TẮC 8: THÚY NHAM LÔNG MÀY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 03 Tháng mười hai 2008 09:26
- Viết bởi nguyen
LỜI DẪN: Hội thì trên đường thọ dụng, như rồng được nước, tợ cọp tựa núi. Chẳng hội thì thế đế lưu bố, dê đực chạm rào, ôm cây đợi thỏ. Có khi một câu như sư tử ngồi xổm, có khi một câu như Bảo kiếm Kim Cang Vương, có khi một câu ngồi cắt đứt đầu lưỡi người trong thiên hạ, có khi một câu theo mòi đuổi sóng.
Nếu là trên đường thọ dụng thì gặp tri âm, biện cơ nghi, biết lỗi lầm, cùng nhau chứng minh. Nếu là thế đế lưu bố, đủ một con mắt, khả dĩ ngồi dứt mười phương, vách đứng ngàn nhẫn. Vì thế nói đại dụng hiện tiền chẳng còn phép tắc. Có khi đem một cọng cỏ làm thân vàng trượng sáu, có khi đem thân vàng trượng sáu làm cọng cỏ. Hãy nói bằng vào đạo lý nào ? Lại rõ biết chăng ? Thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Thúy Nham cuối hạ dạy chúng: Từ đầu hạ đến nay vì huynh đệ thuyết thoại, xem Thúy Nham lông mày còn chăng ? Bảo Phước nói: Làm cướp biết cướp. Trường Khánh nói: Sanh vậy. Vân Môn nói: Quan.
GIẢI THÍCH: Cổ nhân có sớm tham chiều thỉnh, Thúy Nham đến cuối hạ lại dạy chúng thế ấy, song quả thật cao vót, quả thật rung trời động đất. Cả Đại tạng kinh 5048 quyển chẳng khỏi nói tâm nói tánh, nói đốn nói tiệm, lại có tin tức này chăng ? Hàng nhất đẳng là thời tiết ấy. Thúy Nham thật là kỳ đặc, xem Sư nói thế, thử nói ý Sư rơi tại chỗ nào ? Cổ nhân buông một lưỡi câu, trọn chẳng dối bày, phải có đạo lý vì người. Đa số người hiểu lầm nói: Thanh thiên bạch nhật nói lời không nhằm hiện tại, vô sự sanh sự, cuối hạ trước tự nói lỗi, trước tự kiểm điểm, để khỏi người khác kiểm điểm. Thật đáng tức cười không dính dáng. Loại kiến giải này gọi là diệt chủng tộc nhà Phật. Nhiều đời Tông sư khi mở hội, nếu chẳng dạy bảo cho người trọn không lợi ích, mong làm cái gì ? Đến trong ấy nhìn được thấu, mới biết cổ nhân có cái thuật đoạt trâu người cày, cướp cơm người đói. Người nay hỏi đến liền nhằm trong ngôn cú gặm nhấm, trên lông mày làm kế sống. Thấy người trong thất kia tự nhiên biết chỗ đi của họ, thiên biến vạn hóa gút mắc khó khăn rõ ràng có con đường xuất thân, mới hay vì người đối đáp như thế.
Lời nói này nếu không kỳ đặc thì ba vị Vân Môn, Bảo Phước, Trường Khánh đua nhau thù xướng làm gì ? Bảo Phước nói: Làm cướp biết cướp. Nhân câu này gợi lên nhiều thứ tình giải. Thử nói ý Bảo Phước thế nào ? Tối kỵ nằm trong câu tìm cổ nhân. Ông nếu sanh tình khởi niệm thì móc tròng con mắt của ông. Đâu không biết Bảo Phước hạ một chuyển ngữ là chặt đứt gót chân Thúy Nham. Trường Khánh nói: Sanh vậy. Nhiều người bảo Trường Khánh đi theo gót chân Thúy Nham, vì thế nói sanh vậy. Vẫn không dính dáng. Không biết Trường Khánh tự xuất kiến giải của mình, nói sanh vậy. Mỗi người có một chỗ xuất thân. Tôi hỏi ông chỗ nào là chỗ sanh ? Là hàng tác gia, cây bảo kiếm Kim Cang Vương trước mặt thẳng đó liền dùng. Nếu người đập tan kiến giải tầm thường, chặt đứt mọi được mất phải quấy, mới thấy được chỗ thù xướng của Trường Khánh. Vân Môn nói Quan, quả là kỳ đặc, song khó tham cứu. Đại sư Vân Môn phần nhiều dùng “Nhất tự thiền” dạy người. Tuy trong một chữ phải đủ ba câu. Xem cổ nhân lâm cơ thù xướng một cách tự nhiên, so với người thời nay khác xa về hình thức câu nói. Cổ nhân tuy nói như thế, ý quyết không ở trong ấy. Đã không ở trong ấy, hãy nói ở chỗ nào ? Cần phải chín chắn tự tham cứu mới được. Nếu là người mắt sáng có kỹ thuật chiếu thiên chiếu địa, liền đó tám mặt linh lung, Tuyết Đậu dùng một chữ Quan hòa cùng ba cái kia xỏ làm một xâu tụng ra:
TỤNG: Thúy Nham thị đồ
Thiên cổ vô đối,
Quan tự tương thù
Thất tiền tao tội.
Lảo đảo Bảo Phước
Ức dương nan đắc,
Lao lao Thúy Nham
Phân minh thị tặc.
Bạch khuê vô điếm
Thùy biện chân giả,
Trường Khánh tương am
Mi mao sanh dã.
DỊCH: Thúy Nham dạy chúng
Ngàn xưa không đối,
Chữ Quan đáp nhau
Mất tiền tạo tội.
Bảo Phước gian nan
Đè nâng khó được,
Thúy Nham nói nhiều
Rõ ràng là cướp.
Bạch khuê không tỳ
Ai biện chân giả,
Trường Khánh hiểu nhau
Lông mày sanh vậy.
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu nếu chẳng từ bi tụng ra cho người thấy thì đâu được gọi là Thiện tri thức. Cổ nhân như thế, mỗi mỗi đều là việc bất đắc dĩ làm ra. Kẻ hậu học bám vào ngôn cú của người, chuyển sanh tình giải, do đó chẳng thấy được ý chỉ cổ nhân.
Như hiện nay có người lật ngược giường thiền, hét tan đại chúng, quở y chẳng được, tuy nhiên như thế phải thật đến chỗ đất này mới được. Tuyết Đậu nói: “Ngàn xưa không đối”, chỉ nói xem lông mày Thúy Nham còn chăng ? Có chỗ nào kỳ đặc mà ngàn xưa không đối ? Phải biết cổ nhân nhả một lời nửa câu chẳng phải tầm thường, cần phải có con mắt định càn khôn mới được.
Tuyết Đậu đặt một lời nửa câu như bảo kiếm Kim Cang Vương, như sư tử ngồi xổm, như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp. Nếu chẳng phải là người đủ con mắt ở đảnh môn thì không thể thấy chỗ rơi của cổ nhân. Lời dạy chúng này hẳn là ngàn xưa không đối, còn hơn gậy của Đức Sơn, hét của Lâm Tế. Thử nói Tuyết Đậu vì người, ý tại chỗ nào ? Ông làm sao hiểu Tuyết Đậu nói ngàn xưa không đối ? “Chữ Quan đáp nhau, mất tiền tạo tội”, ý này thế nào ? Dù cho bậc có con mắt thấu quan (cửa), đến trong ấy cũng phải chín chắn mới được. Hãy nói là Thúy Nham mất tiền tạo tội, là Tuyết Đậu mất tiền tạo tội, là Vân Môn mất tiền tạo tội ? Ông nếu thấu được, nhận ông có một con mắt. “Bảo Phước gian nan, đè nâng khó được”, là đè chính mình, nâng cổ nhân. Bảo Phước ở chỗ nào đè, chỗ nào nâng ? “Thúy Nham nói nhiều, rõ ràng là cướp”, hãy nói Sư cướp cái gì mà Tuyết Đậu nói là cướp ? Tối kỵ theo ngữ mạch của người chuyển, đến trong đây phải tự giữ tiết tháo mới được. “Bạch khuê không tỳ”, là tụng Thúy Nham giống như Bạch khuê không có chút tì vết ! “Ai biện chân giả”, có thể nói ít có người biện được. Tuyết Đậu đại tài từ đầu đến cuối quán xuyến hết, rốt sau mới nói “Trường Khánh hiểu nhau, lông mày sanh vậy”. Hãy nói sanh ở chỗ nào ? Để mắt xem gấp !