headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

TV Thường Chiếu


ĐIỂM QUA 33 NĂM THƯỜNG CHIẾU

Thiền Viện Thường Chiếu ra đời đánh dấu một giai đoạn chuyển mình của thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20. Hòa thượng Viện Trưởng thượng Thanh hạ Từ sáng lập, hiện nay vị đệ tử lớn của ngài là Hòa thượng Thích Nhật Quang làm Trụ trì. Trước khi trở thành trung tâm truyền bá thiền tông như ngày hôm nay, Thường Chiếu đã trải qua những chặng đường khó khăn, từng bước trở mình và vươn lên với những cố gắng và chịu đựng gian nan.

 Năm 1974 Hòa thượng Viện trưởng nhận 52 mẫu đất cúng dường của hai vợ chồng ông Ba chủ chùa Linh Quang, Ngài cho dựng một ngôi chùa lá đơn sơ. Năm 1975 thiền viện Thường Chiếu chính thức ra đời. Về sau Hòa thượng chia đất canh tác cho Tăng Ni từ các nơi về, vì vậy nội viện Thường Chiếu chỉ còn khoảng trên 10 mẫu. Tổng số chúng là 4 vị. Thời gian này cuộc sống rất khó khăn, chư tăng tận lực lao động, mồ hôi tưới đẩm trên đồng hoang, đêm ngày sống trong mưa dầm nắng dội. Áp dụng theo thanh quy của Tổ Bá Trượng “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Có thể nói từ 1975 đến 1986 là “chặng đường kinh tế tự túc” của thiền viện, thiền tăng rất kham khổ mà cũng rất hào hùng.

 Từ năm 1986 đến 1999 là giai đoạn xây dựng. Bởi vì khi xuống núi, thiền viện chỉ có vài mái tranh đơn sơ, vách đất trộn rơm rạ. Hơn mười năm sau, tất cả đều cũ mục, phải sửa sang lại. Giai đoạn này thử thách ý chí và bầu nhiệt huyết tu hành của thiền sinh nhiều nhất. Chư tăng vất vả vô cùng, vừa lao động ruộng vườn để lo kế sinh nhai, vừa phải kiến thiết xây dựng. Hòa thượng Ân sư luôn sách tấn nhắc nhở “Dù gặp bất cứ hoàn cảnh ra sao, thiền sinh cũng phải lấy việc tu làm hơi thở của mình”. Ngài cho xây lên mấy cái thất để anh em thay phiên nhập thất, chấn chỉnh nội lực sau những năm tháng quá cơ cực nhọc nhằn. Thiền sinh Thường Chiếu sống theo phương châm “Lao động như ăn cơm, học Phật pháp như uống nước, tu hành như hơi thở”. Đây chính là chất liệu quý báu tạo nên những con người Thường Chiếu năm xưa và hôm nay. Ở “chặng đường kinh tế xây dựng” này, tổng số thiền sinh tăng lên 20 vị.

 Để lập lại môn phong, Hòa thượng Viện trưởng đã sửa đổi bản Thanh qui Chân Không, cho ra đời bản Qui ước áp dụng chung cho các thiền viện. Tinh thần tu, học và lao động tuy phôi thai nhưng đã gầy dựng được một sức sống mới trong tăng đoàn. Sức sống ấy đã được thiền tăng chuyển tải trên đồng khô ruộng cạn, trên từng nhát cuốc đường cày, lúc đẩy xe kéo củi, khi đào giếng vét mương… khắp trong anh em, đâu đâu cũng hùng hồn vang vọng như một hành khúc:

                                Một ngày không làm là một ngày không ăn,
                                Có đâu chỉ ngồi mới là thiền tăng,
                                Trâu đen rồi đây sẽ là trâu trắng,
                                Chẳng phí đi kiếp người mới là thiền tăng.

 Từ năm 1999 cho đến nay, Thường Chiếu mỗi ngày mỗi đổi mới. Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Tăng đường, Trai đường, Khách đường, Chung Lâu, Cổ Lâu, La Hán đường, Phương trượng, Thư viện, Tông Môn tàng thư và một hệ thống trên 20 thiền thất với tổng số thiền tăng lên đến hơn 200 vị, tạo thành một Thường Chiếu uy nghiêm, mạnh mẽ, trầm hùng nhất từ trước đến nay. Thiền viện trở thành trung tâm hoằng truyền thiền tông Việt Nam của Hòa thượng Ân sư vào đầu thế kỷ 21 với tinh thần tiến thẳng vào thiền tông, lấy “trực chỉ nhân tâm” làm chỗ thú hướng cho hành giả nhận và sống lại với chính mình.

 Ngài dạy: Là tu sĩ, ai cũng khát khao được học chánh pháp, được có nơi an ổn tu hành. Thường Chiếu hiện giờ có đủ hai yếu tố này, tăng chúng không còn chần chờ lo ngại gì nữa, nên hạ quyết tâm tu cho sáng đạo mới mãn nguyện của mình và khỏi hổ thẹn một đời tăng sĩ. Vì thế ngài đặt giai đoạn này là “chặng đường chuyên tu”.

 Hòa thượng Nhật Quang, Trụ trì thiền viện Thường Chiếu nói: “Thường Chiếu! Tự bản thân hai chữ ấy đã như một lời răn nhắc chư tăng phải biết việc bổn phận của mình. Tất cả một đời của Hòa thượng Ân sư đã cống hiến hết cho Tăng Ni, không còn tấm lòng nào hơn thế nữa. Thập phương tín thí cũng đã hy sinh biết bao công của. Tiền nhân đã uỷ thác, hậu lai đang trông chờ. Chúng ta có thể ngồi yên nhìn đời mình trôi qua được sao? Chúng ta có thể mặc tình lơ đễnh để cho sự nghiệp khôi phục thiền tông Việt Nam của Hòa thượng Ân sư vụn vỡ tan hoang được sao? Mọi điều ấy phải được trả lời bằng tất cả tuỷ não cân xương của những con người dám buông tay bên bờ vực tử sinh, trước khi hoàn lại cố hương.

Được vậy thì Thường Chiếu muôn đời vẫn chiếu soi”.

[ Quay lại ]