Hồi đầu thị ngạn
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 11 Tháng mười hai 2007 08:20
- Viết bởi nguyen
I. ĐỊNH NGHĨA
“HỒi ĐẦU”: là quay đầu trở lại hay xoay đầu trở lại. “Thị ngạn”: chính ngay đó là bờ mé. Đây là một câu người học Phật thường nghe nói, song ý nghĩa ngầm chứa trong đó không dễ gì hiểu hết một cách hời hợt được. Nói quay đầu lại, nhưng là bờ mé gì? Chỗ này thì không thể NÓI SUÔNG, GIẢi THÍCH SUÔNG mà được, mà là MỘT SỰ THỂ NGHIỆM CHÂN THẬT ngay chính mình mới rõ suốt. Để rõ điểm này, xin dẫn chuỵên ngài Văn Thù Tư Nghiệp.
Sư trước kia sống bằng nghề đồ tể. Một hôm, nhân lúc sửa soạn giết một con heo, bỗng nhiên Sư triệt ngộ bản tánh chính mình, và làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ Xoa tâm,
Kim triêu Bồ Tát diện.
Bồ Tát dữ Dạ Xoa,
Bất cách nhất điều tuyến.
Tạm dịch:
Hôm qua lòng Dạ Xoa,
Sáng nay mặt Bồ Tát.
Bồ Tát và Dạ Xoa,
Chẳng cách một kẽ tóc.
Sau đó, Sư đến gặp Thiền sư Đạo ở viện Văn Thù, Đạo hỏi:
- Trong lúc giết heo, ông thấy cái gì mà cạo đầu đi tham bái hỏi thiền ?
Sư không nói một lời, đứng im làm thế đang mài dao. (Tục Truyền Đăng, quyển 31)
Như vậy, làm Dạ Xoa, từ đâu mà làm? Từ “TÂM” thôi chớ gì? Nhưng là tâm ngu si, tâm hung ác. Làm Bồ Tát, từ đâu mà làm? Cũng chính từ “TÂM” thôi, ngoài tâm lấy gì làm Bồ Tát? Nhưng là tâm từ bi, giác ngộ. Nếu ngoài tâm, lấy gì gọi là ngu si, hung ác? Lấy gì gọi là từ bi, giác ngộ? Cho nên Dạ Xoa hay Bồ Tát cũng NGAY TÂM mình thôi, chỉ cần tỉnh ngộ trở lại là xong, không phải tìm Bồ Tát ở đâu xa. Xem ngài Tư Nghiệp, xưa kia cũng MÀI DAO MÀ MÊ, giờ đây cũng MÀI DAO MÀ GIÁC. Song trong chỗ này làm sao diễn tả cho người hiểu? Cho nên chỉ im lặng làm thế mài dao, dành cho người tự chứng biết thôi. “QUAY ĐẦU LẠi CHÍNH ĐÓ LÀ BỜ MÉ”, thật có nhiều ý nghĩa nói không thể hết, KHÔNG THỂ ĐỊNH NGHĨA THEO NGÔN NGỮ, DANH TỪ thông thường mà cho là đã đủ, cần phải có một sự THỨC TỈNH SÂU XA TẬN NGUỒN TÂM mới không hổ thẹn.
II. ĐÁNH THỨC TÂM CHẠY TÌM BÊN NGOÀI
Nói “QUAY ĐẦU LÀ BỜ MÉ”, là để đánh thức trở lại những TÂM ĐANG CHẠY TÌM KIẾM LANG THANG bên ngoài. Chính bệnh hướng ngoại là bệnh chung của con người. Nhưng không có gì lạ, bởi gốc do mê mất “BẢN TÂM” từ lâu, không còn nhớ biết mình là gì, nên cứ chạy đuổi theo ngoại trần, luôn luôn tìm kiếm những cái từ bên ngoài. Dù nói học đạo, vẫn cứ muốn tìm học ở đâu đâu, nếu bảo học đạo mà “KHÔNG CHỖ HỌC”, có chịu chăng?
Chúng ta nhìn kỹ lại, ngày nay khoa học đã tiến bộ đến mức thật là siêu, nhưng vẫn là luôn tìm kiếm bên ngoài. Do đó càng tìm, càng thấy còn nhiều điều chưa biết, chưa hiểu! Bởi sức người có hạn, vũ trụ thì bao la, tìm bao giờ cho trọn? Tìm chưa gì đã hết một đời người rồi! CÂU HỎI VẪN CÒN LUÔN ĐỂ SẴN ĐÓ.
Trong đạo, nhất là thiền thì luôn luôn đánh thức chúng ta phải tự soi trở lại gốc, biết GỐC thì rõ ngọn, không phải lo ngại gì. Song gốc là gì? Chính là “KHÉO NHẬN BẢN TÂM”. Bởi dù có cảnh mà không có tâm, thì cảnh đó có cũng như không, chỉ là cảnh chết, không thành vấn đề. Cũng như ngay đây, người sống mà không có tâm, thì sống cũng như chết thôi. Có điều, đã là BẢN TÂM CHÍNH MÌNH, lại phải đi tìm ở đâu? Quả thật càng tìm, càng xa! Vua Trần Thái Tông có bài kệ nói về núi thứ nhất có nói:
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh.
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Tạm dịch:
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tai đuổi thinh,
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Nghĩa là, ngay trong vô niệm, đang sống trong vô niệm đó, nhưng vừa động khởi, liền rơi vào hữu niệm. Đã có niệm, tức là đi vào trong sanh tử, là trái với THỂ VÔ SANH từ muôn thuở rồi. Chính ngay chỗ đó, là chỗ mê mất bản tâm. Do mê mất bản tâm, nên cứ lang thang trong sáu trần cảnh, cứ buông cái này, bắt cái kia, chạy mãi luân hồi trong sáu nẻo, quên hẳn cả đưòng về! Trong khi đó, ĐƯỜNG VỀ VẪN Ở NGAY TRƯỚC MẮT! GIỜ ĐÂY, DÙ CÓ NGHE NÓI ĐẾN BẢN TÂM, song cũng tưởng tượng là cái gì đó, ở đâu đâu, nên lại đi tìm nữa, thật tự đáng thương cho chính mình là đấy!
Chư Tổ đã nhận được chỗ này, nên cảm thấy thương xót vô cùng, do đó các Ngài bằng nhiều phương tiện đánh thức cho người tỉnh lại: CHÍNH CÁI ĐANG CHẠY TÌM ĐÓ, LÀ GÌ? Đâu từng thiếu vắng bao giờ?
Ngài Đức Sơn một hôm thượng đường bảo:
- Đêm nay chẳng đáp thoại, ai thưa hỏi sẽ ăn ba muơi gậy.
Lúc đó có vị tăng bước ra lễ bái, Sư liền đánh. Tăng thưa:
- Con chưa thốt lời hỏi, vì sao Hòa Thượng đánh con?
Sư bảo:
- Ông là người ở đâu?
Tăng thưa:
- Dạ, người Tân La.
Sư bảo:
- Ông chưa bước xuống thuyền đã đáng ăn ba mươi gậy rồi!
Tại sao chưa bước xuống thuyền đã đáng ăn ba mươi gậy rồi? Đó là Sư muốn đánh thức, “VIỆC NÀY” vốn sẵn nơi mình lại chẳng nhận, bước xuống thuyền tức là bỏ đó mà đi tìm, từ bên Tân La tức Triều Tiên mà chạy sang Trung Hoa tìm hỏi, thì không đáng ăn gậy sao?
Cũng vậy, Thạch Củng lúc là thợ săn đuổi theo con nai đến gặp Mã Tổ, Mã Tổ hỏi:
- Chú bắn giỏi chăng?
Thạch Củng đáp:
- Dạ, bắn giỏi.
- Một mũi tên chú bắn được mấy con?
- Một mũi tên bắn một con.
- Chú bắn không giỏi.
- Hòa Thượng bắn giỏi chăng?
- Bắn giỏi.
- Một mũi tên Hòa Thượng bắn mấy con?
- Bắn một bầy.
- Vì sinh mạng chúng nó, đâu được bắn một bầy?
- Chú đã biết như vậy, sao không tự bắn đi?
- Nếu dạy tôi tự bắn, tức không chỗ hạ thủ.
- Chú này phiền não vô minh nhiều đời, ngày nay chóng dứt.
Đây là Mã Tổ muốn đánh thức Thạch Củng, thay vì cứ lo ĐUỔi BẮN bên ngoài, quên mình theo vật, theo cảnh, đành làm thợ săn lang thang tạo nghiệp sao không thức tỉnh trở lại, TỰ BẮN CHÍNH MÌNH đi! Tức là nhận trở lại chính mình chân thật! Song chính mình thì có chỗ nào để bắn?
Cho nên Thạch Củng khéo đáp: “NẾU DẠY TÔI TỰ BẮN, TỨC KHÔNG CHỖ HẠ THỦ”.
Thấy đến như thế, tức là sáng tâm, là ngộ trở lại gốc, chính ngay đó là BỜ GIÁC: BUÔNG CUNG TÊN, THÀNH THIỀN SƯ – trên kia thì BUÔNG DAO MỔ HEO, THÀNH THIỀN SƯ, đồng một đường không khác.
Triệu Châu cũng từng hỏi Hòa Thượng Nam Tuyền:
- Thế nào là đạo?
Nam Tuyền đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
- Có thể nhằm tiến đến chăng?
- Nếu nghĩ muốn tiến đến liền trái.
Đạo chính ngay tâm bình thường hiện tiền đây mà chưa khởi động niệm đó thôi. Nghĩ đến, tức biến nó thành ra cái đối tượng bên ngoài mình rồi, thì quả tang ngay đó liền trái với nó!
Để rõ thêm điểm này, chúng ta hãy lắng nghe kỹ chuyện Ngưỡng Sơn với Qui Sơn. Một hôm, Sư về thăm Qui Sơn, Qui Sơn hỏi:
- Chúng sanh trên quả đất nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ có hay không có?
Sư thưa:
- Con có chỗ kinh nghiệm.
- Ngay lúc đó, có vị tăng đi qua trước mặt, Sư gọi:
- Xà Lê!
Vị tăng xoay đầu lại. Sư thưa:
- Bạch Hòa Thượng, chính cái này là nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa đó!
Qui Sơn bảo:
- Quả đây là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa!
Vậy nghiệp thức mênh mang ở chỗ nào? Nghe gọi, theo tiếng gọi xoay đầu, chính đó là nghiệp thức mênh mang không biết từ thuở nào chứ gì? Song, ngay đó liền tỉnh ngộ: “CÁI GÌ ĐANG BIẾT XOAY ĐẦU ĐÓ?”, liền nhổ sạch gốc rễ từ muôn thuở, sáng tỏ trở lại nguồn chơn, có nhọc gì? Quả thực, MÊ - NGỘ ĐÂU CÓ CÁCH XA? Chỉ: THEO TIẾNG LÀ MÊ, RÕ TÁNH LÀ GIÁC, vậy thôi. Mê không thật có cái thể mê nên nói không gốc có thể tựa. Bởi không gốc, cho nên giác liền xong, cũng không có cái mê gì để trừ: ý nghĩa “XOAY ĐẦU LÀ BỜ MÉ” quá rõ ràng, còn nghi ngờ gì nữa?
III. TRỪ NIỆM KIA ĐÂY
Thường chúng ta hay nghe nói tu hành phải đạt đến BỜ KIA, rồi khởi tưởng có BỜ NÀY. Tức là chưa mở con mắt tuệ, chưa phải là Bát Nhã chân thật. Lục Tổ trong phẩm Bát Nhã của kinh Pháp Bảo Đàn đã dạy: “BA LA MẬT DỊCH LÀ ĐẾN BỜ KIA, GIẢI NGHĨA LÀ LÌA SANH DIỆT. CHẤP TRƯỚC CẢNH THÌ SANH DIỆT KHỞi, NHƯ NƯỚC DẬY SÓNG MÒI, TỨC LÀ BỜ NÀY. LÌA CẢNH THÌ KHÔNG SANH DIỆT, NHƯ NƯỚC THƯỜNG TRÔI CHẢY, TỨC GỌi LÀ BỜ KIA.”
Đây Lục Tổ đã nói rất rõ, bờ này, bờ kia chỉ ngay tâm này thôi. Tâm theo cảnh đi vào sanh diệt, như nước dậy sóng, gọi là bờ này. Tâm lìa cảnh, khế hợp với vô sanh, như nước thường trôi chảy, gọi là bờ kia. Dậy sóng hay thường trôi chảy cũng chỉ cũng là NƯỚC thôi. Theo cảnh hay lìa cảnh cũng chỉ là TÂM thôi. Vậy thì nói gì cố định là bờ này, bờ kia? Đây là khiến cho người phải nhảy một cái nhảy, QUA VĂN TỰ CHỮ NGHĨA, không kẹt nơi ý niệm kia đây, thì Bát Nhã chân thật luôn luôn hiện tiền, sờ sờ ngay trước mắt, còn phải tìm nơi đâu?
Ông tú tài Chương Chuyết khi được ngài Thạch Sương khai thị, tỏ sáng, có làm bài kệ, trong đó có câu:
Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh,
Thú hướng chân như tổng thị tà.
Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại,
Niết Bàn sanh tử đẳng không hoa.
Tạm dịch:
Phá trừ phiền não càng thêm bệnh,
Tìm đến chân như cũng là tà.
Tùy thuận các duyên không quái ngại,
Niết Bàn sanh tử thảy không hoa.
Nghĩa là còn thấy có trừ phiền não, có đến chân như, tức còn thấy có hai, còn tâm kia đây, lấy bỏ là chưa thấy đạo, là còn đi lệch bên ngoài, nên gọi “cũng là tà”. Nếu rõ được chính mình ngay trong tất cả, thì đối mọi duyên đều sáng ngời không mê. Vậy có gì ngăn ngại mà bỏ đây tìm kia? Niết Bàn, sanh tử ở ngay tự tâm thôi, đâu phải ở cõi nào khác từ bên ngoài? Chính cái NIỆM KIA ĐÂY là chỗ chướng ngại cho mình. Có câu chuyện, hai vị Thượng Tọa ở thành đô đến gặp Thiền Sư Huệ Minh, Sư hỏi:
- Thượng Tọa đến đây thì ở thành đô thiếu Thượng Tọa, ở đây dư Thượng Tọa. Dư thì ngoài tâm có pháp, thiếu thì tâm pháp chẳng khắp, nói được thì ở, nói chẳng được thì hãy đi.
Hai vị đều không đáp được.
Trong đây có ai nói đuợc? Tại sao hai vị không đáp được? Chỉ vì trong lòng còn CHỨA ĐỰNG NIỆM KIA ĐÂY, kẹt trên thân tướng này. Bởi y cứ trên thân tướng này, mới có thân ở đây, thân ở kia, còn trên TÂM THỂ CHÂN THẬT ẤY, thì có tướng gì mà nói đây kia? Cho nên hỏi đó, là gạn lại chỗ thấy của người xem đã THẤY TÁNH hay chưa? TÁNH thì luôn luôn lúc nào cũng hiện tiền nơi mình, có gì là đây kia, mà nói dư, nói thiếu? Nghe nói dư thiếu, đây kia liền theo đó TƯỞNG TƯỢNG SANH HIỂU nên thành ngăn ngại. Quả thật bị gạt mà không hay! Ý nghĩa xoay đầu là bờ mé, càng quá rõ!
IV. Ý NGHĨA HỒi ĐẦU THỊ NGẠN VỚi THIỀN ĐỐN NGỘ
Với tinh thần của Thiền đốn ngộ, chúng ta thấy ý nghĩa trên đây càng sâu, không thể giải thích dễ dàng theo chữ nghĩa. Như Linh Mặc đến chỗ Hòa Thượng Thạch Đầu thưa hỏi không khế hợp, Sư liền đi ra. Thạch Đầu đi theo sau đến cổng, liền gọi:
- Xà Lê!
Sư xoay đầu lại. Thạch Đầu bảo:
- Từ sanh đến tử chỉ là thế ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?
Sư liền đại ngộ.
Như vậy, mới đó, TRƯỚC KHI XOAY ĐẦU là còn mê, rồi XOAY ĐẦU LẠi liền ngộ, chỉ trong một cái xoay đầu thôi, không phải quay đầu là bờ mé sao? Cái ngộ đó ở đâu chạy lại? Trong đó cái gì là thêm bớt, đây kia? Cũng như đức Phật thành đạo khi sao mai mọc. TRƯỚC KHI SAO MAI MỌC, Ngài chưa thành đạo; SAU KHI SAO MAI MỌC liền thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đó ở đâu chạy lại mau như vậy? Rõ ràng thành đó, là thành ngay tự tâm giác ngộ thôi, không có ở đâu khác. Ngoài tâm lấy gì thành? Nếu NGOÀI TÂM MÀ CÓ đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác để thành, thì đó là cái Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác TRONG SÁCH VỞ RỒi! Cần phải xoay lại ngay tự tâm mới là đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sống, trái lại là Đạo Vô Thượng chết!
Và đây, trường hợp ông cư sĩ Phạm Xung làm Tả thừa tướng, tự là Trí Hư, ông đến gặp Thiền sư Mân ở viện Viên Thông. Uống trà xong, ông thưa:
- Con sắp già rồi mà còn rơi vào con đường quan, nên cách việc này hơi xa.
Thiền sư Mân gọi:
- Nội Hàn!
Ông ứng:
- Dạ!
Sư bảo:
- Có xa đâu?
Ông vui mừng thưa:
- Xin thầy lập lại lời chỉ dạy.
Sư bảo:
- Từ đây đến Hồng Đô có bốn lộ trình.
Ông đứng suy nghĩ. Sư bảo:
- Thấy tức liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ông chợt có tỉnh.
Ông cư sĩ Phạm Xung cứ tưởng là việc này ở đâu đó, cách xa không với tới, nào ngờ ngay tiếng gọi, liền dạ, ai không có? Phải đợi thời gian gì? Cái “BIẾT DẠ” đó từ đâu chạy tới? Còn có gì nhanh hơn, có gì thực tế hơn? Trong đây ai không có quyền nhận? Chỉ có điều quan trọng là phải CHÂN THẬT VỚi CHÍNH MÌNH. Thiền sư Thiên Quế từng nhắc đệ tử: “CÁC ÔNG PHẢi CHÂN THẬT TRONG MỌi VIỆC, KHÔNG CÓ GÌ CHÂN THẬT TRONG ĐỜi MÀ KHÔNG CHÂN THẬT TRONG PHẬT PHÁP, VÀ KHÔNG CÓ GÌ KHÔNG CHÂN THẬT TRONG PHẬT PHÁP, LẠi CHÂN THẬT TRONG ĐỜI.”
Sư cũng nói: “THẤY BẰNG MẮT, NGHE BẰNG TAI, KHÔNG CÓ GÌ TRÊN ĐỜi ẨN GIẤU, CÁC ÔNG MUỐN TA NÓI GÌ NỮA?” (Những nụ cười Thiền).
Nghĩa là, chúng ta cần chân thật ngay chính mình, không tự lừa dối mình bằng những niệm kia đây, thì hiện tại THẤY, NGHE đều nhiệm mầu, đều sáng ngời ánh sáng Chánh Giác, không qua văn tự chữ nghĩa. Sách vở làm sao ghi được cái này? Song trong đây có ai đã thực sự chân thật với chính mình chưa? Một lẽ thật một trăm phần trăm như vậy, tại sao không thấy? Lỗi tại ai?
Kìa, Sùng Tín theo hầu Hòa Thượng Đạo Ngộ một thời gian lâu. Một hôm Sư thưa:
- Từ ngày con vào đây đến nay, chưa được Thày chỉ dạy tâm yếu.
Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
Sư thưa:
- Chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo Ngộ bảo:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp; ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận; ngươi xá lui, ta vì ngươi mà gật đầu, có chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi đâu?
Sư cúi đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngay câu nói đó, Sư tỏ ngộ.
Bởi Sư cứ tưởng tâm yếu là cái gì cao xa, ở đâu đâu, nên cứ trông chờ, mong mỏi. Không ngờ chính chỗ sống hàng ngày mà tự mê thôi. Điểm cần chú ý là: “NHẬN THÌ LIỀN NHẬN, SUY NGHĨ LIỀN SAI.” Ngay một cử chỉ, hành động đó, mà chưa qua suy nghĩ, CHƯA CÓ CÁI TA XEN VÀO thì có gì che mờ được nó? Ngay đó vẫn sáng ngời, ai không có?
Cũng như, ngay cái xoay đầu mà chưa kịp suy nghĩ thì “CÁI GÌ BIẾT XOAY?” Cần thấy, có cái đầu thì dùng cái đầu xoay, nếu không đầu lấy cái gì xoay? Phải thấy qua cái đầu. Ngay cái xoay đầu mà QUÊN MẤT CHỖ XOAY, tự sống dậy trong đó xưa nay chưa từng xoay chuyển, vẫn hằng như thế, còn ai dối gạt được mình? Liền đó quên hết bờ này, bờ kia, chính ngay đó là Đạo, còn tìm đâu nữa? Thật thẳng tắt vô cùng, đâu còn con đường nào hơn! Sáng được chỗ này, thì chính ngay đó là Phật ra đời, và Phật có thể ra đời bất cứ lúc nào, chỉ người có nhận hay không thôi!
V. TÓM KẾT: CHÂN THẬT CHÍNH MÌNH LÀ ĐÂY
Nói dài dòng, rốt cùng CHỈ NGAY CÁI SỐNG HÀNG NGÀY đây là đủ tất cả, không thiếu thốn. Chỉ cần NHỚ lại là xong! Bởi gọi là MÊ tức là quên chứ gì? Mà quên cái gì? QUÊN CÁI SẴN CÓ thôi!
Ngay đây nhớ lại, là Giác. Chỉ một chút QUÊN với NHỚ mà tự làm cách biệt xa xôi như trời với đất!
Trong Thiền sử có câu chuyện Thiền sư Trí Thông ở trong hội của Hòa Thượng Qui Tông, một hôm đang giữa đêm khuya bỗng la lên:
- Tôi đại ngộ rồi! Tôi đại ngộ rồi!
Sáng ra, Qui Tông hỏi:
- Đêm rồi ai la đại ngộ hãy ra đây xem!
Sư ra thưa:
- Dạ, con.
Qui Tông hỏi:
- Ông thấy cái gì?
Sư thưa:
- Sư cô nguyên là người nữ làm.
Nghe người nói NGỘ, cứ tưởng tượng là cái gì đó thật lạ lùng, kỳ đặc, không ngờ rất đơn giản, không chút màu mè. Ngộ cái gì? “SƯ CÔ VỐN LÀ NGƯỜi NỮ”, vậy thôi! Ai hiểu thế nào thì hiểu! Người không biết, tự làm ra vẻ kỳ đặc, khác thường, để tỏ cho người biết “TA ĐÃ NGỘ”, chính đó là bệnh, biểu lộ tướng ngã mà không hay!
Tóm lại, chân thật là ở ngay chính mình, XOAY LẠi TỰ TÂM LÀ GỐC TẤT CẢ PHÁP, chạy ra ngoài là mê. Để kết thúc, xin dẫn câu chuyện: Có bà già đến Thiền sư Đại Đồng thưa:
- Nhà tôi vừa mất trâu, thỉnh thày bói xem!
Sư liền gọi:
-Bà lão!
Bà ứng:
- Dạ!
Sư bảo:
- Đây rồi!
Bà lão vui vẻ ra về.
Như vậy, trâu có mất đi đâu? Có được chỗ nào? Nghe gọi, liền dạ thì trâu vẫn còn đó, vẫn rất là ngoan mà! Chỉ chợt “À!” lên là xong. Quay đầu lại, ngay đó là Bờ Mé, CHỚ THÊM GÌ KHÁC NỮA!