Cửa Thiền Hé Mở
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 03 Tháng tám 2007 23:16
- Viết bởi nguyen
I. THẤU QUA SẮC KHÔNG
Người học thiền mà chưa qua được cửa “sắc không”, còn vướng phải chỗ này thì vẫn nằm trong trí đối đãi, y nguyên vẫn đứng ngoài cửa Tổ.
Như Thượng Tọa Minh Nhan là người học rộng, nhớ giỏi, khi đến với Thiền sư Huệ Minh bàn luận về tông thừa; qua một lúc lý luận, cuối cùng Thiền sư Huệ Minh bảo:
- Nói nhiều cách đạo càng xa, nay có việc xin hỏi: “Từ trước đến giờ các bậc Tiên đức có ngộ hay không?”
Minh Nhan đáp:
- Nếu là các bậc Thánh Tiên đức thì đâu không có ngộ.
Huệ Minh bảo:
- “Một người trở về nguồn chân, mười phương hư không thảy đều tiêu mất”, hiện nay núi Thiên Thai vẫn y nguyên đây, làm sao nói tiêu mất?
Minh Nhan không chỗ bám.
Thượng Tọa Minh Nhan ban đầu lý luận thế này, thế nọ, cuối cùng bị Thiền sư Huệ Minh dẫn hai câu trong kinh Lăng Nghiêm gạn lại, liền mắc kẹt không qua khỏi được. Nghĩa là, người còn kẹt trong ý niệm “sắc không” đối đãi thì không thể nào vượt qua được chỗ này. Kinh nói rõ: “Hễ một người đã trở về nguồn chân thì cả mười phương hư không thảy đều tiêu mất không còn dấu vết”, vậy xưa nay biết bao nhiêu người ngộ đạo, đã sống trở lại nguồn chân đó mà thành Tổ, thành Thiền sư, nhưng sao núi sông trước mắt vẫn còn dẫy đầy y nguyên đây, phải hiểu thế nào? Kinh nói sai sao?
Bởi người chưa thông, cứ hiểu “tiêu mất” theo nghĩa bị phá tan, dẹp cái “sắc” thành cái “không” đối đãi nhau, khiến không còn thấy biết gì mới là không. Đó là chỗ hiểu của thức tình sanh diệt, rơi trong cái thấy có không, biến thành đoạn diệt. Tức là bỏ “có” mà thành “không” nên bị vướng kẹt, ngăn ngại.
Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ, đó mới thực là ngay sắc tức không, là con mắt bát nhã sáng ngời ! Nói rõ hơn, thấy tất cả núi sông, cảnh vật hiện trước mắt, nhưng THẤY VẪN LÀ THẤY, thì có TƯỚNG gì trong đó? Thế là Sắc đầy dẫy trước mắt mà không có một chút gì ngăn ngại, che mờ con mắt ấy, tức là nó tiêu mất trong con mắt ấy chứ gì! Cho nên, “không” ở đây là KHÔNG TÂM DÍNH CẢNH THÌ CẢNH TỰ KHÔNG, không phải làm cho nó thành không. Chỗ này dù lý luận cách mấy cũng không đến được.
Ngài Đại Huệ – Tông Cảo một hôm đang xem kinh Kim Cang, Thiền sư Chuẩn tức ngài Trạm Đường thấy thế bèn hỏi:
- “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”, vì sao nói núi Vân Cư cao, núi Bảo Phong thấp?
Đại Huệ đáp:
- Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp.
Nếu người chấp theo ngôn ngữ, nghe nói núi Vân Cư, nghe nói núi Bảo Phong liền theo đó sanh hiểu thì bị kẹt giữa sắc không, là bị ngại liền. Tức còn có tâm trụ trên cảnh thì hẳn thấy có cao, có thấp sai biệt. Trái lại, người học cần ngay đây thấu rõ: “Cái gì là pháp ấy?”, tức ngay đó vẫn như như, có gì là cao, là thấp? Cho nên, Trạm Đường vừa hỏi câu đó, Đại Huệ chỉ đáp y câu hỏi “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”. Chính cái ông vừa hỏi đó, nó có cao thấp gì? Rời chỗ này mà thấy, liền có cao thấp ngay.
Sự thật, núi đâu tự nói nó cao, nó thấp bao giờ. Chỉ tại người sanh tâm ở trên đó, bèn thấy thành có cao, có thấp, rồi tranh chấp nhau mãi, càng đi xa trong sai biệt. Giờ đây hãy trả lại ngay đó, THẤY CHỈ THẤY, nguyên vẹn như nó là nó, liền vượt qua tất cả sắc không, cao thấp, cửa Thiền đã hé mở!
II. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ NGÔN NGỮ, VĂN TỰ, CHẲNG ĐẠP THEO DẤU NGƯỜI
Với tông chỉ “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự”, Thiền tông tự có một sức sống vượt ngoài chữ nghĩa, nếu người chưa vượt qua được khuôn khổ ngôn ngữ, văn tự là đời đời vẫn còn đứng ngoài cửa Thiền, dù có nói hay cách mấy. Bởi ngôn ngữ, văn tự là tướng vô thường, là thuộc thứ NGHĨA CHẾT. Đóng khung mình trong đó là sống với cái chết, là nằm trong cái bị hiểu, làm sao sáng được Thiền?
Trong kinh Kim Cang, khi Trưởng lão Tu Bồ Đề hỏi tên kinh, Phật đáp: “Kinh này tên Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Liền đó, Phật lại bảo: “Nói Bát Nhã Ba La Mật tức chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật”. Người mới nghe qua thấy rất lạ, dường như Phật tự mâu thuẫn. Song, chính đó là một ý nghĩa sâu xa, thức tình khó thấu. Bởi vì cái TÊN đó, đâu phải là “bản thân” Bát Nhã thật. Vì tùy theo ngôn ngữ thế gian, Phật phải tạm nói thành tên, nhưng bản ý của Ngài là muốn đánh thức cho người cần thấu rõ “cái gì là Kim Cang Bát Nhã?” Không thể nghe nói đến tên ấy, liền y theo đó sanh hiểu thì chỉ là KHÁI NIỆM thôi. Đó là chết trên cái tên “Kim Cang Bát Nhã”. Người đạt ý phải nhảy qua cái tên đó, thấy lại ngay chính mình, mới thấu được Bát Nhã sống, không thì cũng chỉ là Bát Nhã chết, Bát Nhã trong chữ nghĩa, trong sách vỡ, nhà Thiền thường đánh thức người học phải sống dậy chỗ này.
Như Vân Môn khi đến Trang sở của Tuyết Phong, gặp vị tăng, Sư nhờ một việc: “Thượng tọa lên núi, gặp lúc Hòa thượng thượng đường, chúng vừa nhóm họp, liền đi ra nắm chặt cổ tay Hòa thượng bảo: - Ông già, trên cổ mang gông sao chẳng cởi đi?” Sư lại dặn thêm không được nói là lời của ai.
Vị tăng ấy lên núi làm đúng như lời Vân Môn dặn, Tuyết Phong liền bước xuống tòa nắm đứng bảo:
- Nói mau! Nói mau!
Vị tăng không nói được. Tuyết Phong buông ra bảo:
- Chẳng phải lời của ông
Tăng thưa:
- Lời của con.
Tuyết Phong gọi:
- Thị giả! Hãy đem dây, gậy đến đây!
Vị tăng liền thưa:
- Dạ chẳng phải là lời của con, đó chính là lời của một Thượng tọa ở Chiết trung hiện đang ngụ tại Trang sở dạy con nói như thế.
Tuyết Phong bảo:
- Đại chúng! Hãy đến Trang sở rước vị thiện tri thức của 500 người lên đây!
Tại sao chỉ một câu nói đơn giản như thế mà ngài Tuyết Phong bảo là của vị thiện tri thức của 500 người? Bởi vừa thượng đường tức là sắp nói pháp, mà có nói ra thành ngôn ngữ thì chính là gông cùm trói người rồi. Vân Môn đã mở mắt tâm nên Sư thấy thấu qua ngôn ngữ, rõ tột trước khi mở miệng nữa kìa, vì vậy mà bảo: “Cởi gông trên cổ đi!” Tuyết Phong chưa nói mà Vân Môn đã thấy trước rồi. Với bậc thầy đã sáng mắt, khi nghe qua như thế liền cảm biết ngay, thông cảm với nhau liền. Trong khi đó, ông tăng kia chỉ học nói thôi, nên bị gạn lại liền lúng túng thì chân tướng đã lộ bày, đâu thể chối cãi. Đã vậy, giờ đây chúng ta cứ lo đuổi theo câu, theo lời, phân tích chữ nghĩa hay dở, chia chẻ phải quấy lăng xăng thì càng đóng gông, cột nặng thêm thôi! Nếu chưa qua được cái khuôn chữ nghĩa này thì bị Thiền sư gạt dài dài mà không hay biết.
Có vị tăng đến thưa hỏi Quốc sư Huệ Trung:
- Người xưa nói: “Xanh xanh trúc biếc trọn là pháp thân, Rỡ rỡ hoa vàng thảy đều Bát Nhã”, người chẳng tin cho là tà thuyết, người có lòng tin cho là chẳng thể nghĩ bàn, nhưng chẳng biết thế nào mới chính xác?
Quốc sư đáp:
- Đây là cảnh giới của Văn Thù, Phổ Hiền, chẳng phải chỗ các phàm phu, Tiểu thừa hay tin nhận được. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói:
“Thân Phật đầy khắp nơi pháp giới, hiện khắp trước tất cả chúng sanh. Mà hằng ở tòa bồ đề này.”
Trúc biếc đã chẳng ra ngoài pháp giới, há chẳng phải pháp thân?
Lại, kinh Bát Nhã nói: “Vì sắc vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên”, hoa vàng đã chẳng vượt ngoài sắc, há chẳng phải bát nhã? Vì vậy kinh vốn chẳng có pháp cố định, pháp vốn không có nhiều thứ.
Vị tăng nghe xong, vẫn chẳng sáng tỏ, hỏi lại:
- Cái tin tức trong đây, người tin là phải? Hay người chẳng tin là phải?
Quốc sư lại đưa cao ý cảnh lên một tầng nữa, bảo:
- Người tin là tục đế, người chẳng tin là chân đế.
Vị tăng rất ngạc nhiên hỏi:
- Người chẳng tin bị chê là tà kiến, Thầy đâu thể nói là chân đế?
Quốc sư bảo:
- Người chẳng tin tự là chẳng tin, chân đế tự là chân đế. Nhân vì chân đế ấy nên phàm phu bị chỉ trích là tà kiến. Người tà kiến đâu thể nói chân đế?
Vị tăng nghe đến đây mới tỏ ngộ “chân lý cứu cánh không dễ tin”
Hãy xem trong đây, nếu chúng ta theo chữ nghĩa mà hiểu thì thấy mâu thuẫn. “Chẳng tin” sao là chân đế được? Không ngờ ý Quốc sư vốn ở ngoài chữ nghĩa. Quốc sư bảo “chẳng tin là chân đế” nhằm muốn chỉ: chân đế – tức lý cứu cánh chân thật – đó là chỗ phàm phu không dễ gì tin nổi. Do họ không tin được chỗ này nên mới bị cho là tà kiến. Vì vậy, chúng ta nghe nói đến “chẳng tin”, nhưng phải rõ “ý” ở chỗ “chân đế”, không thể mắc kẹt theo ngôn ngữ, văn tự: Cứ lo thắc mắc “không tin là tà kiến, tà kiến thì làm sao có thể gọi là chân đế được?” Đó là bị hai chữ “không tin” lừa gạt. Vượt qua được khuôn khổ chữ nghĩa đó, tức thuận nghịch đều thông suốt.
III. VƯỢT QUA Ý NIỆM ĐỐI ĐÃI
Chính ý niệm đối đãi làm ngăn ngại con mắt thiền của vô số người. Người còn kẹt trong ý niệm đối đãi là còn sống trong tình phân biệt, chưa thoát khỏi phạm vi của thức. Mà cái hiểu của Thức là so sánh phân biệt, không thể trực tiếp giáp mặt sự thật. Bởi vậy, trong nhà thiền thường dùng cái bẫy hai bên để gạn người học. Chẳng hạn bà Ni Huyền Cơ đến tham vấn Hòa thượng Tuyết Phong, Tuyết Phong hỏi:
- Từ đâu đến?
Bà đáp:
- Từ núi Đại Nhật đến.
Tuyết Phong hỏi:
- Mặt trời lên chưa?
Bà đáp:
- Mặt trời lên ắt tan núi Tuyết.
Tuyết Phong hỏi tiếp:
- Ngươi tên gì?
Bà đáp:
- Huyền Cơ.
Tuyết Phong hỏi:
- Một ngày dệt được bao nhiêu?
Bà đáp:
- Tấc tơ chẳng dính.
Như vậy, cho thấy bà Ni Huyền Cơ đã thật sự có chỗ sống, đã sáng mắt đạo, không bị kẹt trong ý niệm đối đãi hai bên nên vượt qua những cái bẫy của Hòa thượng Tuyết Phong. Hỏi: Từ đâu đến? Đáp: Từ núi Đại Nhật đến. Đại Nhật tức mặt trời to, do đó Tuyết Phong thuận theo cái tên này mà gạn lại:- Mặt trời lên chưa? Đó là đưa ra cái bẫy: Lên- chưa lên. Bà Ni Huyền Cơ đáp ngay: - Nếu mặt trời lên ắt tan núi
Tuyết rồi. Núi Tuyết là ngầm chỉ Tuyết Phong. Tức mặt trời lên thì bặt đối tượng, vượt qua cái bẫy lên, chẳng lên.
Ngài Tuyết Phong chuyển qua trận thứ hai, hỏi: - Tên gì? Bà đáp: Huyền Cơ tức máy xe tơ. Cho nên Tuyết Phong liền nhân cái tên đó mà gạn lại: - Một ngày dệt được bao nhiêu? Đó là đưa ra cái bẫy NHIỀU – ÍT. Nếu ngay đó trầm ngâm suy nghĩ là lọt bẫy. Huyền Cơ mắt sáng thấy liền, nên đáp thẳng: - Tấc tơ chẳng dính. Tức là suốt ngày làm mà chẳng động đến sợi tơ nào, không sanh một niệm trên đó. Đây là vượt qua luôn cái bẫy nhiều, ít.
Ở một đoạn khác, Ngài Pháp Nhãn cùng với Thiệu Tu, Hồng Tiến đi tham học, gặp trời trở tuyết, cùng nhau ở lại viện Địa Tạng của Thiền sư Quế Sâm. Quế Sâm nhân đó gạn hỏi:
- Trong Triệu Luận nói: “Trời đất cùng ta đồng gốc”, vậy núi sông, quả đất cùng với cái chính mình của Thượng tọa là đồng hay khác?
Pháp Nhãn đáp:
- Khác.
Quế Sâm liền đưa hai ngón tay lên. Pháp Nhãn bèn đáp:
- Đồng.
Quế Sâm cũng đưa hai ngón tay lên, rồi đứng dậy đi.
Khi tuyết tan, ba người từ giã đi, Quế Sâm đưa ra cửa hỏi:
- Bình thường Thượng tọa nói: “Ba cõi chỉ là Tâm, muôn pháp chỉ là Thức”, vậy phiến đá trong sân này là ở trong tâm hay ở ngoài tâm?
Pháp Nhãn đáp:
- Ở trong tâm.
Quế Sâm bảo:
- Người hành cước cớ gì lại đem phiến đá để trên đầu tâm?
Sư bí không đáp được.
Đây là Thiền sư Quế Sâm đưa ra cái bẫy “ĐỒNG KHÁC, TRONG NGOÀI” để gạn Pháp Nhãn. Trong đây, Pháp Nhãn chưa qua ý niệm “đồng khác, trong ngoài” nên vẫn chưa vượt qua khỏi cửa Quế Sâm được. Bởi trong lúc hỏi bất ngờ thì tập khí con người vốn quen sống trong ý niệm đối đãi, nên đáp ra đều vướng hai bên, ngay đó biết rõ là người chưa mở mắt thiền. Trong khi đó, với người đã tỏ sáng chân thật thì nghe lời hỏi liền biết ngay, không mắc kẹt. Như có vị tăng hỏi Thiền sư Ba Lăng:
- Ý Phật và ý Tổ là đồng hay khác?
Ba Lăng đáp:
- Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.
Câu hỏi của ông tăng đưa ra nằm trong ý niệm hai bên, người đáp chẳng rõ, cứ đáp một chiều là mắc kẹt. Trong đây, Thiền sư Ba Lăng đáp rất khéo: - Gà lạnh thì lên cây, vịt lạnh thì xuống nước, như vậy “lên cây” và “xuống nước” thì không đồng, nhưng “Biết lạnh” thì không hai, làm sao nói cố định là đồng hay khác? Bởi, có Phật, có Tổ thì quả là không đồng, nhưng “ý chỉ kia” vốn không hai nên mới cảm thông nhau, tỏ ngộ thì đồng một cái thấy không cách biệt. Nếu còn kẹt trong ý niệm đồng khác, chia chẻ ý Phật, ý Tổ riêng khác, thì rõ ràng chưa vượt qua được cửa Tổ.
Thêm một điểm nữa, nếu người không mắc kẹt trong ý niệm đối đãi thì cũng nhảy qua được những nghịch lý thông thường của tình thức đặt định. Chẳng hạn bài kệ Pháp thân của ngài Phó Đại Sĩ:
Tay không cầm cán mai,
Đi bộ, ngồi lưng trâu.
Người đi qua trên cầu,
Cầu trôi nước chẳng trôi.
Nguyên văn:
Không thủ bả sử đầu,
Bộ hành kỵ thủy ngưu.
Nhân tùng kiều thượng quá,
Kiều lưu thủy bất lưu.
Theo tâm lý thông thường, đọc qua thấy nghịch lý vô cùng: tay không, sao lại cầm cán mai? Có cầm sao gọi tay không? Đi bộ, sao lại bảo ngồi lưng trâu? Đã ngồi lưng trâu, sao lại là đi bộ? Còn người đi qua trên cầu, mà cầu trôi nước chẳng trôi thì làm sao hiểu? Bởi không hiểu nổi nên có lúc chúng ta muốn sửa lại cho hợp theo cái hiểu thường tình của mình, nhưng không ngờ chính mình chưa đạt đến “ý” của người xưa. Chính ở đây, CẦM mà không cái gì CẦM, ĐI mà chưa từng đi đâu, TRÔI mà vốn không TRÔI chỗ nào cả, thì ngay đó là gì? Còn mê gì nữa? Đó là ngay “tướng” mà vượt qua tướng, ý nghĩa trong đó quả là rất sâu xa, vượt ngoài văn tự ngôn ngữ nên gọi là kệ Pháp thân. Nếu chúng ta cứ hiểu cho hợp lý theo tình thức phàm phu của mình thì bao giờ thấy được pháp thân?
Hoặc như Thiền sư Ba Tiêu từng bảo: “Ông có cây gậy, tôi cho ông cây gậy; ông không có cây gậy, tôi đoạt mất cây gậy của ông”. Ai nghe qua theo đầu óc thường tình thì thấy nghịch lý. Đã có cây gậy, còn cho chi nữa? Đã không có cây gậy thì đoạt cái gì? Không ngờ ý Thiền sư vốn vượt ngoài chữ nghĩa “cho, đoạt”. Trong đây “CHO” mà không có gì được; “ĐOẠT” mà không có gì mất thì ông chính là ông thôi, vậy còn chưa ngộ phải đợi tìm cái gì khác nữa? Thiền luôn nhấn mạnh phải “đạt ý quên lời” là vậy. Bởi vì “nghịch, thuận” chẳng qua chỉ là ý thức đặt định vốn không phải chân lý cố định. Nếu xét cho tột cùng thì ý thức cũng luôn dời đổi vô thường, chính bản thân nó đã không cố định rồi, mà nó đặt ra cái cố định được sao? Đây là Thiền sư đập vào đầu óc khô cằn, chết cứng lâu nay trong cái khuôn khái niệm để tự sống dậy, luôn luôn sáng ngời vượt qua tất cả đối đãi.
IV. DỒN ĐẾN ĐƯỜNG CÙNG, BẶT Ý THỨC, TỰ SỐNG DẬY
Nếu còn có “lý” để hiểu, tức còn có chỗ để suy, để nghĩ, đó là để dành chỗ cho thức tình đi, cho sanh diệt bám. Muốn đạt đến cứu cánh Thiền, người học không thể dừng ở chỗ đó được. Vì vậy, Qui Sơn không chịu nói phá cho Trí Nhàn. Sư vốn là người thông minh lanh lợi, cùng với Qui Sơn ở trong hội Tổ Bá Trượng lâu năm nhưng tham thiền chẳng ngộ. Đến khi Tổ Bá Trượng tịch, Sư lại theo Qui Sơn. Một hôm Qui Sơn bảo Sư:
- Tôi nghe ông ở chỗ Tiên sư Bá Trượng, hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ông thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng, là cội gốc của sanh tử, Giờ đây ông thử nói một câu trước khi cha mẹ chưa sanh xem?
Sư bị một câu hỏi này liền mờ mịt không đáp được. Trở về liêu, Sư soạn hết sách vở đã học qua, tìm một câu đáp trọn không thể có. Cuối cùng Sư than: “Bánh vẽ chẳng làm no bụng đói!”, bèn đến cầu xin Qui Sơn nói phá. Qui Sơn bảo:
- Nếu tôi nói cho ông, về sau ông sẽ chửi tôi; tôi nói là việc của tôi, đâu dính dáng gì đến ông?
Sư bèn đem những sách vở đã thu thập được ra đốt hết và nói: “Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm ông tăng bình thường làm việc cơm cháo, khỏi phải nhọc tâm thần”. Sư bèn khóc từ giã Qui Sơn ra đi.
Sư đi thẳng đến Nam Dương, chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung. Sư ở đây, một hôm nhân cuốc cỏ trên núi, chợt hòn sỏi văng trúng bụi tre vang ra tiếng, bỗng tỉnh ngộ, phá lên cười. Sư trở về tắm gội, thắp hương nhắm hướng Qui Sơn đảnh lễ, ca tụng: “Hòa thượng thật từ bi hơn cha mẹ, trước kia nếu Ngài vì con nói ra thì làm gì có ngày hôm nay!”
Xem đấy! Trí Nhàn tuy thông minh lanh lợi, nhưng bị một câu hỏi bất ngờ từ chỗ tâm chứng thốt ra, nên không thể tìm trong sách vở có câu trả lời. Sư đến cầu Qui Sơn nói phá cho hiểu, Qui Sơn cũng khéo léo không nói, khiến cho Sư thắc mắc tự tìm hết đường để hiểu, liền đó tự mở ra cái hiểu của chính mình. Ngay lúc tiếng sỏi văng trúng bụi tre, Sư đâu có ý thức đoán trước, cũng không lường trước được, mới chợt phát minh ra, ngoài chỗ tình thức hiểu biết. Chính vì vậy, Thiền không thể bắt chước!
Quốc sư Đức Thiều với Hòa thượng Long Nha cũng tương tợ. Sư đến hỏi Long Nha
- Bậc tôn hùng hùng, vì sao chẳng gần được?
Long Nha đáp:
- Như lửa với lửa.
Sư hỏi:
- Bỗng gặp nước đến thì sao?
Long Nha đáp:
- Hãy đi, ông chẳng lãnh hội lời ta!
Sư hỏi:
- Trời chẳng che, đất chẳng chở lý này thế nào?
Long Nha bảo:
- Đạo giả, nên như thế!
Qua mười bảy lần Sư thưa hỏi, Long Nha chỉ đáp như thế. Sư vẫn không nhận được ý chỉ, lại thỉnh cầu Long Nha chỉ dạy thêm. Long Nha bảo:
- Đạo giả! Ông về sau tự lãnh hội lấy.
Sau, Sư ở ngọn núi Thông Huyền đang tắm chợt tỉnh ngộ câu nói trước, bèn đầy đủ oai nghi, thắp hương từ xa trông về Long Nha lễ bái nói: “Khi ấy nếu thầy vì con nói, ngày nay con quyết sẽ mắng thầy!”
Ban đầu Quốc sư Đức Thiều muốn hiểu, nhưng Hòa thượng Long Nha không cho hiểu, cứ để cho Sư suy tìm đến cùng đường, nghĩ đến hết chỗ nghĩ, tức ánh sáng chân thật ló hiện ra! Còn có chỗ hiểu được, là vẫn còn kẹt theo duyên. Còn có chỗ suy nghĩ đến được, là còn nằm trong cái BỊ BIẾT. Cho nên đặc biệt Ngài Hoàng Bá với Nghĩa Huyền, ba lần đến hỏi về đại ý Phật pháp thì ba lần chỉ đánh thôi, không nói thêm lời nào, không giải thích một chữ, khiến Nghĩa Huyền dồn hết tâm vào một chỗ đó, cuối cùng Đại Ngu chỉ gợi nhẹ một câu, liền tự sống dậy. Phải một phen cùng đường ý thức phân biệt, cùng đường của tâm suy nghĩ, mới có cơ sống dậy!
Trở lại thực tế hiện tiền, ngay đây nếu người BIẾT VỌNG, mà Biết đến không còn tướng gì để biết, Biết đến tột không còn chỗ để biết, thì chính đó là gì? Tức “Người không cùng muôn pháp làm bạn” tự hiện ra, khỏi đợi phải trở về xa xưa hỏi ông Bàng Uẩn hoặc tìm đến Tây giang uống cho cạn nước! Ai bảo Biết vọng là không rốt ráo? Quan trọng là, một nghe liền thẳng vào, chớ không phải chỉ đứng bên ngoài mà lý luận. Lý luận không bao giờ tới!
V. TRẢ LẠI TÂM BÌNH THƯỜNG, BUÔNG SẠCH MỌI Ý NIỆM VỀ THIỀN
Thiền, cuối cùng là trở về tâm bình thường, buông hết mọi khái niệm về thiền. Còn có một chút khái niệm về thiền đọng lại trong đầu, là cũng còn một lớp ngăn cách. Phải trả lại cho nó, y như nó là nó của tự thuở nào, khi chưa có trời đất.
Linh Huấn ở trong hội của Qui Tông một thời gian. Khi Sư từ giã Qui Tông đi. Qui Tông hỏi:
- Đi đâu?
Sư thưa:
- Đi về Lãnh Trung.
Qui Tông bảo:
- Ông ở đây nhiều năm, sửa soạn hành lý xong hãy đến đây, ta sẽ nói cho một câu Phật pháp cao tột!
Sư sửa soạn hành lý xong, đến trước Qui Tông. Qui Tông bảo:
- Hãy đến gần đây!
Sư đến gần trước. Qui Tông bảo:
- Trời lạnh, đi đường hãy bảo trọng!
Sư nghe lời này liền quên hết chỗ hiểu trước.
Người mới nghe nói “một câu Phật pháp cao tột”, trong đầu đinh ninh là một câu gì đó rất cao siêu, phi thường. Không ngờ, chỉ nghe một câu rất bình thường: “Trời lạnh, đi đường hãy bảo trọng!”, liền quên hết không có gì để hiểu cao siêu! Chỗ cao tột là như thế. Bởi còn có chỗ để hiểu là còn có chỗ chưa hiểu. Và còn hiểu, là hiểu về một cái gì đó rồi, tức là trái với cái đang hiện hữu sáng ngời đây!
Có vị tăng hỏi ngài Vân Môn:
- Thế nào là câu nói siêu Phật vượt Tổ?
Vân Môn đáp:
- Bánh nướng!
Người cứ lo tìm hiểu lý cao xa, hỏi ở đâu đâu, quên mất chính sức sống sáng ngời đang hiện tiền đây mới là yếu chỉ. Cho nên Vân Môn không phí công đối đáp xa vời, chỉ đánh thức ông tăng trở về thực tại sáng ngời ông đang sống.
Có vị đại đức hỏi ngài NamTuyền:
- Tức tâm là Phật lại chẳng được, phi tâm phi Phật lại chẳng được, ý Thầy thế nào?
Nam Tuyền bảo:
- Đại Đức chỉ tin tâm mình là Phật liền xong, còn nói cái gì được chẳng được? Ví như Đại Đức khi ăn cơm xong, đi từ Đông lang qua Tây lang, chẳng thể hỏi mọi người là được chẳng được?
Nếu người cứ kẹt trên danh từ “tức, phi”, “được, chẳng được” và dính vào “cái hiểu phải, quấy” thì thành chướng ngại mãi. Nói tức tâm là Phật, nói phi tâm phi Phật, cũng là danh từ thôi, cốt là có tin nhận được chưa? Tin nhận liền xong, hết nghi ngờ, cũng như ăn xong thì tự biết no, trong đó ai thay thế cho mình được? Mình đã ăn xong thì còn nghi gì là no, chẳng no? Nếu có người bảo: “ông chưa no” thì sao? Cũng chỉ cười thôi, có gì phải nghi? Mình đã thật sự thấy rồi, mặc tình cho ai nói “ông phải, chẳng phải” đều không bận lòng. Chỉ một tâm bình thường, bặt mọi ý niệm “phải, chẳng phải”, “được, chẳng được”, không thêm bớt gì trong đó. Cửa thiền đã mở sẵn rồi! Tuy nhiên vừa khởi hiểu nó, liền mất bình thường, cửa thiền tự khép kín.
VI. DÁM NHẬN SỰ THẬT
Đây là điểm rất quan trọng! Vì học thiền là học cái thật; nếu cứ tránh né sự thật, chối bỏ sự thật thì làm sao cảm nhận sự thật? Hơn nữa, thiền là chỉ thẳng lẽ thật ngay chính mình, đi thẳng vào vấn đề không phí thì giờ quanh co. Quách Tử Nghi, một Tể tướng đời Đường, có lần ông đến thăm một Thiền sư và hỏi:
- Bạch Hòa thượng, Phật pháp giải thích thế nào về ngã mạn?
Thiền sư liền đổi sắc mặt bảo:
- Kẻ dốt, ông đang nói gì?
Quách Tử Nghi lộ ngay vẻ khó chịu. Thiền sư thấy vậy liền bảo:
- Thưa Ngài, ngã mạn là đó!
Thiền sư thật chỉ thẳng! Nếu không có ngã thì cái gì khởi giận? Cái gì bực tức, khó chịu? Chính cái “TA LÀ TỂ TƯỚNG” bị xúc phạm, bị động đến nên khó chịu chứ gì? Khỏi cần giải thích dài dòng, ngay đó đã trình bày tướng ngã mạn ra rồi. Can đảm thấy thẳng lẽ thật đó, dù cho nó xấu, nó dỡ, cũng thấy ngay mới không lầm. Trái lại, cứ lo giải thích cho người vui lòng, nhưng đâu thấy được tướng ngã mạn? Không khéo còn nuôi dưỡng, vuốt ve nó thêm nữa! Nếu đem tâm trạng này để học đạo, hẳn là khó thấy đạo.
Một ông Tướng Quốc tên Đỗ Hồng Tiệm từng thể hiện tinh thần học đạo chân thật rất đáng quý. Ông đến hỏi Thiền sư Vô Trụ:
- Đệ tử tánh thức cạn cợt, trước đây nhân công việc rảnh rỗi có soạn bản sớ giải Luận Đại Thừa Khởi Tín gồm hai quyển, có thể gọi là Phật pháp chăng?
Thiền sư Vô Trụ đáp:
- Xét về việc viết sớ giải đều là dùng thức tâm nghĩ xét phân biệt, có tạo tác, khởi tâm động niệm mới có thể làm thành. Theo lời văn trong bản Luận đó có nói: “Phải biết, tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng không có đổi khác, vì chỉ có một tâm nên gọi là chân như”. Nay Tướng Công lại kẹt tướng ngôn thuyết, kẹt tướng danh tự, kẹt tướng tâm duyên; đã kẹt các thứ tướng, làm sao cho là Phật pháp?
Ông liền thưa:
- Đệ tử từng hỏi các bậc Đại đức trong triều, các Ngài từng tán thán đệ tử là chẳng thể nghĩ bàn. Phải biết, những vị ấy chỉ thuận theo nhân tình, nay thầy từ lý giải nói phù hợp với pháp tâm địa, thật là chân lý không thể nghĩ bàn!
Đây là thầy trò tương ứng nhau. Ông thầy dám nói thật, người trò dám nhận sự thật. Người học thiền phải can đảm như vậy, mới học được những điều chưa nghe. Nếu cứ chấp nhận theo lời nói chìu uốn với nhân tình tức là nuôi dưỡng cái ngã, tô đậm thêm thức tình, làm sao đối diện sự thật? Nghĩa là, chúng ta cứ che đậy sự thật bằng những lời lẽ hay đẹp, rồi tự vui lòng theo đó là tự cách biệt chân lý.
VII. TỰ TIN BẢN TÂM
Điều cốt yếu của người học thiền là phải TỰ TIN BẢN TÂM mình là chính. Người chưa tự tin được chỗ này, là còn chạy lăng xăng bên ngoài. Trong phần TÂM YẾU của THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ đã nói rõ điểm này, đây xin nhấn mạnh lại một lần nữa cho người học nghiệm kỹ.
Hòa thượng Tuyết Phong một hôm gọi Huyền Sa bảo:
- Đầu Đà Bị! Tại sao không đi tham vấn các nơi?
Huyền Sa đáp:
- Đạt Ma chẳng đến Đông độ, Nhị Tổ chẳng sang Tây thiên.
Tuyết Phong gật đầu.
Hòa thượng Tuyết Phong bảo Huyền Sa sao chẳng đi tham vấn các nơi, là ngầm ý muốn gạn xem Sư đã có chỗ sống tự tin vững chưa? Sư thưa: - Đạt Ma chẳng đến Đông độ, Nhị Tổ chẳng sang Tây Thiên, là muốn chỉ: việc ấy vốn sẵn có đầy đủ nơi tất cả mọi người, không thật có chuyện “đến” để truyền thêm cái gì khác, cũng không thật có “sang” để tìm cái gì nữa. Chính đó là nói lên, Huyền Sa đã có chỗ tự tin vững vàng, xác quyết, không còn nghi ngờ tìm kiếm thêm nữa.
Song cần thấu rõ, phải tự tin như thế nào mới không lầm lẫn, nếu hồ đồ tin nhận cái tâm sanh diệt này cho là bản tâm, tức là lạc vào đường tà, bị nó phá tan sự nghiệp, nguy hiểm!
Trong Tín Tâm Minh, mở đầu Tổ Tăng Xán bảo:
Chí đạo vô nan
Duy hiềm giản trạch
Đản mạc tắng ái,
Đổng nhiên minh bạch.
Nghĩa:
Đạo tột không khó
Chỉ hiềm chọn lựa
Nhưng chớ yêu ghét
Rỗng suốt sáng tỏ.
Tức là, chỗ chân thật chí đạo đó, nó rất là đơn giản, rất là gần gũi chúng ta, không phải khó khăn tìm cầu, suy kiếm ở đâu khác. Điều cốt yếu là, chỉ chớ khởi tâm chọn lựa đây kia, phân biệt yêu ghét, thì ngay đây sáng tỏ rõ ràng, sờ sờ chưa từng che giấu. Tin là tin chỗ đó. Cho nên Ngài kết thúc bài Minh bằng bốn câu:
Tín tâm bất nhị,
Bất nhị tín tâm.
Ngôn ngữ đạo đoạn,
Phi khứ lai kim.
Nghĩa:
Tin tâm chẳng hai,
Chẳng hai tin tâm.
Dứt đường ngôn ngữ,
Chẳng phải xưa nay.
Tin tâm đó là sao? Chính là “tâm chẳng hai”, tâm dứt bặt niệm đối đãi hai bên. Chính ngay khi dứt bặt niệm đối đãi hai bên đó, liền đó tự tin bản tâm chân thật. Tuy nhiên, chỗ này không phải chỗ nói năng, suy nghĩ tới được, nó vốn vượt ngoài con đường của thức tình hiểu biết. Bởi vậy, người đến hẳn phải một phen buông sạch mọi khái niệm hiểu biết trong đầu, tự thẳng vào chứng nghiệm mới thầm thông. À! Thì ra, Nó suốt tột xưa nay, luôn luôn hiện tiền sáng rỡ không thời gian! Còn nghi ngờ gì nữa?
VIII. TÓM KẾT
Thiền, chính ở Tâm người, không thể tìm ở đâu khác, đây là điều xác quyết rõ ràng lần nữa cho mọi người tin chắc không nghi ngờ. Vào thiền thì phải “sáng tâm, tỏ tánh” thôi, ngoài tâm tánh đi tìm thiền là quay lưng với thiền.
Vượt qua mọi ngôn ngữ ước định, mọi khái niệm hiểu biết theo lối mòn, xoay lại chính mình là YẾU CHỈ VÀO ĐẠO. Thiền vốn không cửa, nhưng người vượt qua cửa thì thấu được thiền. Đây là điểm đặc biệt không thể lý luận bằng lời.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Trí Cự hiệu Khương Tuệ ở Tào Sơn:
- Người xưa nói “Nếu ghi nhớ một câu, nhiều kiếp làm cáo tinh”, chưa biết ý chỉ của người xưa thế nào?
Sư đáp:
- Nhà tăng Long Tuyền chưa từng khoá.
Ông tăng dẫn lời người xưa, ý nhắn nhủ cho người học đạo: Nếu cứ lo đuổi theo câu chữ, ghi nhớ những lời chết là mê mờ, vậy phải làm sao để có sức sống thật? Tuy nhiên ông tăng cũng không thoát được cái lưới của người xưa: vẫn nhắc lại lời ấy. Thiền sư Khương Tuệ thì nhắm thẳng vào sức sống đang hiện hữu buông một câu, toàn thể lộ bày: nhà tăng xưa nay cửa chưa từng khóa, vậy sao cứ đứng bên ngoài mà hỏi mãi? Nếu hay một niệm quên duyên thẳng vào, mới rõ vốn ở trong ấy từ lâu, cũng không thật có ra vào. Kỵ nhất là chần chừ do dự. Vừa cúi đầu trầm ngâm tức thân ở tại quê người rồi. Nếu còn hỏi lại tại sao thì mây đen phủ kín.
Xưa nay sẵn đó vốn sờ sờ,
Nào có trong ngoài để mở vô!
Một niệm quên duyên không chỗ bám,
Giật mình trong ấy tự bao giờ!