headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tâm hạnh Từ Bi Hỷ Xả

chutieu2HT Thích Thanh Từ 

Hầu hết Phật tử ai cũng biết mình tu theo đạo Phật là đạo từ bi, nhưng chưa biết thế nào là Từ thế nào là Bi. Theo chữ Hán giải nghĩa thì từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Vậy ban vui cứu khổ là làm sao ?

Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, còn tình thương hoàn toàn vị kỷ gọi là ái kiến. Nhớ, cũng tình thương mà một bên là từ bi, một bên là ái kiến. Từ bi là nhân đưa con người tới an vui giải thoát. Ái kiến là nhân trói buộc con người con người đưa con người tới trầm luân sanh tử.

Tôi xin hỏi tất cả quý vị có mặt ở đây , các vị có tâm từ bi ?

- Chắc ai cũng có tình thương hết nhưng tình thương đó không biết vị tha hay vị kỷ. Nhất là các bà tình thương dồi dào lắm. Khi xem cải lương hay chiếu bóng thấy người trong phim hoạn nạn thì khóc lu bu. Thương người hoạn nạn đó có phải từ bi? – Dường như là từ bi , nhưng không phải. Hầu hết chúng ta ai cũng có tình thương, nhưng tình thương vị kỷ nhiều hơn là vị tha. Thậm chí ở trong đạo mà tình thương vị kỷ vẫn còn!

Bây giờ tôi giản trạch cho quý vị hiểu thế nào là tình thương vị kỷ, thế nào là tình thương vị tha. Tình thương vị kỷ là thương người nhưng vì mình mà thương. Còn tình thương vị tha không phải vì mình mà vì người mà thương .

Ví dụ: Một phật tử lớn tuổi đi đường xách giỏ nặng , có đứa trẻ cũng đi trên đường xách dùm cái giỏ về tới tận nhà không lây tiền công . Phật tử đó nói đứa trẻ dễ thương quá! – Tại sao nó dễ xương ? Vì nó xách dùm mình cái giỏ nặng mà không đòi tiền công , nên mình thương. Nếu mình đang xách giỏ nặng mà nó gởi thêm món gì nặng khoảng một ký nữa thì chắc là dễ ghét. Như vậy chúng ta thương người vì người làm lợi cho mình nên mình thương. Có những người rất chân chính ngay thẳng mà họ không làm lợi cho mình thì mình không thương. Ví dụ Phật tử buôn bán mỗi năm phải đóng thuế năm ngàn. Đến kỳ đóng thuế, nhân viên thuế vụ thâu đúng năm ngàn theo luật định không bớt đồng nào thì chú ấy không dễ thương. Người làm đúng luật mà không có lợi cho mình thì mình không thương. Ngược lại người làm lợi cho mình mà sai luật mình vẫn thương. Như vậy, chúng ta đặt tình thương trên bản ngã ích kỷ của mình. Tình thương nầy rất hạn hẹp và trói buộc. Gần nhất là vợ chồng thương nhau cũng là loại tình thương ích kỷ trói buộc.

Xưa lúc Phật còn tại thế, một hôm có người ngoại đạo hỏi:

- Cô Đàm, ái là khổ đau hay hạnh phúc ?

Phật đáp:

- Ái là gốc của khổ đau.

Người ngoại đạo nghe Phật đáp lắc đầu không chấp thuận. Câu nói nầy của Phật đồn tới tai vua Ba Tư Nặc. Vua gọi vợ là phu nhân Mạt Lỵ, nói:

- Ngài Cô Đàm nói ái là gốc của khổ đau, trẫm không đồng ý. Như trẫm thương khanh , thương con và thương thần dân là khổ sao?

Phu nhân Mạt Lỵ đã quy y với Phật hiểu đạo lý, bà đáp:

Xin bệ hạ nghĩ, hiện giờ bệ hạ thương thiếp. Giả sử thiếp thương một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ làm gì?

- Sẽ giết.

Như vậy, mình thương người mà người không thương, lại thương người khác thì giết, không phải gốc khổ là gì? Tình thương đó vì mình hay vì ai? – Vì mình nên mất cái mình thích, liền nổi giận. Thương đó không phải tình thương vị tha mà là vị kỷ nên khổ.

Lại một hôm vua Ba Tư Nặc đến hỏi Phật:

- Nghe Thế Tôn nói ái là gốc khổ đau, con chưa hiểu điều đó, xin Thế Tôn giảng dạy.

Phật đáp bằng câu hỏi:

- Ví như dân trong nước có một vùng xảy ra tai nạn chết hết năm mười người. Đại Vương nghe tin có đau khổ lắm không?

- Con thương chớ không khổ đau lắm.

Phật hỏi tiếp:

- Bây giờ giả sử công chúa con Đại Vương chết, Đại Vương thấy thế nào?

- Con rất đau khổ.

- Tại sao dạn chết năm mười người mà Đại Vương không khổ, chỉ một công chúa chết mà Đại Vương lại khổ?

Vua trả lời không được.

Thường dân chết năm mười người nhà vua chỉ thương chút thôi mà không khổ. Vì đối với dân nhà vua không có ái nên không khổ, còn đối với công chúa nhà vua có ái nên có khổ. Vậy quí vị có thấy ái là gốc của khổ đau chưa?- Dạ thấy. Đức Phật nói sanh tử trong mười hai nhân duyên, đầu mối là vô minh. Trong đời sống hiện tại, ái và thủ là tên khác của vô minh đưa con người tới sanh tử luân hồi . Vậy ái là gốc của luân hồi . Tất cả chúng ta có ái không? – Có. Muốn hiểu rõ từ bi chúng ta phải hiểu rành ái và từ bi khác nhau chỗ nào.

Từ bi là vì người khổ mà thương, thương không cột ràng. Ví dụ thấy người mù, người bịnh phong nghéo đói đi xin ăn, quí vị thương người tật nguyền giúp họ năm ba trăm cho đỡ khổ. Về sau nghe họ chết, tuy có cảm thương nhưng không khổ. Vì đó là lòng từ bi vị tha không trói buộc. Còn nếu con cháu trong nhà chết, quí vị than khóc xỉu lên xỉu xuống, có người muốn tự tử chết theo nữa. Vì tình thương này là ái, có trói buộc. Ai càng nặng thì khổ càng nhiều.

Lại có trường hợp ái người ta mà không được như ý thì trở thàng sân hận thù hằn. Chẳng hạn trong tình thương vợ chồng, nếu chồng hay vợ thay đổi tình cảm họ có thể giết nhau. Như vậy thương mà giết hại thì có thật thương không? Nếu thật thương thì đâu nỡ hại, mà hại thì đâu thật thương! Đây là tình thương của ích kỷ. Vì thương ích kỷ cho nên hại nhau. Do đó nói thương hại là vậy. Nếu thương vị tha không trói buộc thì không hại ai. Thấy người nghèo khổ thương, giúp là giúp, không bắt họ làm cái gì cho mình hết, họ không cần nữa là thôi không giúp. Họ đến với mình cũng được, họ đến với ai cũng tốt. Vì đây là lòng thương của từ bi vừa rộng rãi bao la, vừa làm cho người bớt khổ. Thương mà hết khổ, còn ái thì xiết chặt, nên ái nhiều là khổ nhiều.

Lại có những viêc làm thoáng thấy như từ bi, nhưng lại vị kỷ. Ví dụ thấy người đói rét hoạn nạn thương giúp đỡ họ, nhưng lại nghĩ mình giúp họ mai kia họ sẽ đền ơn lại. Trường hợp này không phải là từ bi. Lại có nhiều người có tâm tốt thấy người tật nguyền ăn xin, sẵn sàng đem tiền giúp đỡ, nghĩ giúp đỡ cho có phước sau này mình hưởng. Trường hợp này chưa thật là từ bi. Vì cho mà có hậu ý trông mong lợi cho mình về sau. Từ bi là thương giúp người mà không chút trông mong người đền trả, không mong lợi cho mình mai sau. Tâm từ bi như thế mới rộng lớn thênh thang.

Ngày xưa tôi có viết một bài đăng báo Từ Quang tựa là "Nhân hoa mà quả cỏ". Mới nghe qua ai cũng ngạc nhiên hết. Câu chuyện này có liên hệ đến từ bi và ái mà chúng ta đang nói.

Năm đó tôi bịnh, lên Bảo Lộc cất một cái am vừa tu vừa dưỡng bịnh. Lúc đó có mấy người tới thăm, tặng tôi những hột hoa Đà Lạt để trồng. Vì thất tôi mới cất thấy cũng quạnh hiu, trồng hoa cho nó tươi đẹp. Tôi nhận hột hoa, xới một khoảng đất, rải hột, hằng ngày tưới nước đều đặn. Khoảng một tuần thấy nó lên lấm tấm, tôi nghĩ mầm hoa mạnh. Tiếp tục tưới, khoảng nữa tháng sau tôi nhìn kỹ thấy toàn cỏ, không có cây hoa nào cả. Tôi thắc mắc, rõ ràng mình rải hột hoa sao lại lên cỏ? Tôi truy nguyên ra mới thấy mấy đàn kiến bò vô liếp đất tha hết hột hoa đi rồi mà tôi không hay, cứ tưới nước nên cỏ nó lên.

Sở dĩ tôi viết bài "Nhân hoa quả cỏ" là vì ngày xưa có một người đến than với tôi rằng:

"Gia đình em chồng con chết hết để lại mấy đứa cháu, con đem về nuôi cho ăn học, nhưng khi lớn khôn sao nó không thương con mà có vẻ phản bội lại."

Bà lại thắc mắc tại sao chúng con làm việc tốt như vậy mà kết quả không được tốt. Sau đó tôi tìm hiểu qua mấy đứa cháu thì nó kể:

"Thực ra tui con nhờ bác nuôi, nhưng nuôi thì nuôi vậy. Mỗi sáng đi học, con bác thì bác cho hai đồng, tụi con thì một đồng, những việc nặng khó khăn thì bác giao cho tụi con làm, việc nhẹ thì để dành cho con bác. Cho tới đi chơi hay cái gì bác cũng giành ưu tiên cho con bác, tụi con chỉ được một phần nhỏ thôi."

Hồi nhỏ cha mẹ nó chết, nó bơ vơ được bác đem về nuôi thì nó rất mừng, khi lớn lên nó thấy tình thương của bác không thật, nuôi nó như nuôi đầy tớ, nên nó không thương mà còn như phản lại. Quí vị đừng tưởng mình thương đem cháu về nuôi, nó lớn lên nó phải thương mình, nhưng khi lớn lên chẳng những nó không thương mà còn muốn phản nữa là tại sao?

Việc này giống như tôi gieo hột hoa, đinh ninh sẽ lên cây hoa, chỉ cặm cụi tưới thôi, mà không canh chừng kiến tha hột hoa đi. Cũng vậy, người này nuôi cháu nghĩ mình có công nuôi là có ơn với nó rồi, mà không coi lại tình thương của mình đối với nó có đúng với tình thương của cha mẹ đối với con hay không, hay mình vẫn thấy nó là cháu gượng nuôi để nhờ. Chính vì gượng nuôi để nhờ nên nó không biết ơn. Cái thương này chưa thật là thương, vì nuôi mà đòi hỏi nó phải trả lại cho mình bằng công sức và xử sự với nó không công bằng. Còn thấy con cháu cách biệt quá, nên mất hết tình thương. Nếu con và cháu mà mình đối xử như nhau thì nó mới kính thương.

Chúng ta bắt đầu giúp người bằng tình thương, nếu không khéo nhìn kỹ, lâu ngày bị lệch mà không hay. Cái gì làm cho lệch? - Cái ích kỷ của bản ngã khiến cho cái của ta thì ưu việt sung túc hơn, cái không thuộc về ta thì đặt ở phần kém. Đó là tình thương không phải từ bi mà là thứ tình thương có xen lẫn ích kỷ của bản ngã. Nếu có bản ngã dự vào thì tình thương thể hiện qua việc làm trước sau cũng vị ngã. Còn tình thương do từ bi thì không ích kỷ; thương người, giúp cho người được an vui mà không mong cầu đòi hỏi cái gì hết.

[ Quay lại ]