Tám quyển sách quý - Quyển 3 : LUÂN HỒI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 27 Tháng mười một 2012 13:17
HT Thích Thiện Hoa
I.- ĐỊNH NGHĨA
Luân hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara (lưu chuyển). Theo chữ Hán thì luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống của chúng sinh trong sáu cõi (lục đạo) và sự tiếp nối sinh tử, tử sinh không cùng tận trong sáu cõi ấy. Luân hồi hay Samsara là một danh từ, một hình ảnh do Phật đặt ra, nhưng cái nội dung của nó là một sự thật, một trạng thái có thật trong cõi đời, có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là một lý thuyết xây dựng trong không tưởng. Khi chúng ta đã chứng nghiệm được luật nhân quả trong vũ trụ, thì chúng ta cũng phải công nhận sự luân hồi, luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.
II.- DẪN CHỨNG SỰ LUÂN HỒI TRONG MỌI SỰ VẬT
Trong vũ trụ, tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến vật lớn như quả địa cầu, không vật nào chẳng luân hồi.
1.- Đất luân hồi:
Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nặn làm thành cái bình. Trải qua một thời gian, cái bình sẽ bị bể nát, tan thành cát bụi và trở về lại trạng thái đất cát. Đất cát này làm thức ăn cho cây cỏ, cây cỏ hoặc tàn lụi sau một thời gian để trở thành phân bón hay đất cát, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Động vật ăn cây cỏ này vào hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất hoặc biến thành máu huyết da thịt, để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao nhiêu lần thay hình đổi dạng, vì nhân duyên này hoặc nhân duyên khác, nhưng đất cát, nó cũng lại trở thành đất cát sau một thời gian, sau một vòng luân chuyển dài hay ngắn.
2.- Nước luân hồi:
Nước ở biển bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi, hơi bay lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây, mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đông lại thành băng thành giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra nước trở lại. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước. Hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ luân hồi mà thôi.
3.- Gió luân hồi:
Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, dãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống, để bù vào khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió lớn, xê dịch nhanh nữa thì thành bão. Gió có khi hiu hiu, khi thoang thoảng, khi hây hẩy, khi ào ào, khi cuồn cuộn, nhưng bản chất của nó bao giờ cũng là sự rung dộng của không khí.
4.- Lửa luân hồi:
Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta chẳng thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt cháy hai thanh củi này một phần hóa thành trong than, một phần biến thành thán khí. những cây khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thái tiềm phục, khi thì ở trạng thái hiện thành lửa. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng thái tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ luân hồi qua những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.
5.- Cảnh giới luân hồi:
Trong kinh Phật thường chép: "Thế giới nhiều như cát sông Hằng". Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới, và mỗi thế giới ấy đều không thoát ra ngoài định luật chung là thành, trụ, hoại, không. Mỗi phút giây nào cũng có những sự sanh diệt của thế giới. Thế giới này tan đi, thì một thế khác nhóm lên, như một làn sóng mất đi, thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân quả, tiếp nối nhau, luân hồi không bao giờ dứt.
6.- Thân người luân hồi:
Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có là: đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng dẻo như da, thịt, gân, xương là thuộc về đất; những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt là thuộc về nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về gió; hơi nóng trong người là thuộc về lửa. Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân hồi, thì thân người do tứ đại mà có, cũng phải luân hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió. Rồi bốn chất này tùy theo nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người đến khi chết, bốn chất đó cũng trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành thân người, lúc làm thân súc sinh, năm nay tụ họp ở đây, sang năm đã dời nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn mà là luân hồi.
Nhà học giả có tiếng của Trung Quốc là ông Lương Khải Siêu trong khi nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ, ông có nói: "... Con người luôn luôn, trong từng phút từng giây, đều ở trong luân hồi, bất quá hoặc mau hoặc chậm. Chậm thì gọi là sanh diệt, hoặc biến dị, còn mau thì gọi là luân hồi (luân hồi chẳng qua cũng là một hình thức trong các loại biến dị). Xem như xác thân chúng ta, biến hóa không ngừng, không đầy một tuần cũng có thể hóa ra đất đai, bụi bặm bên đường".
7.- Tinh thần luân hồi:
Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại còn có phần tâm linh nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Đó là gồm tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: thọ, tưởng, hành, thức.
Phần thể xác gồm tứ đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân hồi, thì tâm hay tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển, xoay vần mà thôi.
Như trong chương II đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho mỗi chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lốt này, khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh giới này, khi vào cảnh giới khác, quay lộn, trôi lăn trong lục đạo (sáu đường), mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.
Những sự lên xuống, trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi, sáu đường ấy không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lý, mà trái lại, nó chìu theo, khuôn theo một cái luật chung, đó là luật nhân quả.
Dưới đây chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề ấy một cách rõ ràng hơn.
III.- LUÂN HỒI THEO NHÂN QUẢ
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chỗ đó thọ quả báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, đen đúa, hoặc tàn tật, khi thăng khi giáng, lúc bỗng lúc trầm...
Sanh ở một cảnh nào, không phải sẽ ở luôn cảnh giới ấy. Nhân có hạn thì quả cũng có chừng. Như người nắm trái banh liệng lên hư không, khi trái banh đi hết cái sức của nó, tất sẽ rơi xuống đất lại. Chúng sinh ở cõi trời, hay cõi súc sanh, địa ngục cũng thế, hễ nghiệp quả hết thì nghiệp nhân bắt đầu trở lại. Trong khi hưởng quả tốt, nếu không gấp rút tiếp tục gây nhân lành thì đời sau chắc sẽ không còn ở trong cảnh giới tốt đẹp nữa. Cho nên vấn đề chính là phải luôn luôn cố gắng vượt lên mình, nếu muốn mình được vươn lên cao hơn cảnh giới hiện tại. Một điều mà chúng ta không bao giờ nên quên là: mỗi chúng sinh là một tay thợ tự xây dựng đời mình trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Dưới đây là những cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào tùy theo nghiệp nhân mà mình đã tạo.
IV- NHÂN QUẢ LUÂN HỒI TRONG SÁU CÕI PHÀM
1.- Địa ngục:
Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.
2.- Ngạ quỉ:
Tạo nhơn tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí giúp đỡ người. Trái lại, còn mưu sâu kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết luân hồi làm ngạ quỉ.
3.- Súc sinh:
Tạo nhân si mê, sa đọa, theo thất tình lục dục, tửu, tài, sắc, khí, không xét hay dở, tốt xấu, chết trồi luân hồi làm súc sinh.
4.- A tu la:
Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân hồi làm A tu la, gặp vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
5.- Loài người:
a. Biết giữ gìn lòng nhân từ, không sát nhân hại vật, không làm những điều đau khổ cho người.
b. Không tham lam trộm cướp tiền của, từ vật lớn như ngọc, ngà, châu báu đến vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
c. Không trêu hoa ghẹo nguyệt, dâm loạn vợ con, phá hoại gia cang của người.
d. Không nói lời dối trá, xảo quyệt, thêm bớt, đâm thọc, không nói lời cộc cằn, thô tục.
e. Không rượu trà say sưa, không làm những điều lầm lỗi. Tu nhân ngũ giới như vậy, đời sau sẽ luân hồi trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật
6.- Cõi trời:
Bỏ mười điều ác: không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, tà dâm, không nói lời đâm thọc, hung ác, dối trá, thêu dệt, không tham dục, giận hờn và si mê. Trái lại, còn làm mười điều lành là: phóng sinh, bố thí, giữ hạnh trinh tiết, nói lời chắc chắn, đúng lý và nhu hòa, trau giồi đức hỷ xả, từ bi và trí huệ. Tu nhơn thập thiện như vậy, thì sau khi chết được sanh lên cõi trời, nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sinh tử Luân hồi.
Muốn thoát ra ngoài cảnh sinh tử luân hồi và đến bốn cõi thánh thì phải tu nhân giải thoát.
Tin mới
- Tám quyển sách quý - Quyển 4 : DIỆT ĐẾ (Nirodha Dukkha) - 29/01/2013 13:05
- Tám quyển sách quý - Quyển 4 :TẬP ĐẾ (Sameda Dukkha) - 15/01/2013 13:51
- Tám quyển sách quý - Quyển 4 : KHỔ ĐẾ (Dukkha) - 02/01/2013 15:30
- Tám quyển sách quý - Quyển 4 : KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ TỨ DIỆU ĐẾ (Ariya Saccani) - 20/12/2012 13:22
- Tám quyển sách quý - Quyển 3 : GIẢI ĐÁP NHỮNG THẮC MẮC NGHI VẤN VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ LUÂN HỒI - 10/12/2012 14:17
Các tin khác
- Tám quyển sách quý - Quyển 3 : NGHIỆP - 13/11/2012 12:55
- Tám quyển sách quý - Quyển 3: LUẬT NHÂN QUẢ - 01/11/2012 13:37
- Tám quyển sách quý - Quyển 2: KẾT QUẢ TỐT ĐẸP CỦA NGƯỜI DƯỠNG TÁNH: TỰ GIẢI THOÁT - 23/10/2012 14:26
- Tám quyển sách quý - Quyển 2: KIÊN CHÍ - 14/10/2012 13:28
- Tám quyển sách quý - Quyển 2: TINH TẤN - 06/10/2012 14:33