headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/01/2025 - Ngày 3 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ta là Gì ? (tiếp theo..)

IV. CUỐI CÙNG CÓ TA HAY KHÔNG?
Nói không ngã, sạch hết mọi chỗ chấp, chỗ bám, chỗ đắc, vậy cuối cùng thế nào? Không còn gì hết sao? Đây là chỗ nhiều người học đạo thắc mắc, nghi ngờ.

Như trước đã nói, không ngã là không cái NGà TƯỞNG, không cái giả ngã, tức lầm cái giả cho là thật, không phải ta mà nhận bướng cho là ta, để thành tạo nghiệp chịu khổ. Song người đạt vô ngã, thì trong đó “CÁI GÌ BIẾT RÕ VÔ NGÔ mà chỉ dạy lại cho mọi người còn mê? Nếu hoàn toàn không có cái thật, vậy gọi lầm là lầm cái gì? Không phải thật ta mà lầm cho là thật ta, mới gọi là lầm! Do đó, khi mọi Ý NIỆM SAI LẦM về Ta đã sạch thì chân ngã hiện bày! Cho nên, phá là PHÁ CÁI Ý NIỆM, cái tưởng về ta, chứ không phải có cái ta thật bị phá. Nếu thấy thật có cái ta bị phá, thành ra có CÁI TA THỨ HAI để phá nó rồi! Rốt cuộc vẫn lẩn quẩn chưa rời bóng dáng cái Ta.
Có vị tăng hỏi Thiền Sư Bổn Tịch ở Tào Sơn:
- Thế nào là kiếm không mũi?
Sư đáp:
- Chẳng do rèn luyện mà thành.
- Dụng của nó thế nào?
- Người gặp đều chết.
- Người chẳng gặp thì sao?
- Cũng phải rơi đầu.
- Người gặp đều chết là lẽ cố nhiên, người chẳng gặp vì sao lại rơi đầu?
- Ông chẳng thấy nói “hay sạch tất cả” sao?
- Sau khi sạch hết thì thế nào?
- Mới biết có cây kiếm này.
Thường thì kiếm phải có cán, có mũi, đây hỏi kiếm không mũi là sao? Muốn chỉ cái gì? Tức không phải hỏi cây kiếm của thế gian rồi, mà muốn chỉ kiếm vô tướng nơi mình. Kiếm đó, đâu phải do tạo tác mà thành, vì có tạo tác là thuộc sanh diệt rồi. Nên Sư đáp: “CHẲNG DO RÈN LUYỆN MÀ THÀNH”. Tuy nó không tướng, không do tạo tác thành, nhưng dụng của nó thì ghê hồn, không thể nghĩ bàn, không một bóng dáng gì còn lại với nó được. Nên “GẶP, CHẲNG GẶP” đều chết, nghĩa là dứt bặt cả hai bên đối đãi, không chỗ cho tình thức hiểu biết, phân biệt đến được. Khi sạch hết mọi tình chấp phân biệt rồi, không phải không còn gì hết, mà ngay đó liền rõ có cây kiếm này! Tức là sạch hết tình chấp phân biệt hai bên có mang cái ngã trong đó, thì chân thật hiện tiền sờ sờ ngay đó, thật tướng Bát Nhã lồ lộ rõ ràng. Nhưng vì phải vượt qua ý niệm đối đãi mới cảm nhận được, nên các Ngài không thể nói cho người còn đem tình phân biệt để hiểu! Do đó hỏi đến chỗ này, các Ngài thường im lặng, hoặc hét, khiến người hết tưởng tượng. Song cái này ở đâu mà khó nói như vậy? Sự thật không ở đâu cả, mà ở ngay chính mình, trong chỗ chúng ta sống hằng ngày đây thôi, chỉ tự chúng ta chẳng chịu nhận mà đành lang thang tìm kiếm!
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư đã dạy rõ ràng: “Ở TRONG ÁNH SÁNG NÀY, GIƠ TAY MÚA CHÂN NHƯ SỐ CÁT SÔNG HẰNG, ĐẾN KHI HỎi TỚi THÌ AI NẤY THẢY NÓI CHẲNG ĐƯỢC, GIỐNG HỆT NGƯỜi GỖ. HOÀN TOÀN LÀ CHÍNH MÌNH THỌ DỤNG, NHÂN ĐÂU CHẲNG BIẾT?”
Chính ngay chỗ chúng ta giơ tay múa chân, đi qua, đi lại hằng ngày đây, nếu không có ánh sáng kia thì cái gì khiến ra như thế? Ai chen vào đây để làm những việc đó? Không ai chen vào hết, thì chính mình thọ dụng tất cả đó, tại sao hỏi đến lại mờ mịt không biết? Giả sử là người bị tâm thần, mất sáng suốt thì không biết cũng được đi, trái lại chúng ta vẫn đang sáng suốt rõ ràng đây, sao hỏi đến lại không biết? Có đau chăng? Chính đó Phật, Tổ gọi chúng ta là mê, là tự cô phụ chính mình là chỗ này!
Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục có bài kệ tóm kết về bài NÓI RỘNG SẮC THÂN là:
        Vô vị chân nhân xích nhục đoàn
        Hồng hồng bạch bạch mạc tương man.
        Thùy tri vân quyện trường không tịnh
        Thúy lộ thiên biên nhất dạng san.
Tạm dịch:
        Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
        Hồng hồng, trắng trắng chớ lầm nhau.
        Ai biết, mây tan trời trong vắt,
        Ven trời sương biếc núi một màu.
Tức ngay nơi sắc thân này, ngay cái thân máu thịt đỏ au này, có con người chân thật không địa vị, ngôi thứ, ngồi sẵn trong đó. Tại sao chúng ta không sống với con người chân thật đó, mà nhận cái ta vô thường sanh diệt này để chịu khổ? Tuy nhiên, cũng chớ vội vàng hấp tấp nhận lầm cái tướng hồng hồng, trắng trắng của da thịt kia cho là “CON NGƯỜI CHÂN THẬT” thì nguy! Cái tướng trắng trắng, hồng hồng của mấy cục thịt đó không lâu cũng thúi sình, trả về cát bụi thôi. Nếu khéo tu hành quán chiếu, mây mờ vô minh tan hết, thìcả một trời tâm trong vắt vô tận, trước mắt hiện bày một thể như như, còn gì che đậy được nữa? TƯỚNG HỒNG HỒNG, TRẮNG TRẮNG KIA LÀM SAO NHỐT ĐƯỢC, NGĂN ĐƯỢC THỂ THÊNH THANG NÀY?

V. TÓM KẾT

Tóm lại TA LÀ GÌ? Ta chỉ là một khái niệm, là cái tưởng tượng thôi, vốn không có thật thể, nên chỉ gọi là ngã tưởng. Do đó, người tu hành chân chánh mà còn mang nặng tình chấp ngã thì khó tiến đạo! Quên ngã thì không cầu tiến, vẫn tiến! Khi chúng ta hết làm thì mắt sáng ngời, rõ ra xưa nay chưa từng thiếu vắng bao giờ, còn phải chạy tìm ở đâu?
Có vị tăng hỏi thiền sư Duy Khoan:
- Đạo ở đâu?
Sư đáp:
- Ở ngay trước mắt.
Vị ấy hỏi thêm:
- Sao con không thấy?
Sư bảo:
- Vì ông có ngã.
Tăng hỏi lại:
- Con có ngã nên con không thấy, vậy Hòa thượng thì sao?
Sư bảo:
- Có ông, có ta rồi cũng chẳng thấy.
Tăng hỏi tiếp:
- Không con, không Hòa thượng thì sao?
Sư đáp:
- Không ông, không ta còn ai cầu thấy!
Rõ ràng đạo ngay đây thôi, chỉ quên cái tình chấp ngã này, bặt cái niệm ta người thì hiện tiền sáng rỡ chưa từng mất đi đâu! Còn muốn cầu thấy, chính là chưa thấy. Nhất là còn cố ôm cái ta này mãi, mà muốn thấy đạo, hoặc cho là mình thấy đạo, hẳn còn xa lắm!
Có kệ:
        Ta có, phiền não có.
        Ta không, phiền não không.
        Có không hai đều dứt.
        Chánh định mặc thong dong.
Người tu hành tiến hay không, hãy xem kỹ lại điểm này! Và đây kết thúc bằng đoạn nhân duyên này:
Tam Tạng Đại Nhĩ từ Thiên Trúc đến Trung Hoa, tự nói đã được tha tâm thông. Vua Đường mời Quốc sư Huệ Trung thử xem thật giả. Quốc sư hỏi Tam Tạng:
- Nghe nói ông được tha tâm thông phải chăng?
Tam Tạng thưa:
- Chẳng dám.
Quốc sư liền khởi ý đến bến đò Tây Xuyên, hỏi Tam Tạng:
- Ông hãy nói xem, hiện giờ lão tăng đang ở đâu?
Tam Tạng đáp:
- Hòa thượng là thầy một nước, sao lại đến bến đò Tây Xuyên xem đò đua?
Sư lại khởi ý đến cầu Thiên Tân, hỏi Tam Tạng:
- Ông hãy nói xem, hiện giờ lão tăng ở đâu?
Tam Tạng đáp:
- Hòa Thượng là thầy một nước, sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?
Sư liền hỏi Tam Tạng:
- Ông hãy nói, hiện giờ lão tăng ở đâu?
Tam Tạng lặng thinh không biết chỗ đi. Sư nạt:
- Cáo tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào?
Tại sao hai lần trước, Tam Tạng thấy được, đáp trúng? Đến lần thứ ba, vì sao Tam Tạng mờ mịt không biết? Ngay lúc đó Quốc sư ở đâu? Có phải ĐANG ĐỐI DIỆN HIỆN TIỀN, mà Tam Tạng lại lầm qua, đành bị quở! Bởi Tam Tạng chỉ lo ĐUỔI THEO CÁI BÓNG của Quốc sư, đến khi Quốc sư đối trước lại mê! Mọi người cần thấy CHỖ TAM TẠNG KHÔNG THỂ THẤY QUỐC SƯ đó, liền rõ “TA LÀ GÌ?”

[ Quay lại ]