headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẮC 12: ĐỘNG SƠN BA CÂN GAI

LỜI DẪN: Đao giết người kiếm tha người là phong qui từ thượng cổ, cũng là chỗ khu yếu của hiện nay. Nếu luận về giết thì không chạm đến mảy lông, nếu luận về tha thì tan thân mất mạng. Vì thế nói: “Con đường hướng thượng ngàn Thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng.” Hãy nói đã là chẳng truyền, vì sao lại có rất nhiều công án sắn bìm ? Người đủ mắt sáng thử nói xem !

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ: Thế nào là Phật ? Động Sơn đáp: Ba cân gai.

GIẢI THÍCH: Công án này nhiều người hiểu lầm, hẳn là khó nhai gặm, không có chỗ cho ông mở miệng. Tại sao ? Vì nhạt nhẽo không có mùi vị. Người xưa đã lắm lần đáp câu hỏi Phật, hoặc nói ở trong điện, hoặc nói ba mươi hai tướng, hoặc nói trong rừng dưới núi tre trúc tươi. Động Sơn đáp ba cân gai, quả là cắt đứt đầu lưỡi người xưa. Nhiều người khởi hiểu câu này, khi ấy Động Sơn đang cân gai trong kho, Tăng hỏi nên đáp như thế, hoặc nói Động Sơn hỏi Đông đáp Tây, hoặc nói ông là Phật lại đi hỏi Phật, nên Động Sơn đi quanh đáp cho gã chết. Hoặc nói chỉ ba cân gai này là Phật. Thật hoàn toàn không dính dáng. Nếu ông dưới câu của Động Sơn hiểu như thế, tham vấn đến Phật Di-lặc ra đời cũng chưa mộng thấy. Tại sao ? Vì ngôn ngữ chỉ là món đồ chở đạo. Sao chẳng biết ý của cổ nhân, chỉ chăm vào trong câu tìm cầu có gì chân thật. Người xưa nói: Đạo vốn không lời, nhân lời hiển đạo, thấy đạo phải quên lời. Nếu đến đây trả lại ta cơ đệ nhất mới được. Chỉ câu “ba cân gai” giống như con đường Trường An giở chân lên để chân xuống đều là phải. Câu nói này so với câu “bánh hồ” của Vân Môn cũng đồng một loại, quả là khó hội. Ngũ Tổ tiên sư tụng:

TỤNG:    Tiện mại đảm bản hán

             Thiếp bình ma tam cân

             Thiên bách niên trệ hóa

             Vô xứ trước hồn thân.

DỊCH:    Kẻ hèn gánh bảng bán

             Đo lường ba cân gai

             Trăm ngàn năm mắc kẹt

              Không chỗ để thân an.

Ông chỉ nhồi đập cho tình trần ý tưởng so lường được mất phải quấy một lúc hết sạch, tự nhiên hội được.

TỤNG:   Kim ô cấp ngọc thố tốc

             Thiện ứng hà tằng hữu khinh xúc

              Triển sự đầu cơ kiến Động Sơn

              Ba miết manh qui nhập không cốc.

              Hoa thốc thốc, cẩm thốc thốc

              Nam địa trúc hề Bắc địa mộc

              Nhân tư Trường Khánh Lục Đại phu

              Giải đạo hiệp tiếu bất hiệp khấp

               Di !

DỊCH:    Mặt trời Chóng mặt trăng gấp

             Khéo ứng đâu từng có khinh xúc 

             Triển sự đầu cơ thấy Động Sơn

             Què trạnh, rùa mù vào hang trống.

             Hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm

             Tre đất Nam chừ cây đất Bắc

             Nhân nhớ Trường Khánh Lục Đại phu

             Khéo nói nên cười chẳng nên khóc.

             Chao !

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thấy được thấu nên ngay nơi đầu nói “mặt trời chóng, mặt trăng gấp”, cùng Động Sơn “ba cân gai” không có hai thứ. Mặt trời mọc, mặt trăng lặn, ngày ngày như thế. Người nhiều tình giải chỉ nói mặt trời là con mắt tả, mặt trăng là con mắt hữu, vừa hỏi đến liền trừng mắt nói ở trong đây. Thật không có gì dính dáng. Nếu hiểu thế ấy thì một tông Tổ Đạt-ma mất sạch. Vì thế nói, thả câu bốn biển chỉ câu rồng to, cách ngoại máy huyền vì tầm tri kỷ. Tuyết Đậu là người ra khỏi ấm giới há khởi loại kiến giải này. Tuyết Đậu nhè nhẹ gõ cửa, chọi cây bày hiện chút ít cho ông thấy, liền hạ chú cước nói “khéo ứng đâu từng có khinh xúc”. Động Sơn chẳng dám khinh thường đáp vị Tăng này, như chuông chịu đóng, như hang nhận vang, lớn nhỏ tùy ứng không dám khinh xúc. Tuyết Đậu đồng thời bày hiện tâm can ngũ tạng trình cho các ông rồi. Tuyết Đậu có bài tụng:                     

TỤNG:     Tĩnh Nhi Thiện Ứng

                Đổ diện tương trình

                Long xà dị biện

                Bất tại đa đoan

                Nạp tử nan man.

                Kim chùy ảnh động

                Bảo kiếm quang hàn

                Trực hạ lai dã

                Cấp trước nhãn khan.

DỊCH:      Tĩnh mà khéo ứng

                Thấy mặt trình nhau

                Chẳng tại đa đoan

                Rắn rồng dễ biện

                Thiền tăng khó lừa.

                Chùy vàng bóng động

                Kiếm báu quang hàn

                Ngay đây thẳng lại

                Để mắt chóng xem.

Động Sơn ban đầu đến tham vấn Vân Môn, Vân Môn hỏi: Vừa rời chỗ nào ? Động Sơn thưa: Tra Độ. Vân Môn hỏi: Mùa hạ ở đâu ? Động Sơn thưa: Chùa Báo Từ ở Hồ Nam. Vân Môn hỏi: Rời chỗ kia lúc nào ? Động Sơn thưa: Ngày hai mươi lăm tháng tám. Vân Môn bảo: Tha ông ba gậy, đến nhà tham thiền đi. Chiều lại, Sư vào thất thân cận hỏi: Con lỗi tại chỗ nào ? Vân Môn bảo: Cái túi cơm, Giang Tây Hồ Nam là thế ấy. Động Sơn ngay câu này bỗng nhiên đại ngộ thưa: Con ngày khác đến chỗ không có hơi người, dựng một chiếc am, chẳng chứa một hạt gạo, chẳng trồng một cọng rau, thường tiếp đãi thiện tri thức mười phương qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, lột chiếc mũ thịt mỡ, cổi chiếc áo hôi thúi, khiến mọi người sạch sẽ thong dong, làm một người vô sự. Vân Môn bảo: Thân bằng cây dừa mà mở được cái miệng to thế. Động Sơn liền từ tạ ra đi. Chỗ đương thời Sư ngộ liền đó chóng thoát, há đồng với tiểu kiến. Sau này Sư xuất thế ứng cơ, câu “ba cân gai”, các nơi chỉ hiểu là lời đáp Phật. Như hỏi: thế nào là Phật, đáp: trong rừng dưới núi tre trúc tươi, hoặc đáp: đồng tử Bính Đinh đến xin lửa. Thế là chỉ quản trên chữ Phật làm đạo lý. Tuyết Đậu nói nếu thế ấy khởi triển sự đầu cơ hiểu, giống như “què trạnh rùa mù vào hang trống”, biết ngày tháng năm nào tìm được đường ra. Câu “hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm” đây là vị Tăng hỏi Hòa thượng Trí Môn: Động Sơn nói ba cân gai là ý chỉ thế nào ? Trí Môn đáp: Hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm, hiểu chăng ? Tăng thưa: Chẳng hiểu. Trí Môn nói: Tre đất Nam chừ cây đất Bắc. Vị Tăng trở về thưa lại với Động Sơn. Động Sơn nói: Ta chẳng vì ngươi nói, ta vì đại chúng nói. Liền thượng đường nói: Nói không bày việc, lời chẳng hợp cơ, nương lời là mất, kẹt câu là mê. Tuyết Đậu muốn phá tình kiến người, cố ý dẫn làm nhất quán tụng ra. Người sau lại chuyển sanh tình kiến nói, gai là đồ hiếu phục, trúc là hiếu trượng, nên nói “tre đất Nam chừ cây đất Bắc”. Hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm là trước đầu quan tài vẽ hoa cỏ. Lại biết hổ thẹn chăng ? Đâu chẳng biết “tre đất Nam chừ cây đất Bắc” cùng “ba cân gai” giống như tiếng kêu Cha với Ba vậy. Người xưa đáp một chuyển ngữ quyết là ý chẳng thế ấy. Như Tuyết Đậu nói “mặt trời chóng mặt trăng gấp” đại để là một loại nói rộng ra, chỉ là vàng thau khó biện, tôm tép khó phân. Tuyết Đậu tâm lão bà tha thiết cốt phá nghi tình cho ông, lại dẫn người chết. “Nhân nhớ Trường Khánh Lục Đại phu, khéo nói nên cười chẳng nên khóc.” Nếu luận về tụng của Sư chỉ ba câu đầu đồng thời tụng xong. Ta hỏi ông, trọn vẹn chỉ là ba cân gai, tại sao Tuyết Đậu lại có nhiều sắn bìm ? Chẳng qua vì quá từ bi nên như thế. Lục Hoàn Đại phu làm Quán sát sử ở Tuyên Châu đến tham vấn Nam Tuyền. Khi Nam Tuyền tịch, nghe sắp đi chôn, ông vào chùa tế xong liền cười ha hả. Viện chủ bảo: Tiên sư cùng Đại phu có nghĩa thầy trò sao chẳng khóc ? Đại phu bảo: Nói được thì khóc. Viện chủ lặng câm. Đại phu khóc to nói: Trời xanh ! Trời xanh ! Tiên sư cách đời xa vậy ! Sau này Trường Khánh nghe, bèn nói: Đại phu nên cười chẳng nên khóc. Tuyết Đậu mượn ý này đại để nói, nếu ông khởi loại tình giải này, chính nên cười chớ có khóc. Phải là phải, rốt sau có một chữ thật quái gở, nói “chao”, Tuyết Đậu rửa được sạch chăng ?

[ Quay lại ]