGÃ,vẫn chưa rời dấu vết tướng ngã. Đó là điều phải khéo thấy.
2. Nói vô ngã để nhắc người tu hành trừ tham ái thân này.
Đây là trừ chấp thân. Bởi ái thân tức ái ngã, đó là nguồn luân hồi trong sanh tủ. Vì ái thân, mến luyến nó quá, nên mất thân này tìm thân khác, nghĩa là luôn luôn tìm cái để tựa. Chính vì bám chặt vào nó, nên khi mất nó, liền khổ! Ai đụng tới nó liền sân, liền tự ái. TỰ ÁI LÀ GÌ? Tức là ĐỤNG TỚi CÁI TA NÀY chứ gì? Nếu không có ta, cái gì tự ái? Do đó xét kỹ, người nhiều tự ái, tức là nặng về cái ta, phải không? Thấy thấu chỗ này, chúng ta mới thấy cái lầm sâu dày của mình. Người tu hành không giải thoát được, không hết khổ, cũng vì còn bám vào chỗ này. Buông chỗ này liền cảm nhận niềm vui giải thoát ngay hiện tại đây thôi. Chuyện ngài Phá Táo Đọa: Sư không biết tên gì, nhân vùng gần Tung Sơn có ngôi miếu thờ ông Táo rất linh, người đến giết vật cúng tế thường xuyên. Một hôm, có vị Thiền Sư, sau này gọi là Phá Táo Đọa, dẫn nhóm đệ tử đi vào trong miếu. Sư đến chỗ thờ ông Táo, lấy gậy gõ vào đó ba cái bảo: Bếp ơi! Đây là ngói gạch hợp thành, thánh từ đâu lại, linh từ đâu đến mà ngươi đòi chuộc mạng nhiều sinh vật như thế?
Nói xong, Sư gõ nấy cái nữa thì cái bếp ấy liền ngã đổ. Sư bèn dẫn nhóm đệ tử đi ra. Thầy trò đi được một quãng đường, chợt có vị mặc đồ xanh như là quan đến lễ trước Sư, Sư hỏi:
- Ông là ai?
Vị đó thưa:
- Con là thần Táo ở ngôi miếu kia, vừa rồi con được Hòa Thượng khai thị pháp vô sanh nên được giải thoát kiếp táo, sanh về cõi trời, do đó con đến tạ ơn Hòa Thượng.
Sư bảo:
- Vô sanh là tánh sẵn có của ngươi, chẳng phải nhờ ta thuyết pháp.
Vị ấy bèn lạy rồi biến mất. Vị tăng thị giả thắc mắc hỏi:
- Chúng con theo hầu Hòa Thượng nhưng chưa hề được nghe Hòa Thượng giảng pháp, ông thần Táo này được nghe pháp gì mà chóng sanh lên cõi trời như vậy?
Sư bảo:
- Ta chỉ nói với y là: “DO NGÓI GẠCH HỢP THÀNH, LINH TỪ ĐÂU LẠi, THÁNH TỪ ĐÂU ĐẾN” vậy thôi chứ không có đạo lý gì khác.
Như vậy đâu là pháp vô sanh mà ông thần Táo ngộ nhanh thế? Bởi Thần Táo không chỗ tựa nương, vọng bám vào mấy cục gạch của cái bếp trong miếu, lấy đó làm thân mình, rồi đòi người giết sinh vật cúng tế, lại càng tạo nghiệp dữ thêm, nên không đi đâu nổi. Bị mấy cục gạch đó nó cột một cách đáng thương! Chúng ta hiện tại cũng giống như vậy, cứ bám vào mấy cục thịt, mấy đốt xương, mấy sợi gân … đấy mà giết vật này, giết vật kia cúng nó, rốt cuộc nó cũng tan rã, trở về với cát bụi, còn nghiệp dữ kia tự mình phải đành mang lấy sang kiếp khác để chịu khổ, có đau đớn chăng? Lo nuôi nó, nhưng nó vẫn bỏ mình, để mình riêng chịu khổ, vậy còn chưa tỉnh hay sao: Do đó ông thần Táo kia, khi được Thiền Sư đánh thức: “CÁI NÀY LÀ DO NGÓI GẠCH HỢP THÀNH THÔI, CÁI LINH TRI, CÁI THÁNH SÁNG SUỐT HÁ LÀ VẬT VÔ TRI ĐÓ SAO, MÀ PHẢi ĐÒI NGƯỜi TA CÚNG TẾ BẰNG BAO NHIÊU MẠNG SỐNG CỦA NHỮNG SINH VẬT ĐÁNG THƯƠNG KIA!” Nghe vậy, thần Táo liền tỉnh ngộ, mình là thần, tức sáng suốt, đâu phải mấy cục gạch đó, liền buông mấy cục gạch này, ngay đó tức giải thoát kiếp táo chứ gì! Buông chỗ nương này, liền ngộ tự tánh xưa nay chưa từng sanh diệt, chưa từng thiếu vắng, đó là pháp vô sanh chớ có gì khác nữa đâu! Cho nên, nếu cứ bám chặt vào cái ngã mập ốm, mấy chục ký lô này, là đi mãi trong luân hồi, tạo nghiệp chịu khổ đời đời không dứt. NGƯỜi TU GIẢi THOÁT CHỚ CÓ LẦM LẪN!
3. Vì trừ thành kiến chấp trước.
Đây là phá chấp tâm. Nghĩa là lâu nay chúng ta sống với những cái “THẤY BIẾT” MANG ĐẬM MỘT CÁI TA chen vào trong đó; bởi vậy hễ thấy biết gì là chấp chặt vào điều thấy biết đó, không chịu buông, dù là thấy biết sai lầm cũng cố bảo vệ nó tới cùng. Vì sao vậy? Vì sợ mất cái Ta! Song chân lý vốn không có riêng tư, không có ranh giới; nhưng khi bị cái Ta chen vào, nó liền chia chẻ chân lý thành mảnh mún, biến lẽ thật thành ra có đây kia, có lẽ thật của ta, có lẽ thật của anh, tạo thành sự cách biệt nhau. Chẳng hạn, tôi thấy ngọn núi nầy cao, người kia thấy là thấp, bởi vì trong đầu tôi ít thấy ngọn núi nào cao hơn ngọn núi này; trái lại, trong đầu người kia đã từng thấy nhiều ngọn núi cao hơn ngọn núi này xa. Song, núi vẫn là núi, nó không tự nói là cao, không tự nói là thấp. Rõ ràng là chúng ta lấy cái ta mà đo lường tất cả người, bắt người phải thấy theo ta. Có câu chuyện ngụ ý: Một tên tướng cướp có một cái giường đặc biệt, hễ bắt được ai, y đem đặt lên giường đó, nếu dài hơn thì lấy dao chặt bớt, nếu ngắn hơn thì cố kéo rút cho dài ra bằng cái giường này.
Đây là ngầm chỉ, người chỉ lấy cái Ta mà đo kẻ khác theo cái khuôn của mình, bắt kẻ khác phải theo cái Ta này, chính vì vậy mà luôn làm đau khổ cho nhau; vì mỗi người đều có nghiệp riêng đâu giống ta được. Hiểu rõ bằng trí tuệ chân thật, Ta chỉ là một khái niệm tưởng tượng; thấy biết do huân tập sai khác mà thành có hiểu sai khác, thì thông cảm cho nhau để tìm về chỗ chân thật không hai, đó mới là điều quý. Trong kinh Niết Bàn có kể câu chuyện: Một ông vua muốn thử những người mù, ông sai đem con voi đặt trước sân, gọi mấy người mù rờ xem rồi tả lại cho ông nghe hình dáng con voi thế nào? Người rờ trúng tai voi bảo: Con voi giống cái quạt. Người rờ trúng chân voi, bảo: Con voi giống cây cột. Người rờ trúng bụng bảo: Con voi giống cái lu. Người rờ trúng đuôi voi, bảo: Con voi giống cây chổi. Rồi cãi nhau mãi, ông vua chỉ cười thôi.
Như vậy, vì sao mà họ tranh cãi? Chỉ vì chỗ thấy chưa trọn vẹn, dù mỗi người có chạm đến con voi thật sự, nhưng chỉ chạm một bộ phận, một góc cạnh, nên chỗ biết cũng hạn hẹp và có sai biệt, do đó thành tranh cãi nhau. Trong khi đó, nếu là ông vua thấy toàn thể con voi rõ ràng trước mắt thì sao? CHỈ CƯỜi THÔI! Nếu như ông vua cũng nhảy vào tranh cãi với những người mù ấy thì thế nào? Cũng mù theo luôn phải không? Bởi còn ham cãi là còn tâm hơn thua, còn mang nặng tình chấp ngã, sợ ta sai, ta kém! Trái lại, đã thấy suốt rồi, đâu còn sợ sai mà cãi? Như chuyện Hiệp Sơn và Định Sơn. Hai vị cùng đi đường bàn chuyện với nhau, Định Sơn nói:
- Trong sanh tử, không Phật tức phi sanh tử.
Hiệp Sơn nói:
- Trong sanh tử, có Phật tức chẳng mê sanh tử.
Hai người lên núi Đại Mai lễ Thiền Sư Pháp Thường, Hiệp Sơn đem câu nói của hai người thuật lại cho Sư nghe và hỏi:
- Chưa biết chỗ thấy của hai người, ai được gần?
Sư bảo:
- Một gần một xa.
- Ai được gần?
- Hãy đi, sáng mai trở lại!
Sáng hôm sau, Hiệp Sơn lại đến hỏi Sư. Sư bảo:
- Người gần thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng gần.
Thấy đau chưa? Bởi cứ lo tới trước hỏi ai đúng. Là muốn mình hơn, sợ mình sai, cho nên không gần được đạo. Trái lại, người đạt lý rõ ràng không nghi thì nói ra tự tin chắc, lo gì phải hấp tấp đi hỏi đúng sai? Còn KẸT TRONG NIỆM ĐÚNG SAI như thế, quả tang là người CÒN ĐỨNG NGOÀI cửa rồi! Đây là một kinh nghiệm cho người còn ưa tranh cãi lý luận, còn nặng về tình đúng sai, cần nghiệm kỹ!
4. Vì trừ ngã mạn, kiêu căng, cống cao, ngạo nghễ.
Bởi xét tột lý: Cái gì là ngã mạn? Cái gì kiêu căng? Kiêu căng cho ai? Cho cái cục thịt 60, 70 ký lô này chăng? Cho cái khối mập ốm, đen trắng này ư? Nếu vậy, khi chết nó nằm cứng đơ hoặc bệnh nằm liệt giường thì còn gì để kiêu căng, ngã mạn? Do đó, học đạo mà mang nặng tâm này thì làm sao học đến chỗ chân thật? Chính vì vậy, mà trong nhà Thiền thường đánh phá, thử thách cho nó xẹp bớt, nhẹ bớt, mới dễ tiếp nhận lẽ thật. Lâm Tế ba lần hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị Hoàng Bá đánh, nếu lúc đó tự ái, nổi giận oán hờn thì có làm Tổ được chăng?
Huệ Nam ở Hoàng Long, lúc làm thơ ký từng lãnh đồ chúng, có tiếng tăm, khi đến trong Pháp hội Ngài Từ Minh, vào thất thưa hỏi chỉ bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn nhìn những người bên cạnh nói:
- Chính vì chưa hiểu mới cầu quyết nghi, mắng đâu phải quy củ từ bi thí pháp!
Từ Minh cười bảo:
- Đó là mắng chửi sao?
Ngay câu này, Sư liền đại ngộ.
Vậy mắng chửi đó là mắng chửi cái gì? Đó là đập vào cái ta hiểu biết này, cái ta kiến giải này, cho nó hết chỗ nổi phồng lên, rồi khêu nhẹ mới liền sáng tỏ!
Lục Tổ mới đến Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi:
- Ngươi là người từ xứ nào đến? Đến đây lễ ta để cầu việc gì?
Sư đáp:
- Đệ tử từ Lãnh Nam đến lễ bái Hòa thượng chỉ cầu làm Phật, không cầu gì khác.
Ngũ Tổ bảo:
- Ông là người Lãnh Nam, là xứ mọi rợ, làm sao kham làm Phật?
Nếu Lục Tổ ngay đó tự ái bỏ ra về thì có làm Tổ được chăng? Hoặc chúng ta đang ngồi thiền yên lặng tâm thanh tịnh, chợt nhớ đến “hồi sáng anh ấy nói nặng ta!”, thì sao? Tức liền mê ngay! Đây là một lẽ thật sáng ngời, cần thấu rõ không thể hời hợt bỏ qua!
5. Nhằm đưa người vươn lên, chuyển hóa.
Chính tinh thần vô ngã giúp chúng ta thấy rõ, chúng sanh không có cái ngã chúng sanh cố định, Phật cũng không có cái ngã Phật cố định, phiền não sanh tử cũng không có cái ngã phiền não chúng sanh cố định, Bồ Đề Niết Bàn cũng không có cái ngã Bồ Đề Niết Bàn cố định. Do đó mới có chuyển hóa chúng sanh thành Phật, chuyển phiền não thành Bồ Đề; nếu chúng sanh đã cố định rồi, Phật đã cố định rồi thì còn mong gì chuyển thành Phật được! Tiệm Nguyên với Ngài Đạo Ngô đến nhà Đàn Việt điếu tang, Tiệm Nguyên liền vỗ vào quan tài nói:
- Sanh ư? Tử ư?
Đạo Ngô bảo:
- Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói.
Tiệm Nguyên hỏi:
- Vì sao chẳng nói?
Đạo Ngô bảo:
- Chẳng nói, chẳng nói.
Hai thầy trò về giữa đường, Tiệm Nguyên hướng về Đạo Ngô nói:
- Thầy hãy vì con nói, nếu không nói con đánh thầy.
Đạo Ngô bảo:
- Đánh thì cứ đánh, còn nói thì không nói.
Tiệm Nguyên liền đánh.
Đạo Ngô bảo:
- Ông hãy tìm nơi khác, nếu Tri Sự biết được e khó cho ông.
Tiệm Nguyên bèn bỏ đi, đến ngôi chùa nhỏ dưới núi, một hôm nghe người tụng Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa đến đoạn: “Nên dùng thân tỳ kheo được độ, liền hiện thân tỳ kheo mà vì nói pháp…” Sư liền tỏ ngộ.
Tiệm Nguyên thắc mắc hỏi: Sanh ư! Tử ư? Nếu thật cố định là sanh, là tử, sao Đạo Ngô không nói xác định đi? Bảo “Chẳng nói, chẳng nói” là có đáp chưa? Nếu Tiệm Nguyên nhanh mắt, ngay đó liền rõ sanh tử không thể nói, ngay sanh tức vô sanh thì hay biết mấy, đâu phải nhọc nhằn đến nơi khác! Khi nghe đến Phẩm Phổ Môn liền ngộ, là ngộ cái gì? Bồ Tát Quán Thế Âm có 32 ứng thân, vậy thân nào là thân thật của Bồ Tát? Thân đó hiện, thân đó mất, Ngài có thật mất chăng? Vậy có gì là cố định thật?
Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã có đoạn Phật dạy: “TẤT CẢ CHÚNG SANH XƯA NAY THANH TỊNH. GIẢ SỬ KHIẾN CHO CHƯ PHẬT Ở TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP XƯỚNG NÓI: “CHÚNG SANH CHÚNG SANH”, MÀ KHÔNG QUYẾT ĐỊNH THẬT CÓ CHÚNG SANH CÓ THỂ ĐƯỢC!” Cho thấy, dù Phật có nói tên chúng sanh, nhưng không phải do nói đến tên đó mà thành chúng sanh thật. Nên nói: “Mê là chúng sanh, giác tức Phật”, cả hai đều là tên, thể đó vốn không hai, không phải có một cái thể Phật riêng. Vậy nói chúng sanh nhưng đâu phải là chúng sanh mãi! Mê đâu phải mê mãi! Mê vĩnh viễn! Nếu thế thì hết tu hành, vì dù có tu cũng không đổi được. Sự thật, nếu người khéo quán chiếu trở lại nguồn tâm, mở sáng mắt trí tuệ thì hết mê. Hết mê tức là giác. Đã giác thì hết tên chúng sanh, mà chuyển thành tên Thánh, tên Phật! Đó là một con đường vươn lên, một sức mạnh để tu hành chuyển hóa: Trừ tâm niệm mặc cảm mình làm chúng sanh ngu si mãi! Mình nghiệp chướng sâu dày hết còn mong gì tu hành nữa! Đây là ý niệm nguy hiểm, khiến người thoái hóa, chôn vùi mình mãi mãi trong tội lỗi. Vì vậy, vô ngã là một diệu lý sâu xa, không dễ gì LÝ LUẬN QUA LOA mà hiểu hết, chỉ phải THỰC SỰ SỐNG TRONG ĐÓ mới tự cảm nhận không thể nghĩ bàn. Nếu chỉ hiểu vô ngã là không có ta thật, có gì dính dáng? Cho nên vô ngã, cuối cùng đưa đến vô sở đắc, sạch hết mọi chỗ được, mọi kiến giải đã có.
Thiền sư Linh Huấn ở với Ngài Quy Tông một thời gian, khi từ giã đi, Quy Tông hỏi:
- Ông đi đâu?
Sư thưa:
- Con về Lãnh Trung.
Quy Tông bảo:
- Ông ở đây nhiều năm, sửa sang hành lý xong hãy đến đây, ta sẽ nói cho một câu Phật pháp cao tột.
Sửa sang hành lý xong, Sư đến trước Quy Tông, Quy Tông bảo:
- Lại gần đây!
Sư đến gần, Quy Tông bảo:
- Trời lạnh, đi đường hãy bảo trọng!
Sư nghe lời này, liền quên chỗ hiểu trước.
Vậy Phật pháp cao tột ở chỗ nào? Chúng ta nghe nói Phật pháp cao tột, liền tưởng là một câu gì đó khác thường, một đạo lý thật cao siêu, không ngờ chỉ một câu nói bình thường, giản dị, tâm mong muốn để hiểu liền dứt! Nên nói: “QUÊN CHỖ HIỂU TRƯỚC”. Đây là chỗ người học thiền chân thật không thể hời hợt bỏ qua! Còn thấy TA NGỘ, TA ĐƯỢC là còn phải xét lại!
Còn tiếp ...